GNsP (08.04.2016) – Nhiều dân oan và những người có tiếng nói khác nhà cầm quyền bị lực lượng công an tại Hà Nội đánh đập, bắt và câu lưu tại các đồn công an vào sáng ngày 08.04.2016.
Cho đến thời điểm này vào lúc 16 giờ cùng ngày, theo như thông tin GNsP được biết, có khoảng 10 người trong đó: Cựu TNLT Thái Văn Dung, sống ở Vinh, Cựu TNLT Trung Nghĩa, Cựu TNLT – Dân oan Cấn Thị Thêu, ông Trương Dũng và một số người khác bị bắt và câu lưu trái phép trại các đồn công an. An ninh mặc thường phục lôi kéo Cựu TNLT Trung Nghĩa trước khi bắt và câu lưu tại đồn công an ở Hà Nội.<!->
Trước khi những người này bị bắt đưa về các đồn công an, đã bị lực lượng công an đánh đập dã man. Bạn Từ Anh Tú, một bạn trẻ tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lấn VN, bị lực lượng công an đạp vào mặt khi có mặt tại đây nói với GNsP:
“Hôm nay, kỷ niệm thành lập 10 năm Khối 8406 thì một số anh em hẹn nhau, gặp gỡ nhau tại quán cà phê và đồng thời kêu gọi trả tự do cho anh Nguyễn Văn Đài. Mọi người mới gặp nhau khoảng 30 phút thì công an yêu cầu chủ quán đóng quán, rồi công an bắt bớ mọi người. Tôi thấy công an bắt một người bạn của tôi là Thái Văn Dung, tôi lao vào kéo bạn tôi ra nhưng không được, công an xúm vào đánh đập tôi, lúc họ lôi tôi bị ngã, công an đã xúm vào, lấy giầy đạp vào mặt tôi. Hiện nay, tôi rất nhức đầu.”
“Đây là hành động côn đồ và phi nhân tính trong khi chúng tôi là những người trong tay không có vũ khí và không có bất kỳ hành động bạo lực nào, nhưng họ luôn có những hành động đàn áp rất thô bạo và hành xử vô văn hóa.” Bạn trẻ Từ Anh Tú uất ức nói.
Bạn trẻ Từ Anh Tú bị lực lượng công an đánh và lấy giầy đạp thẳng vào mặt vào sáng ngày 08.04.2016.
Hiện nay, anh Tú không có một thông tin gì về người bạn của anh bị bắt sáng nay là Cựu TNLT Thái Văn Dung, đã từ Vinh ra Hà Nội để tham dự ngày kỷ niệm 10 năm thành lập Khối 8406 và yêu cầu nhà cầm quyền thả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Nguyễn Thị Thu Hà.
Cô Thảo Têrêsa có mặt tại sự kiện này cho GNsP biết thêm thông tin:
“Hôm nay, mọi người đến Đại sự quán Mỹ để kỷ niệm 10 năm của Khối 8406 và kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và chị Lê Thị Thu Hà, nhưng khi mọi người chưa ra đến nơi thì nó [lực lượng công an] đã chặn đường, bắt bớ và đánh đập rất dã man. Dã man vô cùng! Lực lượng an ninh đông kinh khủng. Họ bắt chú Trương Dũng, Trung Nghĩa, cô Cấn Thị Thêu ngay trước mắt tôi, bao nhiêu an ninh lao vào đấm đá và lôi hai người này lên xe. Có khoảng 10 người khác nữa cũng bị bắt.”
Dân oan Ba Miền và những người có tiếng nói khác nhà cầm quyền biểu tình và yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Nguyễn Thị Thu Hà.
Một video chưa đầy 1 phút lan truyền nhanh trên mạng Facebook cho thấy, nhiều người mặc áo trắng in hình Luật sư Nguyễn Văn Đài, cùng với những người mặc áo màu cam in dòng chữ màu trắng “Dân oan Dương Nội quyết giữ đất” đã nằm dài xuống đường trước sự bất lực của CSGT để phản đối nhà cầm quyền bắt giữ người trái pháp luật. Cô Thảo Têrêsa có mặt tại đây xác nhận:
“Khi công an bắt chú Dũng và một số bà con dân oan đưa lên xe ôtô chở đi, thì bà con bảo nhau nằm dài ra đường để phản đối hành động bắt và đánh đập người dã man như thế. An ninh đông lắm, ai mà tiếp cận những người bị bắt đều có thể bị an ninh ra tay đánh đập, do đó bà con còn mỗi một cách là nằm dài ra đường để phản đối. Không có hình ảnh nào có thể bôi xấu chế độ hơn là những tấm hình ảnh này khi những người già chân lấm tay bùn và trẻ em nằm ra đường để phản đối hành vi bắt người và đánh người của nhà cầm quyền, họ không còn cách nào khác ngoài cách này.”
Bà con dân oan nằm ra đường phản đối lực lượng công an đánh đập và bắt người trái pháp luật.
Hiện nay, có hơn 100 bà con dân oan và những người có tiếng nói khác nhà cầm quyền đang tập trung tại trụ sở Công An Hà Nội số 6 Hà Đông yêu cầu nhà cầm quyền thả người. “Nhưng vẫn chưa thấy họ có động thái gì hết, nếu hết giờ hành chánh mà họ không thả người thì bà con sẽ tiếp tục biểu tình”. Cô Thảo Têrêsa cho hay.
GNsP sẽ tiếp tục dõi theo và cập nhập thông tin đến quý vị.
Huyền Trang, GNsP
Phỏng vấn: Đảng Chính Trị ’Khác’ của Việt Nam
The Diplomat
Shawn W. Crispin
8/4/2016 The Diplomat trò chuyện với phát ngôn nhân của đảng chính trị nổi bật nhất và hiện đang bị cấm đoán tại Việt Nam về tình hình chính trị của quốc gia này.
Ông Hoàng Tứ Duy là phát ngôn nhân từ Hoa Kỳ của Đảng Việt Tân, đảng chính trị nổi bật nhất hiện đang bị cấm đoán tại Việt Nam và cho biết là có hàng ngàn thành viên trong nước và tại hải ngoại.
Trong lúc Việt Nam chuẩn bị bầu cử quốc hội vào ngày 22 tháng Năm, ông Duy trò chuyện với ông Shawn Crispin của The Diplomat về sự khác biệt cơ bản giữa Đảng Việt Tân và Đảng Cộng Sản cầm quyền cũng như tại sao cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới không nên được xem ngay cả như là một bước tập tễnh hướng đến dân chủ đa đảng tại Việt Nam. Sau đây là phần biên tập của cuộc phỏng vấn.
Việt Nam đã tổ chức bầu cử Quốc Hội từ năm 2002, nhưng Đảng Cộng Sản vẫn nắm giữ sự ưu thế. Tại sao lại như vậy?
Việt Nam là một thể chế cộng sản độc đảng, chứ không phải là một nền dân chủ nghị viện. Đảng Cộng Sản cầm quyền xem quốc hội như một bù nhìn và tiến trình bầu cử không có tự do và bình đẳng. Một cách ngắn gọn, người dân Việt Nam không quan tâm gì lắm đến cuộc bầu cử Quốc Hội và Đảng Cộng Sản cũng vậy.
Tin tức báo chí nêu lên con số chưa từng thấy của các ứng viên độc lập tự ra ứng cử trong lần bầu cử này. Lần chuẩn bị bầu cử năm nay khác biệt ở chỗ nào, nếu có?
Trên lý thuyết, Quốc Hội đại diện cho người dân và mọi công dân có quyền làm ứng viên. Trong thực tế, phần lớn người dân Việt Nam thờ ơ hoặc xem thường Quốc Hội vì họ biết là Đảng Cộng Sản không tôn trọng những từ ngữ cao cả trong hiến pháp hay luật pháp.
- Một số ứng cử viên độc lập tiêu biểu.
Điều khác biệt trong năm nay là nhiều nhà hoạt động sẵn sàng thách đố nguyên trạng bằng cách thực thi quyền hạn của họ theo hiến pháp Việt Nam. Việc này cũng như bất tuân dân sự nhưng thay vì thách thức luật pháp bất công của chế độ, các nhà hoạt động thách thức việc áp dụng bất công luật lệ hiện thời của chế độ.
Giới chức của đảng khoe tiến trình bầu cử đến nay như là bằng chứng của “tinh thần dân chủ” của Việt Nam? Đánh giá so sánh của ông thế nào?
Để so sánh cho rõ, Đảng Cộng Sản hay khoe là Việt Nam “dân chủ ngàn lần hơn” các quốc gia Tây Phương. Như mọi khi, có khác biệt rất lớn giữa tuyên truyền nhà nước và thực tế ngoài đời. Điều mà chúng tôi thấy hiện nay là sự quyết tâm và sáng tạo trong giới hoạt động để thực thi quyền căn bản của họ và thúc đẩy cho một sân chơi chính trị rộng lớn hơn - bất chấp rủi ro bị nhà cầm quyền xách nhiễu và đàn áp.
Cuộc bầu cử tới đây có nên được xem như là một bước tập tễnh hướng đến dân chủ đa đảng?
Chắc chắn là không.
Thế thì tại sao nhà cầm quyền cảm thấy buộc phải đưa ra cách nhìn như vậy khi mà Việt Nam nhìn kiểu nào đi nữa vẫn là một thể chế chuyên chính độc đảng?
Ngay cả các chính quyền chuyên chính cũng buộc phải giả vờ tính chính danh của họ. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trước đây là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.” Bắc Hàn thì gọi là “Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên” và Đông Đức là “Cộng Hòa Dân Chủ Đức.”
Rất là xấu hổ để nhìn nhận rằng bạn vi phạm nhân quyền hay các nguyên tắc dân chủ. Đó là tại sao giới chức Hà Nội giả vờ là Việt Nam không có tù nhân chính trị nào cả và bầu cử thật sự không cần thiết bởi vì Đảng Cộng Sản đã được sự hậu thuẫn của quần chúng.
Nhưng tất cả chính quyền cuối cùng đều cần có sự đồng ý của người được cai trị. Trong một quốc gia tự do, sự đồng ý được phát ra qua thùng phiếu. Trong một xã hội chuyên chính, sự đồng ý của quần chúng bị ép buộc bằng nỗi sợ hãi. Tuy thế qua mạng xã hội và sự bất tuân dân sự rộng lớn hơn ngoài đời, người Việt Nam cho thấy là họ không còn dễ bị ép buộc nữa.
Xin cho biết ngắn gọn về các thành viên Đảng Việt Tân, chính sách và mối quan hệ hiện nay với Đảng Cộng Sản.
Đảng Việt Tân có thành viên từ mọi giai tầng xã hội tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy thay đổi chính trị bằng những phương thức ôn hòa. Chúng tôi muốn có một Việt Nam phát triển, hiện đại với nhân quyền được tôn trọng. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi tất cả người dân Việt Nam có tiếng nói quyết định vận mệnh của đất nước họ.
- Buổi huấn luyện về kỹ năng truyền thông và cách áp dụng công cụ StoryMaker tại Singapore Tháng 5, 2015.
Chúng tôi tích cực trong việc hỗ trợ một nền truyền thông tự do trên thực tế - xuyên qua việc cổ xúy cho tự do internet và thúc đẩy dân báo - vì tự do thông tin sẽ tạo sức mạnh. Cũng thế, Đảng Việt Tân tin rằng người dân Việt Nam phải là tác nhân của sự thay đổi. Vì thế, chúng tôi cố gắng trong việc xây lực và hỗ trợ các phong trào quần chúng.
Khác biệt cốt lõi trong quan điểm giữa hai đảng là gì? Tại sao nhà cầm quyền đôi khi gọi Đảng Việt Tân là một tổ chức “khủng bố”?
Mặc dầu vào trong thời gian đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam thu hút rất nhiều người có lý tưởng, nhiều người đã hy sinh cho những điều mà họ cho là đúng đắn cho quốc gia, Đảng Cộng Sản ngày nay là rào cản lớn nhất cho sự tiến bộ và phát huy trọn vẹn tiềm năng của Việt Nam. Việc khăng khăng nắm giữ độc quyền của Đảng đã đưa đến nhiều vi phạm nhân quyền và bất công xã hội. Giới lãnh đạo đảng cộng sản xem bất cứ ai với quan điểm khác biệt là kẻ thù và thấy bị đe dọa khi quần chúng tham dự vào chuyện nước.
Nhiều lần nhà cầm quyền đã bắt giữ các thành viên của Đảng Việt Tân với tội cáo buộc “lật đổ” hoặc “khủng bố”. Nghe thì rất đáng ngại nhưng các hoạt động thật sự của họ là: viết blog, tham dự các khóa huấn luyện về xã hội dân sự, phát truyền đơn, dự các buổi tụ họp công chúng, và tổ chức các nhóm quần chúng bất bình. Đây là những hành vi ôn hòa của việc bày tỏ chính kiến hoàn toàn trong khuôn khổ các quyền căn bản đã được tôn vinh trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và trong nhiều trường hợp cũng có ghi trong hiến pháp Việt Nam.
- Blogger Nguyễn Ngọc Già, một trong 7 nhà hoạt động bị kết án “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 bộ luật hình sự trong những ngày qua.
Cũng không riêng gì Đảng Việt Tân. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động đơn lẻ hoặc với các nhóm dân chủ khác, đã bị bắt giữ tùy tiện. Trong những ngày qua, bảy nhà hoạt động bị kết án “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lạm dụng tự do dân chủ.” Vấn đề cốt lõi là chế độ cộng sản tại Việt Nam không chấp nhận chống đối ôn hòa và vì thế họ thường xem giới chống đối như kẻ thù truyền kiếp và là “kẻ khủng bố.”
Bao nhiêu thành viên của Đảng Việt Tân tự ra ứng cử trong cuộc bầu cử sắp tới và ở mức độ nào họ có thể vận động tranh cử tự do dưới bảng hiệu Đảng Việt Tân?
Chúng tôi hỗ trợ mọi nỗ lực để gia tăng không gian chính trị tại Việt Nam và thách thức nhà cầm quyền Hà Nội tuân thủ với cam kết quốc tế cũng như luật lệ trong nước. Tuy thế, chúng tôi không xem đây là một cuộc bầu cử thật sự cũng như Quốc Hội không phải là một thực thể chính trị chính danh, do đó không hợp lý cho Đảng Việt Tân đưa ra các ứng viên.
Thành viên Đảng Việt Tân, hay ngay cả những người được xem là thành viên, có bị nhà nước xách nhiễu trong giai đoạn đăng ký bầu cử?
Nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã gặp sự xách nhiễu từ nhà nước. Đây là điều chúng tôi quan tâm vì bất cứ lúc nào một ai bị trù dập, đó là mối quan tâm cho toàn thể giới dân chủ.
- Anh chị em hoạt động dân chủ trong và ngoài nước học hỏi kinh nghiệm Miến Điện. Tướng Tin Oo trao đổi với phái đoàn về vấn đề đối lập chính trị và chia sẻ nhiều bài học về phong trào.
Ông có nghĩ là nỗ lực của Đảng Cộng Sản tô vẽ bầu cử quốc hội là tự do và bình đẳng sẽ gây âm vang trong cộng đồng quốc tế, kể cả Washington?
Tôi không nghĩ một vài bài báo trên truyền thông nhà nước Việt Nam sẽ làm thay đổi cách nhìn hoặc hiện tình của hệ thống chính trị chuyên chính của Việt Nam. Trước khi Việt Nam có thể giống như Miến Điện [hiện đang dân chủ hóa], giới lãnh đạo cộng sản cần phải thả các tù nhân lương tâm và chấp nhập đối lập chính trị.
Hoàng Thuyên biên dịch
Nguồn: The Diplomat
Thông Tin Đức Quốc - http://www.ttdq.de/node/2732
Miến Điện trả tự do cho 69 sinh viên"tù chính trị"
Thụy My Đăng ngày 08-04-2016 Sửa đổi ngày 08-04-2016 20:14
Sinh viên chờ đợi lệnh trả tự do cho những "tù chính trị" bên ngoài tòa án Tharrawaddy, Miến Điện, ngày 08/04/2016.REUTERS/Soe Zeya Tun
Sáu mươi chín sinh viên Miến Điện bị giam giữ từ một năm qua do biểu tình ôn hòa, đã được trả tự do ngày 08/04/2016, sau khi bà Aung San Suu Kyi hứa hẹn một ngày trước đó sẽ phóng thích các tù nhân chính trị.
Tòa án Tharrawaddy thông báo, tất cả 69 sinh viên này đều được trả tự do và mọi cáo buộc đều bị hủy bỏ. Từ sáng sớm nay, thân nhân các sinh viên bị bắt đã chờ đợi trước các nhà tù để ngóng tin vui này.
Tuyên bố ngày 04/04 của bà Aung San Suu Kyi đã làm nảy sinh niềm hy vọng lớn lao về một quyết định ân xá hàng loạt sắp tới. Trong chỉ thị chính thức đầu tiên với vai trò cố vấn đặc biệt của chính phủ, bà Suu Kyi đồng thời là ngoại trưởng, viết rằng bà « sẽ hành động để trả tự do ngay lập tức các tù chính trị, các nhà đấu tranh và các sinh viên bị truy tố vì lý do chính trị ».
Dù trong những năm gần đây, chính phủ bán dân sự cầm quyền từ năm 2011 đã trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị, song vẫn còn mấy chục người tù chính trị bị giam giữ tại Miến Điện. Trong đó các sinh viên trên đây chiếm phần lớn, một số còn có nguy cơ lãnh án đến 10 năm tù sau khi tham gia cuộc biểu tình ôn hòa bị đàn áp thô bạo hồi tháng 3/2015.
Bản thân giải Nobel Hòa Bình, đang giữ nhiều chức vụ trong chính phủ của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, cũng đã từng bị quản chế suốt 15 năm dưới chế độ độc tài quân sự.
Một vài nét chính về quá trình hình thành Tuyên ngôn 8406
Đỗ Nam Hải
Trong một trao đổi giữa Kỹ sư Đỗ Nam Hải với Blogger Lê Nguyên Hồng vào năm 2009, Kỹ sư Đỗ Nam Hải đã kể lại chi tiết về diễn tiến ra đời Bàn Tuyên Ngôn Dân Chủ của Khối 8406 cách nay 10 năm. Tuy là sự trao đổi cá nhân, nhưng nội dung đã chứa đứng nhiều yếu tố lịch sử của sự đột phá Phong Trào Dân Chủ Việt Nam vào giữa thập niên 2000. Nhân kỷ niệm 10 năm của Khối 8406, chúng tôi xin đăng lại lá thư nói trên để rộng đường dư luận.
Ban Biên Tập Web Việt Tân
Anh Lê Nguyên Hồng thân mến,
Tôi ít khi viết hay nói cụ thể về chuyện này, vì 2 lẽ:
a) Việc hiện tại và tương lai quan trọng hơn là chuyện đã qua.
b) Nếu không khéo, người khác dễ hiểu lầm mình.
Nhưng vì yêu cầu của anh cần tư liệu cho bài viết sắp tới, nên tôi viết thư này kể lại cho anh một vài nét về quá trình hình thành Tuyên ngôn 8406 như sau:
1) Tôi ra Hà Nội đợt ấy khoảng 2 tuần (từ 23/2 – 6/3/2006). Lúc ấy công an Việt Nam đã biết tôi là Phương Nam, nhưng vẫn để tôi ra Hà Nội, chứ không như hiện nay, như anh biết là họ đã ngăn tôi đi Hà Nội 3 lần, tính từ cuối năm 2007 đến nay.
2) Tôi nhớ hôm ấy là khoảng đầu tháng 3/2006 có tôi, ông Trần Khuê, anh Nguyễn Khắc Toàn (mới ra tù ít lâu) cùng ăn cơm trưa tại nhà bác Hoàng Minh Chính, tại ngõ 26, phố Lý Thường Kiệt – Hà Nội. Ăn xong, 4 người cùng ngồi uống trà & tôi lên tiếng trước, đại ý như sau:
“Trong thời gian qua, tình hình phong trào dân chủ Việt Nam đã có những bước phát triển mới rất tích cực, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Vì vậy, đây chính là thời điểm rất thuận lợi để những người đấu tranh dân chủ chúng ta cùng ra 1 bản Tuyên ngôn dân chủ, tương tự như cách mà nhóm ’Hiến chương 77’ của những nhà dân chủ Tiệp Khắc đã làm vào năm 1977 vậy.
Cách đây 6 năm, vào năm 2000, nhóm các anh Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh ở Đà Lạt hình như cũng định ra một bản “Kết ước năm 2000” nhưng bị công an đàn áp nên vấn đề bị đóng lại. Nay xin đề nghị chúng ta quyết tâm làm, dù có bị công an đàn áp. Đề nghị mọi người cho ý kiến”.
Suy nghĩ một lúc, bác Hoàng Minh Chính lên tiếng trước, đại ý như sau: “Ý kiến của Phương Nam rất hay, bác đề nghị thế này: thứ nhất, Phương Nam đã nêu ý kiến thì Phương Nam hãy viết luôn bản dự thảo tuyên ngôn đó, rồi gửi cho mọi người cùng tham gia góp ý. Thứ 2, sau khi đã có bản tuyên ngôn dân chủ chính thức rồi thì chúng ta cần phải có một danh sách những người cùng ký tên ủng hộ nó.”
Tôi đồng ý với ý kiến đề nghị trên của bác Chính và nói sẽ viết dự thảo Tuyên ngôn dân chủ, sau khi tôi về lại Sài Gòn. Tôi cũng nói là thời gian dự kiến để hoàn thành nó là khoảng từ 7 đến 10 ngày. Tiếp theo, cả nhóm 4 người chúng tôi cùng thảo luận để lên bản danh sách những người tham gia ủng hộ bản Tuyên ngôn dân chủ, sau khi nó được công bố. Cuối cùng, một danh sách dự kiến được lập, với khoảng trên 50 người từ Bắc chí Nam.
Tôi về lại Sài Gòn ngày 6/3/2006 và tự vạch ra một bố cục cho bản dự thảo tuyên ngôn dân chủ. Đồng thời, tìm kiếm, tập hợp những tài liệu phục vụ cho công việc này. Nhưng khi bắt tay vào chuẩn bị mới thấy công việc đó khó hơn tôi hình dung ban đầu. Vì vậy mà thời gian 2 tuần đã trôi qua nhưng mọi người vẫn chưa thấy tôi gửi bản dự thảo đi. Bác Chính cũng đã thông báo với Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế biết về việc tôi đang viết dự thảo Tuyên ngôn dân chủ. Vì vậy mà những ngày ấy, tôi luôn nhận được những cuộc điện thoại của cả bác Chính & Lm. Lý hỏi tôi: “Xong chưa? xong chưa?”. Tôi trả lời: “Sắp xong!”.
Sáng ngày 23/3/2006, sau khi đã chuẩn bị xong các ý tưởng, bố cục và tài liệu để bắt đầu viết nó thì tôi bị một nhóm công an Sài Gòn khoảng 6 – 7 người, đều mặc thường phục hành hung tại quán café Lối Về, số 438 đường Nguyễn Kiệm – phường 3 – quận Phú Nhuận (có lẽ họ nghe trộm điện thoại nên biết tôi đang làm việc này). Tôi bị họ đánh rách môi, bị tét ở khóe mắt và chảy máu, người đau ê ẩm từ đầu đến chân. Họ giữ tôi 38 tiếng tại đồn công an Q.Phú Nhuận, mặc dù suốt khoảng thời gian đó tôi bị sốt cao vì trận đòn thù kia, nhưng tất cả họ đều không hề hỏi tôi có cần uống thuốc hay không. Máu của tôi vẫn tiếp tục chảy và tôi đã phải nhiều lần đi vào toilet để rửa nó, trước sự bám sát của công an.
Trong khoảng thời gian 38 tiếng đó, họ cũng đưa tôi lên xe ôtô để về nhà tôi: Mấy chục người vừa công an, vừa “chính quyền” đã “diễu võ giương oai” chỉ để sau đó lôi đi chiếc máy tính của tôi. Theo tôi, mục đích chính của họ trong “động tác nghiệp vụ” này chỉ là muốn khủng bố tinh thần tôi và nhất là gia đình tôi mà thôi. Về sự việc trên, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã viết một bản tường trình có tựa đề: “Tại sao kỹ sư Đỗ Nam Hải bị bắt và bị đánh” và đưa lên Internet cuối tháng 3/2006 (lúc đó máy tính của tôi chứa đầy các tài liệu phục vụ cho việc viết dự thảo tuyên ngôn, nhưng chính bản dự thảo thì tôi lại chưa viết).
Sau gần 2 ngày ở đồn công an, tôi về nhà và càng quyết tâm thực hiện công việc đó cho bằng được. Linh mục Nguyễn Văn Lý gọi điện thoại cho tôi, ông nói đại ý: “Bây giờ, kỹ sư (tôi) đang gặp khó khăn, máy tính lại bị tịch thu. Hay là kỹ sư để người khác làm công việc này?”. Tôi trả lời: “Không, tôi vẫn đang bị sốt vì trận đòn thù đó, tay phải của tôi bị chúng nó bẻ quặt ra đằng sau mạnh quá nên vẫn chưa duỗi thẳng ra được. Nhưng rồi vài hôm nữa tôi sẽ khỏi và tôi sẽ mua lại máy tính. Sự việc xảy ra vừa qua càng làm cho tôi thêm quyết tâm phải làm cho xong và làm tốt công việc này, vì 2 lẽ: thứ nhất, đây là thời cơ và chúng ta phải nhạy bén tận dụng thời cơ này để ra bằng được bản Tuyên ngôn dân chủ. Thứ 2, tôi quyết tâm làm để chứng minh cho bộ máy công an trị này biết rằng: họ đã thất bại thảm hại khi họ sử dụng bạo lực!”
- Từ trái sang phải: Ls. Nguyễn Văn Đài, Bs. Nguyễn Đan Quế, Gs. Trần Khuê và Ks. Đỗ Nam Hải.
Sau đó khoảng 2 ngày, tôi khỏi sốt, mua lại máy tính và bắt đầu viết bản dự thảo trên. Tôi đặt tên ban đầu cho nó là Tuyên ngôn dân chủ Việt Nam. Khoảng 9 giờ sáng ngày 7/4/2006 tôi đã hoàn thành bản dự thảo và gửi nó qua e-mail cho 7 người đấu tranh dân chủ trong nước là: bác Hoàng Minh Chính, ông Trần Khuê, các anh Hà Sỹ Phu, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Chính Kết, thượng tọa Thích Không Tánh và Linh mục Nguyễn Văn Lý.
Như vậy là kể cả tôi thì chỉ có 8 người lúc ấy có bản dự thảo này. Tôi cũng in ra 3 bản để đi tới nhà ông Trần Khuê tại quận 5 Sài Gòn sáng hôm ấy, vì có hẹn với anh Nguyễn Chính Kết & ông Trần Khuê để cùng thảo luận nó. Nhưng khi 3 chúng tôi vừa mở nó ra chuẩn bị thảo luận thì có vị khách đột xuất, nên công việc đành phải xếp lại. Vì vậy, chúng tôi cùng hẹn sáng hôm sau, ngày 8/4/2006 sẽ quay lại để tiếp tục thảo luận.
Sau đó, tôi đi ăn trưa với một người quen và khoảng 14 giờ 30, khi tôi về đến nhà thì đã thấy 2 công an Sài Gòn đang ngồi nói chuyện với mẹ tôi ở trên lầu. Đó là viên trung tá công an tên là Đoàn Duy Thanh – Đội phó đội An ninh nhân dân – công an Q.Phú Nhuận và một kỹ thuật viên máy tính mà tôi không biết tên. (ông Thanh nay lên trưởng ban ANND – CA Q.Phú Nhuận thay cho viên trung tá Nguyễn Hoài Phong chuyển công tác. Còn ông Phong chính là người đã chỉ huy nhóm công an hành hung tôi tại quán café Lối Về, sáng ngày 23/3/2006, mà Linh mục Lý có nêu tên trong bài viết nói trên.
Thấy tôi, ông Đoàn Duy Thanh nói ngay: “Chúng tôi nhận được một công văn hỏa tốc từ Hà Nội của Tổng cục an ninh – Bộ công an, với nội dung là: có một bản dự thảo Tuyên ngôn dân chủ đã được gửi đi cho nhiều người từ nhà anh, vào lúc 9 giờ sáng nay. Chúng tôi được cấp trên yêu cầu kiểm tra ngay máy tính của anh để báo cáo gấp với Bộ”. (“Bộ” tức là Bộ công an Việt Nam). Sau đó, ông ta rút từ trong cặp ra cho tôi xem tờ công văn đó và yêu cầu tôi mở cửa phòng để họ kiểm tra máy tính của tôi.
Tôi đọc xong và nói với ông Thanh (có sự chứng kiến của mẹ tôi và cậu công an giúp việc ông Thanh): “Tôi phản đối hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn này của công an Việt Nam các ông. Nhưng tôi biết là dù có phản đối thì công an các ông cũng sẽ quyết tâm vi phạm Hiến pháp và luật pháp Việt Nam mà thôi. Từ trước đến nay các ông đều như vậy cả rồi. Vì vậy, nếu muốn thì các ông cứ việc kiểm tra, nhưng trước khi kiểm tra thì tôi cũng nói thẳng với các ông rằng: Đúng, đúng là có 1 bản dự thảo Tuyên ngôn dân chủ do tôi viết và tôi đã gửi đi cho nhiều người vào sáng nay, từ chiếc máy tính của tôi.”
Hai viên công an đó đã kiểm tra máy tính của tôi từ 15:00 giờ đến 17:30. Dỹ nhiên là họ tìm thấy ngay bản dự thảo ấy, vì tôi vẫn lưu nó trong máy tính của mình. Trong khoảng thời gian đó, ông Thanh gọi điện thoại rất nhiều lần cho cấp trên của ông ta để xin ý kiến chỉ đạo. Cuối cùng họ niêm phong máy tính của tôi lại và yêu cầu tôi lên đồn công an Q.Phú Nhuận để tiếp tục thẩm vấn. Khoảng 10 giờ 30 tối cùng ngày, tôi được về và sáng hôm sau, ngày 8/4/2006 tôi lại phải lên trên đó cả ngày để trả lời những câu hỏi ba lăng nhăng của họ. (hồi ấy tôi vẫn phải lên đồn công an mỗi khi họ yêu cầu. Nhưng từ tháng 5/2007 đến nay, tôi cương quyết không lên đồn công an nữa, dù họ có gửi Giấy mời hay Giấy triệu tập. Vì vậy nên mới có trò họ chặn bắt tôi hàng trăm lần rồi dẫn giải về đồn công an, mỗi khi tôi ra đường. Trong những trường hợp như vậy, tôi đã nhất định không chịu làm việc với họ, như anh đã biết.)
Khoảng 17 giờ ngày 8/4/2006, khi tôi vừa từ đồn công an quận Phú Nhuận bước ra thì nhận được điện thoại của Linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông nói đại ý: “Sáng hôm qua, sau khi nhận được bản dự thảo Tuyên ngôn dân chủ Việt Nam của kỹ sư gửi và biết được những khó khăn sau đó của anh thì chúng tôi nhận định rằng: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất lo sợ bản Tuyên ngôn này ra đời và do vậy, họ sẽ cố gắng ngăn cản nó bằng mọi cách. Anh em chúng tôi ngoài Huế đã tập trung làm việc cật lực, kể cả thức đêm để mau chóng hoàn tất nó, vì e rằng công an Huế cũng sẽ bất ngờ ập vào nhà chúng tôi để tịch thu máy tính và các phương tiện làm việc khác. Sau gần 30 giờ thì bản Tuyên ngôn đó đã hoàn thành, với tên gọi là: Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006. Chúng tôi đã gửi nó lên Internet vào khoảng 15 giờ chiều nay. Vì vậy, nếu có thể được thì kỹ sư hãy tìm cách cắt đuôi công an để vào một tiệm Internet nào đó đọc nó.”
- Linh mục Nguyễn Văn Lý và Linh mục Phan Văn Lợi. Hình chụp ngày 15-3-2010 khi Lm. Lý được đưa ra khỏi nhà tù Ba Sao và trở về Nhà Chung (Tòa Tổng Giám Mục Huế). Toà Án tạm đình chỉ thi hành án để Lm. Lý chữa bệnh. Đến ngày hôm nay Lm. Lý vẫn tiếp tục chịu cảnh lao tù sau khi bị kết tội tuyên truyền chống phá nhà nước vào năm 2007.
Tôi bèn tìm cách cắt đuôi công an và đã đọc được nó ngay sau đó. Tôi vừa đọc vừa khóc vì cảm động. Tôi cho rằng: Đây là công trình lao động trí tuệ tập thể mà mình cũng đã góp phần xây dựng nó. Cảm động hơn nữa là các vị Linh mục ngoài Huế (nhóm 3 Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Nguyễn Hữu Giải và Linh mục Phan Văn Lợi) và các cộng sự đã vận động được một danh sách gồm 118 người tham gia ký tên đầu tiên. Họ tất cả đều ở trong nước, trải dài từ Bắc vào Nam, có tên, địa chỉ cụ thể và với nhiều ngành nghề, tuổi tác, hoàn cảnh xuất thân, v.v… khác nhau. Khối 8406 ra đời! Nỗi sợ của nhân dân đối với cái bộ máy công an trị đồ sộ và tàn bạo này tuy vẫn còn nhưng đã dần được đẩy lùi một bước lớn và rất quan trọng. Đó là nỗi vui mừng khôn xiết của tôi lúc ấy!
Những sự việc diễn ra sau đó như thế nào, đồng bào ta ở trong, ngoài nước cùng cộng đồng quốc tế tiến bộ đã ủng hộ bản Tuyên ngôn 8406 & Khối 8406 đó ra sao thì anh cũng đã nắm rõ. Tôi không cần phải kể lại nữa. Chúc anh luôn mạnh khỏe & bình an.
Thân mến.
Đỗ Nam Hải.
441 Nguyễn Kiệm – P.9 – Q.Phú Nhuận – Tp. Sài Gòn.
(tháng 2/2009)
Philippines : Nhân tố thiết yếu trong chiến lược xoay trục của Mỹ
Trọng Nghĩa Đăng ngày 07-04-2016 Sửa đổi ngày 07-04-2016 17:29
Căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại vịnh Subic, Philippines.@wikimedia
Vào cuối tháng Tư 2016 này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter lại ghé Philippines trong khuôn khổ vòng công du châu Á của ông. Thái độ trân trọng này của Washington đối với Manila đã nêu bật vai trò của Philippines, từ một nước có quân đội yếu nhất Đông Nam Á, và một đồng minh thấp kém nhất của Mỹ, đã vươn lên thành một nhân tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng – gọi nôm na là xoay trục – của Hoa Kỳ qua vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Trong một bài phân tích công bố vào hôm nay, 07/04/2016, báo mạng Nhật Bản The Diplomat đã nêu bật ba yếu tố cho thấy rõ vai trò quan trọng của Manila trong chính sách xoay trục của Mỹ, một vai trò đã được chính bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ gọi là «trung tâm », đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, một vài trò ngày càng được Washington công nhận, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Theo tờ báo, thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vị trí của Philippines trong chiến lược châu Á của Hoa Kỳ. Manila đang trở thành một yếu tố địa lý quan trọng cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình. Philippines cũng đã vươn lên thành một ví dụ điển hình trong công cuộc hợp tác cả với Mỹ lẫn với các đồng minh của Mỹ trong vùng như Nhật Bản và Úc. Ngoài ra, Manila cũng đóng vai trò một quốc gia thượng tôn luật pháp quốc tế trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Về yếu tố thứ nhất, Philippines đang trở thành nơi then chốt cho hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Dĩ nhiên, cho dù đã phải rút đi khỏi các căn cứ Philipppines vào năm 1992, sau cuộc bỏ phiếu sít sao tại Thượng Viện nước này, Hoa Kỳ vẫn có thể tiếp cận, sử dụng cơ sở của Philippines, kể cả Subic Bay, một căn cứ hải quân Mỹ trước đây.
Thế nhưng, Hiệp Định Tăng Cường Hợp Tác Quốc Phòng Mỹ-Phi EDCA, ký kết tháng vào tháng 04/2014 và được Tòa Án Tối Cao Philippines tán đồng tháng Giêng vừa qua, đã cho phép Washington gia tăng đáng kể sự hiện diện trong vùng Đông Nam Á và Biển Đông. Hiệp Định EDCA đã chính thức mở cửa nhiều căn cứ trên đất Philippines cho quân đội và vũ khí Mỹ, một cơ hội hiếm hoi trong một vùng mà nhiều quốc gia, dù bị Trung Quốc chèn ép, vẫn tiếp tục e dè trong việc đón lực lượng Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Về yếu tố thứ hai, ngoài liên minh chặt chẽ truyền thống với Hoa Kỳ, Philippines đang trở thành ví dụ điển hình cho tiến trình kết nối chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực. Một ví dụ rất có ý nghĩa là vai trò trung tâm của Philippines trong kế hoạch mang tên Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải Đông Nam Á MSI do Mỹ đề ra nhằm nâng cao năng lực giám sát trên biển của các nước Đông Nam Á chung quanh Biển Đông, giúp các quốc gia này cải tiến khả năng phát hiện, thông hiểu, xử lý và chia sẻ thông tin về các hoạt động trên không và trên biển ở khu vực.
Cho dù sáng kiến thành lập một mạng lưới giám sát chung ở Biển Đông vẫn còn sơ khai, nhưng ý tưởng được nêu bật trong sáng kiến này chính là dựa trên Trung Tâm Giám Sát Bờ Biển của Philippines, từ đó mở rộng ra phần còn lại trong vùng. Ngay cả trong lãnh vực quân sự, cuộc tập trận Balikatan, có từ 30 năm nay, chủ yếu là song phương Mỹ Phi, đã được mở rộng trong vài năm qua để đón nhận Úc từ năm 2014, và 11 quan sát viên trong năm nay, trong đó có Nhật Bản…
Thứ ba và cũng là điểm cuối cùng, Philippines là một quốc gia có biểu hiện rất tích cực trong việc tôn trọng và phát huy luật lệ quốc tế, trung tâm điểm cho việc gìn giữ trật tự dựa trên luật pháp mà Mỹ thường nhấn mạnh.
Một cách cụ thể, trong vấn đề an ninh, trong lúc nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực chỉ tuyên bố ủng hộ những nguyên tắc như tự do lưu thông, chấp hành luật quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, Philippines là nước duy nhất trong các quốc gia tranh chấp ở Đông Nam Á kiện Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài quốc tế mà phán quyết có thể được đưa ra vào tháng 5 hay tháng 7. Việt Nam, cùng cảnh ngộ như Philippines, chỉ đưa ra một thông cáo riêng biệt mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét