Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Ngô Viết Trọng đã bị in lậu và đạo văn thế nào?

Bất ngờ năm 2010 Hội Nhà Văn Việt Nam đã tự động in lại và phát hành tác phẩm này trong nước với tên mới “Nàng Công Nữ Ngọc Vạn”, tác giả vẫn để tên tôi. Nhiều Website trong nước đã đồng loạt giới thiệu tác phẩm này chắc hẳn là nhờ tính chất khám phá sự thật lịch sử của nó.
Cuốn sách do Nhà xuất bản hội nhà Văn Việt Nam với tiêu đề mới "Nàng Công Nữ Ngọc Vạn". Photo Courtesy: TP
<!-> 
Cali Today News – Tòa soạn vừa nhận được bài viết đầy tâm sự dưới đây của nhà văn Ngô Viết Trọng, và xin được hân hạnh gửi đến qúy độc giả:
 
LỜI TÁC GIẢ KHI TÁI BẢN CUỐN CÔNG NỮ NGỌC VẠN
 
Tôi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Công Nữ Ngọc Vạn (CNNV) năm 2002 và in sách năm 2004 tại California, Hoa Kỳ. Sách được khá nhiều độc giả ưa thích nhờ mang tính khám phá lịch sử mới mẻ của nó. Một số Website Việt ngữ cả trong lẫn ngoài nước đã đăng tải lại một vài phần hay toàn bộ tác phẩm này.
 
Thông thường, khi xây dựng một tác phẩm, tác giả thường gởi gắm vào đó một thông điệp, một ước vọng, một ý nguyện… Trong tác phẩm CNNV tôi đã cố khơi sáng lại công lao to lớn của một bậc anh thư đã trọn đời âm thầm chịu đựng nhiều cay đắng để giúp các chúa Nguyễn trong công cuộc Nam Tiến! Thú thật, tôi vẫn tự coi tác phẩm CNNV của mình như một tiếng nói của lương tâm. 
 
Sách viết về một anh thư dân tộc, tất nhiên tôi rất mong nó được phổ biến cho đồng bào mình đọc. Tôi nghĩ nó có thể trở thành một bài học tốt đối với những người yêu nước, làm việc nước. Tuy vậy, bản thân tôi vốn thuộc thành phần bị chế độ chính trị hiện hữu kỳ thị, bạc đãi, sống tị nạn ở quê người nên chuyện tác phẩm này được phổ biến trong nước không có trong ý nghĩ của tôi.
 
Nhưng bất ngờ năm 2010 Hội Nhà Văn Việt Nam đã tự động in lại và phát hành tác phẩm này trong nước với tên mới “Nàng Công Nữ Ngọc Vạn”, tác giả vẫn để tên tôi. Nhiều Website trong nước đã đồng loạt giới thiệu tác phẩm này chắc hẳn là nhờ tính chất khám phá sự thật lịch sử của nó. Bìa sau sách chỉ in một câu: “Cuốn sách này lần đầu tiên hé mở bức màn bí mật về nàng Công Nữ Ngọc Vạn, người đàn bà tuyệt đẹp và kỳ diệu trong số những liệt nữ đất Việt”.
 
Trước sự việc này tôi vừa mừng vừa lo! Một cuốn sách viết cho dân tộc mà mình bất lực trong việc đưa nó đến cho đồng bào trong nước đọc, nay có người “giúp” việc ấy không mừng sao được! Còn lo là vì vấn đề nhạy cảm chính trị đối với cộng đồng người Việt hải ngoại vì không phải ai cũng rõ nội dung cuốn sách ấy nói gì. 
 
Nhưng khi đọc cuốn sách của mình xuất bản trong nước tôi không khỏi thất vọng. Ngoài việc sửa đề sách và thể loại, người ta còn cắt bỏ một đoạn mà tôi cho là khá quan trọng mà quốc dân nên biết: Ông hoàng Sihanouk lên án công nữ Ngọc Vạn và những nhà lãnh đạo Việt Nam ra sao? Công trình giữ nước và mở nước của các triều đại trước của ta ra sao? Tham vọng thôn tính lân bang nghìn đời của Trung Quốc ra sao? Đoạn này tuy ngắn ngủi nhưng lại là một trong những chủ điểm nhắm đến của tác giả. Nếu loại bỏ nó đi, nội dung tác phẩm sẽ mất đi một phần ý nghĩa.
Gần đây, lại thấy trên nhiều trang mạng trong nước phổ biến bài viết “Tới Oudong Nhớ Công Nữ Ngọc Vạn” ký Lê Quang Thanh Tâm (Tổng hợp nhiều tư liệu). Bài viết đăng ngày 11/04/2012 trên báo điện tử MASKonline, báo Màn Ảnh Sân Khấu - Sở Văn Hóa và Thể Thao Hà Nội. Ông Lê Quang Thanh Tâm (LQTT) đã tô điểm nhiều hình ảnh chùa tháp khá đẹp của cựu đô Oudong nên trông bài viết có vẻ thuyết phục, bề thế lắm. 
Đáng tiếc là trong lời thuyết minh, ngoài vài điểm về tiểu sử công nữ Ngọc Vạn lấy từ sử sách có sẵn, ông Thanh Tâm đã chép lại nguyên văn hoặc xáo trộn, thay đổi đôi chút những đoạn văn của tôi mà không hề để trong “ngoặc kép” hoặc chú thích nguồn gốc như các nhà văn chân chính thường làm. 
 
Xin nhớ tập Tiểu thuyết lịch sử CNNV tuy viết dựa vào cái sườn lịch sử thật nhưng là một sáng tác văn học của một cá nhân. Muốn trích phải dẫn ra nguồn gốc của nó đàng hoàng chứ không nên mượn danh nghĩa “tổng hợp nhiều tư liệu” để đạo văn, đạo ý của người khác làm của mình như thế.
 
Khoảng 1/2 bài viết của ông LQTT đã lấy văn lấy ý trong “Lời Mở Đầu” ở cuốn CNNV của tôi. Trân tráo nhất là đoạn kết trong bài viết của ông LQTT: 
 
“Ngọc Vạn đã có thời sống với chồng, đã có thời sống với con , nhưng lúc nào bà cũng đơn độc. Sau đó bà lại tiếp tục làm Thái Hậu qua nhiều đời vua Chân Lạp khác chẳng có dính dáng tí máu huyết nào với bà một thời gian dài đằng đẵng. Nhìn quá trình ấy, ta hãy tưởng tượng, trên đời còn có nỗi cô đơn nào to lớn bằng nỗi cô đơn của người đàn bà này? Công lao mở nước to lớn đến thế, chịu nỗi cô đơn to lớn đến thế… Cảm xúc khi nghĩ đến nỗi đau lớn mà người đàn bà tài tình, quả cảm phi thường này chịu đựng, tôi viết bài báo về Công Nữ Ngọc Vạn như thắp một nén hương để tưởng niệm công lao của bà.”
 
Đoạn này ông LQTT đã ẵm gần trọn đoạn chót trong “Lời Mở Đầu” ở cuốn CNNV của tôi:
 
Ngọc Vạn đã có thời sống với chồng, đã có thời sống với con mà lúc nào bà cũng hành động trái nghịch và đơn độc. Sau đó bà lại tiếp tục làm thái hậu qua nhiều đời vua Chân Lạp khác chẳng có dính dáng tí máu huyết nào với bà trải một thời gian dài đằng đẵng. Nhìn quá trình ấy, ta hãy tưởng tượng, trên đời còn có nỗi cô đơn nào to lớn bằng nỗi cô đơn của người đàn bà này? Công lao mở nước to lớn đến thế, chịu nỗi cô đơn to lớn đến thế, sao người ta lại làm ngơ coi bà như một người ngoại cuộc vô công? 
 
Cảm xúc khi nghĩ đến nỗi đau lớn mà người đàn bà tài tình, quả cảm phi thường này chịu đựng, tôi cố gắng gom góp một số tài liệu viết nên thiên tiểu thuyết lịch sử Công Nữ Ngọc Vạn như thắp một nén hương để tưởng niệm công lao của bà.
 
Đã gọi là tổng hợp sao ông LQTT lại “tôi viết bài báo về Công Nữ Ngọc Vạn như thắp một nén hương để tưởng niệm công lao của bà”?
 
Để chứng minh sự việc, tôi xin đăng lại nguyên văn bài “Tới Oudong nhớ Công Nữ Ngọc Vạn” của tác giả LQTT vào phần phụ lục ở cuốn CNNV này hầu quí độc giả tiện việc đối chiếu. 
 
Tôi nay đã vào tuổi “cổ lai hi”, sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Khi đó biết đâu cái lối tổng hợp nhập nhằng lạ lùng ấy sẽ biến tôi thành kẻ chép lại lời lẽ của ông LQTT? 
 
Sự việc này cũng gợi cho tôi nhớ lại một sự việc khác. Trước đây, ông Tạ Xuân Quan ở trong nước thường hay đọc những bài viết đăng trên trên Khoahocnet. Khi thấy những bài viết trong tập “Huế Của Một Thời” của nhà văn, nhà biên khảo Võ Hương An có giá trị cao, ông Quan đã liên lạc với ông VHA xin đăng lại ở vài tạp chí trong nước. Nghĩ đây là những bài khảo cứu thuần túy văn học nên ông VHA cũng vui vẻ đồng ý. Điều bất ngờ là sau đó trên tạp chí “Kiến Thức Ngày Nay” trong nước đã xuất hiện bài “Vợ Vua Cũng Lên Chức” - một bài khảo cứu của ông VHA, nhưng dưới lại ký tên Võ Hương An - Tạ Xuân Quan. Như vậy hóa ra bài “Vợ Vua Cũng Lên Chức” do hai tác giả viết chung? Khi sự việc được phát giác, Khoahocnet đã lên tiếng phản đối và ông Tạ Xuân Quan đã có thư xin lỗi. Tuy vậy, sự nhập nhằng này đã làm cho giới văn nghệ sĩ hải ngoại lo âu, ái ngại cho số phận những sản phẩm trí tuệ của mình trong tương lai!
 
Đây chỉ là vài trường hợp chúng tôi may mắn biết được. Chắc hẳn còn có vô số những chuyện tương tự như thế đã xảy ra ở trong nước mà người Việt ở hải ngoại chưa phát hiện!
 
Bất cứ văn nghệ sĩ nào cũng yêu quí tác phẩm của họ như một đứa con tinh thần. Mình còn sống sờ sờ ở đây mà đứa con tinh thần đã bị “cải tạo”, “cắt xẻo” như vậy thật đau lòng! Vì vậy, bất chấp nỗi khó khăn trong việc tiêu thụ sách ở hải ngoại hiện nay, tôi đã cố gắng tái bản cuốn Công Nữ Ngọc Vạn này để tiện minh xác bản quyền trên chính bản thân nó và cũng nói lên nỗi bất an chung của những người Việt cầm bút ở hải ngoại. 
Rất mong quí độc giả và nhất là những nhà làm văn học đời sau lưu ý đến sự kiện này!
Trân trọng kính chào,
 
Ngô Viết Trọng

Không có nhận xét nào: