Tưởng Niệm 70 Năm Nhà Văn Khái Hưng Bị Việt Minh Thủ Tiêu Tại Bến Đò Cựa Gà, Làng Ngọc Cục, Nam Định Vào Đêm Giao Thừa Năm Mới Đinh Hợi (21-1-1947). Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh năm 1896 tại Cổ Am, Vĩnh Bảo Hải Dương , thuộc thành phần gia đình quan lại, con cụ Tuần phủ Phú Thọ, bố vợ là Tổng đốc Bắc Ninh, anh ruột nhà văn Trần Tiêu. Khái Hưng theo học trường Lycée Albert Sarraut, HàNội, đậu tú tài ban cổ điển, ông cũng uyên thâm Hán học.<!>Ông tham gia hoạt động cách mạng giành độc lập 1940. Năm sau 1941, các đảng viên Đại Việt Dân Chính như Khái Hưng, Hoàng Đạo bị Pháp bắt giam tại nhà lao Vụ Bản thuộc tỉnh Hòa Bình, đó là một vùng nước độc. Năm 1943 ông được tha, bị quản thúc tại Hà Nội. Nhật đầu hàng đồng minh tháng 8 năm 1945. Các nhà cách mạng lưu vong bên Tầu kéo về nước, Khái Hưng và Nguyễn Tường Bách giữ nhiệm vụ tuyên truyền cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Việt Minh cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 năm1945, sau khi thành lập chính phủ liên hiệp, họ bất ngờ tấn công các trụ sở Quốc Dân Đảng, tiêu diệt các thành phần Quốc Gia.Pháp tấn công Hà Nội, Khái Hưng tản cư về làng Lịch Diệp quê vợ, bị Việt Minh bắt đưa đi thủ tiêu nửa đêm 21-1-1947, tức giao thừa Tết Nguyên đán Đinh Hợi. Trong hai năm 1945, 1946 ông sáng tác một số truyện ngắn và kịch đăng trên tuần báo Chính Nghĩa. Năm 1966 ông Nguyễn Thạch Kiên đã cho xuất bản các tác phẩm ấy tại Sài Gòn và năm 1997 tại California, Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm Khái Hưng bị Việt Minh thủ tiêu, Nguyễn Thạch Kiên đã cho in lại trong một bộ sách hai tập lấy tên Kỷ Vật Đầu Tay Và Cuối Cùng, nhà xuất bản Phượng Hoàng.Đây là những truyện ngắn và những vở kịch cuối cùng của Khái Hưng, của Tự Lực Văn Đoàn . Bốn cây viết chính của văn đoàn gồm Khái Hưng, Nhất linh, Thạch Lam, Hoàng đạo. Nhưng lúc này chỉ còn một mình Khái Hưng, Thạch Lam chết bệnh năm 1943, Nhất Linh, Hoàng Đạo lưu vong sang Tầu, Khái Hưng sáng tác một mình.Những tác phẩm cuối cùng của ông cũng là những áng văn tuyệt tác của một cây bút già dặn, những tâm tư của một nhà cách mạng chân chính trước cảnh cốt nhục tương tàn của cuộc chiến Quốc -Cộng đang diễn ra. Các truyện ngắn gồm: Bóng Giai Nhân, Lời Nguyền, Hổ, Tây Xông Nhà, Quan Công Xứ, Nhung, Khói Hương, Người Anh Hùng, Tiếng Người Xa và ba vở kịch: Câu Chuyện Văn Chương, Khúc Tiêu Ai Oán, Dưới Ánh Trăng.Trọng ĐạtLỜI NGUYỀNĐồ sộ, chót vót trên đỉnh đồi cao, đồn Vụ- bản hách dịch nhìn xuống con đường đá nối Nho-quan với Hòa-bình. Trên một quả đồi đối diện và thấp hơn, khu trại giam chính trị phạm náu mình trong hàng dậu dầy nứa nhọn và hai hàng cọc chăng giây thép gai. Phía dưới là một cái thung lũng nhỏ với con sông Vành quanh co uốn éo như con rắn dài vận khúc bạc lướt mình trong cỏ hoang, rừng rậm. Bên kia sông là phố và chợ Trào, dăm chục nóc nhà vừa lợp ngói vừa lợp tranh quây vuông lấy bốn cái quán gạch trống rỗng.Xa xa về phía Tây Nam, dẫy núi Hoành Sơn sừng sững như một bức thành kiên cố đứng ngăn. Buổi sáng nó chìm biến vào trong sương dầy trắng đục, buổi chiều nó lờ mờ trong sương lam bốc lên như khói. Buổi trưa nó lấp lánh ném ánh bạc của những cây ngân diệp mọc bên sườn. Về phương Đông bắc, và chỉ xa chừng dăm cây số, một quả đồi cao và dài đứng án ngữ như một bức bình phong. Quanh đó những núi đá trắng và đen mọc lởm chởm, với những hình thù cổ quái. Còn phía Tây bắc là những đồi rậm liên tiếp những rừng sâu, cỏ sắc bao vây lấy từng khu ruộng nhỏ hẹp và dài.Vùng ấy hằng ngày yên ngủ để chờ đợi những hồi kèn rời rạc báo giờ từ vòm đồn tỏa xuống, cả những hôm phiên chợ tắp nập, nó cũng yên lặng buồn tẻ với những người Mường ít cười ít nói: Họ lững thững gánh gạo, gánh măng, gánh lợn, gà, vịt, ngỗng ra chợ bán, rồi lại lững thững trở về làng vời một ít muối và các thức đồ dùng của người Kinh đem từ vùng xuôi lên. Họ như chán nản, chả buồn mặc cả nài giá bao giờ.Cái trạng thái u huyền giữa một cành thiên nhiên hùng vĩ, khiến Khanh, một tù nhân chính trị, tưởng tượng ra một thần bí gì rùng rợn ngày đêm bay lượn trên không để đe dọa vùng này. Một hôm vác ống bương ra suối lấy nước, y ngỏ ý nghĩ đùa bỡn ấy với người lính kèn. Thì kinh ngạc xiết bao, người kia hãi hùng se sẽ đáp lại:- Phải, một lời nguyền.Người lính cũng chỉ thốt ra một câu vắn tắt. Rồi như khiếp sợ một cái gì có thể sắp xảy tới, y im bặt.Đêm hôm ấy trong khi nằm lịm trên giường lát nứa, nghe bài kèn tám giờ, Khanh lại liên tưởng đến người linh kèn và câu chuyện đương tò mò khao khát muốn biết: Một lời nguyền! Bài kèn buồn rời rợi với những âm thanh trầm trầm như những lời ai oán của lòng người sau bao phen uất ức! Hay đó là lời nguyền đêm đêm lên tiếng làm vang động làn không khí âm u nơi đồi núi?Tà tà ta ta tí a ta ta...Lời nguyền của những kẻ bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc chốn sơn lâm? Mới tuần lễ trước Khanh đi đưa một người bạn giam đến nơi yên nghỉ cuối cùng: bên sườn đồi dưới bóng một cây lao xao cành lá rườm rà luôn luôn thì thào lời oán trách trong gió thoảng qua. Trong đám dân Kinh bên phố, cũng như trong hàng ngũ binh lính bên đồn và anh em chính trị trong trại giam, thỉnh thoảng lại một người từ giã cõi nhân gian, sau những cơn sốt nóng sốt rét mê sảng. Phải chăng họ đáp lại tiếng gọi thiêng liêng, của một lời nguyền độc địa tự đời nào vang lại?Hồi kèn đã dứt. Từ đó, trong tiếng thanh sắt trên đồn, tiếng mõ tre ở các điểm canh, Khanh đều cảm thấy có liên can tới cái lời nguyền ghê gớm nào đó của người xưa. Qua kẽ rào nứa, một vài chấm lửa bên sông còn le lói, lập lòe. Đó là những dấu hiệu mong manh của sự sống trong một vùng như chết lịm dưới màn sương.. Khanh ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Và y mê thấy con thành đanh đỏ mỏ từ trên trời cao bay sả xuống mổ vào ngôi mộ người bạn đồng trại, chơ vơ bên sườn đồi dưới bóng cây lao xao ủ rũ.Nhưng câu chuyện «Lời nguyền » một hôm Khanh đã được người lính kèn thuật lại cho nghe trong cái lều canh lúa của người Mường.Sáng hôm ấy, ra tới suối, Khanh thấy hiện ra một cảnh tượng rất nên thơ: Bên kia dịp cầu tre, trong một khu ruộng khô đất nhỏ, sáu cô Mường, áo cánh trắng xiêm dài xanh đương chậm rải gieo ngô. Từng đôi, người đi trước cầm cây hóp uẻ oải chọc xuống đất một lỗ, người theo sau uể oải bỏ rơi vào đó một hạt ngô. Họ đi thong thả, làm việc rời rạc như biểu diễn trên sân khấu cho khán giả ngắm nghía cái điệu bộ nhịp nhàng của họ. Ngồi trên lều cao, hai chân quấn « xà cạp » đá đưa đánh dịp, Chín-bảy - tên gọi tắt con số 1297 của người lính kèn - đương phùng má thổi bài « la mát ».. Xúm chung quanh y, trên các bực thang bốn cô Mường lắng tai kính cẩn ngồi nghe.Thấy Khanh đến gần, Chín-bảy vội rời cái kèn, bước xuống đón tiếp, vẻ mặt rạng rỡ, dáng bộ dương dương đắc chí như một con gà sống giữa đám gà mái tơ vậy. Trong khi hai người nói chuyện, các cô Mường chỉ mỉm cười yên lặng đứng nhìn. Hỏi câu gì các cô cũng làm thinh không đáp. Chín-bảy bảo Khanh:- Các nàng chỉ biết có hai việc: cười và hút thuốc lào. Rồi anh xem!Quả nhiên lúc y đi lấy một cái điếu cầy lớn đem ra bỏ thuốc đánh diêm hút, tức thì cả mười cô đều bỏ việc cười rú lên, chạy ùa lại. Họ xếp thành một vòng tròn, lần lượt truyền cho nhau cái điếu cầy miệng rộng che kín nửa mặt mà rít từng hơi dài. Hết mồi thuốc ấy thay mồi thuốc khác, cái điếu đi vòng tới vài chục lần và bao diêm đánh đã gần cạn. Và cô nào cô ấy ngây ngất mỉm cười đầu lảo đảo.Khi các cô nàng lại quay về với công việc gieo ngô của họ, Khanh theo Chín-bảy lên lều ngồi nói chuyện, và vui vẻ hỏi đến việc gia thất của người bạn quân nhân..- Tôi đã có vợ ở vùng xuôi, y đáp, nhưng thế nào rồi tôi cũng phải lấy một người vợ nữa ở trên này.Và y thêm: « Cũng như phần đông anh em «nhà binh » ở đây. Đó là một việc bất đắc dĩ».- Việc bất dắc dĩ? Khanh hỏi, nghĩa là không được phép đưa vợ con ở vùng xuôi lên đây?- Không phải không được phép, nhưng vì đã có lời nguyền.Khanh bỗng thấy rùng rợn. Người lính kèn lại nhắc tới « lời nguyền » ghê gớm. Chưa kịp hỏi thêm, thì Chín- bảy đã đưa mắt âu yếm nhìn theo các cô nàng áo trắng xiêm xanh hoạt động dưới trời thu mà kể cho bạn nghe câu chuyện tương truyền trong hàng đội ngũ.Ngày xưa, thời còn chưa chịu phục tòng người Pháp, dân Hòa bình chỉ vâng theo mệnh lệnh của các quan lang; người Kinh cũng ít khi lên vùng này buôn bán. Đi bắt buộc dân Mường phải theo pháp luật của mình và đóng các thứ thuế như dân Trung châu, một mặt người Pháp đưa những ông quan lang có thanh thế nhất trong các họ lớn, như họ Đinh, họ Quách ra làm chánh quan lang hay tuần phủ đứng cai quản tỉnh Hòa bình, một mặt họ lập nên những đòn binh kiên cố ở khắp các yếu điểm trong địa hạt với những toán lính khố xanh Trung Châu không biết tiếng Mường, không thuộc phong tục Mường. Mục đích của họ là để đàn áp dân Mường và để tránh sự thân thiện giữa nhà binh và dân bản xứ.Đồn Vụ- bản là một trong những đồn binh kiến thiết theo chương trình thống trị. Nó án ngữ con đường Nho Quan- Ninh Bình. Và đóng giữa giang san họ Quách, nó lại có thể kiểm soát những hành động của những ông quan lang có oai quyền ấy.Với những nhiệm vụ to tát như thế, viên quản mà người Pháp tín nhiệm cho về coi đồn, ta có thể tưởng tượng hách dịch đến bực nào.Có một ông, ông quản Tăng, không những hách dịch, mà còn bệ vệ và ăn ở hành động theo lối Âu Tây y như một quan binh Pháp vậy. Y nằm giường Hồng kông, ăn cơm tây. Lúc nào sang phố y cũng đóng trào phục mới với hàng huy chương rực rỡ trên ngực. Tay y cầm roi da, quay tít, miệng y huýt sáo một điệu âm nhạc nhà binh. Một con chó tây kếch sù đi bên cạnh y; gặp nhà nào quen thuộc của chủ nó là nó chạy sồng sộc vào khiến lũ trẻ hết cả hồn và bảo nhau:- Quan quản! »Quan quản! Tiếng ấy oai vệ như tiếng quan Sứ ở tỉnh vậy. Quan quản là chúa tể vùng này. Quan châu, một quan lang, đối với y, chỉ như một công chức bản xử đối với quý quan. Bao nhiêu công việc trọng đại đều ở trong tay quan quản: như thu thuế thợ, thuế đò, thuế thân, thuế điền. Quan châu chỉ là một người giúp việc.Nhưng tiếng «quan quản» hình như cũng chưa vừa lòng y. Một hôm, người ta không hiểu vì đâu, tiếng ấy bỗng đổi ra « quan đồn » rồi cứ theo cái đà ấy, chẳng bao lâu nó lại biến chuyển thành « Cụ lớn ».Cụ lớn hét ra lửa! Bao nhiêu là môn hạ! Suốt ngày thì thọt trong đồn những kẻ nấp bóng Cụ lớn. Thôi thì chẳng thiếu gì lễ lạc, tết nhất, mùa nào thứ ấy. Dùng không hết, « Cụ lớn » phân phát cho binh lính.Về nhậm chức mới được hai tháng, quan quản đã lấy một cô nàng hầu người Kinh con một thương gia có tiếng bên phố chợ. Rồi cách đó nửa năm quan lại kén luôn một lúc hai cô nàng hầu người Mường nữa.Cái việc lấy nhiều vợ ấy cũng không tốn kém gì cho quan vì bọn họ đều là con nhà khá giả. Có một điều khiến họ lo lắng sợ hãi, mỗi khi tưởng tới: " Là chẳng chóng thì chầy thế nào bà lớn quản cũng lên đây thăm chồng. Lúc bấy giờ nếu cái tin vợ nọ con kia đến tai bà, thì liệu bà có để cho yên không. Mà cứ theo lời tuyên truyền và lời nói úp mở của quan quản thì bà là con nhà thế gia đại tộc. Ông thân sinh ra bà làm Tổng đốc và đã hồi hưu. Người ta khen: «Thực là môn đăng hộ đối!» Vì quan quản nghe đâu cũng là con một vị đường quan. Y thường kể chuyện thời niên thìếu của y cho mọi người nghe. Nhà y giàu sang và y rất được chiều chuộng. Mới mười hai tuổi y đã cưỡi ngựa, bắn súng, và chỉ thích có một nghề binh. Vi thế lớn lên y đã bỏ học để nhập ngũ «làm quan quản » chơi.. Bao giờ đến đoạn này y cũng thêm: « Làm quan văn thì biết bao giờ lên đến ngũ phẩm, thế mà làm quan võ tôi mới ngoài ba mươi tuổi đã chánh tam rồi!».Có lần y tưởng tượng ra cả một thiên tiểu thuyết để tả cái gia thế nhà y, bịa đặt ra những nhân vật đẹp đẽ và các phương diện ăn chơi hào phóng hay đạo mạo nho phong. Người được y tả tỉ mỉ chu đáo nhất là Cụ cố và Bà lớn. Cụ cố là một hưu quan chỉ thích đánh tổ tôm và uống chè tàu. Cụ ở một cái nhà lầu kiến trúc kiểu Tây. Trước mặt là cái vườn hoa trồng đủ các thứ hoa quý và lạ. Trên giàn thì treo đủ các thứ phong lan đi kiếm từ các miền Thượng du đem về. Còn Bà lớn thì tính rất tốt rất rộng lượng, để mặc quan lớn muốn yêu ai thì yêu. Một mình bà lớn trông coi mấy trăm mẫu ruộng thượng đẳng điền, người ăn người làm tấp nập quanh năm, nên không rảnh rang mà lên thăm quan được. Nào đã hết đâu, quan lại còn có một người em trai đã đậu tú tài tây và đương theo học trường Luật và một người em gái nhan sắc tuyệt trần hiện còn đương kén chồng. Tóm lại nhà quan lớn là một nhà danh giá và sung sướng vào bực nhất ở Bắc Hà.Một buổi sáng người ta thấy đến phố chợ Trào một ông già râu tóc hoa râm và một người đàn bà vào trạc ngoài ba mươi tuổi. Cả hai đều y phục quê mùa, ông lão mặc cái áo cánh đũi nhuộm vỏ xó và một cái quần nâu sắn cao đến đầu gối. Người đàn bà mặc áo tứ thân mầu nâu bã với miếng đổi vai bằng lụa thâm, một cái váy chồi nhuộm bùn và một cái yếm trắng cổ xẻ với hai giải màu hoa hiên đã cũ.Họ hỏi đường sang đồn, xuống phà qua sông, khó khăn nặng nhọc leo cái dốc cao, gồ ghề. Được một quãng ông già lại đặt cái tay nải nâu xuống ngồi hổn hển và thì thầm nói chuyện với người kia. Đứng trên vòm canh, người lính gác nhìn theo họ và nghĩ thầm: « Lại một ông già và một mẹ đi lên thăm con thăm chồng.»Đương gò lưng leo nốt đoạn cuối cùng của cái dốc dài tưởng không bao giờ đến đỉnh, thì hai người bỗng giựt mình vì một tiếng hô lớn từ trên vòm chòi ném xuống. Họ ngửng đẫu sợ hãi nhìn lên.- Hai người nhà quê hỏi ai?Không phải vì hai người kia ăn mặc quê mùa mà người lính gọi họ là « nhà quê.» Đối với quân đội, vì thói quen bắt chước người Pháp, chỉ có ba hạng người Việt Nam: nhà binh, nhà pha, và nhà quê. Những người không phải nhà binh và nhà pha đều là nhà quê. Vì thế, một thiếu nử y phục tân thời, nếu nghe một chủ lính canh kêu là «nhà quê » thì đừng nên lấy làm lạ và phật lòng.- Thưa thầy, chúng tôi vào thăm ông quản.Người lính hỏi lại để chữa câu nói hỗn của bọn nhà quê:- Vào hầu quan có việc gì?- Bẩm chúng tôi là người nhà.Chú lính canh cho người vào trình quan. Một lát sau người này ra cổng hách dịch quát:- Người nhà thế nào mới được chứ?- Bẩm bẩm tôi là.... tôi là.., Người đàn bà thấy ông lão ấp úng lúng túng liền đỡ lời:- Thầy vào trình hộ rằng có ông cụ và người đàn bà ở nhà quê ra thăm.Người lính gắt:- Ông cụ! Nhưng ông cụ có họ hàng thế nào với quan?- Thưa ông cụ... sinh ra quan, còn tôi là vợ... quan,Người lính hơi có vẻ sợ hãi vội vàng quay vào đồn, thì vừa gặp ông quản đứng trong sân ngó nhìn ra hỏi:- Hai bố con lão nhà quê đến xin gì thế chú?- Bẩm, bẩm quan...Người lính không dám nói dứt câu.- Đuổi cổ chúng nó ra!Câu quát tháo to quá khiến ông già và người đàn bà cũng nghe thấy. Và nhân lúc cổng đồn mở, họ xông vào trong sân. Thấy thế viên quản liền thét:- Bọn nhà quê kia đi đâu? Có biết nơi này là gì không mà dám xông xáo hử? Mất đầu như chơi, biết chưa? Tống cổ chúng nó ra!- Tăng! Anh Tăng!Ông già và người đàn bà chỉ kêu được một tiếng thì đã bị hai người lính ấy bừa ra khỏi cổng đóng sập cánh cửa lại.Ông lão già và người đàn bà lại lủi thủi xuống dốc. Họ cùng uất ức đến cực điểm nên không ai nói với ai một câu, cả hai cùng chôn sâu nỗi căm hận trong lòng.Ở chân đồi, ngay bên sông, có một ngôi đền thờ Mẫu. Người đàn bà mua vàng hương vào lễ, quỳ khấn rất lâu, thì thầm kể lể hết nỗi niềm tâm sự với Mẫu. Khi ra đường, nàng thấy bố chồng vẫn ngồi y nguyên một chỗ, mắt đỏ ngầu đăm đăm nhìn giòng sông chảy mạnh, quay nhanh cái guồng nước sừng sững in lên nền trời trong.- Thôi đi về, thầy!Ông già thong thả đứng dậy. Nhưng ông đi rẽ xuống ruộng chứ không qua phà. Ông bảo con dâu:- Tao không muốn gặp người lái phà, vì tao đã trót bảo cho nó biết rằng tao là bố thằng Tăng.Người đàn bà cũng lẳng lặng đi theo ông. Hai cha con, men bờ ruộng sang một khu rừng lao xao, qua một cái cầu tre bắc trên suối, rồi đến ngồi nghĩ ở một bãi cát sỏi bên sông. Sau trận mưa to đêm hôm trước nước nguồn kéo về chảy ào ào như thác. Những thân cây từ rừng đổ về nổi lềnh bềnh, và bị giòng nước phăng phăng cuốn đi.- Dẫu sao thì cũng ăn nắm cơm cho đỡ đói đã thầy ạ..- Mày cứ ăn trước đi. Tao không đói.Ông già đứng lên, ra sát bờ sông đứng vịn vào một thân cây lao xao. Bỗng ông nghiêm nét mặt dữ tợn nhìn giòng sông, thốt lời nguyền độc:«Từ nay đứa nào còn lên đây thăm chồng thăm con thì chết như thế này».Dứt lời ông gieo mình xuống sông tự tử. Và thân ông cùng với các thân cây, bị nước nguồn vô tình cuốn đi...Từ đó lời nguyền vẫn thiêng. Những người cha, người vợ lên đây thăm con, thăm chồng, khi trở về đều ốm nặng rồi chết.Và những binh lính trên đồn, những dân Kinh bên phố đều sống dưới sự đe dọa và sự thực hiện của lời nguyền.BÓNG GIAI NHÂNDĩ úy phù hiền nhi nhục ư thửLIỄU TÔN NGUYÊNChiếc xe ô tô thùng lớn nuốt đường giải bọn tù chính trị phạm lên trại giam Vụ Bản. Đó là một cái hòm sơn màu đen, ba mặt kín mít, chỉ hở một cửa ở phía sau. Qua lỗ hổng ấy bụi cát ùa vào trong xe, quét một lượt trắng lên tóc, lên mặt, lên kính, lên quần áo, chân tay ba mươi tội nhân và bốn người lính khố xanh áp giải chen chúc chồng chất lên nhau. Trên bực bước lên xe, đứng hai người lính nữa, mà Khanh một tù nhân, ví với hai pho tượng đá canh cổng một nơi đền thiêng, trong một ngày gió lớn.Khanh có cảm tưởng ấy vì phía sau xe, cát bụi tung lên xoáy cuồn cuộn chạy theo như trong một cơn gió lốc. Đường từ ga Đồng Giao đi phủ Nho Quan ngoắt ngoéo lượn quanh các đồi, nhưngkhông vì thế mà xe chậm đà. Từ lúc bắt đầu mở máy cho tới lúc dừng lại, trong khoảng ba bốn giờ đồng hồ, tốc lực của nó không thay đổi, và ở những chỗ ngoặt, người ngồi ngổn ngang trong xe lại xô đập vào nhau.Khanh để ý tò mò quan sát sự biến hình đổi dạng của an hem đồng chí mà y không nhận được ra ai nữa, mà y thấy già thêm lên hàng chục tuổi, với mái tóc và bộ ria bạc phơ. Và y ghé tai bảo người ngồi bên cạnh: « Chúng ta đều là NGũ Tử Tư, qua một đêm tư lự. »Về sau Khanh cũng quen mắt đi, và y ngồi yên không nhìn xét nữa. Cái cảnh ra đi buổi sáng vụt diễn lại trong ký ức: Sáng nay y vui vẻ sửa soạn hành lý để cùng an hem lên đường. Luôn ba tháng nay sống chật chội tù hãm trong bốn bức tường sàn lim, trong một nơi không khí nặng nề hôi hám lúc nhúc những người, y chỉ ao ước được mau chóng thoát ly cái địa ngục ấy, dù phải giải đi đâu cũng cam, đi Côn đảo hay Tân thế giới cũng không phàn nàn. Thì nay y đã được như ý nguyện. Y còn nhớ cái lúc bị xích tay hai người vào một đứng xếp hàng ở cổng trại giam Liêm phóng. Y tưởng tượng ra một khoảng trời trong sáng, một khu đồi lành sạch đương chờ đợi đón tiếp y ở một nơi xa xôi nào đó. Y không tin những lời dọa dẫm về nước độc ma thiêng. Được rời nơi tối tăm, tanh tưởi đầy những tiếng oan khốc của người chịu cực hình này, thì đâu đâu cũng sẽ là thiên đường, đâu đâu cũng sẽ là đất khoáng đạt của lòng người. Và y thấy trong lòng y reo lên những âm hưởng của tự do, tuy tay y đang bị xích khóa. Y càng ngây ngất trong hy vọng của đời sống ngày mai, khi nhớ có lời can thiệp của một viên thanh tra mật thám Tây lai xưa nay vẫn có chút cảm tình với bọn y, khóa xích được tháo bỏ hết.Rồi kế đến cảnh đi bộ từ sở Liêm phóng tới nhà ga giữa hai hàng lính khố xanh và lính mật thám, dưới ánh đèn điện mờ nhạt trong cái chụp đèn thời chiến tranh. Lời kêu khóc của những gia nhân đi tiễn. Y thấy buồn cười hơn là thảm thiết. Và y nghĩ: « Khóc cái nỗi gì? Không mừng cho người ta được thoát khỏi địa ngục thì chớ, lại còn khóc lóc! »Ra đến sân ga, thì cảnh tiễn đưa thành một cảnh khôi hài với cái vẻ mặt tươi tắn của người đi và dáng bộ tang tóc của người ở. Cảnh khôi hài ấy trở nên hoàn toàn khi thấy mấy bà vợ và bà mẹ mon men lại gần chồng gần con, người cai lính khố xanh quát tháo mắng ầm lên. Khanh chỉ mỉm cười vui thú, vì được nhận thêm bao kinh nghiệm trong cái đời văn chương, lúc nào cũng tò mò quan sát tâm lý loài người.Bây giờ nhớ lại tấn bi hài kịch ấy, Khanh còn thấy tức cười... Bổng y nghiêm nét mặt lại buồn rầu. Một bóng giai nhân vừa lóe ra trong thâm tâm y: một bạn gái bị giam ở sàn lim bên cạnh sàn lim y trong một thời gian vừa đúng hăm bốn tiếng đồng hồ. « Sàn lim 18 », đó là tên giai nhân, mà cả trại giam đều ghi nhớ, nhắc nhỏm sau khi nàng bị giải đi dâu không ai biết. Sáng hôm ấy giữa giờ anh em ở các sàn lim và nhà câu lưu được thả ra sân thì cổng trại giam bổng nặng nề mở để dẫn vào một giây người vừa bị bắt về. Trong đó có một thiếu nữ ăn mặc quê mùa, cũ kỹ và rách rưới. Ai nấy chạy lại gần xem tuy bị lính mật thám xua đuổi. Trong khi mọi người đàn ông còn bị giữ ở ngoài sân thì người ta đưa thiếu nữ vào hiên dẫy sàn lim và ở đấy người canh ngục chào nàng bằng một dịp cười và một câu nói mỉa mai: « Thế nào, cô lại trở về đây ư? »Lại trở về đây? Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Hỏi « cụ Quỳnh », tên người «gác» thì người ấy vẫn cười và đáp: « Lần này là lần thứ ba cô ta đến đây. Lần thứ nhất cô ta là một nữ học sinh mặc tân thời, lần thứ hai cô ta giả trai. Lần này, thì đó, anh em coi, có nhà quê đặc không? Lại răng nhuộm mầu cánh kiến cẩn thận nữa cơ đấy! Thôi lần này thì phát vãng, phát vãng cô ạ.» Một người thì thầm hỏi:« Vậy cô ta phạm tội gì thế? »« Lại còn tội gì nữa » người «gác» tiếp với một gịọng nói khinh bạc, tội làm Cách mệnh chứ còn tội gì nữa ». Thế là bắt đầu ngay từ phút ấy, thiếu nữ chiếm lấy hết cả lòng sùng kính của toàn thể trại giam.« Sàn lim mười tám » là một người bé nhỏ, xinh xắn. Đôi mắt sáng với cặp môi tươi trong khuôn mặt trái soan, nước da nhỏ mịn tuy rám nắng vì công việc đồng áng mà thiếu nữ tạm theo trong khi đi trốn tránh. Một luồng gió lạ như vừa thổi tới nơi giam cầm u tối. Anh em chạy đi chạy lại nhộn nhịp xới tấp qua cái lỗ cửa con con của gian sàn lim só 18 để ngó mắt nhòm vào trong và để hỏi thăm tin tức, nhưng thiếu nữ chỉ giữ một vẻ mặt tươi cười và một thái độ lặng thinh. Thấy thế người gác phải can thiệp nhiều lần: « Anh em lảng xa ra, không Tây nó xuống thì bị cùm cả lũ bây giờ, mà tôi cũng sẽ bi khiển trách mất ».Khanh ra chỗ ghế ngựa riêng của Quỳnh và tò mò hỏi chuyện thì biết rằng lần bị bắt trước, thiếu nữ đã dùng mưu để ra khỏi nơi này: nhân một người thanh tra mật thám vào trại giam, lúc y trở về bàn giấy, thiếu nữ đã lẳng lặng đi theo. Người canh càng tưởng viên mật thám lấy nàng ra hỏi cung, nên không giữ lại. Thế là nàng đã trốn thoát. Câu chuyện ấy lan truyền khắp mọi nơi trong giây phút càng làm tăng giá trị «sàn lim số 18 » lên bội phần. Và chiều hôm ấy cảm tấm lòng săn sóc của anh em Cách mệnh, nàng đã chịu nhận quà bánh đem đến tặng nàng và đã ôn tồn đáp lại những câu hỏi của mọi người.Trong số anh em luôn luôn đến thăm nàng, Khanh là người chăm chỉ nhất, và tưởng được nàng lưu ý đến nhất. Cái tuổi dưới ba mươi ấy bao giờ cũng sẵn lòng tin tưởng, và hy vọng mênh mông.Nhưng bổng giai nhân chỉ thoáng qua nơi giam cầm như chút ánh nắng tươi hé ra giửa khoảng trời mây đen đặc, Sáng sớm hôm sau người ta đã xích tay giải nàng không biết đi đâu, giữa nỗi ngây ngất bâng khuâng của bọn thiếu niên cách mệnh.Khanh thốt ra một tiếng thở dài, và đau đớn và lãng mạn nghỉ thầm: « Ước gì ta được gặp mặt nàng một lần nữa rồi có bị đày chung thân cũng cam lòng! »Y bỗng tỉnh choàng giấc mộng! Xe vừa dừng lại, và ai nấy sửa soạn để xuổng.- Đến nơi rồi ư, các anh?- Ngủ đấy à? Một người hỏi lại.Khanh mỉm cười:- Ngủ thì không ngủ, nhưng mà chiêm bao, chiêm bao thức.Ra khỏi cái hòm kín, y thấy mình đứng trong một nơi phố nhỏ, bên cạnh một giòng sông con.- Chợ Trào đây phải không, người ta hỏi nhau?Nhưng viên đồn già, chủ trại giam, đương rảo bước trên con đường giốc, ở bên kia sông. Chạy quanh lão là một con chó, lông dài và đen. Tay lão cầm cái hèo lớn chỉ trỏ sang bên này và ra lệnh cho người lính đi theo sau. Chỉ cái hình thủ lão hiện ra đủ làm mất hết vui trong bọn anh em và ai nấy lẳng lặng đứng chờ, như chờ một sự bất trắc gì sắp xảy tới, nhất ai nấy khi ở trại Liêm phóng lại đã được nghe huyên truyền cái tiếng hung tợn cua lão ta.Thời giờ lại êm đềm chảy trong khu trại giam Vụ bản. Một nhịp sống đều đều khác- đã đến kế tiếp nhịp sống đều đều trước. Những giờ dài đằng đẳng đi bách bộ trong sân trại giam Liêm phóng đã đổi ra những giờ mệt nhọc, làm việc trên đồi cỏ, trong rừng rậm, bên giòng nước, dưới sương lạnh hay dưới nắng hè.Nhưng chiều chiều, sau bữa cơm gạo đỏ, Khanh lại ngồi im lìm trên thành bể nhìn dẫy núi Hoành sơn mà tưởng nhớ mà mơ mộng tới người gập gỡ trong hăm bốn giờ, giữa một hoàn cảnh đau thương. Và y có cảm tưởng rằng y sẽ mãn kiếp sống ở nơi núi đồi trùng điệp bao bọc một làn không khí âm u này với hình ảnh bất diệt của giai nhân không bao giờ trở lại.Nhưng một buổi chiều trong lúc y gửi lòng yêu đi phương xa lạ, thì cửa trại giam bổng mở ra, và người ta thấy bước vào một thiếu nữ chừng mười bảy tuổi với một gánh hàng nặng trỉu trên vai. Anh em hấp tấp chạy ùa cả ra sân để nhận hàng vì đó là cô hàng tạp hóa bên phố mà lần đầu tiên lão chủ đồn chuẩn lời xin của anh «trật tự » cho phép đem hàng đặt vào thẳng trong trại để anh em khỏi phải thân sang tận bên kia sông mang về.Khanh lại gần đăm đăm ngắm nghía cô hàng, và thấy nàng mơn mởn trong tuổi xuân đương dậy thì. Thiếu nữ chợt ngẩng lên và gặp cái nhìn ao ước của thanh niên, nàng cúi đầu bẽn lẽn, giả vờ điểm lại hàng hóa trong quang thúng.Từ đó trong những buổi chiều tà. Khanh ngồi rao mộng, bóng giai nhân xưa lại hiện ra bên một bóng giai nhân mới. Và mỗi tuần lễ một lần, cô hàng tạp hóa bên kia sông lại đem tới cho y một nụ cười kín đáo lặng lẽ và một chút ánh tươi rọi nơi giam cầm ủ rũ.Rồi đây, những lúc cách mệnh tha thiết gắt gao lên tiếng gọi, y sẽ cảm thấy lòng tự tin, lên đường xông pha trong gian khổ với bóng giai nhân huyền ảo gặp gở giữa cảnh lao tù.HỔ !Co ro trong chiếc áo tơi dài, mũ nhọn trùm đầu. Bảy hai đứng canh trên chòi cao, nép mình sau cái cột bương để cố tránh luồng gió bấc thổi đến từng cơn. Y vừa ở trong chăn ra thay phiên gác một giờ. Mắt y ngủ còn giở giấc chỉ muốn nhíu lại. Đêm hôm trước, y đã thức suốt sáng đánh bạc ở bên phố Trào. Cả ngày hôm nay, ông đội Giới lại cắt y vào việc cưa củi ở trong đồn, nên y chỉ chợp được có nửa tiếng đồng hồ vào khoảng giữa trưa, « Giá nó để mình coi tù đi làm cỏ như mọi hôm thì làm gì minh không đánh được hai giấc ngon lành!» Y nghĩ đến cái ổ kín đáo, khuất gió, ấm áp, ở giữa khóm xim dại mà y lại oán lão đội. «Hừ! thằng cha nó thù mình vì cái tiếng bạc ngửa từ tối hôm nọ! » và Bảy-hai vui thú cười lên tiếng. Y như còn trông thấy cái cảnh tượng mở bát chạy làng hôm ấy của đội Giới, mà y đã làm mất thể diện trước mặt dân phố. «Hèn chi mà nó chẳng để tâm thù vặt! »Đã hai lần Bảy-hai đánh mõ tre đáp lại tiếng khánh sắt cầm canh bên đồn. Y chỉ muốn nằm xuống mộc lát cho đỡ mỏi mệt, nhưng y lại sợ ngủ thìếp đi mắt. Y tự nhủ: «Đêm hôm nay mà mình bỏ một tiếng mõ thì cứ là chết với nó. Thế nào nó chả thức ngồi chờ kết quả! Không, nhất định không chịu để nó phạt!» Y can đảm lấy gân, cứng bắp thịt lại, thò đầu ra hẳn ngoài bức phên nứa vây che bốn mặt chòi và chỉ cao tới ngực người lính gác. Luồng gió lạnh làm cho y đỡ buồn ngủ. Nhưng chỉ được dăm phút, rồi mắt y lại nhắm nghiền, và y như nghe thấy tiếng ngáy của mình. Cái thói ngủ đứng đã quen thuộc với y lắm; nhiều khi đưa tù xuống đồi làm việc, y cũng vừa đi vừa chập chờn được.Chợt nhớ đến cái mưu vẫn thì thố, y hướng vào trại cất tiếng gọi:- « Tài! Tài!» Mọi lần khi biết chắc không sao tránh được cái giấc ngủ có tội, y đã nhờ Tài giúp việc này; là hể không nghe thấy tiếng mõ của y đáp lại tiếng khánh thứ hai thì nhặt một viên gạch mà ném lên chòi để đánh thức y dậy. Như thế, y có thể bình tĩnh mà ngủ được để cứ mười lăm phút lại thức giấc đánh mõ. Nhưng lần này y gọi mãi mà vẫn không thấy có tiếng Tài trả lời.- « Rét thế này, anh chàng nằm ngủ chăn trùm kín đầu thì còn biết giời đất gì nữa!» Gọi một tên khác, lại một tên khác, vẫn không ai thưa.« Liều! Y nghĩ thầm, có bị phạt nữa thì đã chết đâu. Hãy làm một giấc cho thỏa vong linh đã!» Và y định ngả lưng xuống cái ổ rơm mà y đã ngầm giải từ lâu. Nhưng lòng tự ái của y phản kháng lại liền: « Không! không thể thế được. Bị phạt vẫn biết chẵng sao, nhưng bị lão đội Giới phạt để trả thù thì nhục lắm. Đã có được nửa giờ rồi làm gì không có nốt được một giờ rưỡi nữa!» Y quả quyết trong ý chí, và lại đưa cả nửa người ra phía ngoài để tắm thể chất và tinh thần trong sương đêm giá buốt.Bổng y rùng rợn quay lại, một tia sáng lạnh vừa chiếu xiên qua vai. Đó là trăng hạ tuần mời mọc, lơ lửng trên nóc đồi bình phong, và nhợt nhạt, ủ rũ, mệt mỏi như tâm hồn mệt mỏi của y. Dưới làn ánh sáng lờ mờ, con sông Vành lấp lánh hiện ra từng khúc, và những lùm cây trên sườn đồi in rõ hình đen. Y lưu ý ngắm cảnh vật để cố quên cái giấc ngủ vẫn luôn luôn ám ảnh.Một lần chợp đi trong vài phút, y giật mình choàng thức dậy. Tâm linh y như vừa báo cho trực giác y biết sắp xảy ra một sự gì kinh dị huyền bí. Và y chú ý nhìn xuống chân đồi. «Ta mê ngủ à?» Y nghĩ thầm đưa tay lên dụi mắt, và nhìn kỹ lại. Không, y không mê ngủ, quả thực một lùm cây đương từ phía ruộng thắp theo giốc đồi thong thả tiến đến phía y. Y nghĩ tiếp liên: « Không, không phải cây. Một con vật... con bò...Cũng không phải bò... Hay là ma?» Cái ý ma làm y mềm cả chân tay, và ngừng cả tư tưởng. Vùng này đã nổi tiếng là xứ ma thiêng nước độc và những chuyện ma hiện hồn trêu lính canh đêm không phải là ít.Cái vật đen vẫn thong thả, êm lặng tiến.Thỉnh thoảng một tiếng răng rắc cành khô gẫy lại báo cho Bảy-hai biết rằng đó không phải là một cái bóng mà đó là một vật có hình có chất.Đến lưng chừng đồi, nó dừng lại một phút rồi rẽ sang phía Nam, khuất sau hàng giậu nứa. Tự nhiên Bảy-hai thấy vững dạ và như thoát khỏi một tai nạn, tuy vẫn chưa biết rõ đó là con vật gì hay là ma quỷ. Bỗng một lát sau, tiếng lao xao se sẽ trên con đường cát sỏi vòng quanh trại giam khiến y cứ nhìn xuống. Y toan kêu thét lên. Nhưng tiếng kêu mắc lại ở cổ họng và miệng y há hốc, mắt y mở to, chân tay y không nhúc nhích: Chỉ cách chòi y chừng vài chục thước, một con hổ to lớn, lực lưỡng đương ung dung nhẹ nhàng đặt từng bước và tiến về phía y. Mặt nó cúi xuống nhìn đất và luôn luôn nó hướng vào trại hít mạnh đánh hơi. Có lúc nó tò mò ghé gần mắt vào hàng giây thép gai chắng ở hai bên lối đi và dừng lại vài giây như để mưu tính một kế hoạch gì.Bảy-hii im thin thít và không cử động. Hồn vía y như đã tán loạn hay trốn biệt nơi nào và y chỉ còn như cái xác với những trực giác quan thụ động. Nhưng dần dần y hoàn hồn và cảm thấy lo lắng sợ hãi. Y nghe rõ tiếng thở mạnh của y, mà y cố kìm lại, nhìn hắn. Và vì thế y thấy đêm khuya, càng mênh mông, tiếng gió khô khan càng rít mạnh, và âm nhạc hàng sáo nứa càng thê thảm, rùng rợn.Con mãnh thú vẫn chậm rải bước lại gần, dáng bộ suy nghĩ, nghe ngóng, tìm tòi. Khi tới chân thang chòi, nó dừng lại một lát rồi uể oải nằm xuống, mũi không rời phía trại giam, Bảy-hai đã bắt đầu luận lý có trật tự. Y hết sức giữ gìn, không cựa cạy, yên trí rằng chỉ một tiếng cạch, cũng đủ vang lên trong đêm vắng và làm cho con hổ giậtmình vùng dậy, chồm lên đạp đổ mấy cái cột bương chân chòi cao ngất nghểu. Vì quá lưu ý, y tưởng tượng cái chòi lảo đảo, lắc lư, mỗi khi có luồng gió mạnh.Nhưng một lát sau, y thấy mắt quen đi, tim trấn tĩnh lại và trí sáng suốt hơn. Và y nhớ đến cây súng cầm trong tay, nghỉ đến bắn vào đầu con vật một phát. Y dương súng ngắm, ngón tay đặt vào cò, run run, do dự không dám bấm tuy đã chợt nhận ra rằng chưa kéo « qui-lát » để đẩy đạn lên nòng. Rồi y lại rón rén chống súng xuống, mắt gián vào cái khối đen ở ngay dưới chân và cách y không đầy mười thước. Câu chuyện huyền bí về hổ mà một người lính Thổ đã kể cho y nghe như vụt hiện ra và lần lần tự bày ra trước mắt y. Y tưởng trông thấy người đi săn tự buộc thân vào cành cây cao, chĩa súng bắn xuống con vật thần, rồi nước ở đâu té vọt lên như mưa làm cho kẻ xúc phạm mờ cả mắt không nhìn thấy gì nữa trong khi ấy thì con hổ nói thành tiếng người mà mắng nhiếc ầm ỹ: « Mày định giết ông mày, mày định giết cha mày à?» Câu chuyện đã làm cho Bảy-hai và anh em trong hàng đội cười lăn cười lóc. Nhưng lần này ôn lại, y không dám cười nữa dù chỉ mỉm cười thầm. Ngắm nghía cái hàm oai nghiêm, hai chân trước duỗi ra bệ vệ, cái đuôi hách dịch đập bên sườn, y cảm thấy tôn kính, khiếp sợ tràn ngập trong lòng và không còn ngờ vực một sự hoang đường gì về cái sức mạnh phi thường ấy.Bây giờ y đã hoàn hồn hẳn, và mũi y đã ngửi thấy mùi hôi nồng như mùi phân bò ú. Hắn lợn giọng và chỉ chực nhổ bọt nhưng vẫn cố giữ lại được. Y tự nhủ: « Nó mà nghe tháy tiếng nhổ tất sẽ ngửng đầu nhìn lên. Và nếu nó biết trên này có người thì nó rất có thể rung chuyển cái chòi ọp ẹp này để mình rơi xuống mà ăn thịt. Các ngài mà bụng đói thì phải biết các ngài liều » Ý nghĩ ấy lại càng làm cho Bảy-hai lo lắng, mắt bình tĩnh. Nhưng chỉ trong vài phút. Rồi những câu chuyện hiền lành về hổ dần dần nhớ lại khiến y trở nên vững tâm và can đảm nữa. Theo lời nhiều người Mường y quen biết thì con hổ chỉ là một con chó lớn nhút nhát và không dám gần người: Nó cũng giống như loài chó, hể chạy thì đuổi, hể sấn lại thì nó lùi. Điều nhận xét ấy đã được chứng thực: cách đây mới chừng một tháng, một con hổ - có lẽ chính con này cũng chưa biết chừng- đến rình ở sân nhà ông giáo Quý bên phố. Nửa đêm bà giáo thức giấc, dậy ra hiên trông thấy nó và sợ hãi chết ngất đi. Nnưng con hổ cũng sợ hãi chạy trốn.«Phải, cái giống này chỉ chống lại người khi nào người định giết nó» Bảy- hai nghĩ thế và lấy làm mừng rằng ban nẫy đã không lên đạn bắn nó. Bắn mà trượt hoặc làm nó bị thương thì cứ mà chết với nó thôi. Trong lúc hồi hộp mình có thể run tay bắn chệch đích. Có phải bắn bia đâu mà bình tĩnh ngắm kỹ được!» Ý nghĩ bắn bia làm y mỉm cười quên bẵng con hổ để nhờ đến anh Mười - bốn kỳ vừa rồi, bắn tám phát không những không trúng đích mà không trúng cả cái liếp mang đích...Y giật mình như chợt tĩnh một giấc chiêm bao: Tiếng khánh sắt bên đồn và tiếng mõ tre các chòi canh vừa đánh thức y dậy, kéo y về với thực tế, với nhiệm vụ, với bổn phận. Thì ra mới qua chưa đầy mười lăm phút thế mà y tưởng đã sống trong hàng giờ dài đằng đẵng. Y vội cằm dùi dơ lên nhưng lại rón rén đặt xuống không dám đánh. Tiếng khánh và tiếng mõ nhắc lại một lần nữa. Y vẫn im lìm không đáp lại.«Được, mai ta sẽ trình vì sao thiếu tiếng mõ ở chòi này. Mà có bị phạt nữa thì đã sao! »Một lác sau, ở truớc cổng đồn, một tia ánh sáng thoáng rạch một vệt dài lên tấm sương đêm. Bảy -hai mỉm cười nghĩ thầm:« Đích đèn pin của lão đội rồi! Được cứ đến đây mà bắt... hổ! » Thực vậy, đội Giới vẫn thức để rình. Khi thấy thiếu tiếng mõ ở chòi gác Đông Bắc trại giam, y đoán ngay rằng Bảy-hai đã ngủ. Y liền sang đi « rông » để bắt quả tang kẻ thù phạm tội.Ánh sáng kín đáo lập lòe, khi chúc xuống đất, khi vọt lên trời, thong thả tiến lại gần trại giam. Bảy-hai cúi xuống nhìn. Con hổ vẫn nằm yên một chổ, không nhúc nhích. Y bắt đầu lo sợ cho tính mạng người kia. Mối thù, y vụt quên để chỉ nghĩ tới tai nạn xảy đến cho kẻ đồng loại do một loài khác, một loài tàn ác gây nên. Lòng trắc ẩn, tình nhân đạo đến với y một cách tự nhiên, một cách ngẫu nhiên. Y không luận lý nữa, không cân nhắc nữa, chỉ tìm cách cứu sống một con người, thoát khỏi nanh vuốt một con vật. Ánh sáng đã xuống hết giốc và sắp rẽ vào con đường vòng quanh trại, để đi thẳng tới chòi canh của y. Ở chân thang, con hổ vẫn nằm im, đuôi se sẽ đập sườn như báo cho biết rằng nó không ngủ vì có lẽ đã sửa soạn để vồ cái mồi ngon lành đương tiến lại gần. Bị hàng giậu nứa cao che khuất. Bảy-hai không nhìn thấy lửa sáng đèn bấm nữa, nhưng y đã thoáng nghe rõ tiếng lạo xạo xa xa của bước chân trên sỏi và cát. Chỉ vài phút nữa… Y hoảng hốt vội thét:- Đứng lại! có hổ đấy!Rồi vừa rướn mình nhìn qua ngọn hàng rào nứa, y vừa tiếp luôn:- Có Hổ! Hổ!Hổ!Lúc cúi nhìn xuống thì con hổ đã biến đâu mất. Đằng xa tiếng chân chạy mau và nặng. Ngay lúc ấy, cả trại giam xôn xao huyên náo..- Cái gl thế!- Hổ! lời đáp của Bảy-hai từ trên chồi ném xuống,- Hổ à! Hổ các anh ạ!- Hổ đâu? - Nó đâu!Anh em nhốn nháo chạy cả ra sân, lại gần chổ canh góc Đông Bắc.- Có hổ thực à Bảy- hai? Tài hỏi, vì đã nhận được tiếng người lính quen. -- Lại chà thực!
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018
-Đọc và nghe đọc truyện Khái Hưng. - Caroline Thanh Hương
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét