Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Trump tuyên chiến với Bắc Kinh, tạm tha châu Âu - Thanh Hà

media
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký chỉ thị áp thuế về sở hữu trí tuệ đối với hàng công nghệ cao của Trung Quốc, Washington ngày 22/03/2018.REUTERS/Jonathan Ernst "Dịu giọng với châu Âu", "tập trung hỏa lực nhắm vào Trung Quốc", tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ "chiến lược trên trận địa thương mại". "Trump chống Bắc Kinh, chiến tranh thương mại leo thang gây lo ngại" là đề tài nổi bật trên các trang báo lớn của Pháp ngày 23/03/2018.<!> 
"Châu Âu thở phào, viễn cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ tạm thời được xua tan", Le Monde trích lời nhiều quan chức châu Âu đến Washington tiếp tục đàm phán với bộ Tài Chính và Thương Mại để tránh bị áp thuế lên mặt hàng nhôm thép như ông Trump loan báo từ hôm mồng 8 tháng 3. Tờ báo đặt câu hỏi, phải chăng thái độ cứng rắn dọa "ăn miếng, trả miếng" của Bruxelles đã đem lại hiệu quả ?
Le Figaro đưa ra một lập luận khác : Hoa Kỳ "tha châu Âu" để lôi kéo thêm đồng minh nhắm vào chính sách cạnh tranh bất bình đẳng của Trung Quốc.
Trong bài báo mang tựa đề "Lệnh hưu chiến Mỹ ban cho châu Âu" La Croix nói rõ : Washington tạm thời không đánh thuế nhôm và thép của châu Âu nhập sang thị trường Hoa Kỳ. Tờ báo tập trung vào các luồng giao thương giữa hai bờ Đại Tây Dương, chẳng hạn như là trung bình, mức thuế nhập khẩu của Mỹ đánh vào hàng châu Âu là 2,4 % còn Bruxelles đánh thuế đến 3 % vào các sản phẩm made in USA nhập vào thị trường chung của 28 nước thành viên. Nhưng khi nhìn vào chi tiết thì theo La Croix không hẳn là Mỹ bị thua thiệt như điều được Donald Trump khẳng định để làm vừa lòng cử tri.
Dù sao đi chăng nữa cuộc chiến thương mại mà Donald Trump vừa châm ngòi ít nhất đã làm một người hài lòng. Đòn "tấn công thẳng thừng" này của chủ nhân Nhà Trắng đã thuyết phục được lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Thượng Viện, Chuck Sumer. Les Echos trích lời thượng nghị sĩ bang New York tuyên bố : Không mấy khi đồng ý với ông Trump nhưng lần này, đối với Trung Quốc, tổng thống Mỹ đã "làm đúng điều những gì cần làm".
Trung Quốc không được may mắn như châu Âu
Le Figaro ghi nhận, Trump "lao vào một cuộc đọ sức trực tiếp với Trung Quốc", "khai chiến" và tố cáo các tập đoàn Trung Quốc "ăn cắp bằng sáng chế", "vi phạm quyền sở hữu trí tuệ"...
Trung Quốc đương nhiên sẽ không khoanh tay ngồi nhìn. Trong bài viết đề tựa "Bắc Kinh sẵn sàng trả đũa đánh vào đậu nành", phóng viên của Le Figaro nêu lên hai lợi thế nghiêng về phía Trung Quốc : thứ nhất Bắc Kinh thừa biết là Mỹ lệ thuộc tới mức độ nào vào "công xưởng của thế giới" và cuộc chiến tranh thương mại này, rồi sẽ làm chính người dân Hoa Kỳ hao mòn sức lực.
Thứ hai, đảng Cộng Sản Trung Quốc chờ đợi "hiệu ứng boomerang"  tức là gậy ông đập lưng ông, khi mà dây chuyền sản xuất của bản thân Hoa Kỳ bị tác động.
Báo Les Echos nói tới 4 lĩnh vực kinh tế của Mỹ sẽ "ăn đòn" nếu nổ ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc : Đó là các siêu thị và dây chuyền phân phối, ngành vải sợi, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất đồ chơi.
Nhật báo kinh tế nhắc lại năm 2015, 90 % đồ chơi bán ra trên thị trường Mỹ đều ra lò từ các nhà máy Trung Quốc. Tương tự như vậy trong ngành vải sợi, quần áo, giầy thể thao của những "thương hiệu" được người Mỹ ưa chuộng nhất đều thấm mồ hôi của công nhân Trung Quốc trong đó.
Súng, đạn, NRA trong tầm ngắm của thanh niên Mỹ
Vẫn về Hoa Kỳ, thủ đô Washington sôi động một ngày trước cuộc tuần hành March For Our Lives của giới thanh thiếu niên diễn ra vào ngày 24/03/2018.
La Croix trong bài phóng sự nói tới "Thế hệ Parkland lên đường" từ Florida, và tất cả những nơi khác trên toàn nước Mỹ cùng hẹn nhau tại Washington.
Sau vụ thảm sát cướp đi sinh mạng 17 học sinh tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas, tại Parkland, bang Florida hôm 14/02/2018, thanh niên Mỹ không còn "khoanh tay ngồi nhìn".
Ban tổ chức March for Our Lives chờ đợi nửa triệu người tham gia, phần lớn là giới trẻ. Số này tỏ ra "quyết tâm hơn bao giờ hết", để "không bao giờ nữa, học trò, sinh viên phải đến trường trong nỗi lo sợ, không biết rằng có toàn mạng trở về nhà với gia đình hay không".
Một nữ sinh trung học tại New York nói vói phóng viên Pháp : "Giới trẻ sẽ không ngừng cuộc đấu tranh ngày nào mà các chính khách Mỹ còn nhận tiền của tổ chức Hiệp Hội Súng Trường Quốc Gia NRA".
Cũng La Croix điểm những vụ nổ súng ở trường học ở Mỹ làm học sinh và các thầy cô giáo thiệt mạng : Columbine (1999) - 12 học sinh và một nhà giáo tử vong ; Virginia Tech (2007) - 33 người chết ; Sandy Hook (2012) - 20 đưa trẻ và 7 người lớn buổi sáng đến trường nhưng không bao giờ trở về nhà.
Ở Nhà Trắng, tổng thống Trump đưa ra sáng kiến trang bị súng ống cho các thầy cô giáo !
Pháp : Một ngày đình công, hai cách nhìn
Trở lại với cuộc đình công ngày 22/03 tại Pháp của giới công nhân viên chức và nhân viên ngành xe lửa, Le Figaro thiên hữu nói đến "thành công nửa vời" về khả năng huy động người biểu tình của các công đoàn, trong lúc chính các tổ chức công đoàn này đang bị "chia rẽ hơn bao giờ hết".
Điều đó lợi cho chính phủ. Lập luận bảo vệ sức mua của người lao động, bảo vệ các dịch vụ công cộng, bảo vệ những thụ đắc xã hội ... đã lỗi thời, như ghi nhận trong xã luận của tờ báo.
Libération thiên tả có một cái nhìn hoàn toàn khác với hàng tựa lớn trên trang nhất "Đường phố đã thức tỉnh". "Từ Paris đến Marseille, từ Rennes đến Grenoble, hơn 320.000 người tuần hành trên đường phố, theo thống kê cảnh sát, chống lại đường lối của tổng thống Macron". Dù vậy tờ báo này phải nhìn nhận : cuộc biểu tình ngày hôm qua không hy vọng làm "trật đường rầy con tàu cải tổ của chính phủ, nhưng ít ra nó cũng khiến bên hành pháp phải lo ngại".
Dưới lăng kính của báo kinh tế Les Echos, tỷ lệ đình công trong ngành xe lửa hôm qua là "khúc dạo đầu" báo trước quyết tâm của nhân viên tập đoàn SNCF muốn bảo vệ những ưu đãi vốn có, từ lương bổng, đến phúc lợi xã hội, quy chế hưu bổng .... Chiến dịch đình công của ngành đường sắt chỉ bắt đầu vào ngày 03/04/2018 và kéo dài trong hai tháng.
Châu Âu đọ sức với Nga
Quan hệ giữa Bruxelles và Matxcơva hậu vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal và con gái tại Anh Quốc là hồ sơ bất ngờ chen vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu trong hai ngày 22 và 23/03/2018.
"Châu Âu ủng hộ thủ tướng May để đối phó với Matxcơva" tựa của Le Figaro. Brexit hay không Brexit, thủ tướng Anh "trắc nghiệm xem quan hệ giữa Luân Đôn với các đối tác còn lại trong Liên Âu vững chắc tới mức độ nào". Nếu như Pháp, Đức và nhiều lãnh đạo cao cấp nhất trong Liên Hiệp Châu Âu đã đứng hẳn về phía thủ tướng May trong cuộc đọ sức với tổng thống Nga, Vladimir Putin, thì một số thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu khác như là Hy Lạp và cả Ý hay Luxembourg, Hungary ... tỏ ra thận trọng hơn. Không ai tán đồng lời lẽ của ngoại trưởng Anh Boris Johnson ví Putin với Hitler.
Dù vậy vẫn theo Le Figaro, thái độ ủng hộ Luân Đôn của các đối tác châu Âu khác hẳn với việc tổng thống Mỹ đã gọi điện chúc mừng ông Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga mà không hề nhắc tới vụ Skripal. Tờ báo coi đây là một dấu hiệu cho thấy "một sự lung lay" trong quan hệ giữa Luân Đôn và Washington.
Chủ nhà sách Hồng Kông thách thức Bắc Kinh
"Trong vài tháng, dòng đời êm ả của chủ một nhà sách ở Hồng Kông bỗng trở nên sôi động không thua gì một cuốn tiểu thuyết trinh thám". Phóng viên báo Le Figaro, Patrick Saint Paul mở đầu bài phóng sự về chủ hiệu sách Lâm Vĩnh Cơ (Lam Wing Kee) như trên.
Bị Trung Quốc "bắt cóc" cuối 2015, bặt vô âm tín trong vòng 5 tháng, bị giam tổng cộng 8 tháng, khi được "thả" ông Lâm, 63 tuổi, không còn được sống bình yên. Mỗi khi ra đường ông phải hóa trang, cải dạng. Vậy họ Lâm đã phạm tội gì ?
Đơn giản là vì ông đã bán sách tiết lộ nhiều chi tiết về đời tư của "tân hoàng đế đỏ Trung Quốc Tập Cận Bình". Vẫn theo lời ông Lâm Vĩnh Cơ, người quyền lực nhất ở Hoa Lục "chột dạ" vì nội dung có nguy cơ gây sóng gió giữa ông Tập Cận Bình và đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên.
Ai Cập, một cuộc bầu cử với kết quả được biết trước
Nga và Ai Cập có ít nhất 1 mẫu số chung. Đây là nơi mà kết quả bầu cử tổng thống được biết trước. Libération trong bài phóng sự dài nói về cuộc bầu cử trên xứ sở của các vì vua Ai Cập, bầu cử tổng thống diễn ra từ ngày 26 đến 28/03/2018 : "Kết quả đã được biết trước, tất cả các ứng cử viên đều bỏ cuộc, ngoại trừ một người". Ứng cử viên duy nhất đó, gần đây, trên trang Facebook đã không ngớt lời tung hô tổng thống mãn nhiệm, tướng al Sissi ...
Trong bài báo trên Libération đọc mãi mới tìm thấy tên ứng cử viên tổng thống Ai Cập lần này ra đọ sức với tướng al Sissi. Đó là lãnh đạo một đảng nhỏ tại Cairo, ông Moussa Mostafa Moussa. Ứng viên đối lập mà nhật báo Le Figro gọi là một nhà đối lập "quá kín đáo".
Một người cháu của cố tổng thống Ai Cập el Sadate bị ám sát năm 1981, là ông Mohamed Anouar el Sadate, 63 tuổi, được coi là một trong những đối thủ xứng đáng của đương kim tổng thống al Sissi thì đã phải bỏ cuộc vào giữa tháng Giêng, lý do ông "bị quá nhiều áp lực".
Những nhân vật sáng giá khác có một chút triển vọng đe dọa chiếc ghế tổng thống của tướng Al Sissi thì đều đã bị loại, hoặc bị tống giam. Trên Libération, cháu của cố tổng thống Ai Cập này than thở : đời sống dưới thời đại của tướng al Sissi khó thở hơn nhiều so với những năm tháng dưới triều đình của ông Hosni Moubarak.
Vườn Giverny, địa điểm hành hương của giới yêu hội họa
Ngôi nhà và khu vườn của danh họa Claude Monet ở Giverny, là thánh đường cho những người yêu tranh vẽ Monet. Năm 2017, có 637.988 người mua vé vào cửa. Le Figaro ví von, Giverny mê hoặc du khách bốn phương không kém hang đá thiêng ở Lourdes, nơi năm 1858 cô bé Bernadette Soubirou đã trông thấy Đức Mẹ hiện thân. Còn nếu so với một danh lam thắng cảnh khác của vùng Normandie là Đồi Mont Saint Michel, thì vườn Giverny về thứ nhì.
Vào những ngày giữa tháng Ba năm nay, gió rét, nhiệt độ xuống đến âm 10°C, trời có khi mưa tầm tã, vẫn có hàng chục chiếc xe ca đưa khách du lịch đến Giverny ... 20 % khách tham quan từ Mỹ sang, 3 % là người Nhật.
Năm 2018 là năm vườn Giverny dành để vinh danh những nét đẹp của văn hóa Nhật Bản từng làm xiêu lòng họa sĩ Claude Monet. Vô số những tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng của hội họa và nghệ thuật phương Đông mà kiến trúc của khu vườn Giverny là bằng chứng rõ rệt nhất...

Không có nhận xét nào: