Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Người Ra Đi, Kẻ Trở Về - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Tháng Sáu năm 1992.  Chiều thứ Sáu, buổi họp sau cùng của chuyến công tác vừa kết thúc, tôi vội vàng nhảy lên tắc-xi ra phi trường Cleveland để bay sang Toronto ở Gia Nã Đại.  Cleveland thuộc tiểu bang Ohio nằm trên bờ nam hồ Erie, theo đường chim bay chỉ cách Toronto khoảng 200 dặm Anh, và chiếc phi cơ 60 ghế bay ngang qua hồ Erie không tới 45 phút là tới.  Từ nhiều năm nay, mỗi khi đi họp ở vùng đông bắc Hoa kỳ, tôi nhân cơ hội bay sang Toronto và ở lại một hay hai ngày để họp với các bạn trong Tạp chí Xxxx Việt, một nguyệt san đấu tranh văn học nghệ thuật.  Tờ báo do Bảo chủ trương và dùng làm phương tiện chống Cộng và sinh hoạt cộng đồng.  Bảo là bạn thân của tôi từ thời học trường kỹ sư; Bảo học Công chánh, tôi bên Điện.
<!>
Mặt trời còn trên ở cao mặc dù đã sau sáu giờ chiều khi tôi ra khỏi khu kiểm soát quan thuế và di trú ở phi trường.  Bảo đón tôi với nụ cười nghiêm trang cố hữu và khi thấy bộ mặt phờ phạc của tôi, nhẹ nhàng trách,
            “’Ông’ làm việc hùng hục như trâu, di chuyển như chim bay chuột chạy, lại ăn ngủ thất thường; kiểu này thì chỉ có nước thác sớm bạn ơi.”
            “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ, mỗi ngày chỉ có hăm bốn tiếng đồng mà mình có bao nhiêu chuyện phải làm.  Nhưng ông bạn quý có khác gì tôi:  dấn thân đấu tranh, mỗi đêm Bảo ngủ được mấy tiếng đồng hồ?”
            “Chuyện ngủ nghê lẻ tẻ kể làm gì?  Kỳ này ‘ông’ hên, sang nhằm tối thứ Sáu cuối tháng anh em tổ chức hội thảo bỏ túi vừa họp mặt ăn uống vừa thảo luận những đề tài đáng chú ý của cộng đồng.  Hôm nay, mình sẽ nghe hai anh bạn kể chuyện đi và về bằng tàu Việt nam Thương tín (“VNTT”) năm 1975.”
Mọi người đã tề tựu đông đủ dưới giàn bầu hồ lô ở sân sau nhà Hiền khi tôi và Bảo đến.  Vác ngà voi như các anh em khác trong tờ báo, Hiền giữ nhiệm vụ “trị sự” tòa soạn.  Hiền mừng rỡ kéo tay tôi vào giới thiệu,
            “Nhà toán học Ba Hoa phụ trách mục ‘Đố Chơi Để Chọc’ được độc giả mến chuộng nhờ tài diễn tả các bài toán khó điếc lỗ tai thành những câu chuyện khôi hài vui nhộn.”
            “Anh Ba Hoa ở đây, còn chị Chích Chòe ở đâu không thấy?” anh nào đó hỏi đùa.
            “Ngoại trừ mục ‘Thư Đi Tin Lại,’ anh Ba Hoa là người nhận được nhiều thư ái mộ của nữ độc giả nhất.  Bộ ngu hay sao mà mang cái rờ-moóc theo làm kỳ đà cản mũi?” Hiền cười cười trả lời, nhưng cốt để ghẹo tôi.
Từ đằng sau chiếc bàn dài, một người trạc độ tứ tuần ăn mặc khá lịch sự bước tới bắt tay tôi,
            “Tôi là Hậu, bài nào của anh tôi cũng đọc ngấu nghiến không sót một chữ.  Các chuyện vui anh kể khiến tôi nhớ lại thời đi học trường Việt nam Hàng hải ở Phú Thọ.  Hồi đó, tôi học khóa sĩ quan cơ khí hai năm nên vào Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật sau anh mà lại ra trường cùng một lúc.”
            “Hèn chi tôi thấy mặt ‘ông’ quen quen,” tôi gật đầu.
            “’Ông’ Hậu là một trong hai diễn giả tối nay,” Bảo xen vào và chìa tay giới thiệu người thứ hai, “Vũ ngày xưa học Chu văn An cùng năm đệ nhất (lớp 12) với tôi.  Sau khi đỗ Tú tài II, hắn tình nguyện nhập ngũ, học trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang, và làm đến ông quan ba hai quần (đại úy hải quân).”
Cả bọn cùng nhau ăn uống và chuyện trò vui vẻ.  Chúng tôi ăn ngon miệng vì mỗi người mang tới một món ăn vốn là món ruột của bà nội trợ ở nhà.  Sau bữa ăn là phần hội thảo, Hậu và Vũ lần lượt kể lại cuộc hành trình của mình trên con tàu định mệnh.
* * *
Hậu làm sĩ quan cơ khí trên thương thuyền VNTT.  Tàu thuộc quyền sở hữu của Công ty Việt nam Hàng hải (“VNHH”) và là chiếc tàu viễn dương đầu tiên của Việt nam Cộng hòa (“VNCH”).  Ngày 29 tháng Tư năm 1975, khi tình hình tuyệt vọng, hàng ngàn người tụ tập ở bến Bạch Đằng và Khánh Hội tìm cách leo lên các thương thuyền đang đậu.  Tám giờ sáng ngày 30, VNTT rời Phao 1 ngoài sông vào cặp bến Kho 5 Khánh Hội, thuyền trưởng rời tàu về đón gia đình, và thủy thủ đoàn (trong đó có Hậu) và một số viên chức quản trị của VNHH đã đưa thân nhân tới chờ sẵn, hối hả lên tàu.  Rất nhiều người khác nhân cơ hội ùa lên theo.  Mười giờ 24 phút, máy phát thanh trên tàu phát ra lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Yyyy Man, một số quân nhân dùng súng tiểu liên và lựu đạn buộc thủy thủ đoàn phải lập tức rời bến, và tàu nhổ neo giựt xích ra đi.
VNTT xả hết tốc lực chạy ra khỏi Sài gòn và bị Việt Cộng (“VC”) bắn hỏa tiển tấn công ba lần khiến hông tàu thủng một lỗ lớn và hai người bị tử thương.  Ra đến hải phận Vũng Tàu, kiểm điểm người thì có khoảng 100 nhân viên VNHH và thân nhân trong các buồng tàu và 650 hành khách.  Ba ngày sau, tàu lết vào vịnh Subic ở Phi Luật Tân.  Lính Mỹ lên tàu bắt giao nộp vũ khí, đưa người bị thương xuống chữa trị, vá lỗ thủng bên hông, và yêu cầu tiếp tục đi tới đảo Guam.
Ngày 9 tháng Năm, VNTT cặp bến hải cảng Apra để chuyển hành khách vào trại tỵ nạn Orote Point rồi trở ra biển thả neo trong vịnh.  Nhân viên VNHH ở lại trên tàu trong khi chờ đợi chỉ thị của công ty.  Cuộc sống vật chất trên VNTT thật tiện nghi và thoải mái, tàu có đầy đủ thực phẩm và bia rượu hảo hạng dự trữ cho một cuộc hành trình dài, và thỉnh thoảng nhân viên VNHH lên bờ đi pinic và tắm biển như đi nghỉ hè phương xa.  Nhưng rồi họ cũng phải tìm đất dung thân, nơi sẽ sống quãng đời còn lại và xây đắp tương lai.  Mọi người đồng lòng xin nhập cư Gia Nã Đại và ngày 12 tháng Bảy, xuống tàu vào trại Orote Point làm thủ tục di cư sang miền đất hứa.  Quyền sở hữu VNTT được chuyển giao cho chính phủ Liên bang Hoa kỳ do sự xếp đặt của văn phòng Luật sư Arriola & Cushnie ở Guam đại diện cho công ty VNHH và thủy thủ đoàn.
Hậu mỉm cười mà nước mắt rưng rưng,
            “Cuối tháng Bảy, chúng tôi rời Guam bay qua Trại Pendleton ở tiểu bang California để khám sức khỏe và nhận chiếu khán vào Gia Nã Đại, một số xin ở lại định cư ở xứ Cờ Hoa.  Tôi bắt đầu cuộc sống mới ở xứ Cờ Lá và nhận nơi này làm quê hương.  Cuối tháng Mười, tôi nhận được thư văn phòng luật sư thông báo Hoa kỳ đã dùng tàu Việt nam Thương tín đưa người trở về Việt nam.  Tôi không còn cơ hội thấy lại con tàu thân yêu gắn bó trong năm năm hồ hải trên biển cả.”
* * *
Đầu tháng Tư năm 1975, Vũ phục vụ ở căn cứ Hải quân Phú Quốc, và trong tình hình rối beng, căn cứ cắm trại 100 phần trăm.  Vợ Vũ là Kim Ngọc có bầu gần sanh và con trai là bé Hải mới hai tuổi nên Vũ gửi vợ con về nhà ông bà nhạc trong Rạch Giá để rảnh tay lo nhiệm vụ.  Chiều ngày 29, Hải quân di tản, và tàu của căn cứ được lệnh nhổ neo và tập trung ở vùng Côn Sơn.  Sáng ngày 30, Tổng thống Xxxx Man ra lệnh đầu hàng; người chiến binh thất trận ngồi trên boong tàu nhìn về quê nhà mà nước mắt chan hoà, thi hành phận sự thường nhật như cái máy, và theo tàu đến đảo Guam, thương nhớ vợ con và thẫn thờ như kẻ không hồn.
Cuối tháng Sáu, một nhóm người trong trại Orote Point hàng ngày tụ tập trước bộ chỉ huy biểu tình đòi về Việt nam.  Chẳng bao lâu, Hoa Kỳ thành lập văn phòng đặc trách thỉnh nguyện hồi hương và yêu cầu Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) hợp tác và giúp đỡ.  Vũ làm đơn xin về đoàn tụ với gia đình.  Đồng thời, những người muốn trở về mà đã vào trại tỵ nạn ở bốn tiểu bang Arkansas, California, Florida, và Pennsylvania cũng được đưa trở lại Guam.
Vì Hoa kỳ không có liên hệ ngoại giao với chính phủ VC, UNHCR làm trung gian điều đình xin VC nhận người hồi hương và không bạc đãi, truy tố, hay giam tù họ.  Ban đầu, VC đưa mẫu lý lịch bắt kê khai; nhưng sau khi nhận được bản khai, VC ngưng hợp tác với UNHCR và đòi thảo luận trực tiếp với Hoa kỳ, nói là để tái lập bang giao và đòi bồi thường chiến tranh.
Ngay từ ban đầu, dưới sự xúi giục và huy động của một nhóm nhỏ, những người muốn hồi hương đã biểu tình, cạo đầu, và tuyệt thực để đòi Hoa kỳ phải “thả” họ về.  Các cuộc phản kháng xảy ra như cơm bữa, họ mong mỏi nỗ lực “đấu tranh chống Mỹ” sẽ được VC ghi nhớ.  Họ trương hình cụ Hà và bày tỏ lòng tri ơn đối với ông ta; đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chân dung một lãnh tụ Cộng sản xuất hiện ở một căn cứ quân sự Hoa kỳ.  Họ kéo nhau đi bộ ra khỏi căn cứ, đến thủ phủ Agana của Guam, và chăng biểu ngữ và hô khẩu hiệu kết tội Hoa kỳ giam giữ họ trái với ý nguyện.  Cuối tháng Tám, hàng trăm người bạo động đập phá, ném đá, ném bom xăng, và dùng gậy gộc tấn công lính Mỹ.  Họ đốt rụi hai ba-rắc lính và đánh bốn sĩ quan Mỹ bị thương.
                         
Ngày 30 tháng Chín, UNHCR cho biết các cuộc đàm phán thất bại và VC không nhận người trở về, chấm dứt hy vọng về giải pháp hồi hương chính thức và hợp lệ.  Chính phủ Hoa kỳ bèn đồng ý cấp chiếc tàu VNTT đang neo tại Guam cho họ làm phương tiện đi về, và chọn cựu Trung tá Hải quân Zzzz Đình làm thuyền trưởng và khoảng 100 cựu quân nhân Hải quân VNCH làm thủy thủ.  Hải quân Hoa kỳ tân trang con tàu toàn diện tốn trên một triệu đô-la, huấn luyện thủy thủ đoàn, và cung cấp mọi thứ cần thiết cho chuyến đi như y phục, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu, v.v.  Trước ngày khởi hành, 28 người đổi ý xin ở lại.  Tổng cộng 1,546 người lên tàu, trong đó có 250 phụ nữ và trẻ em.
Giữa tháng Mười, VNTT rời Guam và đầu tháng Mười Một cặp bến hải cảng Cầu Đá Nha Trang.  Công an đón đoàn người trở về với chiếc còng số 8 và tống giam tất cả vào trung tâm huấn luyện cũ của VNCH ở Đồng Đế.  Quần áo, vật dụng cá nhân, và mọi tài sản đều bị tịch thu.  Mọi người phải đứng trần truồng cho công an khám xét tới tận bộ phận sinh dục phụ nữ và hậu môn để tìm của giấu.  Trong ba ngày, ai nấy đều phải đi cầu vào cái  (tiếng Pháp “seau” là cái thùng nhỏ), xong đích thân công an đi đổ để tìm xem có hột xoàn hay quý kim nuốt vào giấu bụng hay không.  Phụ nữ và trẻ em bị giam tối thiểu chín tháng, và những người khác thì năm năm trở lên, tùy theo “thành phần” và “lý lịch.”  Ông Đình bị buộc tội “với tư cách thuyền trưởng, đã dẫn đầu âm mưu của Mỹ Ngụy” và nằm trong tù 13 năm.  
Vũ nói như muốn khóc,
            “Suốt hai tháng, đời sống vật chất cực kỳ thiếu thốn và cực khổ, tôi bị khủng bố, ép cung, và chụp mũ là Xịa (CIA) Mỹ gài vào để chống phá nhà nước.  Đêm đêm nước mắt hối hận ứa ra, tôi đấm ngực ăn năn, ‘Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng’ như trong kinh Thú Nhận.  Đầu năm 1976, tôi bị chuyển ra trại A-30 Xuân Phước gần Tuy Hoà để ‘cải tạo lao động.’”
            “Khi nào anh gặp lại gia đình?” Hiền lên tiếng hỏi.
            “Vào trại A-30 khoảng sáu tháng, tôi ‘lao động tốt’ và không ‘phạm kỷ luật’ nên được phép viết thư về cho gia đình.  Gần một năm sau, Kim Ngọc mới được phép thăm nuôi và lặn lội từ Rạch Giá ra với giỏ quà tiếp tế.  Nàng nhìn tôi thật buồn, ‘Ba má và hai con ai cũng thương và nhớ anh.  Nhưng lần này em đi thăm anh cũng là lần cuối cùng; nhà mình quá kiệt quệ, không đủ đắp đổi qua ngày.’  Lòng tôi đau như cắt, tưởng là về để lo cho vợ con, nào ngờ thành gánh nặng cho người thân.”
Sau đó Vũ bị chuyển ra trại Nghệ Tĩnh ngoài Bắc và đến năm 1984 mới được thả ra, tù đày cả thảy là chín năm.  Hải đã mười một tuổi, và cậu bé Dương lên chín mà chưa hề thấy mặt cha.  Năm 1986, Vũ vượt biên bị bắt lại, bị giam 45 ngày trong xà-lim tối, và hai năm sau mới được thả về.  Tháng Tư năm 1989, Vũ cùng Kim Ngọc và hai con lại đi, lần này đi trót lọt và đến Pulau Bidong ở Mã Lai Á, và 28 tháng sau được Gia Nã Đại nhận.  Rốt cuộc, Vũ đến miền đất tự do sau 16 năm khổ ải trong địa ngục trần gian.
Tôi xót xa bàng hoàng khi nghe Vũ thuật lại những kinh nghiệm thương đau.  Sao trên đời này có những con vật tàn ác với đồng loại đến thế?
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                           Ngày 16 tháng Mười, 2019

Không có nhận xét nào: