Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

LẺ BÓNG - Lê Cẩm Tú

Một buổi chiều cuối thu, tôi ngồi trên ghế đá bờ hồ, ngắm nhìn mặt hồ phẳng lặng, mênh mông, không ồn ào sóng vỗ như biển, không róc rách như suối, như sông. Tất cả nơi đây đều tĩnh lặng. Đó là cái hồ Ontario của Ngũ Đại Hồ. Trời bắt đầu se lạnh, vài vạt nắng yếu ớt đang trải trên những tấm thảm cỏ ngả màu. Cây cối chung quanh đang đổi màu xanh, đỏ, vàng, tím, rất đẹp. Tôi ngồi yên, cố hít thở bầu không khí trong lành của thiên nhiên. Đây là chỗ thư giãn duy nhất tôi tìm được khi mới định cư ở Toronto. Mỗi lần cảm thấy buồn hoặc căng thẳng, tôi lại trốn ra đây ngồi một mình, chỉ cần đi bộ năm bảy phút là tới. Những lúc như vậy, tôi ước mong có người bạn bên cạnh để chia xẻ cái cảnh đẹp mê hồn đó, và cũng để tâm sự nỗi niềm của những người mới tới.
<!>
Bởi vậy mới hồi sáng nay đi chợ Tàu, tôi thấy hai bà trung niên, có vẻ cùng trang lứa với tôi đang đứng nói chuyện với nhau. Tôi định lại gần hỏi mấy câu làm quen thì nghe một bà nói: “mấy con mẹ single mom ăn tiền nhà nước rồi đi dụ dỗ đàn ông.” Tôi nghe xong, thấy ớn lạnh liền bỏ đi luôn.
Vài tháng sau tôi trở lại trường, từ đó tôi bận rộn với bài vở và vui với những điều mới lạ trên quê người, tôi không còn nghĩ tới chuyện kết bạn nữa.
Bốn năm sau ra trường, tôi muốn dọn xuống downtown để tiện việc đi làm. Thấy giá thuê condo khá cao, tôi lật trang quảng cáo của tờ báo Việt Nam, thấy có căn hộ cho thuê ở tầng hai, gần khu tôi đi làm, tôi gọi ngay bà chủ nhà.
Bà hỏi: “Mấy người ở?”
Tôi nói: “Tôi và hai đứa con.”
Bà hỏi lại: “Chồng đâu?”
Tôi trả lời: “Không có.”
Bà gắt gỏng: “Vậy là single mom rồi. Thôi khỏi.”
Xong bà gác máy.
Sau hai lần trúng số với đồng hương, tôi cảm thấy ngại với cái nạn phân biệt “chủng single mom” của người Việt mình. Chưa kể những ánh mắt hoài nghi, những khuôn mặt làm nghiêm, xa lạ, mà tôi có thể viết thêm vài trang nữa. Tôi không biết là mấy bà, mấy chị có hiểu được rằng những người ăn cắp, tiền cũng như tình, là những người tham chứ không phải những người thiếu.
Hồi ở Việt Nam tôi đã nhận thức được sự thiệt thòi của những phụ nữ phải nuôi con một mình. Chị Dung, bà chị họ xa xa của tôi, sống tử tế và chân thật với mọi người. Sau năm 75, chồng chị, một lính công binh cũ, lái xe tải bị tử nạn trên đường đèo. Bà con mỗi người một tay giúp chị làm gánh bún bò bán đầu đường để nuôi ba đứa con nhỏ.
Một hôm tôi đạp xe qua đường LHP, gần chỗ chị ở, bỗng thấy hai ông công an đang áp tải chị lên xe cam nhông bằng báng súng, nhìn chị bò trên sàn xe, lòng tôi quặn thắt. Tôi đứng nhìn chị một cách bất lực cho tới khi xe chạy. Một tháng sau tôi gặp chị đang đứng quét đường, chị nhìn tôi mắt rưng rưng.
Tôi hỏi chị, “Sao chị bị bắt?”
Chị nói: “Vì tôi làm điếm.”
Tôi tròn xoe con mắt nhìn chị. Chị nói chị buôn bán thất bại. Gánh bún của chị bị người ta ăn ký sổ nhiều quá, cuối cùng họ không trả. Chị không còn vốn để tiếp tục. Chị đi khắp xóm xin làm thuê, ở đợ, nhưng chẳng ai thuê mướn thời buổi đó. Chị gởi đứa con trai đầu lòng ra phụ việc với ông thợ đóng giày ngoài phố để kiếm cơm. Hai đứa nhỏ sau đói mấy ngày liền, ra bươi thùng rác của hàng xóm mong kiếm một chút thức ăn còn sót lại.
Tối hôm đó, một ông ở quán bia bên kia đường đến gõ cửa nhà chị, đưa chị một xấp giấy bạc, chị sáng mắt, rồi ông xin ở lại một đêm. Chị nhắm mắt đưa chân. Thế rồi từ một ông đến hai ông, ba ông, thì bà hàng xóm biết được đi trình báo với công an phường. Bà tình nguyện coi chừng hai đứa nhỏ khi chị bị bắt.
Nghe những lời chị kể, tôi lặng người, tôi cũng nghèo, giúp gì cho chị đây. Tôi đưa bờ vai cho chị dựa vào và khóc vỡ òa. Dẫu sao chị cũng trút phần nào sự khổ nhục qua dòng nước mắt.
Mấy năm sau tôi trở thành người đồng hội, đồng thuyền với chị. Sự tan vỡ gia đình không ảnh hưởng nhiều đến cái trí óc của tôi, tôi vẫn làm việc bình thường, ít thiếu sót điều gì. Người ta vẫn thấy tôi đạp xe đi làm mỗi ngày. Thỉnh thoảng tôi che lấp chuyện riêng tư của mình bằng những câu chuyện vui chia xẻ cùng bà con, bạn bè.
Hồi đó quá nghèo, nghèo xơ, nghèo xác, nghèo đến nỗi lúc nào người ta cũng nghĩ tới chuyện ăn. Đang làm việc nghe thịt về, cá về, rau về, là người ta bỏ chạy ra mua cho kịp kẻo sợ bị mất phần. Lương bổng ít ỏi, mọi thứ dựa trên tem phiếu, phân phối theo tiêu chuẩn. Từ hộ lý cho tới bác sĩ đều như nhau, chỉ thêm bớt vài lạng thịt, một hai thước vải. Mọi người đi làm bằng xe đạp hoặc đi bộ, hiếm hoi lắm mới thấy chiếc xe máy. Làm việc thì dưới sự lãnh đạo của những người yếu kém chuyên môn, kém hiểu biết. Chỉ tiêu thành tích rỗng tuếch, lập đi, lập lại. Tin tức luôn đi một chiều của Đảng, cái loa của phường cứ oang oang sớm, trưa, chiều, tối; người dân như ếch ngồi đáy giếng, mỗi ngày một sâu hơn.
Sự gò bó và thiếu thốn đó làm tôi gầy gò, xanh xao, và cuối cùng những nhọc nhằn ấy cũng tìm được chỗ yếu của tôi để tấn công, đó là cái thân, một cơ thể quá mảnh mai. Tôi bắt đầu nhuốm bệnh ở cái tuổi sung mãn của đời người.
Tôi vẫn làm việc và đảm trách thêm công đoàn, lo cho đời sống nhân viên, do nhân viên bầu. Một hôm tôi đi thăm chị nhân viên trong khoa xin nghỉ ốm mấy tuần liền. Chị ở trong khu tập thể của nhà nước. Gặp chị tôi thấy chị sa sút nhiều, mới chưa đầy một tháng mà chị khác hẳn. Chị là người khỏe mạnh, tính tình thẳng thắn, cởi mở, vậy mà giờ chị gầy guộc trông thảm hại. Tôi hỏi chị bị bệnh gì. Chị nói chị bị bọn du côn đầu xóm đến gây gổ, rồi đánh chị. Chị đánh trả lại. Mấy hôm sau chị đi về tối, bị một lũ côn đồ chận đường hiếp chị. Trong đêm tối chị chẳng biết mặt thằng nào. Chị dặn tôi đừng nói với ai vì chẳng ai làm gì được, chỉ thêm tủi hổ cho con chị. Tôi nhìn chị, lòng xót xa. Tôi và chị là những single mom mới ra lò, chưa đủ kinh nghiệm để chống chọi với bao nhiêu khó khăn và cạm bẫy ở đời. Tôi may mắn được về sống với mẹ cha, dầu sao cũng còn có chỗ tựa. Hôm sau tôi ghé nhà chị biếu mấy lon nếp, gọi là chút tình. Chị đang do dự thì tôi nghe tiếng vọng của con gái chị từ dưới bếp: “Mẹ ơi, mình hết gạo nấu cơm tối nay rồi.”
Thời gian cứ thế trôi đi với cuộc sống đơn điệu, chán chường. Cơ thể tôi cũng theo đó hao mòn theo năm tháng. Đến một lúc thì mấy anh chị đồng nghiệp không muốn chữa trị cho tôi nữa. Họ sợ tôi chết dưới bàn tay của họ vì phương tiện thuốc men thiếu thốn, cũ kỹ. Họ muốn tôi vào Sài Gòn để điều trị.
Tôi không có tiền, còn cha mẹ già và con nhỏ trên vai. Tôi có dạm hỏi mượn tiền của những người bạn có khả năng, nhưng họ đều lắc đầu. Tôi không trách họ, vì không phải họ không tin tôi, mà họ nghĩ tôi sẽ không bao giờ làm được số tiền đó để trả lại.
Tối hôm đó về, tôi cảm thấy áy náy trong lòng vì đã mang cái mặt dày đi mượn tiền. Tôi nằm nghĩ miên man. Tình, tiền, sức khỏe, ba mạch sống của con người dường như đã cạn trong tôi. Tôi đành quyết định thả liều, tới đâu thì tới, mà có chết thì cũng xong một kiếp người.
Ngoài trời cơn giông kéo tới, sấm sét đùng đùng, hai đứa nhỏ xích sát vào mẹ, đứa ôm chặt lấy tôi, đứa bò lên bụng mẹ. Tôi trở mình ôm đứa nhỏ vào lòng và thiếp đi. Đâu đó sâu thẳm trong tiềm thức của tôi vẫn nhắc nhở rằng: “Tôi phải sống.”
Mấy hôm sau, mới ra khỏi nhà tôi gặp dì Tân, một người bạn của gia đình, đang tìm cách băng qua đường đến thăm nhà tôi. Tôi đi qua chào dì, dì ngỡ ngàng khi thấy tôi thay đổi nhiều.
Dì nói: “Dì biết con buồn và lo nhiều lắm, nhưng dì mừng cho con, con nợ ít nên trả ít. Con nên buông bỏ hết chuyện cũ để lo cho bản thân và hai đứa nhỏ.”
Tôi đáp lại: “Con cũng muốn buông bỏ hết, nhưng khó quá, cảnh cũ, người xưa cứ lãng vãng quanh con.”
Dì ôn tồn chậm rãi nói: “Con phải nhắm tới một cái gì tươi đẹp, sáng sủa hơn, rồi cố bỏ hết cái tâm, cái trí vào đó, thì từ từ con sẽ quên.”
Tôi phân bua: “Con đâu còn gì, sức khỏe, tiền bạc, và ngay cả thời gian nữa thì làm sao con có thể nghĩ tới cái gì tươi đẹp hơn hở dì?”
Dì nhìn thẳng vào mặt tôi nói gọn một chữ “Đi”. Hồi đó nói chữ “Đi” thì ai cũng biết đi đâu rồi. Tôi giật mình đưa mắt nhìn quanh xem có ai nghe được không, rồi nhìn thẳng vào mặt dì, mặt dì hiền và phúc hậu.
Dì nói tiếp: “Con không thể sống ở đây được. Con phải đi để làm lại cuộc đời, mới trên ba mươi, còn trẻ lắm. Từ nay dì sẽ cầu nguyện cho con được đi sớm, đi bằng bất cứ cách nào, qua phương trời Tây con mới sống được.”
Tôi rất cảm động khi nghe dì nói vậy. Hồi nào tới giờ tôi chỉ nghe những lời trách móc và thương hại. Những lời khuyên của dì như ngọn đèn, tuy còn le lói nhưng đủ để soi sáng cái đường hầm tăm tối của đời tôi. Những tia sáng hy vọng đó lại thúc giục tôi mượn tiền chữa bệnh và tìm cách ra đi.
Sau này khi ở Toronto, thỉnh thoảng tôi bắt điện thoại đường dài của những vùng xa xăm trên thế giới, những người bạn cũ không liên lạc từ hồi trung học, họ muốn đi Toronto thăm tôi. Gặp nhau tay bắt, mặt mừng, hỏi ra mới biết họ đang đau khổ vì chồng, ông có bồ nhí, ông lập phòng nhì, ông cờ bạc tiêu tan nhà cửa. Cuối cùng họ phải chia tay, nhưng họ vẫn còn ôm hận vì phải vất vả nuôi con một mình. Tôi đem lời khuyên của dì Tân truyền lại cho họ. Có một cô cắt ngang lời tôi khi tôi mới nói đến chữ “buông.”
Cô bảo: “Mày đừng bảo là tau phải đi tu nghen, buông hết lấy gì sống?”
Tôi điềm tĩnh nói: “Khoan để tau nói hết lời, buông của người đi tu khác với buông của những người trần tục như mày với tau thì chỉ có thể buông được khi đã tìm thấy và nắm bắt những gì tốt đẹp hơn, thích hợp hơn.”
Thế là cô gật đầu hiểu ý.
Sau mấy năm trời không liên lạc nữa, tôi mới biết qua những người bạn khác thì một cô đang tham gia hội leo núi, vui với cảnh đẹp thiên nhiên của núi rừng, kèm theo một “cận vệ” bê xách ba lô dùm. Một cô nối lại đường tơ với người bạn cũ tình cờ gặp lại, và cô khác, ở gần tôi hơn, đã khám phá được cái đam mê của mình là đầu tư nhà cửa. Cô đã tự xoay xở mua lại những căn nhà xấu xí, cũ kỹ, tự tay thiết kế lai, thuê người sửa chữa rồi bán lại hoặc cho thuê, cứ thế cô trở nên khá giả. Và tôi tin chắc rằng mấy cô chẳng còn nghĩ tới mấy ông chồng cũ nữa.
Thật ra, thuở còn nuôi con một mình ở Việt Nam, tuy gò bó, đói khổ, nhưng chung quanh tôi còn có những người bạn tốt, họ như những gốc cây cho tôi bám giữ mỗi khi cảm thấy mình đang tuột dốc. Đúng như người ta thường nói, những lúc khó khăn như thế, tôi mới nhận biết được những người bạn thật sự.
Tôi nhớ tới ông đàn em Hòa, cùng làm bệnh viện với tôi, cậu đã bỏ ra một buổi chiều để dạy tôi và một người bạn khác những bước căn bản của khí công, hít thở. Tôi bận rộn nên bữa tập, bữa không. Mỗi khi gặp Hòa trong bệnh viện, cậu thường nở một nụ cười thật hiền hòa, và nhắc nhở tôi trong vội vàng: “Hít thở nghe chị.” Có lần nghe một chị nhân viên trong bệnh viện vừa mới quyên sinh, gặp tôi Hòa nán lại vài phút dặn dò: “Đừng bao giờ bỏ cuộc nghe chị, có gì kẹt lắm thì cho Hòa biết trước đã.” Cậu dám giúp đỡ gánh cái của nợ của tôi trong thời buổi đó thì quả thật là tấm lòng nhân ái của lương y, một nghĩa cử đẹp của tình đồng đội, không bỏ rơi bạn mình khi thấy họ đang gục ngã. Tôi không gục ngã trên chiến trận, mà tôi đang gục ngã trên trường đời, giữa cái xã hội quá nhiễu nhương. Cũng may là tôi chưa phải nhờ đến bờ vai đó.
Đến chị Diễm Linh, người đàn chị quý mến của tôi, luôn mở rộng cánh cửa nhà chị chào đón mẹ con tôi mỗi khi tôi cảm thấy cô đơn. Sau giờ làm việc, tôi đạp xe về nhà chở hai đứa nhỏ đến nhà chị chơi. Tuy không báo trước, nhưng lúc thấy tôi động đậy ngoài cổng là chị vồn vã chạy ra bồng đứa lớn phía sau xuống trước, rồi bế đứa nhỏ phía trước xuống sau, trước khi tôi tìm chỗ dựng xe. Chị nâng niu, chìu chuộng hai đứa nhỏ như là con cháu của chị. Tôi nhớ chị; chị có nụ cười rộng lượng và đôi mắt rất sinh động.
Những hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt trong tôi, những lúc có cơ hội hồi tưởng lại như hôm nay thì hình ảnh của họ hiện ra rất rõ trong trí tôi. Vậy mà thiếu sót của tôi là không có cơ hội để nói lời giã biệt và cảm ơn trước khi đi đến một vùng đất quá xa xôi. Đời người như những con sông xuôi dòng đổ ra biển cả. Đi ngược dòng về lại không gian và thời gian cũ không phải dễ. Thôi thì vay chỗ nầy trả chỗ kia, chứ đâu cần phải trả về chỗ cũ.
Đến đây tôi chạnh nhớ tới chị Ái, một nhân viên đứng tuổi của khoa, chị cũng đảm trách công đoàn với tôi. Thấy tôi gầy gò, xanh xao, chị nghĩ tôi có vấn đề tâm sinh lý, và đơn giản kiếm cho tôi một ông chồng khác để thay thế thì mọi chuyện sẽ xong. Chị âm thầm lục lọi trong những người thân, bạn bè, nhân viên ra những người đàn ông độc thân, từ ông trẻ chưa vợ, tới ông già chết vợ, từ ông cán bộ miền Bắc, tới ông lính cộng hòa miền Nam. Chị lập danh sách bảy ông. Trong ý chị thì cứ lượm, rồi sẽ lặt dần để tìm người thích hợp nhất với tôi. Chị đem danh sách ra bàn với Ngân, một nhân viên trẻ, Ngân nói:
“Em thấy trong danh sách này không ai gánh nổi chị Tín cả, đừng làm chị ấy khổ thêm lần nữa.”
Chị Ái chưa bằng lòng với câu trả lời của Ngân, chị đem ra hỏi Lan, một nhân viên trẻ khác. Sau khi nghe chị nói xong, Lan liền quát:
“Chị Tín là người, chứ phải trâu, bò, gà, lợn gì mà chị đi chọn con đực về thả mái vậy.”
Chị hoảng hồn với câu mắng mỏ của Lan, liền dẹp bỏ danh sách đó. Chiều lại, chị rủ tôi vào phòng nghỉ của nhân viên, kể cho tôi nghe mọi chuyện như một lời thú tội.
Tôi nói: “Mấy cô đó tuổi trẻ tài cao.”
Còn chị thì lẩm nhẩm: “Bõ công tôi đang giỏ bỏ cà, giỏ thưa cà lọt công đà bõ công.”
Tôi bật cười, chị cũng cười theo. Tiếng cười như một lời cảm ơn, vì tôi đã cảm nhận tấm lòng của chị.
Chuyện mượn tiền vẫn cứ lẩn quẩn trong đầu tôi. Tôi cẩn thận hơn tìm người để mượn. Tôi nhớ tới dì Cư, bạn của mẹ tôi, một thời dì phải nuôi con một mình, có thể dì thông cảm hơn với tôi chăng? Dì đã tái giá với một người đàn ông góa vợ. Bây giờ dì phải sống trong cảnh con anh, con tôi, con chúng ta. Thỉnh thoảng dì ghé lại nhà, nhờ tôi coi lại cái bệnh huyết áp tăng đột ngột bởi những chuyện gia đình. Dì thường than phiền khổ quá, biết vậy cứ ở không nuôi con cho rồi, nhưng hồi đó dì đẹp nên đàn ông đâu để dì yên.
Tôi tìm đến nhà dì, dì hơi ngạc nhiên, nhưng khi nhìn bóng dáng tiều tụy của tôi dì đã hiểu tôi cần sự giúp đỡ.
Tôi chưa dám nói gì thì dì mở đầu câu chuyện hỏi:
“Con có chuyện gì muốn nói với dì phải không?”
Tôi trình bày hoàn cảnh của tôi. Dì lắng nghe một hồi, rồi lặng lẽ bước lên lầu với những bước chân thật nhẹ. Dì mang xuống một gói nhỏ đưa cho tôi và nói vào tai:
“Con đừng bao giờ cho ai biết chuyện này, kể cả mẹ con.”
Dì đang dấu chồng, dấu con, và dấu cả chính quyền để giúp tôi hai chỉ vàng, một số tiền khá lớn đối với cán bộ công nhân viên hồi đó, bằng cả mấy năm lương. Tôi hứa sớm muộn gì tôi cũng hoàn lại cho dì. Tôi biết dì không giàu có lắm, nhưng vì có con riêng nên dì cất một ít đề phòng những trắc ẩn của gia đình. Tôi chợt nhớ “Lỡ khi tôi không về… thì sao”. Tôi mở cái tượng ngọc thạch ở cổ trao cho dì, dì biết đây là vật kỷ niệm mẹ tôi tặng tôi ngày tròn mười sáu. Tôi muốn dì giữ cái tượng đó như là giữ một niềm tin cho tôi còn trở về, nó không có giá trị tiền bạc thuở ấy.
Từ đó tôi tích cực chữa bệnh ở Sài Gòn. Bệnh tôi thuyên giảm, tôi trở về với con nhỏ và mẹ cha. Sau những năm tháng mong chờ, tôi là một trong những người đầu tiên lặng lẽ ra đi với hai con nhỏ theo diện định cư, khi nhà nước đã bãi bỏ lệnh cấm xuất nhập cảnh vào năm 90.
Giờ đây những “bad girls” năm xưa đã đến tuổi hoa râm. Họ có cơ duyên gặp nhau trên một trung tâm cộng đồng của thành phố. Hàng tuần họ tụ tập lại với nhau để luyện tập, ăn uống, và vui chơi lành mạnh. Họ sống chân thật và giản dị, không màu mè, phô trương. Mọi người quý mến và tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Có việc thì xông vào làm, một người làm không nổi thì hai, ba người chung nhau gánh vác, chẳng ai câu nệ, đùn đẩy. Họ coi nhau như một gia đình lớn, thêm mắt, thêm tai, họ nâng đỡ nhau. Họ chia xẻ, những món ăn, những recipe, những nhà hàng ngon, thức ăn tươi rẻ, cho tới những hội hè, sinh hoạt của thành phố, và những chuyến du lịch gần xa. Có những người từ những quốc gia khác và những cặp vợ chồng cùng tham gia, nhưng những “bad girls” vẫn là những thành viên nòng cốt, có lẽ vì những đức tính tháo vác và nhẫn nại mà họ đã tự huấn luyện qua những năm tháng dài nuôi con một mình.
Họ trân trọng những giờ phút sinh hoạt bên nhau vì họ biết rằng đây là một thiên đàng nhỏ giữa lòng thành phố lớn, một món quà tình người quý giá mà trời đất ban cho họ để bù đắp những năm tháng đơn chiếc trên xứ người.
Nhân ngày Lễ Mẹ năm vừa qua, con trai tôi lái chiếc xe truck màu trắng, đem tôi về lại chỗ ghế đá bờ hồ năm xưa, nơi đây cũng chính là nơi con tôi được tung tăng chạy nhảy dưới bầu trời tự do, an lành của thời thơ ấu. Tôi trông bảnh bao với quần capri trắng, áo jean xanh và giày strecher, đứng lặng thinh giữa vùng biển hồ mênh mông. Tôi ngửa mặt lên trời thầm cám ơn Canada, đất nước đã cho tôi cơ hội sống tiếp, để hoàn thành sứ mệnh làm mẹ lẫn làm cha trong những khúc ngoặc quanh co của cuộc đời. Xin cám ơn những người bạn và những bà dì của tôi ở Việt Nam, đã dạy tôi thêm những bài học của tình người, và xin cám ơn cha mẹ tôi đã dạy tôi những bài học đạo đức căn bản trong những năm đầu của cuộc đời, để tôi luôn giữ được phẩm hạnh của mình qua bao hoàn cảnh và tình huống cam go.
Những giọt nước mắt của hạnh phúc lại lăn dài trên đôi má của tôi. Con trai tôi đến ôm lấy vai mẹ. Sáu mươi năm cụôc đời tôi đã mãn nguyện. Những ngày tháng bonus còn lại, tôi nguyện sống cuộc đời ý nghĩa hơn với người thân, bạn bè, và cái cộng đồng single mom nhỏ bé của tôi.
Nhìn lại thành phố Toronto, quê hương thứ hai của tôi, bao năm người Việt mình sinh sống ở đó, họ đã và đang xây dựng một nền móng vững chắc cho cộng đồng; không những vật chất, của cải và sự thành công của con cháu, mà cả nếp sống văn minh tiến bộ, và những tư duy thoáng đạt, hợp thời. Họ học hỏi rất nhiều nhờ vào sự tiến bộ vượt bực của ngành truyền thông, vào kinh nghiệm của bản thân và con cháu. Có thể con cháu của họ nay đã có người là single mom, là LGTB, là những người có hôn nhân dị chủng, chủ nghĩa độc thân, sinh toàn con gái… Tôi cảm thấy càng ngày họ càng chấp nhận những điều này dễ dàng hơn, dần dần buông bỏ những thành kiến cổ hủ để có cuộc sống hòa điệu. Chính sự cởi mở về tư duy mới đưa lại sự hoàn thiện giá trị của con người. Và với sự toàn cầu hoá, tôi ước mong mọi người trên hành tinh nầy thêm tiến bộ, hiểu biết, mở trí, mở lòng, mở rộng vòng tay để tiếp nhận sự khác biệt như là một phần của sự tiến hóa xã hội. Có như vậy loài người mới sống trong công bằng và hạnh phúc hơn.
Đằng nào thì mọi người cũng phải đóng đúng vai diễn của mình trong vở kịch cuộc đời. Số vậy, phải vậy. Cải số chăng? Điều tôi không còn dám nghĩ tới nữa.
Lê Cẩm Tú YKH-13
April 2018

Không có nhận xét nào: