Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Nhân Văn-Giai Phẩm - Chuyện 60 năm trước: Hoàng Cầm và Phạm Duy. - Giao Chỉ giới thiệu đặc biệt

blank
Cách đây đúng 60 năm, báo Nhân Văn và tập san Giai phẩm ra đời tại Hà Nội. Bút chiến chống Đảng bắt đầu. Kiên cường, xuất sắc, anh dũng và cũng rất đau thương tuyệt vọng. 1945 thế chiến thứ 2 chấm dứt. 1946 toàn quốc kháng chiến chống Pháp. 20 tuổi, anh không theo cộng sản, anh không có trái tim. Hoàng Cầm, Văn Cao, Phạm Duy đem con tim tuổi trẻ theo kháng chiến. Chỉ 4 năm sau tuổi trẻ đã biết sai lầm, nhưng chỉ riêng Phạm Duy vượt thoát 1950. Tháng 7-1954 Geneve chia đôi đất nước. Toàn miền Bắc do Cộng sản thống trị. Theo Trung Cộng, Việt Cộng phát động cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu nông dân. Sau đó đảng sửa sai. Văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam nổi dạy chống chính sách kiểm soát văn nghệ. Khởi sự từ 1955. Bên Nga chống sùng bái cá nhân. Bên Tàu có trăm hoa đua nở. Việt Nam tưởng là thời cơ đổi mới đã đến. Các văn nghệ sĩ danh tiếng miền Bắc lên tiếng chống đảng. <!>
Tên tuổi quen biết trong thi ca có Văn Cao, Quang Dũng, Hữu Loan và Hoàng Cầm. Nhưng tiếp theo qua năm 1956 bị phê bình và năm 1957 bị dẹp tan. Tưởng chừng một cuộc cách mạng văn hóa đã hình thành, nhưng chỉ có một phong trào của các văn nhân phản kháng bị thanh trừng. Sáu mươi năm sau, tại San Jose chúng tôi tưởng nhớ Hoàng Cầm và đồng thời cũng ngậm ngùi cho sự nghiệp đấu tranh anh hùng của Nhân Văn Giai Phẩm. 
blank
Đó là về phần Hoàng Cầm. 
 
Xin nói về Phạm Duy.
Phạm Duy qua đời năm 2013. Bây giờ là 2017 năm giỗ thứ tư. Chúng tôi tổ chức tưởng nhớ đôi bạn văn nghệ tại hội trường Sata Clara County 70 W. Hedding San Jose vào lúc 1 giờ chiều chủ nhật 26 tháng 3 năm 2017.
 
Chiều tưởng nhớ Hoàng Cầm và Phạm Duy. 
Vào cửa tự do. Xin vui lòng hiểu cho đây là chương trình tưởng niệm hết sức tình cảm trong không khí gia đình. Tuy nhiên cũng có phần văn nghệ vô cùng phong phú. Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác trên 2000 bài ca. Nếu phải chọn trình diễn tiêu biểu chừng 10 bài. Xin quý vị nghĩ xem là những bài nào. Với những ca sĩ chọn lọc và trong tình thân quyến, chúng tôi có những bài sau đây: Tình Cầm, Thuyền Viễn Xứ, Kỷ Niệm, Tình Ca, Kỷ Vật Cho Em, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Ngậm ngùi, Kiếp Sau, Tiếng Sáo Thiên Thai, Giọt Mưa Trên Lá, Việt Nam Việt Nam. Lý do chính là câu chuyện bên trong của từng bài ca, sẽ được giãi bầy với khán giả trong buổi họp mặt. Thuyền viễn xứ qua lời thơ như tiên tri về số phận người Việt tha hương. Chúng ta cùng ra đi cho biết mặt trùng khơi...Bài Kỷ niệm có lẽ nhiều người không nhớ tên nhưng ca sĩ cất tiếng Xin cho lại từ đầu hay Xin đi là từ đầu quả thực là giấc mơ của cả triệu người. Bài hát xuất sắc về tình hoài hương khi cất tiếng Tôi yêu tiếng nước tôi quả thực thăng hoa như tác giả đã đưa quê hương đất nước lên bàn thờ. Rồi đến bài tình ca bất hủ kiếp nào có yêu nhau. Thêm một bài thương ca về chiến tranh với câu hỏi rằng bao giờ anh trở lại hết sức não nùng. Đặc biệt bài Kiếp sau tuy không được phổ biến nhưng đây chính là bài di chúc hẹn ngày trở về của tác giả. Nếu sông Đuống là của Hoàng Cầm, sông Lô của Văn Cao, sông Đáy của Quang Dũng thì trong bài Kiếp sau có con sông Thương của Phạm Duy. Hai bài đồng ca Giọt mưa trên lá được ẩn dụ như là ông trời khóc cho quê hương lầm than. Nước mắt từ trên cao tuôn xuống như mưa. Sau cùng Việt Nam, Việt Nam là bài tự ca của dân tộc. Xin hãy đến với chúng tôi... để cùng xem những ca sĩ nào sẽ trình diễn.
Sau cùng đây là chuyện Phạm Duy vĩnh biệt. 

blank     LỜI NGƯỜI RA ĐI - Giao Chỉ, San Jose.
Qua điện thoại Phạm Duy tâm sự vụn 3 ngày trước khi về Việt Nam. Ông nói, thực sự chẳng có kỳ vọng gì. Về để chết ở quê hương. Cuộc nói chuyện ghi lại trong băng nay trở thành di chúc văn nghệ cho bằng hữu. Đầu thập niên 50, bỏ kháng chiến về thành, cộng sản lên án Phạm Duy phản bội dân tộc. Sáu mươi năm sau, ông trở lại Việt Nam, hải ngoại lên án Phạm Duy phản bội quốc gia. 
Cả hai phía, trong và ngoài đất nước đều có những người thương yêu và thù ghét. 
Ông được mang những tội danh và tước vị khác biệt từ hai quan niệm. Riêng ông, trong thế giới văn nghệ tự nhận là người hát rong.
Trong cuộc đời gọi là hý trường ông đóng vai hề và trong cuộc đoạn trường ông tự nhận là thằng du côn. Còn hơn thế nữa, đứng đầu du côn. Vậy thực sự Phạm Duy là ai?! Người ra đi dặn rằng khi “moi” chết, “toi” đưa ra cho anh em hiểu “moi”. 
Ông ví mình như con chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Hiểu được không.
Ông nói là 60 năm chưa ra khỏi Việt Nam, làm sao lại nói đi rồi về. Hiểu được không.
Xin đọc bài giới thiệu của Giao Chỉ với phần mở đầu lời người ra đi. Sau đó, khi mồ yên mả đẹp sẽ phổ biến toàn phần. Rồi hậu thế tùy nghi phán xét. Yêu thương hơn hay thù hận nhiều hơn.
**Phạm Duy, người gây hấn.
Thế rồi sau cùng, con người theo mệnh nước nổi trôi, ông già 93 tuổi đã ra đi. Phạm Duy trở về nằm trong lòng đất quê hương để lại một gia tài âm nhạc và văn hóa hết sức vĩ đại. Ngay cả những người chỉ trích ông đều phải công nhận nhạc của ông quả thực là sản phẩm của thiên tài.
**Phạm Duy là người hết sức cao ngạo.
Ông tự cao tự đại đến mức tự gọi mình là tên hát rong, thằng hề của cuộc đời và thậm chí là tay đứng đầu du côn. 
(Ma cà bông ma cà cúi, lúi húi vườn hoa. 
Ông Cẩm bắt được hỏi nhà mày đâu? 
Nhà tôi ở phố Hàng Dầu, 
Số nhà 54, đứng đầu... du côn!)
Con người của ông với ngôn ngữ thường nhật, luôn luôn tự gọi là ăn tục nói phét. Giữa anh em và ngay trên diễn đàn ngôn luận, ông thường đóng vai kẻ gây hấn, Ông chuyên nói vung vít cho người ta ghét. Nhưng tất cả chỉ là mặt ngoài. Lời ca của Phạm Duy mới thực là tâm sự của một nghệ sĩ phản ảnh cuộc đời với tình yêu nước chứa chan.
**Phạm Duy, người yêu nước
Năm 1962 tôi đi du học Hoa Kỳ, khóa học chỉ có mấy tháng về chiến tranh sinh hóa tại Alabama. Anh ngữ không thông thạo, lại cô đơn có một mình. Vào những ngày cuối tuần cả cư xá sĩ quan vắng lặng. Các khóa sinh về nhà hoặc đi chơi xa. Chỉ còn một mình anh sĩ quan Việt Nam sống với nhạc Phạm Duy từ những đĩa nhựa. Thời gian đó tôi yêu tiếng nước tôi biết chừng nào. Cảm thông với con người đã viết lời và soạn nhạc. Con người viết ra những ca từ như thế, dù là bài ca kháng chiến, tình ca, du ca, dân ca hay tục ca mãi mãi vẫn là người yêu quê hương. Đối với người nghệ sĩ yêu quê hương như thế, dù bất cứ ai đang cầm quyền thì cũng chẳng hề quan trọng.
Mùa xuân 1976 gia đình tôi từ Springfield , Illinois đội tuyết về Chicago xem Phạm Duy trình diễn lần đầu tại hải ngoại. Tôi viết một bài báo tường thuật và ngậm ngùi với nhạc sĩ về hoàn cảnh gia đình chia cắt.
Năm 1978 chúng tôi và nhạc sĩ Lê Văn Khoa đứng ra tổ chức cho gia đình Phạm Duy trình diễn lần đầu tại San Jose. Lúc đó ông vẫn còn mang nỗi đau thương vì đám con trai còn kẹt lại Việt Nam. Lại viết bài về Phạm Duy thêm một lần nữa. Để đáp lại nhạc sĩ viết cho tôi những lời hết sức quá đáng.
Ông viết rằng:
-“Tôi rất vô cùng hạnh phúc được tác giả nhắc nhở”. 
Quả thực ngôn ngữ đời thường của Phạm Duy có phần thậm xưng. Chẳng đáng gì một bài báo tầm thường để ông phải nhún mình cảm ơn như thế. Kịch đấy. Nhờ vậy tôi biết tính ông này thường hay có lời lẽ thái quá.
Trở về quê hương, ông nói lời tâng bốc cựu thù. Nín thở qua sông. 
Một trăm ngàn HO hẳn còn nhớ. Người ra đi đã biết rằng qua sông phải lụy con đò. Người về cũng phải lụy đò. Hỏi rằng sao phải dẫn xác về. Từ đáy sâu của tâm khảm ông chỉ muốn về nghe trăm triệu dân Việt hát bài Việt Nam, Việt Nam rồi đi theo trường ca Con đường cái quan. Ước mong thầm kín “kinh khủng” đến mức dù phải lạy lái đò ông cũng làm, nói gì chỉ lụy con đò với vài lời tâng bốc dở hơi. Đó là ứng xử của vai hề.
Ở hải ngoại khi bị chọc giận Phạm Duy thường nổi nóng nói năng vung vít. Đây là lúc nhập vai du côn. Thủy chung chỉ có lời ca trong dòng nhạc là phản ảnh đích thực con người nhạc sĩ yêu dân tộc, yêu quê hương, yêu đất nước. Ngôn ngữ đời thường của ông là những điều tục lụy. Cũng như chính con người ông.
Phạm Duy với hơn 70 năm sáng tác, trải qua bao thời kỳ với ngàn bài ca. Dân ca, tình ca, kháng chiến ca, thiền ca, tục ca, du ca tất cả góp thành một gia tài đồ sộ để lại cho mai sau. Nếu không thích nhạc của ông, lại trách cứ ông vì quan điểm chính trị. Cứ mắng cho ông mấy mắng. Phang cho ông vài hàng chữ nghĩa dưới thắt lưng. Chẳng còn gì để bàn luận. Nhưng chỉ ghét Phạm Duy vì những lời nói vung vít, nghe nhạc mất hay. Yêu được ông, nghe nhạc Phạm Duy quả là hạnh phúc.
Ông nhạc sĩ này khi vui buồn. Khi ca ngợi tâng bốc khi chê bai, chửi bới trong đời thường, đều không phải là thực. Tất cả đều là hư chiêu. 
Nhạc của ông mới là chân lý. 
Thính giả của ông mới là đối tượng. 
Người nghe Phạm Duy mới thực sự là khách hàng. 
Ông đi theo kháng chiến là phục vụ cho khách hàng. 
Bỏ kháng chiến, về tề là chạy theo khách hàng. 
Ông vào Nam, ông ra ngoại quốc và ông trở về thẩy là đi theo khách hàng. 
Chuyến trở về qua sông nên phải lụy đò. 
Với những năm tháng sau cùng, ông trở về đi tìm lại con đường cái quan và tìm về với hàng triệu thính giả thế hệ tương lai. 
Suốt đời Phạm Duy chỉ là người nghệ sĩ với câu hát muôn thuở: 
Tôi bán đường tơ.. Anh chàng hát rong nhà quê suốt đời đi tìm khách. Gặp cường hào ác bá địa phương anh đóng vai hề diễu dở. 
Gặp tay anh chị giữa đường, ông trở thành du côn. 
Với tâm tình thương cảm đó. Trước khi trở về Việt Nam, tôi có dịp nói chuyện với Phạm Duy. Chẳng phải là thực sự thâm giao dù ông cứ nói mình là bạn thân. Tôi chỉ là một trong hàng trăm ngàn thính giả, một trong số đông đảo khách hàng của ông. Chúng tôi tán láo nhưng gọi là phỏng vấn chuyện riêng tư. Có thu lại buổi nói chuyện. Rồi hỏi Phạm Duy rằng có phổ biến được không. 
Ông nói rằng:
-Để khi nào “moi” chết thì “toi” đưa ra cho anh em hiểu “moi”.
Thời gian ngắn trước khi ra đi, ông nói với báo chí Sài Gòn : 
-"Tôi tự thấy mình đã sống bừa bãi. Cách nay 10 năm thì tôi ổn định một tí. Còn trước kia tôi liều lắm, tôi làm những chuyện mà người ta không dám làm. Tôi lao vào những trò chơi làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình. Tôi hối hận lắm nhưng đành chịu thôi. Tôi mong người ta đừng nghĩ nhiều về những hành động đó, mà nhìn vào những bản nhạc của tôi. Còn nói về người ngoan thì tôi không phải là người ngoan.”
Độc giả nghe như vậy tưởng là đã rút hết can tràng. Không đâu. Chữ nghĩa mà các bác sẽ nghe sau đây mới thực sự là của ông. Đã dặn đi dặn lại là phải chờ. Bây giờ ông chết rồi. Tôi xin cho phát thanh và viết lại phần vấn đáp dù rất riêng tư nhưng bây giờ có thể chia sẻ cùng các bạn. Vấn đáp rất vung vít, rất tào lao. Chúng tôi nói chuyện lung tung mà chẳng hề đắn đo suy nghĩ. Có thể sai có thể đúng. Đôi lúc ngôn ngữ rất bậy bạ, không lịch sự. Xin cáo lỗi trước.Cũng xin nhớ rằng đây là ngôn ngữ đời thường của một con người vĩ đại không còn nữa. 
Mất nhạc sĩ Phạm Duy là mất một thiên tài. Những người đấu hót vung vít, chửi bới ồn ào như chúng ta thì vẫn còn ở lại với nhân gian.
Xin mời các bạn nghe Phạm Duy nói chuyện ba ngày trước khi ông về Việt Nam 2005 và chết tại Saigon 2013. 
Sau đây là phần đối thoại có thu lại. Độc giả có thể nghe trên đài hay đọc tại đây với nguyên văn lời của Phạm Duy.
Giao chỉ: 
-Này, thế kỳ này ông về thật đấy à?
Phạm Duy: 
-Tôi như con chuồn chuồn. Khi vui thì ở khi buồn lại bay. Chẳng biết các ông ra sao. Như khi tôi ở Hà Nội rồi bay vào Saigon. Rồi tôi bay qua Mỹ. Bây giờ tôi lại bay về. Có gì đâu?.
Giao Chỉ : 
-OK, được rồi. Biết rồi. Chúc ông mạnh giỏi nhé. Thế thì bao giờ anh em mới nghe được sáng tác mới của ông.
Phạm Duy: 
-Đấy 10 bài Hương ca của tôi đấy. Các ông mà không nghe được, chết không nhắm mắt. Tôi bảo các ông bỏ hết đi. Chỉ giữ 10 bài Hương ca thôi. Tôi vẫn yêu quê hương tôi.
Giao Chỉ: 
-Thế còn việc phổ nhạc bài của Quang Dũng.
Phạm Duy: 
-Đấy đấy, quê hương tôi “đổi mới” rồi. Quê hương tôi là Quang Dũng đấy. Quê hương tôi là ông Phùng Quán đấy, những cái gì hay nhất là tôi đưa vào đó hết.
Giao Chỉ: 
-Hay lắm. Ba mươi năm rồi. Bây giờ mới chơi mấy bài ấy thì hơi muộn, nhưng có là được rồi.
Phạm Duy: 
-Tôi nói ông nghe, cái thằng cộng sản dù sao nó cũng có chính nghĩa trong giai đọan đầu của cuộc kháng chiến. Bởi thế nó mới ôm lấy. Rồi nó phải ôm lấy tôi. Ôm lấy nhạc của tôi.
Giao Chỉ: 
-Đó là ông nói đến giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến.
Phạm Duy: 
-Đấy đấy nó phải ôm lấy giai đọan đầu, vì vậy khi tôi tung ra, thì bố nó cũng không thể đỡ được.
Giao Chỉ: 
-Nhưng có phải là 10 bài ca mà ông muốn chúng nó hát là những đứa con tinh thần của ông muốn phổ biến.
Phạm Duy: 
-Không không! Nó chui từ trong ổ chuột ra. Rồi nó sẽ nhìn thấy ánh sáng. Nó vẫn còn ở trong đường hầm.
Giao Chỉ: 
-Như vậy ông định soi sáng cho nó.
Phạm Duy: 
-Tôi nói ông nghe, tôi là người thành công nhất trong vụ này. Đáng lẽ các ông phải ôm lấy tôi. Sao một số khốn nạn lại chửi tôi.
Giao Chỉ: 
-Thôi ông để tâm cái đó làm gì.
Phạm Duy: 
-Tôi nói riêng cái đó cho ông nghe, có ai làm nổi cái hòa giải như tôi.
Giao Chỉ: 
-Nhưng tôi nghĩ thế này, ông thương yêu những bài ca thời kháng chiến. Ông đề nghị là chúng mày phải cho ông hát những bài đó.
Phạm Duy: 
-Không, nó đề nghị chứ không phải tôi. Tôi chỉ nói là cái gì của tôi cũng hay hết. Anh muốn hát bài nào thì hát, muốn bỏ bài nào thì bỏ. Anh có nước, anh có luật lệ thì tôi theo thôi. Chứ tôi ở nước Mỹ thì tôi chẳng phải theo gì cả. Nước của anh lạc hậu thì tôi phải theo thôi.
Giao Chỉ: 
-Thế nhưng mà, ông có nghĩ rằng một ngày nào đó ở Việt Nam sẽ chơi đủ 10 bài.
Phạm Duy: 
-Không, ông ơi. Nó phải chơi một nghìn lẻ một bài.
Giao Chỉ: 
-Thôi thôi, đủ rồi, nhưng có phải là ông cũng hơi sốt ruột. Ông muốn là ngay khi ông còn sống thì chúng nó phải chơi hết những đứa con tinh thần của ông.
Phạm Duy: 
-Không ông ơi ! tôi thấy rồi.
Giao Chỉ: 
-Nhưng tôi muốn nói là họ phải chơi công khai.
Phạm Duy: 
-Ông ơi, tôi về Việt Nam, nó cấm nhưng khắp hang cùng ngõ hẻm đều chơi nhạc của tôi. Đéo cấm được.

Giao Chỉ, San Jose.

Không có nhận xét nào: