Jimmy Carter đã trở thành cựu Tổng thống trong 37 năm, lâu hơn bất kỳ ai trong lịch sử Tổng thống Hoa Kỳ. Từ khi rời Tòa Bạch Ốc năm 1981 đến nay, Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ, Jimmy Carter, vẫn không rời bỏ chính trị. Năm 1994, ông được Tổng thống Bill Clinton phái sang Bắc Triều Tiên đàm phán. Năm 2002, ông sang Cuba; năm 2008, ông đến Syria. Năm 2010, ông lại sang Bắc Triều Tiên “nói chuyện phải quấy” với Bình Nhưỡng để thương lượng việc thả giáo viên Aijalon Gomes.
Tuy thế, ông cũng là Tổng thống duy nhất thời hiện đại trở về sống an nhàn tại ngôi nhà cũ kỹ từng sống trước khi tham gia chính trường: một căn nhà mộc mạc hai phòng ngủ ở Plains (tiểu bang Georgia), trị giá chỉ 167,000 USD, còn rẻ hơn chiếc xe chống đạn của nhân viên Mật vụ (Secret Service) đậu bên ngoài sân nhà ông. Để có cái nhìn so sánh, ngôi nhà mà Barack Obama mua sau khi rời Tòa Bạch Ốc là căn biệt thự 8.1 triệu USD, trong khi gia đình Bill Clinton có hai căn (một căn 1.7 triệu USD ở Chappaqua, New York; và một căn 2.85 triệu USD ở Washington DC).
Sau khi rời chính trường, ông Carter kiếm thêm ngoài lương hưu 210,700 USD/năm bằng cách viết sách. Ông đã viết tổng cộng 33 quyển – về cuộc đời và sự nghiệp, về đức tin, về tiến trình hòa bình Trung Đông, về nữ quyền, về tuổi già, về câu cá, về làm mộc và thậm chí cùng con gái (Amy Carter) viết một quyển truyện thiếu nhi (The Little Baby Snoogle-Fleejer). Carter dùng uy tín chính trị cá nhân cho các hoạt động xã hội và chính trị thế giới hơn là dùng hình ảnh tổng thống để kiếm tiền. Ông từ chối các buổi diễn thuyết có thể mang lại hàng triệu đôla (trong năm đầu tiên rời ghế tổng thống, Bill Clinton thực hiện 57 buổi diễn thuyết và kiếm được 13.7 triệu USD; với George W. Bush, năm 2015, tờ Politico cho biết ông thực hiện ít nhất 200 buổi diễn thuyết kể từ năm 2009 và kiếm được 100,000-175,000 USD/buổi).
Carter không có “duyên” trong nghề “bán chữ”. Sách của ông ế nhệ. Cuộc đời ông không vì vậy mà mất vui. Ông sống đơn giản và hạnh phúc với sự đơn giản. Trong khi các cựu tổng thống đi phi cơ riêng, Carter vẫn mua vé máy bay thương mại. Jimmy Carter xài ít tiền thuế người dân nhất trong tất cả cựu tổng thống, với tổng chi tiêu trong năm tài khóa 2018 là 456,000 USD, trong đó có lương hưu, chi phí hoạt động cho văn phòng, nhân viên và vài khoản linh tinh khác. Số tiền đó không bằng phân nửa cái bill của (cố) Tổng thống George H. W. Bush. Riêng ba ông Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, ngân sách nhà nước phải trả hơn 1 triệu USD/năm cho mỗi ông, trong đó có lương hưu cũng như tiền bảo vệ cựu tổng thống. Ông Carter thậm chí không có phúc lợi y tế dành cho viên chức liên bang hưu trí, vì ông chỉ làm cho chính phủ 4 năm, mà luật quy định 5 năm trở lên mới được hưởng. Carter cho biết phúc lợi y tế mà ông có là từ Đại học Emory, nơi ông dạy trong 36 năm.
Đích thân Jimmy Carter và vợ trực tiếp tham gia việc xây nhà cho người nghèo (trong khuôn khổ chương trình Habitat for Humanity (CNN)
Chính phủ liên bang còn trả tiền thuê một văn phòng cho mỗi vị cựu tổng thống. Văn phòng của Carter – Trung tâm Carter tại Atlanta – có chi phí thấp nhất: 115,000 USD/năm (tính theo giá 2018). Gia đình Carter có thể sửa sang nó lại để sinh hoạt thoải mái hơn. Nhưng trong nhiều năm qua, một tuần hàng tháng, khi đến đây họ ngủ trên cái ghế xếp. Chỉ mới gần đây họ mới mua một cái giường Murphy. Chi phí cho văn phòng Carter thấp hơn nhiều so với văn phòng của các cựu tổng thống khác: 536,000 USD/năm của Barack Obama; 518,000 USD của Bill Clinton; 497,000 USD của George W. Bush và 286,000 USD của (cố Tổng thống) George H. W. Bush..
Plains là thị trấn nhỏ bằng cái lỗ mũi. Nó là cái chấm tròn nhỏ xíu trên vùng nông trại phủ quanh tiểu bang Georgia, với đường kính vỏn vẹn một dặm và trung tâm là trạm xe lửa nơi từng là tổng hành dinh trong chiến dịch tranh cử của Jimmy Carter năm 1976. Có khoảng 700 người sống ở Plains, nơi có một tiệm bách hóa do ông chú/bác Buddy của Carter làm chủ, chuyên bán vật lưu niệm Carter và kem bơ đậu phộng. Nông trại thời niên thiếu của Carter hiện được bảo tồn y như thời thập niên 1930, không có điện đóm hay nước máy. “Di tích lịch sử quốc gia Jimmy Carter” thật ra bao gồm cả thị trấn, thu hút chừng 70,000 du khách mỗi năm và mang lại 4 triệu USD cho kinh tế địa phương.
Cụ ông và cụ bà “tay trong tay” cùng nhau đi cuối cuộc đời. (Washington Post)
Dù không ở nhà cao cửa rộng nhưng Carter đã giúp cải tạo 4,300 căn nhà tại 14 quốc gia trong khuôn khổ chương trình Habitat for Humanity. Cuối tháng 8-2018, ông thậm chí còn đích thân tham gia công trình làm nhà cho người có thu nhập thấp tại Indiana. Mỗi sáng Chủ Nhật, Carter giảng giáo lý tại Nhà thờ Maranatha Baptist nằm ở rìa thị trấn. Dự nghe giảng không chỉ có dân địa phương và họ thường phải canh xếp hàng từ đêm trước để có chỗ ngồi. Buổi giảng vào một Chủ Nhật tháng 8-2018 là buổi thứ 800 của Carter từ khi ông rời Tòa Bạch Ốc. Ông bước vào nhà thờ với áo sơ-mi sọc thắt nơ. Ông hỏi khán giả từ đâu đến. Từ những câu trả lời, có thể biết rằng họ đến từ ít nhất 20 tiểu bang, và từ Canada, Kenya, Trung Quốc và Đan Mạch. Ông bắt đầu nói về việc sống sao cho có mục đích, về việc tìm sao cho đủ thời gian để nghỉ ngơi và giải trí. Sau buổi giảng, khán giả ào đến chụp hình. Ông ẵm một em bé. Mỉm cười trước camera.
Trở về nhà, Carter dừng lại, chỉ về phía cái cây mộc lan (magnolia) to cao. Ông kể rằng nó được chiết từ cái cây mà Andrew Jackson, Tổng thống thứ bảy của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, trồng trong sân Tòa Bạch Ốc. Sân nhà có một cái hồ do ông giúp đào. Đó là chỗ ông tập kỹ thuật câu cá quăng dây. Bờ hồ có một ngọn liễu; và trên mảnh sân cỏ hơi dốc, là chỗ mà ngôi mộ của ông và vợ sẽ được xây, và sẽ được đánh dấu bằng những tảng đá bình thường. Ngôi nhà một tầng của gia đình Carter cũ nhưng ấm cúng, với một phòng khách mộc mạc và một căn bếp nhỏ. Có một thùng giữ lạnh mang huy hiệu tổng thống nằm trên sàn bếp. Carter cho biết nó dùng để bỏ thức ăn thừa.
Cựu đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter (91 tuổi) tập khí công và thiền mỗi sáng, trong khi chồng bà viết lách gì đó trong phòng đọc hoặc bơi trong hồ. Jimmy Carter thích tự làm vật dụng và sơn phết trong gara. Họ không có đầu bếp riêng. Họ tự nấu ăn, thường là cùng nhau. Họ cũng tự làm yogurt. Một buổi sáng mùa hè, cụ bà Rosalynn đánh bột cho món bánh trộn với quả việt-quất hái trong sân. Cụ ông Jimmy đảm nhận nhiệm vụ nướng bánh. Sau đó cụ ông lo luôn phần rửa chén. Đời hai cụ vậy thôi. Đơn giản và khiêm nhường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét