Tại Mông Cổ, Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi đối thoại liên tôn giáo chống lại chủ nghĩa toàn thống Chủ Nhật, 03/09/2023, trong chuyến thăm đến Mông Cổ, giáo hoàng Phanxicô đã chủ trì một cuộc họp liên tôn giáo, gồm các lãnh đạo tâm linh Shaman giáo của Mông Cổ, các tu sĩ Phật giáo, linh mục Chính Thống giáo, để nhấn mạnh vai trò của các tôn giáo trong việc thúc đẩy hòa bình thế giới.Cuộc họp liên tôn giáo được tổ chức tại một nhà hát ở thủ đô Oulan-Bator, trong khuôn khổ chuyến thăm 4 ngày của Giáo hoàng Phan xi cô tại Mông Cổ. Đặc phái viên RFI Éric Senanque có mặt tại Oulan-Bator tường trình :
« Việc chúng ta cùng nhau có mặt tại một nơi như vậy đã gửi đi một thông điệp. Đó là những truyền thống tôn giáo, với những nét độc đáo và tính đa dạng của mỗi tôn giáo, là những phúc lợi tiềm năng phục vụ xã hội”. Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên bố như trên sau khi cảm ơn từng lãnh đạo tinh thần của các các tôn giáo: Đó là những đại diện cho Phật giáo, chủ tịch hiệp hội Shaman Mông cổ, hay người theo đạo Chính thống giáo, Ấn Độ giáo (Hindu) và Do Thái, hoặc các đại diện của các nhánh khác nhau trong đạo Tin lành.
« Giáo hoàng cũng nhấn mạnh từ « hài hòa », mà ngài cho rằng đó là một từ mang phong vị đặc trưng châu Á. Ngược lại, giáo hoàng cũng đã chỉ trích « việc đóng cửa, chủ nghĩa toàn thống và sự hạn chế về ý thức hệ » đã phá hủy tình huynh đệ, gây căng thẳng và tổn hại đến hòa bình. Giáo hoàng cũng nhắc lại rằng « giáo hội Công giáo muốn tiếp tục bước đi với niềm tin vững chắc vào cuộc đối thoại đại kết, liên tôn và văn hóa.»
Đại diện của mỗi tôn giáo đã có thể nói ngắn gọn về lịch sử của mình trong di sản tâm linh Mông Cổ. Trong số các bài phát biểu đáng chú ý, đó là bài phát biểu của lãnh đạo Shaman giáo, vốn được coi là một tôn giáo thực sự ở Mông Cổ, của Thành Cát Tư Hãn : « Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập lại truyền thống, tôn thờ và tôn vinh cội nguồn dân tộc Mông Cổ ». Lãnh đạo Pháp sư cũng đề cập đến những cuộc đàn áp trong quá khứ và tình trạng thiên nhiên vẫn đang bị đe dọa. »
Theo hãng tin AP, do mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Vatican, không giám mục Trung Quốc nào được phép đến Mông Cổ mặc dù hơn 20 giám mục của các nước châu Á đã đến tháp tùng chuyến thăm của giáo hoàng tại nước có hơn 1400 người theo Công giáo.
Tại Oulan-Bator, giáo hoàng Phan xi cô cũng đã gửi lời chào nồng nhiệt đến người dân Trung Quốc, kêu gọi những người theo Công giáo Trung Quốc hãy « trở thành những công dân tốt », với mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa với Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Ý công du Trung Quốc, chuẩn bị khả năng rút Ý ra khỏi dự án Những Con Đường Tơ Lụa Mới
Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani, hôm nay, 03/09/2023, bắt đầu chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài đến ngày thứ Ba 05/9. Khả năng Ý thông báo rút khỏi dự án Những Con Đường Tơ Lụa Mới (BRI) nhân chuyến công du Trung Quốc sắp tới của thủ tướng Ý sẽ là nội dung các cuộc thảo luận trong cuộc gặp giữa lãnh đạo ngoại giao Ý với các đồng cấp Trung Quốc.
Theo AFP, nhiệm vụ của ngoại trưởng Ý trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này sẽ không dễ dàng. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni theo dự kiến, sẽ có chuyến công du Trung Quốc vào trung tuần tháng 10/2023, và nhân dịp này, bà sẽ hợp thức hóa việc rút Ý ra khỏi dự án BRI - Belt and Road Initiative - Những Con Đường Tơ Lụa Mới.
Lorenzo Codogno, cựu kinh tế gia trưởng của bộ Tài Chính Ý phân tích, « quyết định rút khỏi dự án đã được chính quyền Trung Quốc chấp thuận về mặt nguyên tắc. Nữ thủ tướng Ý sẽ có thông báo chính thức trong chuyến công du sắp tới, như một sự thể hiện thái độ tôn trọng đối với các lãnh đạo Trung Quốc. »
Tuy vậy, Nghị Viện Ý cũng khuyến nghị ngoại trưởng Tajani « phải có một đánh giá và đưa ra quyết định có nên tiếp tục hay không tham gia vào dự án BRI ».
Hôm qua, phát biểu tại diễn đàn kinh tế do The European House – Ambrosetti tổ chức, ngoại trưởng Ý nhận định rằng dự án Con đường Tơ lụa Mới đã không tạo ra những kết quả như mong muốn. Kim ngạch xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc trong năm 2022 chỉ ở mức 16,5 tỷ euro, thấp hơn mức sang các nước láng giềng là Pháp và Đức từ gần 1,4 đến hơn 6,4 lần.
AFP nhắc lại, năm 2019, khi phải oằn mình gánh khoản nợ công, Ý là quốc gia trong khối G7 duy nhất tham gia BRI, và bị các nước phản đối mô tả như là con ngựa thành Troie. Theo nguyên tắc, thỏa thuận Ý - Trung sẽ được tự động gia hạn vào tháng 3/2024 trừ phi Ý quyết định thoái lui vào cuối năm 2023.
Ukraina tố cáo Nga oanh kích các cơ sở công nghiệp dân sự gần với Rumani
Sáng sớm ngày 03/09/2023, Nga đã dùng các loại drone do Iran chế tạo tấn công nhiều « cơ sở công nghiệp dân sự » nằm bên dòng sông Danube, tây nam Ukraina. Phía Nga nêu rõ đã đánh trúng một cảng biển trong khu vực giáp giới với Rumani.
Reuters cho biết cuộc oanh kích bằng drone của Nga nhắm vào vùng Odessa kéo dài trong vòng ba tiếng rưỡi trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật. Báo Pháp Le Monde còn nêu rõ đó là các loại drone «Shahed-136/131 » do Iran sản xuất, được phóng đi từ phía nam và đông nam. Tuy nhiên, hệ thống phòng không Ukraina đã bắn chặn được 22 trong tổng số 25 chiếc drone do Iran sản xuất.
Trên mạng Telegram, Văn phòng chưởng lý Ukraina cho biết nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp dân sự đã bị « kẻ thù tấn công », làm bị thương hai người. Phía Nga xác nhận thông tin khi nêu rõ đã tiến hành một cuộc oanh kích bằng drone nhằm vào cảng biển Reni, gần biên giới với Rumani, quốc gia thành viên của NATO.
Cũng liên quan đến chiến trường miền nam, tướng Ukraina Oleksandr Tarnavsky, đảm trách cuộc phản công, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho tuần báo Anh The Observer, khẳng định quân đội Ukraina đã chọc thủng được chiến tuyến đầu tiên của Nga tại vùng lãnh thổ gần Zaporizhzhia (đông nam), giờ đang tiến đến tấn công đường phòng thủ thứ hai, được cho là ít kiên cố hơn.
Về phía Nga, trang mạng NHK của Nhật Bản hôm qua, 02/09/2023, dẫn lời lãnh đạo Cơ quan Không gian Nga Roscosmos, hôm thứ Sáu 01/09, thông báo một hệ thống tên lửa liên lục địa (ICBM), được biết dưới tên gọi là Sarmat, « đã được đưa vào hoạt động phục vụ chiến đấu ».
Vị lãnh đạo này khẳng định Sarmat có khả năng mang đến ít nhất 10 đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố loại tên lửa này có thể đánh bại « mọi hệ thống phòng không hiện đại nhất ». Ông khẳng định, loại vũ khí này sẽ góp phần bảo vệ nước Nga trước điều ông gọi lại những « mối đe dọa từ bên ngoài »
Nga tấn công các cảng miền nam Ukraina để triệt hạ ‘‘cơ sở hạ tầng ngũ cốc’’
Ngày 04/09/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sotchi. Mục tiêu của Ankara là thúc đẩy Nga nối lại với thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, cho phép Ukraina xuất khẩu hàng hóa qua các cảng biển. Trong lúc viễn cảnh nói trên vẫn còn xa vời, quân đội Nga liên tục oanh kích các cơ sở cảng biển của Ukraina.
Báo Pháp Le Monde hôm nay, 03/09/2023, có bài ‘‘Tại sao Nga liên tục dùng drone tấn công cảng biển phía nam Ukraina’’, tổng hợp thông tin về chủ đề này. Le Monde đã thẩm định và xác thực những hình ảnh nghiệp dư về các cuộc tấn công của Nga, và so sánh các dữ liệu về vận chuyển ngũ cốc để giúp hiểu rõ hơn lý do vì sao nhiều cảng biển, cảng sông, vốn được Matxcơva bỏ qua trước đó, đột ngột trở thành mục tiêu ưu tiên.
Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraina, ngày 17/07/2023, các cuộc tấn công của Nga nhắm vào các cảng ở miền nam Ukraine đã liên tiếp xảy ra. Drone mang chất nổ của Nga phá hủy nhiều kho chứa ngũ cốc ở các cảng Reni và Izmaïl. Cảng Izmai từng được coi là một địa điểm an toàn, bởi chỉ cách biên giới với thành viên khối NATO Rumani, chừng 300 mét. Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2023, tình hình hoàn toàn khác.
20% GDP của Ukraina phụ thuộc vào nông nghiệp. 40% xuất khẩu của Ukraina là hàng hóa nông nghiệp, trong đó mặt hàng mũi nhọn là ngũ cốc. Cuộc tấn công vào cảng Odessa ngày 18/07 đã tiêu hủy 60.000 tấn ngũ cốc. Các cuộc tấn công ngày 02/08 vào các cảng biển và dọc sông Danube (biên giới Ukraina – Rumani) phá hủy 40.000 tấn ngũ cốc của Ukraina. 30% ngũ cốc thế giới xuất qua ngả Biển Đen. Việc Nga tấn công các cơ sở hạ tầng ngũ cốc Ukraina khiến an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa nghiêm trọng hơn.
Quân đội Đài Loan tham gia tập trận đa quốc gia tại Mỹ
Theo thông tin được đài Nhật Bản NHK tiết lộ hôm nay, 03/09/2023, Đài Loan cử quân nhân tham gia cuộc tập trận thường niên Northern Strike (Chiến dịch Phương Bắc) tại bang Michigan, miền đông bắc nước Mỹ.
NHK cho hay cuộc diễn tập đa quốc gia thường niên Northern Strike do Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Michigan tổ chức. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm huấn luyện và củng cố ‘‘năng lực tương tác giữa các lực lượng đồng minh’’. Cuộc diễn tập năm nay diễn ra từ ngày 23/07 đến ngày 19/08. Theo Washington, tổng cộng gần 7.000 binh sĩ tham gia tập trận. Thông tin chi tiết về lực lượng Đài Loan chưa được tiết lộ.
Báo Đài Loan Taiwan News cho biết thêm, cuộc tập trận Northern Strike, thường bao gồm hai phần huấn luyện, trên không và trên mặt đất, được thiết kế để duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị Hoa Kỳ. Đây là một trong những cuộc tập trận lớn nhất tại Mỹ. Northern Strike giúp đảm bảo lực lượng dự bị có khả năng tương tác với quân đội đồng minh giống như các lực lượng ở tiền tuyến.
Theo Detroit News, cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của khoảng 7.000 binh sĩ từ 26 bang của nước Mỹ, và lực lượng dự bị từ bốn đối tác quốc tế. Ngoài Đài Loan, năm nay Latvia cũng tham gia. Theo Up North Live, một chi nhánh của ABC, ‘‘địa hình và khí hậu phía bắc bang Michigan tương tự như nhiều vùng của Trung Quốc và Nga’’.
Trong một phân tích đưa ra hồi tháng 3/2023, chuyên gia quân sự Mỹ Grant Newsham (Asia Times), nhận định ‘‘trong khoảng 40 năm qua, quân đội Đài Loan rất ít có các hoạt động phối hợp đáng kể với quân đội Mỹ, hoặc với bất cứ quốc gia nào khác’’. Gần đây Mỹ - Đài tổ chức hai cuộc diễn tập lực lượng lính thủy đánh bộ quy mô cấp trung đội, vào năm 2017 và vào năm 2021. Việc các đơn vị Đài Loan bắt đầu được huấn luyện tại Hoa Kỳ, cùng với Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Michigan, là ‘‘tin tức tốt lành’’, theo vị chuyên gia này. Số lượng binh sĩ Đài Loan được cử đến huấn luyện tại Mỹ có thể sẽ tăng lên quy mô cấp tiểu đoàn (với khoảng 600 quân) vào nửa cuối năm nay, theo một thông báo trên truyền thông Đài Loan hồi đầu 2023.
Ukraina: Nhà tài phiệt đầy quyền uy Kolomoisky bị tạm giam
Nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky, người từng được coi là ‘‘bệ phóng’’ đưa tổng thống Ukraina, Volodimyr Zelensky, lên cầm quyền, vừa bị một tòa án ở Kiev ra lệnh tạm giam hai tháng.
Theo Reuters, một thông báo của tòa án Ukraina hôm qua, 02/09/2023, cho biết ‘‘trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2020, ông Ihor Kolomoisky đã sử dụng các cơ sở ngân hàng dưới quyền kiểm soát của mình để đưa bất hợp pháp hơn một nửa tỉ hryvnias (tương đương 14 triệu đô la) ra nước ngoài’’. Trong bài phát biểu hàng ngày, tổng thống Ukraina dường như đã gián tiếp nhắc đến vụ việc này, khi gửi lời cảm ơn nỗ lực của các cơ quan điều tra chống lại ‘‘những kẻ đã cướp bóc Ukraina, tự đặt mình đứng trên luật pháp’’ từ hàng chục năm nay. Theo đài Radio Liberty, các luật sư của nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky cho biết thân chủ của họ sẽ kháng cáo quyết định của tòa án Kiev, đồng thời khẳng định ông Kolomoisky không có ý định nộp khoản tiền gần 14 triệu đô la để được tại ngoại.
Nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky, quốc tịch Israel và Chyprus, được coi là một trong những người giàu nhất Ukraina. Theo giới quan sát, trong cuộc tranh cử tổng thống Ukraina năm 2019, cả một mạng lưới truyền thông lớn, trong đó có đài truyền hình 1+1, do tỉ phú Kolomoiksy kiểm soát, đã góp phần quan trọng giúp ứng cử viên tổng thống Zelensky thu hút sự ủng hộ của dân chúng. Loạt phim nhiều tập ‘‘Người phục vụ nhân dân’’, trong đó diễn viên hài Zelensky trong vai ứng viên tổng thống chống tham nhũng, đã được phát trên kênh truyền hình nói trên. Theo Les Echos, ông Zelensky còn bổ nhiệm luật sư riêng của tỉ phú Kolomoisky làm cố vấn tranh cử, và đã nhiều lần tới Genève và Tel-Aviv để gặp nhà tài phiệt.
Nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky, cựu thống đốc tỉnh Dnipro, có tài sản ước tính 1,36 tỉ đô la (số liệu năm 2015), và là nhà sáng lập ngân hàng tư nhân Privatbank, từng được coi là ngân hàng lớn nhất Ukraina. Ngân hàng nói trên được ‘‘quốc hữu hóa’’ vào năm 2016. Nhà tài phiệt Kolomoskycùng các đồng sự bị cáo buộc đã chiếm đoạt khoảng 5,5 tỉ đô la, tương đương 5% GDP của Ukraina, thông qua ngân hàng này.
Đầu năm 2021, Hoa Kỳ đưa tỉ phú Kolomoisky vào danh sách ‘‘cấm nhập cảnh’’, vì tội ‘‘tham nhũng’’ và chống lại nền dân chủ. Trong những năm gần đây, dưới áp lực đòi hỏi minh bạch từ phía phương Tây, chính quyền Ukraina gia tăng các chiến dịch chống lại giới tài phiệt. Nỗ lực bắt đầu trước cuộc chiến xâm lăng của Nga. Tháng 11/2021, ba tháng trước cuộc xâm lăng, trong bối cảnh quân đội Nga áp sát biên giới, Quốc Hội Ukraina đã thông qua luật chống lại ‘‘ảnh hưởng quá mức của các kinh tế gia hoặc chính trị gia đến lĩnh vực công ’’. Luật thường được gọi là ‘‘luật chống Kolomoisky’’ này có mục tiêu ‘‘điều chỉnh các hoạt động chính trị của các tỷ phú, đặc biệt là việc tài trợ của họ cho các đảng phái’’.
Hồi tháng 7/2022, tỉ phú Kolomoisky và bảy nhân vật có thế lực khác bị tước quốc tịch Ukraina, theo một sắc lệnh của tổng thống. Quyết định nói trên một mặt gây ngạc nhiên bởi rõ ràng là vi hiến theo một số chuyên gia, nhưng mặt khác có thể coi như một dấu hiệu cho thấy tổng thống Zelensky ‘‘đã quyết định thoát khỏi ảnh hưởng’’ của nhà tài phiệt, từng đưa ông lên thượng đỉnh quyền lực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét