Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Gia Đình Tôi Du Lịch Trong Mùa Dịch COVID-19 - Nguyễn Văn Tới

Lúc này, chuyện thời sự nóng bỏng nhất là nạn dịch Covid-19. Người dân Mỹ không ai còn xa lạ với căn bệnh phổi cấp tính đang lây lan từ Trung Cộng ra tới hơn 160 quốc gia trên thế giới , hơn 8000 người chết, và nó đã vượt biên vào nước Mỹ, gây ra biết bao người nhiễm bệnh và một số ít chết vì căn bệnh quái ác này, trong đó có một phụ nữ Việt Nam ở California. Không may, vợ chồng tôi đi nghỉ Đông qua thành phố Snowbirds, tiểu bang Utah, trong lúc cơn dịch đang xảy ra, tuy chưa hoành hành dữ dội lắm. Vì đã lên kế hoạch từ trước cho chuyến đi trượt tuyết, và cũng nhận thấy tình hình chưa có gì trầm trọng lắm, nên chúng tôi vẫn lên đường không một chút lo lắng hay bận tâm.<!>
Thứ Sáu, ngày 13 tháng 3, 2020: Khi viết những giòng chữ này, tôi mới giật mình, chợt nhận ra thứ Sáu, ngày 13, cái ngày mà người Mỹ tin dị đoan là ngày xui tận mạng. Holywood đã sản xuất bộ phim kinh dị “Friday, the 13th.” Thôi kệ, đạn đã lên nòng, không thể dừng lại. Chuyến bay từ Tucson, Arizona đi Salt Lake city, Utah vẫn đông hành khách và đúng giờ. Không thấy một ai đeo khẩu trang hay có bất cứ hành động hay thái độ gì lo sợ cơn dịch bệnh này. Tôi nói chuyện với người ngồi bên, anh ta nói anh không quan tâm mấy và chẳng thấy lo sợ gì. Tôi kể chuyện nhiều người tranh nhau mua tích trữ giấy vệ sinh, giấy cuộn, dung dịch khử trùng tay, và nhiều thứ cần thiết khác khiến ngay cả Costco wholesale giờ, muốn kiếm cuộn giấy vệ sinh cũng không còn. Anh cười và nói chắc họ điên.

Khi đổi chuyến bay ở Phoenix, AZ, tôi thấy một người thanh niên Tàu trẻ, mang khẩu trang, đang nói chuyện líu lo qua phone. Anh ta xí xa xí xô bằng ngôn ngữ của mình rất lớn tiếng không thèm để ý tới người chung quanh. Mọi người nhìn anh ta dò xét với ánh mắt không mấy thiện cảm. Rất may, anh ta không đi chung chuyến bay với chúng tôi. Thước đo của cơn dịch bệnh dễ dàng được nhìn thấy qua thái độ và cuộc sống người dân ở đây. Không một ai hoảng sợ. Tuy nhiên, giống như nhiều người, tôi cẩn thận mang theo chai dung dịch khử trùng và một hộp lau tay ướt để chùi khi cần thiết,

Từ trên cao nhìn xuống những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng thật đẹp và hùng vĩ, tôi biết phi cơ sắp đáp xuống phi trường Salt Lake city. Dân chúng và du khách ở đây vẫn không có vẻ gì lo sợ về nạn dịch. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Chúng tôi lấy xe thuê và lái trực chỉ đến khu ski resort cách phi trường 45 phút. Từ chân núi dẫn lên đỉnh là một đoạn đường đèo dài 8 dặm quanh co, ngoằn nguèo đến khách sạn, một bên vách núi dựng đứng, bên kia vực thẵm trắng toát một màu trắng tinh khôi xen lẫn những hàng thông xanh nổi bật. Hoa tuyết lất phất rơi, đẹp như bức tranh trong chuyện thần tiên.

Khu trượt tuyết Snowbirds này là một khu gồm nhiều khách sạn sang trọng nằm sát bên những con đường trượt tuyết với đường giây cáp treo đưa khách trượt tuyết lên đỉnh núi. Khách sạn The Cliff Lodge là nơi chúng tôi ở là khách sạn lớn nhất trong khu này với 10 tầng lầu, nằm sừng sững dựa lưng vào vách núi, mặt tiền nhìn ra khu trượt tuyết và một hồ bơi nước nóng lớn với 3 cái Jazzcuzi bốc khói nghi ngút ngoài trời.

Nhận phòng xong, chúng tôi mặc đồ ấm, trang bị tận răng với quần áo không thấm nước, xuống phòng cho mướn dụng cụ trượt tuyết, rồi lao ra ngoài trời lạnh giá hòa nhập vào dòng người lũ lượt quần áo muôn màu sắc rực rỡ, nổi bật trên nền tuyết trắng mênh mông. Tôi tận hưởng niềm vui “đi mây lướt gió” dù vẫn còn té lên té xuống, nhưng cái thân già da cọp này vẫn còn gân đủ để chơi cho đến chiều tối.

Thứ Bảy, ngày 14 tháng 3, 2020: Thức dậy rất trễ vào sáng hôm sau, chúng tôi xuống ăn trưa ở nhà hàng trong khách sạn. Thức ăn ở đây mắc gấp đôi bên ngoài, nhưng khá ngon. Một miếng lamb steak (thịt trừu) cỡ 6 oz, giá $40.  Ai có thời giờ, lái xe mất 25 phút đến một thị trấn kế bên, có thể kiếm được nơi ăn uống giá bình thường.

Chúng tôi mướn xe Snowmobile, một loại xe mô tô bánh xích trang bị với cặp ski lướt trên tuyết để đi khám phá vùng núi non gần xung quanh đó. Đây là một môn chơi cũng khá nguy hiểm, đầy tính phiêu lưu mạo hiểm. Những ai “có tí tuổi” xin suy nghĩ thật kỹ trước khi chơi. Sau vài giờ chạy khắp nơi, lạnh cóng cả đôi tai, chúng tôi trở về khách sạn tắm nước nóng trong hồ bơi và jazzcuzi.
Chúng tôi lấy xe, chạy ra một thị trấn gần đó kiếm một nhà hàng ăn tối, sau đó vào Walmart mua ít nước trái cây, rau quả, sữa, và một số đồ ăn thêm. Ghé qua chỗ nước uống, các kệ trống trơn, không còn 1 chai nước nào, kể cả các bình 1-gallon. Chỗ hàng thịt đông lạnh, bột bắp, bơ hay phó mát, đều còn lại rất ít. Nhìn quanh, tôi thấy một số dân Mễ và Á châu còn đang lảng vảng gần đó với hy vọng có thể kiếm ra một cái gì đó có thể tích trữ cho mùa dịch này. Tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẫm. Con người có thể không chết vì Pandemic (bệnh dịch), nhưng chắc chắn sẽ chết về Info-demic hoặc Facebo-demic vì tin tức tầm bậy thì lan truyền mau như tốc độ máy phản lực (Mac speed).

Chúng tôi chạy thật chậm trên con đường đèo trở lại khách sạn vì trời tối, ướt, trơn trợt, và bên phải là vực sâu. Tuyết vẫn rơi đều nhè nhẹ. Đó đây nhiều ánh đèn nhà người dân lẫn những khách sạn tỏa lên ấm áp trong trời đêm như một bức tranh nền tối điểm xuyết với hàng ngàn sao đêm tuyệt đẹp. Bước vào phòng, tôi thấy cái điện thoại bàn có đèn nhấp nháy. Tôi nghĩ chắc lại quảng cáo bán Time share, nên không buồn nhấc phone.

Chủ Nhật, ngày 15 tháng 3, buổi sáng, nhìn qua cửa sổ thấy sao không có ai trượt tuyết, tôi nhấc phone mới hay cái tin nhắn cho biết tất cả hoạt động chơi tuyết đều tạm ngừng cho tới ngày 22 tháng 3, tiểu bang ra lệnh mới vì sức khỏe của dân chúng. Khu trượt tuyết mà không được trượt tuyết thì còn làm gì được. Chúng tôi quyết định xuống núi và lái xe đi Salt Lake city coi tòa nhà quốc hội tiểu bang (State Capitol), The Tabernacle Choir, và The Mormon Temple.

Đến nơi, tất cả đều đóng cửa. The Tabernacle Choir là một tòa nhà xây theo hình vòm, nơi ca đoàn đạo Mormon nổi tiếng thế giới hơn 100 năm nay đã từng trình diễn ở đây. Ngôi nhà thờ Salt Lake Temple (2) tuyệt đẹp, mất 40 năm mới xây xong, cũng là niềm hãnh diện của tín đồ đạo Mormon. Chúng tôi theo chân các du khách đi tới lui thăm viếng các danh lam thắng cảnh khác ở khu Temple Square như các bảo tàng viện và các khu trưng bày hiện vật của những người tiên phong đạo Mormon, nhưng tất cả đều đóng cửa. Hình như người ta đang chuẩn bị cho một điều gì đó. Chán nản, chúng tôi chạy qua thị trấn Provo gần bên thăm hồ Utah Lake. Người dân ở đây vẫn vui chơi, vẫn câu cá, vẫn sinh sống bình thường không có dấu hiệu gì hoảng loạn.

Về lại khách sạn, chúng tôi lại nhận thêm một tin không vui nữa: Khách sạn cho biết tất cả mọi người phải ra về (check out) ngày mai, thứ Hai, ngày 16 tháng 3, trước 2 giờ chiều. Tôi trình bày chuyến bay của tôi sẽ bay vào sáng thứ Ba. Họ đồng ý cho tôi và 4 gia đình khác được ở lại trong phòng chỉ một đêm nữa mà thôi, vì ngày 17 tháng 3 sẽ “completely lock down” đóng cửa toàn bộ, sẽ không có bất cứ nhân viên phục vụ nào. Tôi đã cố gắng liên lạc với American Airlines để coi có thể về sớm hơn, nhưng số người người gọi vô quá nhiều, nên họ không buồn nhấc máy.

Chúng tôi chạy trở ngược lại thị trấn, đổ đầy bình xăng, ăn tối, rồi mua thêm thức ăn đem về khách sạn để “tử thủ” cho đến thứ Ba. Khách du lịch đến đây trượt tuyết, đa số là dân Utah nên họ lục đục lên xe về nhà. Một số khác như chúng tôi, đến từ các tiểu bang khác, vài người còn đến từ các nước khác, đều kẹt lại. Khách bu quanh những nhân viên ở quầy tiếp tân với biết bao câu hỏi. Nhân viên khách sạn chỉ biết xin lỗi luôn miệng vì bản thân họ cũng chẳng biết gì hơn là lệnh trên xuống. Nhiều người tỏ ra tức giận với kiểu làm ăn của khách sạn vì không cho họ đủ thời gian chuẩn bị và không thông báo cho họ sớm hơn. Chúng tôi trải qua một đêm lo âu, không biết ngày mai sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa?

Thứ Hai, ngày 16 tháng 3: Không biết làm gì, chẳng lẽ cứ coi TV, rồi ăn uống cho hết ngày. Chúng tôi bèn mặc đồ ấm, mang ủng, ra ngoài đi bộ vừa giãn gân cốt vừa giết thời giờ. Một vùng trời, núi non trắng xóa tuyệt đẹp nhưng vắng lặng như tờ. Hồ nước nóng và jazcuzzi, không ai bơi. Ghế cáp treo đứng im lặng giữa không gian mênh mông. Nắng lên ấm áp, gió nhẹ làm hai tay hơi tê cóng. “Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em, đời còn dễ thương” (Trích bài hát Phố núi cao). May là ông khách lạ này còn có bà khách lạ đi theo, chứ ông nào mà đi một mình thì đến chết vì cô đơn.

Hồ bơi nước nóng, jazzcuzi không ai bơi. Cột trụ ghế cáp treo kế bên đứng im buồn tênh

Ghế dành cho các nàng Bạch Tuyết ngồi vì khách ra về gần hết

Nguyên ngày hôm đó, chúng tôi hết đi lên, đi xuống, rồi lại đi ngang, đi dọc cái khách sạn khổng lồ mà vắng như chùa Bà Đanh vì chẳng biết làm gì và cũng chẳng gặp được ai. Một nhân viên an ninh, chắc anh ta theo dõi tôi qua màn hình, bước đến hỏi có thể giúp gì cho tôi. Tôi than chán quá, đi tập thể dục, chứ ngồi trong phòng làm cái quái gì. Đứng tán dóc một hồi về nạn dịch Tàu, anh ta chào tôi và đưa tay bắt. Tôi cười và đưa cái fist pump (nắm tay) ra; anh ta cũng làm tương tự, rồi hài hước không kém, anh đưa thêm cái cùi chỏ, tôi đáp lại cũng bằng cái cùi chỏ, rồi tôi tiếp tục đưa chân phải lên, mắt tròn to vì ngạc nhiên, anh cũng giơ chân phải chạm vào chân tôi, cả hai cười vang rồi đường ai nấy bước. Cái App về sức khỏe trong phone liên tục khen ngợi “You are excellent”vì tôi leo cầu thang mấy được mấy chục tầng và đi bộ gần 15 ngàn bước. Ngày nào cũng như thế này, chắc tôi sớm trở thành một “dận động diên” có hạng đủ điều kiện tham dự Marathon.

Thứ 3, ngày 17 tháng 3: Chúng tôi rời khách sạn rất sớm lúc 6 giờ. Bàn tiếp tân vẫn không một bóng người. Trời tối, mặt trăng lưỡi liềm vẫn còn treo trên đỉnh núi tỏa xuống một ánh sáng mờ nhạt trên con đường đèo nhỏ hẹp. Chúng tôi chạy thẳng ra phi trường salt Lake city, trả xe, làm thủ tục kiểm tra với TSA rồi đi thẳng đến khu chờ đợi. Không lúc nào tôi muốn trở về nhà thật nhanh như lúc này.

Phi trường khá vắng vẻ, khách không phải xếp hàng dài khi đi qua khu kiểm tra an ninh, hành lý. Ai cũng từ tốn khoan thai. Hàng ghế ngồi chờ thưa thớt, tôi có thể thấy một số ít người mang khẩu trang nhiều hơn lúc chúng tôi đi. Nhìn họ, tôi có thể đánh giá nạn dịch đang có chiều hướng xấu đi. Chuyến bay của chúng tôi có 100 ghế, chỉ khoảng 35 người có mặt. Tôi đoán khách gọi vô hủy bỏ hoặc dời lại ngày đi.

Máy bay đáp xuống phi trường Tucson, lòng tôi rộn lên niềm vui nhiều hơn so với những lần đi công tác xa nhà vài tháng mới trở về. Chúng tôi ghé chợ tính mua đồ ăn trước khi về nhà, mới hay mình quá chủ quan, hay tỉnh như người Ăng Lê. Trong chợ, trên quầy đồ gia dụng, tất cả hàng hóa sạch trơn. Hàng thịt, khách phải lấy số, xếp hàng dài chờ đợi rất lâu. Có người trở ra với mấy chục pounds thịt bò. Nhân viên tuyên bố “you’ll get what you see, please come back tomorrow”, có nhiêu đây, hết thì thôi, mai trở lại. Quầy trả tiền cũng dài như các quầy hàng khác.

Khi viết gần xong bài này, tôi hay tin một trận động đất 5.7 magnitude mới xảy ra sáng nay, thứ Tư, 18 tháng 3, ở Salt Lake City làm bức tượng nổi tiếng,Thiên Thần Moroni thổi kèn, trên đỉnh tháp cao nhất của nhà thờ Mormon Temple rơi xuống trên nóc nhà và gây hư hại nhẹ. Đường cao tốc 80 dẫn đến phi trường tạm đóng và các chuyến bay đến phải quay đầu qua các nơi khác, các chuyến bay đi bị hủy bỏ. Vậy thứ Sáu ngày 13, đối với tôi, không phải là một ngày xui tận mạng nếu như động đất xảy ra ngày tôi đến thăm ngôi nhà thờ này thì sao? Không chừng Thiên Sứ “giáng trần” gần chỗ tôi đứng thì chắc mặt tôi xanh như đít nhái. Nếu chuyến bay của tôi vào hôm nay, tôi sẽ bị kẹt trong vùng “lửa đạn” này thêm một thời gian nữa, không biết sẽ còn gì xảy ra sau đó. 

Qua những biến chuyển của cơn dịch đã và đang xảy ra ở Mỹ, tôi chợt nhận ra nếu một trận dịch thật nặng nề xảy ra và chính phủ mất kiểm soát thì cuộc sống của người dân sẽ hoang tàn như ngày tận thế. Còn nhớ năm nào ở Los Angeles, California, nhân vụ nổi loạn vì chủng tộc, nhiều người Mỹ gốc Phi Châu tấn công vào khu chợ người Đại Hàn để cướp phá. Người mạnh sẽ cướp người yếu hơn. Người có vũ khí sẽ tấn công và cướp sạch sẽ người không có thứ gì để tự vệ.

Tôi nghĩ chúng ta nên coi đây là bài học cảnh tỉnh cho mọi người và cho cả chính phủ để có được một sự chuẩn bị thật chu đáo, có biện pháp ngăn ngừa mọi hoảng loạn như những ngày vừa qua. Trong mọi tình huống, mọi người không nên hoảng sợ, mà phải bình tĩnh vì chúng ta đang sống ở một xứ sở xuất cảng ngũ cốc nhiều nhất thế giới, lương thực phong phú, nguồn nước dồi dào. Chuẩn bị nhưng không hoảng loạn, gia đình tôi, đến giờ phút này, vẫn không tích trữ bất cứ thứ gì. Nhân loại ngày càng bị nhiều thiên tai lẫn nhân tai do chính con người tạo ra. Câu trả lời sẽ là lúc nào mà thôi.
REFERENCES:
1.       The Mormon Tabernacle Choir
2.       The Temple

Nguyễn Văn Tới

Không có nhận xét nào: