Lại vừa hiện thêm một bằng chứng cho giả thiết ‘biến động quyền lực và hồi tố thời hậu Quang’: ngày 28/11/2018, một facebooker có nick là Phạm Việt Thắng đã đưa tin hàm ý về Trần Bắc Hà đã bị bắt tại Campuchia. Nửa ngày sau đó, vài tờ báo nhà nước bắt đầu đăng bài đầy ngụ ý như “Nhìn lại 35 năm từ ‘ngôi sao ngân hàng’ đến bi kịch cuối đời của nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà” và “Ông Trần Lục Lang còn đương nhiệm những chức vụ gì?” (Trần Lục Lang được xem là ‘đồng hương’ với Trần Bắc Hà trên nhiều khía cạnh, đặc biệt trong quan hệ làm ăn). Cách đăng bài nửa úp nửa mở như thế làm người ta nhớ lại ngay sau vụ bắt đại gia ngân hàng Trầm Bê vào tháng Tám năm 2018, tuy cơ quan công an chưa công bố thông tin nhưng báo chí nhà nước cũng đã phát tin theo kiểu ‘đóng khung tang’ về Trầm Bê.<!>
Còn FB Phạm Việt Thắng đã nổi lên trong thời gian gần đây về quan điểm ủng hộ nhiệt thành công cuộc ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí gần đây FB Phạm Việt Thắng còn vượt hơn cả FB Trương Huy San và FB Lê Nguyễn Hương Trà về… tin nội bộ.
Cứ xét theo cách đưa tin của Phạm Việt Thắng cùng một số tờ báo nhà nước, sẽ không quá võ đoán để cho rằng Trần Bắc Hà rất có thể đã bị bắt thật.
Đến chiều muộn ngày 29/11/2018, tức chỉ một ngày sau khi FB Phạm Việt Thắng đưa tin hàm ý về vụ ‘bắt Trần Bắc Hà’ và báo chí nhà nước xôn xao bắt ý tin này, ‘tin đồn’ đã biến thành sự thật: Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) công bố chính thức việc tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét đối với Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh).
‘Bị bắt’ năm 2017
Trần Bắc Hà là một nhân vật gây sóng gió trên thương trường Việt Nam không chỉ bởi những vụ làm và ‘ăn’ khổng lồ, mà còn bởi từ mấy năm qua nhân vật này mang tần suất được đồn đoán ‘bị bắt’ thuộc lại cao nhất, thậm chí còn cao hơn cả một đồng nghiệp của ông Hà là cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - người hiện nay đang nghiễm nhiên nằm trong Bộ Chính trị và giữ chức Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Ngày 9/8/2017, Huy Đức (Trương Huy San) “ngẫu hứng” đăng một status trên facebook của ông với tựa đề vỏn vẹn “Bắc Hà”. Tuy chẳng viết gì về chuyện ông Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - bị công an bắt hoặc có thể bị bắt, Huy Đức chỉ mô tả kèm hình ảnh “Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (phải cùng) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ "dưới Ba Dũng" và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.” Cùng ngày, chỉ số chứng khoán Việt Nam lao dốc đến hơn 2%.
Một sự trùng hợp đáng điên đảo đối với ông Trần Bắc Hà là vào tháng Tám đó - thời điểm có “tin đồn” ông Hà bị bắt, lại “ứng” với tháng Tám năm 2012 khi một đại gia ngân hàng là Bầu Kiên bị bắt thật, khiến thị trường chứng khoán lao dốc không phanh trong suốt mấy phiên.
Trước khi bị bắt vào năm 2012, Bầu Kiên cũng vài lần bị “tin đồn”, và cũng có quan chức đứng ra thanh minh “không có chuyện bắt ông Nguyễn Đức Kiên”.
Ngay trước khi Trầm Bê bị bắt vào đầu tháng 8/2017, cũng có tin ngoài lề cho biết “Trầm Bê đã thoát”.
Trần Bắc Hà ‘trục’ với ai?
Trần Bắc Hà không chỉ là một đại gia mà còn là một chính trị gia – hiểu theo một cách nào đó, và đương nhiên đã biết được không ít tin tức cung đình, đặc biệt những tin tức liên quan đến an nguy của mình. Rất có thể vào nửa cuối năm 2017 và đặc biệt sau khi Đinh La Thăng bị bắt, ông Hà đã nắm được một nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình.
Vào thời còn là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng BIDV, Trần Bắc Hà lại rất được lòng Ngân hàng nhà nước Việt Nam của Thống đốc Nguyễn Văn Bình – người được xem là “cánh tay mặt” của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu đại gia ngân hàng Trầm Bê là người được xem là “tay hòm chìa khóa” của nhóm Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Văn Bình, thì Trần Bắc Hà cũng được xem là có mối quan hệ rất “đặc biệt” với Nguyễn Văn Bình thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Nói cách khác, có thể ví trục Nguyễn Văn Bình – Trần Bắc Hà với trục Nguyễn Tấn Dũng – Trầm Bê.
Sau khi Trầm Bê bị bắt và một cựu ủy viên bộ chính trị như Đinh La Thăng còn phải ra tòa với hai bàn tay bị tra vào còng số 8, cơ may cho Trần Bắc Hà quả thật rất mong manh. Theo đó, ông Hà có thể bị xem xét và xử lý quá trình ông đã trở thành một mắt xích trong mạng lưới làm ăn (phi pháp) của một số quan chức cao cấp như thế nào, kể cả những việc liên quan với gia đình thủ tướng thời trước là Nguyễn Tấn Dũng ra sao…
Đến cuối tháng Năm năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm của ‘đồng chí Trần Bắc Hà’ là ‘rất nghiêm trọng’.
Trong số nhưng nội dung vi phạm của kết luận trên, có thể cho rằng ‘vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây Dựng’ mới là nội dung trọng yếu.
Và hẳn là mục tiêu trọng yếu mà Nguyễn Phú Trọng - khi đó mới chỉ là tổng bí thư mà chưa thành ‘Tổng chủ’, muốn nhắm đến.
Vào thời gian đó, dư luận một lần nữa xôn xao tin đồn về “sắp bắt Trần Bắc Hà”.
Nhưng sau một thời gian ồn ào, báo chí lắng bặt vụ ‘Trần Bắc Hà biến mất’. Và cũng chẳng còn đồn đoán nào về việc Trần Bắc Hà ‘sắp bị bắt’.
Bầu không khí lắng đọng như thế cứ âm ỉ suốt từ giữa năm 2018 đến gần đây. Thậm chí trong thời gian đó có tin về việc Trần Bắc Hà vẫn đang ung dung ở đâu đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông điệp nào cho Nguyễn Tấn Dũng?
Thông tin về Trần Bắc Hà bị bắt tại Campuchia có thể khiến người ta nhớ lại vụ Dương Chí Dũng - Tổng giám đốc Tập đoàn Vinalines - cũng bị bắt tại ‘nước bạn’ Campuchia vào năm 2012 bởi hai lực lượng công an và Tổng cục 2 của Việt Nam.
Có thể cho rằng đây là vụ hồi tố thứ ba kể từ sau cái chết của Trần Đại Quang vào tháng Chín năm 2018.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ sau sự kiện ‘chủ tịch nước Trần Đại Quang chẳng may qua đời dù đã được tận tình cứu chữa’, hàng loạt vụ việc mà trước đó tưởng như bế tắc và chìm xuồng như vụ Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch TP.HCM, vụ ‘thế lực và đường dây nào bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài’, và mới đây nhất là vụ Trần Bắc Hà, mới được hồi tố. Nguyễn Hữu Tín chính thức bị bắt, người đầu tiên trong ‘đường dây Trịnh Xuân Thanh’ là Đường Hùng Cường cũng vừa bị bắt, còn bây giờ là Trần Bắc Hà.
Và nếu cái thực tế trên không hẳn là vô tình, cộng với những đồn đoán về mối quan hệ được xem là ‘hữu cơ’ giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng, vụ ‘bắt Trần Bắc Hà’ đang chuyển một thông điệp lớn đến trước cửa nhà ‘Anh Ba X’: cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không an toàn.
Có nghĩa là những cảnh Nguyễn Tấn Dũng được Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đến nhà thăm vào tết nguyên đán năm 2019, Thành ủy TP.HCM mời ông Dũng dự hội nghị này nọ, Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện trong những dịp lễ lạt trong năm 2018…, đều có thể chỉ là ‘diễn’.
Nhưng bản chất của ‘vấn đề Nguyễn Tấn Dũng’ lại là những giọt nước mắt còn lâu mới chịu khô của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012…
Phạm Chí Dũng. /.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét