Cập nhật thông tin ‘bệnh lạ’ ở Trung quốc
Các chuyên gia y tế cảnh báo công chúng hôm thứ Hai (6/1) rằng không được chủ quan trước sự bùng phát bệnh phổi lạ ở miền trung Trung Quốc, mặc dù các cơ quan y tế đã loại trừ loại bệnh này được gây ra bởi virus dễ lây lan như loại gây ra dịch Sars hoặc cúm gia cầm, theo SCMP.Các cơ quan y tế thuộc tỉnh Vũ Hán cũng nói rằng việc xác định virus gây bệnh phổi lạ cho 59 người vẫn đang tiếp tục. Trong khi đó, Cơ quan y tế Hồng Kông cho biết, số trường hợp nghi ngờ có triệu chứng mắc loại bệnh lạ này đã lên tới 21 người, với 6 trường hợp được báo cáo chỉ trong khoảng thời gian 24h, từ trưa Chủ nhật tới trưa thứ Hai.
<!>
Tổng cộng có 163 người đã tiếp xúc trong khoảng cách gần với các bệnh nhân bị nhiễm bệnh lạ đã được theo dõi y tế. Chưa có trường hợp tử vong vì loại bệnh này nào được báo cáo.
Mỹ cảnh bảo công dân về ‘sự trả thù’ của Iran
Theo bản tin của Reuters, Hoa Kỳ hôm thứ Hai (6/1) đã lưu ý công dân của mình đang sinh sống ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine phải cảnh giác với “sự trả thù” của Iran, sau khi chính quyền Trump tiêu diệt tướng Soleimani, một nhân vật “chống Mỹ cực đoan” nhưng được coi là “anh hùng” trong mắt Teheran.
Cảnh báo được đưa ra trên các trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ. Trong khi đó, Israel, một quốc gia đối địch với Iran và ủng hộ việc tiêu diệt Soleimani, chưa đưa ra khuyến cáo nào với người dân của mình, mặc dù truyền thông quân đội của nước này nói rằng lực lược vũ trang đã được cảnh báo về việc Iran có thể thực hiện hành động trả thù.
Đài tiếng nói của quân đội Israel cho hay, hệ thống “cảnh báo đỏ” của lực lượng bảo vệ quốc gia có thể được kích hoạt trong trường hợp bị tấn công bằng “súng cối hoặc hỏa tiễn”. Các cuộc tấn công kiêu như vậy từng được thực hiện định kỳ bởi nhóm Hamas, một lực lượng được Iran hậu thuẫn, từ phía dải Gaza.
Mỹ cáo buộc Nga – Trung ‘im lặng’ trước việc tấn công đại sứ Hoa Kỳ
Hoa Kỳ cáo buộc Nga và Trung Quốc hôm thứ Hai (6/1) đã cố gắng chặn một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “nhấn mạnh sự bất khả xâm phạm của các cơ sở ngoại giao và lãnh sự” sau khi một nhóm người được cho là do Iran “giật dây” tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vào ngày 31/12, theo Reuters.
Theo nguyên tắc, một tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ, gồm 15 thành viên, phải nhận được sự đồng thuận thì mới có giá trị.
Trong khi đó, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc cho biết 27 quốc gia đã lên tiếng chống lại cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad “trái ngược hoàn toàn với sự im lặng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì hai thành viên thường trực – Nga và Trung Quốc – không chấp thuận ra tuyên bố” lên án cuộc tấn công này.
Mỹ bắt đầu tiếp nhận các ý kiến về lệnh cấm đối với Huawei
Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Hoa Kỳ đã bắt đầu tiếp nhận các ý kiến của công chúng đối với quyết định liệt hai công ty công nghệ của Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE vào danh sách các thực thể đe dọa an ninh nước Mỹ, theo bản tin hôm thứ Ba (7/1) của SCMP.
Cho tới ngày 3/2, các tổ chức hoặc cá nhân quan tâm có thể đưa ra bình luận của mình về quyết định cấm các nhà cung cấp dịch vụ không dây ở khu vực nông thôn mua thiết bị viễn thông từ hai công ty Trung Quốc, bằng tiền từ khoản ngân sách 8,5 tỷ đô la của chính phủ Mỹ.
Khi kết thúc thời hạn một tháng, FCC sẽ xem xét các ý kiến và đưa ra quyết định cuối cùng. Động thái này cho thấy chính quyền Trump vẫn tiếp tục giữ thái độ cứng rắn với hai công ty bị coi là “gián điệp”, thực hiện hành vi thu thập thông tin tình báo cho Trung Nam Hải.
Cầu thủ bóng bầu dục giàu nhất thế giới tiếp tục công kích Bắc Kinh
Cầu thủ bóng bầu dục Sonny Bill Williams, người New Zealand, đã chia sẻ một bức ảnh trên Twitter cho thấy một biểu tượng mang hình quốc kỳ Trung Quốc đang bóp chặt một bàn tay khác được vẽ giống như lá cờ của khu vực đông Turkestan, vùng đất của người Duy Ngô Nhĩ, theo bản tin hôm thứ Ba (6/1) của Republic World.
Đây là hành động mới nhất thể hiện thái độ phản đối việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của cầu thủ bóng bầu dục giàu nhất thế giới, sau khi một ngôi sao thể thao khác là cầu thủ Mesut Ozil của CLB Arsenal đã công khai chỉ trích Bắc Kinh về hành vi đàn áp nhân quyền đối với các sắc dân thiểu số theo đạo hồi ở Tân Cương.
Sonny Bill Williams có thể sẽ phải nhận sự “trả thù” từ truyền thông cũng như các cơ quan quản lý của chính phủ Trung Quốc, tương tự như những gì mà Ozil phải đối mặt thời gian qua. Ngôi sao của Arsenal đã phải chịu sự công kích dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc, hình ảnh của Ozil bị xóa khỏi trò chơi bóng đá Pro Evolution Soccer, và kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã cắt sóng một trận đấu mà họ nghĩ rằng sẽ có sự xuất hiện của anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét