Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Hận Thù - THƯ KHANH


Vâng, tôi còn nhớ rõ – cũng vào mùa này – mùa thu ở Sài Gòn năm 1983. Sau khi chồng tôi, Phan Lạc Giang Đông đi cải tạo về thì chúng tôi đành phải bán căn nhà nhỏ ở khu Ông Tạ Sài Gòn để về Phường 16 Quận Tân Bình, mua một khu vườn rộng 2.000m2 để có đất trồng trọt, để Giang Đông khỏi bị đuổi đi kinh tế mới. Khu vườn này khá đẹp, đầu cuối vuông vức. Bề dài 100 mét, rộng 50 mét. Bề rộng chạy sát theo con đường đất đỏ khá rộng – hai xe tải tránh nhau được. Đó là con đường chạy từ ngã ba Bà Quẹo – Quốc Lộ 1 chạy xuyên qua hương Lộ 14 – qua phường 17 – Qua phường 16 tới tận chợ Tân Hương rồi chạy tới khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa.
<!>
Chung quanh vườn là hàng rào bông bụp, hoa nở đỏ ối như những cái lồng đèn trung thu. Bên tay trái còn có một con ngõ nhỏ đủ cho xe tải có thể từ đường lớn rẽ vào – cho tới suốt cuối vườn. Những khu vườn này được quy hoạch bởi Cha Hải từ thời VNCH.
Trong vườn, bước qua khỏi cổng chính, từ ngoài đường vào, phía trái là một dãy cây xoài, trái lứa đầu nên trông mê lắm! Cả xoài cát, xoài tượng đeo lủng lẳng từng chùm sát đầu. Hàng xoài thẳng tắp tới hiên nhà.
Căn nhà nhỏ xây, lợp tôn, có công tơ điện. Gió mát bốn bề thông thống. Bên tay mặt là một dẫy cây hạt điều cũng đang ra trái lứa đầu.
Đứng hiên ngó ngay bên phải là cái cổng làm bằng tre và tầm vông già. Gần kế cổng là 2 cây mít, một cây mít ướt trái còn non và một cây mít ướt sai trái, trái to. Có trái đã nứt mắt sắp chín, to như cái thùng cả ôm mới xuể.
Kế cây mít là giếng nước đào nước trong vắt lại có tay quay bằng sắt, để kéo nước lên đỡ khó nhọc. Gần đó dăm bảy bước là bụi tre mạnh tông. Cây tre to cao lá xanh, gió đưa cót két reo hò ngọn tre như nghển cổ với mây bay, như chìa tay chào! Mới đổ bùn nên măng mọc vọt nhanh, khiến cả chục búp măng cao hơn gang tay bụ bẫm. Dăm ba búp măng khác đã già đang vươn lên thành những cây tre cho thêm ấm bờ.
Đôi khi những khi gió mạnh, bụi tre xanh tươi, thân tre quằn quại cọ xát nghe ken két như những tiếng kêu than của oan hồn nào đó từ bao năm trong chiến tranh tìm về. Tôi còn nhớ khu này năm Mậu Thân Việt Cộng chết nhiều lắm! Nên hơi rùng mình!
Sau nhà là cái ao nhỏ, nước thông ra đồng lúa. Ao nhỏ chỉ đủ thả ít con cá mè cá chép cho một tiểu gia đình làm thức ăn qua ngày. Phía giáp ruộng lúa, bờ ao trồng toàn cây tràm cao nhưng thân cành mảnh khảnh như cành liễu. Mỗi cơn gió nhẹ cũng đủ rung bông vàng rớt lả tả bay trải xuống mặt ao, cá nhoi lên đớp lia lịa... Bốn góc ao là 4 cây dừa xiêm đang ra trái.Hoa dừa nở trắng xóa như mái tóc của nữ tài tử Kim Nô Vác, tuyệt đẹp.
Phường 16 không xa Sài Gòn và trường học cấp 1, 2 có đủ, sạch đẹp, sân rộng. Trường tôi dạy là trường công lập xây từ hồi Mỹ viện trợ: Phát triển Cộng Đồng. Có cả nhà thờ, chợ búa tấp nập.
Vừa không xa Sài Gòn, đất đai vườn tược rộng rãi, ao hồ thả cá... Nên sau 1975 thì một số cán bộ cộng sản sắp về hưu hoặc cán bộ có máu mê văn nghệ như: Chế Lan Viên, Trần Văn Giàu, Phan Lạc Tuyên... đã về đây cư ngụ. Hoặc là những người bị cải tạo tư sản như bà chủ nhà bán nhà cho tôi (chồng là Dược Sĩ – mua về ở mới được 5 năm thì ông chồng bị cancer chết!). Hoặc những người đi cải tạo về như Giang Đông không được ở trong thành phố và phải có đất đai trồng trọt!).
Tóm lại, khu nhà vườn mà chúng tôi mua này là rất thơ mộng! Ngoài ra phía khu trái của nhà còn có một cây Ô Môi. Cứ đến mùa, cây ra hoa màu hồng đào. Cây cao to tán xòe ra cả góc vườn như một cái lọng nhà trời, hoa chi chít tuyệt đẹp. Hoa nhỏ như hoa đào mà kết trái thì trái đen thui vỏ cứng dài bằng cả gần 1 mét. Hoa đẹp mà ruột trái lại có mùi như nước mắm nhưng ăn rất bổ. Ăn hai ba lần lại cứ muốn ăn nữa và nó còn trị bệnh đau lưng, người ta mua về ngâm rượu uống chữa bệnh thấp khớp.
Thêm nữa lại có sẵn cây me và 2 cây chanh... một đám lá lốt...

Từ ngày dọn nhà về đây, tôi đã ra công trồng rau, nuôi cá, heo, gà, vịt, mới sống nổi qua ngày. Vì lương đi dạy cầm về đến nhà là hết!
Tôi đã xây 3 cái chuồng heo và nuôi heo nái, heo thịt. Nuôi gà. Thả cá! Tôi thả bèo cái vớt lên nấu cám cho heo ăn rất chóng lớn.
Sáng sáng tôi đi dạy học, chiều về làm việc quần quật hầu như quên cả sức khoẻ. Đến nỗi ông bạn của chồng tôi tên là Trần thúc Vũ đã ghé tìm Giang Đông rủ đi viết báo (Báo mà sau đó ông Vũ bị đi tù!) Gặp Giang Đông thì Trần thúc Vũ nói ngay không nể mặt tôi:
– Toa đi viết báo, tiền nhuận bút xài thả ga. Lại có 1 em. 1 em ôm eo nè! Tội gì theo vợ mãi bà ấy trông như bà lão 70 mà cậu không thấy sao?! Nhìn tớ bỏ mụ Đoàn Ngọc Kiều Nga, mụ vợ lớn của tao cái một, nay em Nguyên ôm eo... mới có 28 tuổi nè. Xe Honda của em mới tinh! Cậu chịu đi, còn 1 em nữa mới 22 tuổi xinh như mơ!
Tôi cứ cặm cụi như vậy.. 2 con tôi đã bắt đầu lên cấp 3, phải mua xe đạp cho 2 đứa về học tại trường Nguyễn Thượng Hiền! Tôi phải để thì giờ cho con học không sai con làm việc nhà.
Giang Đông thì nhìn thấy KHÔNG CÓ TƯƠNG LAI! Giang Đông thường nói:
– Cây cao còn đợi giờ dông tố!
Anh chưa yên phận cũng như những bạn bè khác sau khi cải tạo ra, nay thế này mai thế khác!

Trong lúc làm vườn hay ngồi trước hiên nhà với Giang Đông, chúng tôi thường thấy các bạn hữu văn nghệ sĩ Miền Nam cũ – họ hối hả đạp xe từ Sài Gòn hoặc từ các nơi tới thăm Chế Lan Viên hoặc Phan Lạc Tuyên.
Nhà 2 nhân vật này trong gần chợ Tân Hương, bắt buộc đi từ Sài Gòn tới phải qua con đường duy nhất này – phải qua con đường trước cửa nhà tôi!
Có một văn nghệ sĩ cũ , sau khi thăm Chế Lan Viên thì ghé vào thăm Giang Đông – khoe rằng mới mua được tập thơ của Chế Lan Viên với chữ ký đề tặng của tác giả. Những người này kính cẩn tin rằng những gì Chế LanViên viết và “phán ra đều là tốt đẹp cả”.Thấy bạn bè ca tụng Chế Lan Viên như thần tượng nên một hôm Giang Đông nói với tôi:
– Anh có dự định sẽ gặp Chế Lan Viên trong tuần tới để biết rõ hư thực về hắn ta, chứ không nghe bạn bè nói lại nữa!
Một buổi chiều cuối năm, trời Sài Gòn hơi lành lạnh! Giang Đông bảo tôi:
– Em ạ! Em ở nhà nấu cơm nhé, nhớ mua rau muống Thủ Đức, ngọn nhỏ non, sào với tỏi tươi và chiên cho anh con cá sặt khô, mua cho anh 1 chai bia 33 chai nhỏ mới ngon. Mọi khi anh buồn hay sang nhà anh Mười uống đế... nhấm nháp với xoài xanh, xót bao tử lắm. Anh đi đây trongvòng 2 giờ là anh về ăn cơm tối là vừa.
Tôi làm theo lời Giang Đông dặn, sửa soạn nấu cơm vừa xong thì Giang Đông đạp xe đạp về tới. Vẫn cái thân gầy gò đạp cái xe đạp cũ kỹ đang từ đầu ngõ lăn bánh. Tôi vội ra mở cái cổng tre thật rộng để anh đạp thẳng xe vào hiên cho khỏi dơ giày.
Với dáng buồn buồn anh hỏi tôi:
– Có cơm chưa em? Dọn cơm ăn anh sẽ vừa ăn vừa kể em nghe cuộc anh gặp gỡ Chế Lan Viên mới thú vị hơn. Em có tin là anh vừa từ nhà hắn về không...!
Tôi vội trải cái chiếu hoa xuống nền nhà xi măng. Rồi mở lồng bàn bưng mâm cơm xuống đặt giữa chiếu. Giang Đông cũng vội xuống bếp bưng nồi cơm bỏ vào cái rế rồi bê lẹ lên. Tôi mở vung, cơm trắng chín tới nấu bếp củi, thơm ngon lạ. Giang đông mở nắp bia... bia ủi bọt... Quả thật lâu lắm mới có bữa cơm ngon. Các con tôi đã ăn trước để còn học bài làm bài! Chúng ở phòng bên cạnh. Còn hai vợ chồng ngồi ăn tự do trò truyện. Giang Đông bảo:
– Để anh ngồi đối diện vừa ăn uống anh vừa kể mới diễn tả hết được những gì Chế Lan Viên trả lời anh. Chứ không ngồi kề đùi như mọi khi kể, em không hiểu hết đâu!

Giang Đông kể và diễn tả bằng điệu bộ để cho tôi hiểu rõ:
– Anh đến nhà Chế Lan Viên, anh không đi một mình mà ghé rủ ông Tuyên đi cùng để tạo không khí thoải mái để hắn không đóng kịch như hắn đã từng đóng kịch với bao văn nghệ sĩ Miền Nam. Và anh cũng muốn biết thái độ của ông Tuyên trước các ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO của ông ấy. Ông Tuyên bảo anh bỏ tiền ra mua 1 gói trà thơm. Anh tính mua thêm mấy cái bánh đậu xanh nữa. Nhưng ông Tuyên bảo: “Chú đừng mua vì tội gì tốn tiền nhất là lỡ hắn ăn vào đau bụng đi té re thì cả 2 anh em mình đi tù đấy!” Nên anh chỉ mua đúng 1 gói trà thơm thôi. Ông Tuyên cười hì hì... và không bao giờ ông ấy bỏ 1 đồng dù ông ấy ăn lương cán Bộ A. Còn anh mới ra khỏi cải tạo thế này! Khi vào tới nhà Chế Lan Viên, Tuyên thưa: “Dạ, xin chào anh. Anh có khoẻ không?! Hôm nay tôi đến thăm anh và nhân thể có chú em ruột cũng đòi đi tới thăm anh luôn!” Ông Tuyên bắt tay Chế Lan Viên và chỉ qua anh. Anh cũng lịch sự đưa tay bắt và giới thiệu: “Thưa anh, em là Phan Lạc Giang Đông, làm thơ viết văn ở Sài Gòn trước năm 1975”.
Mình cũng coi hắn là đàn anh vì hắn là đồng chí của ông Tuyên. Thế rồi hắn đi nấu nước pha trà. Hắn lấy mấy cái bánh chè lam, giới thiệu là bánh mang từ Hà Nội vào. Anh cũng nhâm nhi và nói chuyện tay ba. Ông Tuyên cũng không ngờ là anh đã trưởng thành ở Miền Nam nhanh như vậy. Vì lúc ông Tuyên tham gia vào cuộc đảo chánh ông Ngô Đình Diệm thì anh còn đang học chưa hết cấp 2, ngu ngơ đâu đã biết gì đâu! Thôi thì đủ thứ chuyện thảo luận. Từ chuyện văn nghệ đến chuyện chiến tranh... Cả 2 giờ đồng hồ... Tới khi sắp ra về, anh muốn biết rõ thái độ của Chế lan Viên và Phan Lạc Tuyên xem thế nào, anh hỏi: “Thưa 2 anh, xin phép 2 anh cho em được có ý kiến như thế này, là theo truyền thống của tổ tiên dân tộc mình thì mỗi lần có chiến tranh xong thì toàndân phải đoàn kết để xây dựng đất nước. Vậy theo em cả 2 miền Bắc – Nam phải bỏ hận thù để xóa vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước!” Khi anh vừa nói dứt câu đó thì mặt ông Tuyên đỏ gay và cười mỉa mai. Còn Chế Lan Viên thì giận dữ ra mặt, hai hàm răng hắn nghiến lại. Hắn nhìn thẳng mặt anh và chỉ vào cái thẹo ở ngay cổ tay hắn (Không hiểu vết thẹo này do đâu và từ bao giờ) và trả lời: “Anh bảo sao?! Chúng ta quên hận thù và xóa vết thương chiến tranh à! Quên làm sao được hận thù! Hận thù này là do các anh gây ra mà, chúng tôi quên làm sao được. Và vết thương chiến tranh thì cũng chính các anh gây ra mà. Đây! tôi ví như cái vết thẹo ở trên tay tôi đây – hắn chìa tay cho anh coi cái vết thẹo – Nếu bây giờ đi giải phẫu thẩm mỹ đi chăng nữa thì vết thẹo này vẫn còn. Và anh bảo nước ta đã thống nhất và hòa bình thì chưa có đâu. Chúng tôi còn đang phải đối đầu với một cuộc chiến tranh về tư tưởng! Tụi ngụy chúng đang tìm đủ mọi cách để đánh phá cách mạng trên mặt trận văn hóa và tư tưởng. Chúng có mặt trên khắp thế giới. Ông Tuyên đứng lên đi đi lại lại và tiếp lời: “Tôi đồng ý với anh Chế Lan Viên: Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu. Cuộc chiến đấu này còn cam go hơn cuộc kháng chiến cũ. Vì nó không rõ ràng trận tuyến như đánh nhau bằng súng đạn khi xưa.

Giang Đông ngừng kể, anh hớp một hớp bia nhưng có phần như nuốt cay đắng!
Giang Đông tiếp:
– Đấy em thấy chưa! Vậy mà cái lũ bạn anh vẫn ngây thơ cứ tưởng rằng những thằng văn nghệ cộng sản cũng có trái tim như mình! Anh rất tiếc không sao giải thích cho bạn bè anh hiểu được! Có những đứa ngây thơ đến ngớ ngẩn. Em nghe đó là lời nói từ cửa miệng của những thằng cộng sản đã có máu mê nghệ sĩ mà còn gay gắt như thế, huống chi những thằng cộng sản đơn thuần khác thì chúng hận thù như thế nào. Anh biết: anh em với ông Tuyên chẳng qua định mệnh nghiệt ngã đã sinh ra chung bố mẹ thôi! Ông ấy không coi anh là ruột thịt mà sẵn sàng cho anh vào tù bất cứ lúc nào! Không đồng tư tưởng chính trị là khó lắm – dù anh em hay bố con ruột thịt!
Giang Đông nói xong, cầm chai bia nốc cạn một hơi rồi nằm lăn ra chiếu. Sự mệt mỏi và sự tuyệt vọng của anh đã quá độ! Tôi để yên anh ngủ, khẽ lấy cái chăn đơn đắp cho anh. Và chắc chắn trong giấc ngủ còn chập chờn kẻ thù còn đầy rẫy, chưa thoát được. Kẻ thù từ người anh ruột và từ tứ phía bủa vây!

THƯ KHANH
Seattle September 15 Th- 2002

1 nhận xét:

Nguyễn Văn Thắng nói...

Chào cô Thư Khanh,

Tôi vừa được anh bạn chuyển cho 1 email với bài viết của cô. Tôi ở tù VC chung với anh Đông trong trại tù Trãng Lớn, khi về tôi cũng có một vài công chuyện nhờ đến anh Đông nên có đến nhà ông cụ thân sinh tại khu ngã Ba Ông Tạ. Tôi mong có cơ hội hỏi thăm cô nhiều về anh Đông nếu cô đọc được nhận xét này. Email của tôi ở dưới đây : Văn Thắng, email : baqueo18@yahoo.com.

Trân trọng chào cô.