Mỹ cho phép các tập đoàn quân sự tư nhân « bảo quản » vũ khí cho Ukraina
Chính quyền Biden cho phép một số hãng tư nhân cộng tác với bộ Quốc Phòng sang Ukraina công tác, bảo trì các loại vũ khí mà Washington cung cấp cho Kiev. Một quan chức Mỹ xin được giấu tên đã tiết lộ với hãng tin Anh Reuters như trên vào hôm qua 08/11/2024.Ảnh minh họa: Một hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ tại Queensland, Úc, ngày 26/07/2023. AP - Sgt. 1st Class Andrew DicksonThanh Hà
Vẫn theo các nguồn tin trên, « một số ít » các chuyên gia Mỹ sẽ được điều sang Ukraina nhưng sẽ hoạt động ở cách xa các vùng chiến tuyến, « không can thiệp vào cuộc xung đột ». Nhiệm vụ của những người này chỉ mang tính « kỹ thuật », liên quan đến « khâu bảo trì và sửa chữa » các loại vũ khí mà Mỹ đã cấp cho Ukraina, đặc biệt là liên quan đến chiến đấu cơ F-16 hay đến hệ thống phòng không Patriot.
Sự hiện diện của họ « bảo đảm rằng nếu có bị hư hại, thì những thiết bị và vũ khí của Mỹ tại Ukraina sẽ nhanh chóng được sửa chữa ». Công tác này sẽ được giao cho các « hãng gia công với bên bộ Quốc Phòng » và Mỹ « không huy động một người lính nào để bảo vệ nhân viên thuộc các hãng gia công đó ».
Theo một nguồn tin khác, thì đã có một số hãng tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Mỹ « hiện diện tại Ukraina » và do vậy, thông tin nói trên, theo Reuters không « mang lại một thay đổi lớn nào về sự hiện diện của nhân viên Mỹ trên lãnh thổ Ukraina ». Câu hỏi còn lại là hình thức hoạt động này sẽ tồn tại bao lâu một khi Nhà Trắng đổi chủ. Tổng thống tân cử Donald Trump cho rằng Mỹ đã quá hào phóng giúp đỡ Kiev và ông hứa nhanh chóng giải quyết chiến tranh Ukraina do Nga khai mào.
AFP nhắc lại, từ đầu cuộc chiến, Washington viện trợ quân sự hơn 60 tỷ đô la cho Ukraina nhưng về mặt chính thức, Mỹ vẫn cấm các hãng tư nhân trong lĩnh vực quốc phòng hiện diện tại Ukraina.
NATO và các đối tác châu Á-Thái Bình Dương lên án Bắc Triều Tiên điều quân sang Nga
Hôm qua, 08/11/2024, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh châu Á bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand đã "kiên quyết" lên án việc Bắc Triều Tiên đưa quân sang hỗ trợ Nga trong "cuộc chiến xâm lược" Ukraina.
Ảnh minh họa: Thanh niên Bắc Triều Tiên kể cả sinh viên và đoàn viên thanh niên cộng sản ký đơn tình nguyện nhập ngũ, tại một địa điểm không rõ. Ảnh do hãng KCNA phân phát ngày 16/10/2024. via REUTERS - KCNA
Minh Phương
Hãng tin AFP trích thông cáo của NATO, cho biết : "Việc triển khai hàng ngàn chiến binh (của Bắc Triều Tiên) cho thấy sự leo thang nguy hiểm trong việc nước này ủng hộ cho cuộc chiến xâm lược mà Nga đang tiến hành một cách bất hợp pháp tại Ukraina", đồng thời nêu rõ rằng các đồng minh tại châu Á và Ukraina cũng tham gia vào tuyên bố này. Tuyên bố cũng nhấn mạnh : "Hơn bao giờ hết, những đồng minh của chúng tôi quyết tâm ủng hộ Ukraina tới khi nào Kiev cần để giúp họ có thể chiến thắng" trước Nga.
Trước đó khi tới Budapest hôm thứ Năm (07/11), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng đã khẳng định rằng những binh sĩ Bắc Triều Tiên có mặt ở vùng Kursk của Nga, nơi một phần khu vực hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Ukraina, đã "tham gia chiến đấu" cùng với Nga và đã chịu nhiều "tổn thất". Cùng ngày, tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng tuyên bố mong muốn được hội đàm với tân tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian sớm nhất để thảo luận về việc Bắc Triều Tiên tham chiến, điều mà ông cho là không chỉ là mối đe dọa đối với châu Âu mà còn đối với cả Hoa Kỳ.
Tokyo khẳng định mục tiêu tăng cường liên minh quân sự Mỹ-Nhật với chính quyền Trump
Tham quan căn cứ quân sự tại Asaka, gần Tokyo sáng ngày 09/11/2024, thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhắc lại hai mục tiêu « tăng cường sức mạnh quân sự » và củng cố linh minh với Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump.
Trực thăng vận tải Osprey của Mỹ tại căn cứ quân sự Okinawa, Nhật Bản. AP - Hiro Komae
Thanh Hà
Theo AP, thủ tướng Ishiba tuyên bố, « toàn cảnh an ninh chung quanh Nhật Bản đang xấu đi đáng kể vì căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, vì hợp tác giữa Nga với Bắc Triều Tiên », Tokyo cần đẩy mạnh khả năng phòng thủ.
Việc chiến đấu cơ của Nga và Trung Quốc thường xuyên xâm nhập không phận Nhật Bản trong năm nay vừa « vi phạm chủ quyền quốc gia », vừa là thách thức an ninh của Nhật Bản. Đó là những « hành vi không thể chấp nhận ».
Thủ tướng Shigeru Ishiba chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc và các vụ bắn tử tên lửa của Bắc Triều Tiên đe dọa an ninh Nhật Bản. Giải pháp còn lại là « cân bằng và củng cố vế ngoại giao cũng như an ninh quốc gia ». Và thành công trong chiến lược đó đặt ở mối « liên minh quân sự với Hoa Kỳ ».
Do vậy thủ tướng Shigeru Ishiba cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền Trump trên hồ sơ này, cũng như là sẽ tiếp tục tăng ngân sách sách quốc phòng và sẽ đi theo chính sách phòng thủ của người tiền nhiệm, Fumio Kishida.
Chủ tịch Trung Quốc tiếp đón tổng thống Indonesia thúc đẩy xây dựng "Cộng đồng chung vận mệnh"
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Trung Quốc trong một chuyến viếng thăm dài ngày. Hôm nay 09/11/2024 ông hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình trước các buổi làm việc dự trù với thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc. Chuyến công du Bắc Kinh này diễn ra trong bối cảnh tuần duyên Indonesia đã nhiều lần đuổi tàu Trung Quốc khỏi vùng biển Bắc Natuna, sát Biển Đông và thuộc chủ quyền của Jakarta.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 09/11/2024. AP - Florence Lo
Thanh Hà
Tiếp lãnh đạo Indonesia sáng nay tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố với báo chí mong muốn cùng với tân tổng thống Prabowo Subianto « viết nên một chương mới (…) có lợi cho cả đôi bên ». Về phía Jarkarta, nguyên thủ Indonesia « nhắc lại cam kết cùng với Trung Quốc hành động vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì thịnh vượng, hòa bình và ổn định cho toàn châu Á ».
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, tuyên thệ nhậm chức hôm 20/10/2024, tổng thống Prabowo Subianto đã khẳng định lập trường duy trì chính sách đối ngoại « không liên kết » và mong muốn mở rộng vai trò và ảnh hưởng của Indonesia trên trường quốc tế. Trong giai đoạn chuyển tiếp 8 tháng vừa qua giữa bầu cử và ngày chính thức nhậm chức, ông Prabowo Subianto đã công du nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nga. Tựa như người tiền nhiệm Joko Widodo, ông tránh chọn phe giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tránh lên án Nga xâm lược Ukraina.
Bắc Kinh và Jakarta là những đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của lẫn nhau nhưng những xung khắc trên biển thường xuyên làm phương hại đến quan hệ song phương. Trong tháng 10/2024, Indonesia đã ba lần điều tầu tuần duyên xua đuổi hải cảnh Trung Quốc thâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế ở biển bắc Natuna thuộc quyền tài phán của Indonesia, sát với Biển Đông. Đây cũng là một khu vực có nhiều mỏ dầu khí và tàu của Trung Quốc thường xuyên lai vãng như hồi năm 2020. Theo giới quan sát, những sự cố trên biển gần đây thách thức chính quyền mới của tổng thống Prabowo Subianto.
Israel cho hồi hương các cổ động viên bóng đá sau các vụ hành hung ở Amsterdam, Hà Lan
Chuyến bay đầu tiên sơ tán các cổ động viên Israel từ Amsterdam, thủ đô Hà Lan, đêm qua, 08/11/2024, đã về đến phi trường Ben Gourion, Tel Aviv, một ngày sau vụ hàng ngàn cổ động viên bóng đá Israel bị hành hung trong một trận thi đấu với đội Ajax Amsterdam của Hà Lan trong khuôn khổ Giải Bóng đá Châu Âu UEFA.
Các cổ động viên đội Maccabi Tel Aviv đến phi trường Ben Gourion sau các vụ hành hung tại Amsterdam, thủ đô Hà Lan. Tel Aviv ngày 08/11/2024. AP - Tsafrir Abayov
Thanh Hà
Theo AFP, trước giờ đội tuyển bóng đá Israel Maccabi Tel Aviv thi đấu với Ajax Amsterdam hôm thứ Năm 07/11, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra trên đường phố thủ đô Hà Lan giữa cổ động viên Israel và Palestine. Hà Lan đã huy động 800 cảnh sát bảo vệ an ninh cho sự kiện.
Đến 1 giờ sáng ngày 08/11/2024 một toán cổ động viên Israel tại quảng trường Dam bị tấn công. Cảnh sát phải can thiệp và hộ tống những người này về tận khách sạn. Giới chức an ninh Hà Lan cho biết 5 người Israel bị thương, và cảnh sách đã bắt giữ 62 người được cho là những phần tử « hooligan ».
Cảnh sát Hà Lan công bố hình ảnh video cho thấy nhiều cổ động viên Israel hô to khẩu hiệu bài Ả Rập. Một số đoạn video khác thì đưa ra hình ảnh các cổ động viên Israel bị hành hung.
Chính phủ Israel ngay lập tức khẩn cấp điều nhiều chuyến bay để hồi hương công dân. Thông tín viên thường trực của RFI từ Jérusalem, Michel Paul cho biết chính quyền của thủ tướng Benjamin Netanyahu có hẳn một kế hoạch bảo vệ các công dân trước những hành vi bài Do Thái đang dấy lên bên lề các sự kiện thể thao :
Cầu không vận này được thiết lập ngoại lệ cho các hãng hàng không Israel trong suốt dịp lễ Shabat, để hồi hương hơn 2 ngàn cổ động viên Israel đến Hà Lan xem trận cầu giữa đội tuyển Maccabi Tel Aviv và Ajax Amsterdam. Ngay khi đến phi trường Ben Gourion, giám đốc của đội tuyển Israel, ông Ben Mansford khẳng định những gì xảy ra thật là kinh hoàng.
Ông nói : « Những gì xảy ra không liên quan gì đến bóng đá cả. Chính vì điều này là quý vị ở đây. Có rất nhiều người đã đến đấy để xem một trận bóng đá, những cổ động viên đội Maccabi Tel Aviv của Israel và ngôi sao David. Thế nhưng, họ bị ném xuống kênh, bị vật xuống đất. Người ta nói họ chẳng ra gì, họ bác bỏ bản chất Do Thái. Đây là một thời khắc tệ hại mà chúng tôi đang sống sau một năm vừa qua ».
Hôm qua chính quyền Israel kêu gọi các cổ động viên tránh đi xem trận bóng rổ giữa Maccabi Tel-Aviv và câu lạc bộ Virtus Bologna tại Ý, và nhất là không nên lộ liễu phô trương những biểu tượng là người Israel hay Do Thái. Chung cuộc trận bóng rổ đã diễn ra êm thắm. Đội tuyển Israel thua đội của Ý.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết đã ra lệnh cho Mossad, cơ quan tình báo Israel chuẩn bị một kế hoạch hành động ngăn ngừa bạo lực nhân các sự kiện thể thao. Mục tiêu sắp tới là trận bóng giữa hai đội Israel và Pháp diễn ra vào thứ Năm tuần tới 14/11 trên sân vận động Stade de France. Hiện có khoảng 100 cổ động viên Israel dự trù sẽ sang Pháp xem trận bóng này.
Đức : 35 năm Bức tường Berlin sụp đổ và những tranh cãi không có hồi kết
Hôm nay, 09/11/2024, Đức kỷ niệm 35 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ trong bầu không khí u ám do cuộc khủng hoảng chính trị. Các lễ hội sẽ diễn ra cuối tuần này cùng với đó, Đức đã dựng lên một công trình ngoài trời trải dài 4 km dọc theo tuyến đường cũ của Bức tường Berlin với bản sao của các biển hiệu từ các cuộc biểu tình năm 1989 cũng như hàng nghìn biển hiệu khác do người dân ngày nay tạo ra với chủ đề “tự do”.
Ảnh tư liệu: Hoàng tử Charles nhìn thành phố Đông Berlin qua bức tường trong chuyến thăm Potsdamer Platz, ngày 30/10/1972. AP
Minh Phương
Bộ trưởng Văn Hóa Claudia Roth ca ngợi rằng tối ngày 09/11/1989 khi mà bức tường sụp đổ là "một trong những khoảnh khắc vui tươi nhất trong lịch sử thế giới". Tuy nhiên, không phải ai cũng có cùng suy nghĩ này. 35 năm sau sự kiện lịch sử, những khác biệt vẫn tồn tại giữa hai miền đất nước.
Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibault cho biết cụ thể :
Cuốn sách "Phương Đông – Một phát minh của Tây Đức" của tác giả Dirk Oschmann ra mắt năm 2023 đã bán chạy như tôm tươi. Vị giáo sư ở Leipzig chỉ trích quá trình tái thống nhất, ở đó, các quy tắc đều do phương Tây đặt ra, cùng với đó là việc người dân Đông Đức phải chịu sự đối xử bất công, chẳng hạn như bị trả lương thấp hơn, còn các phương tiện truyền thông thì loan tải các hình ảnh tiêu cực về vùng phía đông này. Hầu hết những gì tinh hoa như các trường đại học, cơ quan tư pháp và báo chí, vẫn chủ yếu do người Tây Đức chi phối.
Ông Dirk Oschmann cho biết : “Điều này cho thấy rằng hình ảnh của Đông Đức không được thể hiện một cách chính xác, rằng người dân ở đây không có cơ hội để định hình một cách thích hợp xã hội mà họ đang sống. Và khi họ không cảm thấy mình được thể hiện đúng, họ sẽ dần xa lánh xã hội và những giá trị của nó.”
Ngược lại, nhà sử học nổi tiếng về Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR), Ilko-Sascha Kowalczuk, vừa ra mắt cuốn sách mang tên "Cú sốc của tự do", trong đó ông lên án những bài diễn văn lý tưởng hóa của Cộng Hòa Dân Chủ Đức cộng sản và sự tồn tại của những thể chế mang tính độc tài ở phương Đông.
Ông nói : “Việc thống nhất nước Đức là một thành công lớn. Những lời than phiền không hề có cơ sở. Đây là một trong những khu vực giàu có nhất ở châu Âu. Cả châu Âu đều biết điều này, ngoại trừ người Đông Đức.”
35 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các cuộc tranh cãi giữa người Đức vẫn còn tiếp tục kéo dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét