Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Tết nơi này không có hoa mai - Phan Hạnh

image1.jpeg 
Trong khung cảnh quê nhà với ngày Tết âm lịch cổ truyền Việt Nam diễn ra trong mùa xuân vùng nhiệt đới, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết ca khúc Đồn Vắng Chiều Xuân với câu “Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa”. Ở đây, chúng ta hát lên câu đó chỉ để nhớ tiếc những cái Tết chúng ta từng sống qua ở quê nhà. Ở đây cũng như ở các quốc gia hàn đới châu Âu, ngày Tết rơi vào khoảng thời gian cuối Tháng 1 và đầu Tháng 2 giữa mùa đông. Đến gần cuối Tháng 3 mới có dấu hiệu của mùa xuân, một mùa xuân chẳng có hoa mai. Thiếu hoa mai, ngày Tết của người Việt tha hương nơi đây kém đi nhiều ý nghĩa. Một cái Tết đầy đủ đúng nghĩa theo truyền thống chắc chỉ có ở quê nhà ngày xưa khi đại gia đình đoàn tụ sum vầy, đám con tề tựu họp mặt đông đủ, lũ cháu súng sính áo mới mừng tuổi ông bà với hoa đào ở miền Bắc và hoa mai ở miền Nam. Cảnh đó chỉ còn nằm trong đáy trí nhớ tôi, đôi lúc tôi hồi tưởng để sống lại tuổi thơ thần tiên. <!>

Tết đối với đứa trẻ nào đều là thần tiên cả. Khỏi đi học, được nghỉ ở nhà mấy hôm liền, được mặc quần áo mới khoe với bạn bè, được thưởng thức no nê toàn những món ngon đặc biệt thường ngày không có, được người lớn cho tiền lì xì để chơi bầu cua cá cọp, và được đốt pháo. Đứa trẻ sống vô tư chỉ biết vui đùa, chưa biết lo nghĩ, chưa có ý niệm gì về bổn phận và trách nhiệm, Tết thần tiên là phải.

Là một đứa trẻ ở miệt vườn sống trong thôn làng và sống trong đại gia đình, tôi có rất nhiều bà con, có cả bà cố ngoại. Tính ra, lúc tôi 6 tuổi, bà cố tôi cũng chỉ chừng bằng tuổi tôi bây giờ, 76 tuổi. Bảy chục năm trước ở tuổi đó, bà vẫn còn khỏe, vẫn đi ra sân trước lượm tàu cau rụng. Bốn năm sau bà mới mất. 

Điều tôi nhớ về bà nhất là óc khôi hài ngầm của bà. Trên gương mặt móm mém đó hay hiện một nụ cười chúm chím như đang vui thích một điều gì. Bà có 3 người con là bà ngoại tôi, ông ba tôi và bà tư tôi. Bà ở với con trai để cho con trai phụng dưỡng trả hiếu. Hai nhà rất gần, nằm hai bên của con đường rộng là lối đi chung nối từ lộ cái vô xóm trong. 
image6.jpeg
Bà tư tôi, con gái út của bà cố tôi ở Sài Gòn, không có con cái gì, lâu lâu gởi về chút tiền cho mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Nhưng bà cố tôi có tiêu tốn gì đâu, bao nhiêu tiền bà có bà cũng lì xì cho đàn cháu chít của bà hết. 

Có lần một người anh họ của tôi đã được bà lì xì rồi nhưng giả bộ khoanh tay chúc Tết bà nữa, mong kiếm thêm, nếu bà quên. Bà cười cười, xoa đầu cháu, khen cháu giỏi, nhưng lì xì thì không. Với trí óc còn minh mẫn, bà nhớ rõ có bao nhiêu cháu chắt, đứa nào tên gì, con của ai. 

Bà ngoại tôi kể có một lần thừa lúc ông ba tôi (em trai của bà ngoại tôi) đi vắng, ăn trộm cạy cửa vô nhà lúc trời vừa tối. Bà cố tôi chưa ngủ, nghe tiếng động, bước ra khỏi mùng, thấy trộm, bà không hoảng sợ gì cả, điềm tỉnh như không. Trong lúc gã trộm rón rén ngó quanh nhà dò dẫm, bà cố tôi tằng hắng nhắc: “Chú em ưa mít hôn? Nhà tôi có trái mít gần chín để dưới bếp đó.” Tên ăn trộm dông lẹ.

May mắn là gia đình ngoại tôi tuy không giàu nhưng cũng không hề thiếu thốn. Ngay tại ngôi nhà ba gian hai cháy của gia đình trú ngụ, ông bà ngoại tôi mở một tiệm tạp hóa nhỏ bán một số nhu yếu phẩm. Lợi tức từ sản phẩm cây trái trên mảnh vườn cộng thêm với mớ thu nhập bán hàng cũng đủ cung cấp cho gia đình một đời sống sung túc thoải mái và mỗi năm đều tưng bừng ăn Tết trong những năm tương đối thanh bình. 

Hầu như tất cả mọi việc buôn bán đều do ông ngoại tôi trông coi. Gần Tết, ông rất bận rộn công việc đặt hàng ở các tiệm buôn trên tỉnh lỵ, đa số là của người Việt gốc Hoa làm chủ.
Năm tôi 8 tuổi, Ba tôi ổn định việc làm và nơi cư trú trên Sài Gòn nên ông về quê Mỹ Tho rước vợ con. Từ đó tôi sống xa quê ngoại. Nhưng tôi vẫn thích không khí Tết ở nhà quê nên nếu có dịp, tôi về thăm quê ngoại, nhất là dịp Tết.  

Việc chuẩn bị ăn Tết mỗi năm ở nhà ông bà ngoại tôi rất bận rộn; ai ai cũng phải góp công vào. Tôi phụ anh họ tôi lau dọn ba bàn thờ gia tiên và đánh bóng ba bộ lư đồng, mỗi bộ gồm có một cái lư hương và một cặp chưn đèn. Ảnh thờ khá nhiều, tôi vừa lau bụi mặt khung kiếng vừa ngắm chân dung nhưng chẳng nhận diện được người nào. Tôi chỉ đoán chắc đó là hình ông bà cố và các thân nhân trong gia đình. Ông ngoại tôi dặn lúc lau dọn bàn thờ, chúng tôi không được nói chuyện đùa giỡn e có thể làm phật ý những người khuất mặt. 

Đến mục đánh bóng mấy bộ lư đồng, chúng tôi trải chiếu ngoài hàng ba, xong làm từng bộ cho khỏi lộn, khỏi phạm lỗi “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Lư hương khá nặng, tôi phải lấy xuống từ từ và riêng từng bộ phận: phần nắp đậy, phần thân và phần chân đế. Phần thân lư hương nặng nhất, tôi phải dùng hai tay nắm hai quai thật chắc và bước đi cẩn thận. Phần nào của lư hương cũng có hình thù điêu khắc gồ ghề lồi lõm rất khó đánh bóng. Khó nhất là con lân há miệng trên nắp đậy.

Đánh bóng hai chưn đèn dễ hơn vì có thể quấn giẻ rồi xoay trong lòng hai bàn tay. Nhưng khượi sạch hết sáp đèn cầy đóng trên chỗ cắm đèn và dĩa hứng sáp cũng khá tốn công.  

Bà ngoại vốn là người may vá quần áo cho mọi người trong nhà nên có nhiều vải vụn. Bà đưa cho chúng tôi một mớ  để làm giẻ đánh bóng lư đồng. Ngày xưa ở quê tôi chẳng thấy chai lọ thuốc tẩy hoặc hóa chất nào. Để tẩy vết xỉn vết ố và làm cho bộ lư đồng sáng bóng, chúng tôi chỉ dùng giấm chanh và muối pha trộn với nhau thành một dung dịch đậm đặc. 

Chúng tôi lấy miếng giẻ nhúng vào hỗn hợp đó thoa đều lên các món đồ đồng và dùng tay chà mạnh dưới ánh nắng nơi hàng hiên. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng hai cánh tay cử động liên tục cả giờ đồng hồ cũng thấm mỏi. Phải mất cả một buổi hai chúng tôi mới đánh bóng xong hai bộ lư. Vì chẳng có găng tay cao su để mang, da mười đầu ngón tay tôi thấm giấm chanh muối nên nhăn nheo khô rát vì có mấy vết trầy nhỏ. May mà công việc này một năm mới có một lần.

Trong mấy ngày Tết, tôi đảm trách nhiệm vụ nấu nước châm trà, một công tác nhàn nhã tôi ưa thích vì nó thú vị hơn là công việc lau dọn bàn thờ. Ở bên cạnh các cà ràng ông táo coi bộ vui hơn và thoải mái hơn. 
 
Tôi nhớ bếp hồng ngày xưa quê ngoại
Chiều chiều nhúm lửa má nấu nồi cơm
Nắp vung nhún nhảy gạo chín tỏa thơm
Lửa than hạt lựu reo vui tí tách.
Tôi nhớ cà ràng kê trên đống gạch
Má dụi bớt lửa bọt nhểu xèo xèo
Trán rịn mồ hôi mắt má nheo nheo
Chắt nước cơm sôi uống thay cho sữa.
Má xới cơm rồi lo món khác nữa
Tôi xin nướng ké củ khoai lùi tro
Má giả bộ rầy nhưng cũng cứ cho
Hình ảnh ngày xưa còn trong ký ức. (PH)

Thông thường, nhà ngoại tôi luôn luôn có hai bình trà, một để ở nhà trên và một để ở nhà dưới. Bình trà nóng được đặt trong lớp vỏ của trái dừa khô để giữ nóng được lâu. Mỗi ấm nước sôi chế đầy được hai bình trà. Ông ngoại tôi uống trà tàu hiệu Thiết Quan Âm là một loại trà xanh, ngon hay dở tôi chẳng biết. 

Khi nào bình trà cạn nước, ông hoặc bà ngoại gọi tôi đem nó xuống bếp để châm nước sôi cho đầy. Nếu cần, ngoại sai tôi đổ bỏ xác trà cũ. Ngoại dặn tôi phải dùng nước mưa để nấu nước sôi châm trà riêng chớ không được dùng nước sông lóng phèn dùng nấu cơm. Mỗi lần múc nước trong cái lu chứa nước mưa, tôi phải để ý để khỏi múc nhằm mấy con lăng quăng vì mặc dù lu nước có nắp đậy, mấy con muỗi vẫn len vô đó được.
image7.jpeg
Ông ngoại tôi tuy bận rộn lu bu với sổ sách buôn bán nhưng dành phần tự tay chăm sóc hai chậu bông mai đặt ở sân trước. Rải rác ngoài vườn sau cũng có vài bụi mai thuộc loại mai tứ quý, có khi là mọc hoang. Thật ra mai là loại cây rất dễ trồng, dù không được chăm sóc cũng vẫn sống rất lâu năm. Ông ngoại tôi nói bông mai tức là bông may mắn, cũng giống như trường hợp “cầu dừa đủ xài” là bốn thứ trái cây mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài vậy. Ông nói phải tưới nước, lặt lá, và canh làm sao cho hai chậu mai nở bông nhiều đúng mùng một Tết mới hay. Ông không tin tưởng ai khác trong nhà ngoài ông có thể “canh mai” hay như ông. 

Ôn lại kỷ niệm xưa và ngồi gõ những dòng chữ này, tôi cảm thấy buồn cười với ý nghĩ thằng nhỏ ngày đó bây giờ còn già hơn ông ngoại nó mà vẫn ít khi nào uống trà và chỉ hay nghĩ đến hoa mai khi xa nhà để lâng lâng buồn. “Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ… Là em thôi mong nhớ xuân này chàng có về…” (Đan Áo Mùa Xuân - Phạm Thế Mỹ). 

Năm tháng trôi qua, tôi lớn khôn và bị lôi cuốn vào đời sống nhiều ly loạn bởi cuộc chiến, phải xa nhà bao nhiêu là cái Tết. Tết Mậu Thân 1968 xảy ra với bao tàn phá chết chóc tang thương đã mãi mãi để lại một vết thương trong lòng những ai đã trải qua khiến mỗi năm Tết đến lại gợi nhắc một nỗi buồn. Những năm tiếp sau đó, khi Tết sắp đến, ai cũng nơm nớp lo sợ. Đường phố Sài Gòn giăng các biểu ngữ “Nhớ Tết Mậu Thân, đề phòng Xuân Kỷ Dậu”. “Vui Xuân Nhâm Tuất, nhớ Tết Mậu Thân”. 

“Viết/Nói về mùa Xuân, gặp gỡ chuyện trò trong ba ngày Tết, phải rặt là những điều vui hạnh phúc, lời chúc nhau đẹp đẽ nhất. Phải trình diễn với nhân gian một thần thái an bình, từ cõi lòng rộng mở rất mực. Chẳng ai nở kể lể, than van những nỗi đau, điều bất tường, bao rủi ro chịu phải, trong phận người.. Có nên vậy không? Quả thật là đúng như vậy sao? Chúng ta có dối trá với lòng dạ chính mình không? 

Hãy ngồi lại với nhau, chiều nay, đêm này, cùng nhau chọn tìm ra cho được, dù bất cứ đâu đó, đầu non góc biển, nhiều chục năm qua, có được một Hạnh Phúc, một Niềm Vui, đúng nghĩa Một Niềm Vui Chung, cho toàn thể người người đó đây, không phân biệt Tả - Hữu - Bắc - Nam.

Ngay lúc này đây, Xuân về, trước khói hương tổ tiên, hằng triệu người lưu lạc, hàng triệu người còn trong nước, đang trong giờ giỗ kỵ cha mẹ anh em, thương xót những số phận không may, đã không còn quanh đây, nhưng họ chưa, “Chưa hề được yên nghỉ” trong các mồ chôn tập thể, giữa biển Đông, dọc dài trong lòng Trường Sơn. Ta có thể cùng nhau thắp nhang cả trên mặt biển..

Và. Cũng là ngay trong giờ phút này đây, trên quê hương này đây, ngoài kia là tượng đài, là cổng chào cờ xí, hàng nghìn bàn tay nâng cao ly rượu mừng, “Kỷ niệm năm mươi năm chiến thắng Tết Mậu Thân”. Hãy mừng và hãy uống, dù tự đáy lòng một ai đó lẻ loi trong ấy, biết là rượu này được chưng cất từ những xương máu anh em, từ những núi đầu lâu người vô tội. Hãy tìm cho tôi một Ngày Vui, để chẳng còn lòng dạ nào nhắc tới nỗi buồn.” (Một đoạn trong bài viết Ngày Xuân Của Mẹ - Cung Tích Biền, 11/2017) 

Ở tuổi 80, nhà văn Cung Tích Biền có những cảm nghĩ buồn trên đây cũng phải. Tết Mậu Thân 1968 đối với những người lính từng cầm súng bảo vệ quốc gia VNCH ngày trước là một biến cố ghi khắc đậm sâu trong tâm khảm. 

Tết đến trên quê người càng buồn hơn, như đoạn cuối của ca khúc “Tôi chưa có mùa Xuân” của nhạc sĩ Châu Kỳ: “Hỏi xuân có gì vui; Xuân làm dáng cho đời, đẹp lòng giây phút thôi. Khi đất nước hai nơi, Xuân đi làm sao tới, đường dài xin chớ lui…” Trong thời tiết lạnh cắt da, Tết và xuân ngoài trời đâu chẳng thấy, có chăng là hoài vọng thắm thiết trong tim với bao kỷ niệm êm đềm ngày cũ.
image3.jpeg
Từ hơn bốn mươi năm qua sống ở quê người, gia đình tôi chỉ đón Tết mừng Xuân qua loa lấy lệ. Có năm, bạn bè người Bắc gói nhiều bánh chưng, sẵn tặng cho chúng tôi một cái ăn thử xem nó có ngon hơn bánh mua không. Có năm chúng tôi ra chợ mua, không bánh chưng thì bánh tét. Phần ở nhà, năm nào siêng, chúng tôi kho một nồi thịt đùi heo có trứng gà, thêm đậu hủ chiên, ăn ba bốn bữa mới hết. Chúng tôi hay làm dưa cải chua, giữ được lâu hơn là dưa giá. Ăn Tết qua loa như vậy là hết mức; vợ chồng già bày biện chi cho cực. 

Tết thiếu hoa đào nào phải Tết, Xuân không mai nở há là Xuân. 
Trong tác phẩm hồi ký “Thương Nhớ Mười Hai” hoàn tất năm 1972 ở Sài Gòn, nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) kể nhiều về nỗi nhớ của ông đối với hoa đào miền Bắc, nơi ông xa lìa sau Hiệp định Genève 1954. 

“Người Thổ trồng đào nhiều. Người ta đã thấy có những gốc đào cổ thụ đến hai ba người ôm mới xuể. Du khách đi Lao Cai, đến Sa Pa, cũng qua một rừng đào đẹp không kém đào ở Thập Vạn Đại Sơn. Đi vào rừng, trời mù mù như thể có sương bao phủ, nhưng bỗng nhiên đến một khúc quẹo, trời sáng hẳn ra. Nhìn lên không có một đám mấy. Trời nắng ấm, trông cứ y như là ngọc lưu ly vậy. Gió từ trên đỉnh cao thổi xuống, làm rung động những cành cây, Hoa đào rơi lả tả trên cỏ xanh như một cơn mưa màu sắc..

Vừa lúc đó, có ba cô nàng cưỡi ngựa thồ, vắt chân về một bên đi nhởn nhơ dưới trận mưa hoa, vừa nói chuyện vừa ngửa mặt lên trời cười. Hoa đào vương vào tóc, rủ lên trên vai áo, làm bật cái cạp và cái nẹp hoa “trần hoa cái”, hoặc “trần đường triện”, trông y như thể là ba cô tiên nữ.

Bây giờ ngồi nghĩ lại những hình ảnh xa xưa ất, tôi vẫn còn thấy đời ngọt ngào như có vị đường và tưởng như không bao giờ có thể quên được hương thơm quyến rũ của trời nước, của hoa đào, của da thịt những cô sơn nữ đẹp não nùng, sầu biêng biếc, ngửa mặt lên cười một cách hồn nhiên trong cánh rừng bạt ngàn san dã hoa đào.”

Hoa mai ở miền Nam trù phú chỉ gợi cho ông tha thiết nhớ đến hình ảnh Tết ở miền Bắc: 
image4.jpeg
“Miền Nam có một cái đặc biệt là có rất nhiều mai: mai vàng, mai trắng, mai tứ thời. Người xa nhà thấy mai nở nhiều như thế cũng dịu được phần nào lòng nhớ quê hương nhưng chân không vì thế mà ngừng bước: giữa ngày Tết, trong đám thiên hạ vui xuân, y cứ đi như một người bị chứng thuỵ du, đầu óc mông lung, nhớ cái Tết Bắc Việt không thể nào chịu được.”
Tương tự, nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là người miền Bắc sống 22 năm đầu đời trên đất Bắc, vào Nam làm việc năm 1934 cho đến cuối đời. Với ông, ngày Tết không thể thiếu hoa đào, nhưng rồi khi đã ở miền Nam lâu, ông cũng thích ứng với cuộc sống mới và yêu mến hoa mai. 

Nơi Chương 3 trong quyển “Hồi kí Nguyễn Hiến Lê”, nhà biên khảo viết: 

“Vào Nam, Tết năm nào tôi cũng nhớ đào, và tôi viết bài Hoa đào năm trước (Lá Bối xuất bản) chính là để cho vơi lòng nhớ đó. Ở Sài gòn, từ mười năm trở lại đây, gần Tết, đường Nguyễn Huệ thường bày bán ít cành đào chở bằng máy bay vào; có năm bạn bè cho chúng tôi một cành hoa đơn phơn phớt hồng, nhưng tôi không thích lắm! Loài hoa nào cũng phải hợp với thủy thổ của nó thì mới đẹp. Hoa đào mà đày vô miền nắng cháy này thì lam lũ, đáng thương như thiếu nữ đài các, mơn mởn mà phải tát nước hay nhổ mạ dưới nắng hè. Ở xứ nào chỉ nên chơi hoa xứ đó, miền Nam có mai vàng, tuy không đẹp bằng đào, nhưng rực rỡ, có vẻ phú quí, lại có ám hương thoang thoảng lúc ban mai, mà một gốc mai vàng thịnh khai nổi bật trong vườn lá xanh, coi thật hòa nhã.”

Hình: Forsythia (hoa mai chuông vàng, liên kiều hoa)

Tết của người Việt không hoa mai hoa đào đúng là hỏng. Hoa giả cũng hỏng. May cho chúng ta đang sống tha hương nơi những xứ tuyết, chúng ta có thể dùng hoa forsythia thay thế cho hoa mai, chỉ cần bẻ vài nhánh đem về nhà “cưỡng ép” cho nó ra hoa trong ba ngày Tết. Qua bài viết “Forsythia, loài mai vàng đất lạ”, một tác giả ký tên tắt là NTTK ở Thụy Điển chia sẻ:

“Forsythia. Hôm nay, tôi chợt vui và ấm lòng khi mang được những cành hoa dại của châu Âu đem đặt trang trọng giữa phòng mình như một vật báu.. Forsythia, xin mượn hình ảnh rực sáng và tỏa nắng kia để tôi được xuôi về quê hương trong tâm tưởng.

Hôm nay, tôi ngồi bên ô cửa mùa đông này, nhìn forsythia, nhìn những cành đông trụi lá, những con sóc chuyền cành và bầy chim di thê bay từng đàn như trôi qua bầu trời. Đêm 30 tết, tôi nhìn forsythia và nghe đi nghe lại bản vọng cổ “Xuân đất khách”, “Câu chuyện đầu năm”, “Bài ca tết cho em”.. và nghe trong lòng mình một nỗi nhớ quê, nhớ Tết tưởng đã được giấu đi trong lớp tuyết dày, được xóa đi trong cảnh vật xa lạ của trời Tây vốn chẳng có chút gì hoài niệm.

Forsythia, từ đêm nay, xin cho tôi về lại quê hương bằng sắc hoa vàng rực rỡ ấy… Xin cho tôi được gọi forsythia là mai vàng. Loài mai vàng đất lạ đã mang đến cho tôi – những người con xa xứ – thứ hương sắc quen thuộc của mùa Xuân, cho tôi được thở cùng nhịp thở mùa Xuân với quê nhà yêu dấu…” 

Mai chuông vàng forsythia, còn được gọi là liên kiều hoa, thường bắt đầu nở hoa vào giữa Tháng Ba khi mùa Xuân bắt đầu, nhưng bạn có thể “cưỡng ép” cho nó ra hoa sớm hơn. 

Trang nhà A Garden For The House có đăng bài viết “Instant Spring: Forcing Forsythia & Other Branches” bày cách đánh lừa cho mai chuông vàng nở hoa sớm theo ý muốn của bạn. 

Những bụi mai chuông vàng forsythia mọc hoang có thể cao đến 9 bộ Anh. Người ta thường trồng chúng nơi sân trước để làm cây kiểng, trong các khu vườn và trong các công viên. Mỗi đóa hoa mai chuông vàng forsythia gồm có 4 thùy và chúng luôn có màu vàng sáng. Khi bị nước mưa làm ướt, hoa mai chuông vàng tự động biết biến cụp bốn cánh lại để bảo vệ nhụy là bộ phận sinh sản ở giữa khỏi bị hư hại. Hoa mai chuông vàng forsythia cũng sản xuất sữa và có trái nữa.

Vào mùa đông, bụi cây forsythia là những cành khô trơ trụi không lá không hoa nhưng vẫn tiềm tàng mạch sống bất chấp nhiệt độ âm dù rất thấp. Chỉ cần bỏ ra một chút thì giờ và kiên nhẫn, bạn sẽ có những cành hoa mai vàng nở hoa rực rỡ trong ba ngày Tết. Trước Tết từ 2 đến 3 tuần, bạn hãy cắt một số cành forsythia theo ý bạn, đem về nhà ngâm gốc vào chậu nước nóng trong khoảng một giờ, sau đó cắm vào lọ hoa, mỗi ngày thay nước ấm vừa phải. Bị nhiệt độ ấm của không khí trong nhà và nước trong lọ hoa đánh lừa, chúng sẽ nở hoa trong mùa xuân bất chợt.

Trang nhà A Garden For The House còn bày cách “xí gạt” vài loại hoa khác ra hoa sớm. Hoa táo dại (crab apple) là loại tốt nhất để thay thế cho hoa đào; cách làm cũng giống như cách áp dụng cho forsythia. 

 Hình: Mai tứ quý (PH)

Hiện tại trong nhà tôi cũng có một chậu cây mai tứ quý nhỏ mới trồng được vài năm, cành lưa thưa ốm yếu, ra bông mỗi năm mấy đợt rất bất chợt nên không đủ mang lại sắc thái ngày xuân. Mỗi đợt ra hoa, có khi cây cho năm bảy chùm nụ, nhưng chúng không bao giờ nở rộ một lượt cả chùm, chỉ lần lượt thay phiên nhau nở một vài bông, cánh hoa lại rụng rất nhanh, chừa lại những trái xanh, lâu ngày chín dần biến thành màu đen bóng. 

Thật đúng như học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét, “Loài hoa nào cũng phải hợp với thủy thổ của nó thì mới đẹp.” Tuy ông nhớ hoa đào của quê hương miền Bắc nhưng do sống ở miền Nam lâu, ông yêu thích hoa mai. 

Còn chúng ta sống ở Canada không có hoa mai nên khi nhìn thấy hoa forsythia chúng ta không khỏi nghĩ đến hoa mai để rồi cũng đem lòng yêu thích. 

Mồng Một Tết ta năm nay, 2020, nhằm ngày 25 Tháng 1 dương lịch. Trước vài tuần, bạn nhớ tìm vài nhánh forsythia về chưng trong nhà thay cho hoa mai vậy.. Hoa mai chỉ đậu trên cành độ vài ngày trong khi hoa forsythia tươi rất lâu, có thể đến hai mươi ngày, mang lại cho chúng ta cảm giác ấm áp trong mùa đông tha hương.

Phan Hạnh. 1/2020.

Không có nhận xét nào: