Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Nhà của Putin - Nhật Quang


Là một nhân vật quyền lực bậc nhất thế giới, Tổng thống Nga Putin sống và làm việc tại Kremlin trong một vành đai bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng các phe chống đối cũng sẵn sàng làm thịt Putin bất kỳ lúc nào, chưa kể điện Kremlin là một đích nhắm rất dễ ăn cho đối phương. Phi cơ không người lái của Ukraine có thể bứng Putin ngay nơi làm việc. Để có nơi nghỉ ngơi thanh thản và trú ẩn an toàn, Putin có một cung điện của riêng mình…
<!>
Bí mật bị bật mí

Cả thế giới chẳng ai nghe về cung điện này cho đến khi nhân vật đối lập Alexei Navalny bung lên Youtube, nguyên nhân là Navalny bất bình với hệ thống chính quyền bệ rạc và tham nhũng của Putin. Video của Alexei lập tức tạo nên một cơn sốt với 133 triệu lượt người xem. Đổi lại lượng người xem khổng lồ đó, Navalny bị bỏ tù và đầu độc bởi một chất gây liệt thần kinh, sau này người ta biết được đó là một loại vũ khí hóa học bí mật tên là Novichoks.

Cung điện này có tên là Grand Black Sea Palace là một quần thể những kiến trúc kiểu Ý nằm trên vị trí đắc địa sát bờ Biển Đen thuộc thị trấn Gelendzhik, Krasnodar Krai, Nga. Cung điện tọa lạc trên một mũi đất có nhiều vách đá nhưng bằng phẳng trên đỉnh. Nó được bao quanh bởi một rạn san hô dày đặc khiến việc đi lại ngoài khơi trở nên nguy hiểm, và trở thành một vành đai thiên nhiên vô cùng lợi hại. Chi phí xây dựng và cả đập đi làm lại cho đến khi hoàn mãn ngốn khoảng 1.5 tỉ đô la.


Cung điện của Putin tại bờ biển Đen

“Cung điện” Putin

Cung điện này có khuôn viên rộng lớn giống như điện Versailles bên Pháp, với vườn thượng uyển gồm những loại kỳ hoa dị thảo và những tác phẩm điêu khắc độc đáo. Ngôi nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý Lanfranco Cirillo, người đã kiến thiết nhiều bất động sản cho giới thượng lưu ở Nga. Phần lớn giới thượng lưu này đều là thân tín của Putin, họ sẵn sàng làm “Lê Lai cứu chúa” hợp thức hóa những tài sản khổng lồ của Putin. Họ làm giàu trên tài sản của nước Nga và ăn trên đầu trên cổ dân Nga. Chính vì miếng mồi béo bở này mà
kiến trúc sư Cirillo khốn khổ với chính phủ Ý, sẽ nói ở phần sau.

Sự xa hoa của căn nhà đã là một lời tố giác khi mức lương của Putin chỉ 133,000 đô la/năm. Chưa kể sự xa xỉ và lộng lẫy bên trong, biệt thự của Putin giống như một quốc gia độc lập nằm giữa nước Nga. Nơi đây có sự bảo vệ chặt chẽ nhất thế giới, với hàng hàng lớp lớp quân đặc nhiệm trấn giữ nhiều vành đai. Sau khi tấn công Ukraine, khu vực này còn được tăng cường bảo vệ gấp nhiều lần.

Nếu được tận mắt ngắm nhìn cung điện này mới thấy sự tham nhũng trầm trọng đến mức nào. Nằm ở vị trí chiến lược, có cửa thoát hiểm bí mật thông ra biển. Nhìn tổng thể cung điện của Putin như một thành phố độc lập, một thành phố được bảo đảm an ninh tuyệt đối dưới sự bảo vệ của những đạo quân tinh nhuệ nhất, trang bị tận răng.

Trên trời là khu vực cấm bay (no fly zone) bao phủ một vùng rộng lớn. Qua hệ thống drone trinh sát của Ukraine, họ nhận thấy khu biệt thự của Putin không chỉ có lính canh mà có cả những dàn hỏa tiễn phòng không S400 bố trí dày đặc. Vẫn chưa yên tâm, Putin thuê 7,000 mẫu đất của cư dân chung quanh với giá gấp 3.5 lần thị trường làm bình phong là khu săn bắn. Tất cả đều đặt dưới sự giám sát của lực lượng FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga).













Nhà thờ “tư nhân” được xây trong khu vực “cung điện” Putin

Vỏ bọc của Putin

Những lãnh đạo cộng sản có một công thức chung để tạo hào quang giả là sống độc thân, để toàn tâm lo cho đất nước. Putin cũng không ngoại lệ. Thực chất Putin sống với Alina Kabaeva và cả lố con cái. Tờ báo Moskovsky Korrespondent xuất bản hồi tháng 4 năm 2008 sau khi đưa tin Kabaeva đính hôn với Tổng thống Vladimir Putin lập tức bị đóng cửa.

Alina Kabaeva là ai?

Alina Kabaeva sinh trưởng ở Uzbekistan, là một lực sĩ thể dục nhịp điệu (rhythmic gymnast) kiêm người mẫu nổi tiếng của Nga. Cô cùng đội Nga đoạt 2 huy chương Olympic, 18 huy chương quốc tế và 25 huy chương châu Âu. Để giấu giếm công chúng, tất cả những lần sinh con của cô (năm 2013, 2015, 2019) đều diễn ra ở bệnh viện Thụy Sĩ và cô ở lại “chăm” con vài năm trước khi bí mật trở lại Nga.

Nội thất “cung điện”

Khu biệt thự này được xem là căn nhà tư nhân lớn nhất nước Nga với diện tích 176,191 mét vuông (tương đương 200,000 sf), nhưng đó chỉ là bề nổi, những bức chụp từ vệ tinh cho thấy có nhiều đường hầm tương tự như những lối vào ở các sân vận động để dẫn vào một công trình ngầm 5 tầng nằm bên dưới mặt đất, được bảo bọc một lớp xi măng và sắt thép dày cui và chắc chắn như một pháo đài, đủ để chống những cơn mưa bom và thậm chí cả sự chấn động của bom nguyên tử.




Putin và Alina Kabaeva

Cung điện có gì?

Bên trong, cung điện, có đủ tất cả các dịch vụ từ massage, hớt tóc, tạo mẫu, và cả một đội chuyên viên gội đầu, mặc dầu tóc tai Putin khá khiêm tốn. Ngoài ra còn có khu vực dành riêng cho bác sĩ, đầu bếp, quản lý, phòng chiếu phim, phòng hòa nhạc, thậm chí cả sòng bạc, phòng múa cột, phòng thử rượu với đủ loại rượu quý hiếm.

Tất cả bàn ghế, giường tủ đều đặt từ những công ty thượng hạng của Ý. Chiếc phòng ngủ của Putin được đùa là rộng bằng một căn nhà ở châu Âu, với diện tích 260 mét vuông (2,800 sf).

Tiền chùa

Một thợ xây dựng có tay nghề bậc thầy, giấu tên, biệt danh là Igor kể lại, rất nhiều công nhân bị đuổi việc ngay lập tức nếu chỉ làm một vết xước trên các món đồ gỗ. Có nhiều món còn mới nguyên, còn tốt nhưng đôi khi được lệnh tháo ra, đập bỏ. Có khi một công trình đã hoàn thành, lại được lệnh phá bỏ, làm mới.

Ước tính có khoảng 1,500 người làm việc tại công trình này vào thời điểm đó. Gồm người Nga, người Uzbeks, và cả công binh.

Để cung cấp cho cư dân pháo đài này là một nhà kiếng rộng 2,500 mét vuông (25,000 sf) với 40 nhân công chuyên trồng rau để cung cấp cho “thành phố Putin”.

Một công nhân khác cho biết mọi vật liệu thi công đều được ngụy trang. Thậm chí những vật liệu bằng kim loại được sơn lên để tránh phản quang. Người công nhân này kể rằng, anh ta đã làm việc ở đó gần 15 năm và việc đập ra, xây lại là chuyện bình thường “Họ cứ xây rồi phá, xây rồi lại phá. Có một phòng tập thể dục tuyệt đẹp xây bằng đá cẩm thạch, nhưng nó chỉ tồn tại được hai hoặc ba năm, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một ngày nọ, người ta đập tanh bành để làm lại…”


Phòng khách

Kiến trúc sư lận đận

Kiến trúc sư người Ý, Lanfranco Cirillo được mệnh danh là “kiến trúc sư của Putin” vai trò là người thiết kế cung điện bí mật và xa hoa của Putin đã bị chính quyền Ý soi rọi từng mi-li-mét, sở thuế vụ của Ý đã phanh phui ra Cirillo kiếm khẳm từ việc xây cất cho nước ngoài, cụ thể là Nga và Trung Quốc, bỏ túi ít nhất nửa tỉ đô la mà không khai báo.

Căn nhà của Cirillo bị cảnh sát Ý đột kích khám xét. Trong khi công ty riêng của Cirillo bị quay như dế ở Ý thì thời của Cirillo lại phất ở Nga, ông được đích thân Putin cấp quốc tịch Nga và bổ nhiệm làm phó chủ tịch cấp cao của ngân hàng Sberbank. Nhưng sóng gió chưa yên, năm 2018, ngân hàng trung ương Nga thu hồi giấy phép của Ngân hàng Soyuzny mà Cirillo sở hữu cùng với Tatyana Kuznetsova, vợ của một sĩ quan Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga, người có nhiệm vụ bảo vệ tài sản của Putin. Mùa hè năm 2019, một tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu một khu dinh thự ở vùng Moscow thuộc sở hữu của Cirillo dựa trên đơn khiếu nại của Cơ quan Quản lý Tài sản Nhà nước Liên bang Nga.

Năm 2021, cơ quan thuế Nga đóng cửa văn phòng kiến trúc của Cirillo vì cho rằng số liệu không chính xác. Lúc này, Cirillo quyết định cắt đứt mọi quan hệ với Nga và định cư ở Dubai. Ông than thở “Tôi là nạn nhân thứ hai của cuộc chiến ở Ukraine – bị bức hại vì tôi được coi là kiến trúc sư của Putin.”.


Phòng chơi bài

Đời sống của Putin

Những người cai trị Nga kể từ thời các Sa hoàng đã biết tận hưởng khí hậu ấm áp trên Biển Đen, nơi có những hàng cọ lả lướt bầu không khí Địa Trung Hải êm dịu. Vladimir Putin cũng không ngoại lệ. Ông thường xuyên đến Sochi, khu nghỉ mát ở cực Nam nước Nga, trong suốt 25 năm cầm quyền. Putin thường đến dinh tổng thống sang trọng có tên là Bocharov Ruchey, nằm trên một ngọn đồi phía trên biển.

Putin cũng thường tiếp đón các vị khách cấp quốc tế và tổ chức các cuộc họp chính phủ tại các biệt thự của mình, hơi giống kiểu ông Trump mời khách về dinh thự Mar-a-Lago ở Florida. Các chính khách nổi tiếng như George W. Bush, Gerhard Schröder và Silvio Berlusconi cũng có ảnh chụp ở nơi này. Putin cho xây một căn phòng y chang phòng làm việc ở Kremlin, để có thể lên ti vi như đang ngồi tại Moscow. Nói chung, dân Nga không bao giờ biết Putin đang thực sự ở đâu.



Phòng phát tin, được thiết kế giống như ở điện Kremlin

“No Country for Old Men”

Vào tháng 9 năm 2023, máy bay không người lái của Ukraine tấn công sân bay trực thăng ở sân bay Sochi. Kể từ đó, Putin không còn đến thăm dinh thự xinh đẹp này lần nào nữa.

Có thể nói hiện nay Putin đang trong tình trạng… homeless mặc dầu Putin sở hữu rất nhiều biệt thự, toàn những chỗ đắc địa và nội thất đắt tiền, nhưng chúng đều nằm trong tọa độ của “kẻ thù”. Không chỉ tính mạng Putin mà cả gia đình đều có thể bị xóa sổ bất kỳ lúc nào.

Nếu có một cuộc binh biến hoặc truy sát, người ta không rõ Putin sẽ ở đâu. Có thể ông ta tá túc ở những tư gia của những người bạn tỉ phú, những kẻ làm giàu nhờ dựa vào thế lực của Putin. Nhưng chưa chắc họ đã trung thành, hoặc sẵn sàng “bán đứng” Putin để đổi lấy sự an toàn hoặc một sự ưu đãi nào đó.

Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, nhiều tỉ phú đã từ bỏ quốc tịch Nga như Yu. Milner (tài sản 7.3 tỉ USD), Gazprom N. Storonsky (7.1 tỉ USD), O. Tinkov (0.6 tỉ USD), P. Durov ($15.1 tỉ), anh em nhà Bushman (mỗi người 8.1 tỉ USD). Một số họ đã công khai ủng hộ Ukraine và chống lại Putin, trước đây một số trong bọn họ từng là bạn thiết và làm nên cơ đồ nhờ ô dù của Putin.

Xin mượn tên bộ phim “No Country for Old Man” để ví von tình cảnh không chốn dung thân của Putin, mặc dầu diễn biến phim và cuộc đời của Putin chẳng giống nhau tí nào.

Nhật Quang

Không có nhận xét nào: