Tỷ phú Elon Musk tiết lộ lý do thực sự khiến ông mua Twitter
Chủ sở hữu X, tỷ phú Elon Musk, cho biết ông đã mua nền tảng này, khi đó được gọi là Twitter, để “tiêu diệt loại virus tỉnh thức”. Ông Musk đổ lỗi phần lớn những tệ nạn xã hội hiện đại cho chủ nghĩa tự do cấp tiến với “tư tưởng tỉnh thức”.“Năm 2021, tôi đã đặt mục tiêu tiêu diệt virus tỉnh thức này và giờ nó đã bị xóa bỏ”, ông Musk viết trên X hôm thứ Bảy (11/1), sau khi chia sẻ bài đăng mà ông đã đăng vào năm 2021 với nội dung “traceroute woke_mind_virus” (công cụ truy vết virus tỉnh thức).
<!>
Traceroute là lệnh chẩn đoán mạng thường được sử dụng để khắc phục sự cố mạng Giao thức Internet.
Khi được một người theo dõi hỏi rằng liệu đây có phải là “lý do chính khiến ông mua Twitter không?”, ông Musk trả lời “Đúng vậy”.
Ông Musk thường xuyên chỉ trích “virus tỉnh thức”, một thuật ngữ chung được một số người cánh hữu bảo thủ sử dụng để lên án các triết lý và chính sách cấp tiến cánh tả bao gồm chuyển đổi giới tính, kiểm duyệt và thúc đẩy sự đa dạng tại nơi làm việc không xét tới giá trị công trạng.
Hồi tháng Bảy năm ngoái (2024), trong một cuộc phỏng vấn với nhà tâm lý học người Canada Tiến sĩ Jordan Peterson, ông Musk nói rằng “virus tỉnh thức” đã giết chết con trai ông, ám chỉ đứa con chuyển giới Xavier của ông. Ông Musk tuyên bố rằng ông đã bị các bác sĩ “lừa” ký vào các văn bản cho phép con trai ông trải qua liệu pháp hormone, điều này đã làm cậu bé vô sinh vĩnh viễn.
“Về cơ bản, tôi đã mất con trai mình. Họ gọi đó là cái tên chết là có lý do,” tỷ phú này nói. “Lý do nó được gọi là cái tên chết là vì con trai của bạn đã chết. Con trai tôi là Xavier đã chết, loại virus tỉnh thức này đã giết chết nó. Sau đó, tôi đã thề sẽ tiêu diệt loại virus tỉnh thức này”.
Ông Musk đã mua Twitter với giá 44 tỷ USD vào năm 2022, đổi tên nền tảng này thành X, sa thải hầu hết nhân viên kiểm duyệt nội dung và hủy bỏ phần lớn các chính sách kiểm duyệt của mạng xã hội này. X là nền tảng truyền thông xã hội lớn đầu tiên khôi phục tài khoản của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. Tài khoản Twitter của cá nhân ông Trump đã bị đình chỉ sau khi những người ủng hộ ông gây hỗn loạn tại Điện Capitol ở thủ đô Washington D.C vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.
Việc X được ông Musk đại tu đã khiến nền tảng này trở thành một ngoại lệ khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh vẫn duy trì chính sách hạn chế ngôn luận. Tuy nhiên, gần đây CEO của Meta, ông Mark Zuckerberg, đã thông báo rằng các nền tảng của ông – bao gồm Facebook và Instagram – sẽ thu hẹp chính sách kiểm duyệt để “khôi phục quyền tự do ngôn luận” và sẽ không còn làm việc với “người kiểm tra thực tế” bên thứ ba để gắn nhãn lên nội dung chính trị.
Cùng với những thay đổi đã được lên kế hoạch này, Meta đã kết thúc các chương trình tuyển dụng đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) trong tuần này và theo tờ New York Times, tại các văn phòng của Meta đã loại bỏ băng vệ sinh khỏi phòng vệ sinh nam vốn trước đây được cung cấp “cho những nhân viên phi nhị giới và chuyển giới”.
Nga tuyên bố sẽ tiếp tục các dự án dầu khí bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Bảy (11/1) đã lên án lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với ngành năng lượng của Moskva là một mưu toan gây tổn hại đến nền kinh tế của Nga, nguy cơ làm mất ổn định thị trường toàn cầu. Bộ này cũng tuyên bố Nga sẽ tiếp tục các dự án dầu khí lớn.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cũng nêu rõ Moskva sẽ đáp trả các hành động “thù địch” của Washington được công bố vào thứ Sáu (10/1). Bộ này cho biết họ đang lập ra chiến lược chính sách đối ngoại của mình.
Tuyên bố nêu trên cho biết các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ tương đương với “một mưu toan gây ra ít nhất một số thiệt hại cho nền kinh tế Nga, ngay cả khi phải trả giá bằng nguy cơ làm mất ổn định thị trường thế giới khi sự kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền đáng xấu hổ của Tổng thống Joe Biden đang đến gần“.
“Bất chấp những biến động trong Nhà Trắng và những âm mưu của nhóm vận động hành lang bài Nga ở phương Tây, cố gắng kéo ngành năng lượng thế giới vào ‘cuộc chiến hỗn hợp’ do Hoa Kỳ phát động chống lại Nga, đất nước chúng tôi đã và vẫn là một bên tham gia chủ chốt và đáng tin cậy trên thị trường nhiên liệu toàn cầu“, tuyên bố nêu rõ
Đây gói trừng phạt rộng lớn nhất của Hoa Kỳ cho đến nay, nhắm vào doanh thu dầu khí của Nga.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Gazprom Neft, công ty thăm dò, sản xuất và bán dầu cũng như 183 tàu đã vận chuyển dầu của Nga, nhiều tàu trong số đó nằm trong cái gọi là đội tàu chở dầu bí mật, cũ kỹ do các công ty không phải phương Tây điều hành.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố các biện pháp này sẽ “gây ra một đòn đáng kể” cho Moskva. “Nga càng kiếm được ít doanh thu từ dầu mỏ … thì hòa bình sẽ sớm được khôi phục“, ông Zelensky tuyên bố.
Philippines điều tuần duyên đến “thách thức” tàu Trung Quốc ở biển Đông
Hôm nay, 12/01/2024, Philippines thông báo điều một tàu tuần duyên đến “thách thức” các tàu hải cảnh của Trung Quốc, bị cáo buộc hoạt động phi pháp, nhằm cố gắng thay đổi nguyên trạng tại vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết các tàu tuần tra Trung Quốc năm nay đã tiến gần lãnh hải của Philippines, khoảng 60 hải lý về phía tây của đảo Luzon. Trong một tuyên bố được AP trích dẫn, ông Tarriela, khẳng định “mục tiêu của Trung Quốc là ‘bình thường hóa các đợt triển khai như vậy, và nếu những hành động này không bị phát hiện và không bị thách thức, thì Bắc Kinh có thể thay đổi nguyên trạng”.
Trả lời báo giới, ông Tarriela đồng thời thông báo là Manila đã triển khai một tàu tuần duyên đến khu vực này để “thách thức các cuộc tuần tra phi pháp của Bắc Kinh”, để ngăn cản các “hành vi bắt nạt của Trung Quốc”.
Theo quan chức Philippines, từ ngày 30/12/2024 đến ngày 11/01/2025, Trung Quốc đã triển khai 3 tàu từ các căn cứ ở Quảng Đông và Hải Nam đến vùng biển Philippines.
Căng thẳng tại biển Đông (mà Philippines gọi là biển Tây), dấy lên lo ngại rằng Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Philippines, có thể can dự vào cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc. Theo báo Philippines Inquirer, người phát ngôn của tổng thống Philippines Marcos cho biết sẽ Manila sẽ có cuộc điện đàm 3 bên với thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba và tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày mai, 13/01. Các lãnh đạo sẽ đàm phán về những tiến triển trong hợp tác giữa các nước về vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề trong khu vực và quốc tế. Ba nước cũng đã tăng cường hợp tác an ninh để ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc, kiểm soát phần lớn Biển Đông.
Đài Loan triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới do Hoa Kỳ cung cấp
Đài Loan có kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mới do Hoa Kỳ cung cấp vào cuối năm 2025, Bộ Quốc phòng quốc đảo dân chủ này loan báo hôm thứ Sáu (10/1), theo Taipei News đưa tin.
Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) sẽ được lắp đặt tại các địa điểm chiến lược quan trọng ở phía bắc Đài Loan, bao gồm Quận Tùng Sơn của Đài Bắc và Quận Đạm Thủy của Thành phố Tân Bắc.
Hệ thống phòng không NASAMS do Na Uy sản xuất, một hệ thống phòng không tầm trung, có thể tấn công máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Hệ thống này tích hợp công nghệ radar tiên tiến và liên kết dữ liệu chiến thuật quân sự để chống lại các mối đe dọa trên không.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ đã chấp thuận việc bán ba hệ thống NASAMS cho Đài Loan, một phần của gói vũ khí trị giá 2 tỷ USD được công bố vào tháng Mười năm ngoái (2024), đánh dấu thương vụ bán vũ khí thứ 17 cho Đài Loan dưới thời chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, việc triển khai này là một phần trong nỗ lực tăng cường năng lực phòng không để ứng phó với hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan. Các hệ thống NASAMS sẽ bổ sung cho các nền tảng phòng không hiện có của Đài Loan, bao gồm tên lửa Thiên Kiếm II (Sky Sword II), Thiên Cung (Sky Bow) và Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3).
Đài Loan cũng đã ký hợp đồng mua các hệ thống radar mảng điện tử băng tần L và không phải băng tần L, được thiết kế để cải thiện tỷ lệ phát hiện và chống nhiễu, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết. Các hệ thống radar này sẽ được phân phối trên toàn quốc, cung cấp phạm vi phủ sóng toàn diện. Bộ Quốc phòng báo cáo rằng 24,3 tỷ Đài tệ (737 triệu USD) đã được phân bổ cho các hợp đồng NASAMS và radar.
Thông báo về việc triển khai hệ thống tên lửa được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về tình hình chính trị của Đài Loan. Trung Quốc coi hòn đảo dân chủ này là một tỉnh ly khai và tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Đài Loan bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh và nhấn mạnh vào chủ quyền của mình.
Chính quyền Đài Bắc đã lên án các cuộc tập trận quân sự thường xuyên của Bắc Kinh gần hòn đảo này là hành động khiêu khích và gây phương hại đến hòa bình khu vực.
Mặc dù Hoa Kỳ công nhận chính sách Một Trung Quốc, nhưng họ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Vào tháng Mười Hai năm ngoái, Thượng viện Hoa Kỳ đã phê duyệt dự luật quốc phòng trị giá 895 tỷ USD, trong đó có nhiều biện pháp nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Bắc.
Bắc Kinh lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động của Washington, áp đặt lệnh trừng phạt đối với bảy công ty quốc phòng của Hoa Kỳ vào tháng 12/2024 và cấm bán các sản phẩm lưỡng dụng quân sự, dân sự cho 28 nhà cung cấp quân sự của Hoa Kỳ hồi đầu tháng Một này, với lý do vi phạm nguyên tắc Một Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét