Tàu cần trục Lanjing đưa khối lượng khổng lồ lên giàn khoan trên biển. (Hình: Wikipedia) HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trung Quốc đưa chiếc tàu cần trục lớn nhất thế giới từ Quảng Đông xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, như một trò thách thức nhà cầm quyền CSVN. Theo nhóm thông tin Biển Đông South China Sea @SCS trao đổi tin tức với các chuyên viên quốc tế về tình hình khu vực, căn cứ trên dữ liệu thông tin hàng hải quốc tế cập nhật hằng ngày, chiếc tàu cần trục (crane vessel) Lanjing rời cảng Trạm Giang (Quảng Đông) chạy vòng quanh đảo Hải Nam rồi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý miền Trung Việt Nam.<!>
Chiếc tàu Lanjing tới vùng biển ngang với miền Trung Việt Nam vào lúc chiếc tàu khảo khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 cùng nhóm bốn tàu hải cảnh hộ tống rời vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chạy tới đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, nhiều phần để tránh bão và lấy tiếp liệu. Dù vậy, Trung Quốc vẫn để chiếc tàu hải cảnh mang số 46301 ở lại, quanh quẩn gần lô 6.1, nơi Việt Nam đang có hoạt động khai thác dầu khí.
Lanjing là chiếc tàu cần trục hoạt động ở những vùng biển nước sâu với khả năng có thể nâng những khối lượng vật chất nặng tới 7,500 tấn, theo thông tin trên từ điển bách khoa điện tử Wikipedia. Bởi vậy, nó là thành phần quan trọng để lắp ráp những giàn khoan dầu trên biển.
Hiện không có thông tin nào cho thấy hoạt động dò tìm hay khai thác dầu khí nào của Trung Quốc ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa, nên sự xuất hiện của chiếc tàu cần cẩu Lanjing dẫn đến nhiều nghi vấn. Nó có nhiệm vụ mở thêm khu vực thách thức thứ hai cho Hà Nội hay chỉ thay thế cho tàu khảo sát địa chất lúc tàu này vắng mặt? Một câu hỏi mà người ta tin giới chuyên viên phân tích có cơ hội tìm hiểu.
Đồ họa đường di chuyển của tàu cần trục Lanjing từ cảng Trạm Giang (Quảng Đông) vòng xuống vùng biển Việt Nam. (Hình: SCS@SCS)
Khi tiếp Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte ở Bắc Kinh ngày 29 Tháng Tám, 2019 vừa qua, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lập lại lập trường của Trung Quốc là không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế đưa ra hồi năm 2016. Nói khác, cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía Nam, Bắc Kinh vẫn ngang ngược coi hơn 80% Biển Đông trong hình “lưỡi bò” như cái “ao nhà” của họ.
Nhiều khu vực cái “lưỡi bò” liếm sâu vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines. Dựa vào tuyên bố đó, Bắc Kinh cản trở các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam, ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều ký công nhận.
Hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Chín, hãng tin Bloomberg cho hay Bộ Ngoại Giao CSVN cho phát ngôn viên phản ứng về tin ba nước có quân lực mạnh nhất Liên Âu (Pháp, Đức, Anh) ra tuyên bố lên án Bắc Kinh chèn ép Việt Nam trong các hoạt động dầu khí trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN Lê Thị Thu Hằng, gửi một bản điện thư, bình luận rằng những căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cho cả cộng đồng thế giới “quan ngại.” Bởi vì nó “có những hệ quả quan trọng đối với các nước cả trong và ngoài khu vực.”
Trong cái thế kẹt như hiện nay, Hà Nội qua lời bà Hằng: “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với các nước khác và cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.”
Ba nước Liên Âu Pháp, Anh, Đức phản ứng tiếp theo lưỡng viện quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án Bắc Kinh chèn ép Việt Nam và các nước nhỏ phía Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét