Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :11/01/2025 - Nam Giang


Chiến tranh Ukraina : Anh, Mỹ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt ngành năng lượng NgaSau Nhật Bản, đến lượt Hoa Kỳ và Anh Quốc, hôm 10/01/2025 thông báo mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tập đoàn năng lượng của Nga. Mục tiêu nhằm « cắt nguồn tài trợ lớn nhất của điện Kremlin » chi phí cho chiến tranh Ukraina. Các biện pháp trừng phạt mới này có hiệu lực từ ngày 27/01/2025. Hình minh họa: Các tầu chở dầu vào Novorossiysk, một trong những tổ hợp dầu lửa lớn nhất của Nga, ngày 11/10/2022. AP Thanh Hà
<!>
Bộ Tài Chính Mỹ công bố thêm danh sách các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào nhiều tập đoàn dầu khí của Nga, vào các hãng chuyên chở và phân phối dầu. Đáng chú ý nhất là hai tập đoàn có trọng lượng Gazprom Neft và Sourgoutneftegaz bị đưa vào danh sách đen.

Daleep Singh, cố vấn thứ hai về an ninh quốc gia của Nhà Trắng, được AFP trích dẫn xem đây là những biện pháp trừng phạt « mạnh tay nhất từ trước tới giờ mà Mỹ ban hành nhắm vào ngành dầu khí Nga và sẽ tác động đến tất cả các khâu then chốt trong ngành công nghiệp năng lượng của Nga, từ các tập đoàn xản xuất đến phân phối dầu hỏa » của nước này.

Họp báo hôm qua 10/01/2025, tổng thống Joe Biden nhìn nhận tác động kèm theo là « giá xăng dầu có thể sẽ tăng thêm ba hay bốn xu một gallon » đối với người dân Mỹ nhưng « hệ quả sẽ tai hại hơn nhiều đối với nước Nga ».

Cùng ngày, tại Luân Đôn bộ Ngoại Giao Anh loan báo cũng nhắm vào hai tập đoàn năng lượng của Nga vừa nêu bởi « Gazprom Neft và Sourgoutneftegaz mỗi ngày sản xuất hơn 1 triệu thùng dầu và theo thời giá hiện tại, thu nhập của hai tập đoàn này một năm lên tới 23 tỷ đô la ». Đó là một « nguồn thu nhập mang tính sống còn để Nga tài trợ chiến tranh Ukraina, tương đương với 25 % ngân sách của Liên Bang Nga trong năm 2023 ».

Ngoài hai tập đoàn dầu khí lớn nói trên, Mỹ đã nhắm tới 200 tàu chở dầu hoạt động « từ Nga » hay có trụ sở ở những thiên đường thuế khóa nhưng đó là các « đội tàu ma » của Matxcơva, phương tiện giúp Nga lách lệnh trừng phạt quốc tế.

Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky hoan nghênh Washington là Luân Đôn « đánh một đòn mạnh vào cỗ máy chiến tranh » của Vladimir Putin.

Nhật Bản thắt chặt hợp tác an ninh với Malaysia và Indonesia

« Đông Nam Á là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản ». Để khẳng định chiến lược này, ông Shigeru Ishiba chọn Malaysia và Indonesia cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi trở thành thủ tướng thứ 102 của Nhật Bản.

Tổng thống Indonesia, Prabowo Subianto (phải) và thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba, trước cuộc họp báo chung tại dinh tổng thống Bogor, tây Java, Indonesia, ngày 11/01/2025. AP - Achmad Ibrahim
Thu Hằng
Ngày 11/01/2025, trong cuộc họp với tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tại Jakarta, thủ tướng Shigeru Ishiba hứa Nhật Bản tặng hai tầu tuần tra tốc độ cao cho Indonesia.

Ý nghĩa quan trọng của sự kiện này được thủ tướng Shigeru Ishiba nhấn mạnh, « đối với Nhật Bản, đây là lần đầu tiên ». Ngoài ra, thông cáo chung Nhật Bản-Indonesia cũng cho biết hai nước « nhất trí thiết lập các cuộc tham vấn quốc phòng ở mức độ sẵn sàng hoạt động về an ninh hàng hải, bao gồm cả hợp tác kỹ thuật về thiết bị quốc phòng ».

Trước chuyến công du của thủ tướng Ishiba, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đã được đồng cấp Indonesia tiếp đón và thảo luận về hợp tác an ninh song phương. Chủ trương này cũng được ngoại trưởng Indonesia Sugiono nhấn mạnh với báo giới ngày 10/01 rằng Indonesia có kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng hiện tại và giải quyết các vấn đề chủ quyền chiến lược, tập trung vào an ninh hàng hải, an toàn hàng hải và nghề cá.

Trước khi đến Indonesia, thủ tướng Nhật Bản đã công du Malaysia và gặp đồng nhiệm Anwar Ibrahim tại Kuala Lumpur ngày 10/01. Theo Kyodo News, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường quan quan hệ đối tác « chiến lược » trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á và trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh khu vực dựa trên luật pháp, đạt được hòa bình ở biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như Trung Đông, xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ.

Cùng lúc với chuyến công du của thủ tướng Shigeru Ishiba, đại sứ Nhật Bản tại Philippines cũng kêu gọi Tokyo và Manila « tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng ». Phát biểu tại diễn đàn ADRI Stratbase ở thành phố Makati ngày 10/01, ông Endo Kazuya lưu ý một số vấn đề cấp bách, bao gồm việc Trung Quốc mở rộng quân sự ở Biển Đông, được ông nhấn mạnh là « điểm nóng » căng thẳng dai dẳng trong khu vực. Năm 2024, Philippines đã phê chuẩn một thỏa thuận quốc phòng với Nhật Bản.

Ông Masayuki Masuda, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia ở Tokyo, được báo mạng South China Morning Post trích dẫn, nhận định : « Trong hai hoặc ba năm qua, theo chiến lược do (cựu) thủ tướng Fumio Kishida vạch ra, Nhật Bản đã nỗ lực củng cố liên minh với các quốc gia có cùng chí hướng, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Nam Á, để tạo ra một liên minh chống lại tiềm lực ngày càng tăng của Trung Quốc ».

Đức cứu một tàu nghi chở dầu Nga gặp nạn ở biển Baltic để tránh thủy triều đen
Ngày 11/01/2025, Đức đang cố lai dắt tàu chở dầu Eventin bị nghi thuộc « hạm đội ma » chở dầu Nga gặp nạn để tránh thủy triều đen ở biển Baltic. Con tàu chở 99.000 tấn dầu gặp « khó khăn » và hỏng động cơ sau khi bị mất điện trong đêm 09-10/01.


Tàu chở dầu Eventin ngoài khơi đảo Rügen đang được các tàu cứu hộ Đức lai dắt vào nơi an toàn, ngày 10/01/2025. AP - Stefan Sauer
Thu Hằng
Theo trung tâm chỉ huy Đức về các trường hợp khẩn cấp trên biển, tàu Eventin dài 274 mét, mang cờ Panama với 24 thủy thủ đoàn, bị trôi dạt « với tốc độ chậm, không vận hành được, trong một thời gian ở vùng ven biển của biển Baltic » và chỉ « cách phía bắc hòn đảo du lịch Rügen 14 km ». Ba tàu kéo đã được huy động để cố đưa tàu bị nạn ra khỏi bờ biển, hướng về phía mũi Arkona, được đánh giá « an toàn hơn ». Con tàu mất 8 tiếng để đi được 25 km đến mũi Arkona vào sáng 11/01.

Theo AFP, điểm đến của tàu Eventin là cảng Said ở Ai Cập. Con tàu này đã nhiều lần bị tổ chức phi chính phủ Greenpeace lưu ý là « tàu chở dầu nguy hiểm » do có « nhiều lỗi kỹ thuật ». Còn tàu cũng nằm trong danh sách 192 « tàu chở dầu nguy hiểm nhất » được tổ chức bảo vệ môi trường thống kê.

Trong một thông cáo, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lên án Nga « gây nguy hiểm » cho an ninh của châu Âu, « không chỉ với cuộc xâm lược Ukraina » mà « còn với những con tàu chở dầu hoen gỉ ». Thilo Maack, một nhà sinh vật học biển của Greenpeace, cáo buộc « các tàu của hạm đội ma Nga đe dọa bờ biển Baltic hàng ngày ».

Nga cũng đang phải đối phó với thủy triều đen sau khi hai tàu chở dầu gặp nạn từ tháng 12/2024 ở Hắc Hải, giữa Nga và bán đảo Crimée bị Matxcơva sáp nhập. Ngày 10/01, chính quyền Nga thông báo phát hiện thêm một lỗ hổng rò rỉ dầu mazut khác trên một trong hai con tàu.

Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, số lượng tàu chở dầu có chủ sở hữu không rõ ràng hoặc không có bảo hiểm thích hợp đã tăng vọt, giúp Nga xây dựng một « đội tàu ma » để xuất khẩu dầu bất chấp các lệnh trừng phạt. Liên Hiệp Châu Âu đã trừng phạt gần 80 tàu trong số này.

Căng thẳng ngoại giao Paris-Alger sau khi Algérie từ chối nhận công dân bị Pháp trục xuất

Một người Algérie có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã bị chính quyền Pháp trục xuất về nước nhưng đất nước nguyên quán của đối tượng từ chối cho nhập cảnh và phải quay lại Pháp. Sự cố ngày 10/01/2025 đã khiến quan hệ ngoại giao song phương vốn đã căng thẳng trở nên trầm trọng hơn. Paris lên án hành động « làm nhục » và không loại trừ khả năng « đáp trả ».


Bộ trưởng Nội Vụ Pháp trả lời báo chí về vụ Alger từ chối nhận đối tượng có ảnh hưởng người Algerie bị Pháp trục xuất. Nante, ngày 10/01/2025. AFP - LOIC VENANCE
Thu Hằng
Doualemn, người có ảnh hưởng 59 tuổi, bị bắt ở Montpellier, miền nam Pháp, sau khi đăng video trên TikTok « kích động phạm tội ». TikToker này nằm trong số 3 người Algérie và một phụ nữ song tịch Pháp-Algérie mới bị bắt vì đăng lên mạng xã hội những nội dung gây thù hận với Pháp, xúi giục « thiêu sống, giết và hãm hiếp », kêu gọi các hành động bạo lực, chủ yếu nhắm vào những người phản đối chế độ Algérie.

Doualemn bị đưa lên máy bay chiều 09/01 đến Alger nhưng tối cùng ngày đã bị trả lại Pháp vì « chính quyền Algérie không muốn để người này nhập cảnh vào lãnh thổ », điều này « hoàn toàn trái ngược với quy định », theo phát biểu của bộ trưởng Nội Vụ Pháp Bruno Retailleau. Ông cho cho rằng quan hệ giữa Pháp và Algérie « đã đến ngưỡng cực kỳ lo ngại ». Theo ông, « Pháp không thể chịu tình hình này » và cần phải « đánh giá mọi biện pháp đang có liên quan đến Algérie » để « bảo vệ lợi ích ».

Trả lời đài truyền hình LCI ngày 10/01, ngoại trưởng Jean-Noël Barrot cho rằng nếu « chính quyền Algérie tiếp tục leo thang cẳng thẳng », Pháp sẽ không có « khả năng khác ngoài việc đáp trả », có thể là thị thực, hỗ trợ phát triển hoặc một số chủ đề hợp tác… Về phần mình, cựu thủ tướng Gabriel Attal, chủ tịch nhóm Ensemble pour la République (Đồng hành vì nền Cộng hòa) ở Hạ Viện, kêu gọi lên án thỏa thuận Pháp-Algérie năm 1968, để « xác định giới hạn và đảm bảo sự cân bằng quyền lực với Algérie ».

Theo AFP, năm 2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực « hòa giải » với Algérie về « vấn đề quá khứ thuộc địa » vốn là những chủ đề gây căng thẳng cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng trở lại sau khi vào tháng 07/2024, Pháp ủng hộ lập trường của Maroc về chủ quyền vùng Tây Sahara, khu vực bị tranh chấp từ nửa thế kỷ giữa Maroc và lực lượng ly khai Mặt trận Polisario được Algérie hậu thuẫn.

Năm năm sau đại dịch Covid-19, vết thương ở Vũ Hán vẫn chưa lành

Ngày 11/01 này đánh dấu đúng 5 năm chính quyền Bắc Kinh chính thức thông báo ca tử vong đầu tiên tại Vũ Hán vì Covid-19, khi đó được gọi là virus corona lạ, trước khu bùng lên thành đại dịch toàn cầu. Ở Trung Quốc, không hề có nơi nào muốn nhắc đến kỷ niệm đau thương này, nhưng tại thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, vết thương của trận dịch kinh hoàng vẫn còn chưa lành.


Hình minh họa: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 một người dân tại Vũ Hán, ngày 05/08/2021, nơi khởi phát đại dịch. AP
Anh Vũ
Thông tín viên RFI, Cléa Broadhurst tại Vũ Hán ghi nhận :

Gần một bệnh viện dã chiến cũ ở ngoại ô thành phố, hoàn toàn vắng tanh... Các khu nhà bị bỏ hoang sau hàng rào ngăn không cho vào. Tài xế taxi của chúng tôi tên Đường, nghẹn giọng khi kể lại về cuộc sống trước đây.

« Ở Vũ Hán khi đó nếu một người bị nhiễm dịch là thường cả gia đình bị dính theo. Nếu ai đó bị chết thì, hầu hết cả gia đình cũng đi theo. Khi người ta thấy tin tức trên mạng xã hội, mọi người đều hoang mang lo sợ. Người ta nhận được những tin nhắn, rồi nghe thấy những tiếng còi xe cấp cứu. Dần dần nỗi sợ hãi bao trùm vì người ta không thể chạy đi được. Ba năm đó thực sự khó trải qua. »

Bị chắn bằng những tấm bảng xanh lớn, khu chợ nổi tiếng của Vũ Hán xưa kia vẫn chưa hề mở cửa trở lại. Giống như nhiều khu thương mại khác bị khốn đốn vì đại dịch và không thể nào hồi phục được. Một người đàn ông khác cho biết :

« Tiền kiếm được trong mười năm bị mất sạch trong ba năm. Thực tế là như thế. Toàn bộ kinh tế của Vũ Hán bị đổ sụp. Trước đây tôi kiếm được 1000 nhân dân tệ mỗi ngày, giờ mỗi ngày chỉ được 400 nhân dân tệ. Nhiều công ty phá sản. Nhiều cửa hàng, nhất là ở trong các góc phố, đóng cửa hết. »

Năm năm sau, nỗi đắng cay vẫn còn hiển hiện, nhưng mọi người giờ đây muốn hướng về phía trước. Như ở đây người ta vẫn nói, cuối cùng nước đã chảy qua cầu.

Ông Putin sẵn sàng gặp ông Trump “vô điều kiện


Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, tuyên bố rằng Nga hoan nghênh ý định gặp gỡ của ông Trump để giải quyết những vấn đề gây căng thẳng giữa hai nước thông qua con đường đối thoại.

Được biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vô điều kiện. Để tổ chức cuộc gặp như vậy cần mong muốn và ý chí chính trị của hai bên đối thoại và giải quyết các vấn đề tồn tại thông qua đối thoại. Đây là tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tại cuộc họp báo ngày 10/1.

Ông Peskov cho biết Moskva hoan nghênh ý định của ông Trump giải quyết những vấn đề gây căng thẳng giữa hai nước thông qua đối thoại.

Dẫu vậy, ông lưu ý hiện trong các tuyên bố của ông Trump về gặp gỡ, tiếp xúc chưa có gì cụ thể và có lẽ sau khi ông Trump chính thức vào Nhà Trắng sẽ có các động thái cụ thể.

Về tình hình cuộc xung đột tại Ukraine, ông Peskov nhấn mạnh rằng Nga duy trì lập trường nhất quán và rõ ràng đã được Tổng thống Putin nhiều lần đưa ra và phải dựa trên tình hình thực địa. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố muốn gặp nhà lãnh đạo Nga trong nửa năm đầu nhiệm kỳ của mình và sẵn sàng cho các cuộc tiếp xúc.

NATO thay Mỹ phụ trách phòng không ở Ba Lan


NATO thay Mỹ phụ trách phòng không ở Ba Lan chỉ vài ngày trước khi ông Donald Trump, tổng thống đắc cử, nhậm chức, phát ngôn viên NATO loan báo, theo CNN hôm Thứ Năm, 9 Tháng Giêng.

Vụ này xảy ra giữa lúc người ta đang thắc mắc chính sách của chính quyền Mỹ sắp tới đối với NATO và Ukraine như thế nào.

NATO đảm nhận quyền chỉ huy và kiểm soát của Mỹ hôm Thứ Năm, và sẽ giúp bảo vệ những căn cứ hậu cần ở Ba Lan cần thiết để tiếp tục viện trợ cho Ukraine chống Nga xâm lăng, ông Martin O’Donnell, phát ngôn viên NATO, cho hay.

Đây là một phần của công việc lớn hơn, diễn ra mấy tháng nay, về việc chuyển gánh nặng hỗ trợ Ukraine từ Mỹ sang các quốc gia Âu Châu, trong bối cảnh NATO không biết Mỹ có tiếp tục viện trợ Ukraine dưới thời chính quyền ông Trump hay không.

Thời gian qua, NATO đã chuẩn bị cho trường hợp Mỹ giảm viện trợ Ukraine trong năm tới. Tổng Thống Đắc Cử Trump từng hoài nghi giá trị của việc viện trợ Ukraine cũng như cam kết của Mỹ đối với NATO. Và mặc dù tuyên bố muốn kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, ông Trump chưa nói chính quyền của ông tiếp tục quân viện Ukraine hay không.

Trong khi đó, chính quyền Tổng Thống Joe Biden cố gắng xây dựng vị thế càng vững mạnh càng tốt cho Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức, cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán.

Hôm Thứ Năm, Mỹ công bố quân viện Ukraine thêm $500 triệu. Đây có lẽ là đợt quân viện cuối cùng của chính quyền sắp mãn nhiệm
Quân đội Mỹ cần phải lưu lại Syria để chống nhóm Nhà Nước Hồi Giáo

– Hoa Kỳ cần tiếp tục bố trí quân đội ở Syria để ngăn chặn nhóm Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) quay trở lại thành một mối đe dọa lớn sau khi chính phủ Bashar al-Assad bị lật đổ, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin nói với thông tấn xã AP hôm Thứ Tư, 8 Tháng Giêng.

Lực lượng Mỹ vẫn còn cần thiết tại Syria, đặc biệt là để bảo đảm an ninh cho các trại giam giữ hàng chục ngàn chiến binh ISIS cùng gia đình họ, Bộ Trưởng Austin cho biết hôm Thứ Tư trong cuộc phỏng vấn được coi như cuối cùng trước khi ông rời nhiệm sở.

Theo ước tính, có tới từ 8,000 đến 10,000 chiến binh ISIS trong các trại tù, và ít nhất cũng có tới 2,000 người trong số họ được coi là hết sức nguy hiểm.

Nếu Syria không được bảo vệ thì, vẫn theo lời ông Austin nói tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, nơi ông đến để thảo luận về viện trợ quân sự cho Ukraine với khoảng 50 quốc gia khác: “Tôi nghĩ các chiến binh ISIS sẽ quay lại khuynh hướng cũ.”

“Tôi cho rằng chúng ta vẫn còn một số việc phải làm để tiếp tục giữ bàn chân mình đè trên cổ họng của quân ISIS,” ông Austin nói tiếp.

Tổng Thống tân cử Donald Trump đã cố gắng rút tất cả các lực lượng khỏi Syria vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, và điều này khiến cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis không đồng ý rồi xin từ chức. Khi nhóm Hayat Tahrir al-Sham, hay HTS, tiến lên chống lại chế độ Assad tại Damascus vào tháng trước, ông Trump đã tuyên bố trên mạng xã hội rằng quân đội Mỹ cần phải tránh xa cuộc xung đột tại Syria.

Hoa Kỳ từng có khoảng 2,000 chiến binh ở Syria để chống lại quân ISIS. Theo lời các giới chức thì đây là mức gia tăng đáng kể so với lực lượng 900 người từ nhiều năm trước đó. Họ được gởi đến vùng hoạt động hiện nay vào năm 2015 sau khi nhóm chiến binh Mỹ đánh chiếm được một vùng rộng lớn tại Syria.

Người ta khởi sự đặt câu hỏi về sự hiện diện liên tục của quân đội Mỹ tại Syria sau khi một cuộc nổi dậy chớp nhoáng đã lật đổ chính quyền Assad vào ngày 8 Tháng Mười Hai, chấm dứt sự cai trị kéo dài hàng thập niên của dòng tộc này trên đất nước Syria.

Các lực lượng Mỹ đã cộng tác với Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo trong các hoạt động chống ISIS, cung cấp vỏ bọc cho nhóm võ trang mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhánh của Đảng Công Nhân Người Kurd (PKK), một tổ chức bị Ankara liệt vào hàng quân khủng bố.

“Lực Lượng Dân Chủ Syria từng là các đối tác tốt. Vào một thời điểm nào đó, SDF rất có thể sẽ được sáp nhập vào quân đội Syria, và sau đó Syria sẽ nắm quyền tại tất cả các trại giam giữ quân ISIS và có triển vọng sẽ kiểm soát được bọn họ,” vẫn theo lời ông Austin. “Nhưng vào lúc này tôi nghĩ chúng ta phải bảo vệ lợi ích của mình ở nơi đó.”

Nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela bị bắt giữ rồi được thả ngay

Nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela, María Corina Machado, bị giam giữ trong thời gian ngắn hôm Thứ Năm, 9 Tháng Giêng, sau khi lực lượng an ninh chặn đoàn xe chở bà rời khỏi vòng vây một cuộc biểu tình chống chính phủ tại Caracas, theo CBS.

Vào thời điểm diễn ra cuộc biểu tình, nhà lãnh đạo phe đối lập lái một chiếc xe gắn máy thì bỗng có tiếng súng vang lên nên bà đành dạt vào lề đường sau đó bị áp giải đi nơi khác, theo các nhân viên dưới quyền Machado.

Trong thời gian bị giam giữ, bà bị ép quay một số đoạn phim rồi mới được thả ra.

Tổng Thống đắc cử Edmundo González Urrutia thoái thác vụ bắt cóc trên X rằng: “Thật là kinh tởm! Việc María Corina được trả tự do không hề che mắt được thiên hạ, bà ấy vừa bị bắt cóc bằng bạo lực.”
Trước đó cùng ngày, Machado tái xuất sau nhiều tháng sống ẩn dật nhằm dẫn dắt các cuộc biểu tình chống lại chính phủ của Nicolás Maduro.

Phát biểu trước đông đảo người biểu tình trước khi bị bắt giữ, bà tuyên bố: “Họ muốn chúng ta đấu đá với nhau, nhưng Venezuela đoàn kết, chúng ta không được phép run sợ.”
Vụ bắt giữ manh động làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp Châu Mỹ Latin, xuất hiện hàng loạt lời kêu gọi yêu cầu chịu trách nhiệm.

Cựu Tổng Thống Colombia Álvaro Uribe từng đặt ra câu hỏi rằng liệu Liên Hiệp Quốc có hành động để bảo vệ Machado hay không còn hiện thời chính phủ do Maduro dẫn đầu vẫn chưa đưa ra bình luận.
Hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra trên toàn thế giới trước thềm lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba đầy tranh cãi khi Maduro tuyên bố thắng cử.
Machado và các tổ chức đối lập đồng lòng bác bỏ kết quả bầu cử, đưa ra bằng chứng cho thấy Edmundo González mới là ứng cử viên giành chiến thắng áp đảo.

Tối Thứ Năm, Machado tuyên bố trên mạng xã hội, “Hôm nay, Những Người Dân Quả Cảm đã cho thấy cách giẫm lên nỗi sợ hãi! Tôi vô cùng tự hào hơn khi được làm con dân Venezuela. Xin cảm ơn, xin cảm tạ tất cả quý vị vì đã xuống đường để tuyên bố và đòi lại chiến thắng của chúng ta vào ngày 28 Tháng Bảy!”

Không có nhận xét nào: