Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

NHU LỰC cuả TRUNG CỘNG - Đỗ Hữu Long


Trong vài thập niên gần đây người ta hay nhắc đến từ ngữ ‘Soft Power’ và được các cơ sở truyền thông trong đó có đài phát thanh BBC, VOA dịch là ‘Quyền Lực Mềm’. Tuy nhiên, nếu đặt tên Soft Power là Quyền Lực Mềm thì phải gọi Hard Power là Quyền Lực Cứng, âm ngữ không thuận tai , vậy hãy tạm gọi  Soft Power là Nhu Lực  .
 I - ĐẠI CƯƠNG về NHU LỰC.
Nhu lực (soft power) là khả năng đạt đến điều mong muốn do sự hấp dẫn hoặc chiêu dụ. Nhu lực trái ngược với Cương Lực (hard power) do xử dụng sự áp bức hoặc mua chuộc, trả công. Nhu Lực đề cập đến một quốc gia muốn gây ảnh hưởng ra quốc ngoại bằng cách tạo ra sự tin phục và lôi cuốn hơn là hăm doạ hoặc xử dụng quân lực. Nhu lực cũng thừơng được vận dụng không phải do chính quyền mà do các Tổ Chức Phi Chính Phủ  (NGO) hoặc những Định Chế Quốc Tế (International Institutions) .
<!>
 Quan niệm cho rằng sự hấp dẫn cũng là một năng lực đáng kể do Nye và Lukes khai sinh mới đây. Thật ra khi ngược dòng thời gian trở về quá khứ xa xăm, người ta gặp Lão Tử, một hiền triết Trung Hoa sinh thời khoản thế kỷ thứ 7 truớc công nguyên.
Những người Việt Nam có đọc sách đều biết ít nhiều về Lão Tử với những lời khuyên dạy uyên bác, hiền hoà, nhân ái:
-         Phải đi phiá sau để lảnh đạo quần chúng.
-         Biết người khác là thông minh, biết chính mình mới thật sự khôn ngoan.
-         Làm chủ người khác là sức mạnh, làm chủ chính mình là năng lực thật sự.
-         Một người tàn bạo sẽ chết trong sự bạo tàn.
-         Chỉ những kẻ điên khùng mới tìm kiếm quyền lực và những kẻ điên khùng nhất tìm kiếm quyền lực bằng vũ lực.
Từ ngữ Nhu Lực (Soft Power) do Joseph Nye cuả Đại Học Harvard tạo ra năm 1990 trong tác phẩm  ‘ Hướng về Lảnh Đạo : Bản Chất Thay Đổi cuả Quyền Lực Hoa Kỳ’(Bound to Lead : The Changing Nature of American Power) . Quan điểm này được phát triển rộng hơn trong tác phẩm ‘Nhu Lực: Phương Tiện để Thành Công trong Hoạt Động Chính Trị Toàn Cầu’ (Soft Power: The Means to Success in World Politics) phát hành năm 2004 .  
Ngày nay Nhu Lực được những nhà phân tích thời cuộc và chính khách xử dụng rộng rãi trong giao dịch quốc tế. Tại Đại Hội lần thứ 17 cuả đảng cộng sản Trung Hoa (15 – 21/10/2007), Hồ cẫm Đào nói rằng Trung Cộng cần gia tăng Nhu Lực. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates cũng nói đến nhu cầu cấp thiết nâng cao Nhu Lực cuả Hoa Kỳ bằng cách gia tăng chi tiêu vào những dự án dân sự trong kế hoạch an ninh quốc gia, như là giao tế, thông tin chiến lược, ngoại viện, dân sự vụ, phục hồi và  phát triển kinh tế .
Năm 2008, trong tác phẩm ‘Quyền Lực Lảnh Đạo’ (The Power to Lead), Nye kết hợp những quan niệm về cương lực và nhu lực đối với sự lảnh đạo cá nhân. Trong bất cứ sự thảo luận nào về quyền lực, phải lưu ý đến thái độ hay cách hành xử là tác nhân gây ảnh hưởng đến người khác và đem lại kết quả. Đôi khi, những cá nhân hoặc những quốc gia có nhiều tài nguyên quyền lực lại không thể thu hoạch những điều mong muốn.
Lực lượng quân sự đôi khi cũng góp phần vào nhu lực. Một cuộc thao diễn quân sự hùng tráng có thể tạo nên một sức lôi cuốn; một hợp tác quân sự hoặc chương trình huấn luyện, tạo nên một mạng lưới liên quốc làm gia tăng nhu lực cuả một quốc gia. Công tác vĩ đại cứu trợ nạn nhân sóng thần trong vùng Ấn Độ Dương và động đất ở Nam Á cuả quân đội Mỹ năm 2005 đã tái tạo vẽ hấp dẫn cuả Hoa Kỳ đã bị hoen ố khi can thiệp quân sự vào Trung Đông. Sô Viết có một số vốn nhu lực sau Đệ Nhị Thế Chiến nhưng bị mất trọn gói khi xử dụng cường lực đối với Hung Gia Lợi tháng 10 năm 1956 và Tiệp Khắc tháng 8 năm 1968 .
Nhu Lực tượng trưng cho cung cách thâu hoạch những kết quả mong muốn, đối nghịch với cường lực là phượng tiện thường thấy từ trước đến nay. Nói rõ hơn nhu lực đề cập đến một quốc gia muốn gây ảnh hưởng với quốc gia khác bằng cách tạo ra sự tin tưởng vả hấp dẫn, không phải là hăm doạ hay xử dụng quân lực. Một số chuyên viên đồng hoá nhu lực với đầu tư và phát triển kinh tế, một số khác cho rằng nhu lực gồm các yếu tố giáo dục, văn hoá, ngoại giao.

II - TRUNG CỘNG GÂY DỰNG NHU LỰC.
Sự phát triển kinh tế vượt bậc cuả Trung Cộng đi kèm theo với sự bành trướng liên tục ảnh hưởng ngoại giao và văn hoá trên toàn thế giới nhất là trong những nước đang phát triển. Một vài chuyên viên đã nhìn thấy ảnh hưởng cuả Trung Cộng hiện nay ngang tẩm với Hoa Kỳ, đã xử dụng nhu lực một cách hiệu quả trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh.
Cuộc thăm dò ý kiến quần chúng trong 24 quốc gia tháng 2/2009 do đàì BBC thực hiện cho thấy rằng Trung Cộng đã mất 39% những yếu tố tích cực và gia tăng 40% những yếu tố tiêu cực. Bản tin cuả Dune Laurence of  Bloomberg ngày 17/2/09 tường trình rằng Chủ tịch Hồ Cẫm Đào đang huy động tiểm lực văn hoá, chính trị, kinh tế để xây dựng hỉnh ảnh Trung Cộng như là một cường quốc lảnh đạo có trách nhiệm cuả thế giới . Tiếp theo, chính quyển Trung Cộng tung ra một ngân khoản 6.6 tỉ mỹ kim để mở rộng phạm vi hoạt động và tầm mức ảnh hưởng cuả cơ quan truyền thông do chính phủ điều hành, đó là Truyền Hình Trung Ương Trung Cộng gọi tắt là CCTV (China Central Television) và Xinhuanet .

1-    Truyền Thông.
Truyền Hình Trung Ương Trung Cộng (CCTV) có mạng lưới 19 băng tầng, phát nhiều chương trình khác nhau với số khán giả hơn một tỉ người. Những chương trình gồm có phim tài liệu, hài kịch, giải trí, kịch nói nhiều kỳ …Trong cộng đồng ngưởi Việt thừơng trao đổi tin tức lẫn nhau, thỉnh thoảng vẫn nhận được nhũng màn trình diễn ca muá, thể thao, xiếc, aỏ thuật xuất sắc trich từ CCTV . Đài Truyền Hình Trung Ương  Trung Cộng (CCTV) là cơ quan phát ngôn chính thức cuả chính quyền Trung Cộng và cũng là nơi báo cáo trực tiếp với những viên chức cao cấp trong Bộ Tuyên Truyền Trung Ương Đảng Cộng Sản . CCTV duy trì khoàn 10.000 nhân viên với kinh phí khoản 1.120.000.000 nhân dân tệ.
Xinhua Thông Tấn Xã (Xinhua News Agency) là cơ quan thông tin quốc nội và quốc ngoại cuả Trung Cộng, phụ trách điều hành Xinhuanet.com như là trụ cột giữa những trang nhà cuả chính phủ . Với số lượng 150 chi nhánh trên toàn lục điạ và trãi khắp thế giới, Xinhuanet.com được trang bị kỹ thuật tinh xão, tạo nên mạng lưới truyển thông hàng đầu cung cấp tin tức, tài liệu, các bản tưởng trình tại chỗ, tưởng trình đặc biệt …Xinhuanet.com thu thập tin tức, các biến cố quốc nôị, quốc ngoại và phát ra tin tức hàng giờ bằng  bảy ngôn ngữ chính : Hoa ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, Tây ban Nha, Nga, A rập và Nhật ngữ .

2-    Giáo Dục.
Trung  Cộng không ngừng gia tăng yểm trợ các công tác trao đổi văn hoá, gởi bác sĩ, giáo sư đi làm việc ở  nước  ngoài, chào đón sinh viên nhiều  quốc gia đến học hỏi, nghiên cứu tại Trung Cộng,  cung cấp tài chánh cho những chương trỉnh dạy tiếng Hoa tại ngoại quốc . Năm 2005, Bộ Trưởng Giáo Dục Trung Cộng  công bố sáng kiến gia  tăng giáo dục Hoa ngữ trong các Đại học Hoa Kỳ và các Viện Ngôn Ngữ trên thế giới . Đại Học Bắc Kinh môt cơ sở giáo dục uy tín nhất, dành một ngân khoản lớn cho các giáo sư thỉnh giảng, khuyến khích các tiến sĩ ngoại quốc đến nghiên cứu tại Trung Cộng.
Bản tin cuả Xinhuanet tháng 1 năm 2006 cho biết số sinh viên ngoại quốc theo học tại Trung Cộng đã gia tăng 20% hằng năm trong suốt năm năm vừa qua. Phó giám đốc Phân Viện hợp tác quốc tế cuả Bộ Giáo Dục nói rằng: ‘Chính quyền Trung Cộng đánh giá cao sự hợp tác giáo dục với các quốc gia khác và hoan nghênh sinh viên ngoại quốc đến Trung Cộng ’. Ông ta cũng cho biết số sinh viên ngoại quốc lên đến 110.000 người năm 2004 và thêm rằng: ‘Trung Cộng mong muốn biết thế giới nhiều hơn nữa và cũng mong muốn thế giới biết Trung Cộng nhiều hơn. Đối với những sinh viên đã tốt nghiệp sẽ góp phần tích cực vào sự giao tiếp thân hữu giữa Trung Cộng và các quốc gia trên thế giới trong những lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hoá ’.  Viên Phó giám đốc ấy cũng tiết lộ tiêu chuẩn học bổng sẽ nâng cao và năm 2006 sẽ cấp học bổng cho khoảng 10.000 sinh viên ngoại quốc ’.
Báo China Daily ngày 21/11/2008  trìch dẫn nguồn tin từ Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục Hoa Kỳ (the American Center for Educational Exchange) cho biết sinh viên Mỹ ngảy càng quan tâm đến Trung Cộng . Một bản báo cáo năm 2008 cuả Viện Giáo Dục Quốc Tế (Institute on International Education) cho biết rằng Trung Cộng là điạ chỉ phổ cập đối với sinh viên Mỹ, đã từ hàng thứ bảy vượt lên hàng thứ năm với số lượng 11.064 sinh viên, trong khi số sinh viên Trung Cộng du học tại  Mỹ niên khoá 2007-2008 là 81.127 người, tăng 20% so với năm ngoái . Frank Mok, phối trí viên cuả Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục nói rằng các trường đại học Mỹ nỗi tiếng với sự giáo dục và nghiên cứu đã thu hút sinh viên Trung Cộng , số lượng sinh viên du học nói trên thật là  kỳ vĩ và sẽ gia tăng trong những năm tới .

3-    Văn Hoá.
Nhiều nhà nghiên cúu cho rằng Bắc Kinh ra sức thuyết phục thế giới tin rằng chủ trương cuả họ là hòa bình, bảo đảm nguồn tài nguyên dùng cho nhu cầu phát triển kinh tế và cô lập Đài Loan . Trung Cộng thi hành kế hoạch Văn Hoá bằng cách thiết lập nhiều trung tâm văn hoá và ngôn ngữ gọi là Học Viện Khổng Tử (Confucius Institutes) trên khắp thế giới.  
a/ HOC VIỆN KHỔNG TỬ .
Học Viện Khổng Tử được mô tả là học viện công cộng, bất vụ lợi, nhằm mục đích phát huy ngôn  ngữ và văn hoá Trung Hoa;  ban điều hành trung ương có trụ sở tại Bắc Kinh, trực thuộc Văn Phòng Hội Đồng Hoa  Ngữ  (the Office of Chinese Language Council) . Học Viện này có chức năng giảng dạy tiếng Hoa, đào tạo giáo viên Hoa ngữ, tổ chức thi trình độ tiếng Hoa, chiếu phim Tàu, tư vấn du học, tổ chức các hoạt động trao đổi văn hoá hữu nghị … Học Viện Khổng Tử cũng có thẩm quyền cấp chứng chỉ HSK, được xem như một văn bằng quốc tế về tiếng Hoa phủ hợp với nhu cầu học tiếng Hoa ngày càng cao ở các nước. Trung Cộng đang trở thành một cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất toàn cầu. Công cuộc mở rộng ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa xem như bước đi song hành, đạt đến mục tiêu cuối cùng là chi phối đời sống tòan khối nhân loại từ vật chất đến tinh thần. Điều nầy nhắc người ta nhớ lại giấc mơ cuả Mao trạch Đông ‘Gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây’.
Cho đến tháng 10 năm 2009, trên toàn thế giới đã thành lập 282 Học Viện Khổng Tử  và 241 lớp học Khổng Tử trong  84 quốc gia . Số Học Viện Khổng Tử phân phối như sau : 70 trong 28 quốc gia Á châu,  21 trong 15 quốc gia Phi châu, 94 trong 29 quốc gia Âu châu, 87 trong 11 quốc gia Mỹ châu,  10 trong 2 quốc gia hải đảo Thái bình dương . Số lớp học Khổng Tử gồm có 27 trong 10 quốc gia Á châu, 2 trong 2 quốc gia Phi Châu, 34 trong 7 quốc gia Âu châu, 176 trong 5 quốc gia Mỹ châu và 2 trong 1 quốc gia hải đảo Thái bình Dương
Riêng tại Việt Nam, bàn tin BBC ngày 6 tháng 4 năm 2009 cho biết Thủ tướng cộng sản Việt Nam gởi công văn số 1992/VPCP-QHQT đến các bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Ngoại Giao, Công An và Văn phòng Trung ương đảng Cộng sản, thông báo ý kiến cho phép thành lập một Học Viện Khổng Tử tại Việt Nam. Nguyễn Tấn Dũng giao cho Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo việc thành lập Học Viện Khổng Tử theo các qui định hiện hành. Cuối cùng, trong chuyến công du bốn ngày tại Việt Nam, Du Chính Thanh hàng thứ tư trong Bộ Chính trị Trung Quốc đã cùng với Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc chính thức khai trương Viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội ngày 27 tháng 12 năm 2014.
Những người Việt Nam trưởng thành từ 1945 trở về trước đều thấy rằng tại các tỉnh thuộc vùng trung du và đồng bằng khắp nước đều có đền thờ Khổng phu Tử gọi là văn miếu, được các quan lại điạ phương lo viêc lễ bái hàng năm . Qua hai cuộc chiến 1946-1954 , 1960-1975 và cuộc cải cách  ruộng  đất tàn bạo trong khu vực thuộc quyền kiểm soát cuả cộng sản, hầu hết các kiến trúc đó đã bị phá hủy . Sau 1975, còn sót lại một số:
-         Văn miếu Quốc tử giám tại Hà nội.
-         Văn miếu Xích Đằng, Hưng Yên.
-         Văn miếu Mao Điền, Hải Dương.
-         Văn miếu Bắc Ninh, Bắc Ninh.
-         Văn miếu Diên Khánh, Khánh Hoà.
-         Văn miếu Nghệ An, Nghệ An.
-         Miếu Văn Thánh, Huế.
Riêng tại Hội An (Quảng Nam) chính quyền VNCH đã xây một Khổng Miếu năm 1967 trong khu vực an ninh cuả thành phố.
Trong thời kỳ toàn thịnh cuả chế độ quân chủ, kéo dài nhiều ngàn năm từ Trung Hoa đến cac nước Đông Á như Triểu Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Văn Miếu là thánh đường, Khổng Tử là giáo chủ, giáo lý là các tín điều ghi chép trong Ngủ kinh, Tứ thư, các nhà nho như là tầng lớp tăng lử phải thông hiểu để thực hành . Khổng Giáo từ đấy còn gọi là Nho Giáo, chiếm vị trí hàng đầu, chi phối toàn bộ sinh hoạt xã hội từ tồ chức triều đình, phép tắc trị nước, đến đời sống vua chuá, quan lại, thứ dân …
b/ NHO GIÁO và KINH SÁCH
Theo sử liệu, nền tàng Nho giáo được hình thành từ đời Tây Chu (1134 – 770 trước công nguyên) do sự đóng góp đặc biệt của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công . Đến đời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử (sinh năm 551 trước công nguyên) phát triển tư tưởng cuả Chu Công, hệ thống hoá và tích cực truyền bá các tư tưởng đó vì thế mà người đời sau coi Khổng Tử  là người sáng lập Nho giáo .
Khổng Tử đã san định, hiệu đính và giải thích bộ Lục Kinh, tuy nhiên sau đó Kinh Nhạc bị thất lạc nên còn năm bộ Kinh, gọi là Ngủ Kinh :
-         Kinh Thi, sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử nói về tình yêu nam nữ. Khổng Tử san định thảnh 300 thiên nhằm giáo dục con ngưởi tình cảm lành mạnh, trong sáng.
-         Kinh Thư, ghi các biến cố và truyền thuyết về các đời vua trước, san định lại để các vua đời sau noi gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn , xa lánh các hôn quân như Kiệt, Trụ .
-         Kinh Lễ, ghi chép các lễ nghi đời trước, san định lại mong dùng làm phương tiện duy trì và ổn định trật tự xã hội.
-         Kinh Dịch, nói về các tư tưởng triết học cuả ngưởi Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái.
-         Kinh Xuân Thu, ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê cuả Khổng Tử. Khổng Tử chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lởi bình, sáng tác thêm lơì thoại để giáo dục các bậc vua chuá .
Tứ Thư là bộ sách do các môn sinh biên soạn sau khi Khổng Tử qua đời, gồm có :
-         Luận Ngữ, là lời dạy cuả Khổng Tử do học trỏ ghi chép .
-         Đại Học, sách dạy phép làm người để trở thành bậc quân tử, do Tăng Sâm còn gọi là Tăng Tử, một học trò xuất sắc cuả Khổng Tử biên soạn.
-         Trung Dung, do cháu nội cuả Khổng Tử là Khổng Cấp, học trò của Tăng Từ viết ra dạy ngưởi ta cách sống dung hoà .
-         Mạnh Tử, sách ghi chép lời dạy cuả Mạnh Tử .
c/ NHO GIÁO và TU THÂN .
Nho Giáo cũng đưa ra những chuẩn đích đạo lý: Tam Cương, Ngủ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức để cá nhân chấp nhận như là một nhân sinh quan, một lý tưởng, cố gắng noi theo, phát triển khả năng và ước vọng cuả đời người, góp phần ổn định và xây dựng xã hội, xứng đáng làm Người giữa Trời và Đất.
-         Tam Cương là ba mối quan hệ sinh tử giữa vua và tôi (quân thần), giữa cha và con (phụ tử), giữa chồng và vợ (phu phụ).
-         Ngủ Thường là năm điều phải hằng có trong đời sống :
·        Nhân là tình yêu thương giữa con người và với vạn vật.
·        Nghiã là cách cư xử với mọi người theo lẽ phải và công bình .
·        Lễ là tôn trọng người khác, hoà nhã khi xử sự .
·        Trí, thông hiểu lý lẽ, đủ khả năng phân biệt đúng sai, thiện ác, chân giả .
·        Tín là sự tin cậy lẫn nhau, giữ đúng lời nóì, lời hứa .
-         Tam Tòng là ba điều giáo huấn dành cho nữ giới : tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử .
-         Tứ Đức là bốn tính nết tốt người phụ nữ phải cố gắng gìn giữ :
·        Công : chăm chỉ và khéo léo trong việc làm .
·        Dung : giữ gìn sắc đẹp, biết trang điễm, biểu lộ nét thanh tú, trang nhã .
·        Ngôn : lời nói ôn tồn, nhã nhặn , lễ độ .
·        Hạnh : hiền thục, hiểu biết, khôn ngoan trong cuộc sống .
d/ NHO GIÁO qua  CÁC BIẾN CHUYỂN .
Thời Xuân Thu, Khổng Tử san định, hiệu đính, giải thích bộ Lục Kinh làm hành trang chu du rao giảng khắp thiên hạ trong vùng Hoa Bắc và thu nhận học trò  . Tiếp theo, các môn đệ biên sọan Tứ Thư góp phần hình thành nên Nho Giáo nguyên thủy còn gọi là Nho Giáo tiền Tần .
Sau khi tóm thâu lục quốc, Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế (221 TCN) nghe theo đề nghị cuả thừa tướng Lý Tư, nhằm mục đích thống nhất chính kiến và tư tưởng, ra lệnh đốt sạch sách vở (triết lý, chính trị, sử…) thi, thư, ngoại trừ sách dạy về bói toán, nông nghiệp, y dược . Nhắc đến Tẩn Thủy Hoàng đàn áp hàng ngủ trí thức không ai quên câu chuyện chôn sống 460 nho sinh bên ngoài thành Hàm Dương . Đây là thời kỷ suy trầm nhất cuả Nho Giáo .
Đến đời Hán (206 TCN – 8), Nho Giáo được đưa lên hàng quốc giáo dùng làm công cụ thống nhất tư tưởng, Nho Giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống bảo vệ các triều đại Trung Hoa . Thời kỳ nầy Nho Giáo được gọi là Hán Nho .
Đời Tống  (960 – 1126), Tứ thư    Ngủ kinh là sách gối đầu giường cuả các nhà nho . Nho giáo thời kỷ nầy gọi là Tống Nho hay là Tân Khổng Giáo với các tên tuổi như Chu Hy, Trình Hạo, Trình Di . 
Vào thế kỷ 20, Khổng Giáo cũng hai lần bị va chạm nặng nề , đó là Phong Trào ngày 4 tháng 5 năm 1919 và cuộc cách mạng văn hoá  (1966 – 1976) .
-         Phong Trào ngày 4 tháng 5 :  Trung Hoa tham gia Thế chiến I bên cạnh Đồng Minh năm 1917, gởi 140.00 lính thợ  (laboureur) đến Pháp, với điều kiện tất cả khu vực ảnh hưởng cuả Đức trong lành thổTrung  Hoa phài giao hòan cho chính quốc đáng kể là bán đảo Sơn Đông . Tuy nhiên thoả ước Versailles tháng 4 năm 1919 lại chuyền giao thẩm quyền quản trị Sơn Đông cho Nhật Bản .
Buổi chiều ngày 4 tháng 5 hơn 3000 sinh viên cuả Đaị học Bắc Kinh và những trường khác tâp trung trước Thiên an môn . Họ phản đối chính quyền nhu nhược, hèn yếu . Họ tức giận sự phản bội cuả đồng minh và sự bất lực cuả chính quyền không đủ sức bảo vệ  những quyển lợi cuả Trung Hoa tại bàn hội nghị  .
Ngày hôm sau, sinh viên ở Bắc Kinh đồng loạt đình công và sinh viên khắp nơi trong nước lần lượt đáp ứng . Từ đầu tháng 6, để yểm trợ cuộc đấu tranh cuả sinh viên, công nhân và thương gia ở Thượng Hải cũng đỉnh công . Trung tâm cuả phong trào từ Bắc Kinh chuyển về Thượng Hải . Tình hình hiện tại cũng làm giai tầng xã hội bên dưới nỗi giận, giới lao động thấy bị bóc lột, tiểu nông nhận ra sự nghèo khó triền miên . Những hội đoàn báo chí, hiêp hội nhân dân, phòng thương mãi cũng tham gia yểm trợ sinh viên . Các thương gia còn đi xa hơn, đòi không trả thuế nếu chính quyền vẫn ngoan cố .
Phong trào lan toả trên 20 tỉnh và hơn 100 thành phố, sự tham gia cuả  quần chúng rộng khắp vả phổ biến hơn cả cuộc Cách Mạng Tân Hợi (1911) .
Kết quà  ghi nhận Phong trào thắng thế lúc ban đầu vả cuối cùng chỉ cỏn là biểu tượng, Nhật Bản vẫn giữ quyền kiễm soát bán đảo Sơn Đông và những đảo trong Thái Bình Dương .  Mặc dủ cuộc xuống đường vĩ đại và phản đối rầm rộ khắp nơi không đạt đến mục tiêu, tuy nhiên sự thành công đáng kể là đã đem lại sự đoàn kết các giai cấp trong xã hội . Biến cố cũng tác động mạnh mẽ đến giới trí thức Trung Hoa nhắc họ quan tâm tích cực đến những những vấn đề  trọng đại cuả đất nuớc .
Thấy rõ sự ưu thắng của người và cảnh bại liệt cuả mình, một số nhân sĩ, trí thức, giáo sư đại học, sinh viên muốn thay đổi nền tảng tư tưởng cổ truyền .
Khổng Giáo là một đối tượng được đem ra xét lại . Cuộc vận động tân văn hoá phát sinh tại đại học Bắc Kinh do Hồ Thích, Trần độc Tú  và Thái nguyên Bồi  (hiệu truởng trường Đại học Bắc kinh) chủ trương . Họ hô hào : 1/Đả phá các ý thức truyền thống . 2/ Gầy dựng tinh thần khoa học và dân chủ . Vì thế các vấn đề như Khổng giáo, lễ nghi, phụ nữ, văn học đều đuợc những người nầy đem ra nghiên cứu, phê bình .

-         Hồ Thích là một trong những nhà trí thức có ảnh hưởng lớn trong Phong trào 4 tháng 5 và Phong trào Tân văn hoá (New Culture Movement) .
Ông du học Mỹ,  học môn triết học và văn chương năm 1912 . Sau đó ông theo môn triết học tại Đại học Columbia và chịu ảnh hưởng giáo sư John Dewey và suốt đời bênh vực chủ nghiã thực dụng  (pragmatism) cuả Dewey.  Ông trở về Trung Hoa giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh . Trong thời gian nầy ông hợp tác với Trần độc Tú, chủ nhiệm tuần báo Tuổi trẻ mới  (NewYouth) và mau chóng nỗi tiếng . Thập niên 1920 Ông rời bỏ tuần báo Tuổi trẻ mới, củng với bạn hữu phát hành nhiều nhật báo hoăc tạp chí chính trị . Ông chủ trương canh tân văn hoá trên nền tảng chủ nghiã thực dụng .
Ông là đại sứ Trung hoa Dân quốc tại Hoa Kỳ từ 1938 đến 1942 .

-         Trần độc Tú là một khuông mặt lảnh đạo cuả Phong trào 4 tháng 5 . Ông đưa ra sáu nguyên tắc hướng dẫn thanh niên thoát khỏi sự kiềm toả cổ hủ cuà Khổng giáo :
·        Phải tự lập thay vì lệ thuộc.
·        Phải tiến bộ thay vì bảo thủ.
·        Phảỉ đi tới thay vì lùi bước.
·        Phải hướng ngoại thay vì cô lập.
·        Phải vụ lợi thay vì không thực tế.
·        Phải khoa học thay vì không tưởng.
Trần độc Tú cổ vũ những tư tuởng mới như cá nhân chủ nghiã, dân chủ, nhân bản và những phương pháp khoa học đồng thời đào bới tận gốc rễ Khổng Giáo vì những lý  do :
·        Khổng Giáo quá thừa thải nghi lễ vả thuyết giảng thứ luân lý hiền lành, ngoan ngoản, an phận, phục tòng, làm người Tàu yếu đuối, thụ động, không thích nghi với thế giới văn minh, cạnh tranh và hiếu chiến .
·        Khổng Giáo nhìn nhận giá trị gia đình nhưng bỏ quên cá nhân là đơn vị cuà xã hội .
·        Khổng Giáo ủng hộ sự bất bình đẳng điạ vị trong xã hội .
·        Khổng Gíáo nhấn mạnh vảo lỏng hiếu thảo là nguyên nhân làm con ngưởi trở nên qụi lụy, lệ thuộc .
·        Khổng Giáo thuyết giảng tuyệt đối trung thành với tư  tường mà không quan tâm đến tự do tư tưởng và tự do phát biểu .
Trần độc Tú là Chủ tịch đầu tiên cuả đảng Cộng sản Trung Hoa (1922-1925) và Mao trạch Đông  kế vị sau đó .
-         Cuộc Cách Mạng Văn Hoá và thân phận Khổng Tử .
Tháng 10 năm 1949 sau khi đánh bại Quốc Dân Đảng, Mao trạch Đông và đảng cộng sản chiếm cứ toàn thể lục điạ , đặt Trung Hoa trong chế độ cộng sản . Mao tự cho mình là người trung thành cuả Marx, Lenin và Stalin dựng nên chủ nghiã Mao trạch Đông đưa đất nước vào những giai đoạn khủng khiếp trong đó có cuộc Cách mạng Văn hoá .
Tháng 11 năm 1966 mộ phần cuả  Khổng Tử tại quê hương tỉnh Sơn Đông bị khai quật, thi thể cuả người chết từ năm 479 TCN nay chi còn cát bụi cũng bị ném tung theo gió cuốn . Hình tuợng và đền đài thờ phượng bị đập phá, kinh sách lưu trử được đem đốt sạch. Trong chiến dịch, Khổng Tử bị lên án là ‘kẻ xấu’, ‘kẻ thù’, ‘kẻ hèn nhát’ ; những người chống lại Khổng Tử  -kể cả nhi đồng-  được gọi là ‘người tốt’, ‘dũng cảm’ và  ‘tất thắng’ .
Riêng Mao trạch Đông cũng dùng những lời lẻ thô tục, hạ cấp đối với Khổng Tử khi gọi Khổng giáo là đạo ‘ăn phân’.

4 – Sơ lược Nhu lực cuả Trung cộng trong vùng Đông Nam Á .
Trung Cộng đã tiến vào Đông Nam Á để quân bình sự liên hệ trong khu vực với Nhật Bản và Hoa Kỳ . Tình trạng Đông Nam Á với những  hiềm khích trong quá khứ và tình hình kinh tế đang bị đình trệ, là cơ hội tốt để Bắc Kinh gia tăng nhu lực vào khu vực và đạt kết quả . Trong một kỷ họp quốc hội tại Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn gia Bảo đã mô tả Trung cộng như là  ‘một con voi thân thiện’ không có bất kỳ sự hăm doạ nào với Đông Nam Á .
a/ TRUNG CỘNG HIỀN LÀNH . 
Trong quá trình lịch sử, Trung Cộng đã hai lần doạ nạt Đông Nam Á. Lần thứ nhất xảy ra trong thập niên 1950, 1960 khi đảng cộng sản Maoist lan tràn trong các nước Nam Dương, Thái Lan, Mã lai, Singapore, Phi luật Tân, Miến Điện . Kế tiếp là cuộc xua quân tràn qua biên giới Việt Nam lấy cớ dạy nước nầy môt bài học vì đã xâm chiếm Cam bốt .
Ngày nay các quốc gia Đông Nam Á là chứng nhân thay đổi quan điểm về Trung Cộng từ chỗ một ‘Trung Cộng hăm dọa’ (kinh tế, thương mại, đầu tư) trong những năm trước, trở thành một ‘Trung Cộng hiền lành với nhiều cơ hội’ cho Đông Nam Á . Các yếu tố sau đây đã làm thay đổi cục diện :
·        Chính sách thực dụng cuả Bắc Kinh và sự ổn định chính trị làm các quốc gia Đông Nam Á yên tâm .
·        Trung Cộng được xem như là một thời cơ kinh tế đối với Đông Nam Á, xuất phát từ chính sách duy trì hối xuất đồng nhân dân tệ trong suốt cuộc khủng hoảng tại Á châu 1997- 1998 và chấp nhận thặng dư mậu dịch với những quốc gia Đông Nam Á .
Càng đi vào chính sách thực dụng, Trung Cộng càng  hiện ra là một quốc gia bình thường dứơi mắt các nước Đông Nam Á tái tạo được sự tương  quan điạ lý chính trị . Trung Cộng thường nhắc đến khẩu hiệu  ‘Ổn định, Phát triển, Cải cách’ làm cho các nước Đông Nam Á có cảm tưởng chung rằng giờ đây họ có thể yên tâm làm ăn với những thế hệ lảnh đạo Trung Cộng có đầu óc thực dụng chủ nghiã . Trung cộng đang tiếp tục đầu tư vào Đông Nam Á trong các ngành dầu, khí đốt, các loại khoáng sản, nông sản và hàng tiêu dùng . Nguồn nhân lực cuả  Trung Cộng cũng di chuyển đến Đông Nam Á như là du khách, sinh viên, công nhân … đem lại lợi tức đáng kể .
b/ TRUNG CỘNG GIA  TĂNG NHU LỰC .
Sự gia tăng sức mạnh kinh tế và chính trị tại Đông Nam Á góp phần phát triển nhu lực cuả Trung cộng . Trung Hoa với những yếu tố văn hoá, ẩm thực, thư họa, phim ảnh, cổ vật, nghệ thuật, châm cứu, đông y, thời trang … phổ cập trong đời sống dân chúng . Thanh thiếu niên Đông Nam Á say mê phim ảnh, nhạc pop, truyền hinh, ngưỡng mộ các tài tử nguởi Hoa cho dù các sản phẩm vả nhân vật có nguồn gốc từ lục điạ, Huơng cảng  hoặc Đài Loan .
Quan trọng hơn cả là ngưởi Đông Nam Á gốc Hoa  - Hoa  Kiều – ngày càng thành đạt và có nhiều ảnh hưởng trong xã hội . Trước đây đa số đều có khuynh hướng chống cộng, chống Bắc Kinh, nay chính họ đang lèo lái chấp nhận một Trung Cộng hiền lành . Tết âm lịch năm 2004, người Đông Nam Á gốc Hoa đồng loạt tổ chức liên hoan trọng thể . Tại Thái Lan, người Thái gốc Hoa ngày càng có thêm quyền lực và ảnh hưởng không chỉ trong thương trưòng như ngày trước mà còn gia tăng trong lĩnh vực chính trị (Thai Rath Thai Party), công sở, giới trí thức . Tại Nam Dương, cộng đồng người gốc Hoa đã được ‘hồi phục’ và tết nguyên đán hay là ‘Imlek’ được ghi là ngày lễ chính thức . Tại Phi luật Tân những phim Trung Hoa thu hút nhiều khán giả và được đánh giá cao nhất .  Đối với Việt Nam, họ bắt chước làm kinh tế và chính trị theo kiểu mẫu Trung Cộng , kêu gọi Việt kiều tham gia góp phần phục hồi kinh tế như Trung Cộng đã làm vài thập niên trước đây . Tại Mã Lai, những  tài phiệt gốc Hoa ngày càng giữ vai trỏ then chốt trong các lĩnh vực quốc nội, đối ngoại, nhất là tham gia tích cực phục hồi kinh tế và những công cuộc cải cách hiện hành chống lại chính sách kỳ thị các sắc dân thiểu số  (bumiputra policy) .
Tại Đông  Nam Á, cảm tính bài Hoa  (pai hwa or anti-Chinese sentiment) đã trở nên lắng đọng đáng kể và người Đông Nam Á gốc Hoa lại tái hiện cả nhân diện lẫn văn hoá . Các lớp học tiếng quan thoại đang nở rộ trong  khu vực nầy .
Sự thay đổi rõ nét nhất tại Đông Nam Á do thái độ cuả cư dân gốc Hoa, trong suy nghĩ cuả họ đã giảm phần chống đối cộng sản, chống đối Bắc Kinh . Tuy nhiên theo đuổi sự liên hệ với Trung Cộng một cách phiến diện, cho rằng sự giàu có là nhờ giao thiệp với Bắc Kinh,  không chia sẻ sự giàu có với điạ phương chính là con dao hai lưỡi . Phải luôn luôn cảnh giác Bắc Kinh như là một đại hoạ .

5 – Sơ lược Nhu Lực cuả Trung Cộng tại Châu Mỹ La tinh .
Các nhà phân tích đã có những nhận định giống nhau về cách ứng xử nhu lực cuả Trung cộng tại Mỹ Châu Latinh và vùng Caribbean . Trung Cộng nhắm hai mục tiêu trong khu vực, đó là bảo đảm nguồn tài nguyên sắt thép, đậu nành, dầu hoả và thuyết phục các quốc gia nầy bỏ rơi Đải Loan theo về với Trung Cộng  . Nơi đây là đấu trường chiến lược giữa Trung Cộng và Đài Loan . Từ trước Đài Loan là đồng minh trong khu vực, giữ vai trò chính trong những trợ gíup nhân đạo và trao đổi mậu dịch để nhờ các quốc gia nhỏ bé trong vùng Caribbean ủng hộ sự hiện diện cuả Đài Loan trong cộng đồng thế giới . Ngày nay Trung Cộng cũng áp dụng kế sách đó với phương tiện dồi dào và áp đảo đã đạt được mục đích thay thế vị trí cuả Đải Loan .
Cuộc thăm viếng Châu Mỹ La tinh năm 2004 cuả Hồ cẫm Đào đem đến khu vực một thông điệp thắt chặc sự liên kết kỹ thuật, thương mại, tài chánh, kinh tế , những vấn đề mà Châu Mỹ La tinh đang mong đợi đến từ Hoa thịnh Đốn .  Tiếp theo chính quyền Bắc Kinh đã thương lượng và đạt được hơn 400 thoả hiệp về đầu tư và thương maị, đổ vào khu vực hơn 50 tỉ đô la . Hệ quả, một số lảnh đạo Mỹ La Tinh vả vùng Caribbean quay mặt hướng về Bắc Kinh thay vì Hoa thịnh Đốn
Trung Cộng hứa hẹn đầu tư vào Á Căn Đình những dự án hoả xa, khai thác dầu khí, xây cất ; vào Cu Ba dự án Nickel, khai thác dầu khí ; vào Chi Lê dự án mỏ đồng ; vào Ba Tây dự án hoả xa, khai thác dầu khí, nhà máy thép ; vào Ecuador, Bolivia, và Columbia  dự án khai thác dầu khí . Trung Cộng cũng lập danh sách những quốc gia Mỹ La tinh và vùng Caribbean đuợc nhà nước chuẩn thuận khuyến khích nhân dân đi du lịch, gồm có : Mễ tây cơ, Á căn đình, Ba tây, Chi Lê, Peru, Venezuela , Antigua, Barbuda, Bahama, Barbados, Dominica, Grenada, Guzana, Jamaica, Surinam, Trinidad, Tobago, Costa Rica .
Cuộc trao đổi mậu dịch cuà Trung Cộng với khu vực từ 8.2 tỉ mỹ kim năm 1999 tăng lên 70 tỉ mỹ kim năm 2007 . Trung Cộng xuất cảng qua Mỹ châu La Tinh gồm các lọai hàng điện tử, dụng cụ văn phòng , đồ gia dụng, hàng may mặc, dày dép, hoá chất …với trị giá từ 5.3 tỉ mỹ kim năm 1999 tăng lên 35.8 tỉ mỹ kim năm 2006 .  Cũng năm 2006, các quốc gia hàng đầu nhập hàng hoá từ Trung Cộng, gồm có Mễ tây cơ: 8.8 tỉ, Ba Tây: 7.4 tỉ, Panama: 3.9 tỉ, Chile : 3.1 tỉ, Á căn đình : 2 tỉ .
Từ những công cuộc làm ăn nêu trên , đa số người dân Nam Mỹ và người dân vùng Caribbean khi xét đến ảnh hưởng cuả Trung Cộng đã nói rằng như là một luồng không khí mát mẻ so với HoaKỳ .

6 – Sơ lược Nhu Lực cuả Trung Cộng tại Phi Châu .
Trung Cộng đã tích cực theo đuổi kế hoạch khai triển Nhu lực tại Phi Châu với những công tác :
-         Liên lạc chặt chẽ với cac Diễn Đàn về các vấn đề nhân đạo và  thương mại .
-         Bải bỏ hơn một tỉ mỹ kim tiền nợ cuả một số  quốc gia Châu  Phi .
-         Huấn luyện hơn 100.000 người Phi châu tại các trường đại học và học viện quân sự cuả Trung Cộng .
-         Gởi hơn 900  bác sĩ làm việc khắp Phi Châu .
-         Đặt trọng tâm đầu tư vảo hạ tầng cơ sở, nông nghiệp và năng lượng .
Mối quan hệ cuả Trung Cộng với Châu Phi ngày càng ràng buộc chặt chẽ chính là thương mại và năng lượng . Trung Cộng tập trung xây đắp đường sá, cầu cống, bệnh viện trong những quốc gia mà họ đang đầu tư những dự án khai thác năng lượng như là Sudan, Angola, Guinêe Xích Đạo tạo ra hai luồng dư luận . Phe chấp thuận thuộc phiá chính quyền và phe chỉ trích từ những nhóm nhân quyền lên án Trung cộng dựng nên những tên độc tài và bán vũ khí cho chính quyền toàn trị .  Người ta nhỉn nhận quả thật Trung  Cộng dấn thân vào những lĩnh vực mà Hoa Kỳ không tìm đến và cũng không gắn liền những điều kiện chính trị với công việc làm ăn . Trung Cộng cũng được tiếng tốt hoàn tất những công trình nhanh chóng và trong phạm vi ngân sách . Tuy nhiên, các công ty Trung Cộng đem theo nhân công từ Hoa lục, không tạo ra công việc làm cho dân chúng tại điạ phương cũng đã  gây ra nhiều bất mãn . Và dĩ nhiên, hàng hoá Trung Cộng tràn ngập thị trường Châu Phi cạnh tranh với sản phẩm bản xứ .
Châu Phi là một lục điạ có những sắc thái đăc biệt về vị trí lảnh thổ, tài nguyên thiên nhiên và con ngưởi . Trung Cộng đã lượng định tình thế, tích cực xử dụng nhu lực che đậy cho mưu đồ chiến lược : khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên, bao che các chính quyền độc tài, tạo những cứ điểm vững chắc trong khu vực, từng bước khống chế Phi  Châu .
Cuộc công du Phi Châu cuả Hồ cẫm Đào tháng 2 năm 2004 đến  Algeria, Gabon, Nigeria – ba nước Phi Châu có túi dầu khổng lồ -  mở ra  một kỷ nguyên mới trong mối liên lạc giữa Trung Cộng với Phi Châu . Tháng  6 cùng năm, Phó Chủ tịch Trung cộng Zeng Quington viếng  thăm Tunisia, Togo, Benin và Nam Phi, những quốc gia  có trử lượng khoáng sản đáng kể  . Tháng 10 năm 2004, Chủ tịch  quốc hội Wu Bangguo viếng thăm Kenya, Zimmbabwe và Nigeria . Tất cả những cuộc thăm viếng đều nhắm vào mục tiêu tạo cơ hội khai thác tài nguyên thiên nhiên, dầu khí và khoáng sản .
Đáp lại, các lảnh tụ hàng đầu cuả  Kenya, Liberia, Nam phi, Zimbabwe cũng thăm viếng Bắc Kinh để kêu gọi gia tăng đầu tư và trợ gíup kinh tế . Tháng 1 năm 2006, Bộ trưởng ngoại giao Li Zhaoxing viếng thăm sáu nước Phi Châu : Cape Verde, Senegal, Mali, Liberia, Nigeria và Lybia kèm theo một bản công bố Chính sách Châu Phi cuả Trung cộng  ( China’s African Policy ), nội  dung nhắc đến sự hợp tác kinh tế , chính trị, phát triển năng lượng và không can thiệp vào nội bộ .
Do tình trạng tiêu thụ năng lượng  cuà Trung Cộng ngày càng gia tăng và Phi Châu cung cấp hơn 25% cho nhu cầu nầy vì vậy họ đã có những kế hoạch đầu tư đáng kể
-         Sudan là nước cung cấp 7% tổng số lượng dầu hoả cuả Trung Cộng  và dùng phần lớn số tiền kiếm được mua vũ khí từ Trung Cộng để khuất phục càc nhóm nổi dậy ở Nam Sudan . Mới đây Trung Cộng bán cho Sudan 3 nhà máy chế tạo vũ khí tại Khartoum  .
-         Tháng 3 năm 2004, Bắc Kinh cho Angola vay 2 tỉ mỹ kim trong một hợp đồng cung cấp 10.000 thùng dầu thô mỗi ngày . Tiền vay dùng vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở theo cách thức 70% do các công ty Trung Cộng cung ứng và 30% còn lại dành do các nhà thầu nhỏ điạ phương  ( local subcontractor ) .
-         Tháng 7 năm 2006, Petro China thu xếp một hợp đồng 800 triệu với Tổ hợp Dầu hoả Quốc gia Nigeria để  mua 30.000 thùng dầu mỗi ngày trong suốt một năm . Tháng 1 năm 2006, Tổ hợp Khai thác dầu ngoài biển cuả Trung cộng  (CNOOC) đã mua 45% dầu thô trị giá 2.27 tỉ mỹ kim và hứa sẽ đầu tư thêm 2.25 tỉ nữa .
-         Kỹ nghệ dầu của Gabon đang trên đà suy sụp liền nhận được sự đầu tư từ Tổ hợp Dầu và Hóa chất cuà Trung cộng (China National Petrochemical Corporation) bằng kế hoạch khai thác tiềm năng dầu trong đất liền và ngoài khơi .
-         Nam Phi và Zimbabwe dành cho Bắc Kinh nguồn lợi chính về quặng sắt và platinum .
Để giữ vững một điạ bàn quan trọng với nguồn lợi kinh tế to lớn, Trung cộng tìm mọi cách nâng đở, che chở những lảnh tụ tàn bạo cuả Châu Phi . Đó là trường hợp chính quyền Sudan được Trung cộng khuyến khích thi hành chính sách diệt chủng đối với người dân không theo Hồi giáo ở Vùng Dafur . Các bản tin cuả các hảng thông tấn Âu Mỹ cho biết quân đội Sudan phối hợp với dân quân vũ trang dùng trực thăng vũ trang do Trung cộng chế tạo oanh kích phá hủy hàng trăm thành phố và làng mạc, bắn giết bừa bải, xua đuổi dân chúng rời bỏ vùng đất có giếng dầu thuộc quyền khai thác cuả CNPC . Trước hành động diệt chủng , các quốc gia Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản và các quốc gia dân chủ  khác đệ trình Liên hợp quốc Nghị quyết cấm vận Sudan nhưng Trung cộng thằng tay bác bỏ .
Đối với Zimbabwe, Trung cộng cung cấp toàn bộ nhu cầu quân sự và thêm lời ca tụng vị lảnh tụ anh minh Mugabe là ‘ một nhân vật thành công vĩ đại, tận tâm với hoà bình thế giới và người bạn tốt cuả Trung cộng ’ .
Vào những ngày chủ nhật (8/11/09) và thứ hai (9/11/09) vừa qua, thủ tướng Trung Cộng Ôn gia Bảo gặp gở các lảnh tụ Phi Châu tại nơi nghỉ mát (resort) Sharm el-Sheikh trên bờ Hồng Hải, Ai Cập . Theo lời Bộ Trưởng thương maị Chen Deming, Trung Cộng muốn loại bỏ thuế quan với một số mặt hàng nhập cảng từ Phi Châu và bảo đảm một số hàng hoá xuất cảng cuả Trung Cộng vào lục điạ nầy là an toàn nhằm tăng cường mậu dịch cả hai bên . Trung Cộng cũng khuyến khích những công ty đầu tư vào Phi Châu và chào đón những nhà thầu Phi Châu đầu tư và khai phá ở Trung Cộng  .
Trong thập niên qua, thương mại Trung Cộng-Phi Châu gia tăng nhảy vọt khoảng 30% mỗi năm và đạt mức 100 tỉ đôla năm 2008 . Cũng năm nầy Trung Cộng trực tiếp đầu tư vào  Phi Châu 7.8 tỉ đôla . Trong những biện pháp mới, Chen Deming đề nghị bải bỏ thuế quan những loại hàng thông dụng, đặt những trung tâm vận chuyển tiếp liệu và một hệ thống thanh tra nhằm loại trừ những hàng hoá kém phẫm chất . Trung Cộng tiếp tục xây cất trường học, nhà thương, phòng chống sốt rét, cải tiến phương pháp nông nghiệp cho Phi Châu . Những dự định công tác nầy che chắn phần nào những chỉ trích cho rằng Trung Cộng đã vơ vét quá nhiều trong quan hệ thương mãi với Châu Phi . Các quan sát viên quốc tế cũng cảnh báo Bắc Kinh trong chính sách cho vay có quá ít điều kiện ràng buộc khiến tham nhũng dễ khai thác .
Những sự kiện nêu trên chứng tỏ Trung Cộng đầu tư tối đa vào Phi Châu nhằm vào những mục tiêu và lợi ích lâu dài, tuy nhiên qua bài viết cuà Lưu thực Vinh đăng trên mạng Hua Xia Kuai Di tháng 6 năm 2009 cho thấy kết quả vẫn còn chua chát lắm :
‘ Hoa Kiều ở châu Phi cũng như những người Trung Quốc công tác, chắc chắn đều suy nghĩ tới vấn đề nầy : vì sao ngay những người da đen cũng coi thường người Trung Quốc ? Trung Quốc viện trợ châu Phi nhiều như vậy, sao họ lại ăn hiếp người Trung Quốc ? …
53 năm nay, Trung Quốc đã viện trợ cho hơn 50 nước châu Phi hơn 900 hạng mục toàn bộ . Sau khi  Diễn Đàn hợp tác Trung-Phi họp, Trung Quốc đã miễn giảm cho 31 nước châu Phi khoản nợ 10,5 tỉ NDT . Năm 2007, ngoại giao  Trung Quốc chi tiêu  hết 23 tỉ NDT thì có tới 10,3 tỉ dùng cho viện trợ nước ngoài ’….
Tiếp theo phần kể lể công ơn, Lưu thực Vinh cay đắng và hổn láo đưa ra những nhận định, tóm lược như sau :
‘ Chúng ta viện trợ cho châu Phi bao nhiêu năm rồi, viện trợ bao nhiêu hạng mục, thế nhưng các nước châu Phi có hữu hão không ?  Tất nhiên qua vô tuyến truyền hình , chúng ta có thể thấy cảnh người lảnh đạo Trung Quốc tới thăm châu Phi đều được hoan nghênh nhiệt liệt. Đó là nghi lễ ngoại giao, hơn nữa người lãnh đạo Trung Quốc tới thăm châu Phi trong nhiều trường hợp trong túi đều có hạng mục viện trợ . Con chó vẫy đuôi với bạn, không phải là vì bạn mà là vì cái bánh mì trong tay bạn …
Vì sao ngưởi Trung Quốc bị coi thường tại châu Phi ?
Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu là vì chúng ta chưa hề thực dân với họ . Tôi đã công tác tại châu Phi mấy năm, phát hiện châu Phi đặc biệt sùng kính người Pháp, người Anh . Người da đen trước đây bị người da trắng mua bán như con vật, sau nầy, những người da trắng nầy dạy người da đen học tiếng Pháp, tiếng Anh, nên người da đen coi người da trắng là ông chủ …
Các dân tộc trên thế giới phần lớn đều giống nhau ở chỗ, tôn sùng kẻ mạnh, khinh kẻ yếu . Điều nẩy giống như huấn luyện ngựa, anh ghê gớm thì thuần phục được ngựa, nó phục tùng anh, theo sự điều khiển cuả anh …
Một lý do nữa khiến chúng ta phải viện trợ cho châu Phi còn vì mục đích gạt bỏ những nước có ý đồ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan . Một số nước châu Phi không cần nguyên tắc, không cần nghiã khí, cái mà họ cần là thực huệ, ai có sữa thì là mẹ, ai cho nhiều tiền hơn thì công nhận người đó . Hiện nay vẫn còn 4 nước châu Phi có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. ’
Xuyên suốt bài viết cuả Lưu thực Vinh đẩy rẫy những ý tưởng thất vọng và phẩn uất, làm bộc lộ chân tướng cuả Trung Cộng đối với Phi Châu . Chúng nó muốn thay thế vai trò người Pháp, người Anh trong những thế kỷ trước, làm ông chủ thực dân tại Phi Châu trong thời đại nầy nhưng chưa toại nguyện, đang vấp phải vô số trở ngại .

                                      *                                        *
                                                            *

Lực là khả năng bẩm sinh hay thiên phú để sinh vật tồn tại. Theo đà tiến hoá, con người ngày càng ý thức về Lực, điều động Lực để duy trì sự tranh sống và Lực được nhìn thấy dưới hai hình thức: Cường Lực và Nhu Lực .
Từ thuở xa xưa, các vị thánh nhân đều mong muốn loài người sống thanh bình, an vui, hạnh phúc đã rao giảng tính hiếu hoà, sự công bình, niềm tôn kính lẫn nhau làm nền tảng cho cách cư xử và những mối liên hệ trong xã hội . Đây là Nhu Lực. Sự kiện Khổng Giáo được tôn thờ và cũng trải qua nhiều lần bị chà đạp thô bạo trên chính quê hương cuà ngài, nay lại được Bắc Kinh đem phổ biến khắp nơi khiến ngươì ta nghi ngờ, cảnh giác Nhu Lực cuả Trung Cộng đang phô diễn tại những nước đang phát triển . Trong thời Chiến Quốc, Tần Chiêu Vương áp dụng  kế sách ‘ Viễn Giao Cận Công ’ để lần lượt thanh toán các nước xung quanh là một kinh nghiệm lịch sử cho những quốc gia láng giềng với Trung Cộng, nhất là Việt Nam một hành lang  đặc biệt ở Đông Nam Á.
Nhu và Cương là hai trạng thái vật lý có thể cảm nhận dễ dàng nhưng trong  lĩnh vực chính trị ranh giới không rõ rệt thường bị xoay xở tùy theo nhu cầu và khả năng lèo lái cuả con người.  Nhu và Cương chỉ là hai tỉnh từ đi kèm danh từ Lực, vì vậy muốn xử dụng Nhu Lực hoặc Cương Lực, điều kiện đầu tiên phải có là Lực . Không có Lực, cá nhân, tổ chức, kể cả một dân tộc không thể hòa mình trong nhịp điệu Sinh Tồn .
                                           
                                           Đỗ Hữu Long

Tài liệu tham khảo :

-         The Dragon Looks South . . . . . . . . . . . . . . .     Bronson Persival .
-         China’s  foreign policy and  ‘Soft Power’ in South America,
Asia, and Africa . . . . . . . . . . . . Congressional Research Service .
-         Soft Power  . . . . . . . . . . . . . . . .Wikipedia, the free encyclopedia .
-         The Benefits of Soft Power  . . . . . . . . Harvard Business School .
-         China’ Soft Power Initiative . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Esther Pan .
-         China’ Rising Soft Power in Southeast Asia  … Eric Teo Chu Cheo
   ( Council Secretary, Singapore Institute of  International Affairs )
-         China’s Influence in Africa : Implications for the United States ….
                                             . . . . . . . .Peter Brook and  Ji Hye Shin .
-         Confucius . . . . . . . . . . . . . . . . . .  Wikipedia, the free encyclopedia .
-         Confucius Institutes . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Hanban .
-         Embracing Confucius as a way of  living . .Wang Young (ShanghaiDaily) .
-         Cultural Revolution . . . . . . . . . . . Wikipedia, the free encyclopedia .
-         May Fourth Movement . . . . . . . .  Wikipedia, the free encyclopedia .
-         Lao Tzu Quotes . . . . . . . . . . . . . . .  Abundance-and-Happiness.com .
-         Hu Shi . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Wikipedia, the free encyclopedia .
-         Chen Duxiu . . . . . . . . . . . . . . . . . . Wikipedia, the free encyclopedia .
-         Việt Nam cho mở Học Viện Khổng  Tử … Bản Tin BBC ngày6/4/09 .
-         Vì sao người Trung Quốc bị kỷ thị tại châu Phi … BBC ngày 16/6/09 .
-         Lịch sử Trung Quốc 5.000 năm (tập I). . . . Lâm hán Đạt, Tào dự Chương .
-         Trung Quốc Sử Cương . . . . . . . . . . . . . . . .   Phan Khoan

Không có nhận xét nào: