Thủ tướng Pakistan ‘biết ơn’ chính phủ Trung Quốc Theo Insider, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã lần đầu tiên chính thức thừa nhận rằng vì được chính phủ Trung Quốc “giúp đỡ” nên đã không phản ứng mạnh mẽ đối với việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, một sắc dân theo đạo Hồi giống với đa số người Pakistan. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào thứ Tư (22/01), khi được hỏi tại sao chính phủ Pakistan không có những phản ứng rõ ràng đối với việc người Hồi giáo bị ngược đãi ở Trung Quốc, ông Khan trả lời rằng ông không “biết nhiều” về mức độ người Duy Ngô Nhĩ bị đối xử tàn bạo.
<!>
Nhưng sau khi được phóng viên cung cấp thông tin, ông Khan thừa nhận rằng mối quan hệ đặc biệt giữa Pakistan với Trung Quốc đã có ảnh hưởng tới việc chính phủ của ông đưa ra phản ứng đối với vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ.
“Trung Quốc đã giúp chúng tôi”, ông Khan nói. “Họ đến giúp chúng tôi khi chúng tôi ở dưới vực thẳm, và vì vậy chúng tôi thực sự biết ơn chính phủ Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo việc vay tiền Bắc Kinh
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, trong chuyến thăm tới Jamaica hôm thứ Tư (22/01), đã cảnh báo rủi ro đối với các quốc gia nhận tiền một cách quá dễ dàng từ Trung Quốc, theo Reuters.
Ở điểm dừng cuối cùng trong chuyến công du Tây Bán Cầu, ông Pompeo đã đặt ra câu hỏi rằng “tiền dễ” từ Trung Quốc có giá như thế nào nếu nó “kích thích tham nhũng và xói mòn luật pháp của các bạn”.
“Hãy nhìn vào những khoản đầu tư đó, trên thực tế chúng hủy hoại môi trường của các bạn và không tạo ra công ăn việc làm cho người dân của các bạn”, ông Pompeo nói thêm.
Vào thứ Ba, ông Pompeo đã gây ra sự chú ý đối với các quan chức Trung Quốc khi phát biểu rằng những lời hứa phát triển kinh tế trong “chớp nhoáng” của Bắc Kinh thường tạo ra bẫy nợ và sự suy yếu chủ quyền đối với các quốc gia vay tiền từ Trung Quốc.
Cập nhật tình hình dịch bệnh do virus corona
Tính tới thứ Tư (22/01), đã có 17 người chết vì nhiễm loại virus lạ, thuộc chủng virus corona, được phát hiện ban đầu ở một chợ hải sản thuộc thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, Insider đưa tin.
Bên cạnh đó, theo Reuters, hơn 540 trường hợp đã được xác nhận nhiễm loại virus lạ gây bệnh phổi nguy hiểm. Chính quyền Vũ Hán đã đóng cửa hệ thống giao thông kết nối với bên ngoài và kêu gọi người dân hạn chế di chuyển để tránh làm bùng phát dịch bệnh.
Trong một diễn biến liên quan, sau cuộc họp tại trụ sở ở Geneva vào thứ Tư, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, họ sẽ đưa ra quyết định vào thứ Năm rằng có nên tuyên bố dịch bệnh khẩn cấp toàn cầu đối với trường hợp virus corona hay không.
Bà Lam nói có áp lực buộc kiểm soát truyền thông Hồng Kông
Tại diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ, hôm thứ Tư (22/01), Trưởng đặc khu Hồng Kông, Carrie Lam, đã tiết lộ rằng bà đã phải đối mặt với áp lực buộc kiểm soát truyền thông và các nhà báo trước tình trạng bất ổn xã hội diễn ra ở Hồng Kông, theo SCMP.
Bà Lam cũng thừa nhận, việc chính quyền của bà phải rút lại dự luật dẫn độ trước áp lực từ các cuộc biểu tình của người dân là một thất bại chính trị, tuy nhiên, người đứng đầu Hồng Kông đổ một phần lỗi gây nên thất bại này cho truyền thông quốc tế.
Mặc dù thừa nhận thất bại, bà Lam nói rằng không có ý định từ chức. “Tôi chắc chắn đã học được rất nhiều. Đó là lý do tại sao khi mọi người yêu cầu tôi từ chức, tôi nói: Tôi có thể tiếp tục để thực hành những gì tôi đã học để có thể để lại một nền tảng tốt hơn cho Hồng Kông, nhằm đối phó với những thách thức trong tương lai”, bà Lam cho biết.
Guaido đối mặt với ‘sự trả thù’ của Maduro
Lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, hôm thứ Tư (22/01) nói rằng ông sẽ cố gắng quay về quê nhà sau chuyến công du tới châu Âu, mặc dù có thể gặp rất nhiều nguy hiểm, theo Reuters.
Ông Guaido đã bất chấp lệnh cấm đi lại của chính phủ Maduro để tới châu Âu tìm kiếm sự ủng hộ đối với chính phủ lâm thời của ông.
“Tôi có rủi ro khi trở về, sẽ rất mạo hiểm khi tôi quay trở về”, ông Guaido nói trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với các nhà lập pháp EU, ám chỉ việc chính phủ Maduro đang “giăng bẫy” để đón ông trở về.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ, ông Guaido một lần nữa kêu gọi EU gia tăng áp lực lên chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro thông qua các biện pháp trừng phạt, nói rằng con đường ngoại giao, hòa giải với chính phủ thiên tả đã thất bại.
17 người tử vong, Trung Quốc cách ly Vũ Hán đóng cửa sân bay để đối phó với virus corona
Nhân viên y tế ở Trung Quốc trang bị cẩn thận trước khi kiểm tra virus corona với các hành khách. (Ảnh chụp màn hình của DW News)
Trung Quốc đã quyết định cách ly tạm thời thành phố Vũ Hán, đóng cửa sân bay và các phương tiện giao thông công cộng, trong bối cảnh hơn 500 người đã nhiễm virus corona mới và ít nhất 17 người đã tử vong.
Truyền thông Trung Quốc thông báo hôm thứ Năm, ngày 23/1, rằng chính quyền thành phố đã yêu cầu người dân không được rời khỏi Vũ Hán nếu không có lý do cụ thể. Đồng thời sân bay, các ga tàu, xe buýt và các bến phà của thành phố cũng bị đóng cửa tạm thời.
Dịch viêm phổi lạ do chủng virus corona gây ra được phát hiện lần đầu ngày 31/12/2019, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng biện pháp mạnh này của Trung Quốc cho thấy bệnh viêm phổi lạ đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn cả dịch bệnh SARS hồi năm 2002-2003. Và cho dù cách ly Vũ Hán thì số phận 11 triệu dân của thành phố này sẽ ra sao?
Tình hình ở Trung Quốc
Trong nhiều tuần trước, quan chức ngành Y tế Trung Quốc vẫn luôn khẳng định rằng chỉ có 41 người bị nhiễm virus corona. Nhưng khi con số thống kê tăng đột biến trong một vài ngày gần đây khiến dư luận lo ngại về việc che dấu thông tin ở Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm thứ Tư đã yêu cầu Trung Quốc chia sẻ thông tin chính xác về thực tế tình trạng virus corona. Có tin rằng giới chức Trung Quốc đã phải yêu cầu các quan chức địa phương không được che dấu tình trạng lây nhiễm của căn bệnh này.
Chủng virus corona mới gây bệnh phổi lạ được cho là giống với virus SARS và lây qua đường hô hấp. Một lễ hội thu hút hàng trăm ngàn người ở Vũ Hán đã bị hủy do lo ngại dịch bệnh lan rộng. Giới chức y tế Trung Quốc cảnh báo, chủng virus mới này có thể biến đổi và còn lan nhanh hơn.
Ngày 22/1, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Li Bin thừa nhận virus corona gây bệnh lạ có thể “đột biến và lây thêm cho nhiều người” tại các địa điểm đông đúc như nhà ga sân bay, trung tâm mua sắm.
Nhiều người dân Trung Quốc đã hủy các chuyến đi, mua mặt nạ, tránh những nơi công cộng như rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, và thậm chí chuyển sang một trò chơi mô phỏng dịch bệnh trực tuyến, hoặc xem phim thảm họa “The Flu” như một cách để đối phó.
Virus corona mới đã lây lan tới đâu?
Các báo cáo mới cho biết chủng virus này đã truyền từ người sang người và lây lan đến 26 tỉnh thành ở Trung Quốc. Ngoài ra các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh.
Một báo cáo của Trung tâm Phân tích Bệnh truyền nhiễm Toàn cầu tại Đại học Imperial Colllege, London, Anh, cho rằng có thể có hơn 1.700 trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Gabriel Leung, Trưởng khoa Y tại Đại học Hong Kong, lại đưa ra con số là gần 1.300 trường hợp.
Trung Quốc đã từng trở thành tâm điểm của bệnh dịch SARS trong năm 2002-2003 với ít nhất 8.000 nhiễm bệnh và 770 người tử vong. Tại thời điểm đó, các quan chức Trung Quốc bị tố cáo đã che dấu thông tin trong 5 tháng kể từ khi bệnh dịch bị phát hiện.
Virus corona mới này là gì?
Virus mới này được gọi là 2019-nCoV, là một chủng virus corona mới, trước đây chưa được xác định là có ở người. Coronavirus là một họ virus rộng, nhưng hiện chỉ có sáu chủng được xác định là lây cho người và chủng mới phát hiện này là thứ bảy.
Dấu hiệu nhiễm bệnh gồm các triệu chứng hô hấp, sốt, ho, khó thở. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật sống, nấu chín kỹ thịt và trứng, tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm.
Khả năng lây nhiễm vào Việt Nam
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Y tế, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới hoàn toàn có thể xâm nhập vào trong nước do lượng du khách lớn đến từ Trung Quốc, cũng như các nước khác, đặc biệt trong thời gian nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
“Dự kiến, Tổ chức Y tế thế giới WHO sẽ họp khẩn ở Thụy Sỹ để bàn bạc, xem xét xem có ban bố tình trạng khẩn cấp hay không. Đóng cửa khẩu biên giới, hoặc hạn chế giao lưu đi lại là biện pháp hết sức cần thiết để phòng chống dịch”, Thứ trưởng y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Hiện hành khách đến Việt Nam từ các vùng dịch khi nhập cảnh tại các sân bay đều được theo dõi bằng máy đo thân nhiệt, khi phát hiện trường hợp sốt, sẽ được đưa đến phòng cách li và theo dõi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét