phần 1 Sài Gòn 1970... Bà Hoàng Lý đưa mắt nhìn qua cửa sổ, trước mặt bà là cảnh dòng sông vắng lặng, hoàng hôn đang xuống dần, mặt trời đỏ ối đang từ từ khuất sau rặng cây, những lớp sóng vàng rực chạy lăn tăn xa tít tới tận cuối chân trời. Hoàng hôn trên sông đẹp tuyệt. Được ngắm sông là cái thú duy nhất của bà, kể từ ngày ông Hoàng Lý qua đời. Bây giờ bà ngồi đây một mình, trên ghế bọc nhung, trên ban công lầu bốn của một biệt thự sang trọng bậc nhất Sài Gòn, ngôi biệt thự hiếm hoi chen giữa những khách sạn tối tân, những khu công xưởng đồ sộ, những nhà hàng ăn sang trọng ngay trên bờ sông. Bên kia sông là khu Nhà Bè, thôn xóm hẻo lánh, những con đò muộn vẫn còn tiếp tục đưa đón khách qua sông, những ánh đèn dầu le lói, những mái chèo khua nước... Cảnh thanh bình và đẹp quá, nhưng cảnh cũng gợi nỗi sầu cô đơn của người góa phụ còn trẻ tuổi, và giàu có.
<!>
Bảy năm trước, khi ông Hoàng Lý qua đời, một mình bà đã đứng ra quản trị cái gia tài hàng trăm triệu của hai vợ chồng một cách can đảm. Bà nhanh nhẹn, xông xáo, bà thành thạo, kinh nghiệm, cái kinh nghiệm đúc kết của 15 năm sát cánh bên chồng, đã giúp bà vượt qua những khó khăn của bước đầu một cách dễ dàng. Hãng thầu đứng vững một thời gian, rồi bắt đầu phát triển mạnh. Tiền bạc vô như nước, tiền bạc đem lại cho bà một cuộc sống huy hoàng, nhưng tiền bạc không đem lại hạnh phúc. Bà cảm thấy cô đơn vô cùng, nhất là từ khi cô Hoàng Cúc, đứa con gái duy nhất của bà và ông Hoàng Lý xa rời gia đình, lên đường qua Pháp du học. Bà thấy cuộc đời bà sao thê lương, thời gian dường như dài vô tận, và không gian sao trống vắng lạ lùng. Công việc tuy bận rộn, cũng chỉ chiếm của bà một phần ba thời giờ, hai phần bà thời giờ còn lại, bà không biết dùng vào việc gì. Mỗi buổi chiều, một mình trong căn nhà rộng lớn, khi hai mẹ con người giúp việc đã về phòng riêng, đi ngủ sớm, bà thường nhắc ghế ra ngồi ngoài bao lơn, ngắm nắng chiều tàn dần. Khi bầu trời tối đen, bà mới quay vô giường. Không thể ngủ được, bà với tay lấy một cuốn tiểu thuyết, đọc để giết thì giờ. Những nhân vật trong truyện đưa bà vào một thế giới khác, thế giới của tình yêu, thế giới của những khát vọng mà bà đang phải cố gắng dập tắt... Tiểu thuyết mà không có ái tình, sao gọi là tiểu thuyết? Bà không có hứng thú đọc những sách khoa học. Thở dài, bà gấp sách lại, đưa mắt nhìn lên bàn thờ chồng. Trong ảnh, ông Hoàng Lý nhìn lại bà đăm đăm, ánh mắt băn khoăn như thầm xin lỗi ông đã bỏ bà góa bụa quá sớm, ở vào cái tuổi 38, là cái tuổi mà người đàn bà nào cũng đang thèm khát yêu đương...
Bà Hoàng Lý ở vậy thờ chồng. Mỗi lần Tết đến, bà buồn rầu thấy tuổi xuân qua mau. Cho tới một hôm, bà nhận được thơ của cô Hoàng Cúc có kèm tấm ảnh chụp chung với người bạn trai, bà mới bàng hoàng nhận thấy con bà đã trưởng thành lúc nào không hay. Cô Hoàng Cúc đã 23 tuổi, và bắt đầu có cuộc sống riêng tư, cô sắp ra khỏi bàn tay bảo bọc của bà.
Thời gian có níu cũng không thể được, bây giờ bà mới thật hoàn toàn cô đơn. Bà nghĩ lại những hy sinh của bà từ trước tới nay, tự hỏi có ích gì không chứ? Mãn tang chồng, bà còn trẻ và có nhan sắc, nhiều đám ngấm nghé, vì bà dùng dằng nên đã để lỡ cơ hội. Bây giờ họ đã có gia đình riêng cả. Vài người còn giữ liên lạc, họ đưa vợ con tới thăm bà, coi nhau như bạn thân. Nhìn hạnh phúc của họ, bà không khỏi tủi thân, tiếc thầm đã để tuổi xuân đi qua một cách phí phạm.
Vừa khi đó, thì Trần Tôn xuất hiện đúng lúc. Bà Hoàng Lý là triệu phú, cả Sài Gòn ai chẳng biết danh, còn Trần Tôn chỉ là tài tử phụ của hãng phim Mỹ Tân, đóng xong một phim thì tên tuổi tắt ngấm, đâu có gì lạ, bởi vì ngoài cái mã bảnh trai, Trần Tôn không có tài cán chi cả, đương nhiên hắn bị sa thải. Trong lúc bơ vơ sắp chết đói, thì cơ may đến với hắn: hãng Mỹ Tân tổ chức một buổi tiệc ra mắt phim mà Trần Tôn là tài tử phụ, và bà Hoàng Lý là nhà mạnh thường quân đỡ đầu cho hãng phim về mặt tài chánh. Hai người sẽ có dịp gặp gỡ, thế là bộ óc xảo quyệt của hắn nghĩ ngay ra một kế hoạch. Từ lâu, hắn nghe danh người góa phụ giàu có, nhưng cô đơn, trong đầu hắn nẩy ra một âm mưu hắc ám.
Mới đầu, hắn chỉ dự tính gặp bà Hoàng Lý để xin một việc làm, một chân tùy phái chẳng hạn, tại hãng thầu của bà, xong rồi, mọi giai đoạn khác sẽ tuần tự tính sau. Không ngờ, cơ may của hắn đến quá bất ngờ, nên hắn đốt giai đoạn khá nhanh.
Suốt buổi tiệc, chỉ có một lần, bà Hoàng Lý để ý tới hắn, một người đàn ông suốt buổi lầm lì, không nói với ai một lời. Sự chú ý của bà chẳng qua cũng chỉ vì tò mò, chỉ có thế. Buổi tiệc tan, mọi người lần lượt ra về hết, nhưng hắn vẫn ngồi đấy, kiên nhẫn chờ đợi... Bà Hoàng Lý ra về sau chót, bà vừa uể oải đứng dậy, thì hắn nhanh nhẹn tiến ngay đến trước mặt bà, từ tốn nói:
- Để tôi đưa bà về.
Bà Hoàng Lý ngạc nhiên, bà vốn không ưa giao thiệp với những người đàn ông còn quá trẻ. Nhưng ánh mắt của hắn, ánh mắt vừa van lơn, vừa dữ tợn, khiến bà ngần ngại:
- Cậu là ai?
Hắn mỉm cười:
- Tôi có nói bà cũng chẳng biết. Vắn tắt, tôi là một người cũng cô đơn như bà, hai chúng ta cùng chung cảnh ngộ.
Hắn nói hai tiếng "chúng ta" một cách tự nhiên, làm như hai người đã từng quen biết thân mật từ lâu. Bà cảm thấy một chút bực dọc, một chút tự ái, vì hắn đã dám nói thẳng, nói đúng tâm sự của bà. Nhưng bà mệt lắm rồi, không còn hơi sức đâu mà bắt lỗi, bà chỉ thì thào thật nhỏ:
- Nhưng tôi không biết cậu...
- Có chứ! Hắn dịu dàng, chúng ta đã chẳng biết nhau suốt ba tiếng đồng hồ rồi còn gì? Tôi chờ mãi giây phút này, để tôi đưa bà về.
Bà Hoàng Lý còn đang ngập ngừng toan từ chối, nhưng những người bồi nhà hàng đã đi vào phòng tiệc để dọn dẹp, họ có vẻ sốt ruột.
- Thôi mình về, để họ còn đóng cửa.
Trần Tôn dục, hắn nắm lấy tay bà kéo ra cửa. Bà Hoàng Lý không muốn cưỡng lại, bà đã ngà ngà say, hơi thở và mặt mũi bà cùng nóng bừng. Bà buồn ngủ lắm rồi, mọi vật chỉ còn chập chờn trước mắt. Trong bữa tiệc, bà đã uống khá nhiều rượu, bà cố uống cho say để quên sầu, để khỏi tỉnh mà cảm thấy cô đơn khi trở về nhà, một mình trong ngôi biệt thự lớn, vắng vẻ. Giờ đây, vòng tay hắn ấm áp quá, vững vàng quá, bà cảm hấy nhỏ bé, yếu đuối vô cùng, bà dựa vào hắn mà bước những bước run rẩy. Hắn là ai cũng mặc, bà cần người đưa về, người tài xế bà đã cho về từ lâu, còn bà thì không đủ tỉnh táo để lái xe một mình. Cứ thế, Trần Tôn đưa bà ra xe, hắn ngồi vào chỗ tay lái. Gió đêm mát rượi, bà Hoàng Lý ngủ thiếp trên suốt quãng đường về nhà.
Thế rồi việc gì phải đến, đã đến, bốn tháng sau, một đám cưới đơn sơ diễn ra tại một nhà thờ nhỏ, cô dâu 45 tuổi, chú rể mới vừa 30. Sự quá chênh lệch về tuổi tác, địa vị, khiến họ không dám tổ chức cưới hỏi rình rang, nhưng cần gì, nắm được tờ hôn thú trong tay, Trần Tôn đã thành công bước đầu trong chương trình của hắn. Cô Hoàng Cúc không về dự đám cưới, nhưng có gởi quà và thư chúc mừng mẹ. Cô không có ý kiến, cũng không phản đối cuộc hôn nhân này, mặc dù ông bố dượng chỉ hơn cô con ghẻ có tám tuổi. Cô thương mẹ góa bụa, cô đơn bấy lâu nay, và chỉ mong bà có được hạnh phúc.
Hai tháng sau ngày cưới, Trần Tôn bảo vợ:
- Anh nghĩ mình nên rời khỏi thành phố này, với những con người hẹp hòi, đầy những thành kiến. Họ hiểu thế nào là tình yêu? Ở bên Âu Mỹ, chồng kém tuổi vợ là chuyện rất thường. Ở đây, họ xầm xì bàn tán, khó chịu quá.
Bà Hoàng Lý đồng ý, nhưng còn ngần ngại:
- Em cũng không thấy thoải mái, vì cứ phải coi chừng dư luận. Nhưng biết làm thế nào bây giờ? Gia tài sự nghiệp, cơ sở làm ăn của em đều ở đây cả mà.
- Chính vì vậy, mà ở đây ai cũng biết chúng ta, mình làm gì họ cũng phê bình. Ta về tỉnh khác, chẳng ai để ý, anh sẽ giúp em gây dựng lại. Phải nghĩ đến hạnh phúc của mình trước hết, em ạ.
Nói xong, hắn cúi xuống hôn vào cổ vợ. Ba Hoàng Lý rùng mình, nhắm mắt lại, Trần Tôn nâng bổng vợ đặt xuống giường. Hắn là người từng trải, nhiều kinh nghiệm trong tình trường, trong vòng tay đam mê của hắn, bà Hoàng Lý quên cả trời đất, bà thấy hắn tuyệt vời quá, và cái gì hắn nói ra cũng đều có lý. Trần Tôn lại thì thầm:
- Phải không em? Hạnh phúc của chúng mình là tất cả.
Sáu tháng sau, hai vợ chồng biến mất khỏi Sài Gòn, họ về Đà Nẵng lập nghiệp. Những cơ sở làm ăn của bà Hoàng Lý đều được chuyển về Đà Nẵng cả. Nhưng có khác ở một điểm là lần này, trên những giấy tờ cổ phần, trái phiếu, đều để tên cả hai vợ chồng, không phải một mình tên bà Hoàng Lý như cũ.
- Đến thân thể còn là của chung, sao tiền bạc lại là của riêng, em nhỉ?
Trần Tôn âu yếm nói với vợ như thế, và bà Hoàng Lý miễn cưỡng gật đầu. Về Đà Nẵng, Trần Tôn nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông của hầu hết các cơ sở kinh doanh của vợ. Tên hắn được tô đậm trên tất cả các bảng hiệu. Người mới, việc mới, chả ai biết đến gốc gác của hắn. Trần Tôn trở thành nổi bật, mọi người chỉ biết đến ông chủ. Bà Hoàng Lý trở thành một cái bóng mờ bên cạnh chồng, mặc dù ai cũng khen bà tốt số, được chồng chiều chuộng hết mực. Trần Tôn cưng vợ thật, không để cho vợ làm gì cả, bà đến hãng, thì ông gạt đi mà rằng:
- Em về nhà đi, tới đây mà làm gì? Công việc đã có anh lo, em để thì giờ mà nghỉ ngơi, và trau dồi nhan sắc, có phải hơn không? Đàn bà chỉ thích hợp với công việc nội trợ.
Bà kêu lên phản đối:
- Trời, sao anh nói thế? Em đâu phải là người đàn bà chỉ biết có nội trợ? Chính em đã góp phần lớn vào công việc tạo dựng nên cái tài sản này.
Trần Tôn quắc mắt lên, nhưng rồi lại tươi cười:
- Anh biết khi trước em vất vả lắm, nhưng bây giờ đã có anh, hãy để cho anh đóng góp. Bây giờ em đã có chồng, cứ để chồng lo cho em, và nếp sống phải đổi khác đi, em ạ.
Hắn đổi sang giọng đùa cợt:
- Hay là em không tin anh? Em sợ anh làm hao hụt tài sản của em, của chúng ta? Không đâu bà chủ, nếu có hao hụt thì chính tôi cũng chịu thiệt thòi, vì bây giờ tất cả cái gì của em, của tôi... cũng đều là của chung. Phải thế không?
Trần Tôn nói xong thì cười lên một tràng dài. Bà Hoàng Lý rùng mình, cúi mặt xuống, trốn tia nhìn của hắn, tia mắt sắc lạnh đó lúc nào cũng làm bà nổi gai ốc. Từ đó, bà cứ tăm tắp làm theo ý của hắn, vì bà không muốn hắn giận dữ. Trần Tôn khôn ngoan, áp đảo tinh thần của vợ xong, hắn lại âu yếm vỗ về:
- Của chồng, công vợ. Trường hợp của chúng mình đổi ngược lại, chính vì anh không có của, nên em phải để cho anh góp công, thì anh mới không có mặc cảm ăn nhờ ở vợ.
Bà Hoàng Lý thở phào, và lại thấy tội nghiệp chồng, thì ra bấy lâu nay, ông vẫn có mặc cảm, và bây giờ mới thố lộ cho bà biết. Bà cảm động đến ứa nước mắt khi nghe ông thổ lộ tâm sự. Trần Tôn hôn lên đôi mắt đẫm lệ của vợ, và thề nguyền sẽ yêu thương, gắn bó với bà cho đến lúc chết. Điều này thì hắn không nói dối, vì hắn đã quyết định người phải chết trước và chết sớm, chính là bà Hoàng Lý. Nhưng cái gì cũng phải từ từ, đi đâu mà vội? Con cá nằm trên thớt, chạy đi đâu cho thoát? Vội vã không khéo xôi hỏng, bỏng không hết, Trần Tôn còn cần cái chúc thư của vợ nữa, và hắn đang thảo kế hoạch.
Ở bên Pháp, cô Hoàng Cúc vẫn đều đều nhận được thư mẹ. Bà nói rất ít đến cuộc sống riêng tư của bà với người chồng chắp nối sau này. Thảng hoặc, cô có viết thơ hỏi thăm, thì bà trả lời rất vắn tắt là bà rất hạnh phúc. Nhưng trong lời lẽ của mẹ, cô nhận thấy mẹ đang có điều gì lo lắng, bất an. Bà dặn dò cô về những tài sản mà cô sẽ được lãnh sau khi bà chết, những bất động sản đứng tên cô từ khi ông Hoàng Lý còn sống, ông làm chúc thư cô sẽ thừa hưởng khi đủ 24 tuổi, và một số tiền trong chương mục dành riêng để chuyển dần sang Pháp cho cô ăn học. Những món tiền này, bà dấu rất kỹ và Trần Tôn hoàn toàn không biết đến. Cô Hoàng Cúc buồn cười cho cái tính hay lo xa của mẹ. Ở tuổi mới 48, và chẳng đau yếu, bệnh tật gì cả, mà bà ăn nói như người đang trăn trối...
Thế nhưng, đùng một cái, cái tin bà Hoàng Lý chết bất đắc kỳ tử, trong một tai nạn giao thông, làm cô rụng rời. Cô vội vã về nước đưa đám ma mẹ, trong lòng đầy nghi vấn. Đây là lần đầu tiên cô thấy mặt ông bố dượng. Sau này, cô còn gặp ông ta một lần nữa, trong một trường hợp thật hy hữu, đó mới là lần cuối cùng.
Báo chí địa phương đăng một mẩu tin nhỏ: vợ nhà thầu khoán Trần Tôn tử nạn trong một tai nạn xe hơi, do chính bà cầm lái. Bốn mươi lăm phút trước khi xảy ra tai nạn, bà Hoàng Lý nhận được một cú điện thoại viễn liên gọi tới, và bà lập tức đi liền. Ba mươi phút sau, trên đường ra phi trường, thì xảy ra tai nạn. Chiếc xe Caldilac, do chính bà cầm lái, bỗng tự nhiên bị đứt thắng, và cứ thế lao vùn vụt xuống vực thẳm. Bà Hoàng Lý chết tan xác, và chiếc xe nổ tung. Không ai biết cú điện thoại nói gì, và chỉ có một chi tiết hơi lạ, là chiếc xe mới mua được vài tháng, còn mới toanh, thế mà Trần Tôn đã hì hụt mất cả buổi, để xem lại máy móc trước khi giao cho vợ. Còn người tài xế đã bị ông chủ cho nghỉ việc trước đó ba ngày, chỉ vì một lỗi rất nhỏ là tới đón ông trễ mất nửa giờ. Không ai biết được những chi tiết đó cả, trừ bà Hoàng Lý, người đã chết.
Tai nạn xảy ra trong lúc Trần Tôn vắng nhà từ chiều hôm trước. Được điện tín báo tin, ông hấp tấp mua vé máy bay trở về, và chỉ còn nước ôm xác vợ khóc thảm thiết. Thấy ông vật vã, đau khổ quá, mọi người đều bùi ngùi thương cảm, cho rằng ông quá thương vợ. Chỉ trừ một mình Hoàng Cúc, cô nhìn bố dượng bằng cặp mắt nghiêm khắc, và nói như mỉa mai:
- Dượng không cần làm quá ra như vậy mà làm gì? Đàng nào mẹ tôi cũng mất rồi.
Cô chỉ nói thế, bằng một giọng rất nhẹ nhàng. Nhưng khi ngẩng lên, bắt gặp tia nhìn của đứa con riêng của vợ, Trần Tôn không khỏi rùng mình, cô Hoàng Cúc giống mẹ như đúc, nhất là cặp mắt... Trần Tôn dụi mắt, không, không phải cô Cúc, mà chính là cặp mắt của bà Hoàng Lý! Cặp mắt đó không trong sáng, dịu dàng như lúc bà còn sống. Giờ đây, cặp mắt đó chứa đầy những tia hận thù, đang quắc lên, chiếu thẳng vào mặt ông, và một giọng nói vang lên, sát ngay bên tai, nghe rõ mồn một:
- Sát nhân sẽ giả tử, ha ha ha...
Tiếng cười lanh lảnh như vang lên từ cái xác nát bấy đang nằm bất động trên bàn liệm. Trần Tôn kinh sợ rú lên một tiếng, hắn đi giật lùi ra khỏi phòng, và ôm đầu chạy trốn trước vẻ mặt ngơ ngác của mọi người. Họ bảo nhau:
- Tội nghiệp, ông ấy đau khổ quá đến quẫn trí.
Người nhà quàng đậy mặt xác chết lại, và bắt đầu cho nhập quan.
Sau cái chết của vợ, Trần Tôn buồn rầu chẳng thiết làm ăn gì nữa, ông bán hết các cổ phần, cơ sở kinh doanh, thu thập tiền bạc ở ngân hàng... được một số vốn khổng lồ, rồi mặc sức ăn chơi.
Thời cuộc biến đổi, chỉ mấy tháng sau đó, Việt cộng mở cuộc đại tấn công: Đà Nẵng, Qui Nhơn, Huế, Quảng Trị rồi Ban Mê Thuột thất thủ, thiên hạ đổ xô vào Sài Gòn. Rồi Sài Gòn cũng đầu hàng, một số người may mắn thoát ra ngoại quốc lánh nạn. Trần Tôn Lẫn lộn vào đám đông người chạy trốn đó, không ai biết ông ta đi đâu. Cô Hoàng Cúc hoàn toàn mất tin tức về ông bồ dượng từ đấy, ông bố dượng mà cô biết chắc là thủ phạm đã giết mẹ cô trong một âm mưu tinh vi, không để lại bằng cớ, và cô đã thề nguyền trước vong linh của mẹ là sẽ trả thù cho kỳ được.
Phần 2- Ngoại ô Paris 1986
Họ là hàng xóm ở phía sau nhà tôi. Gọi là hàng xóm cũng không đúng lắm, vì bởi vì hai dãy nhà quay ra hai mặt phố khác nhau. Chung cư nơi họ ở, nằm đâu lưng với dãy nhà hai tầng, nơi chúng tôi cư ngụ, chỉ cách có một công viên nhỏ. Chung cư này chỉ dành cho những gia đình ít người, vì chỉ có một phòng khách và một phòng ngủ, cả hai phòng đều có cửa sổ trổ ra phía công viên trồng đầy hoa, và những cây tường vi cho nhiều bóng mát. Tường vi là một loại cây nhỏ, lá lăn tăn lớn hơn lá me, vào mùa hè, tường vi trổ đầy hoa đủ màu rất đẹp.
Công viên chạy dài suốt dọc khu phố, nhưng hẹp, bề ngang chỉ độ hơn ba chục thước. Vì hẹp như thế, nên hai dãy nhà đâu lưng, đứng ở cửa sổ trên lầu của dãy nhà bên này, có thể nhìn thấy sinh hoạt phía sau của dãy bên kia một cách dễ dàng. Đây là một khu trung lưu ở ngoại ô Paris, chỉ cách Paris khoảng hơn trăm cây số, và có xe metro đi khắp các nơi, rất tiện. Nơi đây không ồn ào, đông đúc như Paris, và nhà cửa cũng tương đối rẻ, nên nhiều người mặc dù có công việc làm ở Paris, hoặc những vùng phụ cận đông đúc khác, thường thích vể đây ở, để được hưởng cái thú tĩnh mịch, và không khí mát mẻ, hơi có vẻ đồng quê của vùng này.
Chung cư phía sau nhà tôi là một cao ốc có 6 tầng lầu, nhưng chỉ 5 tầng là có người ở, tầng thứ 6 đang xây cất dở dang. Những người ở trong chung cư này, tôi không biết mặt nhiều lắm, phần vì đời sống kín đáo, phần vì họ ở khác phố, chỉ trừ một số ít gia đình ở mặt sau của chung cư. Những người này thường hay đi ngang nhà tôi, hoặc tới công viên hóng mát. Trong số những người này, tôi được biết một bà trung niên, người da trắng, thường hay dắt chó đi dạo. Con chó nhỏ của bà ta màu trắng, lông quăn rất dễ thương.
Tôi được dịp quen với bà ta, khi một hôm tôi đẩy xe cho đứa con tari hai tuổi của chúng tôi đi dạo. Bé Sơn làm rơi quả banh nhỏ bằng cao su, và con chó của bà ta chạy tới ngoạm lấy, tha đi mất. Bà ta đã tới, đích thân xin lỗi và đưa trả quả banh. Tôi thừa dịp làm quen, và được biết tên bà ta là Marguerite Traton. Bà Traton có vẻ không được khỏe, nước da vàng vọt và rất gầy ốm, chắc bà ta mắc bệnh gan. Trông bà yếu đuối, tưởng gió thổi cũng ngã, và luôn luôn khoác áo len, cho dù trời nóng hay lạnh. Bà ta ít nói, nét mặt rầu rĩ lúc nào cũng như người đang suy tư, hoặc có việc gì lo nghĩ. Bà ta hay đi dạo vào những giờ giấc không nhất định. Tỉnh thoảng có gặp tôi, bà chỉ kín đáo cúi chào, hoạc hơi mỉm cười, chứ không bao giờ dừng lại để nói chuyện.
Bẵng đi một dạo, không thấy bà ta tới công viên, tôi đoán bà ta đang đau hơn là mắc bận. Hai vợ chồng bà ta không có con, họ ở căn giữa của tầng lầu thứ 5, phía sau chung cư, ngay phía dưới của tầng lầu đang xây cất dở dang mà những tiếng động ầm ầm, tiếng búa đập, tiếng cưa, tiếng nện ình ình của công việc xây cất, thường làm khuấy động sự yên tĩnh của khu phố. Tôi thấy tội nghiệp cho những người ở tầng dưới, làm sao họ có thể chịu đựng nổi ngần ấy tiếng động ngay trên đầu họ? Nhất là bà Marguerite có vẻ đang đau yếu, tôi có thể nhận thấy từ xa, dáng đi siêu vẹo, hai tay ôm ngực và điệu bộ mệt mỏi. Đôi khi tôi thấy bà ta ngồi gục đầu bên cửa sổ. Họ thường để đèn tới 10, 11 giờ khuya, chắc ông chồng thức coi TV, hoặc làm sổ sách vào ban đêm. Có lần tôi thấy ông ta thức gần như suốt đêm. Đêm đó bé Sơn giật mình khóc đêm, và tôi thức dậy lúc 2 giờ khuya, đèn bên nhà họ vẫn còn sáng, và bóng ông ta đi qua, đi lại bên trong.
Nằm thao thức một hồi vẫn chưa ngủ được, 5 giờ sáng, tôi trở dậy, thấy ông ta vẫn còn thức và đang đứng ở cửa sổ, dáng điệu lo lắng. Có thể bà vợ đang đêm trở bệnh, và ông ta phải thức để canh chừng. Chắc suốt đêm ông ta không ngủ được tí nào. Vài tiếng đồng hồ nữa, thợ sẽ tới làm việc, và những tiếng động lại vang lên, làm phiền họ. Lắm lúc tôi tự hỏi sao họ không dọn đi nơi khác? Ở vào địa vị bất cứ người nào có người vợ đau yếu như thế, nhất định chỉ một ngày cũng không ai chịu nổi.
Bây giờ ông ta đang đứng bất động, nhìn thẳng về phía trước. Tôi chưa thấy người nào có thể nhìn cố định vào một chỗ lâu như thế, cái công viên vắng vẻ này có gì là lý thú? Nhưng lối nhìn của ông ta có vẻ dò xét, hay tôi chỉ tưởng tượng? Khi người ta lo nghĩ, người ta có thể nhìn chăm chăm vào một vật, mà không thấy chi cả.
Bất chợt, ông ta quay đầu sang phía tôi. Vội vã, tôi thụt đầu vào để khỏi bị bắt chợt đang nhìn trộm. Tôi tự mắng mình không nên tò mò chuyện gia đình người khác, và đi xuống bếp, cùng với chị giúp việc tên Ngọ, chúng tôi sửa soạn bữa điểm tâm, và thức ăn trưa đem theo cho chồng tôi. Văn phải rời nhà vào lúc 6:45 sáng để ra trạm xe metro đi Paris làm việc.
Văn và tôi đều là bác sĩ của một bệnh viện nhỏ tại Paris. Chúng tôi quen nhau từ thuở còn đi du học ở Pháp. Văn và tôi đều học y khoa, Văn học trên tôi hai lớp, nhưng cùng đi thực tập tại một bệnh viện. Những ngày cô đơn xa xứ, những đêm trực gác chung, chúng tôi thường tâm sự để quên đi nỗi nhớ nhà. Thế rồi tình yêu nẩy nở, và chúng tôi đã kết hôn hai năm sau khi tôi ra trường. Lẽ ra chúng tôi dự tính lấy nhau sớm hơn, nhưng vào năm học chót, mẹ tôi bị tai nạn chết bất thình lình, làm tôi bị khủng hoảng một thời gian dài. Văn kiên nhẫn chờ đợi, an ủi, nâng đỡ tinh thần và đợi cho tôi qua cơn khủng hoảng rồi mới làm đám cưới. Chúng tôi hiếm muộn, nên lập gia đình hơn bảy năm sau, mới sinh đứa con đầu lòng, bé Sơn bây giờ gần được hai tuổi. Khỏi nói cũng biết chúng tôi cưng yêu bé đến chừng nào. Văn nhất định không cho tôi đi làm, chàng không yên tâm giao con cho người giúp việc, mặc dù chị Ngọ là người thân tín, nhưng chỉ là một bà nhà quê, không biết vệ sinh đúng mức, để chăm sóc cho một đứa trẻ sanh thiếu tháng như con của chúng tôi. Văn khuyên tôi nên ở nhà trông con môt thời gian, đợi khi bé Sơn đến tổi đi học rồi sẽ đi làm lại. Lương của Văn đủ để chúng tôi sống một cách thoải mái, tuy không dư giả.
Bây giờ Văn đã ăn sáng xong, hộp đồ ăn trưa đã được chị Ngọ để sẵn trên bàn. Văn vào phòng hôn bé Sơn vẫn còn đang say ngủ, nét mặt bụ bẫm ngây thơ rất đáng yêu. Chàng đứng ngắm con một lát, dặn dò chị Ngọ vài câu, rồi cùng tôi ra xe. Tôi lái đưa chàng ra trạm metro cách nhà vào khoảng ba cây số, rồi trở về ngay.
Văn đi rồi, chị Ngọ dẹp bàn ăn xong, đi chợ bằng xe bus. Tôi lại ra ngồi nơi cửa sổ, chờ con tôi dậy. Bình minh đang lên, mặt trời mới lú lên ở phương đông, chiếu những tia sáng rực rỡ xuống cảnh vật. Chim chóc bắt đầu ca hót, xe cộ dập dìu qua lại, tiếng kèn xe bấm tin tin. Một ngày mới bắt đầu với những sinh hoạt thường lệ, người ta vội vã ra khỏi nhà để đi làm, trẻ con tới trường, đi qua công viên từng nhóm, chuyện trò ríu rít. Bên kia chung cư, thợ xây cất cũng bắt đầu làm việc. Tôi nhìn qua nhà ông ta, cửa sổ phía sau buông mành kín mít, có thể ông ta đã ra ngoài, có thể ông ta vẫn còn ở trong phòng. Căn nhà của họ im lìm, không có một chút sinh khí nào cả.
Chị Ngọ đi chợ về và đang làm cơm. Bé Sơn thức dậy, tôi cho nó ăn sáng, tắm rửa, tay quần áo xong, tôi đẩy xe cho con đi dạo trong công viên, cho tới khi mặt trời lên cao, nắng trở nên gay gắt, mới trở về. Chiều nay, Văn về nhà sớm, ăn cơm chiều lúc 6 giờ, nghỉ ngơi vài tiếng, rồi lại trở vô bệnh viện. Hôm nay, chàng phải trực ca đêm, từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau, mới được về nhà. Trong bữa ăn, chàng hỏi tôi:
- Hôm nay ở nhà có chuyện gì lạ không em?
- Không! Tôi đáp, à mà có, cả ngày hôm nay, em không thấy bà Marguerite đâu cả. Em đưa con ra công viên chơi, và nhìn vào nhà bà ta nhiều lần, nhưng nhà vắng ngắt, không có ai cả.
- Em tò mò chuyện nhà người ta làm gì. Chồng tôi nói, có thể bà ta mệt, nằm trong phòng, không ra ngồi cửa sổ hóng gió như mọi ngày.
Văn nói có lý, bởi vì tấm mành mành che cửa sổ phòng ngủ của họ buông kín mít. Buổi tối, khi Văn đi rồi, tôi thấy ông ta trở về nhà một mình, không thấy bóng dáng bà vợ ra đón như thường lệ. Chị Ngọ đã dọn dẹp xong, và đang ủi quần áo dưới bếp. Tôi cho bé Sơn bú sữa xong, đặt nó vào giường, và tắt đèn cho nó dễ ngủ. Ở trong bóng tối, tôi lại nhìn sang bên kia, quan sát hắn. Không hiểu sao, tôi có một cảm giác rất lạ rằng hắn đang có một hành tung bí mật. Chắc hắn đã làm một việc gì mờ ám, việc gì tôi chưa biết được, nhưng chắc chắn có liên quan đến bà vợ của hắn.
Bây giờ hắn đang đứng ở cửa sổ, nhìn vào khoảng không. Lần này, hắn không nhìn vào một chỗ cố định như đêm hôm qua, mà hắn nhìn bao quát một vòng tất cả những khung cửa sổ của các nhà chung quanh, với một vẻ hoài nghi. Ánh sáng của ngọn đèn phía sau, không soi được mặt hắn, nhưng đủ sáng để tôi có thể nhìn thấy hướng xoay đầu của hắn. Tôi nín thở, ngồi im không nhúc nhích, khi đầu hắn xoay hướng về phía cửa sổ tôi đang ngồi. Hú vía, hắn đã quay đi chỗ khác! Tôi tự hỏi vì lẽ gì hắn có vẻ chú ý đến những khung cửa sổ như thế? Nhưng này, nói người chẳng nghĩ đến ta, tôi chả đang có những hành động y hêt hắn là gì đây? Tôi mỉm cười tự chế diễu, nhưng dần dần, những ý nghĩ so sánh quay trở lại trong đầu. Rõ ràng là có sự khác biệt, bởi vì tôi đâu có vẻ bồn chồn lo lắng như hắn. Hay tôi chỉ tưởng tượng? Một con chim đêm bỗng cất tiếng rúc trên ngọn cây phía công viên, tiếng rúc nghe thê thảm quá làm tôi rùng mình. Tôi quay vào giường, lấy sách ra đọc, tạm quên đi cái gia đình kỳ bí bên kia.
Thời gian qua không biết là bao lâu, có thể 15 phút, hoặc hơn... Chị Ngọ đi vào, hỏi tôi có cần gì thêm, trước khi chị đi ngủ. Tôi lắc đầu, bảo chị ta cứ xuống nhà dưới, đi ngủ đi. Nhưng chị ta vẫn đứng nán lại, vẻ mặt bối rối. Lấy làm lạ, tôi hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Cô có biết như vậy là điềm gì không? Tôi đã chứng kiến nhiều lần rồi, chưa bao giờ sai...
- Chị nói cái gì thế? Tôi không hiểu gì cả.
- Con chim tu hú đó, hồi nãy cô có nghe nó hú không?
- Có, rồi sao?
- Mỗi khi nó hú giống ma khóc như vậy, là thể nào cũng có người chết quanh đây.
Tôi phì cười, vỗ vai chị ta trấn an:
- Không sao đâu. Chị cứ đi ngủ đi, đừng lo.
- Chắc chắn mà. Cô phải tin tôi, vào đêm bà chủ bị nạn, tôi cũng nghe cú kêu ghê rợn như thế.
Tôi thấy nhói nơi tim, Ngọ vừa nhắc chuyện xảy ra 16 năm về trước mà tôi cố gắng muốn quên. Tội nghiệp chị người làm trung thành, đã sống trong gia đình tôi rất lâu năm. Từ khi tôi còn nhỏ, chị đã giúp việc cho cha mẹ tôi. Khi ấy chị chỉ mới 14, 15 tuổi. Khi mẹ tôi mất, chị nghỉ việc, về quê lấy chồng, sanh được hai đứa con, nhưng không nuôi được đứa nào cả. Bị chồng bỏ, bơ vơ không nơi nương tựa, chị liên lạc với tôi, và được tôi bảo lãnh cho sang đây... Tôi thở dài, chị Ngọ trước khi khép cửa, còn nói với lại:
- Cô cũng nên đi ngủ sớm đi.
Tôi gật đầu cho chị ta vui lòng. Ngọ đã đi xuống nhà dưới, chắc chị ta cũng thao thức chưa ngủ được, vì bị ám ảnh bởi tiếng cú kêu hồi nãy, cái chị này hay tin dị đoan quá.
Ngọ đi rồi, tôi ra khép cửa sổ, toan tắt đèn đi ngủ, thì thình lình khựng lại, khi thấy hắn đang kéo một vật gì to lắm đến gần cửa sổ. Tôi chú ý nhìn, thì ra đó là một cái rương lớn, và cái nắp được dựng lên như một cái khung đen. Hắn bắt đầu dồn vào đó những quần áo của đàn bà, tôi đoán thế vì thấy nhiều màu sắc: xanh, đỏ, tím, hồng, toàn là những màu áo của phụ nữ. Đúng rồi, hắn đang gói ghém quần áo của vợ hắn, cho vào cái rương lớn. Xong việc, hắn đậy nắp rương lại, và dùng hết sức đẩy sâu vô trong. Bây giờ hắn lại đi ra cửa sổ, quay đầu quan sát một vòng, từ trái sang phải. Đây là lần thứ ba từ hồi sáng, tôi thấy hắn làm như vậy. Tôi đoán hắn có mặc cảm phạm tội vì một việc làm mờ ám, và phải quan sát xem có ai đang rình hắn không? Nhưng, cũng có thể không có gì cả, chẳng qua chỉ là một thói quen của hắn, và tôi quá giàu tưởng tượng.
Bây giờ thì hắn đang vào với vợ hắn. Có thế chứ, bà ta đang đau nặng, nằm liệt hai ngày không ra khỏi giường. Chắc sắp phải chở đi nhà thương, tôi đoán thế, hắn chẳng sắp xếp rương đồ cho vợ hắn là gì? Bóng hắn đi sang căn phòng ngủ tối om, và tấm mành vẫn buông kín mít suốt ngày hôm nay, cả đêm hôm qua, bây giờ được cuốn lên. Hắn lại quay đầu ra cửa sổ, nhìn một vòng khắp lượt rồi bật đèn lên. Và trời ơi, hắn đang làm gì thế kia? Tôi nín thở khi thấy mặt đệm tung lên, thì ra hắn đang trở mặt đệm. Điều đó chứng tỏ cái giường không có người nằm, vợ hắn không ở trên giường! Một ý nghĩ làm tôi lạnh toát cả người, vợ hắn ốm nặng, được chở đi nhà thương từ hôm qua, hay là bà ta đang nằm trong cái rương kia?
Không hiểu một ma lực nào khiến tôi làm một việc, mà mãi đến sau này, tôi cũng không biết là thông minh hay ngu xuẩn? Tôi tìm quyển điện thoại niên giám để dò xem số phone của hắn. Đây rồi: Tony và Marguerite Traton, Appartement 3, lầu 5, phố Bonapart, điện thoại: 7863-1234. Tôi quay số...
- Alô, tôi nghe đây!
Hắn lên tiếng bằng một giọng miễn cưỡng, rõ ràng là không muốn bị ai quấy rầy trong lúc này. Thật lạ lùng, giọng nói của hắn nghe quen thuộc, tôi có cảm giác hắn không phải là người xa lạ, và chắc chắn đó không phải là giọng của một người Pháp, vì cách phát âm của hắn có accent rất nặng. Tôi nói vắn tắt:
- Cho tôi nói chuyện với bà Marguerite, tôi là bạn của bà ấy.
- Vợ tôi không có nhà. Hắn trả lời dấm dẳng.
- Vậy bà ấy đang ở đâu?
- Đang ở đâu, cô hỏi làm gì? Hắn hỏi lạc cả giọng, cô là ai?
- Đã nói tôi là bạn của bà ấy. Tuần trước, Marguerite có điện thoại cho tôi, nói rằng không được khỏe. Chắc bà ấy đang ở nhà thương phải không? Nhà thương nào vậy, phòng số mấy? Để mai tôi đến thăm.
- Vợ tôi không ở trong nhà thương, bà ấy khá rồi, về quê đổi gió từ hôm thứ hai.
Nói xong, hắn cúp điện thoại cái rụp. Tôi bàng hoàng, rõ ràng là hắn nói dối. Thứ hai, nghĩa là cách đây ba ngày, tôi còn thấy bà ta đứng nơi cửa sổ, dáng liêu xiêu như sắp ngã. Một người ốm nặng như thế, lẽ ra không nên đi đâu một mình. Tại sao hắn phải nói dối? Và nếu vợ hắn về quê thật, thì tại sao giọng của hắn có vẻ sợ hãi đến thế? Và không có lý do gì để hắn cúp điện thoại một cách bất lịch sự, khi có người hỏi thăm vợ mình. Chỉ có một lý do, là hắn sợ người ta đặt dấu hỏi về sự vắng mặt của bà ta. Chắc chắn đã xảy ra chuyện gì rồi...
Tôi vào giường đi ngủ, trằn trọc với cả trăm câu hỏi, nên không sao ngủ được. Sáng hôm sau, bảnh mắt tôi đã dậy, thay tã lót cho bé Sơn và cho nó ăn bột xong, tôi nhờ chị Ngọ ra đầu phố mua một ổ bánh mì nóng. Văn sắp về, chàng thích ăn bánh mì với trứng ốp la. Ngọ đi một lúc rồi về, chị ta báo cáo:
- Ở chung cư đàng kia, có người đang dọn nhà. Tôi thấy họ khuân ra một cái rương lớn. Thật chưa bao giờ tôi thấy một cái rương lớn đến thế, hai người khỏe mạnh khiêng còn phải lặc lè...
- Vậy hả?
Tôi làm ra vẻ thờ ơ, nhưng trống ngực thì đánh thình thình, cái rương lớn thế mới chứa được xác của vợ hắn chứ. Nhưng hắn chuyển cái rương đi đâu? Tôi làm ra vẻ không chú ý và bảo chị Ngọ:
- Thôi được rồi, chị hãy chuẩn bị pha cà phê cho cậu đi.
Văn đi làm về, tôi kể cho chàng nghe mọi việc và những suy luận của tôi. Văn lằng nghe một cách chăm chú, rồi gật gù:
- Có thể cũng có sự mờ ám chi đây. Nhưng mình không thể đoán mò, phải có bằng cớ.
Cuối tuần, chúng tôi có khách tới chơi. Đó là Danh, một người bạn cũ của Văn thời trung học. Danh bây giờ đang làm trưởng phòng hình cảnh, chuyên điếu tra các tội phạm. Hàn huyên tâm sự một hồi, Văn nói đùa:
- Bà xã của tôi đang muốn theo nghề của anh đó. Bà ấy đang nghi ngờ một người hàng xóm có thể là thủ phạm của một vụ giết người tưởng tượng.
- Thế à. Danh cười, có vẻ không chú ý, hắn hỏi cho có lệ, mà chuyện gì vậy?
Văn tóm tắt vài câu, rồi bảo:
- Chúng tôi chỉ có thể cho anh biết là có hai người ở trong căn hộ đó, nhưng bây giờ chỉ còn một mình người chồng. Rương hành lý của bà vợ được gởi đi từ sáng hôm qua. Anh có thể tìm ra một nhân chứng nào đó đã nhìn thấy bà ta lúc ra khỏi nhà.
- Nhưng...
- Tôi chỉ biết có thế. Đừng hỏi gì thêm, và nhất là đừng cho người đến nhà tôi điều tra đó nhé, tôi không thích bị dính dáng lôi thôi vào vụ này.
Danh ngập ngừng, rồi nói bằng một giọng không có vẻ gì là sốt sắng cả:
- Thôi được, để từ từ coi sao.
Hôm sau, vào khoảng 3 giờ chiều, chuông điện thoại reo vang. Văn nhấc ống nói, chỉ nghe chàng ừ hữ vài câu, rồi đặt xuống ngay. Tôi hỏi:
- Điện thoại của ai đấy?
- Danh gọi, hắn nói rằng điều tra viên của hắn báo cáo, có người trông thấy Tony ở trạm ga xe lửa hôm thứ hai, có thể hắn tới đó để đưa bà vợ ra ga.
- Nhưng có ai trông thấy vợ hắn có mặt trên xe lửa không?
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi, em tưởng tượng nhiều quá. Văn nhăn mặt nói.
Tôi không biết phải trả lời ra sao. Chiều thứ năm, Văn đi làm về, vẻ mặt không vui. Tôi hỏi, thì chàng đáp:
- Hồi trưa, Danh đến kiếm anh ở bệnh viện. Hắn nói chúng mình đã khiến hắn làm một chuyện rất buồn cười, thật mấy chục năm trong nghề, chưa bao giờ hắn làm một việc vô ích như thế. Hắn mất rất nhiều thì giờ để tìm tung tích cái rương...
- Và hắn đã mở ra?
- Dĩ nhiên! Nhưng cái rương đó chỉ chứa toàn là quần áo.
Thật khó mà diễn tả ánh mắt của Văn nhìn tôi lúc đó, chàng nói giọng an ủi:
- Thôi em, quên chuyện đó đi! Đừng có mặc cảm gì cả, ở đời ai chẳng có lúc lầm lẫn.
Và chàng nói đùa cho tôi đỡ quê:
- Vợ của anh là một bác sĩ, chứ đâu phải là nhà trinh thám. Ở đời chẳng ai có thể làm một lúc hai cái nghể đó được cả.
Tôi thất vọng, không phải vì tôi lầm, mà vì không ai tin tôi cả. Không có người ủng hộ, nhưng nhất định tôi không bỏ cuộc. Tôi phải hành động một mình, không phải vì muốn đem công lý đến cho vợ hắn, mà còn cho chính tôi nữa. Linh tính cho tôi biết đích xác hắn là thủ phạm giết người, và hắn phải đền tội. Tôi thắp nhang trên bàn thờ của mẹ tôi, khấn bà phù hộ cho tôi tìm ra một giải pháp. Nhưng cả tuần trôi qua, tôi vẫn chưa nghĩ ra giải pháp nào cả. Trong khi đó, tên sát nhân vẫn dung ung tự tại, qua mặt pháp luật dễ dàng, nhưng hắn không thể qua mặt được tôi.
Sau cùng, tôi đã có một kế hoạch tuy không hoàn hảo lắm, nhưng chẳng còn cách nào hơn. Tối thứ sáu, Văn lại phải trực. Chàng không có nhà, càng dễ cho tôi có cơ hội hành động. Sau bữa cơm chiều, tôi lái xe đưa Văn ra trạm metro. Bấy giờ trời mới tắt nắng, và những người thợ xây cất đã ngưng làm việc, để sửa soạn ra về. Lúc lái xe ngang qua chung cư, tôi thấy hắn đang đi vào cổng trước, cùng với một người đàn ông khác. Tôi nhận ra hắn, nhờ cái áo thung màu cam hắn vẫn mặc khi ra đứng ở cửa sổ. Còn người đàn ông đi chung với hắn, tôi chú ý nhìn, và nhận ra đó là người cai thỉnh thỏang vẫn đến kiểm soát công việc của thợ. Hắn và ông cai bước vào cửa cùng một lúc, kẻ trước, người sau như hai cái bóng. Họ cao ngang nhau, chỉ khác là hắn tóc đen, còn người kia tóc vàng.
Về đến nhà, chị Ngọ đã cho bé Sơn đi ngủ. Tôi ra mở cửa cho thoáng gió, và lại nhìn sang phía bên kia. Tôi thấy cả hai người, hắn và ông cai đều xuất hiện ở cửa sổ phía sau, dĩ nhiên hắn ở căn hộ của hắn, còn ông cai ở tầng trên bấy giờ đã được đổ nền, chỉ còn chờ lợp ngói. Hắn ra trước, đứng dựa cửa sổ hút thuốc lá, ông cai sau khi đi một vòng kiểm soát xong xuôi, cũng ra đứng nơi cửa sổ. Cả hai người, một trên, một dưới đều đang hút thuốc lá. Tôi ngạc nhiên chợt thấy một cái gì là lạ, mà thoạt đầu tôi cũng không hiểu là cái gì.
Sau đó thì ông cai ra về, tôi nghe tiếng xe rồ máy khá lớn ở phía dưới đường. Chị Ngọ sau khi rửa chén bát xong, xin phép tôi ra phố một lúc, tôi vui vẻ gật đầu. Ngọ đi xuống nhà dưới, tôi nghe tiếng cửa đóng xập lại. Ngọ đã đi khỏi, còn một mình tôi trong căn nhà vắng với đứa con hai tuổi đang ngủ trong nôi. Bây giờ là lúc tôi hành động. Vơ lấy cái ống nhòm mới tìm được trong tủ sách của Văn, để sẵn sàng trong tầm tay, tôi tắt đèn để khỏi gây chú ý cho bất cứ ai có thể nhìn vào cửa số của nhà tôi. Thế rồi, với cây đèn pin,, tôi mò mẫm quay số điện thoải của hắn. Lần này, tôi bịt mũi giả giọng đàn ông, và tôi nói trước:
- A lô, ông Traton! Tôi biết rồi, biết hết những gì ông đã làm.
Nói xong, tôi chiếu ống nhòm vào mặt hắn để xem phản ứng. Tôi bỗng giật mình, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hắn một cách rõ rệt qua ống viễn vọng kính thật tốt. Đó là một người đàn ông trung niên, khoảng 45 đến 50 tuổi, tóc đen, có vẻ là người gốc Á châu, Tàu hay Nhật. Vẻ mặt của hắn khiến tôi ngờ ngợ là đã có lần gặp hắn ở đâu, nhưng nghĩ mãi không ra. Bây giờ qua ống viễn vọng kính, tôi thấy hắn giật nẩy mình, nhung chỉ sau một phút trấn tĩnh, giọng hắn trở nên bình tĩnh như thường:
- Tôi không hiểu ông nói cái gì.
Vẫn bịt mũi, tôi nói giọng khàn khàn:
- Thôi đi, đừng có vờ, tôi biết ông dấu bà ấy ở đâu rồi, tôi đã chứng kiến lúc ông làm việc đó.
Không một tiếng động, trừ tiếng thở mạnh, tôi tung một cú chót để nhử mồi:
- Không tin, ông đi kiểm soát lại chỗ đó xem. Ông đã sơ hở một chút và tôi đã tìm ra rồi. Tôi không đi báo cảnh sát vì không có lợi gì cho tôi hết, tôi cần một số tiền để đi xa và không bao giờ trở về đây nữa. Ông đi kiểm soát đi, và sau đó ta thương lượng.
Hắn để điện thọai xuống, và đi một vòng quanh căn hộ của hắn, nhưng không dừng lại ở đâu cả. Hắn trở lại chỗ điện thoại, nhấc lên và nói bằng một giọng cực kỳ hung ác:
- Đừng hòng, tao đâu có ngu như mày tưởng!
Và hắn cúp điện thoại. Tôi cũng đặt điện thoại xuống, hắn không dễ mắc mưu như thôi tưởng, nhưng câu "tao đâu có ngu như mày tưởng" là một lời xác nhận rằng vụ sát nhân là chuyện có thực, và những điều tôi phỏng đoán là đúng, chỉ chưa chứng minh được. Bây giờ hắn đã đi vào và tắt phụt đèn, tôi hoàn toàn mất dấu hắn. Ngồi trong bóng tối, tôi ôm đầu suy ghĩ, tôi nghĩ lan man hết chuyện này đến chuyện khác. Sau cùng, cái cảnh hồi chiều lại hiện ra rõ mồn một, cái cảnh ông cai và hắn đứng nơi cửa sổ sao có cái gì là lạ. À phải rồi, hai người cao ngang nhau, nhưng khi hắn đứng nơi cửa sổ, đầu hắn cách khung cửa trên khoảng 5 tấc, còn đầu ông cai cách khung cửa chưa tới 3 tấc. Không lẽ cửa sổ tầng thứ 6 thấp hơn các cửa sổ ở tầng dưới đến hơn 2 tấc? Làm gì có chuyện vô lý như thế, tất cả các phòng của chung cư đều giống nhau vì được xây cất theo cùng kiểu kiến trúc, không có lý do gì, tầng thứ 6 lại khác đi. Nhưng thật ra, không phải tại cái cửa sổ, và cũng không có gì khác biệt cả, chỉ trừ cái nền cao hơn 2 tấc, làm khung cửa có vẻ thấp đi. Chẳng có kiến trúc sư nào làm một việc ngu muội như thế. Dần dần một tia sáng loé ra trong óc tôi, thôi đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, mọi việc đã rõ như ban ngày, như 2 cộng 2 là 4. Tôi đã hiểu tất cả...
Run rẩy, tôi tôi cầm lấy điện thoại. Thoạt đầu, tôi định gọi cho sở cảnh sát, nhưng rồi tôi lại đổi ý, cảnh sát họ không hiểu đầu đuôi câu chuyện, chưa chắc họ tin tôi, hoặc có tin cũng chưa chắc họ sẽ hành động cấp thời. Bây giờ đêm hôm khuya khoắt, điên gì chỉ một cú điện thoại không đâu, mà phải báo động cả sở. Vì vậy chỉ còn Danh, hắn đã biết qua câu chuyện, nhưng không tin. Danh cần một xác chết để chứng minh, thì tôi sẽ chỉ cho hắn nơi có xác chết. Chỉ cần Danh hành động cấp thời để ngăn chặn thủ phạm có thể cao bay xa chạy, vì hắn biết là hắn đã bị bại lộ rồi. Hồi hộp, tôi quay số, may thay lần này người bắt điện thoại lại chính là Danh. Nhận ra tiếng tôi, anh ta hỏi ngay:
- Đêm hôm khuya khoắt, có chuyện gì cấp bách mà chị phải gọi tôi giờ này?
Vắn tắt, tôi kể cho Danh nghe sự việc mới xảy ra, và kết luận:
- Hắn chôn vợ hắn trong sàn nhà bằng xi mằng, nơi đang xây cất.
- Chị nghĩ như vậy à? Danh hỏi, giọng hắn không có vẻ xửng sốt như tôi tưởng, nhưng cũng không lạnh nhạt như lần trước.
Hắn tiếp tục:
- Người của tôi cũng có mặt ở đó khi ông cai đi kiểm soát. Họ nghe ông cai cằn nhằn thợ làm không đúng tiêu chuẩn, cái sàn nhà hơi cao. Tôi cũng đã nghi, nhưng không chắc lắm. Còn chị, làm sao chị biết chỗ hắn dấu xác vợ hắn?
Tôi kể cho Danh nghe về sự tình cờ buổi chiều, khi hai người cùng đứng nơi cửa sổ. Tony và ông cai có chiều cao ngang nhau, nhưng khi họ xuất hiện ở nơi cửa sổ, thì ông cai có vẻ cao hơn hắn một cái đầu. Điều đó chứng tỏ cái nền nhà ở tầng 6 cao hơn một cách đáng kể. Nếu đem phối hợp điều đó với sự kiện vợ hắn biến mất một cách bí mật, và câu nói "tao đâu có ngu như mày tưởng" của hắn thì quả là một bằng chứng đáng kể.
Danh thở ra:
- Ngày mai, tôi sẽ cho người đào cái nền xi măng đó ra và đem bà ấy xuống.
- Chuyện cái xác đào lên lúc nào cũng được. Tôi nói một cách nóng này, vấn đề cấp thiết bây giờ là ngăn không cho hắn tầu thoát. Nhận được cú điện thoại của tôi, hắn biết là hắn đã bị lộ rồi. Tôi sợ hắn sẽ chạy trốn trước khi anh báo cho cảnh sát.
- Chuyện này thì chị đừng lo. Tôi đã bố trí cho người canh chừng hắn từ hồi chiều. Và bây giờ... chị đợi cho một tí.
Danh ngừng ngang, tôi nghe loáng thoáng hắn nói chuyện với người nào đó ở đầu dây khác. Mười phút sau, Danh mới trở lại, hắn tiếp tục:
- Tôi đã báo cho cảnh sát, và người của tôi đang ở trong nhà hắn. Tôi cũng sẽ tới đó bây giờ, thôi chào chị.
Nói xong, Danh cúp điện thoại, tôi thở phào và cũng đặt ống nói xuống. Căn nhà vắng vẻ một cách lạ thường. Tôi ngồi im chừng 15 phút, thì nghe có tiếng lạch cạch ở phía trước, chắc chị Ngọ đi chơi về. Mừng rỡ, tôi đứng bật dậy, chạy xuống nhà dưới, mặc dù Ngọ có chìa khóa riêng, tôi vẫn thích được mở cửa cho chị, tôi rất cần sự có mặt của Ngọ trong lúc này. Chị ta bước vô nhà, mặt tái mét:
- Có chuyện gì mà cảnh sát bao vây khắp khu phố, họ đứng đầy ở phía dưới kia, ghê quá...
Tôi và chị ta cùng chạy vội lên lầu, tôi bật đèn lên xem bé Sơn. Lúc này chẳng có việc gì mà phải sợ hãi tới không dám để đèn nữa. Con tôi đang ngủ ngon, trong giấc mơ nó đang mỉm cười. Ôi, nụ cười trẻ thơ mới vô tội làm sao, môt tình cảm bỗng trào dâng trong tim, trời sinh tình mẹ con mới thiêng biết bao! Hồi còn sống, mẹ tôi cũng yêu thương tôi, như tôi đang yêu con tôi, nhưng mẹ đâu còn nữa... Thở dài, tôi nhè nhẹ kéo hai cái gối dài chặn hai bên, cho con khỏi giật mình, rồi cùng chị Ngọ ra đứng nơi cửa sổ. Tôi chiếu ống nhòm sang nhà hắn nãy giờ vẫn tối om. Bất thình lình đèn bật lên nơi phòng khách, tôi thấy hắn đang ngồi ôm đầu trên ghế xa lông bỗng giật nẩy mình, ngầng lên. Rõ ràng người bật đèn không phải là hắn. Hắn đứng bật dậy chạy qua phòng ngủ, có cái gì đó ở bên trong, làm hắn dội ngược lại. Hắn đi giật lùi tới cửa sổ, rồi trèo ra ngoài, bám vào ống máng, leo lên tầng trên. Chị Ngọ đứng bên tôi chợt kêu lên sợ hãi:
- Thế nào hắn cũng rớt.
Người cảnh sát đuổi theo bằng lối thang lầu, đã xuất hiện trước hắn, ở trên sân thượng, đang đứng sau một cái cột. Không còn lối thoát, hắn một tay vẫn bám máng xối, tay kia thò vào túi quần rút súng ra. Hắn cố giết người trước khi bị giết, tay hắn co lại... "Đoàng", một viên đạn xé không gian, bay vút về phía viên cảnh sát, không trúng, nhưng tiếng nổ làm kính của những cửa sổ vỡ tung, rơi loảng xoảng. Tiếng súng nổ chát chúa làm rung động cả tòa nhà, đánh thức cả khu phố. Nhiều cái đầu đã thấy lố nhố nơi các cửa sổ, người ta còn đang ngơ ngác không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Bây giờ hắn đánh đu nơi ống máng bằng một tay, tay kia vẫn lăm lăm khẩu súng... Tôi lạnh mình khi thấy hắn co tay một lần nữa, nhưng lần này không một viên đạn nào được bắn ra. Hắn khựng lại, rõ ràng là đã hết đạn, hắn quăng cái vật vô ích đó vào khoảng không, rồi bắt đầu tụt xuống. Nhưng bỗng "rắc" một tiếng, cái ống máng dưới sức nặng của hắn nãy giờ, bỗng gãy rời, và cả thân hình của hắn lao ra khoảng không.
Cả tôi và chị Ngọ cùng rú lên một lượt, thân hình hắn quay một vòng, va vào cánh của sổ đang mở ở tầng dưới, rồi cứ thế rơi vùn vụt xuống mặt đường. Tôi nhắm mắt lại, trong khi chị Ngọ lao thật nhanh xuống cầu thang, rồi tông cửa chạy ra đường xem, cùng với những người hàng xóm khác.
Một lúc lâu lắm, tôi không nhớ là bao lâu, bỗng có tiếng chuông cửa ở nhà dưới. Chắc chắn không phải chị Ngọ, bởi vì chị có chìa khóa riêng và không bao giờ bấm chuông. Tôi chạy vội xuống nhà dưới xem ai, người bên ngoài lên tiếng trước:
- Tôi đây, Danh đây!
Lẩy bẩy mãi mới mở được khóa, Danh xuất hiện nơi cửa, hắn đứng im nhìn tôi một giây, rồi mới hỏi:
- Chị không sao cả chứ? Trông chị trắng nhợt như tờ giấy.
Tôi đưa tay lên chận ngực cho tim bớt đập, rồi mới nói:
- Tôi không sao cả, chỉ bị một phen hoảng sợ. Mời anh vô nhà.
Tôi khép cửa rồi quay vào, Danh theo sau, vừa đi vừa nói:
- Những giả thuyết chị đưa ra đều đúng cả, duy có nguyên nhân giết người, thì chị chưa được biết. Nhân tiện để tôi nói luôn...
- Khoan, để uống một chút gì đã.
Danh ngồi xuống ghế, trong khi tôi xuống bếp rót hai ly trà nóng, cả Danh và tôi đều cần trấn tĩnh. Khi tôi đem trà ra, Danh nhấp một ngụm rồi tiếp tục:
- Hắn mua bảo hiểm 800 ngàn phật lăng cho vợ hắn, và đầu độc bà ấy từ từ. Nhưng rồi hắn đổi ý, hắn sợ khi vợ hắn chết, người ta khám nghiệm và thấy chất độc trong cơ thể bà ấy, thì hắn hết đường chối cãi. Hắn rất sợ, và chưa bao giờ dám đưa vợ đến nhà thương, mặc dù bà ấy đau ốm nhiều. Vì vậy, hắn nghĩ cách khác. Thế rồi, cơ hội cho hắn hành động đã tới, vào cái ngày thứ ba là ngày mà thợ đổ xi măng nền nhà phía trên. Hắn đã giết vợ hắn vào buổi tối hôm đó, và tìm cách thủ tiêu cái xác. Thật chẳng khó khăn gì lắm khi phải đào cái nền xi măng còn mềm, một khoảng không sâu lắm, vì vợ hắn nhỏ thó và gầy đét như một cây sậy. Hắn đặt xác vợ vào đấy, rồi sẵn vật liệu xây cất còn đầy chung quanh, hắn đổ một lớp xi măng mới lên trên. Xi măng dắn lại sẽ thành một cái nhà mồ kiên cố, không có mùi hôi. Do đó nền nhà có cao hơn một chút, nhưng không ai để ý, và chẳng bao giờ họ đục ra làm lại, vì vừa tốn kém, vừa mất thì giờ, ấy là chưa kể rủi ro có thể làm nứt trần nhà ở phía dưới. Sau đó, hắn chỉ việc phao tin vợ hắn về quê, rồi tự tử vì mắc bệnh nan y, bà ấy trầm mình trên dòng sông nước chảy xiết, không tìm ra xá.... Có thể lắm, vì nơi quê vợ hắn có con sông rất dữ dằn, những người chết đuối thường bị cuốn ra biển, không tìm thấy xác. Thế là hắn đớp trọn số tiền bảo hiểm.
Tôi rùng mình:
- Thì ra hắn làm vậy chỉ vì 800 ngàn phật lăng, một số tiền không lớn lắm.
- Phải, không thấm vào đâu so với tài sản của hắn trước kia. Không ai ngờ, cách đây hơn mười năm, hắn cũng là một triệu phú.
- Triệu phú? Vô lý, triệu phú mà lại ở trong cái chung cư nhỏ như cái chuồng chim này?
- Tôi nói khi trước, chứ đâu có nói bây giờ? Đó chính là sự thật đấy, mười sáu năm về trước, hắn sang Pháp lập nghiệp với một tài sản rất lớn gồm vàng, đô la, và nhiều chương mục ngân hàng. Hắn mở một tiệm rượu và một tiệm bán nữ trang, làm ăn phát đạt lắm. Nhưng chỉ vài năm sau, hắn nướng trọn gia tài cho sòng bạc. Sau đó hắn sống đời đi làm công và mới cưới vợ...
- Thế à, vậy mà tôi cứ tưởng họ lấy nhau lâu rồi, vì cả hai đều đã đứng tuổi.
- Chị tưởng thế, vì chị không biết Tony đã có một đời vợ trước, nhưng bà ta đã chết vì một tai nạn. Từ đó hắn chỉ chơi bời, chứ không lấy ai cả, cho tới khi gặp bà Marguerite cách đây 5 năm.
- Sao anh biết rõ thế?
Danh phì cười:
- Là thám tử thì cái gì mà chả biết? À này, hắn cũng là người đồng hương với chúng ta đó.
- Đồng hương với chúng ta? Tôi hỏi dồn dập, anh muốn nói hắn cũng là người Việt Nam? Bà vợ trước của hắn tên gì? Chết ở đâu, hồi nào?
- Lâu rồi, từ hồi còn ở Việt Nam. Dạo dó, hắn đấu thầu, cung cấp vật liệu cho hãng vỏ ruột xe hơi Michelin của Pháp, nên cảnh sát có hồ sơ.
Danh bỗng ngừng lại, vì chị Ngọ chợt mở cửa, ào vào nhà, mặt tái mét, nói líu cả lưỡi:
- Ghê quá cô ơi. Tôi vừa đi coi về, đầu hắn vỡ tung như một quả dưa hấu, nhưng tôi vẫn nhận ra hắn, nhờ một cái sẹo dài ở cằm, và một nốt ruồi lớn gần thái dương bên trái. Không thể lầm được, hắn chính là...
Chợt thấy Danh ở đó, chị ta khựng lại, Danh mỉm cười:
- Không sao, chị cứ tiếp tục đi, hắn là ai?
Ngọ gãi tai, mặt đỏ bừng:
- Không thể lầm được, hắn chính là dượng Hai!
- Dượng Hai? Tên gì lạ vậy?
Tôi bủn rủn cả người:
- Anh bảo có hồ sơ của hắn, vậy tên thật của hắn là gì?
- Tony Traton là tên sau ngày nhập quốc tịch Pháp, tên cũ của hắn là Trần Tôn!
Tôi nghe như có tiếng sét vừa nổ ngang đầu, không bút nào tả được tâm trạng của tôi lúc đó... Bao nhiêu dĩ vãng bỗng quay trở lại, hình ảnh cái chết đau thương của mẹ tôi lại hiện về... Mặt tôi tái mét rồi đỏ bừng, tôi vừa sợ vừa hồi hộp, vừa tức giận vừa hả hê, vừa nhớ thương vừa đau khổ...
Trời ơi, quả đất tròn, không ngờ có ngày gặp lại kẻ thù đã giết mẹ tôi, và kỳ diệu làm sao, chính tôi đã giúp cảnh sát khám phá ra nội vụ, một vụ giết người được dàn cảnh vô cùng khéo léo, và Trần Tôn một lần nữa suýt qua mặt được pháp luật. Nhưng cuối cùng, hung thủ đã phải đền mạng. Không ngờ gì nữa, đây là ác giả, ác báo, sát nhân thì phải giả tử.
Trời sui đất khiến làm sao cho tôi tìm ra đầu mối của vụ án, và được tận mắt chứng kiến sự đền tội của hắn. Có thể là oan hồn của mẹ tôi sui khiến và tìm cách báo oán. Vì... thưa quí vị, tôi chính là Hoàng Cúc, con gái bà quả phụ đã quá cố Hoàng Lý đây ạ.
PHƯƠNG – LAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét