Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Trợ tử y khoa cho người bệnh ở Canada - Phan Hạnh.

image.png
Con người đến với cõi đời này không do sự tự ý. Điều còn lại là con người có thể tự chọn cách ra đi. Nếu một người đã sống đầy đủ gần trọn cuộc đời nhưng chẳng may bị bệnh nan y vô vọng cứu chữa, hay già yếu đến mức không còn khả năng tự kiểm soát được cơ thể nữa, liệu có ai muốn kéo dài sự sống trong đau đớn, bất lực và tuyệt vọng hay không. Nếu mọi công việc thông thường hàng ngày như tắm rửa, vệ sinh cá nhân, ăn uống đều cần sự trợ giúp của người khác thì liệu ai còn muốn sống thiếu nhân phẩm không. Viễn cảnh đó còn tệ hơn và đáng sợ hơn là cái chết.
<!>
Gặp trường hợp đó, dù ai muốn chết phứt cho xong nhưng chắc gì còn khả năng để thực hiện ý muốn đó. May thay, ở Canada, nếu hội đủ các điều kiện đòi hỏi, người dân có quyền được chết trong vẹn toàn nhân phẩm, nói một cách nôm na là chết tốt.
Ngày 7-5-2019, đài Global News có chiếu đoạn phóng sự của Catherine McDonald nói về một nữ bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung thời kỳ cuối đang nằm trong Bệnh viện Princess Margaret Toronto chờ “MAID”, tức là chờ chết qua sự trợ giúp y khoa.
Trong một căn phòng riêng được trang trí sơ sài trên tầng 16 của Trung tâm Ung thư thuộc Bệnh viện Princess Margaret ở Toronto, Violeta Mikaia, 59 tuổi, bồn chồn tâm sự về dự tính tương lai của bà: “Tôi vừa tìm được đúng con đường mà tôi đã cố gắng suy nghĩ từ lâu. Đây mới thiệt là giải pháp tốt nhất cho tình trạng đang mắc bệnh ung thư của tôi. Tôi luôn suy nghĩ phải làm sao đây một khi tôi không còn có thể tự chăm sóc bản thân mình nữa.”
Mikaia, một người gốc nước Cộng hòa Georgia trước đây thuộc Liên bang Sô viết, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung vào năm 2015. Bà hội đủ các điều kiện để được MAID, nghĩa là được chết nhờ sự trợ giúp y khoa, và bà đang liệu toan cho lúc ra đi. Theo điều luật quy định, bà Mikaia có thể chọn ngày cho cái gọi là “sự can thiệp trực tiếp” (tức là chích thuốc cho chết) do bác sĩ thực hiện trong ba ngày nữa, hoặc bất kỳ ngày nào sau đó.
Mặc dù Đạo luật C-14 về MAID đã có hiệu lực kể từ ngày 7-6-2016 tức 3 năm trước, nhưng trước đây, bà Mikaia không hay biết về điều đó. Bà chỉ là một phụ nữ di dân độc thân chưa bao giờ kết hôn và không có con, làm thợ may trong suốt 12 năm tại một cửa hàng quần áo thời trang ở Toronto. Cho đến gần đây, bà quá ốm yếu và không còn làm việc được nữa. Mikaia nói rằng bà đã đến Bệnh viện Mount Sinai vào ngày 21 tháng 4 vì bà cảm thấy vô cùng đau đớn. Khi sắp được xuất viện, nghĩ đến thân phận đơn chiếc mà lại lâm bệnh ngặt nghèo, bà tâm sự với các nhân viên y tế rằng bà đã có ý định tự tử.
Bà kể rằng khi bà nhập viện lại, bác sĩ trong bệnh viện muốn cho bà xuất viện một lần nữa. Bà mới nói với bác sĩ, “Quý vị thực sự có muốn tôi tự tử không?”
Thế là sau đó, một nhân viên từ khu chăm sóc giảm nhẹ (palliative department) của Bệnh viện Mount Sinai đến gặp bà và giải thích rằng bà không cần phải làm như vậy. Nếu cần thì bệnh viện sẽ giúp bà vì Canada đã áp dụng luật MAID mấy năm nay rồi.
Bà Mikaia kể lại với phóng viên Catherine McDonald: “Cô không thể tin được là tôi đã vui mừng như thế nào khi nghe tin đó. Tôi còn hỏi ông đó bộ ông nói giỡn chơi hả? Sau đó ông ấy mới làm thủ tục thu xếp cho tôi qua Princess Margaret Cancer Centre này đây.”
Bà Mikaia nói rằng bà rất biết ơn chính phủ Canada đã bảo vệ quyền cuối đời (end-of-life rights) cho những bệnh nhân vô phương cứu chữa như bà và cho đó là một đạo luật có ý nghĩa sâu sắc. Bà đồng ý dành cho Global News thực hiện một cuộc phỏng vấn để nâng cao nhận thức cho những người đang đau khổ như bà nhưng chưa biết về MAID, sự lựa chọn được chết qua sự trợ giúp y khoa.
image.png
Bà nói khi chưa biết về luật MAID, bà đã nghiêm túc nghĩ đến chuyện tự sát ở một nơi công cộng nào đó, chẳng hạn như công viên, và bà sẽ để lại thư tuyệt mệnh. Bà nói, “Tôi không có sự lựa chọn nào khác. Nếu bệnh viện không còn cách nào để chữa trị cho tôi và tôi không thể tự tử, chừng đó tôi sẽ kéo dài đau đớn mãi cho đến khi ngừng thở; như vậy không hợp lý chút nào.”
Bà Mikaia cho biết nếu bà có con cái thì là chuyện khác, nhưng bà lại không có đứa con nào. Ở Toronto, bà có một cô em họ, nhưng cô em này không tán thành ý định bà muốn bệnh viện giúp cho bà chết sớm; cô ấy cứ năn nỉ bà hãy kéo dài cuộc sống được chừng nào hay chừng nấy. Bà nói sống lâu trong đau đớn triền miên thì có ích lợi gì chứ, nghe chẳng hữu lý chút nào.
Bác sĩ Madeline Li, một bác sĩ tâm thần, cầm đầu chương trình MAID tại Mạng lưới Y tế Đại học, tổ chức giám sát Trung tâm Ung thư Princess Margaret, cho biết bà rất ngạc nhiên là bệnh nhân Violeta Mikaia không biết về MAID. Bác sĩ Li nói rằng hầu hết cộng đồng y tế đều tôn trọng thỉnh nguyện của bệnh nhân. Nhưng bác sĩ Li cũng thừa nhận là có một số nhân viên y khoa không cảm thấy được thoải mái khi đề cập đến vấn đề trợ tử này. Nhiều người trong số họ hỏi bác sĩ Li là họ có được phép nêu lên giải pháp MAID với những bệnh nhân vô vọng không. 
Thật ra Đạo luật C-14 qui định rằng nhân viên y khoa cần lên tiếng trước, khuyên bệnh nhân không nên tự tử vì đó là một điều trái luật. Nhiều người e ngại nghĩ rằng họ không được phép nêu lên vấn đề đó. Điểm khác biệt chính yếu và quan trọng là Đạo luật C-14 xác định rất rõ ràng rằng MAID không phải là tự tử. MAID trợ giúp bệnh nhân được chết đúng theo tất cả mọi yêu cầu pháp lý và biện pháp bảo vệ trong Đạo luật C-14.
Theo các con số thống kê, cư dân của các trung tâm đô thị lớn chọn MAID nhiều hơn người ở các vùng nông thôn. Về phái tính, số người chọn được chết cách MAID gần đồng đều, phần lớn là người già với độ tuổi trung bình là 72 tuổi. MAID chiếm khoảng 1,12 phần trăm trong tổng số người chết ước tính ở Canada.
image.png Hình từ phóng sự truyền hình đài Global News ngày 7-5-2019. Bệnh nhân Violeta Mikaia, 59 tuổi, trong Bệnh viện Princess Margaret đang trả lời cuộc phỏng vấn của Catherine McDonald, Global News.

Trong khi đó, bà Mikaia bày tỏ lòng biết ơn đối với các bạn đồng nghiệp tại tiệm bán quần áo thời trang TNT đã hỗ trợ bà trong thời gian bà bị bệnh. Chủ tiệm TNT là Carrie Richmond cho biết tiệm đang tính lo tổ chức tang lễ cho Mikaia sau khi bà qua đời.
Bà chủ Carrie Richmond ca ngợi Mikaia là một nhân viên tận tụy gương mẫu, thông minh trí tuệ luôn muốn học hỏi và chia sẻ kiến thức của mình với các bạn trong sở làm. Bà chủ Richmond nói, “Tôi nghĩ rằng Violeta đã đến với gia đình xưởng may chúng tôi để gửi cho chúng tôi một bài học kinh nghiệm và một thông điệp truyền cảm hứng rất mạnh mẽ. Chúng tôi rất biết ơn đã quen biết và làm việc chung với Violeta.”
Về phần Violeta Mikaia, bà mong các bạn đồng sở nếu muốn bày tỏ lòng tưởng niệm bà thì xin hãy gửi tặng tiền phúng điếu cho Dying with Dignity Canada, một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận. Tổ chức này cam kết bảo vệ các quyền cuối đời và giúp người Canada già bệnh tránh khỏi những đau khổ không ai muốn như trường hợp của bà. Bà đã được toại nguyện chết với đầy đủ nhân phẩm trong tuần lễ sau đó vào Tháng 5 năm 2019.
image.png
Cùng đề tài chết qua sự trợ giúp y khoa, gần đây hơn, ngày 29-7-2019, tạp chí Toronto Life có đăng câu chuyện do Susie Adelson kể về trường hợp của bà ngoại cô là Sonia Goodman 88 tuổi, cũng chọn được chết theo cách MAID, xem đó là giải pháp tốt đẹp nhất để chết với trọn vẹn nhân phẩm. Sau đây là lời kể của Susie Adelson, một người làm nghề quảng cáo thương mại ở Toronto.
Mùa thu năm ngoái, bà ngoại tôi, Sonia Goodman, quyết định đã đến lúc phải chết. Trong những năm qua, bà đã trải qua một vài cú té ngã nghiêm trọng với một cú nặng làm bà bị gãy xương hông. Những thủ tục tiếp theo sau đó nhằm khôi phục khả năng vận động của bà dẫn đến hậu quả càng xấu tệ hơn. Trước đó, ba người thân của bà là chồng bà và hai người con của bà lần lượt ra đi, trong số đó có mẹ tôi mất năm 2013 sau một cuộc phấn đấu gay go với bệnh ung thư thực quản. Ở tuổi 88, bà tôi nói rằng đã đến lúc ra đi được rồi; bà đã trải nghiệm cuộc sống quá đủ.
Trong lần phải được xe cứu thương đưa vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Sunnybrook vì nhiễm trùng huyết làm đau đớn tột cùng, bà ngoại tôi đã nài nỉ với bác sĩ trực ở đó rằng bà muốn được giúp đỡ để kết thúc cuộc đời. Lúc đầu, các bác sĩ đề nghị chăm sóc giảm nhẹ (palliative care), nhưng bà kiên quyết: không phẫu thuật nữa, không dùng thuốc nữa, thậm chí thuốc kháng sinh cũng không nốt. Bà đã chứng kiến nhiều cảnh người thân sắp qua đời và thấu hiểu mẹ tôi cũng đã chịu đau đớn như thế nào, và bà ngoại tôi không muốn chính mình phải trải qua cảnh đó. Cả tôi cũng vậy, nhìn thấy mẹ tôi uể oải trên giường bệnh trong bệnh viện qua nhiều tháng dài khiến tôi lo lắng và sợ hãi cái chết.
Sau khi lượng định tình hình tỉ mỉ, hai vị bác sĩ trách nhiệm chăm sóc bà tôi là Bs Deborah Selby và Bs David Juurlink đã đồng ý rằng bà tôi hội đủ các điều kiện để nhận được MAID, trợ tử y khoa. Ngày ra tay can thiệp được ấn định là ngày 30 tháng 11, tức là còn 10 ngày nữa. Tôi rất buồn khi sắp phải mất bà tôi, mối dây liên hệ tình cảm cuối cùng còn lại của tôi vì mẹ tôi đã mất, nhưng tôi và gia đình không dám cãi hay ngăn cản. Bà tôi là người có ý chí cực kỳ mạnh mẽ và đầu óc rất phóng khoáng tự do chứ không thủ cựu như thường thấy ở những người già khác.
Vì vậy, khi bà đề nghị nhờ tôi tổ chức giùm bà một bữa tiệc giã từ nhân thế bên giường bệnh tại nhà thương Sunnybrook với sự tham dự của một số người thân thuộc, tôi không lấy làm ngạc nhiên. Bà muốn trình diện bản thân với thế giới lần cuối.
image.png
Sáng ngày 30 tháng 11 năm 2018, bà tôi chải mái tóc bạc và trang điểm, thoa lên môi một lớp son màu đỏ anh đào đặc trưng của bà. Bà lặng lẽ nhưng lạc quan khi khách chen chúc vào phòng bệnh viện, tất cả đều mặc đồ màu ngọc lam, màu sắc yêu thích của bà. Các bức vẽ của cháu gái bà được dán trên tường. Vicki, em gái tôi, mở nhạc Mozart và Bach vì bà tôi yêu thích nhạc cổ điển. Tuy mới chỉ 10 giờ sáng, nhưng chúng tôi đã khui một chai rượu St-Rémy để mọi người chung vui với bà tôi, bởi vì có còn dịp nào khác nữa đâu.
Bà tôi cảm ơn tất cả mọi người đã đến và ứng khẩu một bài phát biểu rất hay như diễn văn ở giải Oscar vậy. Bà nói, “Cho đến ngày hôm nay, tôi nghĩ lần gặp gỡ này tất cả là cho tôi, nhưng giờ tôi hiểu rằng nó có ý nghĩa to lớn hơn thế. Cái chết thực sự nên là một kinh nghiệm để chia sẻ.” Bà mời từng người đến nắm tay bà, nhắc lại những kỷ niệm đẹp mà bà đã cùng có với họ. Bà cười vui hớn hở mỗi khi có người khen bà vẫn còn đẹp... lão.
Khi đến lượt mình, tôi cảm ơn bà đã sinh ra mẹ tôi, cho tôi một người mẹ. Tôi cũng cám ơn bà luôn nhắc nhở tôi nên thoa tí son mỗi khi bước ra khỏi nhà. Bà cười, và tôi ôm bà tôi trong niềm xúc động. Khi sắp đến lúc bác sĩ phải “can thiệp trực tiếp” cho bà, chúng tôi cùng nâng ly giấy có chút rượu St-Rémy lên cao và hô: “Mừng cho Sonia!”
Thế rồi sau đó, theo đúng thủ tục bắt buộc, bác sĩ Selby đã hỏi bà tôi một vài câu hỏi:
“Chúng ta đã bàn về chuyện này nhiều lần rồi, bà vẫn giữ ý định muốn chúng tôi tiến hành chứ?”
“Vâng.”
 “Bà có biết điều đó có nghĩa là bà sẽ chết hôm nay chứ?”
“Biết”
“Bà có muốn nhấp một tí rượu nữa không?”
 "Nhấp một tí thôi à? Tôi uống cả ly cũng được. Tôi đâu có lái xe đi đâu mà sợ.”
Câu nói khôi hài trước khi chết của bà tôi khiến mọi người vừa buồn cười vừa xúc động. Bà vui vẻ đón nhận cái chết. Bác sĩ tiêm mũi đầu tiên; bàn tay bà xoay qua xoay lại như vẫy chào. Hầu hết chúng tôi đều khóc. Rốt cuộc, chúng tôi đã chứng kiến một người phụ nữ tuyệt vời chết trước mắt chúng tôi. Nhưng nó đã xảy ra đúng như ý bà muốn, điềm tĩnh, cương quyết. Khoảnh khắc ấy không đáng buồn hay kinh hoàng. Nó đẹp một cách kỳ lạ.
Theo số liệu do Bộ Y Tế Canada đưa ra hồi Tháng Tư 2019, kể từ ngày 17-6-2016 là ngày hiệu lực của Đạo luật C-14 cho đến nay, có tổng cộng 6,748 người Canada chọn cái chết bình yên với nhân phẩm qua sự trợ giúp của bác sĩ. Cảm ơn Canada hợp luật hóa MAID, viết tắt của “Medical assistance in dying”, chết qua sự trợ giúp y khoa tức trợ tử y khoa.
image.png
Sau này, nếu tôi lâm vào tình trạng già yếu vì bệnh hết thuốc chữa, tôi cũng sẽ xin được MAID. Tôi xin là một chuyện, được chấp thuận hay không là một chuyện khác vì điều kiện gắt gao lắm. Bác sĩ phải thấy đúng là tôi còn đầu óc suy nghĩ tỉnh táo, đang chịu đau đớn hành hạ kinh khủng lắm, bệnh tình của tôi hết thuốc chữa hay không thể phục hồi. Quan trọng nhất là bác sĩ thương tình đồng ý chích cho tôi đi sớm cho khỏe chớ đừng bắt tôi phải nằm một chỗ sống dây dưa khổ sở. Nói như vậy là vì không phải bất cứ bác sĩ nào cũng sẵn sàng đồng ý giúp cho bệnh nhân được chết đâu. Có thể họ nghĩ đó cũng là một hình thức giết người gián tiếp trái với lương tâm họ nên họ không chịu nhúng tay vào.
Cho dù tôi được một bác sĩ đồng ý cho phép chết cũng chưa đủ, lỡ bác sĩ đó có cảm tình đặc biệt riêng (thương hay ghét không biết được) với bệnh nhân muốn chết thì sao. Muốn cho chắc ăn, điều lệ bắt buộc phải có một vị bác sĩ khác chẩn khám lại bệnh nhân và cũng đồng ý kết luận như vậy.
Thích một điều là tôi có thể yêu cầu được bác sĩ giúp cho tôi chết tại nhà. Ai mà chẳng muốn được chết trên chiếc giường ngủ quen thuộc của chính mình, mặc dù có khi nó bừa bộn như cái chuồng heo vì Thằng Tí cháu nội chó của tôi hay đào bới quậy tung mền gối rơi xuống đất.
Nếu tôi chọn được chết ở nhà, hoặc bác sĩ hay y tá sẽ đến tận nơi tiêm thuốc cho tôi, hoặc biên toa thuốc cho tôi tự uống. Nếu lạnh cẳng sợ chết sau khi đã tự ký bản án tử, tôi có quyền đổi ý trong vòng mười ngày, một khoảng thời gian đủ dài để suy nghĩ kỹ lại về quyết định của mình, cân nhắc lợi hại, đúng sai. Tôi sẽ chọn ra đi trong mùa thu, mùa tôi yêu thích nhất, để đúng với từ ngữ "an giấc ngàn thu".
Trước khi chích ba mũi thuốc cho tôi đi vào cơn mê, cho các bắp thịt khỏi co giật, và cho tim ngừng đập, bác sĩ hay y tá sẽ còn hỏi lại tôi lần cuối để biết chắc là tôi không đổi ý, tôi vẫn tỉnh táo sáng suốt và tôi vẫn muốn được họ giúp cho tôi chết. Tôi nghĩ được bác sĩ giúp cho chết đúng theo ý muốn cũng hay. Quyền lợi này chỉ dành riêng cho công dân Canada từ 18 tuổi trở lên thôi. Du khách từ nước khác đến đây để xin bệnh viện giúp cho chết không được đâu nhá.
Phan Hạnh.
(Theo các bài viết “Toronto woman raising awareness about medical assistance in dying days before she plans to end her life” của Catherine McDonald, Global News”, “I threw my grandmother an assisted suicide party. It changed the way I think about dying” của Susie Adelson, Toronto Life và tài liệu của Cơ quan Y tế Ontario.)    

Không có nhận xét nào: