Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Mỹ không thực hiện cam kết hỗ trợ tái thiết Việt Nam sau chiến tranh: Bội ước thiết kế sẵn - Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ


Hội nghị Paris về Việt Nam (5/968 – 1/1973)
DẪN NHẬP
Khi tiếng súng cuối cùng lắng xuống và Chiến tranh Việt Nam khép lại vào ngày 30/4/1975, một câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ: Ai sẽ chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả của cuộc chiến kéo dài hơn hai thập kỷ với những tổn thất to lớn về con người và tài sản? Trong đó, vấn đề “Mỹ bồi thường chiến tranh” đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận, không chỉ trong nội bộ Việt Nam mà còn trên trường quốc tế.
<!>
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Caroline Kennedy vào năm 2006 (1), cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã thẳng thắn thừa nhận: “Yêu cầu của nhân dân Việt Nam là chúng tôi phải bồi thường cho họ bằng một cách nào đó” (The demands of the Vietnam people was that we pay reparations to them in some way). Phát biểu này không chỉ phản ánh những đòi hỏi chính đáng từ phía Việt Nam mà còn đặt ra vấn đề về trách nhiệm đạo đức và pháp lý của Mỹ sau chiến tranh.

Tuy nhiên, thực tế lịch sử lại diễn ra trái ngược với kỳ vọng. Những cam kết cụ thể, được thể hiện rõ trong các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris), đã không được thực hiện. Đặc biệt, cam kết của Tổng thống Nixon về việc hỗ trợ tái thiết miền Bắc Việt Nam với số tiền 3,25 tỷ USD đã nhanh chóng trở thành một sự bội ước. Nguyên nhân không chỉ đến từ những biến động chính trị nội tại của Mỹ mà còn thể hiện một ý đồ bội ước đã được tính toán từ trước.

Bài viết này sẽ tập trung phân tích sâu sắc các cam kết bồi thường chiến tranh của Mỹ đối với Việt Nam trong bối cảnh lịch sử và pháp lý của Hiệp định Paris. Đồng thời, bài viết sẽ làm rõ cách Mỹ đã viện dẫn các lý do chính trị để né tránh trách nhiệm của mình. Từ đó, câu hỏi lớn hơn được đặt ra: Liệu đây chỉ là một sai lệch trong quá trình thực thi chính sách hay là một chiến lược bội ước được hoạch định từ trước?

Vấn đề không chỉ dừng lại ở khía cạnh tài chính, mà còn liên quan sâu sắc đến niềm tin vào các cam kết quốc tế và những hệ quả lâu dài đối với quan hệ Mỹ – Việt Nam sau chiến tranh. Qua đó, bài viết mong muốn mang đến một góc nhìn mới, công bằng và khách quan hơn về vấn đề “bồi thường chiến tranh” – một chương chưa khép lại trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

KHỞI NGUỒN VẤN ĐỀ


Rose Kasmir, một thiếu niên 17 tuổi trong đoàn diễu hành phản đối Chiến tranh Việt Nam,1967. Ảnh: Marc Riboud/Magnum Photos

Hiệp định Paris là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam và quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị quốc tế tại thời điểm ký kết, cùng với những diễn biến hậu chiến, đã tạo nên những tác động sâu rộng và phức tạp, không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn đến cục diện toàn cầu.

Trước khi Hiệp định Paris được ký kết, Chiến tranh Việt Nam – cuộc chiến do Mỹ tiến hành chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) với mục tiêu ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á, mà VNDCCH lên án là một cuộc chiến xâm lược – đã trở thành tâm điểm trong Chiến tranh Lạnh giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Đến nửa cuối thập niên 1960, cuộc chiến đã gây tổn thất nặng nề về người và của cho Mỹ, khi lực lượng viễn chinh nước này liên tục hứng chịu những thất bại nặng nề trước quân đội cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Những thất bại này không chỉ làm xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc và thúc đẩy các phong trào phản chiến lan rộng, mà còn làm hình ảnh và uy tín của Mỹ trên trường quốc tế suy giảm nghiêm trọng. Trước áp lực nặng nề từ cả trong nước lẫn quốc tế, Mỹ buộc phải tìm cách thoát khỏi cuộc chiến mà vẫn cố giữ được thể diện.

Vào tháng 5 năm 1968, Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với VNDCCH tại Paris. Sau đó, các cuộc đàm phán được mở rộng với sự tham gia của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam (CPLTCHMNVN) được VNDCCH hậu thuẫn và Việt Nam Cộng hòa (VNCH), chính quyền do Mỹ lập ra (2). Song song với đó, trong những năm đầu thập niên 1970, Mỹ triển khai chính sách giảm căng thẳng (détente) với Liên Xô, thông qua các thỏa thuận như Hiệp định SALT I, và thực hiện chính sách “Mở cửa” với Trung Quốc. Những bước đi này của Washington với hai cường quốc cộng sản – đồng thời là các nguồn viện trợ chủ lực của VNDCCH – nhằm dùng hai nước này gây sức ép lên Hà Nội, buộc họ phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán tại Paris (3).

Vào tháng 10 năm 1972, trong quá trình đàm phán, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger cam kết Mỹ sẽ đóng góp khoảng 3 tỷ USD để tái thiết miền Bắc Việt Nam (4). Tổng thống Richard Nixon cũng gửi thông điệp đến Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng, khẳng định rằng quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ được thảo luận khi Kissinger đến thăm Hà Nội.


Cố vấn Đoàn VNDCCH Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger sau khi ký tắt Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 23/1/1973

Ngày 11 tháng 1 năm 1973, Cố vấn đoàn VNDCCH Lê Đức Thọ yêu cầu khoản bồi thường chiến tranh trị giá 5 tỷ USD để xây dựng nhà máy thép 3 triệu tấn (5), khoản tiền này sẽ được thể hiện bằng một nghị định thư. Kissinger nói rằng Mỹ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và, để đổi lại, Hà Nội cần cung cấp thông tin chi tiết về các tù binh Mỹ tại Lào. Ông cũng nhấn mạnh rằng không nên có một nghị định thư khi các tù binh Mỹ chưa được thả, vả lại số tiền đóng góp còn phải được Quốc hội Mỹ phê duyệt.

Tại phiên họp cuối cùng vào ngày 13 tháng 1 năm 1973, Kissinger thông báo rằng sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Tổng thống Nixon sẽ gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xác nhận nguyên tắc viện trợ phù hợp với Điều 21 của Hiệp định. Kissinger trình bày dự thảo công hàm, trong đó Mỹ cam kết viện trợ khoảng 3 tỷ USD trong 5 năm, dựa trên nhu cầu và khả năng tiếp nhận viện trợ của Bắc Việt Nam, cũng như ngân sách hàng năm của Quốc hội Mỹ. Ông cũng đề xuất thành lập một Ủy ban kinh tế hỗn hợp để quản lý chương trình. Tuy nhiên, Lê Đức Thọ yêu cầu viện trợ phải là không hoàn lại, không kèm theo điều kiện chính trị, và không phụ thuộc vào ngân sách của Quốc hội Mỹ.


Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

Ngày 27/1/1973, Hiệp đinh Paris được ký kết. Điều 21 của Hiệp định ghi:

Hoa Kỳ mong rằng Hiệp định này sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như với tất cả các dân tộc ở Đông Dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn Đông Dương.

Ngày 10/2/1973, Kissinger đến Hà Nội và chuyển cho Phạm Văn Đồng một công hàm đề ngày 1/2/1973 của Nixon (6), trong đó xác nhận nội dung đóng góp tái thiết Việt Nam đã thỏa thuận tại Paris. Ngày 23/2/1973, Phạm Văn Đồng gửi công hàm phản hồi và ghi nhận. Toàn văn công hàm như sau:

CÔNG HÀM CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ GỬI THỦ TƯỚNG VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Ngày 1 tháng 2 năm 1973

Tổng thống thông báo cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà những nguyên tắc sẽ chỉ đạo sự tham gia của Hoa Kỳ về việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam. Như đã nêu trong Điều 21 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973, Hoa Kỳ thực hiện sự tham gia này theo chính sách truyền thống của mình.

Những nguyên tắc đó là:

1- Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào công việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam mà không có bất cứ điều kiện chính trị nào.

2- Việc nghiên cứu sơ bộ của Hoa Kỳ cho thấy rằng những chương trình thích hợp cho sự đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh sẽ là khoảng 3,25 tỷ đô la viện trợ không hoàn lại trong một thời gian 5 năm. Những hình thức viện trợ khác sẽ được Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xét duyệt lại và thoả thuận chi tiết.

3- Hoa Kỳ sẽ đề nghị với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là sẽ thành lập một Uỷ ban hỗn hợp kinh tế Mỹ – Bắc Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi công hàm này.

4- Chức năng của Uỷ ban này sẽ là đề ra các chương trình cho việc đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại ở Bắc Việt Nam. Sự đóng góp của Hoa Kỳ sẽ tiến hành trên cơ sở những yếu tố sau đây:a) Các nhu cầu của Bắc Việt Nam do những tàn phá của chiến tranh gây nên. b) Các yêu cầu của công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp của nền kinh tế Bắc Việt Nam.

5- Uỷ ban hỗn hợp kinh tế sẽ gồm những đại diện ngang nhau của mỗi bên. Uỷ ban sẽ thoả thuận về một bộ máy để quản lý chương trình đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại Bắc Việt Nam. Uỷ ban sẽ cố gắng hoàn thành sự thoả thuận này trong vòng 60 ngày sau khi được thành lập.

6- Hai thành viên của Uỷ ban sẽ hoạt động trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Những trụ sở của Uỷ ban sẽ đặt tại một nơi sẽ được thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

7- Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện những nguyên tắc nói trên sẽ thúc đẩy những quan hệ kinh tế thương mại và các quan hệ khác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và sẽ góp phần vào việc bảo đảm một nền hoà bình vững chắc và lâu dài ở Đông Dương. Những nguyên tắc này phù hợp với tinh thần của Chương VIII của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam ký tại Paris ngày 27 tháng Giêng năm1973.

Điều ghi chú về những hình thức viện trợ khác:

Về những hình thức viện trợ khác, việc nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy rằng nhữngchương trình thích hợp có thể là vào khoảng 1 đến 1,5 tỷ đô la tuỳ theo nhu cầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về lương thực và hàng hoá khác.

Hiểu biết về Chương trình xây dựng lại kinh tế:

Có sự hiểu biết là những đề nghị của ủy ban hỗn hợp kinh tế nói trong công hàm của Tổng thống gửi Thủ tướng sẽ do mỗi thành viên thực hiện theo những qui định của Hiến pháp nước mình.

BỒI THƯỜNG CHIẾN TRANH GIÁN TIẾP

Thực vậy, Việt Nam coi khoản 3,25 tỷ USD mà Tổng thống Nixon đã cam kết như một khoản “bồi thường chiến tranh” khi diễn giải nó như một “nghĩa vụ” của Mỹ. Quan điểm này được thể hiện rõ trong phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền ngày 26/3/1976:

Sau khi Việt Nam thống nhất, Mỹ đã đề nghị bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, Việt Nam yêu cầu Mỹ bồi thường chiến tranh như một điều kiện tiên quyết cho tiến trình này.

Thực vậy, Việt Nam xem khoản 3,25 tỷ USD mà Tổng thống Nixon đã cam kết như một khoản “bồi thường chiến tranh”, khi diễn giải nó như một “nghĩa vụ” của Mỹ. Quan điểm này được thể hiện rõ trong phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền vào ngày 26/3/1976.

“Việc Hoa Kỳ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam là một nghĩa vụ không thể chối cãi, xét về mặt pháp lý của Hiệp định Paris về Việt Nam, về mặt pháp lý quốc tế cũng như đạo lý và lương tri của con người.” (7)

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm xác nhận: “Vấn đề này được ghi trong điều 21 của Hiệp định Paris, thực chất là ta đòi bồi thường chiến tranh nhưng để giữ thể diện cho Mỹ, ta thỏa thuận dùng từ “góp phần tái thiết” (8).


Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger đến trao Công hàm của Tổng thống Mỹ Nixon cam kết đóng góp 3.25 tỷ USD cho tái thiết Bắc Việt Nam sau chiến tranh. Hà Nội, 10/2/1973

Vấn đề đặt ra là liệu Mỹ có phải bồi thường chiến tranh cho Việt Nam sau khi đất nước này thống nhất. Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần làm rõ một số khái niệm liên quan, trong đó “bồi thường chiến tranh” là khái niệm cốt yếu.

Bồi thường chiến tranh là việc một quốc gia phải chi trả tiền, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, hoặc tài sản khác để bù đắp thiệt hại về người, tài sản, hoặc kinh tế mà quốc gia đó đã gây ra cho các quốc gia khác trong một cuộc chiến. Đây thường là một điều kiện được áp đặt lên bên thua trận sau chiến tranh, thông qua các hiệp ước hoặc thỏa thuận hòa bình, hoặc theo phán quyết của các cơ quan quốc tế.

Mục đích của bồi thường chiến tranh là khắc phục thiệt hại, giúp các quốc gia bị ảnh hưởng tái thiết kinh tế, khôi phục cơ sở hạ tầng, và hỗ trợ người dân vượt qua hậu quả của chiến tranh. Ngoài ra, bồi thường còn mang tính trừng phạt và răn đe, nhằm cảnh báo các quốc gia khác để ngăn ngừa các hành vi tương tự trong tương lai. Đồng thời, hành động này cũng khẳng định trách nhiệm của bên thua trận đối với việc gây chiến hoặc gây thiệt hại trong cuộc xung đột..

Hình thức bồi thường chiến tranh có thể bao gồm thanh toán bằng tiền mặt, giao nộp tài sản hoặc hàng hóa như đất đai, tài nguyên, hoặc sản phẩm công nghiệp. Trong một số trường hợp, bồi thường có thể được thực hiện thông qua cung cấp dịch vụ lao động, như hỗ trợ nhân lực hoặc tham gia khôi phục cơ sở hạ tầng tại quốc gia chịu thiệt hại. Ngoài ra, bên thua trận cũng có thể bị yêu cầu xóa nợ hoặc chấp nhận các điều kiện kinh tế bất lợi.

Bồi thường chiến tranh là một công cụ pháp lý và ngoại giao nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh, nhưng trong nhiều trường hợp, nó cũng gây ra tranh cãi do tính bất công hoặc áp lực nặng nề lên quốc gia phải bồi thường.

Tiếp theo, “bên thua trận” thường được xác định dựa trên một số yêu tố sau:

Thứ nhất, về kết quả chiến tranh thực tế, nếu quốc gia xâm lược không đạt được mục tiêu chiến lược ban đầu, chẳng hạn như chiếm giữ lãnh thổ hoặc thay đổi chế độ chính trị của đối phương, thì quốc gia đó thường bị xem là thua trận. Hơn nữa, việc rút quân do áp lực quân sự hoặc tổn thất nặng nề cũng thường được coi là dấu hiệu của thất bại, dù không có tuyên bố chính thức.

Thứ hai, xét về yếu tố pháp lý và ngoại giao, nếu chiến tranh kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình hoặc tuyên bố đầu hàng, thì văn kiện này thường xác định rõ bên thắng và bên thua. Tuy nhiên, ngay cả khi không có hiệp ước chính thức, một thất bại trên thực tế (de facto) vẫn có thể khiến quốc gia xâm lược bị coi là thua trận.

Thứ ba, quan điểm quốc tế đóng vai trò quan trọng. Cộng đồng quốc tế thường đánh giá kết quả chiến tranh dựa trên hậu quả mà nó gây ra. Nếu quốc gia xâm lược bị lên án, mất uy tín, hoặc phải chịu các biện pháp trừng phạt, điều này thường củng cố quan điểm rằng họ đã thua trận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quốc gia xâm lược dù rút quân nhưng vẫn duy trì được sức mạnh chính trị hoặc quân sự thì có thể không bị coi là thua trận hoàn toàn.

Tóm lại, một quốc gia bị đánh bại trên chiến trường và buộc phải rút quân thường bị coi là thua trận, đặc biệt khi không đạt được mục tiêu chiến lược ban đầu. Mặc dầu vậy, việc một quốc gia thua trận có phải bồi thường chiến tranh cho quốc gia thắng trận hay không phụ thuộc vào các yếu tố chính trị, pháp lý và thỏa thuận quốc tế, và không phải mọi quốc gia thua trận đều bị buộc phải bồi thường. Quy định bồi thường thường xảy ra trong các trường hợp cụ thể:

Trước hết, quốc gia thua trận thường phải bồi thường khi có hiệp ước hòa bình hoặc phán quyết của tòa án quốc tế quy định. Ví dụ, Hiệp ước Versailles (1919) buộc Đức bồi thường nặng nề sau Thế chiến I, hay Hiệp ước Shimonoseki (1895) khiến Trung Quốc phải bồi thường cho Nhật Bản sau Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cũng có thể yêu cầu bồi thường nếu quốc gia đó vi phạm luật pháp quốc tế, như trường hợp Iraq bị yêu cầu bồi thường cho Kuwait sau cuộc xâm lược năm 1990. Áp lực quốc tế và chính trị cũng đóng vai trò quan trọng, khi cộng đồng quốc tế có thể thúc ép quốc gia thua trận bồi thường dưới dạng hỗ trợ tái thiết hoặc đền bù thiệt hại.

Ngược lại, trong nhiều trường hợp, quốc gia thua trận không bị buộc phải bồi thường. Điều này xảy ra khi không có hiệp ước hòa bình hoặc phán quyết quốc tế rõ ràng, Ngoài ra, nếu chiến tranh không được coi là hợp pháp từ cả hai phía, việc bồi thường thường không được đặt ra. Bên cạnh đó, bồi thường đôi khi được thay thế bằng các hình thức khác, chẳng hạn như hỗ trợ nhân đạo hoặc tái thiết. Thay vì bồi thường chính thức, một số quốc gia thua trận cung cấp viện trợ kinh tế hoặc nhân đạo để cải thiện quan hệ với quốc gia thắng trận. Ngoài ra, bồi thường cũng có thể được thực hiện dưới danh nghĩa viện trợ phát triển thông qua các tổ chức quốc tế.

Trong Chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến mà Mỹ chủ động tiến hành chống lại VNDCCH, Mỹ rút quân mà không đạt được mục tiêu ngăn chặn sự thống nhất của Việt Nam dưới chính quyền cộng sản. Mặc dù không có tuyên bố chính thức, thất bại chiến lược và việc rút quân khiến Mỹ bị coi là quốc gia thua trận. Do đó, Mỹ có nghĩa vụ bồi thường chiến tranh cho VNDCCH. Tuy nhiên, như đã đề cập, việc bồi thường có thể được thực hiện gián tiếp thông qua hỗ trợ nhân đạo hoặc viện trợ kinh tế. Trên tinh thần đó, việc “Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn Đông Dương” quy định tại Điều 21 Hiệp định Paris là một hình thức bồi thường chiến tranh hay bồi thường chiến tranh gián tiếp, tức một nghĩa vụ pháp lý mà Mỹ phải thực hiện.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng nếu là nghĩa vụ pháp lý thì Điều 21 Hiệp định Paris đã phải quy định rõ ràng thời hạn, cơ chế thực hiện, hoặc số tiền cụ thể để cam kết tái thiết Việt Nam. Do đó, chỉ nên coi Điều 21 là cam kết chính trị như một phần trong chính sách hòa giải sau chiến tranh. Thế nhưng, công hàm ngày 1/2/1973 của Tổng thống Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng bác bỏ lập luận này.

Thực vậy, Công hàm này không chỉ xác nhận “đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh sẽ là khoảng 3,25 tỷ đô la viện trợ không hoàn lại” (nguyên tắc 2) mà còn đề xuất thành lập Ủy ban hỗn hợp kinh tế Mỹ – Bắc Việt để triển khai (các nguyên tắc 3-6). Theo luật pháp quốc tế, công hàm ngoại giao có thể được coi là cam kết quốc gia nếu được đưa ra bởi người có thẩm quyền và không bị từ chối bởi cơ quan lập pháp.

BỘI ƯỚC ĐƯỢC THIẾT KẾ SẴN


Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, 9/1972. Ảnh: NARA

Mỹ đã không thực hiện cam kết đóng góp 3,25 tỷ USD để tái thiết Việt Nam sau chiến tranh, với hai lý do chính:

Thứ nhất, Mỹ cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) đã vi phạm Hiệp định Paris bằng việc sử dụng vũ lực để thống nhất đất nước. Theo lập luận này, việc thống nhất bằng quân sự đã làm mất hiệu lực các cam kết của Mỹ theo Hiệp định, bao gồm cả cam kết hỗ trợ tái thiết.

Thứ hai, Quốc hội Mỹ đã ban hành các đạo luật cấm viện trợ cho Việt Nam sau chiến tranh.

Về lý do thứ nhất: Lập luận này hoàn toàn không thuyết phục, bởi Điều 21 của Hiệp định Paris không đặt ra bất kỳ điều kiện nào liên quan đến cách thức thống nhất Việt Nam – nguyên tắc mà Mỹ đã chấp nhận tại Điều 1 của Hiệp định. Đồng thời, các cam kết tái thiết cũng không bị ràng buộc bởi bất kỳ diễn biến chính trị nào xảy ra sau khi Hiệp định được ký kết. Điều đó có nghĩa, không hề tồn tại bất kỳ điều kiện tiên quyết nào ảnh hưởng đến cam kết của Mỹ trong trường hợp này.

Về lý do thứ hai: Lập luận này có cơ sở, vì theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống không thể tự mình ràng buộc quốc gia vào các cam kết tài chính quốc tế mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội (9). Thực tế, ngay trong năm 1977 – năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Carter – Quốc hội Mỹ đã liên tục thông qua các đạo luật cấm viện trợ và duy trì cấm vận đối với Việt Nam.

Ngày 4/5/1977, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua với số phiếu áp đảo 166/131 đạo luật do dân biểu Cộng hòa John Ashbrook bảo trợ (HR 6689), theo đó chính phủ Mỹ không được đàm phán về “bồi thường, viện trợ hay mọi hình thức chi trả khác” cho Việt Nam. Vào tháng 6, cơ quan lập pháp này lại thông qua một đạo luật ngăn cấm các tài khoản Mỹ “trực tiếp hay gián tiếp” chuyển tiền cho Việt Nam, Lào, Campuchia và Uganda.

Nhân đây, cần xem xét tại sao Quốc hội Mỹ lại có hành động chống Việt Nam mạnh mẽ như vậy, mặc dù trước đó đã hối thúc Tổng thống Nixon chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Việt Nam và từ chối yêu cầu của Tổng thống Gerald Ford về việc chuẩn chi khẩn cấp 722 triệu USD viện trợ quân sự và 250 triệu USD viện trợ kinh tế cùng nhân đạo cho VNCH nhằm chống lại cuộc tổng tấn công của 20 sư đoàn Bắc Việt Nam trong những ngày cuối cùng của chiến tranh.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ không muốn hoàn toàn thừa nhận thất bại, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế với các cường quốc khác và nỗ lực duy trì vị thế của mình trên trường quốc tế. Do đó, việc Quốc hội Mỹ thông qua các đạo luật cấm viện trợ và bác bỏ cam kết hỗ trợ tái thiết cho Việt Nam thống nhất có thể được xem như một cách để “giữ thể diện,” tương tự như và tiếp nối chiến lược “rút lui trong danh dự” mà Tổng thống Nixon đã thực hiện thông qua Hiệp định Paris.

Ngoài ra, việc Quốc hội Mỹ tiếp tục áp đặt cấm vận Việt Nam còn nhằm tránh gánh vác trách nhiệm đối với hậu quả của cuộc chiến và nhất là, tránh tạo tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia khác yêu cầu bồi thường hoặc hỗ trợ sau các cuộc chiến mà Mỹ tham gia.

Tóm lại, việc Mỹ không thực hiện cam kết hỗ trợ Việt Nam tái thiết có thể được lý giải bởi sự chống đối từ cơ quan lập pháp, tức vì nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, các bằng chứng sau đây cho thấy đây thực chất là một sự bội ước được thiết kế sẵn.

Trước hết, Điều 21 của Hiệp định Paris và công hàm ngày 1/2/1973 của Tổng thống Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều không quy định biện pháp xử lý nếu Mỹ không tuân thủ cam kết. Điều này chẳng khác nào bật đèn xanh cho Mỹ tùy ý khai thác cam kết theo lợi ích của mình.

Tiếp theo, Trong quá trình đàm phán về viện trợ tái thiết, phía VNDCCH đã yêu cầu không đưa điều kiện phê duyệt của Quốc hội Hoa Kỳ vào cam kết viện trợ. Trên thực tế, điều kiện này không xuất hiện trong phần chính của công hàm ngày 1/2/1973, bao gồm 7 nguyên tắc. Thay vào đó, nó được đưa vào phần phụ, mang tên “Hiểu biết về Chương trình xây dựng lại kinh tế” ở một trang riêng, với nội dung: “Có sự hiểu biết rằng những đề nghị của ủy ban hỗn hợp kinh tế nói trong công hàm của Tổng thống gửi Thủ tướng sẽ do mỗi thành viên thực hiện theo những quy định của Hiến pháp của nước mình.” Rõ ràng, câu chữ này ngụ ý rằng cam kết của Nixon sẽ bị vô hiệu nếu Quốc hội Mỹ không đồng ý.

Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger tiết lộ: “Chúng tôi ‘thỏa hiệp’ bằng cách nêu sự cần thiết có sự thông qua của Quốc hội trên một trang riêng, được gửi đồng thời và có cùng sức nặng” (10). Tiết lộ này của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ cho thấy rõ ý đồ bội ước của chính quyền Nixon, bởi họ biết chắc rằng Quốc hội Mỹ sẽ không chuẩn y viện trợ tái thiết cho một Việt Nam cộng sản trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh.

Cuối cùng, cứ cho rằng Nixon sẽ yêu cầu Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản 3,25 tỷ USD để tái thiết Bắc Việt Nam, thì quy trình này cũng không thể hoàn tất trong vòng một tháng. Thế nhưng, nguyên tắc 3 của công hàm vẫn nêu rõ: “Hoa Kỳ sẽ đề nghị với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập một Ủy ban hỗn hợp kinh tế Mỹ – Bắc Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi công hàm này.” Thực chất, việc đề xuất thành lập “Ủy ban hỗn hợp kinh tế Mỹ – Bắc Việt Nam” chỉ là chiến thuật “dương Đông kích Tây,” nhằm khiến Hà Nội tin rằng Nhà Trắng có thiện chí thực sự, từ đó mất cảnh giác và sa vào bẫy “mỗi thành viên thực hiện theo những quy định của Hiến pháp của nước mình.” Nói cách khác, nhiệm vụ của “ủy ban” tồn tại trên giấy này đã hoàn tất ngay sau khi Phạm Văn Đồng gửi công hàm phản hồi và ghi nhận tới Nixon, đồng nghĩa với việc nó không cần phải ra đời nữa, điều mà thực tế đã chứng minh.

Tóm lại, cả Điều 21 của Hiệp định Paris lẫn nội dung công hàm đều được thiết kế một cách tinh vi và sử dụng như chiến thuật nhằm thuyết phục VNDCCH ký Hiệp định và trao trả tù binh sau đó. Điều này giúp Mỹ rút quân trong danh dự, tránh bị coi là chiến bại, đồng thời đạt được mục tiêu nhận lại tù binh và thông tin về các quân nhân mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), cũng như giảm áp lực từ dư luận trong nước và quốc tế. Cách làm này cho thấy các cam kết của Mỹ thực chất là một sự đánh lừa VNDCCH, mà theo cách nói dân gian Việt Nam, là “đưa trâu qua rào”!

KẾT LUẬN

Nhìn lại tiến trình đàm phán và những cam kết liên quan đến việc tái thiết Việt Nam sau chiến tranh, có thể nhận thấy rằng cam kết của Mỹ về khoản 3,25 tỷ USD và các cam kết hỗ trợ khác không mang tính thiện chí thực sự, mà chủ yếu là một bước đi chiến thuật nhằm đảm bảo chiến lược “rút lui trong danh dự” khỏi cuộc chiến ở Việt Nam. Những cam kết này, mặc dù được khẳng định trong các văn bản chính thức, không hề được củng cố bằng cơ chế thực thi và các ràng buộc pháp lý chặt chẽ. Do đó, việc Mỹ bội ước là điều có thể nhìn thấy trước.

Sự bội ước của Mỹ không chỉ làm đổ vỡ niềm tin mà còn để lại những hệ lụy lâu dài trong quan hệ Việt-Mỹ, khiến cho sự hòa giải và hợp tác giữa hai bên sau chiến tranh gặp không ít khó khăn, thậm chí nghiêm trọng. Trong khi Việt Nam phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp từ chiến tranh, với nền kinh tế kiệt quệ và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, việc Mỹ không thực hiện cam kết tái thiết cùng với việc duy trì cấm vận không chỉ làm trầm trọng thêm tình hình mà còn làm phức tạp quá trình tái thiết và phục hồi đất nước. Điều này càng khiến cho Việt Nam cảm thấy bị phản bội và bất công, bởi họ đã hy sinh và mất mát vô vàn trong cuộc chiến tranh mà họ là nạn nhân.

Vấn đề này cũng là minh chứng điển hình cho thực tế rằng các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt khi liên quan đến các cường quốc, đôi khi chỉ là công cụ nhằm phục vụ các mục tiêu chiến lược nhất thời, thay vì bảo vệ lợi ích chung của tất cả các bên liên quan. Các quốc gia lớn, với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, có thể dễ dàng thay đổi hoặc vi phạm cam kết mà không gặp phải sự trừng phạt nghiêm khắc nào. Điều này đặt ra bài học sâu sắc cho các quốc gia nhỏ, như Việt Nam: việc tham gia vào các hiệp định quốc tế không chỉ đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung cam kết mà còn cần các biện pháp đảm bảo pháp lý mạnh mẽ và khả năng thực thi cao để bảo vệ hiệu quả lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, những sai lầm và bài học từ quá khứ sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền tảng ngoại giao vững chắc hơn, chú trọng vào việc tạo ra các cơ chế hiệu quả để bảo vệ lợi ích quốc gia trong các thỏa thuận quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, khi quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là việc hai nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, việc nhìn lại những cam kết đã bị vi phạm có chủ đích không chỉ giúp hiểu rõ hơn về quá khứ, mà còn rút ra những bài học quý báu cho việc xây dựng một hợp tác bền vững trong tương lai.

Quan trọng hơn, lịch sử cần được ghi nhận một cách đầy đủ và công bằng, để hàn gắn những vết thương cũ và mở ra các cơ hội hợp tác mới, mang tính chiến lược giữa hai quốc gia cựu thù, để cùng nhau đối mặt với các thách thức chung của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như của toàn cầu.

CHÚ THÍCHVietnam and the presidency – Interview with Jimmy Carter, Caroline Kennedy, John F. Kennedy Presidential Library and Museum, 11/3/2006
Ngày 1/6/1956, tại bữa trưa Hội nghị về Việt Nam tại khách sạn Willard, Washington, D.C, Thượng nghị sĩ Mỹ (4 năm sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy phát biểu.: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của Việt Nam nhỏ bé này (Việt Nam Cộng hòa), thì chắc chắn chúng ta là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta đã chủ trì sự ra đời của nó, cung cấp sự hỗ trợ để nó tồn tại, và giúp định hình tương lai của nó…Đây là con đẻ của chúng ta – chúng ta không thể bỏ rơi nó, không thể phớt lờ những nhu cầu của nó.” (If we are not the parents of little Vietnam, then surely we are the godparents. We presided at its birth, we gave assistance to its life, we have helped to shape its future…This is our offspring – we cannot abandon it, we cannot ignore its needs.).Remarks of Senator John F. Kennedy at the Conference on Vietnam Luncheon in the Hotel Willard, Washington, D.C., June 1, 1956, John F.Kennedy presidential Library and Museum
Hiệp định Paris: Bài học về độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, Trần Hữu Huy, Bảo tàng lịch sử quốc gia, 5/1/2023.
Tại sao Mỹ không bồi thường chiến tranh Việt Nam? Trúc Quỳnh phỏng vấn nhà ngoại giao Phan Doãn Nam, Tiền phong,13/07/2015
Chính sách ngoại giao Việt Nam(1975-2006). Tập II. Học viện Quan hệ Quốc tế. Hà Nội 2007.
Điều I, Mục 8 Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho Quốc hội quyền quyết định việc phân bổ ngân sách, bao gồm cả các khoản viện trợ cho nước ngoài và quyền chi tiêu cho quốc phòng và phúc lợi chung của Hoa Kỳ (provide for the common Defence and general Welfare of the United States), trong đó có thể bao gồm các khoản viện trợ quốc tế nếu được coi là phục vụ lợi ích quốc gia. Ngoài ra, Điều I, Mục 9 cũng quy định rằng không một khoản tiền nào được rút từ Ngân khố Hoa Kỳ mà không có sự phê duyệt của Quốc hội thông qua luật ngân sách (No Money shall be drawn from the Treasury, but in Consequence of Appropriations made by Law). Constitution of the United States, CONGRESS.GOV
Lá thư mật Nixon và quan hệ Việt – Mỹ, Lê Quỳnh, BBC Vietnamese.com, 11/5/2008.
https://nghiencuulichsu.com/
-----------------------

Ý Kiến Phản biện của Nhà báo Huỳnh Lương Thiện

Kính gửi ông  Cù Huy Hà Vũ
Liên quan đến bài nghiên cứu "Mỹ không thực hiện cam kết hỗ trợ tái thiết Việt Nam sau chiến tranh" của ông, tôi nghĩ những người theo dõi thời cuộc đều biết rằng tổng thống Gerald Ford, kế nhiệm TT Nixon (là người đã viết thư hứa sẽ hỗ trợ tài chánh cho Hà Nội 3.25 tỷ sau chiến tranh) đã giải thích rõ là vì Cộng Sản Bắc Việt đã vi phạm Hiệp Định Paris 1973, xua quân xâm chiếm miền Nam VN cho nên lời hứa của TT Nixon không còn giá trị nữa. Đó là lý do chính. Bên cạnh đó còn nhiều lý do khác như  TT Nixon đã không thông báo hay thảo luận với quốc hội Mỹ về việc này cho nên dầu CSVN không vi phạm Hiệp Định Paris cũng chưa chắc quốc hội Mỹ chuẩn chi cho.
Tuy biết thế, nhưng để cho chắc, tôi đã phối kiểm với  ChatGPT qua câu hỏi và được Chat GPT trả lời như sau:

Huỳnh Lương Thiện hỏi:

Tổng thống Ford giải thích sở dĩ Hoa Kỳ không bồi thường cho Hà Nội 3.25 tỷ đô sau chiến tranh là vì CSVN vi phạm Hiệp định Paris, xâm chiếm Nam Việt Nam. Đúng không?
ChatGPT said:

Đúng, Tổng thống Gerald Ford đã viện dẫn việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt Nam) vi phạm Hiệp định Paris năm 1973 làm lý do chính để không thực hiện cam kết viện trợ tài chính 3,25 tỷ USD mà Hoa Kỳ đã đề cập trong khuôn khổ các thỏa thuận sau chiến tranh.

Hiệp định Paris được ký vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 nhằm chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Việt Nam. Một phần trong hiệp định đề cập rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ tái thiết kinh tế cho Việt Nam sau chiến tranh, nhưng không nêu rõ số tiền cụ thể. Sau đó, Tổng thống Nixon đã gửi thư cam kết viện trợ 3,25 tỷ USD để tái thiết miền Bắc, với điều kiện Bắc Việt Nam tuân thủ các điều khoản của hiệp định, bao gồm ngừng chiến sự và không xâm lược miền Nam.

Tuy nhiên, sau khi miền Bắc tiếp tục chiến dịch quân sự dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Ford và Quốc hội Hoa Kỳ đã cho rằng Bắc Việt Nam đã vi phạm Hiệp định Paris, do đó không còn nghĩa vụ phải thực hiện bất kỳ cam kết viện trợ nào. Điều này cũng phản ánh quan điểm chính trị và sự thay đổi ưu tiên của Hoa Kỳ sau chiến tranh Việt Nam.


Không có nhận xét nào: