Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Bài tường thuật về buổi ra mắt sách "DÒNG CHẢY" của Tôn Nữ Áo Tím Ngày 13 tháng 7 năm 2019 - Tôn Nữ Quỳnh Diêu


Những bó hoa ân tình được tác giả trao đến các diễn giả và các nhà bảo trợ.
Có người bạn phương xa thường gởi thư cho tôi và hỏi thăm "Hôm nay San Jose có gì lạ không em?"  Tôi đã không ngần ngại thưa rằng "Dạ có, San Jose hôm nay thứ bảy ngày 13 tháng 7 năm 2019 là ngày ra mắt sách "Dòng Chảy", một truyện dài của nhà văn Tôn Nữ Áo Tím".Tôn Nữ Áo Tím là một nhà văn xuất thân từ "Cổng Trường Vôi Tím", ngôi trường nữ nổi tiếng bên giòng Hương Giang êm đềm, thơ mộng, cổ kính tự ngàn xưa của cố đô Huế  .Trước đây, tôi đã từng tham dự hai lần giải thưởng truyện ngắn "Chuyến Tàu Định Mệnh" và "Trai Thời Loạn" và một lần ra mắt truyện ngắn "Con Đường Phượng Vỹ" do Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt 2014 và Tạp Chí Văn Học Cội Nguồn 2018 tổ chức. Hôm nay là lần thứ tư nữ sĩ ra mắt cuốn truyện dài "Dòng Chảy"- Cội Nguồn xuất bản. 
<!>
 Mặc dù công việc bề bộn, nhưng tôi vẫn thu xếp để đến tham dự ngày vui cùng với tác giả - một người bạn dễ thương có giọng Huế ngọt ngào, khuôn mặt khả ái và lại là một người con gái tài hoa của miền Sông Hương Núi Ngự. Ngoài tài viết văn, cô còn có giọng hát rất hay và ngâm thơ cũng rất mượt mà. 
Buổi ra mắt sách được tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Mỹ tọa lạc tại số 2072, đường Lucretia Ave., thành phố San Jose. San Jose đang giữa mùa hè nhưng khí hậu không đến nỗi oi bức. Mặc dù là chiều cuối tuần, nhưng lúc tôi đến nơi đã có nhiều độc giả có mặt từ sớm ở hội trường với những lời trò chuyện vui vẻ và những nụ cười ưu ái, dễ thương.
Tác giả trong tà áo dài màu tím Huế dịu dàng chờ sẵn ở hội trường để ký tên tặng sách cho độc giả. Mọi người đều chào đón đứa con tinh thần thứ hai của tác giả một cách hân hoan, trìu mến.  Khi tất cả có mặt đông đủ và đúng 1 giờ 30 phút chiều thì chương trình bắt đầu.
Cũng như những buổi ra mắt sách khác, phần chào quốc kỳ và quốc ca Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ được MC- Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Dũng- bắt đầu trong bầu không khí trang nghiêm, long trọng, cùng với phút mặc niệm để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân và những người đã khuất.
Ông Lê Văn Hải - Chủ nhiệm tuần báo Thằng Mõ, Bắc Cali - trưởng ban tổ chức mở lời chào mừng quan khách và có đôi lời tâm tình cùng tác giả Tôn Nữ Áo Tím, đồng thời trao đến cô một bức tranh về Dòng Chảy do ái nữ của ông đã ưu ái vẽ tặng.
MC, Tiến Sĩ  Nguyễn Hồng Dũng, giới thiệu các vị diễn giả, học giả, giáo sư tham dự:  nhà văn-nhà báo Thanh Thương Hoàng, nhà thơ Song Nhị, nhà thơ Diên Nghị, nhà thơ-nhà văn Ngô Đức Diễm, giáo sư Võ Văn Dật tức nhà biên khảo Võ Hương An cùng các văn thi hữu Bắc Cali. Phía hội đoàn có sự tham dự của Đoàn Cựu Huynh Trưởng Gia Đình Phật tử Bắc Cali, hội Ái Hữu Quốc Học Đồng Khánh Bắc Cali, Đồng Khánh 70 Group, Hội Đồng Hương Huế và Quảng Trị cùng đông đảo đồng hương Việt đến tham dự.
Nhà thơ Song Nhị, với tư cách chủ bút Tạp chí Nguồn, trong phần mở đầu, đã khẳng định: "…Tôn Nữ ÁoTím là tên tuổi tương đối còn mới mẻ, xa lạ trong giới cầm bút nữ tại hải ngoại, nhưng khi bước vào làng văn cô đã có một chỗ đứng nhất định, có thể sánh vai cùng các nhà văn nữ khác “… Qua nội dung trong tập truyện này, tác giả đã chứng tỏ là một người có khả năng suy tưởng phong phú với một tâm hồn nhạy bén khi mô tả tâm lý nhân vật qua những ngõ ngách của cuộc sống, để xây dựng đề tài và cấu trúc cốt truyện một cách vững chắc…“ 
Lược qua về tác phẩm Dòng Chảy, Nhà Báo Thanh Thương Hoàng nhận xét: “… trước năm 1975, nhiều nhà văn nữ Huế viết nhiều truyện dài gây sôi nổi một thời bởi những câu chuyện tình ướt át, lãng mạn, vượt cả hàng rào đạo đức… Nhưng khi đọc qua Dòng Chảy, tôi đã bị cuốn hút ngay… Tác giả viết chuyện tình, chuyện đời với một ngòi bút trong sáng nhuốm phần đạo đức, mặc dầu cô nàng Song Thu đã vượt qua hàng rào tục lụy Huế để thoát ly gia đình vào Saigon sống với người mình yêu. Phải nói Tôn Nữ Áo Tim khi diễn tả về Huế với những đặc trưng thật xuất sắc (người Huế có khác). Mạch văn nhẹ nhàng lưu loát, Nhà văn Tôn Nữ Aó Tím đã vượt thoát được những khuôn sáo, những đường mòn xưa cũ…”

Phần nhận định về tác giả TNAT, nhà thơ Dương Diên Nghị đã nói:  “…Một tác giả đi vào văn chương hay nghệ thuật, để có tác phẩm thì tác phẩm ấy không phải tự nhiên mà có mà tác giả ấy phải trải qua sự học tập, rèn luyện, nếm trải… phải có những kinh nghiệm, phải kinh qua những khốn khó của cuộc đời, bởi vì nếu đời không có phong ba thì cây lớn hoặc cỏ hèn cũng vậy, ai cũng như ai. Sự thử thách ấy đến từng giờ từng phút theo từng khúc quanh của lịch sử mà chính TNAT đã trải qua từ biến cố 30-4-75. TNAT đã viết lại tác phẩm này như một lời tâm sự, không riêng cho TNAT mà là cho tất cả những người VN bị kẹt lại với chế độ CS và tự coi như cuộc đời đã ném mình ra khỏi xã hội… TNAT đã bằng mọi cách để tự rèn luyện, quyết tâm không đầu hàng nghich cảnh… và đó là TNAT, thưa quý vị”.
Diễn giả sau cùng, - GS Ngô Đức Diễm, qua lối phân tích nội dung tác phẩm kết nối với tâm lý nhân vật khá sâu sắc, đã làm cho hơn 100 quan khách  phải im lặng lắng nghe. Ông nói: "Dòng Chảy là dòng nước cuốn trôi, không tụ đọng đứng yên và luôn luôn chuyển hóa. Đây là giòng định mệnh trong đó con người bơi lặn, chới với, nhưng vẫn cố bám vào những chiếc phao để khỏi bị nhận chìm với tâm thức phản kháng ...  Song Thu cô nữ sinh Đồng Khánh đã không để cho định mệnh cuốn trôi, trái lại đã kiên cường phản kháng, để giữ vững tay lái con thuyền đời và thuyền tình của mình.  Đó là dòng chảy của định  mệnh và phản kháng ..."
Chương trình được tiếp nối với phần tặng hoa do tác giả ân cần trao đến các diễn giả và các nhà bảo trợ, thay cho lời cám ơn chân thành. Chị nói: “TNAT thật vô cùng cảm động trước những tấm lòng thương mến của quý đồng hương, quý văn thi hữu đến tham dự buổi giới thiệu sách hôm nay…” Một bàn tay để lên trái tim, chị cúi đầu rất trân trọng. Chị không quên nói lời cám ơn đến các nhà văn, nhà thơ đã khuất, những cây bút đã đóng góp bài vở cho tạp chí Nguồn để duy trì sự hoạt động gìn giữ tiếng Việt hải ngoại.  
Phần vấn đáp giữa tác giả và quan khách đã làm cho buổi giới thiệu sách mang một nét mới lạ và hào hứng. Những câu hỏi xoay quanh các nhân vật trong truyện đã được tác giả trả lời thật khéo léo đem lại những tràng pháo tay thỏa mãn và thân thiện từ quan khách. Sau đây là một câu vấn đáp mà tôi tâm đắc nhất qua một cuộc phỏng vấn do Hệ Thống Truyền Thông CaliToday thực hiện vì tôi biết chị là một cựu sinh viên của trường Đại Học Khoa Học Huế: 
Hỏi: Với lối viết của chị, nhiều tác giả như Nhà Văn Huy Phương, Nhà Văn Võ Hương An, Nhà Văn GS Ngô Đức Diễm có nhận xét là rất nhạy cảm và tinh tế, chị có trải qua một trường lớp nào không? Và cơ duyên nào chị đến với nghiệp cầm bút?
Trả lời: Dạ không qua trường lớp nào cả. Chỉ là đọc sách nhiều và hơn thế nữa phụ thân của TNAT là một nhà thơ, nhà nghiên cứu, đã từng nhận giải của Trung Tâm Văn Bút VN năm 1967, cho nên TNAT được thừa hưởng cái gène của bố. Con xin cám ơn Bố. Với lại theo TNAT, viết là một lối giải trí tao nhã, nó phù hợp với những ai có tâm hồn, muốn nuôi nấng gìn giữ ngôn ngữ Việt của chúng ta trong lúc này. Tất nhiên ai cũng muốn như thế, nhưng mỗi người có một cách thể hiện khác nhau với một mục đích chung là tô bồi, giữ gìn tiếng Viêt. TNAT hy vọng chúng ta mỗi người một tay cùng xây dựng vun bón cho ngôn ngữ Việt đừng bị lãng quên vì “tiếng Việt còn thì nước Việt còn". Đúng không, thưa quý vị? và đó chính là cơ duyên mà TNAT đến với nghiệp cầm bút.
Sau cùng là phần văn nghệ do các ca sĩ ở San Jose và các thân hữu trình diễn.  Tác giả cũng tham gia một nhạc phẩm "Tình Ca" của Phạm Duy với giọng ca trong suốt và cao vút, thật hay.  Khi ban nhạc chuyển đến bài "Tạm Biệt" mọi người đều lưu luyến chia tay.
Cám ơn Nhà Văn Tôn Nữ Áo Tím đã nói lên giùm cho thế hệ của chúng tôi. Song Thu là một người con gái Huế điển hình, sống trong một gia đình quan gia đã thoát ra những khuôn phép, lề thói xưa cũ nhưng vẫn giữ được nề nếp gia phong để cuối cùng đã chiến thắng chính mình mà tôi nghĩ đó là chiến công oanh liệt nhất. Không riêng gì phụ nữ Huế mà chung cho tất cả "phụ nữ miền Nam nước Việt trước và sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Họ đối đầu với những dằn vặt tinh thần lẫn thể xác, những trăn trở trước một viễn cảnh tương lai mịt mờ... và bằng mọi cách để tồn tại, để đợi chờ một ngày đoàn viên…"  Mặc dù nước mất nhà tan, nhưng họ vẫn đứng vững trên đôi chân của mình.  Họ là những chinh phụ đã giữ tròn trinh tiết đáng được lưu danh muôn thuở.
Tôi đã có một buổi chiều cuối tuần thật hạnh phúc với “Dòng Chảy”. Tôi và các bạn rất hãnh diện về cô - một "cánh hoa nở muộn" nhưng hương thì vẫn mãi mãi bay xa bất tận.
Mong tác giả có sức khỏe để sáng tác nhiều hơn nữa cho những thế hệ kế tiếp ngày sau đọc, hiểu và hãnh diện về những mẫu "người muôn năm cũ" và cũng vì một lý tưởng cao cả "tiếng Việt còn thì nước Việt còn".

San Jose, July 18, 2019.
Tôn Nữ Quỳnh Diêu

Không có nhận xét nào: