Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Những vì sao của một thời tuổi thơ - Phạm Tín An Ninh

(SVSQ Phan Ái Minh)
Thời học trung học,tôi có người bạn thân, không những tướng tá mà cả cái tên cũng đẹp: Phan Ái Minh. 2 đứa học chung trường. Minh học Ban B và trước tôi 1 lớp, còn tôi dốt toán nên học Ban C. Vì vậy mà bạn còn là “ông thầy” kèm toán cho tôi. Nhà Minh ở trên Thành (Diên Khánh), cách thành phố Nha Trang, nơi có ngôi trường Võ Tánh của bọn tôi hơn 10 cây số. Minh cùng người anh (Phan Thanh Vân) và người em họ (Đỗ Bê)[*] thuê căn nhà nhỏ trong một con hẻm ở gần đình Phương Sài để trọ học. Mỗi chiều thứ Sáu, sau khi tan trường, 3 anh em đạp xe về thăm nhà đến chiều Chủ Nhật lại ca bài đường trường xa trở lại Nha Trang, mang theo thức ăn cho 1 tuần sau đó. 
<!>
Tôi cũng từ một vùng quê khác vào Nha Trang học, ở nhà ông chú, một tiệm buôn giữa trung tâm thành phố. Để tránh ồn ào và khỏi bị sai vặt, tôi thường đạp xe lên nhà Minh vừa chơi vừa học. Có khi tôi ngủ lại hoặc cuối tuần theo anh em Minh về thăm quê bên kia Cổ Thành Diên Khánh.
Minh luôn hãnh diện khoe với bọn tôi về quê hương “Cổ Thành”. Anh thường gọi đó là “la Citadelle” và gần như thuộc lòng sử tích: “được Nguyễn Phúc Ánh xây từ thế kỷ 17 và lần lượt do các ông Nguyễn Văn Thành và Võ Tánh trấn thủ. Võ Tánh là 1 dũng tướng bất khuất, sau này đã tự thiêu tuẫn tiết trước khi thành Bình Định lọt vào tay tướng Trần Quang Diệu của Tây Sơn. Có lẽ vì vậy mà ngôi trường trung học lớn nhất miền duyên hải của chúng ta mang tên Võ Tánh, để nêu gương sĩ khí cho đám học trò.” Minh còn đọc đi đọc lại bài thơ của công chúa Ngọc Du khóc phu quân tướng công Võ Tánh, làm bọn tôi thuộc nằm lòng cho đến mãi bây giờ:

“Những tưởng ra tay giúp nước nhà
Ai dè binh địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa!”

Có lẽ chính quê hương Cổ Thành và hình ảnh dũng tướng Võ Tánh in rất đậm trong trí óc và tâm hồn Minh từ thuở ấu thơ, đã hun đúc trong Minh một mẫu người lý tưởng sau này.
Vào những mùa thi, căn nhà trọ khá oi bức và đèn điện không đủ sáng, bọn tôi thường rủ nhau đạp xe xuống bờ biển, nơi có các trụ đèn tỏa sáng, vừa học bài vừa nhìn biển trời mênh mông mà xây mộng tương lai. Có lần Minh bảo:
- Sau này nhất định tao sẽ chọn binh nghiệp để đọ sức cùng nắng mưa và tha hồ xông pha trận mạc.
Tôi cười đùa:
- Mày nói hay như đang hát tuồng Thuyền Ra Cửa Biển!” (lúc ấy gánh hát Thanh Minh Thanh Nga đang diễn vở tuồng này tại rạp Minh Châu – Nha Trang).

Là bạn, nhưng dường như tất cả mọi thứ trên đời ông trời đã dành cho Minh nhiều hơn tôi: đẹp trai hơn, to con hơn, võ nghệ, đàn hát và nhất là học hành cũng giỏi hơn. Chơi đàn và đọc sách là hai món tiêu khiển của Minh. Anh đọc rất nhiều sách, từ truyện Tam Quốc Chí đến Đệ Nhi Thế Chiến, từ các sách nghiên cứu Khoa Học đến Thiên Văn Học. Trí nhớ của Minh rất tốt, anh nhớ từng chi tiết và làm bọn tôi mê mẩn mỗi lần ngồi nghe anh kể lại. Ngoài ra Minh rất tư cách, tính tình bộc trực, thẳng thắn. Một lần có tay “anh chị” ở đầu hẻm hiểu lầm, tưởng tôi làm ngã cái xe gắn máy của y, lớn tiêng ăn hiếp, Minh bênh vực tôi, ôn tồn nói điều phải trái, nhưng gã kia hung hăng ra tay trước, Minh không đánh lại, chỉ đỡ vài đòn mà hắn đã té nhào không đứng lên được. Minh đưa tay kéo hắn lên và phủi bụi đất bám trên mặt hắn. Thấy Minh võ nghệ cao cường, có khí phách và lòng hào hiệp, hắn ta phục, bắt tay xin làm bạn, đãi bọn tôi một chầu phở Hợp Lợi. Sau lần ấy, tôi mới biết bạn tôi “văn võ song toàn”.

Cứ đến mùa Hè, tôi đạp xe lên quê Minh ở chơi một vài tuần. Nhà Minh ở gần con sông Cái, chảy lượn lờ uốn khúc qua một vài khu xóm làng và ruộng đồng tĩnh mịch. Ban đêm, tôi theo Minh và đám bạn bè, ra cắm lều, đàn hát, câu cá và ngủ lại bên bờ sông. Khung cảnh êm đềm thơ mộng. Đêm mùa Hè, trời trong vắt, bọn tôi thường đua nhau đếm thử có bao nhiêu vì sao, tìm trong các dải ngân hà, xem nơi nào có cái cầu Ô Thước của Ngưu Lang Chức Nữ. Minh biết tên khá nhiều các ngôi sao, và lúc ấy Minh đã dạy bọn tôi biết cách nhìn sao trời để định hướng và dự đoán cả thời tiết nữa. Minh còn giải thích về các thiên hà, tinh tú trong vũ trụ mênh mông, có những vì sao mang cái tên kèm theo 1 huyền thoại, rồi kể cho bọn tôi nghe truyện Les Étoiles của nhà văn Alphonse Daudet mà thầyCung Giũ Nguyên có nói qua trong giờ Văn Học Sử Pháp. Có những vì sao sáng lấp lánh, bọn tôi đua nhau giành lấy. Ai “xí” được ngôi sao nào lóe lên trước nhất sẽ được đặt tên mình và tên một cô bạn học trò đã từng khuấy động trái tim. Trong bọn, Minh là người tìm được cho mình nhiều ngôi sao nhất. Nhưng có 1 điều lạ, là ngôi sao nào anh giành được và đặt tên mình, đều lóe sáng lên, nhấp nháy vài lần rồi bỗng dưng vụt tắt, biến mất trên bầu trời, giữa hằng hà tinh tú khác. Nằm chờ mãi không thấy hiện lên, Minh bèn phân thích hiện tượng này, nhưng rồi cả anh và bọn tôi đều xuýt xoa nuối tiếc.

Ngày ấy, chúng tôi đều con nhà nghèo lo đi học, chưa có người yêu và cũng không dám mơ tưởng tới chuyện yêu đương, nhưng dường như trong trái tim khờ khạo của đứa nào cũng phảng phất bóng hình một cô bạn học trò cùng lớp hoặc chung trường. Trong những lần tâm tình, hay lúc đặt tên cho những vì sao, Minh cũng thường nhắc tên một cô học trò cùng quê, học sau Minh hai lớp. Cô bé có làn da trắng, đôi môi mọng đỏ, hiền hậu dễ thương, mà bọn tôi đã gặp một đôi lần.
Xong tú tài, đang học ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn thì Minh tình nguyện vào Khóa 20 Võ Bị. Con đường võ nghiệp mà Minh đã từng nhiều lần tâm tình với đám bạn bè là anh sẽ chọn, mặc dù với khả năng, anh còn có thể tiến xa trên đường học vấn. Bạn bè có người khuyên Minh vào Trường Hải Quân ở ngay Nha Trang để được gần nhà và sau này trong các chuyến hải hành tha hồ ngắm sao trời mà đặt tên cho người tình trong mộng. Nhưng Minh nhất quyết chọn Trường Võ Bị. Lúc ấy tôi thầm nghĩ, một người có khả năng, phong độ và tư cách như Minh, lại được đào tạo bởi 1 quân trường danh tiếng, chắc chắn sẽ trở thành một sĩ quan, một cấp chỉ huy đảm lược và mẫu mực sau này.

Đúng vào một ngày Giáng Sinh, đám bạn bè chúng tôi tiễn Minh lên Đà Lạt. Cùng nhập học Khóa 20VB với Minh còn có một số các anh cựu học sinh xuất sắc khác của trường Võ Tánh: Phạm Cang, Hoàng Văn An, Hồ Đắc Tùng, Cao Đình Phú, Quách Giám, Võ Anh Tuấn, Nguyễn Công Lắm v...v.... Chia tay Minh, bọn tôi cũng mỗi thằng mỗi ngã. Sau đó hơn 8 tháng, tôi và hai thằng bạn khác vào quân trường Thủ Đức.
Một ngày cuối năm, khi chúng tôi đang tham dự cuộc hành quân thực tập cuối khóa bên bờ sông Đồng Nai thì nghe các sĩ quan cán bộ và anh em SVSQ bàn tán về trận chiến Bình Giã rất khốc liệt. Tiểu Đoàn 30, 33 BĐQ và nhất là Tiểu Đoàn 4 TQLC bị tổn thất rất nặng nề. Cả tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó, y sĩ trưởng và gần 20 sĩ quan khác đã hy sinh. Chúng tôi bàng hoàng khi biết được trong số các sĩ quan tử trận có 3 thiếu úy tân khoa vừa mới tốt nhiệp Khóa 19VB Đà Lạt, 1 BĐQ (Nguyễn Thái Quan) và 2 TQLC (Võ Thành Kháng, Nguyễn Văn Hùng). Họ đã hy sinh ngay trong trận đánh đầu đời, chỉ sau hơn 2 tuần trình diện đơn vị. Đặc biệt trong số này có vị thủ khoa Võ Thành Kháng. Người sĩ quan tân khoa ưu tú đã bắn 4 mũi tên đi bốn phương trời trong ngày lễ ra trường, và mang theo rất nhiều hào quang cho con đường binh nghiệp. Bọn tôi không ai quen biết anh Võ Thành Kháng cũng như các anh cùng khóa 19 VB vừa tử trận, nhưng tất cả đều ngậm ngùi tiếc thương những sĩ quan rất trẻ, chọn binh nghiệp bảo vệ giang sơn, nhưng vừa được đào tạo văn võ song toàn mà đã hy sinh khi chưa kịp thi thố tài năng, chưa có cơ hội để “đem hết sở tồn làm sở dụng”, mà nếu còn sống chắc chắn sẽ trở thành những cấp chỉ huy tài giỏi sau này. Khi ấy, bỗng dưng tôi nhớ tới Phan Ái Minh, người bạn thân tài hoa của tôi đang theo học Khóa 20 Đà Lạt, và tất nhiên cũng thoáng một chút âu lo cho số phận của chính mình. Cuộc chiến đang có dấu hiệu bắt đầu khốc liệt.

Một sự kiện trùng hợp đặc biệt khác làm tôi không thể nào quên. Người kể cho chúng tôi nghe chi tiết trận Bình Giã và danh tánh các sĩ quan hy sinh trong trận chiến khốc liệt này là anh Dương Văn Chánh, người bạn cùng trung đội SVSQ Thủ Đức với tôi. Nhờ có người thân quen ở TQLC nên anh biết rõ từng chi tiết một. Chánh đang học ở đại học luật khoa thì nhận lệnh động viên. Tướng tá phong trần, nước da sạm đen, giọng nói khàn khàn, đôi mắt sáng, tính tình hiền lành và trầm ngâm, ít nói. Ra trường, anh là một trong số rất ít (hình như chỉ có 4 người) được chọn về binh chủng Nhảy Dù. Sau ngày mãn khóa, khi chúng tôi đã ra đơn vị và tham dự nhiều cuộc hành quân, thì Dương Văn Chánh vẫn còn đang học nhảy dù. Vậy mà đến giữa tháng 6/65, tôi bất ngờ được tin Chánh vừa hy sinh trong trận Đồng Xoài. Có lẽ đó cũng là trận đánh đầu đời của Chánh. Và cũng khi ấy, chúng tôi mới biết Chánh được bổ sung về Tiểu Đoàn 7 thuộc Chiến Đoàn 2 ND mà vị Chiến Đoàn Trưởng, Trung Tá Trương Quang Ân, là anh rể của Chánh. (3 năm sau ông là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn của tôi).

Là một sĩ quan trừ bị, khi bước chân vào quân trường, Chánh không phải là người chọn binh nghiệp, nhưng với một người có nhiều khả năng và cá tính như Chánh, nhất định phải là một người lính can trường, được hầu hết bạn bè cùng khóa kỳ vọng trở thành một cấp chỉ huy tài giỏi sau này, nhưng anh đã hy sinh quá sớm. Cái chết của Chánh làm tôi lại nhớ đến bầu trời tuổi thơ ngày xưa của bọn tôi ở quê Minh, bên kia Cổ Thành Diên Khánh và mơ hồ như nhìn thấy một vì sao nữa vừa mới lóe lên rồi vụt tắt!
Khi đang hành quân ở Phú Yên, tôi nhận được thư Minh báo tin anh chuẩn bị làm lễ ra trường. Minh bảo sẽ cố gắng để được đi Nhày Dù hay TQLC, còn nếu ra Bộ Binh thì sẽ chọn về Sư Đoàn 23 để được gần tôi cùng một số bạn bè khác cho vui.
Tôi vào quân trường Thủ Đức sau hơn nửa năm nhưng lại ra đơn vị trước Minh. Vì thời gian học ở Võ Bị lúc ấy gấp ba lần ở Thủ Đức. Hơn nữa, đặc biệt so với các khóa trước, Khóa 20 VB, sau khi tốt nghiệp còn phải theo học khóa Rừng Núi Sình Lầy tại TTHL/ BĐQ Dục Mỹ thêm 42 ngày.

Khoảng đầu tháng 2 năm 1966, hình như ngay sau Tết nguyên đán, tôi rất vui mừng được tin Minh bổ sung về cùng Trung Đoàn với tôi. Minh về Tiểu Đoàn 4, còn tôi đang ở Tiểu Đoàn 3. Lúc ấy, đơn vị tôi đang hành quân ở Di Linh (Lâm Đồng) còn tiểu đoàn của Minh thì hành quân ở Lạc An (Khánh Hòa). 2 đứa hẹn gặp nhau sau cuộc hành quân, uống một chầu mừng cho cuộc trùng phùng. Nhưng rồi cuộc hẹn đã không thành và tôi cũng không bao giờ có cơ hội để được gặp lại Minh, người bạn đa tài mà tôi hằng mến mộ cả một thời đi học.
Cuộc hành quân dài hạn ở Di Linh vừa kết thúc, tiểu đoàn tôi không trở lại Nha Trang như dự trù mà lại nhận lệnh di chuyển đến Phan Thiết, tăng phái cho TK Bình Thuận, phối họp với một đơn vị Thiết Kỵ của Hoa Kỳ, hành quân giải tỏa mật khu Lê Hồng Phong. Một mật khu rộng lớn và địa thế hiểm trở bị Cộng quân chiếm cứ khá lâu. Tại tuyến xuất phát, tôi được anh sĩ quan truyền tin Tiểu Đoàn, cùng quê với Minh, cho biết Phan Ái Minh đã hy sinh tại Lạc An trước đó 2 ngày, khi đang điều động trung đội tiến chiếm mục tiêu. Tôi bàng hoàng, xót xa khi vừa mất một người bạn mà mình hằng mến phục, quân đội cũng vừa mất đi một sĩ quan ưu tú, mà nếu còn sống chắc chắn sẽ trở thành một cấp chỉ huy tài giỏi. Tôi mang hình ảnh của Minh theo suốt cuộc hành quân cam go hôm ấy. Cuộc hành quân kết thúc toàn thắng. Tôi nghĩ, có thể hình ảnh của Minh đã tạo thêm sức mạnh cho tôi để đơn vị tôi có được chiến thắng vẻ vang này.

Mấy đêm liền sau đó, tôi nằm trằn trọc nghĩ tới Minh, nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Nhớ những đêm cùng Minh và đám bạn bè nằm bên bờ con sông quê dưới bầu trời lung linh những vì sao, mầu nhiệm. Bỗng tôi giật mình khi nghĩ tới một điều kỳ lạ: các vì sao mà Minh đã chọn để đặt tên mình, tất cả chỉ vừa lóe sáng lên rồi vụt tắt. Và nhớ tới người con gái nào đó, được Minh trầm trồ tha thiết đặt tên, không biết nếu nghe được câu chuyện thơ mộng này lòng cô có nhiều xúc động? Tôi (và chắc có cả Minh nữa) thầm cầu mong cho cô được tròn hạnh phúc sau này.
Khóa 20VB được bổ sung về đơn vị tôi còn có các anh Vũ Phúc Sinh, Hoàng Văn An, Cao Đình Phú, Bùi Hữu Kiệt, Dương Đình Chính, Hồ Đắc Tùng, sau này đều là những cấp chỉ huy giỏi. Anh Vũ Phúc Sinh, người cùng về TĐ4 với Minh, đã được đặc cách lên trung úy chỉ 9 tháng sau ngày ra đơn vị, Anh Hoàng Văn An là sĩ quan đẹp trai nhất Trung Đoàn, tính tình vui vẻ, cương trực, được mọi người từ quan tới lính yêu thương. Rất tiếc là các anh đã thuyên chuyển rời khỏi đơn vị khá sớm, sau khi nắm đại đội và đánh thắng vài trận, để lại bao luyến thương và tiếc nuối cho tất cả mọi người. Dương Đình Chính đã tử trận (mất tích) tại chiến trường Kontum mùa Hè năm 1974, khi vừa lên nắm Tiểu Đoàn 1. Bùi Hữu Kiệt thuyên chuyển về TK Ninh Thuận, nắm 1 tiểu đoàn ĐPQ và hy sinh tại Bình Định cuối năm 1973 khi dắt tiểu đoàn tăng cường cho mặt trận này. Người cuối cùng còn ở lại đơn vị là anh Hồ Đắc Tùng, sau này là một tiểu đoàn trưởng đã đóng góp nhiều chiến công trong chiến thắng Kontum mùa Hè 1972.

Khóa 20 VB đã có rất nhiều cấp chỉ huy lỗi lạc ở các quân, binh chủng, làm rạng danh quân lực. Một số đã thăng tiến rất nhanh,giữ các chức vụ trung đoàn trưởng BB, liên đoàn phó BĐQ. Sau này khi biết được một số trong những tên tuổi của Khóa 20VB từng nổi danh trên các chiến trường: các anh Hoàng Mão, Lại Thế Thiết, Huỳnh Bá An, Vương Mộng Long, Phạm Cang, Quách Vĩnh Trường, Nguyễn Thái Bửu, Trương Phúc, Đoàn Minh Phương, Trương Dưỡng, Nguyễn Văn Măng, Phạm Văn Tiền... tôi luôn nghĩ đến Phan Ái Minh, người bạn đa tài của tôi, và nhớ tới những vì sao sớm vụt tắt trên bầu trời tuổi thơ của chúng tôi thuở trước.

Phạm Tín An Ninh
(nhân ngày giỗ thứ 40 của Phan Ái Minh)
Ghi chú:
[*] Đỗ Bê là bạn học cùng lớp (đệ Ngũ và đệ Tứ) với tôi khi chúng tôi còn học ở trường Trung học Văn Hóa (Nha Trang). Bê vào Khóa 19 Thủ Đức, được phục vụ ở TTHL Lam Sơn (Dục Mỹ), nhưng đến giữa năm 1973, theo lệnh Bộ TTM, phải hoán chuyển ra đơn vị tác chiến, Đỗ Bê về đơn vị tôi (Trung Đoàn 44BB) giữ chức vụ Tiểu Đoàn Phó TĐ1/44. Tháng 8/1974, Đỗ Bê được lên giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng, thay cho Cố Th.Tá Dương Đình Chính (cùng Khóa 20 VB với Phan Ái Minh) tử trận tại Tiền Đồn 5 Kontum. Nhưng chỉ sau 3 tháng (11/1974) Đỗ Bê cũng đã hy sinh bên ngoài căn cứ 801 Pleiku (cách Hàm Rồng khoảng 15 cây số).

Không có nhận xét nào: