Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

NGÔI ĐỀN VÀ ÔNG GIÀ CÂM - Trần Tâm (ViêtVănMới)


Lều của ông dưới mái sau đền. Đền không có tên. Ông cũng không có tuổi. Người ta gọi không nghe, hỏi không thưa thì tên tuổi để làm gì. Ông ở một mình. Vợ con chả có. Nhà cửa chẳng ra sao. Mái đền lụp sụp, ông gá mấy cái kèo tre, đan cây buộc dứng, trát đất thành vách. Nhà ông hai phía đắp đất như thế. Một phía nữa áp sát tường đền. Phía còn lại là cửa ra vào, xê đi dịch lại được vì chỉ là tấm tranh đan. Ông ở đây đã bao năm không ai nhớ. Người làng tôi thưa thớt, nghèo đói và hiền lành. Các ông các bà đứng tuổi đều nói lúc lớn đã thấy ông ở đó. Ngôi đền vắng. Chưa bao giờ tôi thấy mở hội gióng chuông. 
<!>
Lúc đầu, đền nào chẳng có tên nhưng lâu quá rồi, chữ rơi chữ vỡ, không ai sửa sang. Tên chữ nghe ngông nghênh khó gọi nên lâu dần người làng quên mất. Sau đền có cây quéo to. Mỗi năm đến mùa, hoa rụng dát vàng dưới gốc. Tôi không thấy quả, càng chưa bao giờ được ăn. Chỉ bóng của nó mát và sạch. Cây quéo trở thành tên ngôi đền.

- Chúng mày ơi! Ra đền cây quéo chơi đi!
- Thằng ấy đâu? Chắc lại ở đền cây Quéo!
- Đêm qua, đền cây Quéo bị gió lật mấy viên ngói rồi.

Hai cửa đền, hai ông tượng đứng oai nghiêm, mặc áo giáp bằng những mảnh bát ghép. Ông râu ba chòm cầm thanh long đao. Ông râu xồm ngắn cầm bát xà mâu. Chúng tôi gọi một ông là Quan Vân Trường. Ông còn lại là Trương Phi.

Chúng tôi đi học. Trường lớp thiếu thốn và sơ sài lắm. Ba mươi chín đứa nhốn nháo. Đứa lớn hơn đứa nhỏ gần chục tuổi. Lớp tôi học trong đền. Có buổi, tôi thấy mùi hương thơm ngát. Liếc nhòm vào gian trong, tôi thấy tượng đứng tượng ngồi rất đẹp. Hương cháy đỏ ở ban thờ, trước mỗi ông.

Hai ông đứng hai bên cửa đền không có bát hương nào. Nắng soi mưa hắt. Thế rồi, ông Quan Vân Trường mất thanh long đao. Ông Trương Phi mất bát xà mâu. Chả rõ ai nghịch hay lâu ngày vỡ nát. Hai ông đứng đó, mặc giáp mảnh bát, mắt xanh tròn xoe, râu tóc vểnh ngược. Một tay giơ cao trước ngực, tay kia để áp dưới đùi. Cả hai lòng bàn tay rỗng không. Đứa nào trong lớp nghịch ngợm, luồn cây róc vào. Hai tướng oai nghiêm chĩnh chện lại cầm róc. Ai đó rút vứt đi. Mấy hôm nữa lại thấy hai ông cầm chổi thanh hao. Rồi chổi mất. Hai ông cầm cây lau. Bông lau trắng lỏng lẻo, xoay xoay, xác xơ trong gió lạnh.

Đền vắng. Lá quéo bay đầy, rơi rải rác khắp sân. Chúng tôi phân công nhau trực nhật. Sơ sơ dăm bảy nhát chổi ở gian ngoài, chỗ thày đứng. Có đứa lười, quấng quàng bốc rác bẩn, giấy vụn bỏ vào chân tượng. Sáng hôm sau, rác lá không còn nữa. Có người đã quét, bốc hót đi rồi. Ai? Chả lẽ lại ông Câm?

Trước đây chắc ông có tên. Ai lại không có tên? Ông không nghe, không nói được thì tên tuổi chả ích gì. Người làng cứ ông Câm gọi thành tên. Ông có biết hay không không ai rõ.

Chúng tôi nghe kể linh thiêng lắm. Hôm khánh thành đền, quan lại chức sắc và dân làng tập trung đánh chén đông đủ. Đến trưa, mọi người ra về bắt gặp tay thanh niên lực lưỡng vác cái vạc loay hoay ra vào. Họ xúm lại. Hóa ra cái vạc của đền dùng để nấu đồng đúc chuông. Tên trộm đi ngang qua thấy ồn ào, ghé vào xem. Thừa lúc mọi người tíu tít không để ý, nó vác trộm. Cái vạc như có phép thần dính chặt trên vai. Tên trộm vừa khóc lóc vừa ì ạch vác ra đến cổng đền lại quay lại. Cứ như thế, mặt mũi đỏ bừng, mồ hôi mồ kê như nước rót. Các cụ phải khấn vái cầu xin mãi, thần thánh mới tha. Tên trộm ngã kềnh, người thượt ra, vãi cứt vãi đái, ngáp ngáp chờ chết. Dân làng cho uống nước rửa tượng, nước chân nhang, cứu chữa ngót tháng trời mới khỏi nhưng không nói được. Nó ra hiệu xin được ở lại đền, lo việc quét dọn tạ tội. Người ta gọi nó là thằng Câm.

Ông tôi khăng khăng đó là chuyện bịa. Khi ông lớn lên, đền cây Quéo đã cũ kỹ. Rêu mốc xanh cả mái lẫn tường. Ông Câm còn ít tuổi hơn. Lẽ nào ông ấy lại vác được cái vạc của đền hàng trăm năm trước.

Nếu chuyện ấy có thật, làng xóm nào lại không góp công góp của dựng cho ông một cái nhà để sớm chiều ông ra vào đền trông coi, quét dọn. Có người kể, ông Câm trước khi vào đền đã giai gái gì với con lão Trương Tuần, bị Trương Tuần bắt, đánh suýt chết rồi cắt cả lưỡi. Ông xấu hổ phải đến nhờ cửa đền, chờ qua số kiếp khốn khổ. Thời chúng tôi, Trương Tuần đã chết. Con cái còn bé tí. Đứa lớn nhất gọi tôi bằng anh. Tôi nhìn thấy ông Câm ngáp. Lưỡi vân còn nguyên.

Ông Câm ở đấy. Sống, đi lại, làm việc trong thầm vắng. Bất kỳ nhà ai giỗ chạp ngày nào, ông cũng nhớ. Đến không cần mơi, chăm lo công việc nhà người tận tụy, không phiền ai nhắc nhở, sai bảo. Ông gánh nước, bổ củi, giết lợn, giã giò. Tự ông thấy việc, tự ông làm. Tới bữa, bao giờ ông cũng được chủ nhà trịnh trọng mời lên mâm trên. Ông ăn rất ít, chăm chú nhìn mọi người, ha há mồm có vẻ sung sướng mãn nguyện lắm. Đám nào không biết, đặt ông ngồi khác. Ông bỏ đi có giời tìm. Hôm sau, cả làng ầm lên bởi ông với đôi tay và điệu bộ kể cho mọi người biết nhà ấy đối xử với ông không ra gì. Bắt ông ngồi mâm dưới cùng đám đàn bà con gái, coi thường ông.

Người ta còn nhớ, ông giơ tay huyên thuyên chỉ đông chỉ tây ra hiệu nhà lão Bờ không nhớ gì đến tổ tiên. Đến ngày giỗ bố, cửa nhà lạnh tanh, im ắng như bùn đọng. Ông khen nhà này nhà nọ, nhà kia nhà ấy thế mà khá, nghèo túng vẫn giữ được nề nếp.

Khi đăng ký hộ khẩu, xóm trưởng không biết khai ghi thế nào. Ông không có họ. Tên có như không. Xét thấy với ông vô hại, tránh được phiền phức rầy rà. Xóm trưởng bèn ghi cho ông họ Nguyễn. Ai đó đánh dấu hỏi vào tên ông. Ông cũng không biết từ đây ông là Nguyễn Văn Cẩm.

Thường ngày, ông đi làm thuê. Cuốc đất, nhổ cỏ, hái chè, đào ao, gánh nước...Tất cả mọi công việc, người ta thuê ông làm. Người ta không thuê, ông cũng đến. Tối ông về, chủ nhà lặng lẽ trả công ông. Chỉ khi bão mưa mới thấy lều ông có khói.

Ngày giỗ ông tôi không có ông. Đó là sự lạ lùng. Bà tôi xẻ nửa đĩa xôi, gói trong lá chuối, sai tôi mang biếu ông. Ông nằm co ro góc lều. Nền đất ẩm ướt, mốc trắng từng mảng. Ông trở mình. Gián thấy động bay loạn xạ. Bức tường đền có hình con ngựa, khói bám đen kịt, chỉ nhận ra đôi tai và nắm dây cương. Hai ông tướng giáp râu rơi rụng, mắt mũi không còn, vữa đắp long lở, hình như trơ cả lõi sắt.

Dân làng dần dần đông đúc. Việc thờ cúng giỗ chạp ít người nhắc tới nữa. Người ta lo làm, lo ăn, lo đánh giặc. Ngôi đền ngày càng tiêu điều hoang tàn đi. Mấy năm sau trở lại, tôi chỉ còn thấy bức tường chênh vênh quây lấy nền ngổn ngang gạch ngói nát và lá quéo rụng.

Đến giờ, cuộc sống dần dần no đủ. Người ta có của ăn của để. Hội hè, đình chùa, miếu mạo...được phục hồi. Sau những tan hoang mất mất do thời gian và chính do con người, mọi việc lại bắt đầu. Xóm làng đầy tiếng mè nheo vì đóng góp nhiều mà không phải ai cũng sẵn sàng, cũng sung túc. Hình như họ không thông, ấm ức để trong lòng không dám nói vì đóng của góp công sửa sang đền chùa là được phúc.

Nghe những !chuyện ấy, không hiểu sao bà tôi thường thở dài:

- Gía mà ông Câm còn! -/.

Không có nhận xét nào: