__,_._,___Xuân đi học coi người hớn hở, câu thơ giản dị này mở đầu cho bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, đã khắc sâu vào ký ức của biết bao thế hệ học sinh, nhất là những thế hệ thuộc nửa đầu thế kỷ 20.. Dù sau này có đi Đông đi Tây, dù học cao hiểu rộng hay chỉ có một trình độ tầm thường, dù giàu sang phú quý hay sống trong cảnh nghèo túng, những thế hệ đã từng học ê a câu thơ trò Xuân đi học, hay Thương người như thể thương thân, đều vẫn giữ trong lòng cái kỷ niệm một thời thơ ấu được hấp thụ một nền giáo dục trong sáng với những giá trị vững bền.
<!>
Vào thời đại toàn cầu hóa, thời đại của Internet, của facebook, youtube, mà đọc lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư, có thể sẽ có người mỉm cười mà cho rằng giáo dục này quá xưa, quá ngây ngô.
Thưa, xin chớ vội phê phán nghiêm khắc. Đúng là ở thời đại chúng ta, nhờ những tiến bộ không ngừng của khoa học, kỹ thuật, chúng ta đi xa, hiểu rộng, những hiểu biết quá dồn dập nên lắm khi có hiện tượng khó tiếp thu hoặc không kịp tiếp thu. Nền văn minh khoa học, kỹ thuật lại có một khía cạnh tiêu cực : trong tình trạng toàn cầu hóa, biên giới văn hóa giữa các nước mờ đi, con người ngày càng mất gốc. Có hai nguy cơ đe dọa sự tồn tại văn hóa Việt Nam : người trong nước có xu hướng vọng ngoại, với ý nghĩ rằng cái gì của người cũng tốt hơn, đẹp hơn của ta ; người ở hải ngoại thì ngày càng quên ngôn ngữ mẹ đẻ, nói gì đến lịch sử, văn hóa nước nhà. Đó là nhận xét chung, đương nhiên không phải ai cũng rơi vào một trong hai trường hợp đó. Bên cạnh hiện tượng mất gốc còn có hiện tượng mất đạo đức. Vào thời đại chúng ta, mấy ai can đảm hô hào những nguyên lý căn bản của đạo đức thời xưa ?
Thế cho nên bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư nhắc nhở chúng ta một nền văn hóa giáo dục của quá khứ đã đào tạo nhiều thế hệ về tình người, về cách ăn ở, đối xử giữa con người với nhau. Quốc Văn Giáo Khoa Thư là một bộ sách gồm ba cuốn được soạn cho các lớp bậc tiểu học : cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư cho lớp Đồng Ấu và hai cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư cho lớp Dự Bị và lớp Sơ Đẳng. Cả ba cuốn được xuất bản và tái bản nhiều lần kể từ những năm 1920. Bộ sách do một số học giả biên soạn, đứng đầu là Trần Trọng Kim (1883-1953), ngoài những hoạt động chính trị đã đưa tên tuổi ông vào lịch sử, Trần Trọng Kim còn là một học giả uyên bác, am hiểu Hán học và Tây học, một nhà giáo và là tác giả của những cuốn sách như : Việt Nam sử lược, Việt Nam văn phạm (đồng soạn), Nho giáo. Bên cạnh Trần Trọng Kim có Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận. Tất cả các soạn giả đều là nhà giáo, đều hiểu biết nhu cầu của con em ở bậc tiểu học.
Có một điều không tránh khỏi là bộ sách mang dấu ấn của thời gian, của thời xưa với những quan niệm không còn phù hợp với những quan niệm và cách nhìn của chúng ta ngày nay. Nhưng phần chính của văn hóa giáo dục trong bộ sách vẫn sáng ngời như ngọn hải đăng.
Trong hai cuốn dành cho các lớp Dự Bị và Sơ Đẳng, ở cuối mỗi bài có phần giải nghĩa những chữ khó, thêm phần Bài tập và phần Làm văn. Cuốn của lớp Dự Bị, ở cuối bài lại có thêm một lời khuyên : Đừng bỏ phí thì giờ, Ta nên giúp đỡ lẫn nhau, v. v… Còn trong cuốn Luân lý cho lớp Đồng Ấu, mỗi bài được kết thúc bằng một câu cách ngôn rất dễ nhớ đối với trẻ em : Con có cha như nhà có nóc, Chị ngã em nâng, Gần mực thì đen. Phần nhiều ý chính của mỗi bài ở ngay trong tựa đề của bài : Không vì tiền mà làm điều phi nghĩa, Có học phải có hạnh, Không nên khinh những nghề lao lực. Thú vật cũng được dùng cho việc giáo huấn : Con hổ và con chuột nhắt, Con rùa và con chuột, theo kiểu những bài ngụ ngôn của La Fontaine.
Trong ba cuốn sách, mỗi bài được minh họa, hình vẽ tuy thô sơ nhưng làm vui mắt trẻ em và gây chú ý đến bài học. Còn đối với người đọc như chúng ta ngày nay, thì những hình vẽ đó biểu hiện xã hội thời xưa : đàn ông và nam sinh mặc chiếc áo dài truyền thống, đàn ông búi tóc hoặc đội khăn đóng hay khăn đầu rìu, đàn bà mặc áo dài, vấn tóc, hoặc đội nón quai thao. Không gian cũng được minh họa : có cảnh đồng ruộng, cảnh một lớp học, một nhà ga, cảnh Cửa Ngọ Môn ở Huế, v. v…
Qua nội dung của ba cuốn sách, có hai chủ đề nổi bật : đạo đức và trí tuệ.
Về luân lý, đạo đức, xã hội thời xưa là một xã hội nông nghiệp, đặt nền tảng trên đạo đức truyền thống. Một xã hội đề cao Không Tử, Mạnh Tử, có thứ bậc tôn ti, thờ phụng tổ tiên, lấy tình thương đối xử với người trên kẻ dưới, tình thương và kính trọng cha mẹ, lòng biết ơn thầy, tình thương người già, người tàn tật, người tôi tớ. Trong nền đạo đức cổ truyền, gia đình là yếu tố cốt lõi. Trong bộ sách, các soạn giả cho thấy cảnh đầm ấm của một gia đình, cảnh một bữa cơm ngon, cảnh ngày giỗ trong gia đình, và đưa ra những lời khuyên về việc phụng thờ tổ tiên, lòng yêu mến gia tộc, lòng biết ơn và giúp đỡ cha mẹ. Thường các soạn giả chọn những giai thoại để giáo dục trẻ con, như gương hiếu thảo của ông Tử Lộ, lòng kính thương chị của ông Lý Tích chẳng hạn. Phần trong gia đình là thế, còn ngoài xã hội, vào thời vua chúa thì có những nghi lễ, tế tự, như Lễ Tế Nam Giao. Trẻ em cũng phải biết rằng sống trong xã hội thì phải tuân theo pháp luật. Ở trường học, người học trò phải chuyên cần trong việc học, phải đối đải tốt và đoàn kết với bạn bè. Tốt với bạn nhưng cũng phải biết lựa bạn mà chơi.
Tóm lại, bộ sách đề cao những đức hạnh cần có, và khuyên tránh những tật xấu.
Ngoài đạo đức được xem như nền tảng của phẩm giá con người, Quốc Văn Giáo Khoa Thư còn dẫn người học trò tiểu học vào lĩnh vực văn hóa, bằng việc mở mang trí tuệ để hiểu biết vũ trụ, thiên nhiên, xã hội, rồi đến lịch sử, văn học. Trước hết, muốn được khỏe mạnh để học tập, người học trò phải giữ vệ sinh cho thân thể. Về việc học hành đã có gương chăm học của Thừa Cung. Rồi biết bao điều trong vũ trụ cần hiểu biết : tinh tú trên trời, những hiện tượng của thời tiết, sự ích lợi của thú vật, của thảo mộc. Trẻ em cũng cần hiểu biết cái thế giới quanh mình. Nếu ở thôn quê thì được biết đến làng mạc, nơi có chùa, có những nhân vật như ông lý trưởng và người tuần phu, công việc đồng áng được giải thích rõ ràng, cùng với những dụng cụ như cái cày, cái cối giả gạo. Lại có bài ca dao Khuyên về làm ruộng, hay ca ngợi cái thú chăn trâu. Nếu ở thành thị thì phát hiện những thành phố lớn : Sài Gòn, Huế, những thắng cảnh như Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, Lăng tẩm ở Huế. Qua những bài học, trẻ em ý thức trong xã hội có những tổ chức để đời sống con người được dễ dàng hơn, tiện lợi hơn, như đường xe lửa, nhà ga, những trung tâm có những sinh hoạt chuyên môn như nhà bưu điện mà thời đó gọi là nhà dây thép, Viện Pasteur, v. v…
Ngoài việc giúp trẻ em phát hiện thế giới hiện thực, việc mở mang trí tuệ còn đưa đến hai vấn đề văn hóa lớn : lịch sử và văn học.
Quốc Văn Giáo Khoa Thư giúp trẻ em biết yêu đất nước qua những bài về lịch sử. Trước tiên, trẻ em cần biết mình có một quê hương đẹp, còn gọi là đất nước. Môn lịch sử giảng cho trẻ em không cần đưa ra năm tháng của các biến cố và nhiều chi tiết rắc rối như trong các pho sách lịch sử của người lớn, mà chỉ kể chuyện, những chuyện có sức thu hút ; tên của các vị anh hùng sẽ in sâu vào trí nhớ. Trẻ em dễ theo dõi chuyện Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Tầu ; rồi đến ông Ngô Quyền cũng đánh đuổi giặc Tầu trên sông Bạch Đằng, thắng trận, ông lên làm vua và đóng đô ở Cổ Loa. Qua các trận đánh, trẻ em có một ý niệm về người anh hùng của đất nước. Phần vua Lê Thánh Tôn, thì ngài đánh Chiêm Thành để mở mang bờ cõi, ngài lại giỏi văn thơ, quan tâm đến lịch sử và địa lý của nước nhà. Lại có gương hy sinh đáng nhớ của ông Lê Lai liều mình cứu chúa ; còn ông Tô Hiến Thành, văn võ vẹn toàn, thì rất thương dân, thương nước. Các nhân vật lịch sử được kể lại trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư đều nêu cao lòng yêu nước. Ngoài ra, trí óc trẻ con còn non nớt, rất gần gũi với những chuyện hoang đưòng, nên khó quên truyện gươm thần của vua Lê Lợi.
Tóm lại, cách trình bày lịch sử của Quốc Văn Giáo Khoa Thư đối với học trò bậc tiểu học rất dễ hiểu, có sức lôi cuốn và góp phần vào việc tạo nên những người công dân tốt.
Sau lịch sử, trẻ em tiểu học được tiếp cận văn học dân gian truyền khẩu, tức ca dao, kho tàng của văn hóa nước nhà. Các soạn giả đã chọn những bài ca dao phản ánh đời sống ở nông thôn khi xưa, như về công việc đồng áng quanh năm : Tháng giêng là tháng ăn chơi / Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà…, về nỗi lo âu của nhà nông : Người ta đi cấy lấy công / Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề… Hoặc những bài gồm những lời khuyên có tính đạo đức : Con ơi, muốn nên thân người, / Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha… Làm trai quyết chí tu thân / Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo… Hoặc bài về hoa sen : Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, đầy tính ẩn dụ.
Thể thơ lục bát của ca dao giàu nhạc điệu, khiến trẻ em dễ học, nhớ lâu, và đồng thời giúp trẻ em phát hiện cái đẹp của văn chương. Ngoài ca dao còn có thơ cổ cũng cùng mục đích khuyên răn : Thương người như thể thương thân… hoặc cho thấy một cảnh đẹp của thiên nhiên : Ao thu lạnh lẽo nước trong veo…
Ngoài ra, ở học đường trẻ em còn được biết việc tổ chức các khoa thi ngày xưa và bởi đâu có chữ quốc ngữ ngày nay.
Bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư giúp trẻ em thời trước vừa có trí khôn đã phát hiện vị trí của mình trong gia đình, ngoài xã hội, và nhiệm vụ của mình đối với mọi người. Qua những nguyên lý đạo đức, phẩm giá con người được khẳng định và nâng cao ; và qua những đề tài giáo huấn đa dạng, việc mở mang trí tuệ ở bậc tiểu học có thể nói là đầy đủ vào thời đó. Đặc biệt những bài lịch sử trong bộ sách đã in sâu vào tâm hồn trong trắng của tuổi mới lớn ; phải chăng những bài lịch sử đó đã đắp nền phần nào cho lòng yêu nước của toàn dân hiện nay, trước hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc ? Biết bao thế hệ học sinh đã được hưởng cái công lao giáo dục của các soạn giả./.
Liễu Trương
Nhân dịp cuối năm, xin mến tặng quý bạn toàn tập QVGKT (đính kèm) để chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm tuyệt vời của thời gian cắp sách tới trường làng khoảng 60 hay 70 năm về trước !
NQThành
Cám ơn anh Nguyễn Quý Thành (ĐS11) đã chuyền tiếp.
Vì "Tuyển Tập Quốc Văn Giáo Khoa Thư" quá nặng (15.4 MB) nên Google Mails không chuyển được (Google Mails chỉ chuyển những attachments 8 MB max.). Do đó, tôi đã chuyển file này lên Google Drive. Nếu quý anh chị muốn xem và download xuống làm tài liệu cho con cháu sau này; xin vào dòng link dưới đây để download:
Kính chào,
Nguyễn Văn Sáu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét