Ông Trump có kế hoạch dùng cả quân đội để trục xuất người nhập cư Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bình luận “đúng” về nội dung trên mạng xã hội cho rằng ông sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề biên giới, và dùng đến nguồn lực quân đội để trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp. Hôm 18/11 vừa qua, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump xác nhận một nội dung trên mạng xã hội về việc ông có kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về an ninh biên giới, và sẽ sử dụng quân đội để tiến hành trục xuất số lượng lớn những người nhập cư bất hợp pháp.
<!>
Được biết, nhập cư là vấn đề hàng đầu được ông Trump nêu trong lúc còn tranh cử. Ông Trump cam kết sẽ trục xuất hàng triệu người và sẽ ổn định lại biên giới với Mexico, trong bối cảnh Mỹ phải đón một lượng kỷ lục những người vượt biên trái phép dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump xác nhận bài đăng của một nhà hoạt động bảo thủ nói rằng tổng thống đắc cử của Mỹ đã chuẩn bị để “tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sẽ sử dụng nguồn lực quân sự”, nhằm đảo ngược tình trạng nhập cư bất hợp pháp dưới thời ông Biden thông qua một chương trình trục xuất hàng loạt.
Theo đó, ông Trump đã đăng lại bài đăng này, và bình luận: “Đúng!”.
Sau khi giành chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ, ông Trump vào ngày 20/1/2025 sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng.
Khi vừa đắc cử, ông Trump đã công bố nhiều lựa chọn nội các với các nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư, trong đó ông chỉ định cựu quyền giám đốc Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Tom Homan làm “ông trùm biên giới”.
Trong Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa hồi tháng 7, ông Homan khẳng định trước đám đông người ủng hộ: “Tôi gửi thông điệp đến hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp mà ông Joe Biden đang thả ở đất nước chúng ta: Các bạn nên bắt đầu gói ghém từ bây giờ”. Giới chức trách ước tính có khoảng 11 triệu người đang sống bất hợp pháp tại Mỹ.
Lầu Năm Góc vẫn chưa giải trình đầy đủ các khoản ngân sách 824 tỷ USD
Phía Lầu Năm Góc tiếp tục không vượt qua được cuộc kiểm toán gần nhất và cũng đợt kiểm toán lần thứ 7 liên tiếp từ khi cơ quan này được yêu cầu phải tiến hành kiểm toán.
Theo đó, Lầu Năm Góc vẫn chưa thể giải trình đầy đủ về nguồn ngân sách hơn 824 tỷ USD, cũng như không cung cấp đủ thông tin cho các kiểm toán viên đánh giá và đưa ra ý kiến chính xác. Tuy nhiên, các quan chức của cơ quan này vẫn nhấn mạnh đang đạt được tiến triển tốt hướng tới một cuộc kiểm toán minh bạch vào năm 2028.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Giám đốc Tài chính Michael McCord tuy từ chối đưa ra ý kiến nhưng đánh giá Bộ Quốc phòng đã có bước tiến trong việc đáng giá được chiều sâu và phạm vi của những thách thức đang đối mặt cũng như đề ra những cam kết cụ thể trong thời gian tới.
Báo cáo tổng thể của Bộ Quốc phòng Mỹ được tập hợp từ 28 đơn vị hoạt động trực thuộc đã tiến hành kiểm toán độc lập. Trong số đó, 9 đơn vị nhận được đánh giá kiểm toán tin cậy, 1 đơn vị nhận được đánh giá báo cáo tin cậy mặc dù còn một số sai sót, 15 đơn vị nhận được đánh giá không thể thu thập đủ dữ liệu để cho ý kiến và 3 đơn vị vẫn đang chờ xử lý. Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến số lượng kiểm toán được báo cáo mức tin cậy xấp xỉ với năm 2023.
Lầu Năm Góc chưa bao giờ thông qua cuộc kiểm toán nào kể từ khi cơ quan này có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện từ năm 2018. Một thách thức lớn trong kiểm toán là việc thống kê đầy đủ số lượng lớn các hệ thống mà Bộ Quốc phòng sử dụng. Lầu Năm Góc cho biết họ cam kết thực hiện kiểm toán sạch vào năm 2028, theo yêu cầu của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm 2024.
Trong cuộc họp báo vào ngày 16/11, ông McCord nhận định công tác kiểm toán tại Bộ Quốc phòng Mỹ đang có những bước tiến triển, mặc dù cũng thừa nhận còn nhiều điều phải làm.
Ông cho biết việc phấn đấu đạt được mức kiểm toán tin cậy vào năm 2028 là hoàn toàn có thể nhưng cũng đòi hỏi Bộ Quốc phòng phải cùng nỗ lực tiến bộ để tất cả mọi đơn vị đều vượt qua được. Ông tuyên bố:“Chúng ta phải tiếp tục nhanh hơn và tốt hơn nữa”.
Cùng với mục tiêu trên, Lầu Năm Góc sẽ phải chuyển giao những chiến lược quân sự cho chính quyền Trump sắp tới. Nhưng ông McCord kỳ vọng chính quyền mới “có thể duy trì được phần lớn tính liên tục của chiến lược” như trong quá khứ.
Cuộc kiểm toán được tiến hành bởi các kiểm toán viên độc lập cùng với Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng. Cuộc kiểm toán năm nay đã tiêu tốn 178 triệu USD của Bộ Quốc phòng và có sự tham gia của khoảng 1.700 kiểm toán viên.
Các đơn vị đạt kết quả kiểm toán tin cậy bao gồm: Cơ quan cung ứng quốc phòng, Cơ quan kiểm toán hợp đồng quốc phòng, Cơ quan tài chính và kế toán quốc phòng, Cơ quan y tế quốc phòng, Cơ quan hệ thống thông tin quốc phòng, Quỹ hưu trí quân đội, Văn phòng trinh sát quốc gia, Quân đoàn công binh – công trình dân dụng Mỹ và Cơ quan giảm thiểu đe dọa quốc phòng.
Giá trị định giá SpaceX của ông Elon Musk tăng vọt lên 255 tỷ USD
Đây được xem là bước tiến lớn so với mức định giá trước đó là 210 tỷ USD, qua đó khẳng định vị trí dẫn đầu của hãng SpaceX trong ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu.
SpaceX đang chuẩn bị thực hiện một giao dịch cổ phiếu nội bộ, trong đó các nhân viên và nhà đầu tư sớm có thể bán cổ phần của mình. Thương vụ này không nhằm huy động vốn mới mà cung cấp tính thanh khoản cho các cổ đông hiện tại.
Việc đàm phán này có thể đưa định giá của SpaceX tăng từ 210 tỷ USD lên 255 tỷ USD. Điều này không chỉ giúp công ty duy trì vị thế là công ty tư nhân giá trị nhất tại Mỹ, mà còn đưa SpaceX vào nhóm những công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.
Thành công của SpaceX được thúc đẩy bởi nhiều dự án quan trọng: Chương trình Starship: Đây là dự án đầy tham vọng nhằm phát triển tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, phục vụ cho các sứ mệnh lên sao Hỏa và xa hơn. Dịch vụ Starlink: Hệ thống vệ tinh của SpaceX cung cấp dịch vụ internet cho những khu vực khó tiếp cận trên toàn cầu, tạo nguồn thu lớn và tiềm năng phát triển dài hạn. Hợp đồng với chính phủ: SpaceX đã ký nhiều hợp đồng giá trị với NASA và các cơ quan chính phủ khác, góp phần củng cố vị thế tài chính của công ty.
Những công nghệ tiên tiến như tên lửa Falcon tái sử dụng và khả năng thương mại hóa không gian đã làm nên thành công vượt bậc cho SpaceX.
Dù giá trị ước tính 255 tỷ USD là một con số ấn tượng, SpaceX vẫn còn kém ByteDance, công ty mẹ của TikTok, với định giá 268 tỷ USD vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, nếu thương vụ cổ phiếu nội bộ thành công, khoảng cách này có thể được thu hẹp đáng kể.
Với vị thế là công ty tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ và công nghệ, SpaceX đã chứng minh rằng họ không chỉ là một công ty hàng đầu tại Mỹ mà còn là một đối thủ lớn trên thị trường toàn cầu.
SpaceX không ngừng mở rộng danh mục dịch vụ và theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng. Từ việc đưa con người lên sao Hỏa với Starship, đến việc phát triển dịch vụ internet vệ tinh toàn cầu qua Starlink, công ty đang tạo ra những bước ngoặt trong ngành công nghiệp vũ trụ và công nghệ.
Sunday Times: Tổng thống Ukraine Zelensky sắp công bố kế hoạch mới
Tờ Sunday Times đưa tin, Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ trình bày một “kế hoạch phục hồi” cho đất nước, nhằm mục đích nâng cao tinh thần. Sáng kiến này được đưa ra sau khi cái gọi là ‘kế hoạch chiến thắng’ của ông nhận được phản ứng hờ hững từ phương Tây vào tháng trước.
Nói với tờ báo của Vương quốc Anh này, ông Mikhail Podoliak, cố vấn cấp cao của ông Zelensky cho biết kế hoạch mới nhất này hướng đến đối tượng trong nước và “[có tính đến] tình trạng tâm lý-cảm xúc mà đất nước đang trải qua”.
Ông Podoliak tuyên bố: “Chúng ta cần thể hiện rõ ràng cách chúng ta sẽ ưu tiên đầu tư vào công nghiệp, cách ngành năng lượng sẽ hoạt động, cách chúng ta sẽ truyền đạt việc huy động quân đội, tăng cường quốc phòng – tất cả các vấn đề đau đầu nhất liên quan đến tính bền vững của đất nước, đang được giải quyết”.
Không có thêm thông tin chi tiết nào được tiết lộ, nhưng tờ Sunday Times lưu ý rằng một tài liệu có tính chất học thuật được đệ trình lên chính phủ cho kế hoạch này, nêu rõ rằng Ukraine phải bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của mình để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU. Ukraine “sở hữu 22 trong số 34 loại khoáng sản được EU xác định là nguyên liệu thô quan trọng”, tài liệu nêu rõ, đồng thời nói thêm: “Các đồng minh chính của Ukraine nên nhận ra” rằng “những gì Ukraine có thể mất, Nga và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi”.
Cả ông Podoliak và các nguồn tin khác của Sunday Times đều không giải thích kế hoạch này sẽ “truyền tải việc huy động quân đội” như thế nào. Chế độ quân dịch của Kiev vốn đã rất không được lòng dân. Theo một báo cáo của tờ The Economist hồi đầu tháng này, cứ năm người nhập ngũ tại Ukraine thì có một người đào ngũ.
“Kế hoạch phục hồi sẽ đề cập đến cách Ukraine ưu tiên đầu tư vào công nghiệp và cách ngành năng lượng sẽ hoạt động khi mùa đông giá lạnh đang đến gần”, tờ Sunday Times đưa tin, mà không giải thích cách chính phủ Ukraine, vốn hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, sẽ huy động tiền cho khoản đầu tư này như thế nào, hoặc cách Ukraine sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công tàn khốc của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của mình.
Vào sáng Chủ Nhật (17/11), Bộ Quốc phòng Nga xác nhận họ đã thực hiện một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng điện và các nhà máy quốc phòng trên khắp Ukraine. Truyền thông Ukraine đưa tin về tình trạng mất điện ở Vùng Volyn, Vùng Poltava và thành phố Odessa ở phía nam.
Ông Zelensky đã công bố một số kế hoạch nhiều điểm, được quảng bá rầm rộ kể từ khi ông cắt đứt các cuộc đàm phán hòa bình với Moskva vào năm 2022, và thề sẽ tiếp tục chiến đấu với Nga. ‘Công thức hòa bình’ gồm mười điểm của ông Zelensky yêu cầu Nga đơn phương nhượng bộ, khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine, bồi thường và giao nộp các quan chức của mình để xét xử tội ác chiến tranh. Kế hoạch này đã bị Điện Kremlin bác bỏ và cho là “ảo tưởng“.
Gần đây hơn, cái gọi là ‘kế hoạch chiến thắng’ của ông Zelensky đã nhận được sự đón nhận hờ hững ở phương Tây. Theo thông tin chi tiết bị rò rỉ cho giới truyền thông, kế hoạch này kêu gọi các quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa, đảm bảo an ninh theo kiểu NATO và hàng trăm tỷ USD, tất cả đều với hy vọng đánh bại Nga về mặt quân sự. Yêu cầu đầu tiên của ông Zelensky – về việc cung cấp thêm tên lửa tầm xa – được cho là đã bị Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bác bỏ vào đầu tháng này.
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn2.net. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét