Nghiên Cứu Sinh Nguyễn Thị Hà (ôm hoa) đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với 7/7 thành viên hội đồng nhất trí thông qua. Ảnh: Trang web của Học Viện Khoa Học Xã Hội
TP - Học Viện Khoa Học Xã Hội, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam được mệnh danh là ‘’lò đào tạo tiến sỹ’’ với chỉ tiêu đào tạo 350 tiến sỹ/ năm. Một số luận án tiến sỹ mới được bảo vệ của Học Viện này đang làm nóng dư luận vì bị cho là không xứng tầm, thậm chí vô bổ.
Chúng tôi đã gặp gỡ một số người trong cuộc và ghi nhận được nhiều chuyện bi hài đằng sau tấm bằng tiến sỹ.
<!->
Học tiến sỹ để làm gì ?
Thời gian này, điện thoại của các vị lãnh đạo Học Viện Khoa Học Xã Hội thường xuyên bị tắt hoặc từ chối không nghe các số máy lạ. Một số Giáo Sư Tiến Sỹ chuyên ngành nhấc máy thì một mực không bình luận vì: Tôi về hưu rồi, tôi không quan tâm tới những chuyện linh tinh trên báo hay trên mạng. Mà với những người không có chuyên môn thì tôi cũng chẳng muốn tốn lời làm gì. (?!)
Một số người hiện là giảng viên đại học, có người đang công tác trong Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Họ đều sở hữu tấm bằng Tiến Sỹ dăm năm nay. Là bạn bè, họ mới dám chia sẻ chân tình, nhưng nhất định không đồng ý nêu họ tên và tên trường của họ lên báo.
Một cô bạn là giảng viên một trường đại học cho biết:
‘’Học Tiến sỹ là bắt buộc. Càng học nhiều càng thất vọng vì giáo dục. Chuẩn bị tuyển sinh cao học khóa mới ở trường tớ đây, lắm chuyện hài. Ông chồng tớ thì kết luận, học lắm nhưng chả làm được gì nhiều cho đời, được mỗi cái đẹp điếu văn’’.
Trên mạng xã hội, có khá nhiều người lên tiếng chia sẻ về vấn đề này. Anh Lê Ngọc Sơn, hiện đang là giảng viên và đang làm luận án Tiến sỹ tại Đại Học Công nghệ Ilenau (trường top đầu của CHLB Đức) viết trên facebook của mình:
‘’Đọc tên một số đề tài không khỏi ngao ngán cho nền khoa học nước nhà. Năm 2012 tôi từ bỏ theo tiến sĩ ngành kinh tế/ quản trị ở một cơ sở đào tạo trong nước. Đó là quyết định đúng đắn.’’
Anh Sơn cho biết, anh vốn có bằng tốt nghiệp Thạc sỹ loại giỏi do một trường đại học có tiếng của Thụy Điển cấp, nên anh dự tính tiếp tục làm nghiên cứu sinh để mở mang thêm kiến thức. Tuy nhiên, tại buổi bảo vệ đề cương nghiên cứu sinh, Chủ tịch hội đồng thẳng thừng tuyên bố:
‘’Kể cả trong nghiên cứu khoa học, thế giới có cách phân loại của thế giới, Việt Nam có cách phân loại của Việt Nam. Bạn đừng bảo Tây mà đã ngon. Bạn hiểu rồi chứ! ?’’.
Sững sờ trước ‘’lời phán’’ của Chủ tịch hội đồng vì quan điểm cực đoan đầy tinh thần phi học thuật đó, anh Sơn đã quyết định không tiếp tục theo làm tiến sỹ ở đây nữa. Sau đó, Lê Ngọc Sơn đã nhận được nhiều lời mời tham gia chương trình tiến sĩ tại nhiều đại học tại Anh, Mỹ, Đức, Nhật. Và năm 2014, anh quyết định nhận học bổng toàn phần theo đuổi nghiên cứu bậc tiến sĩ chuyên ngành Khoa Học Truyền Thông và Quản Trị Khủng Hoảng tại Đại Học Ilmenau. Không lâu sau đó, anh được mời làm giảng viên tại trường.
Câu chuyện của anh Sơn đã nhận được nhiều chia sẻ của bạn bè. Một bạn viết: ‘’May mà đó là lúc bảo vệ đề cương chứ lúc bảo vệ luận án mà làm như vậy kể như CÔNG DÃ TRÀNG mấy năm trời. Tôi cũng không gan như bạn vì vẫn có suy nghĩ ‘’qua sông lụy đò’’ cho được việc’’. Bạn khác bình luận: ‘’Tính khoa học, tính tiên tiến, tính thực tiễn đều không bằng tính thầy! Kinh khủng lắm!’’.
Lê Ngọc Sơn hiện đang làm luận án Tiến sỹ tại Đức.
Một bạn có nick Thanh Nguyen viết:
‘’Chuyện Sơn kể, tớ gặp tương tự rồi, dĩ nhiên không đến nỗi như vậy, vì họ cũng có 1 vài góp ý có ích, nhưng là sự áp đặt sai lầm trong suy nghĩ về mặt phương pháp. Mình sợ cái học hàm, học vị đang lấn át cả tinh thần khoa học khi mà cái đúng của nghiên cứu Khoa Học được đo bằng vị trí công tác, kinh nghiệm lâu năm của người thầy và học hàm học vị của họ chứ không phải là qua khả năng chuyên môn của họ, và khả năng nghiên cứu Khoa Học qua những công trình, những bài viết Khoa Học mà họ đóng góp cho nền học thuật Việt Nam và quốc tế.’’
Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa báo chí, học viện báo chí và tuyên truyền chia sẻ:
‘’Bây giờ các trường Đại Học, viện nghiên cứu xứ ta bằng mọi cách chiêu sinh Nghiên Cứu Sinh, miễn có người dự tuyển; vào rồi kiểu gì cũng bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Chủ tịch Hội đồng không cần có chuyên môn cùng chuyên ngành với Nghiên Cứu Sinh, miễn là có chức vụ! Thành viên hội đồng nào bỏ phiếu chống thì bị nhìn bằng nửa con mắt. Cho nên không ai bẻ nạng chống trời được; biết mà đành chịu.’’
Bạn Mai Nguyen viết:
‘’Đào tạo Tiến Sĩ bây giờ như làm kinh doanh. Nhiều Giảng Viên hướng dẫn ngoài cái đề tài Tiến Sĩ của chính mình (Tiến Sĩ trong nước) chẳng nghiên cứu gì mà cũng hướng dẫn’’.
Tiến sỹ Việt, tiếng Anh kém tệ hại
Khi tìm kiếm luận án ‘’Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã’’ để hiểu rõ hơn về vấn đề đang tranh luận, chúng tôi chỉ tìm thấy những thông tin tóm tắt về những đóng góp mới của luận án này đăng trên trang web của Học Viện Khoa Học Xã Hội bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Khi đọc phần dịch tiếng Anh phần tóm tắt này, những người am hiểu tiếng Anh đều phải thốt lên: Tiếng Anh quá dở. Tiến Sĩ Trần Vinh Dự viết:
‘’Dở không thể chấp nhận được! Dở tệ hại! Dở đến nỗi có khi còn thua cả google translate (phần mềm dịch tự động của google - NV).’’
Anh Trần Huy Phương, nguyên giảng viên khoa tiếng Anh, trường Đại Học Hà Nội (tiền thân là Đại Học Ngoại ngữ Hà Nội), một tác giả trong nhóm biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh từ lớp 6-9 mà học sinh Việt Nam đang học, nhận xét:
‘’Tiếng Anh chuối chuối. Đọc phần dịch tiếng Anh thấy như dùng ‘’Google translate’’ các cụm từ rồi ghép vào.’’
Chưa nói gì đến câu cú, ngữ pháp, cách hành văn tiếng Anh, chỉ cần đọc cái tiêu đề của luận án này được dịch sang tiếng Anh, một người có bằng A tiếng Anh (chứng chỉ tiếng Anh thấp nhất) hay một học sinh cấp 2 cũng nhận ra không bao giờ có hai từ ‘’of’’ (có nghĩa là ‘’của’’) đi liền nhau trong đoạn ‘’The information of of new contribution of the thesis’’ (phần dịch của ‘’Trang thông tin những đóng góp mới của luận án’’).
Trong khi đó, trong thông báo tuyển sinh trình độ Tiến sỹ mà Học Viện Khoa Học Xã Hội ban hành ngày 18.12.2015, một trong bốn điều kiện dự tuyển là trình độ ngoại ngữ (Qui định ở mục III. Điều kiện dự tuyển, phần d).
Chúng tôi tìm thấy trên trang web của Học Viện Khoa Học Xã Hội thông tin tóm tắt về luận án tiến sỹ ‘’Câu bị động tiếng Anh và các phương thức dịch sang tiếng Việt’’ đang gây tranh cãi. Một số người am hiểu tiếng Anh đều nhận định, đây là vấn đề quá nhỏ để có thể làm luận án tiến sỹ. Mới đọc phần tóm tắt luận án, có người đã chỉ ra một số điều bất cập của luận án này. Đó là người hướng dẫn đề tài là một Phó Giáo Sư Tiến Sỹ rất có uy tín trong ngành ngôn ngữ học. Đọc hồ sơ của vị Phó Giáo Sư Tiến Sỹ này thấy ông có rất nhiều công trình nghiên cứu lớn về ngôn ngữ học, nhưng chỉ có Bằng C tiếng Anh và tiếng Nga (1989) do Trường Đại Học Ngoại ngữ, Đại Học Quốc Gia Hà Nội cấp.
Một số giảng viên tiếng Anh tại Việt Nam đều cho rằng, bằng C tiếng Anh được cấp ở Việt Nam thì chưa chắc đã đọc thông viết thạo tiếng Anh, chứ chưa nói gì đến việc có thể hướng dẫn luận văn về đề tài tiếng Anh. Một nhà nghiên cứu người Việt ở Châu Âu đặt vấn đề: Với cái bằng C tiếng Anh này (cứ coi là ‘’thực học’’ đi), thì khả năng thực hành chỉ tương đương một em học sinh cấp 3 các nước Pháp, Đức, Bỉ. Với năng lực ngôn ngữ tiếng Anh như thế, làm sao để đủ sức khám phá Anh ngữ học (để mà bàn về câu bị động tiếng Anh) ?
Một giáo sư có tiếng ngậm ngùi phát biểu trên mạng, trong khi làm tiến sĩ về khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng khó, nhiều nơi còn đòi hỏi có công bố quốc tế thì khoa học xã hội và nhân văn càng ngày càng dễ dãi, lạm phát. Nếu làm tiến sĩ như thế này chỉ để nghiên cứu khoa học thuần túy thì chỉ lãng phí tiền của, nhưng để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là thảm họa cho đất nước.
Tiến sĩ ngại dùng danh xưng tiến sĩ
Khi được hỏi về các luận văn tiến sỹ gây tranh cãi hiện nay cũng như vấn nạn lạm phát sau đại học tại Việt Nam, nguyên Chủ Tịch Trường Cao Đẳng Việt-Mỹ (Broward College Vietnam) tại TP.HCM - ông Trần Vinh Dự, tốt nghiệp tiến sỹ từ Đại Học Texas-Austin (Hoa Kỳ) không ngần ngại trả lời:
‘’Từ nhiều năm nay tôi và một số bạn bè hiếm khi dùng danh xưng tiến sĩ khi nói về bản thân mình. Chúng tôi cảm thấy ngại. Vì lại phải giải thích làm tiến sĩ ở đâu, trường nào, ngành gì. Còn nếu không giải thích thì như các bạn biết rồi, ở Việt Nam nhiều khi nó như cái trò hề, bị giễu cợt vì nó giả nhiều quá, tào lao quá, rẻ rúng quá’’.
Ông Trần Vinh Dự cũng cho biết:
‘’Dân Việt Nam mình mua bằng tiến sỹ Mỹ ở các trường rởm nhiều lắm’’. Rồi ông giải thích: Ở Mỹ, họ quản lý bằng kiểm định chất lượng. Nhưng một số hiệp hội kiểm định thuộc loại ‘’đểu’’ (chứ không phải giả) thường chỉ kiểm định các chương trình online hoặc mấy trường nhỏ mới thành lập. Còn bọn giả 100% là bọn không có kiểm định gì cả, hoặc tự phịa ra mấy tổ chức kiểm định của họ để bán bằng. Các trường này được gọi là diploma mills (cơ sở sản xuất bằng giả).
Tiến Sĩ Trần Vinh Dự cho biết, ở Mỹ các trường tự quyết, tùy trường, tùy khả năng. Các trường lớn luôn quan tâm nghiên cứu sinh tốt nghiệp có xin được việc không. Có nhiều trường, nếu chưa xin được việc là họ chưa cho tốt nghiệp. Ở Mỹ, không có tình trạng người đi làm rồi mà đi học tiến sỹ. ‘’Chắc chỉ có ở Việt Nam mới có tiến sỹ tại chức (vừa đi học, vừa đi làm)’’, Trần Vinh Dự nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét