Sáng nay, thứ bảy... một ngày đẹp trời sau những ngày mưa lạnh cuối Thu. Tôi nhận được điện thoại báo tin Carl đang lái xe đến thăm tôi. Carl là cựu sĩ quan cố vấn tiểu khu mà ngày xưa thường phối hợp công tác quân sự với tôi nhiều năm. Carl rất thân với tôi. Anh thường ra cư xá sĩ quan của tôi để gặp tôi. Anh nhờ tôi hướng dẫn thêm cho anh tiếng Pháp vì trước khi nhập ngũ và đưa sang phục vụ tại chiến trường Việt Nam anh đã học tiếng Pháp vài năm. Ðổi lại, anh hướng dẫn tôi thêm môn Anh ngữ mà anh đã tốt nghiệp Master of Arts. Anh rất thích ăn chả giò và phở lúc ở Việt Nam, nên tôi đã biết ý thích này của Carl. Sau 1972, anh rời chiến trường Việt Nam và được đưa sang làm tùy viên ở một sứ quán bên Phi Châu vì anh biết Pháp ngữ.<!>
Anh nghỉ hưu giữa thập niên 1980 và về sống tại quê nhà ở thành phố Yountville, bên cạnh đại gia đình bố mẹ và anh em của anh từ lâu đã chuyên trồng nho và sản xuất rượu vang.
Từ ngày Carl biết tin tôi đã sang Hoa Kỳ tái định cư theo chương trình H.O năm 1991, thỉnh thoảng anh lái xe từ Napa Valley đến chơi với tôi. Hai chúng tôi thường đàm thoại tiếng Pháp với nhau khi chén chú chén anh rất thân mật. Lúc nào anh cũng mang theo vài chai rượu vang ngon mang nhãn hiệu gia đình anh vì anh biết tôi cũng là tay mê rượu vang chính gốc Napa Valley từ lâu.
Mấy lần trước anh đều gọi điện thoại báo tin cả tuần nên tôi có thì giờ chuẩn bị thức ăn Việt Nam mà anh thích
như “chả giò cua bể” và phở Bắc. Lần này, khi anh đã ngồi trên xe mới dùng cell phone báo tin cho tôi. May mà bà xã của tôi vừa làm xong món “chả giò cua bể” và món “hoành thánh tôm” chuẩn bị ngày mai Chủ nhật đãi mấy đứa cháu nội theo thường lệ đến thăm ông bà nội với bố mẹ chúng. Nên tôi cũng đỡ lo phần ẩm thực với Carl lần này.
2
Tiếng chuông reo, tôi ra mở cửa đón Carl vào nhà. Anh bưng một thùng 6 chai rượu.
Carl nói ngay khi nhìn thấy tôi:
- Lần này có lứa nho Cabernet Sauvignon ngon lại được mùa và cuộc thi rượu ngon tại San Francisco vừa rồi đã xếp hạng huy chương vàng cho hãng rượu của Bố mình. Mình đem biếu bạn 6 chai đoạt giải để bạn thưởng thức. Ðược xếp 96 điểm đấy. Ông bố mình rất vui. Lần này, chúng ta không khui ra uống ngay.
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao vậy?”
Carl giải thích ngay:
- Hôm nay kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Martin. Martin là bạn rất thân với tôi. Sau đó hai đứa cùng sang phục vụ tại chiến trường Việt Nam. Martin phục vụ ở phòng Tuyên Uý Chaplain office Sư đoàn Americal Division ở Chu Lai. Martin đã nhờ tôi mời thêm một số chiến hữu của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa mà tôi quen biết để có dịp gặp gỡ nói chuyện “quá khứ” cho vui. Tôi mang theo 12 chai Cabernet Sauvignon góp vui với Martin. Nên vì thế mời bạn đi cùng tôi. Ðến nơi mình mới uống rượu được. Bây giờ mà uống thì sẽ phiền với cảnh sát và cũng không an toàn khi lái xe.
- OK. Thế thì tôi sẽ tháp tùng với bạn. Tôi sẽ mang theo một ít “đặc sản Việt Nam” như “chả giò cua bể”, và “hoành thánh tôm” loại “home-made” để góp vui.
3
Nhà của Martin ở Santa Cruz, cách một con đường là ra đến bãi tắm ở biển.
Chừng hai mươi khách tham dự. Tất cả là cựu quân nhân bạn của Martin cùng ở gần nhà.
Họ đang đi quanh các phòng trong ngôi nhà để xem các “kỷ vật” của Martin mang từ Việt Nam về.
Tôi nhìn thấy trưng bày một khẩu súng AK- 47 cũ, một nón cối, một lá cờ VC nhỏ, một nón lá (trông đã cũ vì qua thời gian trưng bày lâu rồi) , một chiếc chiếu hoa (sản xuất tại Quảng Nam hay Quảng Tín (?), một tượng thiếu nữ Việt Nam khắc bằng đá “Non Nước”, hơn 30 cái bật lửa ZIPPO, những huy chương của Martin…
Tôi cũng là người từng mê loại bật lửa ZIPPO này vì ngày xưa trước khi quân đội Hoa Kỳ sang Việt Nam, tôi xài loại bật lửa nội địa “Made in Cholon” dẹp dẹp, nho nhỏ, có nhiều lúc ra chỗ trống có nhiều gió, bật lửa chẳng “nghe lời chủ” giống như “trên bảo, dưới không nghe” vậy. Sau đó tôi được một sĩ quan cố vấn Mỹ tặng cho một cái Zippo đầu tiên có khắc huy hiệu đơn vị và tên người được tặng và người tặng cùng ngày tháng. Nên tôi thích loại Zippo từ đấy.
Tôi cầm từng cái Zippo một lên xem và đọc các dòng chữ ghi trên vật lưu niệm. Có những câu thơ rất hay.
Có những câu khắc thật lạ lùng vì ý tưởng ngộ nghĩnh:
“I felt a powerful hit to the left side of my chest and thought I was shot. I didn’t see blood, just a strange bruise. It was only after we returned to the nearest firebase that I realized...”
hoặc:
“Hope is the thing with feathers
that perches in the soul
and sings the tune without the words,
and never stops at all.”
Vài cái khác:
“PLEASE DON’T TRY TO TELL ME ABOUT VIET NAM,
I HAVE BEEN HERE”
Hoặc:
“I love SEX, so baby you can give your SOUL to GOD because your ASS is mine!”
Hay:
“A FRIEND WITH WEED IS A FRIEND INDEED”
Và:
“PRAY FOR PEACE”
……
Thật đúng như lời quảng cáo của hãng Zippo:
“It who We Are. Every Zippo lighter tells a story”
Tôi cứ tuần tự cầm lên đọc từng cái Zippo. Bỗng tôi reo to cho Carl đứng cạnh tôi nghe:
- Chiếc Zippo này của tôi tặng.
Nghe tôi nói lớn với Carl, Martin chạy lại, anh nhìn tôi: “Anh là Lieutenant...”
Tôi cũng nhìn anh và hỏi :
- Anh là Sergeant Martin F. Kennedy?
Chúng tôi mừng và ôm nhau. Những kỷ niệm một thời chinh chiến tại căn cứ Chu Lai trở về trong ký ức của những người bạn ở tuổi thất thập cổ lai hy!
4
Vào tiệc, khi mọi người nâng ly chúc mừng Martin sinh nhật lần thứ 70 xong. Carl đứng lên giới thiệu tôi là một khách mời đặc biệt của anh, không ngờ lại quen biết với chủ nhân từ lâu mà hai người chưa gặp lại nhau, tuy ở gần nhau. Thật là may mắn trong bữa tiệc hôm nay.
Rồi các bạn khác đề nghị tôi nói vài câu chúc mừng chủ nhân và tôi đã gặp Martin ở chiến trường Việt Nam như thế nào?
Tôi đứng lên chúc mừng Martin rồi nói tiếp:
- Bạn Martin Kennedy thân mến,
Cùng các bạn hiện diện trong ngày vui hôm nay,
Năm 1966 tôi là sĩ quan phục vụ tại Bộ Chỉ Huy tiểu khu Quảng Tín. Trong thời gian này một trận bão lớn thổi qua tỉnh này gây thiệt hại rất nặng cho dân chúng địa phương. Phòng Tuyên Úy của Sư đoàn Americal, Chaplain Office of Americal Division đóng ở Chu Lai muốn phối hợp với phòng Tuyên Úy Phật giáo của Tiểu khu Quảng Tín đóng tại Tam Kỳ để cứu trợ nạn nhân. Vị Ðại Ðức Tuyên úy trưởng Phật giáo nhờ tôi tháp tùng với Ngài để đi đến phòng Tuyên Úy Sư Ðoàn này đóng tại căn cứ Chu Lai để thảo luận và nhận phẩm vật cứu trợ. Tôi chỉ làm nhiệm vụ sĩ quan đi tháp tùng và thông dịch cho vị Ðại Ðức. Nhiều lần vào thảo luận tại văn phòng Tuyên Úy tại Chu Lai nên tôi quen với Martin, lúc đó Martin là hạ sĩ quan phụ trách giao những phẩm vật yểm trợ như tôle, ván ép, carton, sách vở, áo quần cũ, đồ chơi... để cấp phát cho nạn nhân. Tôi rất mến tinh thần làm việc rất thân thiện và nhiệt tình của Martin nên tặng anh một chiếc bật lửa Zippo có khắc tên anh và tên tôi để làm kỷ niệm. Lúc bấy giờ tôi là Trung Úy Bộ Binh. Không ngờ sau hơn 4 thập niên tôi lại may mắn gặp lại người bạn xưa và kỷ vật này.
Lúc đó, Martin cũng tặng cho tôi một cuốn Tự điển Webster’s với lời ghi và chữ ký của Anh. Cuốn từ điển bây giờ tuy giấy đã ố vàng nhưng vẫn còn nằm trong tủ sách của gia đình tôi như một vật kỷ niệm một thời “We were soldiers!”
Sau khi rời chiến trường Việt Nam, Martin về Hoa Kỳ và nghỉ hưu trong danh dự với cấp bậc Chuẩn Úy bậc 4 (CW4).
Carl đứng lên khui các chai red wine đặc biệt của gia đình anh sản xuất Cabernet Sauvignon Napa Valley mời các bạn.
Tôi đem các đĩa món ăn đặc sản Việt Nam ra mời khách: chả giò cua bể và hoành thánh tôm chiên giòn.
Mấy người bạn Mỹ, thấy món ăn tôi bưng ra đều ồ lên nói: “ Cha ... gio..o.o!”
Tôi rất vui vì hiểu mấy cựu quân nhân chiến trường Việt Nam này không lạ gì với món ăn mà họ gọi “Eggroll”. Thật ra “Eggroll made by Ba Tàu” khác với món “Chả giò cua bể chính gốc Bắc Kỳ” do nội tướng tôi làm. Chả giò cua bể chính hiệu ngon hơn “eggroll” nhiều.
Mùi ruợu vang thơm quyện với mùi chiên của chả giò và hoành thánh tôm đặc biệt “home made” làm các bạn cựu chiến binh của Martin rất khoái khẩu và họ nhớ lại những năm tháng còn trẻ đã sang đất nước Việt Nam để phục vụ Tổ Quốc Hoa Kỳ và đồng minh Việt Nam Cộng Hòa.
Ghi chú:
Cái bật lửa Zippo được nổi tiếng trong cuộc chiến tại Việt Nam được sách Mỹ ghi lại trong cuốn “ VIETNAM A Visual Encyclopedia” của Philip Gutzman:
“During the Vietnam War, Zippo, which was the brand name of a windproof cigarette lighter popular with the troops, was also applied to all of the various flamethrower weapons. Backpack flamethrowers, most frequently used by the Marines, where called Zippos, as were the M67 A1 tank-mounted flamethrowers organic to the Marine tank battalions. Arrmy M-132 mechanized flamethrowers, mounted on the M-113 armored personnel carrier chassis, and Navy riverine LCM-Monitors, which amounted two M10 - 8 flamethrowers were referred to as Zippos as well.”
(c) PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG
NHÂN NGÀY KỶ NIỆM VETERANS . CHÚNG TÔI LÀ CỰU CHIẾN BINH VNCH THÀNH KÍNH TRI ÂN NHỮNG CHIẾN HỮU HOA-KỲ ĐÃ HY SINH TRONG CUỘC CHIẾn VIETNAM WAR VÀ CÁM ƠN TẤT CẢ CỰU VETERANS NAM NỮ PHỤC VỤ TẠI VNCH. CÙNG CHIẾN ĐẤU BÊN CẠNH CHÚNG TÔI TRONG MỘT THỜI GIAN RẤT DÀI ĐỂ BẢO VỆ AN NINH CHO MIỀN NAM VIỆT NAM.
1 nhận xét:
Cuong Trương Duy RẤT CÁM ƠN CHIẾN HỮU QUÝ MẾN MẠC PHƯƠNG ĐÌNH đã phổ biến một trong những truyện trong "VIETNAM WAR's STORIES" của tdc lên diễn đàn... nhân ngày VETERANS DAY năm nay để nhớ lại những ngày xa xưa chúng ta đã nhiều năm cùng phục vụ trong một đơn vị tại VÙNG 1 CHIẾN THUẬT của QLVNCH.
Đăng nhận xét