“Bách bệnh đều bắt nguồn từ khí huyết”, là câu nói thường được dùng trong y học cổ truyền Trung Hoa. Tại sao khí huyết lại quan trọng với sức khỏe của chúng ta và quan trọng trong Đạo dưỡng sinh đến vậy? Làm thế nào để có thể điều chỉnh lưu thông khí huyết giúp tăng cường thể chất khỏe mạnh? Theo lý luận của y học cổ truyền Trung Hoa, con người sinh ra từ tinh hoa của đất trời, là “sự kết hợp linh khí giữa trời và đất.” Vì vậy, khí huyết trong cơ thể con người tương thông với linh khí của trời đất. Cách nuôi dưỡng khí tốt nhất đó là cần làm khí huyết luôn được dồi dào, ăn các thực phẩm bổ sung khí huyết, và áp dụng các biện pháp dưỡng sinh tập thở để điều hòa khí, đảm bảo khí huyết luôn sung mãn mới có thể khỏe mạnh.<!>
Về cơ bản, khí có 4 hình thức hoạt động: “tăng, giảm, xuất, nhập”. Khí được tổ hợp từ 3 thành phần chính: khí tiên thiên, khí hậu thiên và tinh khí từ phổi.
Khí tiên thiên là nguyên khí bẩm sinh, là tinh khí sinh ra từ trong thận, tinh khí được truyền lại từ cha mẹ, tương tự như gen di truyền mà chúng ta biết hiện nay.
Khí hậu thiên là tinh khí sinh ra từ chuyển hóa thức ăn ở lá lách và dạ dày. Không những tinh khí này có thể bổ trợ cho nguyên khí (khí tiên thiên), mà còn là nguồn dinh dưỡng cho các cơ quan trong cơ thể.
Cuối cùng, nguồn tinh khí từ phổi hấp thu từ tự nhiên, hình thành nên “tinh khí” của chúng ta.
Khí có tác dụng bảo vệ, bảo vệ cơ thể không bị những nguồn khí độc xâm hại, là cơ quan bảo vệ đầu tiên của cơ thể, có tác dụng kiểm soát sự đóng mở các lỗ chân lông xuất ra mồ hôi. Người có nguồn tinh khí bảo vệ kém thì thường ra nhiều mồ hôi, dễ bị cảm lạnh. Khí còn giúp duy trì nhiệt độ trong cơ thể, giữ cho nhiệt độ cơ thể được cân bằng, thúc đẩy sự chuyển hóa trao đổi chất trong cơ thể.
Phương pháp dưỡng sinh điều hòa khí trong cuộc sống hàng ngày
Luôn giữ tâm trạng hòa ái, tránh những thay đổi kích động tâm lý mạnh; điều hòa nhịp điệu sống chậm rãi, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc. Ngoài ra, nên ngủ trưa 30 phút. Khi nhiệt độ thời tiết thay đổi nên chú ý mặc thêm áo, hoặc bỏ bớt áo để không bị lạnh hoặc bị nóng.
Hít thở sâu, cần phải làm đươc 4 điều sau: Sâu, dài, đều, nhẹ. Sâu là bạn phải hít vào thở ra thật sâu; dài là thời gian hít thở phải kéo dài; đều là phải đều đặn, nhẹ là thở nhẹ nhàng.
Xoa ở vùng bụng, giúp bạn hạ hỏa ở gan, giúp bình tĩnh, và làm cho khí huyết lưu thông. Cụ thể như sau: thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. Sau khi đi vệ sinh xong, rửa sạch tay, tư thế nằm ngửa, đầu gối co lên, toàn thân thả lỏng, tay trái ấn vào bụng, lòng bàn tay hướng vào rốn, tay phải đặt trồng lên tay trái. Xoa 50 lần thuận chiều kim đồng hồ, sau đó lại xoa ngược chiều 50 lần. Khi xoa, nên dùng lực vừa đủ thích hợp, tập trung tinh thần, hít thở tự nhiên.
Phương pháp điều khí dưỡng sinh của Tôn Tư Mạo (đời Đường, Trung Hoa)
Phương pháp điều hòa khí huyết dưỡng sinh của danh y đời Đường Tôn Tư Mạo bao gồm 3 yếu tố cần thiết: điều hòa cơ thể, điều hòa hô hấp, điều hòa nhịp tim.
Đầu tiên là điều hòa cơ thể: thả lỏng thư giãn toàn thân, loại bỏ trạng thái căng cơ, nằm trên giường, gối đầu cao ở mức độ phù hợp, hai tay nắm hờ, đặt hai bên cách cơ thể từ 10-13 cm, hai chân duỗi thẳng, hai chân cách nhau từ 10-13 cm. Nằm ở tư thế này để giúp thả lỏng các cơ quan trong cơ thể, chuẩn bị cho quá trình điều tiết khí huyết.
Tiếp theo, điều tiết khí huyết (hô hấp): “miệng thở khí ra, mũi hít tinh khí vào” (hô hấp bằng miệng và mũi), yêu cầu thời gian dài đều đặn, từ từ hít khí vào trong bụng, cho tới khi không hít vào được nữa; sau đó ngừng hít vào, đến khi có cảm giác như khí tức không chịu được nữa dần dần thở ra bằng miệng, làm đều đặn từ từ để điều tiết khí huyết.
Cuối cùng, điều chỉnh tâm thái bình tĩnh (nhịp tim): “tai không nghe gì, mắt không nhìn gì, tâm không nghĩ gì cả”, tĩnh tâm nhắm mắt suy nghĩ, tưởng tượng đến bầu trời rộng lớn bao la, tưởng tượng khí dần dần giống như một đám mây ngũ sắc ở trên đầu, dần dần hạ xuống đỉnh đầu, dần dần giống mưa mây đang hạ xuống núi, mưa mùa xuân, thấm vào da thịt, đến tận xương cốt, dần xuống bụng, xuống tứ chi, giống như là có nước chảy ra, cảm giác như nghe tiếng giọt nước chảy tí tách ở bụng, thì càng có hiệu quả hơn. Cảm giác nguyên khí căng đầy, tuôn như suối, cơ thể hơi cảm giác rung động, là đã đạt đến yêu cầu quy định.
Trên đây là tác dụng dưỡng sinh của tinh khí và phương pháp điều hòa tinh khí để dưỡng sinh giúp cơ thể khỏe mạnh, trong cuộc sống hàng ngày.
Kiên Định biên dịch
(Nguồn: Internet_Vĩnh Liêm sưu tầm_Jan. 1, 2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét