(Để nhớ một mùa xuân trong những tháng ngày tị nạn) Vũ biết như vậy là không phải, nhưng cứ mỗi lần Nhân và Giang đi vắng thì bất giác chàng lại nhìn vào cái lỗ nhỏ xíu trên vách thông qua nhà cô Hoàng Mai. Rồi không biết tự bao giờ chàng đã ngồi sát bên vách, say mê nhìn quang cảnh đầm ấm của gia đình cô. Vũ khám phá cái lỗ trên vách đó chừng hai tháng nay. Chàng cứ loanh quanh tự biện hộ cho hành vi “bất hợp pháp” của mình. Thứ nhất là cái lỗ đó xuyên qua “phòng khách” của nhà cô Hoàng Mai, nghĩa là gian trước chứ không phải gian phía sau, nơi gia đình cô dùng làm “phòng ngủ” trong căn nhà vách tranh, nền xi măng của người tị nạn ở trại Palawan này.
<!>
Chàng biết rõ mình không có ý gì gian tà với cô Hoàng Mai, bởi vì ngày ngày chàng vẫn hồi hộp đợi thư của vợ chưa cưới từ Việt Nam gởi sang. Lý do thứ hai là chàng nhìn qua nhà cô để thích thú được hòa mình vào cuộc sống nhỏ bé nhưng đầy sinh khí của một gia đình, bao gồm ba má cô và cậu em trai tên Thắng. Nhưng dù vậy Vũ cũng cứ bứt rứt hoài, và vẫn cứ nhìn qua cái khe hở ấy, từ bao giờ nó đã trở thành thói quen của chàng trong những đêm dài chán chường của đời tị nạn.
Nhưng có lẽ Vũ cũng có một phần lỗi đối với vợ chưa cưới của mình, tội có chút xíu thôi, là chàng thấy cô Hoàng Mai đẹp lắm. Gương mặt cô sáng rỡ, đúng là mặt hoa da phấn. Cái nắng cháy của xứ Phi Luật Tân này dường như không ảnh hưởng gì đến cô. Giữa đám người tị nạn lầm than, đen đủi, cô như một đóa hoa nở bừng, phơi phới. Trên gương mặt cô, các đường nét đều hài hòa với nhau, như thể tạo hóa đã dùng cô để làm ví dụ cho nhan sắc. Vũ vốn dốt văn chương, chàng không biết phải ví von cặp mắt đen láy của cô Hoàng Mai với cái gì, hay cái mũi thon thon, cặp môi mong mỏng của cô đẹp ra sao, nhưng hễ nhìn vào gương mặt của cô là chàng lại muốn… làm thơ, mặc dầu cả đời chàng chưa từng dệt được một câu thơ nào cả!
Cô Hoàng Mai đẹp, nhưng cô không kiêu. Đàn ông, thanh niên trong trại, dù cà rỡn hay đứng đắn với cô, cũng đều được cô đáp trả một cách dịu dàng, đoan trang, nên người ta mến cô vì cả sắc đẹp lẫn tính tình. Bọn thanh niên bầu cô làm “hoa hậu tị nạn” đã mấy năm liền mà tước vị đó vẫn chưa lọt vào tay ai khác. Tuy nhiên cô không lấy đó làm vui, vì giữ chức hoa hậu càng lâu thì cuộc đời cô càng héo úa ở mảnh đất khô cằn này mà thôi. Nói theo tiếng lóng của dân tị nạn, thì cô và gia đình cô “trồng dừa” ở hòn đảo Palawan ngót nghét đã ba năm rồi. Chỉ còn vài ngày nữa là lại Tết. Chưa bao giờ cô Hoàng Mai lại sợ Tết đến như vậy. Tết đến đối với cô chỉ là cái mốc khắc nghiệt đánh dấu những ngày tháng mòn mỏi ở trại tị nạn, ghi thêm tuổi đời đang len lén chất chồng lên nụ cười, ánh mắt, và đánh dấu luôn những mỏi mòn của niềm hy vọng leo lét, chập chờn chỉ chực tắt.
Vũ là hàng xóm gần nhất của cô Mai nên chàng tự cho mình cái vinh hạnh được cô đối đãi có phần đặc biệt hơn mọi người. Vũ tới trại mới có năm tháng. Đêm đầu tiên, khi chàng cùng Nhân và Giang đang lớ quớ đi tìm số nhà do Cao ủy cấp, may sao gặp cô Hoàng Mai cầm cây đèn dầu chỉ lối, mở cánh cửa vào nhà tối om, ẩm thấp. Ba chàng tị nạn độc thân, bỏ nước ra đi chỉ có một bộ đồ dính trên thân thể phó mặc cho sóng nước Thái Bình Dương đưa đẩy. Thoát được cơn thủy nạn, ai cũng giật mình thấy đã trắng tay. Cao ủy chưa kịp phát mùng mền đêm đầu. Cô Hoàng Mai mau mắn cho ba chàng thanh niên mượn những thứ cần thiết, cả cây đèn dầu gần cạn, leo lét hắt ra những hình thù ma quái, chập chờn nhảy múa trên vách tranh.
Những lúc sắp thùng để lấy nước về tắm giặt, nấu ăn, Vũ cũng được vinh hạnh làm hàng xóm của cô Hoàng Mai. Hai thằng Nhân và Giang không hiểu sao càng ngày Vũ càng siêng đi hứng nước chứ không nạnh hẹ với hai đứa như trước. Lâu dần rồi chúng cũng khám phá ra nguyên nhân. Thằng Nhân làm mặt nghiêm:
– Ê Vũ, địa chỉ của vợ chưa cưới của mày ở Việt Nam đâu, đưa tao gởi báo cáo mới nhất về cho bả biết!
Vũ cũng nghiêm mặt lại:
– Mày đừng có giỡn mặt! Cô Hoàng Mai có vị hôn phu ở Mỹ rồi đó nghe. Nói tầm bậy đến tai cổ thì phiền đa!
Thằng Giang cười hô hố:
– Nè, có giấy tờ hôn thú đàng hoàng còn chưa ăn thua gì, huống chi bên nào cũng còn độc thân tại chỗ, có sao đâu!
Vũ phải làm bộ nổi cộc lên hai thằng quỷ sứ mới tha cho chàng. May là cuộc đối thoại diễn ra ở quán nước đầu ngõ, chứ không cô Hoàng Mai nghe được thì rầy rà lắm. Hình như cô cũng có cảm tình đặc biệt với Vũ, hay là chàng giàu tưởng tượng cũng nên. Cô thích chuyện trò với Vũ lắm. Và nhờ vậy, những giờ phút dài dằng dặc chờ lấy nước đã trở thành thật thú vị đối với Vũ. Lắm lúc Vũ thấy tiu nghỉu khi đến phiên mình lấy nước, phải chấm dứt cuộc nói chuyện đang hồi vui vẻ.
Nói cho ngay, đâu phải hễ trai gái sán lại chuyện trò là có chuyện gió trăng. Giữa cô Hoàng Mai và Vũ không hề có chuyện gì sai trái để mỗi bên phải cảm thấy có lỗi với ý trung nhân của mình. Những câu chuyện mới đầu chỉ xoay quanh những buồn vui đời tị nạn, rồi dần dần đi tới tâm sự riêng tư, và sau rốt là những cảm thông, chia vui xẻ buồn.
Mấy hôm đầu, Vũ nhớ cô Hoàng Mai có hỏi:
– Anh Vũ có diện gì để hy vọng được định cư hay không? Gia đình Mai thuộc diện công chức nên tương lai mờ mịt lắm. Lại đến trại sau ngày có chính sách mới, nên chẳng biết đi về đâu. Làm dân “lông tay dơ” hoài chán quá!
Vũ giật mình đánh thót. Chàng bất giác liếc nhìn hai cánh tay để trần của cô gái. Tay cô trắng trẻo, mịn màng, phủ một lớp lông tơ phơn phớt, lẽ nào lại…!
Cô Hoàng Mai đoán được ý nghĩ của Vũ, cười ngặt nghẽo:
– Mai đọc trại chữ long stayer, nghĩa là người ở lâu trong trại đó mà! Người Việt mình ngộ lắm, tiếng tây tiếng u cũng Việt hóa để đọc cho dễ. Hồi mới tới trại, bà con hỏi Mai đã có ai gởi “bông- xô” qua chưa, Mai cứ đực mặt ra. Sau này mới biết đó là giấy của người sponsor gởi qua để bảo lãnh cho mình.
Vũ tủm tỉm cười theo:
– Vậy tôi phải từ từ học hết cho kho ngữ vựng mới mẻ đó há. Chắc phải soạn một cuốn “từ điển thuật ngữ tị nạn” để phát cho người mới tới, phải không cô?
Không biết cô Hoàng Mai có giận Vũ nếu biết được chàng đêm đêm vẫn nhìn lén qua nhà cô không. Vũ cảm thấy có lỗi nhưng chàng đã “nghiện” cảnh đầm ấm của gia đình cô từ hồi nào không biết, mặc dù cái cảnh đầm ấm đó lâu lâu cũng bị trục trặc, chung quy cũng vì chuyện định cư mà ra.
Một hôm nọ, Vũ nghe ông bố hỏi cô:
– Tết nhất tới nơi rồi, ai người ta cũng nhận money order của thân nhân để ăn Tết, còn thằng Hoàng sao không thấy tăm hơi gì cả?
Cô Hoàng Mai chưa kịp trả lời thì mẹ cô đã tiếp theo:
– In hình như hai tháng nay nó không thơ từ gì cho con hết phải không?
Cô Mai rụt rè:
– Chắc cuối năm ảnh bận thi cử lu bu, rồi còn phải đi làm nữa.
Thắng chen vào:
– Em nghi ảnh có vợ khác quá chị Mai à! Đàn ông mà!
Cô Mai háy em:
– Mày rành đàn ông dữ há! Đừng có châm dầu vô lửa nghen!
Ông bố nổi nóng:
– Ai làm cái gì mà mày nói dầu với lửa? Coi chừng rồi nó rút tên bảo lãnh ra thì cả nhà này rục xương ở đây!
– Tại mình chứ đâu phải tại ảnh! Cô Mai bắt đầu rớt nước mắt. Con đã nói với ba rồi, cái diện công chức của ba nó làm chậm trễ giấy tờ nhiều lắm!
Ông bố càng giận:
– Ái chà, ra vậy nữa? Sao hồi đó mày không đi lính cho tao nhờ?
Bà mẹ từ tốn can:
– Thôi mà ông, có la con thì cũng phải có lý có lẽ một chút chớ!
Ông bố nói luôn một hơi:
– Dẹp, dẹp! Không có đi định cư định kiết gì ráo! Mai tao lên Cao ủy điền đơn xin hồi hương.
Cô Mai chùi nước mắt:
– Ba làm vậy là ba sụp bẫy mấy người trên Cao ủy rồi đó. Họ cố tình gây khó khăn để mình nản lòng mà xin về. Con chỉ nói một cách khách quan là cái diện của gia đình mình yếu lắm, chớ không phải tại anh Hoàng không hết lòng bảo lãnh cho mình đâu!
Buổi tối bên nhà cô Hoàng Mai chấm dứt một cách nặng nề. Vũ cũng buồn lây. Gian nhà nhỏ xíu mà sao chàng cảm thấy rộng mênh mông. Nhân và Giang đi chơi khuya trong trại chưa về. Vũ châm một điếu thuốc, mở thơ của Trâm ra đọc dưới ánh đèn dầu. Tờ thư chàng đã đọc tới đọc lui nhiều lần, nhàu nát và cũ kỹ. Những lời thương nhớ, trách móc, kể lể cảnh khổ ở quê nhà. Ở đây có hơn gì đâu! Vũ cười nửa miệng, rít một hơi thuốc dài. Ánh lửa lóe lên trong gian phòng tù mù ánh đèn dầu. Bên ngoài thỉnh thoảng có tiếng chân người, tiếng nói cười của người qua lại. Vũ thiếp dần vào giấc ngủ. Trong mơ chàng thấy mình bị cưỡng bách hồi hương. Quê nhà đang vào xuân. Xác pháo đầy đường, nhưng không gian tuyệt nhiên không vang một tiếng pháo. Về tới nhà cũ, Vũ chỉ thấy một bãi đất hoang. Không còn gì. Không còn ai ở đó hết. Vũ chạy quanh trong thành phố, hãi hùng. Tất cả những khuôn mặt Vũ gặp đều xa lạ, nhìn Vũ cười một cách độc ác. Chàng giật mình thức giấc. Đêm vẫn chưa sâu. Nhân và Giang vẫn chưa về. Vũ đưa tay quẹt hai giọt nước mắt còn ấm trên má.
o O o
Tối nay bên nhà cô Hoàng Mai đã vui trở lại. Qua cái lỗ nhỏ xíu, Vũ thấy Thắng đang bận rộn kê một cành mai vào giữa nhà. Nói là cành mai cho… sang, cho đỡ nhớ nhà, chứ thật ra đó chỉ là một cành cây khô có hình dạng như một cành mai mà Vũ nghe đâu Thắng đã cùng lũ trẻ đi chặt trong rừng về. Bên cạnh Thắng lăng xăng đóng chân cho cái gốc mai, cô Hoàng Mai khoan thai, từ tốn cắt dán những bông mai bằng giấy báo cũ. Cô làm thật khéo. Những bông mai xinh xắn từ đôi bàn tay cô dần dà đã thành hình và được phết hồ vào mặt trái rồi dán lên những nhánh của cây mai đã đứng vững giữa nhà. Chẳng mấy chốc cây mai Tết đã hoàn tất. Vũ ngồi xem mê mẩn quên cả thở. Ở trại đã lâu, lại có đồ tiếp tế từ Mỹ, “phòng khách” nhà cô Hoàng Mai ngó cũng khang trang lắm. Bà mẹ mấy hôm nay sửa soạn bánh trái, bày biện trên bàn thờ nhỏ, có cả trà nước, trông cũng ra Tết lắm. Ngoài bình trà và mấy cái tách, lại có thêm hộp mứt thập cẩm, xanh xanh đỏ đỏ. Bà còn gói cả bánh tét nữa.
Bất giác Vũ thở dài. Không dưng dạo này chàng sợ ánh đèn nê-ông một cách lạ lùng. Đêm tới, cứ chờ cho Nhân, Giang học bài xong, kéo nhau đi chơi là Vũ tắt ngay ngọn đèn trắng dã. Chàng châm cây đèn dầu lên. Lũ muỗi bắt đầu vo ve hoạt động. Vũ thích cái cảm giác yên lặng ngồi trong bóng tối lúc nào không biết. Để từ vùng tối mờ ảo đó, chàng nhìn qua căn nhà tràn ngập ánh sáng của cô Hoàng Mai, như nhìn vào một thế giới vừa kề cận vừa xa xôi. Chàng muốn quên đi chính mình, để vui buồn với cái thế giới nhỏ bên nhà cô Mai, cũng chẳng hiểu tại sao nữa.
Trong khi cô Hoàng Mai khoan khoái ngắm nghía tác phẩm đón xuân của mình, Thắng liến thoắng nói:
– Đẹp quá! Y như thiệt phải hôn chị? Em lựa cây nghề quá hén!
Cô Hoàng Mai cự em:
– Nè, không có bông mai của tui thì đố ai biết cây này là cây mai đó nghe, đừng có nói tướng!
Rồi cô tặc lưỡi:
– Uổng quá há Thắng? Phải chi có vài cái thiệp treo lên nữa thì đẹp biết mấy!
Thắng gật gù:
– Đúng đó chị. Nhưng lo gì, nay mai anh Hoàng gởi qua thì chị treo lên mấy hồi!
Vũ thấy cô Mai không trả lời em, mà lại thở dài. Bà mẹ cô từ sau nhà bước lên trên tay có hai đòn bánh tét nói nho nhỏ gì đó với cô. Cô Hoàng Mai chợt hướng về phía nhà Vũ, cao giọng:
– Anh Vũ, anh Nhân, anh Giang, có ai ở bên đó không?
Vũ giật mình. Chàng ngỡ như cô có mắt thần thông ngó thấy chàng đang ngồi thu lu nhìn trộm qua nhà cô. Chàng định thần lại, lui về phía sau, “điều chỉnh âm thanh” cho thật tự nhiên, rồi hắng giọng trả lời:
– Có tôi ở nhà nè cô Mai. Có chuyện chi vậy cô?
Giọng cô Mai trong trẻo:
– Mai qua nhà anh có chút chuyện được không?
Vũ tủm tỉm cười trong bóng tối:
– Được chứ cô Mai. Mời cô qua chơi.
Cô Hoàng Mai cầm hai đòn bánh tét qua. Vũ vờ ngạc nhiên:
– Trời đất, bày đặt quá vậy cô Mai! Sao không để bên đó dùng?
Cô Mai nhẹ nhàng nói:
– Má Mai nói mang qua cho mấy anh ăn Tết. Nhà toàn đàn ông không cũng đơn chiếc quá!
Vũ vội vàng nói:
– Cám ơn cô nhiều. Nhà tối quá. Cô đợi tí để tôi mở đèn lên nói chuyện.
Cô Mai khoát tay:
– Thôi cứ để đèn dầu đi anh Vũ, Mai thích hơn.
Cô ngồi xuống ghế. Ánh lửa hắt lên một nửa gương mặt cô, lung linh. Trông cô liêu trai một cách lạnh lùng. Bây giờ cô không còn vẻ hớn hở như lúc ngắm cành mai nữa, mà buồn một cách dịu dàng, trầm mặc. Vũ thấy không khí có vẻ nặng nề, bất giác chàng thẫn thờ buông một câu:
– Tối mai là đón giao thừa rồi, nhanh quá phải không cô Mai?
Cô Hoàng Mai gật nhẹ:
– Ngày mai cũng là ngày lãnh thư lần cuối trong tháng nữa. Gần đây anh có nhận được thư nhà không?
Vũ gật:
– Cách đây hai tuần. Không biết ngày mai tôi có lá thư nào nữa không. Còn cô chắc đợi thư anh Hoàng dữ lắm phải không?
Cô Mai cười buồn:
– Dữ thì cũng chẳng dữ gì. Mai chỉ muốn cho ba Mai đừng rầy rà này nọ. Riêng phần Mai thì Mai nghĩ là người ta có muốn liên lạc nữa hay không là quyền của người ta, mình có muốn cũng không được.
Vũ làm thinh. Chàng chẳng biết an ủi cô thế nào nữa. Cô Mai chợt hỏi:
– Còn anh có hy vọng đậu thanh lọc không?
Vũ phì cười:
– Đậu với rớt gì hả cô! Nè, đó là một chữ hay trong quyển “tự điển tị nạn” đó nghe. Xin lỗi cô tôi không nín cười được vì cái chữ “đậu” mà đồng bào mình dùng nghe vừa khôi hài, vừa tội nghiệp quá. Muốn làm người tị nạn thôi mà cũng khó khăn quá, y như phải thi với cử. Hồi xưa tôi đi lính, bằng chứng vỏn vẹn có một tấm hình đen trắng mặc bộ trây-di. Cao ủy chưa muốn tin vì họ nói tôi có thể nhờ ghép hình được. Bữa đó tôi tức quá, nói với ông thông dịch viên nhờ họ lấy kính lúp soi chỗ cái cổ của tôi coi có dấu ráp nối gì không! Thật là một trò hề!
Câu chuyện càng lúc càng bế tắc trong vấn đề tị nạn. Cuối cùng cô Hoàng Mai chào Vũ để về nhà. Vũ nói cám ơn và mong ngày mai cô có thư, chớ tết nhất tới nơi rồi…
o O o
Tiếng loa phóng thanh vang vang mời đồng bào đi lãnh thư làm Vũ cũng nôn nao, mặc dầu chàng không hy vọng gì có thư nữa. Ban thông tin văn hóa bắt đầu đọc tên từng người theo thứ tự vần abc. Vũ nhập vào dòng người đổ về văn phòng phát thư. Chiều ba mươi Tết ở đây dĩ nhiên chẳng có vẻ gì là Tết cả. Bà con đang ồn ào chen chân nhau trước mấy tấm lưới mắt cáo để xem có tên mình trên danh sách lãnh thư hay không, trông không khác gì cảnh thí sinh xem kết quả kỳ thi. Vũ nhớ tới mấy chữ “đậu thanh lọc” của cô Hoàng Mai mà buồn cười. Cuộc đời tị nạn quả là một trường thi khổng lồ. Ở đây thí sinh phải vác lều chõng vượt qua cả một đại dương để ứng thí, ai còn may mắn sống sót thì mới mong qua được “vũ môn” thanh lọc. Vũ đứng lóng ngóng, không muốn chen vào đám đông ồn ào đó.
Nhác thấy cô Hoàng Mai đứng ở một góc, tay cầm phong thư, Vũ chợt vui lây. Chàng rảo bước về phía cô định góp vui, nhưng rồi khựng lại vì thấy gương mặt cô loang loáng nước mắt. Vũ bối rối định quay đi thì cô đã thấy anh và gọi:
– Anh Vũ!
Vũ đành phải quay lại. Chàng lúng túng hỏi:
– Có chuyện gì không vui vậy cô Mai? Phải thư của anh Hoàng đó không?
Cô Hoàng Mai cười như mếu qua làn nước mắt:
– Cũng gần như vậy. Anh đọc đi thì rõ.
Vũ ngại ngần đỡ lấy phong thư. Chàng bối rối vì thấy cô Mai tin cậy chàng quá. Trong bì thư không có một lá thư nào cả, chỉ có một tấm hình màu và một tấm ngân phiếu đề tên cô Hoàng Mai. Trong hình là một cặp vợ chồng trẻ và đứa con gái đứng trước một căn nhà thật đẹp và chiếc xe hơi mới toanh. Vũ lật mặt sau tấm hình, những dòng chữ viết tháu nhảy múa trước mắt chàng:
Cali ngày…. tháng…
Gởi cô Mai,
Xin lỗi cô vì tôi đã gởi cho cô bức hình này mà không có sự đồng ý của anh Hoàng. Lỗi của anh Hoàng là không nói cho cô biết sự thật. Ảnh đã lập gia đình, có con từ mấy năm nay. Đó là lý do tại sao anh Hoàng không thể tiếp tục bảo lãnh cô và gia đình được nữa. Tôi rất lấy làm tiếc, mong cô và gia đình may mắn trong việc tìm kiếm một người bảo lãnh khác. Xin gởi cô chút đỉnh để tiêu Tết.
Chào cô.
Vũ bàng hoàng. Người gởi không buồn xưng danh tánh. Hoàn cảnh này Vũ cũng có nghe qua vài lần, nhưng bây giờ khi chính nó xảy ra cho cô hàng xóm xinh đẹp của mình, chàng mới thật sự xúc động. Chàng rụt rè hỏi một câu thật vô duyên:
– Bây giờ cô tính sao hả cô Mai?
Gương mặt cô Hoàng Mai bây giờ không còn nước mắt nữa. Giọng cô ráo hoảnh:
– Tính cái gì nữa anh Vũ, người ta tính giùm Mai hết rồi.
Vũ băn khoăn:
– Rồi cô có định đưa cho hai bác coi cái hình này không?
Cô Hoàng Mai đỡ lấy phong thư từ tay Vũ, ánh mắt cô nhìn vô hồn vào vạt nắng chiều trên sân:
– Mai cũng không biết nữa. Để coi…, kẹt một cái là Tết nhất tới nơi rồi!
Cô thẫn thờ quay đi sau khi lẩm bẩm mấy câu chào Vũ. Chàng thọc tay vô túi, đi chầm chậm lại nhìn lên tấm lưới có tên người lãnh thư. Tên Vũ cũng có mấy người mà không có cái nào là họ của chàng. Có lẽ ở nhà hết tiền mua tem rồi cũng nên! Chàng lững thững quay về khu nhà của mình. Người ta đang tụm năm tụm ba đọc thư, chuyền tay nhau những tấm hình màu rực rỡ, có kẻ cầm tờ ngân phiếu phất phất trong gió, nhe răng cười khoái trá. Lũ trẻ lôi thùng thiếc, nồi niêu xoong chảo ra để sẵn nơi đầu ngõ, chờ đến nửa đêm sẽ thi nhau gõ thay cho tiếng pháo giao thừa. Lòng Vũ chợt rộn lên một cảm xúc lạ lùng, khó tả.
Tối hôm đó, Nhân và Giang rủ Vũ bóc bánh tét ra ăn. Vũ chạy đi mua mấy chai bia San Miguel về đưa cay. Ừ, tội gì không nhậu một chút cho quên đời! Vừa lai rai, Vũ vừa để ý lắng nghe coi bên nhà cô Hoàng Mai tình hình ra sao. Nhưng hình như có một bầu không khí im lặng nặng nề phủ trùm bên đó.
Nhậu xong, Giang và Nhân vỗ vào bụng bảo đi ngủ một chút sẽ dậy đón giao thừa. Vũ ngồi ở bậc cửa, hút thuốc và suy nghĩ lung tung. Những hình ảnh Tết cũ hiện ra trong trí chàng, lộn xộn và chồng chất lên nhau. Khu nhà chàng ở vang vang tiếng cười nói lao xao không dứt. Đêm nay dường như không có ai đi ngủ. Tiếng ca vọng cổ từ một máy thu băng nào đưa lại làm Vũ buồn nẫu ruột. Chàng hút liên tiếp hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Cho tới khi có cảm tưởng hai buồng phổi của mình đã đặc quánh khói thuốc và cổ họng khô rát, chàng mới trở vô nhà định chợp mắt một lát. Nhưng chàng chỉ nằm chập chờn, ngủ không ra ngủ, thức không ra thức.
Lúc Vũ vừa thiếp đi được một chút thì bất thần từ khắp nơi trong trại tiếng thùng thiếc đồng loạt gõ vang rền cùng với tiếng hò hét man dại của lũ trẻ. Nhân và Giang nhổm dậy ôm lấy Vũ, vật mấy vòng trên nền xi-măng, hét lớn:
– Giao thừa rồi! Năm mới chúc tụi mình sớm đi định cư!
Vũ cười chảy cả nước mắt:
– Ừ, năm mới cầu mong tất cả mọi người sớm định cư!
Nhân kéo Giang và Vũ:
– Đi ra ngoài chơi cho mát tụi bay!
Vũ ậm ừ:
– Thôi hai đứa mày đi đi, tao ở nhà.
Giang cười:
– Ở nhà đừng để ăn trộm đêm ba mươi Tết lấy hết đồ nghe ông cụ non!
Vũ nhìn theo Nhân và Giang vừa đi vừa nhảy nhót như hai đứa con nít. Trước cửa nhà, thiên hạ lũ lượt đi qua đi lại. Bên nhà cô Hoàng Mai đèn vẫn sáng trưng. Vũ ghé mắt nhìn, thấy ông bố đang trịnh trọng thắp nhang khấn vái trước bàn thờ đầy bông trái. Không thấy cô đâu.
Vũ bước ra cửa. Cô Hoàng Mai đang ngồi trên bực thềm. Tóc cô bới gọn ra phía sau, bày cái gáy trắng trẻo. Cô không nhìn thấy Vũ. Cô đang đăm đăm ngắm bức hình màu nhận được lúc ban chiều. Một lúc sau cô từ từ xé bức hình ra làm ba, một phần có hình Hoàng, hai phần kia có hình người vợ và đứa con. Cô thong thả xé nát phần có hình người đàn bà và đứa bé gái ra từng mảnh vụn, thả xuống cái mương nhỏ chạy qua trước dãy nhà. Những mảnh giấy lấp loáng trôi theo dòng nước đục ngầu. Cô Mai ngắm phần hình còn lại có nét mặt tươi cười của vị hôn phu lần nữa, rồi cũng xé vụn ra, thả theo làn nước. Vũ nghe mình thở dài thật nhẹ, ngậm ngùi.
Như một kẻ gian, chàng bỏ dép rón rén bước ra khỏi nhà để cô Hoàng Mai khỏi nhìn thấy. Ra khỏi tầm mắt cô, Vũ vụt chạy một hơi ra bãi cỏ nơi lũ trẻ chơi đá bóng. Sương khuya đọng trên cỏ làm mát lòng bàn chân chàng. Vũ hít mạnh làn gió lành lạnh ban đêm. Bầu trời lốm đốm những vì sao. Đêm ba mươi nhưng trời không tối lắm, đủ để Vũ thấy những bóng người tị nạn đi xôn xao, loanh quanh trong khu trại bốn bề vây kín, như những bóng ma hư ảo. Chàng thấy làm lạ là tại sao giờ phút này chàng lại không mấy nhớ nhà, mà chỉ bận bịu trong trí hình ảnh một bông mai vàng rụng xuống nhẹ nhàng khi trời mới sang xuân.
Trần C Trí
* Tranh Dion Dior, “Apricot Blossom”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét