Nói về những phát biểu ngô nghê của Đại biểu Quốc hội Việt Nam có lẽ phải viết riêng một cuốn sách phân tích về hiện tượng mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. Dưới mắt người dân bây giờ ĐBQH chẳng qua là những người thích nói, nói không cần biết có đúng hay không và đúng tới mức nào. Trách nhiệm trong lời nói của họ gần như số không, bất cần phía sau những lời nói hoa hòe gượng ép ấy sẽ ảnh hưởng tới dư luận như thế nào.
<!>
Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khóa trước vô tư tuyên bố rằng “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai?” thì cả nước ngẩn cả mặt ra về cái tư duy vượt thời đại này. Không cần bàn chi sâu xa, tầm hiểu biết về Quốc hội của một ông Chủ tịch chính cái quốc hội ấy đã lộ rõ mười mươi, nó làm cho người dân ngao ngán cho cái bánh vẽ quốc hội mà mình đang có.
Rồi Chủ tịch Quốc hội đời kế tiếp là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bắt chước câu nói nổi tiếng của Tổng thống Kennedy một cách máy móc và không hề ngượng miệng khi tuyên bố: “Tôi xin hỏi những người phản biện, các người đã làm được gì cho đất nước chưa?”
Người dân lại lãnh thêm một hòn đá lớn ném vào quyền bày tỏ của mình.
Nếu thống kê cho hết những phát biểu trật lề của các ĐBQH trong nhiều khóa gần đây có lẽ tốn thời gian cho người đọc mà không mấy khơi gợi thêm sự khinh bỉ của dân chúng đối với họ, bởi người dân đã hằn sâu định kiến về kiến thức, lòng tự trọng, kể cả sự ương bướng cố hữu của người Cộng sản đối với từng lời từng chữ của các ĐBQH trước một diễn đàn lớn nhất nước.
Chẳng những ngô nghê mà họ còn ác độc nữa.
Vào chiều ngày 12 tháng 11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, ĐBQH Hồ Đức Ph ước đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.
Theo báo chí ghi nhận lại thì ông Hồ Đức Phóc cho rằng "tù tại gia" không chỉ giúp giảm áp lực cho các nhà tù, giảm ngân sách quốc gia chi cho các tù nhân mà còn có tác dụng về giáo dục, khiến người vi phạm phải xấu hổ với cộng đồng, làng xóm và gia đình.
Ông Phóc còn đề nghị “để quản lý những phạm nhân được phép ở tù tại gia, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu nhà sắt giam giữ. Buồng giam này được cán bộ đưa đến nhà phạm nhân, chìa khoá giám thị cầm, gia đình chỉ chăm sóc, đến bữa cho ăn. Giám thị sẽ định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để phạm nhân trốn thì gia đình cùng chịu trách nhiệm.”
Bao nhiêu cũng đủ thấy sự độc ác trong lời đề nghị của một kẻ mang danh hiệu Đại biểu Quốc hội. Độc ác và vi hiến một cách trầm trọng khi chủ trương làm cho người bị giam lẫn gia đình của họ xấu hổ với cộng đồng, hàng xóm và gia đình. Đối với đề nghị này thì ông Ph ước ngang nhiên vi hiến vì đã cổ vũ một biện pháp xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người dân vi phạm Khoản 1 Điều 20 của Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Ông Phóc không hiểu rằng vi phạm pháp luật phải được xử lý nhưng quyền cơ bản con người được Hiến pháp bảo vệ thì không ai có quyền xúc phạm, kể cả ông, một Đại biểu Quốc hội rất tồi khi không nhớ nỗi điều căn bản này.
Ông đem cả gia đình của tù nhân ra làm thế chấp cho cái gọi là “xấu hổ với cộng đồng, hàng xóm”. Ông không ý thức được hậu quả của sự “xấu hổ” ấy sẽ đẩy cả gia đình họ trôi dạt về đâu trong ánh mắt xa lạ khinh bỉ của láng giềng, vốn cũng rất ngô nghê với chính cái quyền căn bản của mình. Ông Phóc tỏ ra rất chuyên chính trong lời đề nghị rặt tính Cộng sản khi một phạm nhân bị mang tấm bảng kê khai tội danh mình đi bêu rếu trên đường phố của thập niên 50 trong thời kỳ cải cách ruộng đất.
Ông trừng phạt thân nhân của họ vì phải nấu ăn, cung phụng cho tù nhân trong khi trách nhiệm này phải thuộc về nhà nước. Ông cưỡng chế không gian riêng tư của gia đình họ bằng hành vi đi ngược lại với quyền tự do cư trú của người dân.
Ông mang hình ảnh nhà giam tới từng hộ dân khi cho giám thị nhà giam tự do đi lại tới từng nhà, ám ảnh tự do của từng công dân, những người chưa bao giờ phạm tội. Ông mang chế độ công an trị tới từng ngóc ngách xã hội mà không tốn một xu nào cho ngân sách.
Chưa thấy đủ, ông Phóc còn đề nghị đem cả củi sắt về tận nhà để nhốt người, đủ hiểu mức ác độc trong tư duy của ông là không giới hạn.
Ông xem tù nhân là con vật, và củi sắt là nơi mà chúng phải thuộc về.
Ông Phóc với tư cách là một Tổng kiểm toán nhà nước, chắc không phải là người xa lạ với những con số. Hãy thử tính xem trên toàn quốc nếu số củi sắt này cung ứng đầy đủ thì Việt Nam có phải là một nhà tù vĩ đại hay không?
Ai cho phép ông có một đề nghị xảo quyệt như vậy khi bắt cả gia đình tù nhân ở tù chung với nhau trong một không gian tự do mà hiến pháp quy định? Đặt cái củi sắt trong nhà của họ có khác gì mang một vết thương chia đều cho từng người khi phẩm giá, lòng tự trọng, danh dự của họ bị chà đạp?
Vậy mà lạ thay, lời đề nghị này được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an hứa sẽ xem xét và nghiên cứu, bên cạnh những đại biểu “tầm cỡ” khác rất phấn khởi vì đề nghị khác thường này....mặc cho bên ngoài xã hội làn sóng phỉ nhổ nổi lên tiếp theo các làn sóng căm phẫn khác.
Ở những nước phát triển người ta không dùng hình ảnh “tù tại gia” để miêu tả biện pháp theo dõi phạm nhân có thời gian ngắn được phép rời nhà tù vì lý do đặc biệt nào đó. Cảnh sát gắn một vòng khóa có thiết bị điện tử dưới chân xác định vị trí mà tù nhân đang đứng để khi cần thì cảnh sát có thể không chế nếu tù nhân ấy có ý định bỏ trốn.
Biện pháp này chỉ được áp dụng cho tội tiểu hình trong một thời gian sau khi được tòa xem xét lý do hợp lý và chấp nhận. Cái vòng điện tử phải được lắp dưới cổ chân cho người khác không nhìn thấy chứng tỏ phẩm giá và danh dự của người vi phạm pháp luật vẫn được tôn trọng như bất cứ công dân bình thường nào khác.
Từ chiếc vòng điện tử dưới cổ chân tiến tới cái củi sắt nhốt người ngay trong gia đình của tù nhân thật là một bước nhảy vọt vượt bậc đáng tự hào của Quốc hội Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét