Hôm nay, tôi xin viết về một người bạn dễ thương được hầu hết bạn bè quý mến. Bạn vừa từ giã vợ con, gia đình và người thân trong mùa đại dịch Covid-19 vào Thứ Hai 11 tháng 01, năm 2021 tại Thành Phố Nashville, Tiểu Bang Tennessee, Hoa Kỳ. Đó là bạn Ngô Kim Hoàng. Giữa Hoàng và tôi không hề quen biết trước. Chỉ gặp nhau khoảng năm 1969 ở trường Anh Ngữ Lackland và trường bay Fort Wolters. Khi về nước, mỗi người đổi đi một đơn vị. Hoàng về Phi Đoàn 237 và Phi đoàn 241. Còn tôi, thuyên chuyển đi Trung Tâm 2 Kiểm Báo-Panama, Đà-Nẵng và Trung Tâm 1 Kiểm Báo - Paris, Tân Sơn Nhất. Chúng tôi chưa hề lần nào có cơ hội gặp lại.
Năm 1990, tình cờ gặp lại Hoàng tại nơi làm dịch vụ xuất cảnh đi theo diện HO trên đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Sài-Gòn. Tôi nhận ra Hoàng và Hoàng cũng nhận ra tôi. Hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện. Hoàng nhắc đến tên các Niên Trưởng và bạn bè cùng bay CH-47 Chinook với Hoàng. Mấy người này, một số tôi đều quen biết, nên tôi cho địa chỉ để Hoàng liên lạc.
Sau đó, chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau ngồi uống cà-phê bình dân trước công viên, nằm giữa hai đường Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes. Hai đầu là Dinh Độc-Lập, Nhà Thờ Đức- Bà và Bưu-Điện Sài-Gòn, để nghe ngóng tin tức về HO. Chẳng hạn, hôm nay đang phỏng vấn đến danh sách HO nào? Đến số thứ tự mấy? Những ai được phái đoàn Hoa Kỳ chấp thuận cho đi Mỹ và những ai vì lý do gì đó bị rớt phỏng vấn. Tại sao đủ điều kiện hợp lệ mà vẫn bị bác đơn không cho đi? Đã có trường hợp bị phái đoàn Mỹ từ chối, dù đã học tập cải tạo trên 10 năm. Lý do trong lúc đổi tờ khai gia đình (hộ khẩu), người nhà lo tiền chính quyền địa phương để họ không bị xoá tên. Khi nhân viên phỏng vấn hỏi tại sao có tên trong tờ khai gia đình trong thời gian đi cải tạo. Giấy trắng mực đen rõ ràng, không có gì chứng minh, giải thích, coi như hồ sơ gian dối. Dĩ nhiên, nhân viên phỏng vấn đánh rớt. Đáng lẽ, trong trường hợp này phải làm tờ trình sự thật làm sao thuyết phục được và gửi sang Thái Lan trước khi được gọi phỏng vấn thì may ra mới hy vọng. Còn khi đã bị phái đoàn từ chối rồi thì coi như không còn cơ hội khiếu nại.
Nói chung, thời gian này anh em chờ đợi đi HO rất thân thiện, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để chuẩn bị những hồ sơ, bổ túc thêm giấy tờ, hình ảnh cần thiết một khi được mời phỏng vấn, để tránh gặp trở ngại, khiến có thể bị rớt phỏng vấn. Không khí nơi đây rất ồn ào, tấp nập, náo nhiệt và vui như chợ Tết.
Khoảng 12 giờ trưa là tất cả "tan hàng cố gắng" về nhà làm công việc riêng như: tiếp tục đạp xích-lô, chạy xe ôm, ra Bưu-Điện Sài- Gòn viết đơn và thơ mướn, về nhà phụ vợ buôn bán, đón con đi học về, dọn dẹp hàng quán...Cùng hẹn gặp lại ngày hôm sau.
Có lẽ chính quyền địa phương thấy không có gì trở ngại hay ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, nên không làm khó dễ. Dù số người tụ tập bất hợp pháp rất đông, hầu hết là các Sĩ Quan chế độ cũ. Đối với họ, những người này là thành phần nguy hiểm được xếp vào loại cần phải luôn luôn đề phòng.
Một đôi lần, hai đứa chúng tôi bên ly cà-phê đen. Hoàng tâm sự về những hiểm nguy trong cuộc đời bay bổng. Hoàng không bao giờ quên tai nạn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trong một phi vụ vào năm 1971. Lúc đó, Hoàng phục vụ ở Phi Đoàn 237, danh hiệu Đại Bàng, thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân, trú đóng tại Biên Hoà. Chiếc CH-47 Chinook do Đại Uý Thọ là Trưởng Phi Cơ và Hoàng là Co-pilot đang bay hành quân trên bầu trời Snoul (Kampuchia) thì bị trúng đạn và bốc cháy.
May mắn, Đại Uý Thọ là một phi công dày dạn kinh nghiệm đã bình tĩnh đáp xuống khu rừng kế cận. Ngay lúc đó có một chiếc CH-47 Chinook khác đang hành quân yểm trợ trong vùng gần đó do Thiếu Uý Lê Huy Cận và Hồ Việt Yên thuộc khoá 7/68 KQ can đảm đáp khẩn cấp xuống cứu được tất cả phi hành đoàn. Phi hành đoàn lâm nạn đều bị cháy phỏng. Hoàng bị phỏng nặng ở mặt và một phần cánh tay phải. Được cấp tốc đưa về Bệnh Viện 3 Dã Chiến Hoa Kỳ chữa trị. Lúc đầu, Hoàng tưởng có thể bị mù hai mắt, nhưng nhờ các Bác Sĩ ở đây tận tình cứu chữa và phương tiện y khoa tối tân, nên hai mắt không bị ảnh hưởng. Riêng, cánh tay phải bị phỏng được chữa khỏi và chỉ để lại vết thẹo lớn. Kể từ đó, anh em trong phi đoàn đặt cho biệt danh là “Hoàng Cháy”
Sau thời gian điều trị ở bệnh viện. Hoàng trở lại đơn vị phục vụ. Tháng 8 năm 1974, Hoàng cùng 5 nhân viên phi hành của Phi Đoàn 237 thuyên chuyển ra bổ sung cho Phi Đoàn 241 trú đóng ở Phù-Cát. Chưa làm quen với đơn vị mới được bao lâu thì cả phi đoàn được lệnh di tản về Sài-Gòn vào tháng 3, năm 1975. Vài tháng sau, Hoàng phải vào Đại Học Máu gần bảy năm. Nơi cuối cùng là Trại Gia-Trung, thuộc Tỉnh Pleiku (Gia-Lai). Nơi đây được xem như địa ngục trần gian. Trong thời gian này, chị Hoàng còn quá trẻ, tìm đủ mọi cách mưu sinh để vừa có thể nuôi con, vừa lặn lội thân cò nơi quãng vắng đi thăm nuôi chồng, chờ ngày chồng được trở về đời sống bình thường. Xin có lời khâm phục một tấm gương hy sinh đáng ca ngợi của phụ nữ Việt-Nam.
Ngày vui đã đến, gia đình Hoàng được gọi phỏng vấn theo danh sách HO11. Phái đoàn Hoa-Kỳ chấp thuận cho đi định cư theo diện tị nạn tại Hoa-Kỳ. Vì vợ chồng không có bất cứ tài sản gì gọi là đáng giá, nên các thủ tục về nhà đất, ngân hàng, không thiếu thuế không gặp trở ngại.
Phần cuối cùng khám sức khoẻ xong, chỉ còn chờ lên danh sách chuyến bay từ Thái-Lan gửi sang là rời Việt-Nam tìm tương lai nơi vùng đất mới, mà biết bao nhiêu người hằng mơ ước.
Ngày 22 tháng 04, năm 1992, gia đình Hoàng gồm vợ và 3 con rời phi trường Tân-Sơn Nhất để đi Hoa-Kỳ. Nhiều bạn bè quý mến Hoàng đã có mặt để tiễn đưa, trong số đó có tôi. Chúng tôi bắt tay cùng hẹn gặp lại nhau nơi chân trời xa lạ trong một tương lai gần, vì tôi thuộc danh sách HO13.
Nơi định cư đầu tiên của gia đình Hoàng là Nam Cali khoảng hơn một năm rưỡi. Rồi tiếp đến là North Carolina. Cả hai nơi đây vẫn không thấy gì có vẻ sáng sủa và thích hợp.
Đang suy tính có nên đi nơi khác nữa hay không thì vợ Hoàng có người bà con ở Thành Phố Nashville, Tiểu Bang Tennessee đang làm ăn về Nails tương đối thành công. Họ rủ vợ chồng Hoàng sang và hứa giúp đỡ những khó khăn trong giai đoạn đầu. Thế là, cả gia đình lại khăn gói di chuyển thêm một lần nữa. Đây là lần thứ ba. Có lẽ nơi đây đất lành chim đậu, nên gia đình Hoàng đã định cư từ năm 1994 cho tới nay.
Lúc đầu, vợ chồng Hoàng làm công, ăn chia cho một tiệm Nails. Sau đó, chủ nhân cần dọn sang tiểu bang khác, nên muốn bán tiệm lại cho vợ chồng Hoàng. Cơ hội đã đến, vợ chồng Hoàng mượn tiền bà con, bạn bè và gom góp số tiền dành dụm mua lại tiệm có thương hiệu tên là Madison Nails, thuộc Madison County Davidson, Tennessee. Từ nay, vợ chồng Hoàng đã làm chủ, khỏi phải làm theo kiểu ăn chia như trước. Các con của Hoàng sau khi học ở trường về, lo bài vở xong cùng ra tiệm chung tay phụ giúp cha mẹ.
Tôi nhớ lại, khi gia đình tôi đến định cư ở San José vào cuối tháng 10, năm 1992. Sau một thời gian ở đây, công ăn, việc làm hoàn toàn bế tắc, tưởng chừng như đầu hàng cho số mạng. Tôi điện thoại hỏi thăm Hoàng và nhờ Hoàng giúp ý kiến. Trong chỗ thân tình bạn bè. Hoàng hứa sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ cho vợ chồng tôi lúc ban đầu, như trước kia người ta đã từng giúp đỡ gia đình Hoàng. Nếu tôi muốn, thì qua chơi vài tháng để thăm dò, xem xét, nghiên cứu. Nếu thấy thích hợp thì hãy đem gia đình qua sau. Khi về bàn lại thì vợ tôi không muốn đi. Thế là! Tôi đã phụ nhã ý và lòng tốt của Hoàng.
May mắn sau đó, tôi được hãng IBM nhận vào làm. Vợ tôi cũng vừa học, vừa làm và con tôi cũng đã quen với môi trường mới. Do đó, chúng tôi quyết định không đi và ở lại San José cho đến hôm nay, dù lúc đó gặp muôn vàn khó khăn. Cuối cùng, vợ tôi sau thời gian dùi mài kinh sử cũng đã tốt nghiệp MA về Foreign Language, hiện đang làm cho County of Santa Clara đã trên 20 năm, còn con trai tôi cũng tốt nghiệp Đại Học, hiện cháu đang làm chuyện viên cho một bệnh viện khá nổi tiếng ở Bắc Cali. Cháu cũng đã lập gia đình. Cả nhà đều tham gia sinh hoạt Hướng Đạo và làm công tác thiện nguyện cho cộng đồng ở địa phương.
Chúng tôi cũng đã mua được một căn nhà nhỏ, ấm cúng, trồng nhiều cây trái và hoa, mà lúc chưa bị đại dịch Covid-19 vẫn là nơi thường tổ chức những buổi họp mặt anh chị em Hướng Đạo Trưởng Niên trong vùng, hoặc khi có anh chị em Hướng Đạo Trưởng Niên từ xa ghé thăm San José.
Trong thời gian đó, Hoàng và tôi thỉnh thoảng liên lạc nhau, tâm sự về cuộc sống, về việc học hành của con cái. Đều đều, năm nào chúng tôi cũng trao đổi thiệp Giáng-Sinh và chúc mừng Năm Mới cho nhau. Thiệp của Hoàng viết cho tôi với nét chữ đẹp, phóng khoáng và bay bướm như nghệ nhân viết thư pháp. Tôi nghĩ nét chữ như Rồng bay, Phượng múa này mà viết thư tình sẽ làm nhiều em mê mệt, điêu đứng. Có lẽ chị Hoàng yêu anh một phần cũng vì nét chữ độc đáo này?
Đầu tháng 12 năm nay, tôi cũng gửi thiệp chúc mừng Giáng-Sinh và Năm Mới cho gia đình Hoàng giống như mọi năm. Tuy nhiên, tôi không nhận được thiệp hồi âm của Hoàng như mọi năm. Tôi nghĩ có lẽ thiệp của tôi viết cho Hoàng và thiệp của Hoàng gửi cho tôi đã bị bưu điện làm thất lạc, vì chuyện bưu điện làm thất lạc thư của khách hàng cũng là chuyện bình thường. Chưa kịp điện thoại hỏi thăm thì nhận được tin Hoàng vĩnh viễn ra đi. Nghe tin Hoàng mất, tôi bàng hoàng, xúc động, vội gọi điện thoại chia buồn. Chị Hoàng cho biết, trước đó chồng mình vẫn còn khoẻ mạnh, cả hai đang dự tính tham dự Họp Mặt Chinook sắp đến, nhân tiện sẽ đi thăm bạn bè một vài nơi, vì hai vợ chồng đã nghỉ hưu, cuộc sống hoàn toàn ổn định không còn gì phải lo toan.
Ngày 24 tháng 5, năm 2009, ngày họp mặt bốn Phi Đoàn CH-47 Chinook gồm: Đại Bàng -237, Thiên Bằng -241, Lôi Phong -247 và Mãnh Long-249 tổ chức tại nhà hàng Grand Fortune, San José. Hoàng điện thoại báo tin cho tôi biết là vợ chồng Hoàng sẽ về tham dự ngày hội ngộ đặc biệt này. Tôi cũng cho Hoàng hay là tôi cũng sẽ có mặt, vì tôi quen biết với nhiều anh em CH-47 Chinook, cũng như trước đó ban tổ chức có nhã ý mời tôi hát giúp vui trong chương trình văn nghệ.
Những cánh chim tan tác khắp muôn phương sau một trận cuồng phong dữ dội đã cùng bay hợp đoàn về đây trong không khí tưng bừng của ngày hội hoa đăng. Những câu chào hỏi, tiếng cười rộn rã, các giọt nước mắt cảm động của ngày tương phùng, tưởng chừng không bao giờ có thể xảy ra.
Hoàng và tôi đã gặp lại trong đêm đặc biệt này. Chúng tôi có dịp ngồi tâm sự, kể cho nhau nghe những thăng trầm, bể dâu trong cuộc sống nơi đất khách quê người và đã gặp lại như lời hứa tại phi trường Tân-Sơn Nhất năm xưa. Thế mà! phải mất gần mười bảy năm mới có dịp hàn huyên, dù cả hai đang sống trên cùng một quốc gia.
Hoàng cho biết công ăn, chuyện làm rất thành công và phát đạt. Tiệm làm ăn có uy tín và giá cả hợp lý, nên lúc nào khách cũng đông so với các tiệm quanh vùng. Bây giờ, phải thuê thợ ở ngoài vào tăng cường và trả lương tháng, chớ không chia theo tỷ lệ giữa chủ và thợ. Nếu tháng nào khách đông, thu nhập cao hơn mức bình thường thì thợ được thưởng thêm. Nhờ hưởng lương ổn định, nên thợ an tâm làm cho tiệm, không phải lo những khi vắng khách, ế ẩm. Có những thợ đã làm cho tiệm Hoàng hơn 10 năm và họ không muốn đi đâu hết! Cũng có người nghe chỗ khác trả khá hơn, chia tỷ lệ cao hơn, nên bỏ ngang tiệm Hoàng, ra đi không một lời giã biệt. Nhưng, khi chạm thực tế thì không phải vậy. Chủ nhân mới keo kiệt, tính toán chi ly và trả lương không bằng tiệm Hoàng. Nên họ xin Hoàng cho trở lại tiệm và Hoàng cũng vui vẻ nhận lại họ.
Về chuyện nhà cửa, cơ ngơi thì coi như đã trả xong. Các con đều học hành thành công, đều lập gia đình và có cuộc sống tốt. Tôi bắt tay chúc mừng Hoàng.
Phần tôi, đã về hưu sớm, đang làm Part-Time cho San José Police Department về Crossing Guard (hướng dẫn học sinh và bộ hành) qua đường. Hằng ngày nhìn học sinh đến trường, để tìm lại một chút kỷ niệm thuở học trò thường buồn vu vơ, trong những tháng ngày còn lại tha phương nơi xứ người. Hiện tại, gia đạo vui vẻ, hạnh phúc. An phận với những gì đang có mà ơn trên ban cho.
Hoàng cười và nói: “Như vậy, bạn và tôi đều may mắn.”
Sau khi xong hội ngộ, trước khi vợ chồng Hoàng rời San José. Vợ chồng tôi mời dùng cơm tối ở nhà hàng Vũng-Tàu, San José
Trong buổi Dinner có thêm vợ chồng Anh Lê Văn Cầu có biệt danh là Chú Tư Cầu (tên tựa đề một truyện dài trước năm 1975 của nhà văn Lê Xuyên). Anh và Trung Uý Huỳnh Bá Hùng là hai Phi Đội Trưởng nhiều kinh nghiệm của Phi Đoàn 237 tình nguyện bay một phi vụ dữ nhiều hơn lành, để tiếp tế cho tiền đồn Tống Lê Chân đang bị địch quân bao vây bốn mặt từ nhiều tháng nay. Trung Tá Nguyễn Phú Chính là Phi Đoàn Trưởng và cả phi đoàn đều biết phi vụ này ra đi khó có ngày về, nên tất cả cùng cầu nguyện Ơn Trên che chở cho phi hành đoàn được một phép nhiệm màu trở về an toàn.
Cuối cùng, chuyện cũng phải đến. Phi cơ trước khi bay vào bãi đáp đã bị bị trúng nhiều vết đạn từ trên không, một Cơ Phi không may bị tử thương, còn Trung Uý Lê Văn Cầu thị bị thương ở gót chân khi nhảy từ trên trực thăng xuống. May mắn, phi cơ đáp xuống đất an toàn. Tuy nhiên, phi hành đoàn bị kẹt lại trong căn cứ Tống-Lê-Chân gần một tuần vì hoả lực của địch chung quanh căn cứ quá mạnh, nên trực thăng tiếp cứu không thể nào đáp xuống được. Sau cùng, một trực thăng tản thương thuộc Phi Đội 259E của Sư Đoàn 3 Không Quân đo Trung Uý Phát tự Phát Sứt là Trưởng Phi Cơ đã can đảm đáp xuống Rescue đưa phi hành đoàn lâm nạn về Biên Hoà, trong sự vui mừng khôn tả của toàn thể quân nhân thuộc Phi Đoàn 237. Có lẽ, người sung sướng nhất hôm đó là Trung Tá PĐT Nguyễn Phú Chính. Ông tưởng đã không còn gặp lại các đàn em trong một phi vụ Kamikaze sau Đệ Nhị Thế chiến, mà chính ông quyết định và có phần nào trách nhiệm trong đó.
Hôm sau, vợ chồng Hoàng di Nam Cali để thăm bạn bè và thân nhân. Trước khi trở về lại Tennessee. Chị Hoàng cũng không quên gửi tặng bà xã tôi qua đường bưu điện một bưu kiện toàn là “Cơm Cháy Chà Bông” vì bà xã tôi lúc ngồi tâm sự với chị ở nhà hàng Vũng Tàu đã nói với chị là rất thích món này.
Bây giờ, ngồi đây viết về Ngô Kim Hoàng, một người con yêu của Sài-Gòn, một Phật Tử thuần thành, pháp danh Quảng Nguyên đã vĩnh viễn ra đi. Tang lễ bạn được cử hành trong phạm vi gia đình vì cơn đại dịch Covid-19. Hiện diện gồm: hiền thê, các con, các cháu, một vài người thân, Thượng Toạ Thích Giác Thành và Sư Cô Minh Điền thuộc Chùa Tịnh Tâm ở Nashville đã đến tụng niệm cầu siêu.
Các chiến hữu CH-47 Chinook và bạn bè ở xa đã gửi Email, điện thoại chia buồn rất đông vì lúc sinh thời Hoàng được nhiều người yêu mến. Bạn sẵn sàng giúp đỡ những đồng đội đang gặp khó khăn nơi quê nhà và luôn luôn đóng góp một cách nhiệt thành khi có lời kêu gọi trong tình tương thân tương ái. “Không Quân Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè.”
Giờ đây, bạn đã an giấc ngàn thu tại HendersonVille Memory Gardens ngày 15 tháng 01, năm 2021. Sự ra đi của bạn để lại nhiều thương tiếc cho thân nhân và bạn hữu. Mọi người vẫn còn giữ trong tâm trí về Ngô Kim Hoàng, một con người nhân hậu, tử tế. Trong số đó có tôi. Tất cả sẽ luôn nhớ về bạn. Xin bạn hãy phù hộ chị Liên, ba cháu Kim Phong, Kim Thanh, Kim Yến, các cháu nội, ngoại và các chiến hữu được bình an trong cuộc sống hằng ngày. Rồi! Sẽ có một lúc chúng tôi cũng sẽ gặp lại bạn ở cuối trời chân mây. Nơi đây, không có những phiền toái, hận thù, đố kỵ và bất hoà trong đời thường.
Chuyện này, chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi!
Xin vĩnh biệt Ngô Kim Hoàng, một người bạn mà tôi rất quý mến.
Trần Đình Phước
(San José, California 2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét