Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Nghĩ từ khối "tài sản” khổng lồ của Giang Kim Đạt - Tuổi Trẻ Online

TuoiTre 17.7.2015 - Khối tài sản khổng lồ do tham ô của Giang Kim Đạt trong vụ án tham nhũng tại Vinashin quả đã khiến nhiều người phải rùng mình. Vấn đề là làm sao để ngăn ngừa những vụ tham ô như thế này?
Bài viết về "tài sản" của Giang Kim Đạt trên Tuổi Trẻ Online
Bài viết về "tài sản" của Giang Kim Đạt trên Tuổi Trẻ Online
Theo Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an), gia đình Giang Kim Đạt sở hữu đến 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai có vị trí đắc địa cùng nhiều ôtô đắt tiền do người thân đứng tên. Ngoài ra, Đạt đứng tên mua căn hộ tại Singapore có giá lên tới 3,6 triệu USD.
Vụ án này rồi đây sẽ được xét xử nghiêm minh với mức án thích đáng. Tuy nhiên, để công tác phòng chống tham những thật sự đạt hiệu quả, quyết tâm đưa các vụ án ra xét xử nghiêm minh là chưa đủ, mà cần phải tìm giải pháp bịt các “lỗ hổng” tồn tại lâu nay nhưng chậm và chưa cương quyết bịt.
Lộ nhiều “lỗ hổng” về quản lý
Việc tham ô của Giang Kim Đạt và đồng phạm cũng như qua các vụ án đã được xét xử cho thấy đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn được chú trọng ở "phần ngọn", khi mà hành vi phạm tội đã hoàn thành và để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh tế, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước, chỉ được phát hiện sau khi hành vi phạm tội hoàn thành và các bị cáo đã bị đưa ra xét xử.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức không hiệu quả, mang tính hình thức. Công tác quản lý cán bộ thiếu chặt chẽ và việc tự thanh tra, kiểm tra qua đó phát hiện sai phạm tại cơ quan, đơn vị không phát huy hiệu quả. Điều này dẫn đến hầu hết các vụ tham nhũng đều do cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí phát hiện phanh phui, còn các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài đều do cơ quan chức năng nước ngoài phát hiện và đề nghị Việt Nam phối hợp điều tra xử lý.
Bên cạnh việc điều tra, xét xử tội phạm tham nhũng, điều quan trọng là hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm bịt kín những “lỗ hổng” trong quản lý kinh tế, cũng như tăng cường giám sát cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, các vị trí "nhạy cảm" dễ phát sinh tham nhũng.
“Lỗ hổng” trách nhiệm
Trong vụ tham ô của Giang Kim Đạt, dư luận đặt dấu hỏi việc quản lý nhân sự ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như Vinashin là các cán bộ có được kiểm soát về đời sống đạo đức, tài sản? Vì sao có sự “tin cậy” để giao cho Hoàng Kim Đạt đàm phán với dự án lớn như vậy và việc đàm phán có được giám sát ?...
Đi vào các câu hỏi này sẽ đụng chạm đến một vấn đề rất phức tạp, đó là quản lý DNNN. Quản lý DN cần có mẫu số chung, nhưng hiện nay DNNN và DN khác được quản lý theo “hai sân chơi” khác nhau. Nếu tồn tại điều này thì DNNN mãi mãi vẫn rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, người ta tha hồ tạo kẽ hở để đục khoét!
Hiện nay lại có sự lẫn lộn giữa đại diện chủ sở hữu và quản lý của Nhà nước dẫn tới tình trạng không có căn cứ pháp lý để xử lý sự tùy tiện, kỷ luật tài chính không chặt chẽ tại DNNN.
Cách phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực được áp dụng cho cả DNNN cũng dẫn đến thực trạng gây bức xúc dư luận là không có cơ quan nào có đầy đủ quyền và chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các DNNN khi xảy ra các vụ việc xấu, điển hình như trong vụ Vinashin.
Kém hiệu quả, thất thoát là “căn bệnh cần điều trị khẩn cấp” của các DNNN bằng “liều thuốc” pháp lý thông qua xây dựng văn bản pháp quy về cơ chế thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu của Nhà nước đối với DNNN để xử lý mối quan hệ nội bộ giữa DN và sở hữu chủ.
“Lỗ hổng” chuyển dịch tài sản
Quá trình điều tra vụ án Giang Kim Đạt, cơ quan an ninh điều tra cũng phát hiện thủ đoạn chuyển nguồn tiền lớn về cho bố đẻ của Đạt là ông Giang Văn Hiển đứng tên. Dòng tiền chuyển vào tài khoản của ông Hiển được chuyển từ nước ngoài, thông qua việc mở các tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau ở trong và ngoài nước.
Chúng ta còn để kẽ hở rất lớn cho tham nhũng đó là chưa kiểm soát được sự dịch chuyển tài sản. Khi vụ việc bị phát hiện thì khối tài sản lớn của Nhà nước đã bị tẩu tán hết, chia cho người thân, con cái đứng tên.
Tài sản, thu nhập dịch chuyển không được kê khai, kiểm soát kịp thời chính là kẽ hở của tham nhũng. Cũng đã có nhiều cảnh báo hiện tượng dịch chuyển tài sản ra nước ngoài, cho người thân, con cái của những người tham nhũng đứng tên.
Để xác minh điều đó cũng không khó, nhưng quan trọng là phải ngăn chặn từ gốc sự dịch chuyển, tẩu tán tài sản tham nhũng đó, nên cần có cơ chế kiểm soát sự dịch chuyển đó càng sớm càng tốt.
Không thể tưởng tượng
Đã có 273 ý kiến phản hồi của bạn đọc với rất nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ về vụ tham ô này.
Bạn đọc Minh Hương đã kêu lên: “Thật là khủng khiếp, dân mình còn khổ quá chừng, vậy mà những người này lại tham ô, tham nhũng vậy đó”.
Bạn đọc Lê Phương Bình bày tỏ: “Đọc bài viết này mình thật là buồn và giận. Dân tộc trải qua biết bao cuộc kháng chiến để giành độc lập, đất nước ta trong quá trình phát triển cần phải đi vay nước ngoài rất nhiều. Tất cả nợ đó mỗi người dân phải có trách nhiệm trả, có thể đến đời con cháu chưa trả xong nữa. Vậy mà chỉ một trưởng phòng của Vinashin đã tham ô số tiền như thế rồi, thử hỏi nếu còn nhiều người như thế nữa thì đất nước sẽ ra sao?”.
Nhiều bạn đọc đã ngạc nhiên với chuyện tham ô quá dễ dàng như thế. Bạn đọc V.N.K. viết: “Mới làm có hai năm mà đã bỏ túi được 18 triệu USD, thật tình dân đen như tôi không thể tưởng tượng được!”. Còn bạn đọc Nguyễn Dung thì bày tỏ: “Nghe thật đau lòng, sao mà dễ dàng lấy triệu, triệu đôla như vậy? Đây mới là chức trưởng phòng thôi! Dân nộp thuế bao nhiêu cho đủ?”.
Đề nghị phải xử nghiêm vụ này để góp phần răn đe những trường hợp tham nhũng khác là số đông ý kiến bạn đọc.
“Hãy xử lý theo đúng với pháp luật, trừng trị những kẻ không có đạo đức như thế. Hãy lấy sự công bằng ra làm chuẩn mực để trị tội những con người không có nhân cách như thế”, bạn đọc Trịnh Sơn đề nghị.
Bạn đọc Phạm Long bổ sung: “Mong cho các đại biểu Quốc hội sáng suốt đừng bỏ án tử hình cho tội tham nhũng. Ngoài ra, nên thu hồi toàn bộ tài sản bất chính do tham ô mà có, kể cả tài sản đứng tên người khác. Có như vậy mới răn đe được những kẻ khác”.
N.N. tổng hợp

TuoiTreO 14.7.2015 - Quá trình truy bắt Đạt tưởng chừng đi vào ngõ cụt nhưng lại xuất hiện thông tin từ quần chúng về khối lượng tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỉ đứng tên người thân gia đình Giang Kim Đạt.
Giang Kim Đạt - Ảnh: Công an cung cấp
Giang Kim Đạt - Ảnh: Công an cung cấp
Giang Kim Đạt - Ảnh: Công an cung cấp
Giang Kim Đạt - Ảnh: Công an cung cấp
Ngày 14-7, Tổng cục An ninh (TCAN), Bộ Công an, đã thông báo kết quả điều tra ban đầu hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ án tham nhũng tại Vinashin, tham ô 18,6 triệu USD của Nhà nước.
Theo TCAN, sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng có thông báo kết luận luận ông Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, TCAN đã lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin.
Quá trình điều tra đến nay, TCAN chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp Cục An ninh điều tra, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương đã khởi tố 12 vụ, 39 bị can, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã 2 đối tượng.
Trong Chuyên án này, Giang Kim Đạt (37 tuổi, trú tại Q.2, TP.HCM), nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh của công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines) có dấu hiệu sai phạm “cố ý làm trái mua tàu Hoa Sen” nên ngày 23-8-2010, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can đối với Đạt.
Truy bắt qua nhiều nước, tìm từ những manh mối nhỏ nhất
Tuy nhiên, bị can bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và gửi thông báo đến Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế ra lệnh truy nã quốc tế.
Quá trình truy bắt tưởng chừng đi vào ngõ cụt nhưng lại xuất hiện thông tin từ quần chúng về khối lượng tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỉ đứng tên người thân gia đình Giang Kim Đạt.
Theo xác minh của Cục An ninh kinh tế tổng hợp, gia đình Đạt có tới 40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước cùng nhiều ôtô đắt tiền. Khối tài sản lớn đứng tên gia đình Đạt đều hình thành từ sau thời điểm đối tượng làm việc tại Vinashinlines, đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh.
Từ manh mối này, TCAN tiếp tục phát hiện nhiều giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Quá trình xác minh này đã làm rõ số tiền trong tài khoản của ông Hiển liên quan đến các hợp đồng mua bán tàu và khai thác tàu cũ của công ty Vinashinlines.
Do đó, ngày 31-12-2014, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt về tội “Tham ô tài sản”; khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Giang Văn Hiển về tội danh “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “che giấu tội phạm” và tiến hành phong tỏa tài khoản, kê biên 40 bất động sản trên toàn quốc để thu hồi.
Đồng thời, cơ quan điều tra đã bổ sung lệnh truy nã đỏ về tội “Tham ô tài sản” đối với Giang Kim Đạt.
Quá trình đấu tranh TCAN đã phát hiện nơi nghi vấn Đạt đang lẩn trốn ở nước ngoài. Nhờ việc phối hợp chặt chẽ về tương trợ tư pháp của Interpol, các cơ quan thực thi pháp luật của các nước nên cơ quan An ninh đã bắt được Giang Kim Đạt, di lý về Việt Nam để điều tra.
Quá trình truy bắt bị can này kéo dài 1.825 ngày đêm.
Chuyển tiền vào tài khoản người thân, mua biệt thự tại Singapore
Tại cơ quan điều tra, Giang Kim Đạt đã khai nhận hành vi phạm tội của mình trong việc gửi giá, nâng khống hợp đồng mua tàu và khai thác  tàu, chiếm đoạt  tiền của Nhà nước.
Cụ thể, trong thời gian làm việc ở công ty TNHH  MTV vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, Đạt là Quyền Trưởng phòng Kinh doanh, chuyên tham mưu cho Tổng giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Từ đó, bị can này đã cấu kết với nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng, cụ thể hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch so với giá trị.
Điển hình trong thương vụ mua 7 tàu từ nước ngoài, Đạt trực tiếp tham gia đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen). Đạt thỏa thuận với các công ty bán tàu hưởng hoa hồng 1%, tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Thương vụ này Đạt hưởng bất chính 1 triệu USD.
Trong quá trình khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Lợi dụng quyền hạn này, Đạt thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch. Theo đó, tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 17,6 triệu USD.
Để nhận số tiền này, Giang Kim Đạt đã bàn bạc với bố là ông Giang Văn Hiển lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau như ACB, Eximbank, Vietcombank, Sacombank... Sau đó, số tiền chênh lệch được đối tác nước ngoài chuyển thẳng vào tài khoản của ông Hiển. Khi nhận được tiền, Đạt báo ông Hiển đi rút tiền và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân.
Trong tổng số 18,6 triệu USD chiếm hưởng bất chính, ông Hiển đã đưa cho Đạt chi tiêu cá nhân, số tiền còn lại được sử dụng mua bất động sản và 5-6 xe ô tô đứng tên người thân.
Ngoài ra, tại Singapore Đạt đứng tên mua một căn hộ trị giá 3,6 triệu đô la Singapore. Trước đó, Đạt mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore nhưng đã bán.
Theo đánh giá của TCAN, đây là vụ án tham ô, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát số tiền lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư.
Hiện, TCAN đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án, sớm đưa đối tượng ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
MINH QUANG – CẦM VĂN KÌNH

Không có nhận xét nào: