Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi nhưng họ không thừa nhận việc cá chết là do chất thải của công ty. Ảnh: Tuổi Trẻ
Đã có một vài quan chức cấp cao lên tiếng về vụ Formosa sau sự kiện cá chết hàng loạt. Theo giới quan sát, những phát ngôn ấy chỉ mang tính đãi bôi, chính quyền không mấy mặn mà trong việc truy tìm hung thủ để quy trách nhiệm.
<!->
Cali Today News - Vào chiều ngày 26/4, sau sự kiện cá chết hàng loạt các tỉnh duyên hải miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) đã tổ chức buổi họp báo để giải trình về những nghi ngờ cá chết là do chất thải độc hại được xả ra từ đây. Cùng với đó, tập thể 7 lãnh đạo của công ty này đã cúi đầu xin lỗi người dân và chính phủ Việt Nam vì phát biểu gây sốc, tạo ra cơn thịnh nộ của dư luận trong thời gian qua.
Mở đầu buổi họp báo, ông Trương Phục Ninh- phó Tổng Giám đốc điều hành Formosa đã nói lời xin lỗi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh. Ông Trương nói, những phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm trước đó sẽ bị công ty xử phạt nghiêm khắc. Ông Trương không thừa nhận Formosa sử dụng công nghệ lạc hậu để xử lý chất thải, mà cho biết những thiết bị ấy toàn được nhập cảng từ Âu Châu và Nhật Bản. Tất cả số tiền mà Formosa bỏ ra lên đến 45 triệu Mỹ kim chỉ là nhằm xử lý hệ thống chất thải thì không thể coi là lạc hậu được.
Ông Trương Phục Ninh không thừa nhận việc cá chết hàng loạt 4 tỉnh duyên hải miền Trung là do chất thải độc hại xả ra từ nhà máy. Ông cho biết, để kết luận và quy trách nhiệm có phải cá chết do Formosa hay không còn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan có trách nhiệm.
Theo những phóng viên có mặt tại buổi họp báo cho biết, phía nhân viên công ty Formosa kiểm tra rất gắt gao, chỉ những phóng viên có thẻ nhà báo mới được vào tham dự. Do đây là sự kiện được đông đảo người dân khắp cả nước chú ý nên số lượng phóng viên đến và đặt câu hỏi rất đông. Trước hàng loạt câu hỏi, phía Ban giám đốc Formosa đã quyết định kết thúc buổi họp báo chỉ sau hơn 30 phút. Rất nhiều câu hỏi đã không được phía những người có trách nhiệm Formosa trả lời. Tuy vậy, Formosa cho biết, các phóng viên cứ việc gửi câu hỏi, và họ sẽ trả lời qua email.
Trước đó, khi trả lời phóng viên đài truyền hình VTC, ông Chu Xuân Phàm đã nói thẳng rằng:
"Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được".
Phát ngôn này của ông Chu Xuân Phàm đã tạo ra cơn bão. Dư luận phản đối rầm rộ và qua đó phần nào cho thấy bộ mặt bán nước của tập đoàn CSVN.
Cũng trong chiều ngày 26/4, ông Chu Xuân Phàm đã cúi đầu xin lỗi vì phát ngôn thiếu suy nghĩ của mình.
Cho đến tận bây giờ, phía chính quyền Việt Nam vẫn có những phản ứng rất chậm chạp đối với vấn nạn cá chết hàng loạt ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Điều này khiến dư luận nghi ngờ chính quyền bắt tay với công ty Formosa để họ thoải mái xả chất thải ra biển. Ngược lại, chính quyền Việt Nam sẽ có được ngành gang thép hiện đại. Đã gần một tháng trôi qua nhưng vẫn chưa có những kết luận về nguyên nhân gây chết cá. Tuy vậy, mọi con mắt đều đổ dồn về phía cảng Vũng Áng, nơi có công ty Formosa hiện diện để quy trách nhiệm.
Đã có một vài quan chức cấp cao lên tiếng về vụ Formosa sau sự kiện cá chết hàng loạt. Theo giới quan sát, những phát ngôn ấy chỉ mang tính đãi bôi, chính quyền không mấy mặn mà trong việc truy tìm hung thủ để quy trách nhiệm. Trước đó, ngày 22/4, trong lúc hàng chục vạn ngư dân đang điêu đứng thì ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư đảng CSVN đã đến Vũng Áng để đôn thúc tiến độ thi công Formosa. Việc có mặt của ông Trọng phần nào cho thấy chính quyền CSVN sẵn sàng đánh đổi mạng sống của hàng chục vạn ngư dân để có được ngành gang thép.
Cá voi chết dạt biển ở Thừa Thiên-Huế. Trong những ngày vừa qua, người dân phát hiện rất nhiều cá voi bị chết dạt bờ. Ảnh: Người Lao Động
Cho tới nay, trên các phương tiện truyền thông báo chí đã có một người chết sau khi lặn tại vùng biển Vũng Áng. Đó là anh Lê Văn Ngày (sinh năm 1970, quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Anh Ngày đã tử vong sau khi lặn xuống cảng Sơn Dương để phục vụ cho việc xây dựng cảng nước sâu ở đây. Sau khi lặn về, anh Ngày có biểu hiện tức ngực, khó thở. Các đồng nghiệp đã nhanh chóng đưa anh vào bệnh viện nhưng đã tử vong hai ngày sau đó. Trong khi đó, những đồng nghiệp khác sau khi lặn biển ở Vũng Áng cũng gặp phải triệu chứng tương tự. Tất thảy đã có 5 người nhái phải nhập viện để tìm hiểu nguyên nhân.
Đó là những tin tức từ phía nhà nước. Trong khi đó, đã có những tin đồn số người chết do tắm biển cao hơn rất nhiều. Những tin đồn này khiến cho người dân ở vùng duyên hải miền Trung rất lo lắng. Các bãi biển vắng hoe. Tại chợ, cá mang đem bán không ai dám mua. Không ai dám ăn cá và đi tắm biển. Cho dù trước đó, ông Đặng Ngọc Sơn- phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích mọi người cứ việc tắm biển và ăn cá ở Vũng Áng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét