Cảnh sát bắt giữ các sinh viên cố thoát ra khỏi trường đại học Bách Khoa (PolyU) đang bị vây hãm, ngày 18/11/2019.REUTERS/Tyrone Siu Theo thông tin trên mạng xã hội, tất cả các nhóm biểu tình tổ chức theo quận và phường đã gởi những chiến binh tinh nhuệ nhất của mình đến đại học Bách Khoa (PolyU). Chuyên gia François Godement nhận xét : « Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một số lượng đáng kể người biểu tình, và có thể mục tiêu hiện nay của họ là gài bẫy số đang cố thủ ở PolyU, tin rằng trong số đó có những người quyết chiến nhất ». Tựa chính các báo Pháp được dành cho vấn đề xã hội như Le Monde với « Tình trạng lão hóa dân số đã làm đảo lộn xã hội chúng ta như thế nào, Les Echos nhận xét « Cải cách hưu bổng vấp phải bức tường thâm hụt ngân sách », La Croix nói về « Câu chuyện của các sinh viên có cuộc sống bấp bênh ». Libération nhìn sang « Irak, một mùa xuân vào tháng 11 ».<!>
Le Figaro nhấn mạnh « Trung Quốc gia tăng áp lực lên Hồng Kông » với ảnh trang bìa là cảnh sát Hồng Kông đang đàn áp người biểu tình trong màn khói hơi cay. Ở các trang trong, tất cả các nhật báo Paris hôm nay đều dành rất nhiều đất cho cuộc chiến đấu vì tự do dân chủ của người dân Hồng Kông, với các bài phóng sự và phỏng vấn.
Phóng sự của Le Figaro « Cuộc chiến ở PolyU, thành trì của những người nổi dậy Hồng Kông » tả lại cảnh người đấu tranh tẩu thoát khỏi khu vực trường đại học Bách Khoa bị vây hãm mấy ngày nay, như trong phim Lý Tiểu Long.
Cuộc tẩu thoát ấn tượng như trong xi-nê
Chống chọi với những lằn đạn cao su của cảnh sát bay đầy trời trong đêm đen Hồng Kông, những thân hình mảnh khảnh đu dây từ trên cầu vượt một xa lộ, vội vã nhảy xuống mặt đường. Một chiếc xe gắn máy trờ tới, đón người vừa thoát được và biến mất trên xa lộ ngoằn ngoèo giữa những tòa nhà chọc trời ở khu Cửu Long. Nhờ phương cách táo bạo này mà một số sinh viên tối hôm qua, thứ Hai 18/11 đã trốn khỏi đại học Bách Khoa (PolyU) bị cảnh sát bao vây tứ phía. Libération dẫn con số của Apple Daily cho biết có khoảng 100 người trốn thoát bằng cách đu dây, trước khi cảnh sát phát hiện được.
Hàng trăm người biểu tình vẫn còn kẹt bên trong, và từ Chủ nhật 17/11, đã có hơn 400 người bị bắt xung quanh PolyU. Le Monde tả lại, chiều Chủ nhật, những cuộc đụng độ nổ ra khắp nơi. Ngoài hơi cay, vòi rồng, lần đầu tiên cảnh sát sử dụng vũ khí âm thanh LRAD (Long Range Acoustic Device) phát ra tiếng động đinh tai nhức óc, thường chỉ dùng để giải tán đám đông. Trong khi tại trường đại học này, cảnh sát kiểm soát tất cả lối ra vào, nội bất xuất ngoại bất nhập. Các « chiến sĩ xung kích » ở PolyU đã dùng bom xăng bắn cháy được một chiếc xe bọc thép, và giữ được vị trí nhờ phóng hỏa một cổng vào nhà trường, chặn lối cảnh sát.
Chiều qua cảnh sát đe dọa bắn đạn thật, sau đợt tấn công lúc rạng đông. Những người cố thủ đã nổi lửa khắp nơi, dùng cung tên để bảo vệ thành trì. Một mũi tên trúng vào bắp chân một cảnh sát, thế là viên chỉ huy cáo buộc « hành động sát nhân », cảnh cáo không nên « vượt lằn ranh đỏ ».
Tất cả cho tiền tuyến !
Nhưng đến tối, đám đông hàng mấy chục ngàn người sau giờ làm việc đã tập trung ở khu Cửu Long, nhằm đánh lạc hướng để giúp sinh viên chạy trốn.
Họ tiến lên trước những ngọn đèn pha xe cảnh sát, dưới ánh lửa màu cam của bom xăng, trong mùi hơi cay nồng nặc. Đôi khi biển người này kêu la, lùi lại khi cảnh sát quăng lựu đạn cay, bắn đạn cao su và đôi khi xịt vòi rồng vào họ. Nhưng rồi đám đông lại tiến về nơi đang diễn ra trận chiến tối hậu. Trong cảnh hỗn loạn, hình thành những chuỗi người chuyền tay nhau những chiếc dù, chai nước, thực phẩm và vỏ chai bia chứa dầu lửa.
Một cử nhân 23 tuổi nói với phóng viên Le Figaro : « Tất cả những thứ này dành cho tiền tuyến. Tôi thì không đủ can đảm để chiến đấu, nên giúp gì được thì giúp ». Người Hồng Kông như một đàn kiến cần cù, hòa nhã và rất trẻ trung, thách thức chính quyền mà đằng sau là Trung Quốc cộng sản của Tập Cận Bình. Bản thân đám đông này đã vạch trần luận điệu của Bắc Kinh, là chỉ có một nhúm « những kẻ nổi loạn cực đoan », bị cô lập với cư dân Hồng Kông, muốn ly khai với mẫu quốc.
Vây hãm PolyU để truy bắt các chiến sĩ xung kích
Phóng sự của Le Monde « Hồng Kông : Cuộc chiến ác liệt ở PolyU » cho biết thêm, từ sau khi người biểu tình bị đẩy khỏi trường đại học Trung Văn (CUHK) ở Sa Điền (Sha Tin) hôm thứ Sáu 15/11, PolyU đã trở nên thành trì mới của phong trào phản kháng.
Trường này nằm bên cạnh xa lộ (Tolo Highway) và một tuyến đường sắt (Eastern Line) đã bị người biểu tình phong tỏa nhiều ngày. Giá trị chiến lược của PolyU còn ở vị trí ngay lối ra của đường hầm chính trong số ba đường hầm nối đảo Hồng Kông với phần còn lại của đặc khu, rất đông xe cộ qua lại. Lần đầu tiên trong lịch sử, đường hầm trung tâm này bị đóng cửa lâu như thế, từ hôm thứ Tư đến nay.
Theo thông tin trên mạng xã hội, tất cả các nhóm biểu tình tổ chức theo quận và phường đã gởi những chiến binh tinh nhuệ nhất của mình đến PolyU. Một nam sinh viên cho biết : « Nếu PolyU thất thủ, phong trào sẽ bị mất hầu hết các thành viên xung kích ». Một nữ sinh viên thổ lộ với AFP : « Tôi rất sợ rằng nếu thất bại trong trận chiến này, chúng tôi sẽ mất đi cả cuộc cách mạng. Bọn họ muốn nhân dịp này bắt hết những người đấu tranh tích cực nhất ». Tương tự, chuyên gia François Godement nhận xét trên Le Figaro : « Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một số lượng đáng kể người biểu tình, và có thể mục tiêu hiện nay của họ là gài bẫy số đang cố thủ ở PolyU, cho rằng trong số đó có những người quyết chiến nhất ».
Thông điệp tuyệt vọng từ « pháo đài » PolyU
Gerald, một nhân viên 30 tuổi nói với Le Monde, anh đến để tăng viện cho các sinh viên vốn còn quá trẻ, đang đấu tranh cho tất cả mọi người. Cô bé Syrus, 16 tuổi, đang trấn giữ balcon Y ở tiền phương. Nhiệm vụ của cô là mang lại các chai bom xăng càng nhanh càng tốt cho các chiến sĩ chuyên ném « bom », ở phía dưới cách đó vài mét. Các cô gái trong trang phục công sở chỉnh tề bơm gaz vào những chai bia rỗng, ở căng-tin, những người khác nhúng các mũi tên vào một thứ chất lỏng…Để củng cố tinh thần, các bức tường đầy những áp-phích và hình vẽ, nhắc nhở « Lý tưởng trụ vững trước những viên đạn », « Chúng ta không sợ chết lẫn bị bắt, vì lịch sử sẽ minh chứng cho ta ».
« Tôi viết cho quý vị vì cuộc chiến giữa cảnh sát và sinh viên ở đại học Bách Khoa đã biến thành cuộc khủng hoảng nhân đạo (…). Tất cả các lối ra đều bị cảnh sát phong tỏa, sinh viên bị kẹt trong chiếc bẫy, không có đủ thức ăn, nước uống. Một số người bị thương, nhưng xe cấp cứu không được phép vào, và đa số nhân viên y tế tình nguyện đã bị bắt. Cảnh sát yêu cầu sinh viên ra khỏi, nhưng khi đi ra thì bị bắt, bị xịt hơi cay, họ ra lệnh cho các nhà báo không được quay phim (…). Người Hồng Kông sống trong không khí khủng bố. Tôi cầu cứu cộng đồng quốc tế ».
Thông điệp tuyệt vọng này được Maya, một nữ sinh viên gởi đến báo Libération chiều thứ Hai. Bóng ma một Thiên An Môn thứ hai, mới cách đây vài tuần khó thể nghĩ đến, đang đe dọa mọi người. Hôm thứ Hai, đại sứ Trung Quốc lại Luân Đôn, Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) đe dọa Bắc Kinh « sẽ không khoanh tay đứng nhìn », và việc sự xuất hiện của quân Trung Quốc đóng tại đặc khu hôm thứ Bảy được coi như một lời cảnh báo.
Thách thức không thể chấp nhận đối với Bắc Kinh
Trong bài xã luận mang tựa đề « Thách thức cho Bắc Kinh », Le Figaro nhận định cuộc khủng hoảng Hồng Kông chừng như đang tiến gần đến giới hạn tối hậu.
Cảnh sát đe dọa giới nghiêm và bắn đạn thật, trong khi người biểu tình trang bị gạch đá, cung tên, khiến cuộc đối đầu thêm căng thẳng.Theo tờ báo, việc vây hãm trường đại học Bách Khoa là một sự trả thù : nếu đây là hành động cuối cùng của phong trào nổi dậy, thì Bắc Kinh chắc hẳn sẽ giành phần thắng.
Chiến lược nuốt chửng kẻ thù đã mang lại kết quả. Từ hai triệu người Hồng Kông biểu tình hồi tháng Sáu để bảo vệ dân chủ, chỉ còn lại năm, sáu trăm thanh niên quyết chiến, bị bao vây trong một tấm lưới, mà mỗi lần họ cố thoát ra thì cảnh sát lại ngăn chận. Cũng không hoàn toàn loại trừ giả thiết một sự can thiệp của quân đội. Dù sao đi nữa, ai sẽ đứng dậy ngăn cản Tập Cận Bình ? Chắc không phải là Donald Trump, người chú tâm vào đàm phán thương mại, đe dọa sẽ phủ quyết dự luật ủng hộ Hồng Kông của Quốc Hội.
Cuộc nổi dậy Hồng Kông là thử thách không thể chấp nhận được đối với hoàng đế đỏ, vốn đã bỏ tù hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương, đòi hỏi phải huy động « các cơ quan chuyên chính ». Với một chế độ không chịu đựng phong trào phản kháng nào, « nhất quốc lưỡng chế » rất bất lợi về chính trị, dù có những lợi ích từ trung tâm tài chính này.
Theo Le Figaro, một thất bại trong cuộc bầu cử địa phương dự kiến vào Chủ nhật tới sẽ nhắc nhở cho thế giới là tương quan lực lượng không chỉ giới hạn ở trường đại học Bách Khoa.
Libération dẫn lời giáo sư chính trị học Chu Bảo Tùng (Chow Po Chung) cho biết thêm, chiến lược gia tăng đàn áp của cảnh sát có thể nhằm hủy bỏ cuộc bầu cử địa phương, với hàng trăm ứng cử viên từ phong trào dân chủ. Nếu chiến thắng, họ sẽ có quyền bầu ra trưởng đặc khu, điều mà Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá.
Tương lai xám xịt cho người Hồng Kông
Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, chuyên gia François Godement, cố vấn về châu Á của Viện Montaigne cho rằng Trung Quốc muốn gây áp lực với chính quyền Hồng Kông để có hành động cứng rắn hơn trước người biểu tình đòi dân chủ.
Ông Godement nhận định, tình hình đang bùng nổ, vì những cuộc biểu tình ôn hòa đại quy mô trong nhiều tháng trời chỉ đạt được một kết quả nhỏ nhoi là việc rút lại dự luật dẫn độ. Sau đó mới xuất hiện những người phản kháng triệt để hơn, nhưng đa số người dân vẫn ủng hộ phong trào. Về phía chính quyền Hồng Kông ngày càng thô bạo hơn. Bắc Kinh ban đầu hy vọng phong trào sẽ xẹp dần, nhưng điều này không diễn ra. Thế nên hoặc là cảnh sát Hồng Kông dẹp được các cuộc biểu tình, hoặc có nguy cơ Trung Quốc sẽ can thiệp bằng một cách nào đó.
Chuyên gia trên nhận thấy bài diễn văn của Tập Cận Bình tuần trước đầy đe dọa hơn bao giờ hết, và việc quân đội Trung Quốc đóng tại Hồng Kông xuất hiện cho thấy họ có thể tự ý hành động mà không cần chính quyền Hồng Kông yêu cầu. Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng sẽ không có việc cho quân đội đàn áp, nhưng mối đe dọa này đang hiển hiện. Kinh tế Hồng Kông đang suy thoái, và Bắc Kinh không muốn hình ảnh của mình trên trường quốc tế quá xấu xí. Với tiết lộ của New York Times vừa qua, kẻ ra lệnh đàn áp Tân Cương đã lộ diện : đó là Tập Cận Bình năm 2014. Người Hồng Kông có lý do khi lo sợ số mệnh của đặc khu một ngày nào đó cũng tương tự.
Ông Godement lo ngại cho số phận của rất nhiều người biểu tình đã bị bắt hoặc nhận diện. Dù trong đó có nhiều người ôn hòa, nhưng một khi bộ máy đàn áp của đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu khởi động, thì sẽ không dừng lại. Tương lai như vậy rất u ám cho người Hồng Kông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét