Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

CHÚA GIÊSU VÀ PHẠM DUY - Đào Hiếu

blank
phạm duy
Trên đường đi xuống trần gian, Chúa Giêsu nhìn thấy một đám đông những người đứng tuổi, ra dáng quan chức, trí thức, nghệ sĩ, đang vây quanh một ông già tóc bạc trắng. Họ vừa la hét vừa ném đá. Ông già nọ lúc đầu còn đưa tay đỡ nhưng sau khi bị trúng mấy cú vào đầu thì quỵ xuống, nằm trên bãi cỏ.<!>

Giêsu đứng lặng người một lúc rồi chậm chạp bước đến, đi vào giữa đám đông.
Ngài cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ vẫn không ngừng ném đá nên Người ngẩng lên và bảo họ: 
"Ai trong các ngươi cảm thấy mình có công với dân tộc Việt Nam hơn Phạm Duy thì hãy ném đá ông ấy. Còn nếu ai trong các ngươi cảm thấy công lao của mình thua kém Phạm Duy thì hãy im lặng, suy gẫm.
"Và kẻ nào đang cướp đất của dân, cướp tiền bạc, mồ hôi nước mắt của dân, cướp tự do của dân thì hãy cúi mặt xuống. Các ngươi không có tư cách để đánh giá Phạm Duy.
"Ta phong thánh cho người nhạc sĩ tài hoa ấy. Các ngươi sẽ bị nhân dân quên lãng nhưng Phạm Duy thì luôn ở trong hoài niệm của dân tộc Việt Nam. Các ngươi sẽ bị lịch sử ném vào sọt rác nhưng Phạm Duy đã được dựng tượng đài trong mỗi trái tim." 
Nghe Giêsu nói như vậy đám đông lần lượt bỏ đi. Lát sau chỉ còn lại Giêsu và linh hồn Phạm Duy. Người đến bên Phạm Duy đang nằm nhắm mắt bên bờ cỏ. Giêsu nói:
- Họ đã đi hết rồi. Bây giờ ông muốn về đâu?
Linh hồn Phạm Duy nói:
- Tôi muốn đi theo thầy.
- Ông có muốn sống lại không? Ta đã từng làm cho người chết sống lại.
- Không, thưa thầy. Trần gian nhảm nhí lắm. Thầy có thể cho tôi đi theo được không?
- Nhưng đạo của ta ngày nay cũng không còn như trước nữa rồi.

Giêsu nói xong liền bỏ đi, hướng về sa mạc. Linh hồn Phạm Duy do dự một lát rồi lẽo đẽo đi theo, cách một khoảng xa. Họ đến một cồn cát mênh mông và đầy bóng tối, ở đó có một tảng đá lớn ẩn hiện dưới ánh sáng của một bầy đom đóm và những ngôi sao thưa lấp lánh trên cao. Giêsu ngồi trên tảng đá và ra hiệu cho Phạm Duy ngồi bên. Ngài hỏi:

- Sao ông không muốn trở lại trần gian? Ông đã đem lại cho nơi ấy rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Ta nghĩ cũng có nhiều người đang nhớ và biết ơn ông.
- Nhưng khi tôi chết đi thì có nhiều kẻ ném đá. Họ kết tội tôi đã bỏ kháng chiến, “dinh tê” về Hà Nội.
- Nhưng tại sao ông bỏ kháng chiến?
- Là vì tôi quá chán chường những trò nhảm nhí. Mặt trận Việt Minh lúc đó quy tụ những con người ưu tú của dân tộc. Cuộc kháng chiến thật là đẹp, nhưng lãnh đạo nó là một thứ tư tưởng nhảm nhí, ngu ngốc và ấu trĩ. Mà người đầu tiên bộc lộ sự nhảm nhí ấy là Tố Hữu. Ngài ở trên trời có biết Tố Hữu không?
- Từ hơn hai ngàn năm nay ta vẫn có mặt ở khắp nơi trong vũ trụ bao la này. Hàng ngày có cả triệu người cầu nguyện ta, xưng tội với ta nhưng ta không bỏ sót ai cả. Ta biết, ta nhớ mặt từng người.
- Vậy thì tôi xin trả lời câu hỏi tại sao tôi bỏ kháng chiến, của thầy - Phạm Duy nói - Tôi còn nhớ rất rõ cái hôm Đại hội Văn nghệ ở Việt Bắc mùa hè năm 1950. Tố Hữu đã phá vỡ giấc mơ của nhiều người.

Trước tiên ông ta tấn công vào nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ: “Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, tiêu tan cả chí phấn đấu.”


Lưu Hữu Phước đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ của mình: “Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ Vọng Cổ được đâu”. Nhưng Tố Hữu nói: “Vọng Cổ làm cho Việt Nam mất nước, nên phải cấm nó thôi.” 

Dẹp xong vọng cổ, Tố Hữu quay sang kịch thơ: “Nội dung phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với kháng chiến.” 

Mọi người im phăng phắc, chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích. Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu đang ngồi, trịnh trọng bưng ghế ra đặt giữa hội trường, lấy trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói lên thật cao, tuyên bố: “Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay.” 


Đó là trường hợp Lưu Hữu Phước và Hoàng Cầm. Họ Lưu hiền lành và nhẫn nhục, ông cố đấm ăn xôi đi theo cộng sản tới cùng. Còn Hoàng Cầm thì rẽ qua Nhân Văn Giai Phẩm và bị đày đoạ suốt đời.

Riêng tôi, họ buộc tôi phải khai tử những đứa con của mình như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh, Bên Cầu Biên Giới…vì cho là uỷ mị, tiêu cực. 
Sau đại hội, mọi người không ai ngờ là “cách mạng” lại lẩm cẩm đến như vậy. Nhưng khi sự lẩm cẩm trở thành lệnh thì nó biến thành sự ngu đần quái dị. 
Giêsu nói:
 - Nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa đáng để ông từ bỏ kháng chiến.
- Thưa thầy, đó chỉ mới là cú sốc thứ nhất. Cú sốc thứ hai bắt đầu từ hôm tôi được anh Nguyễn Xuân Khoát cho biết là tôi sẽ được kết nạp Đảng, được tặng huân chương, được cử đi học ở Liên Xô và được … gặp ông Hồ.
  Tôi vốn là người phóng khoáng, ưa tự do, nghe nói “kết nạp đảng” và đi học ở Liên Xô thì sợ lắm. Cú sốc thứ hai này quá mạnh, đủ sức đẩy tôi ra khỏi Việt Minh, trở về Hà Nội. Hành động đó người ta gọi là “dinh tê”.
 
Giêsu leo xuống khỏi hòn đá và đi chân trần trên cát sa mạc. Người có vẻ rất chú ý đến câu chuyện Phạm Duy kể nhưng đặc biệt đến đoạn Phạm Duy gặp ông Hồ thì người cảm thấy cần nghỉ một lát để thư giãn. 

Trăng hạ huyền vừa nhô lên phía chân trời và những cơn gió sa mạc lạnh buốt đã mon men tới. Giêsu tiếp tục đi vòng quanh tấm linh hồn mảnh khảnh của người nhạc sĩ già. 

Phạm Duy kể tiếp:

“Qua khỏi một con suối được đặt tên là Lê Nin thì thấy hiện ra một ngôi nhà sàn bằng tre rất đẹp, có ông Chủ Tịch họ Hồ đang ngồi đánh máy. Nhìn thấy ông, tôi vẫn cảm động như lúc gặp ông lần đầu. Nhưng vì bây giờ được nhìn ông gần hơn lần trước, tôi thấy cặp mắt của ông thật là sáng, nhưng nó không toát ra một sự trìu mến. Cũng có thể một người làm chính trị suốt đời như ông thì lúc nào cũng cần phải quyết liệt, phải tàn nhẫn, cho nên ông có một cái nhìn rất dữ. 

Tới gặp ông lần này, tôi đủ thông minh để thấy ngay rằng đối với ông, lúc đó, tôi chẳng là cái gì cả. Không chừng ông cũng chẳng biết tới tên tôi hay biết tới công việc của tôi là đàng khác. Trong cái bắt tay hay trong câu chuyện, tôi chỉ cảm thấy có một chút thân mật của một người muốn làm cha thiên hạ, ban xuống cho một đứa con dân. Chỉ có thế thôi. Một nhà lãnh đạo như ông Hồ, đang có muôn ngàn chuyện phải làm, đâu có thì giờ để mà đãi ngộ một văn nghệ sĩ? Chẳng qua là vì những vị phụ trách về văn nghệ nghĩ rằng gặp ông Hồ là một ân huệ lớn đối với một công dân và nghệ sĩ như tôi. Trong mọi tính toán như: cho vào Đảng, cho đi Moscou, đề nghị tặng huân chương, còn có thêm một tính toán nữa là cho tôi gặp một người mà ai cũng mong được gặp. 


Họ không biết là tôi đã từng được mời tới gặp ông Bảo Đại khi ông vua này đi săn và tới Phan Rang hồi năm 1943. Tôi đang đi hát với gánh Đức Huy ở đó, ông Tỉnh Trưởng là Nguyễn Duy Quang cho xe hơi tới đón tôi đưa vào Dinh Tỉnh Trưởng để đàn hát cho ông vua nghe. Lúc đó tôi mới 22 tuổi. Chỉ có tôi và Bảo Đại ngồi ở trong phòng khách. Ông chăm chú ngồi nghe tôi hát, hỏi thăm gia đình tôi. Gặp ông vua mà cũng chẳng thấy có gì là ghê gớm cả. Ông vua nghe mình hát thì cũng như… ông trọc phú hay ông phu xe — những quý vị khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp — nghe mình hát mà thôi. Nhưng phải công nhận rằng ông Bảo Đại là một người rất nhã nhặn, rất thích âm nhạc. Tiếc rằng tôi không nhìn được rõ đôi mắt của ông vì ông luôn luôn đeo kính đen. 


Sau này cũng thế, vì anh tôi là Phạm Duy Khiêm đang làm Đại Sứ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tôi cũng được mời vào Dinh Độc Lập để gập hai anh em lãnh tụ họ Ngô. Cả hai ông đều có những cái nhìn rất dữ và cao ngạo. Đối với hai ông, tôi cũng chỉ có đúng một sự lễ phép vừa phải như khi tôi gặp những lãnh tụ khác. Một thứ lễ phép theo kiểu “kính nhi viễn chi” vốn là một cách rất hay để thoái thác không nhận một ân huệ hay một món nợ vật chất hay tinh thần nào ở nơi những người có quyền hành này. Sự tương kính đã có giữa hai bên rồi thì không bao giờ tôi dám phê phán các nhà lãnh tụ đó cả, từ ông Bảo Đại, qua ông Hồ Chí Minh tới hai vị lãnh đạo họ Ngô. Đó là công việc của lịch sử. 


Nhưng có một điều mà bây giờ tôi mới nhìn thấy khi tôi gặp ông Hồ Chí Minh ở Việt Bắc là: dù đây là một thứ chính quyền Cách Mạng nhưng ở cái nơi chiến khu âm u bí hiểm này cũng có một thứ triều đình rồi - chẳng trách Nguyễn Tuân gọi đây là đất thánh. Triều đình nào cũng phải có kẻ nịnh. Kẻ nịnh bao giờ cũng đông hơn người trung. Lúc tôi tới nơi ông Hồ ở là lúc tôi thấy Tống Ngọc Hạp đem một bầy thiếu nhi tới và tôi chứng kiến một sự “tranh nhau đi gặp Bác Hồ”, một sự cãi nhau om sòm giữa người này người nọ trong khi chọn ai được vào gặp, ai không được vào gặp. Tôi trở về Yên Giã, lòng rất thản nhiên vì bây giờ thì tôi không còn gì để thắc mắc nữa." 

(Trích Hồi Ký Phạm Duy)
Tất nhiên là tôi từ chối kết nạp Đảng, từ chối nhận huân chương và cả việc đi học tập ở Liên Xô nữa. Sau đại hội, tôi đưa vợ trở về Thanh Hoá, ở đó tôi gặp Nguyễn Đức Quỳnh và chúng tôi bàn chuyện dinh tê.”
Giêsu dừng lại ngay trước mặt Phạm Duy và đưa cho ông một hòn đá to như nắm đấm. Nhưng tấm linh hồn mong manh của người nhạc sĩ già không thể cầm được hòn đá vì nó chỉ là sương khói. Giêsu mỉm cười với ông và nói:
- Ta sẽ ban cho ông một hình hài. Bây giờ thì ông hãy cầm lấy đi.
Và Phạm Duy đã cầm được hòn đá. Ông hỏi:
- Thưa thầy, hòn đá gì vậy?
- Đó là một trong những hòn đá mà đám đông lúc nãy đã ném ông. Thực ra nó không phải là đá. Nó là ngọn lửa của quỷ Sa-tăng. 

Lập tức hòn đá biến thành ngọn lửa đỏ rực giữa đêm tối sa mạc. Phạm Duy cả cười, ném nó lên không trung. Nó bay vút lên như một ánh sao băng và mất hút trong đêm tối.

[Gioan (8,3-11) Tân Ước Hậu Hiện Đại]


                                                                                                      02-02-2018
                                                                                                     Đào Hiếu

Không có nhận xét nào: