Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 19/1 - Lê Minh Nguyên

Hàn Quốc: Thỏa thuận với Bình Nhưỡng về Thế Vận Hội gây tranh luận
Thỏa thuận đạt được tại Bàn Môn Điếm ngày 17/01/2018 giữa Seoul và Bình Nhưỡng được xem là một biểu tượng hoà giải trong bối cảnh đe dọa chiến tranh. Tuy nhiên, quyết định cho hai phái đoàn diễu hành chung và lập một đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng thống nhất gây bất bình cho nhiều người Hàn Quốc.<!>
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường thuật :
"Chung một phái đoàn, hai nước Nam Bắc Hàn cùng diễu hành dưới một lá cờ hình bán đảo Triều Tiên màu xanh dương trên nền trắng. Biểu tượng rất có ý nghĩa, đây là cơ may bằng vàng để làm giảm căng thẳng, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khen ngợi.

Về phía Hoa Kỳ, Nhà Trắng cho rằng tham gia Thế Vận Hội là một dịp để Bắc Triều Tiên và các vận động viên của Bắc Triều Tiên cảm nhận một ít hương vị tự do. Washington nghĩ rằng Thế Vận Hội Pyeongchang là cơ may để miền Bắc thấy được lợi ích nếu họ chấp nhận mở cửa, đánh đổi tình trạng cô lập bằng cách nhượng bộ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, những người bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa chỉ trich thỏa thuận diễu hành chung. Họ cho rằng Hàn Quốc đánh mất cơ hội giương cao ngọn cờ quốc gia trong buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội. Các nữ vận động viên khúc côn cầu trên băng của Hàn Quốc cũng tức giận vì bị áp đặt phải đấu chung với những đồng đội không hề quen biết, ba tuần trước khi vòng tranh tài bắt đầu.

Nhưng để có thể hoà giải dân tộc thì phải chấp nhận một số nhượng bộ cần thiết, một nhật báo thiên tả của Hàn Quốc bình luận như thế.

Trong thập niên trước, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã ba lần diễu hành chung (2000 tại Sydney, 2004 tại Athen và 2006 tại Turino). Tiếc thay, biểu tượng tuyệt đẹp này không có tác dụng chính trị lâu dài."

Bắc Triều Tiên diễu binh

Phải chờ đến ngày 20/01/2017 mới biết Ủy Ban Thế Vận có chấp thuận các thỏa thuận trên đây của Bình Nhưỡng và Seoul. Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc hôm nay, vào ngày 08/02 tới đây, tức một ngày trước khi Thế Vận Hội Mùa Đông khai mạc, quân đội Bắc Triều Tiên biểu dương lực lượng qua một cuộc diễu binh lớn tại Bình Nhưỡng với khoảng 12.000 binh sĩ và vũ khí tối tân để ghi dấu 70 năm thành lập. - RFI
|
|

2.
Khảo sát: Rủi ro chiến tranh tăng cao trong năm 2018

Nguy cơ đối đầu về chính trị và kinh tế giữa các cường quốc lớn của thế giới, bao gồm xung đột quân sự trực tiếp, đang tăng cao, theo một cuộc khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố vài ngày trước hội nghị hàng năm tại Davos.

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu nêu bật một số rủi ro hàng đầu cho năm 2018, bao gồm những mối đe dọa môi trường từ thời tiết và nhiệt độ khắc nghiệt, những bất bình đẳng về kinh tế và các vụ tấn công trên không gian mạng.

Nhưng đáng chú ý nhất là lo ngại địa chính trị đã tăng mạnh sau một năm Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un ‘đốp chát’ qua lại mà nhiều người cho là đã đẩy thế giới tiến gần tới một cuộc xung đột hạt nhân hơn so với nhiều thập niên trước.

Ông Trump dự kiến sẽ có bài diễn văn vào ngày cuối cùng của WEF, một sự kiện hàng năm được tổ chức trên dãy núi Alps ở Thụy Sĩ diễn ra từ ngày 23 tới 26 tháng 4 và sẽ thu hút 70 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ cũng như những người nổi tiếng, các CEO và các nhà quản lý ngân hàng hàng đầu.

Cuộc khảo sát gần 1.000 chuyên gia từ chính phủ, doanh nghiệp, giới học thuật và các tổ chức phi chính phủ cho thấy 93 phần trăm những người được hỏi cho rằng những cuộc đối đầu về chính trị hoặc kinh tế sẽ trầm trọng hơn giữa các cường quốc trong năm 2018, trong đó 40 phần trăm tin rằng những rủi ro này đã tăng lên đáng kể.

Khoảng 79 phần trăm nhận thấy nguy cơ xung đột quân sự giữa nhà nước với nhà nước tăng lên. Ngoài mối đe dọa xung đột trên bán đảo Triều Tiên, báo cáo còn chỉ ra nguy cơ về những cuộc đối đầu quân sự mới ở Trung Đông.

Báo cáo đề cập tới quyết định của ông Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận thương mại TPP và lời đe dọa của ông rút khỏi một thỏa thuận giữa các cường quốc phương Tây với Iran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.

Với tăng trưởng toàn cầu đang phục hồi, những lo ngại về kinh tế đã giảm mạnh. Tuy nhiên, báo cáo mô tả sự bất bình đẳng về thu nhập là "vấn đề gây xói mòn" ở nhiều quốc gia và cảnh báo về sự tự mãn về môi trường kinh tế trong khi mức nợ cao, tỉ lệ tiết kiệm thấp và các điều khoản lương hưu không đáp ứng đủ. - VOA
|
|

3.
Nhật, Australia thúc đẩy quan hệ quốc phòng

Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull ngày 18/1 tới Nhật trong sứ mạng thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc và chương trình võ khí hạt nhân leo thang của Triều Tiên.

Sau khi tham quan một căn cứ huấn luyện quân sự bên ngoài Tokyo cùng Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe, ông Turnbull phát biểu về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết chống lại sự hung hăng của Triều Tiên.

Thủ tướng Australia kêu gọi duy trì chế tài quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo Australia và Nhật đang nhắm chung quyết một hiệp ước an ninh mới và sẽ thảo luận cách tăng cường quan hệ kinh tế song phương bao gồm việc thúc đẩy ký kết thỏa thuận tự do thương mại đa quốc xuyên Thái Bình Dương. - VOA

4.
Nga tố cáo Mỹ làm lộ thông tin ngân hàng của giới chức ngoại giao

Bộ Ngoại giao Nga ngày 18/1 tố cáo các giới chức Mỹ tiết lộ với báo giới thông tin tài chính riêng tư của các quan chức ngoại giao Nga làm việc tại Hoa Kỳ và yêu cầu những người chịu trách nhiệm phải bị trừng trị.

Tờ Buzzfeed tuần này loan tin các quan chức Mỹ đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 đang điều nghiên hồ sơ các giao dịch tài chính liên quan đến các nhà ngoại giao Nga. Nguồn tin này cũng trích dẫn chi tiết một số giao dịch ngân hàng.

“Rõ ràng là điều này không thể xảy ra mà giới hữu trách không hay biết,” Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong thông cáo.

Thông cáo nói thêm các giao dịch bị tiết lộ không gì hơn ngoài các chi trả định kỳ nhưng vấn đề đã bị làm méo mó để biến thành chuyện tình nghi.

“Chúng tôi yêu cầu nhà chức trách Mỹ thực thi luật quốc gia của họ và các cam kết quốc tế, ngưng ngay lập tức việc phát tán thông tin mật bất hợp pháp và bắt những ai vi phạm phải chịu trách nhiệm, kể cả những người có chức vị hữu quan trong chính quyền nhà nước Mỹ,” Bộ Ngoại giao Nga nói. - VOA

5.
Thụy Điển cảnh báo dân chúng về nguy cơ chiến tranh

Chính phủ Thụy Điển hiện đang chuẩn bị tài liệu nhằm thông báo với khoảng 4.7 triệu dân của mình về nguy cơ bị lôi kéo vào chiến tranh đang ngày càng tăng.

Trong tài liệu này, chính phủ sẽ kêu gọi dân chúng chuẩn bị không chỉ cho “các cuộc khủng hoảng và tai họa xảy ra trong thời bình, nhưng cũng còn là các cuộc tấn công khác nhau nhắm vào xã hội và quốc gia Thụy Điển.”

Đây là một phần của nỗ lực cải tiến chiến lược phòng thủ của Thụy Điển trước các mối đe dọa từ phía Nga, theo bản tin CNN.

Tài liệu này được soạn thảo, một phần cũng vì “tình hình an ninh của khu vực quanh chúng tôi,” có nghĩa là khu vực biển Baltic, theo lời một phát ngôn viên Cơ Quan Phòng Vệ Dân Sự, cho đài CNN hay hôm Thứ Tư.

Tài liệu này sẽ được phát hành trong năm nay, nhằm hướng dẫn người dân về cách thức chuẩn bị trong trường hợp có biếnxảy ra, cũng như yêu cầu chính quyền địa phương tu sửa các hầm trú ẩn đã có từ thời Chiến Tranh Lạnh.

Phát ngôn viên cũng cho hay tài liệu này sẽ cho các chỉ dẫn để dân chúng trữ thực phẩm, nước uống cùng các món thiết yếu khác tại nhà.

Thụy Điển không là thành viên NATO nhưng trong những năm gần đây đã góp phần vào các nỗ lực quân sự của NATO. - VOA

6.
Philippines sửa đổi Hiến Pháp để Duterte tiếp tục nắm quyền?

Quốc Hội Philippines, từ hôm 16/01/2018, bắt đầu thảo luận về việc sửa đổi Hiến Pháp, theo hướng cho phép tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục cầm quyền, bất chấp những tố cáo về nạn giết người vô tội vạ trong chiến dịch chống tham nhũng.

Từ Manila, thông tín viên RFI Marianne Dardard cho biết thêm chi tiết :

« Ông Rodrigo Duterte, hiện đã 72 tuổi và tình trạng sức khỏe vẫn là nghi vấn, có thể ra tái ứng cử tổng thống vào năm 2022, khi ông 76 tuổi hay không ? Dù sao đi nữa, đó là điều mà những người ủng hộ sửa đổi Hiến Pháp đề nghị.

Theo dự thảo đầu tiên được các dân biểu thân Duterte, hiện đang chiếm đa số tại Quốc Hội, đệ trình, thì tổng thống Philippines sẽ được cầm quyền hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp. Trong khi đó Hiến Pháp hiện nay quy định tổng thống chỉ làm được một nhiệm kỳ 6 năm. Hiến Pháp này được ban hành khi tổng thống độc tài Ferdinand Marcos đã bị lật đổ sau 20 năm trị vì.

Về mặt chính thức, mục đích của sửa đổi Hiến Pháp là để chuyển sang hệ thống chính quyền liên bang, với quyền hành tăng thêm cho tổng thống, nhưng cũng trao quyền tự trị nhiều hơn cho người Hồi giáo ở miền nam.

Ông Rodrigo Duterte cho đến nay vẫn nói rằng không thể hoàn tất cuộc chiến chống ma túy chỉ trong một nhiệm kỳ”. - RFI

7.
Trái đất nóng kỷ lục trong 3 năm qua

Ba năm gần đây, trái đất nóng nhất trong lịch sử kể từ khi con người bắt đầu ghi nhận số liệu, theo cơ quan thời tiết Liên hiệp quốc.

Cơ quan Khí tượng Thế giới ngày 18/1 loan báo năm 2016 là năm nóng nhất do hiệu ứng của El Nino.

Hiện tượng hâm nóng toàn cầu khiến nhiều chuyên gia, trong thỏa thuận khí hậu Paris 2015, đã cảnh báo rằng hành tinh xanh đang tiến gần tới các giới hạn đỏ. Thỏa thuận này kêu gọi con người cắt giảm khí thải carbon để giới hạn mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C trên mức tiền công nghiệp.

Cơ quan Khí tượng Thế giới, dẫn số liệu phối hợp với Cơ quan Không gian Mỹ NASA, cho biết nhiệt độ bề mặt trung bình trong năm ngoái là 1,1 độ C trên các mức trước Cách mạng Công nghiệp vốn diễn ra trong giai đoạn từ 1750-1850.

Càng ngày càng có sự đồng thuận cao hơn trên toàn thế giới rằng con người cần phải cắt giảm lượng khí thải carbon và khí thải methane, cải thiện hiệu quả năng lượng, và phát triển các công nghệ đào thảo khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và làm phức tạp thêm các nỗ lực có hành động chung. - VOA

8.
Ông Trump tố cáo Nga giúp Triều Tiên vi phạm chế tài

Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo Nga giúp Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

Phát biểu với Reuters, ông Trump nói Bình Nhưỡng đang ngày càng tiến triển trong tham vọng phát triển phi đạn đạn đạo có thể bắn tới Hoa Kỳ.

Ông Trump ca ngợi Trung Quốc về nỗ lực giới hạn cung ứng than và dầu cho Triều Tiên nhưng ông nhấn mạnh Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn nữa giúp kìm chế Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, theo lời Tổng thống Mỹ, Nga dường như đang điền khuyết vào những chỗ trống Trung Quốc để lại.

Ông Trump cũng cho biết có thể sẵn sàng họp tay đôi với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng nói rằng ‘chắc gì ngồi xuống nói chuyện sẽ giải quyết được vấn đề.’

Theo loan báo ngày 18/1 của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-oin tin rằng việc Bình Nhưỡng sẵn lòng tổ chức các cuộc đối thoại khả dĩ là bằng chứng cho thấy các chế tài đang có tác dụng.

Ngoại trưởng Tillerson tán dương Bắc Kinh trong việc áp lực Triều Tiên và bày tỏ tin tưởng rằng các biện pháp trừng phạt chung cuộc sẽ buộc chế độ Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn thương nghị để kìm chế chương trình phi đạn đạn đạo của quốc gia cộng sản này. - VOA

Tin Hoa Kỳ
9.
Quốc hội Mỹ tìm cách tránh tình trạng đóng cửa chính phủ

Các đảng viên Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ ngày 18/1 định xúc tiến biểu quyết một biện pháp chi tiêu tạm thời để tránh việc chính phủ bị đóng cửa sau thời hạn chót là nửa đêm 19/1.

Các nhà lập pháp có hai lựa chọn: một là nhất trí biện pháp chi tiêu tạm thời trong 1 tháng, hai là đóng cửa chính phủ cho đến khi nào thống nhất được về ngân quỹ.

Nếu biện pháp tạm thời được thông qua, tháng sau các nhà lập pháp sẽ thương lượng một gói chi tiêu trang trải cho phần còn lại của năm tài khóa 2018 chấm dứt vào ngày 30/9.

Và nếu họ thông qua biện pháp tạm thời thì đây là biện pháp thứ tư kiểu này trong những tháng gần đây.

Khó khăn

Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Quốc hội đang chật vật kiếm cho đủ sự ủng hộ đối với biện pháp chi tiêu tạm thời 1 tháng. Một số người phản đối việc thông qua thêm một dự luật chi tiêu tạm thời nữa, một số người muốn chi tiêu dành cho các chương trình quốc phòng nhiều hơn ngay cả trong dự luật tạm thời này.

Di trú cũng là vấn đề gây khó khăn. Một số nhà lập pháp Dân chủ tuyên bố sẽ phản đối bất cứ kế hoạch chi tiêu nào thiếu sự bảo vệ dành cho 800 ngàn di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ, còn được gọi là thế hệ ‘Dreamers’. Nhóm di dân này không bị trục xuất nhờ chương trình DACA dưới thời Tổng thống Obama. Chương trình này đã bị Tổng thống Trump chấm dứt hồi năm ngoái.

Vấn đề thứ ba là bảo hiểm trẻ em. Ông Trump phản đối một biện pháp có thể gia hạn bảo hiểm sức khỏe trẻ em trong 6 năm tới. Biện pháp này được đông đảo phe Dân chủ ủng hộ nhưng chỉ được một số nhà lập pháp Cộng hòa tán thành như một phương tiện để dự luật được thông qua.

Gói chi tiêu đang được biểu quyết không bao gồm đủ số chi tiêu cho quốc phòng để làm hài lòng phe Cộng hòa, không bảo vệ các di dân Dreamers, và những điều khoản về bảo hiểm sức khỏe trẻ em rất khiêm tốn so với những đòi hỏi của phe Dân chủ.

Gói chi tiêu tạm thời dự kiến được Hạ viện biểu quyết vào 7 giờ tối nay, giờ miền Đông Hoa Kỳ.

Hành động từ Thượng viện

Nếu được Hạ viện thông qua, gói chi tiêu tạm thời này sẽ được Thượng viện biểu quyết vào ngày mai, 19/1.

Nhưng chưa chắc là nó sẽ được thông qua. Hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã thông báo không ủng hộ biện pháp này, nghĩa là dự luật cần sự ủng hộ của ít nhất 11 Thượng nghị sĩ Dân chủ mới đạt được 60 phiếu cần có để được thông qua.

Chính phủ Mỹ từng bị đóng cửa trước đây. Lần cuối cùng vào năm 2013 vì bế tắc về chính sách chăm sóc sức khỏe. Lần đó chính phủ bị đóng cửa 16 ngày và hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ liên bang phải nghỉ ở nhà.

Những công việc nào phải ngưng lại và những phần việc nào vẫn tiếp tục hoạt động trong giai đoạn chính phủ đóng cửa còn tùy, nhưng các dự án nghiên cứu liên bang phải ngưng trệ, công viên quốc gia đóng cửa, các chương trình dinh dưỡng liên bang bị đình chỉ, đình hoãn xét duyệt đơn xin trợ cấp khuyết tật của cựu chiến binh, như trường hợp của năm 2013.

Kể từ năm 1976, chính phủ Mỹ đã chính thức đóng cửa 18 lần. - VOA

10.
Chính phủ Mỹ lập bộ phận bảo đảm ‘tự do tôn giáo’ trong Bộ Y tế

Chính phủ Mỹ sẽ lập ra một bộ phận trong bộ y tế có nhiệm vụ tập trung vào việc bảo đảm "lương tâm và tự do tôn giáo" cho các nhân viên y tế, những người nói rằng tín ngưỡng của họ ngăn họ thực hiện phá thai và các cuộc phẫu thuật khác.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ nói trong một thông cáo công bố hôm thứ Năm rằng việc thành lập bộ phận mới này trong Văn phòng Quyền Dân sự sẽ cho họ "sự tập trung mà họ cần để thi hành một cách tích cực và hữu hiệu các luật hiện hành bảo vệ quyền của lương tâm và tự do tôn giáo."

Nỗ lực này có phần chắc lẽ làm hài lòng các nhà hoạt động Kitô giáo bảo thủ, nhiều người trong số này đã bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump, và những nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội, nhưng sẽ làm phật lòng những người ủng hộ quyền sinh sản và những người theo Đảng Dân chủ.

Politico hôm thứ Tư đưa tin Bộ Y tế đang nhắm mục tiêu bảo vệ những nhân viên không muốn thực hiện các vụ phá thai, chăm sóc cho bệnh nhân chuyển giới tính hoặc thực hiện các cuộc phẫu thuật khác dựa trên lý do đạo đức hoặc tôn giáo.

Bộ phận này sẽ thi hành sự bảo vệ đó và tiến hành các cuộc thẩm xét về sự tuân thủ, kiểm toán và các hành động thi hành khác để đảm bảo các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế cho phép nhân viên có những phản đối về mặt tôn giáo hoặc đạo đức không tham gia.

Ông Trump vào tháng 5 năm ngoái đã ký một sắc lệnh hành pháp gọi là "Cổ súy Tự do Ngôn luận và Tự do Tôn giáo," theo sau đó là các quy định mới nhằm loại bỏ một sắc lệnh pháp lý rằng bảo hiểm y tế phải cung cấp các biện pháp tránh thai. Việc thành lập bộ phận này là tuân theo sắc lệnh đó, theo các văn bản của Bộ Y tế. - VOA

11.
Trump khẳng định không thay đổi quan điểm về tường biên giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm nói quan niệm của ông về bức tường dọc biên giới Mỹ với Mexico "chưa bao giờ thay đổi hay biến chuyển," trái ngược với phát biểu từ Chánh văn phòng của ông.
Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly nói với các nhà lập pháp gốc Mỹ Latin trong một cuộc họp hôm thứ Tư rằng một số quan điểm về vấn đề nhập cư của ông Trump trong chiến dịch là "thiếu hiểu biết," theo các bản tin của báo The Washington Post và The New York Times.

Ông Kelly nêu rõ hơn trong một cuộc phỏng vấn sau đó với đài Fox News, nói rằng quan điểm của tổng thống đã "biến chuyển."

Trong một phát biểu rõ ràng là phản bác phát biểu của ông Kelly, ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Năm: "Bức tường là Bức tường, nó chưa bao giờ thay đổi hoặc biến chuyển từ ngày đầu tiên tôi đề xướng."

Bức tường biên giới đang là tâm điểm của một cuộc giằng co trong quốc hội để cải tổ di trú trước hạn chót tháng 3 của một chương trình bảo vệ những người được gọi là "Dreamers" – là những người nhập cư được đưa đến nước Mỹ một cách bất hợp pháp khi còn nhỏ.

Ông Trump muốn bất kỳ thỏa thuận nào phải bao gồm ngân khoản cho bức tường, điều mà phe Dân chủ phản đối và dự kiến sẽ tiêu tốn hơn 20 tỉ đôla.

Trong chiến dịch tranh cử, những người ủng hộ của ông Trump đã hò reo khi ông lớn tiếng hứa hẹn một rào chắn dọc biên giới 3.200 km giữa Mỹ và Mexico để ngăn chặn những kẻ buôn lậu ma túy và những người nhập cư không có giấy tờ và nói Mexico sẽ thanh toán. Kể từ khi nhậm chức, ông đã thừa nhận có những rào cản địa lý như núi và sông dọc theo biên giới mà không cần đến bức tường.

"Bức tường sẽ được thanh toán, trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc thông qua việc hoàn trả dài hạn, bởi Mexico, nước có thặng dư thương mại phi lý 71 tỉ đôla với Mỹ," ông Trump nói trên Twitter hôm thứ Năm.

Ông Kelly nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư rằng chính quyền đang xem xét lệ phí thị thực và đàm phán lại NAFTA như một cách để có được nguồn thu từ Mexico. - VOA

12.
Apple dự trù mở trung tâm mới ở Mỹ, tạo thêm 20,000 việc làm - - - Amazon công bố 20 nơi vào vòng nhì cuộc thi đặt tổng hành dinh

Công ty Apple Inc. hôm Thứ Tư loan báo một chương trình năm năm, dự trù sẽ đóng góp thêm $350 tỉ vào nền kinh tế Mỹ.

Bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay, theo chương trình này, Apple sẽ chi chừng $30 tỉ trong vòng năm năm tới để tạo thêm 20,000 việc làm, qua việc nhận thêm người ở các trung tâm Apple hiện hữu, cũng như mở thêm một trung tâm ở một địa điểm mới sẽ được loan báo trong năm nay.

“Apple là một câu chuyện của sự thành công, chỉ có thể xảy ra ở Mỹ, và chúng tôi hãnh diện để tiếp tục xây dựng trên lịch sử lâu dài về sự hỗ trợ nền kinh tế Mỹ,” theo lời tổng giám đốc Apple, ông Tim Cook, bản tin UPI cho hay.

“Chúng tôi hết sức tin vào sức mạnh và tài khéo léo của người dân Mỹ và chúng tôi chú trọng việc đầu tư của mình vào những lãnh vực có ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm và chuẩn bị cho người công nhân,” cũng theo ông Cook.

Công ty Apple Inc. nói sẽ trả số tiền thuế khoảng $38 tỉ khi mang tiền họ để ở ngoại quốc về lại Mỹ.

Apple nói rằng các đầu tư mới, cộng với những gì đang chi cho các nhà cung cấp và sản xuất nội địa, dự trù vào khoảng $55 tỉ trong năm 2018, sẽ đưa đến mức đóng góp trực tiếp khoảng $350 tỉ cho nền kinh tế Mỹ trong năm năm tới, cũng theo UPI. - nguoiviet

***
Công ty Amazon vừa công bố danh sách 20 nơi lọt vào vòng nhì của cuộc dự tranh làm nơi đặt tổng hành dinh thứ nhì của công ty ở Bắc Mỹ.

Theo bản tin CNN, những nơi này, đa số nằm ở vùng miền Đông nước Mỹ, gồm: Atlanta, Austin, Boston, Chicago, Columbus, Dallas, Denver, Indianapolis, Los Angeles, Miami, Montgomery County ở Maryland, Nashville, Newark, New York City, Northern Virginia, Philadelphia, Pittsburgh, Raleigh, Toronto và Washington D.C.

Hồi năm ngoái, công ty Amazon nhận được đơn dự tranh từ 238 thành phố và khu vực ở 54 tiểu bang, khu vực, quận và lãnh thổ ở khắp vùng Bắc Mỹ. Công ty cho hay sẽ có quyết định sau cùng trong năm 2018, theo bản tin CNN.

Với tên gọi HQ2, cơ sở mới này sẽ tốn ít nhất $5 tỉ để xây lên và điều hành, đồng thời cũng sẽ tạo ra khoảng 50,000 việc làm trả lương cao.

“Để chọn từ 238 xuống còn 20 là điều rất khó khăn,” công ty Amazon cho hay, và cũng nói thêm rằng qua tiến trình này họ biết thêm nhiều cộng đồng để trong tương lai sẽ xem xét trong tiến trình phát triển và đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm, cũng theo CNN. - nguoiviet

13.
Tàu sân bay Mỹ sắp đi thăm Việt Nam?

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 18/1 cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam đang trao đổi về khả năng tàu sân bay Mỹ có thể đi thăm Việt Nam lần đầu tiên trong năm 2018.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 18/1, bà Lê Thị Thu Hằng nói về chính sách đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ” của Việt Nam như sau:

"Việt Nam chủ trương phát triển hợp tác sâu rộng với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, hai bên đang trao đổi về việc tàu sân bay Mỹ thăm cảng của Việt Nam trong năm 2018."

Trước đó, Infonet trích lời bà Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) ngày 17/1 xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới. Bà Searight cho biết một trong những nội dung chính mà bộ quốc phòng hai nước đang phối hợp, là chuẩn bị cho chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam, dự kiến vào tuần lễ đầu tháng 3.

Bà Searight từng là Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á nhiệm kỳ 2014 - 2016.


Cho đến lúc này, Washington và Hà Nội chưa chính thức công bố chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Ngũ Giác Đài.

Hồi tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi về chuyến đi thăm Việt Nam của một tàu sân bay Mỹ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc.

Truyền thông Việt Nam tường thuật rằng đây sẽ là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam sau nhiều thập kỷ, một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước đã cải thiện tốt đẹp. - VOA

Tin Việt Nam
14.
Hoãn đêm diễn Nội Mông vì 'sự cố kỹ thuật' - - - Biểu diễn nghệ thuật TQ trùng dịp tưởng niệm Hoàng Sa gây phẫn nộ

Chương trình biểu diễn nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tối 19/1 tại thủ đô đã bị tạm hoãn vì lý do kỹ thuật, theo báo Tuổi Trẻ.

Theo báo này, sáng 19/1, ban quản lý Nhà hát lớn đã gửi công văn báo cáo cho Văn phòng và Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn Hóa về sự cố kỹ thuật.

Báo này dẫn công văn do Giám đốc Nhà hát lớn Nguyễn Thị Minh Nguyệt ký:

"Sau chương trình biểu diễn đêm 18/1 của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, bộ phận kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị phục vụ cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc theo kế hoạch được tổ chức vào 20 giờ ngày 19/1 đã phát hiện sự cố hệ thống máy cắt liên lạc của điện nguồn hoạt động không ổn định, do đó không thể đáp ứng cho yêu cầu kỹ thuật của buổi biểu diễn này."

Trước đó, đoàn nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc với 28 nghệ sĩ dự định biểu diễn ở Hà Nội và Nam Định từ 19-21/1 nhân kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc.

Ngày 19/1 cũng trùng vào ngày kỷ niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 giữa lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc.

Việc một đêm nghệ thuật của Trung Quốc dự kiến được nhà nước Việt Nam tổ chức đúng ngày này đã gây ra những nhiều ý kiến không đồng tình từ cộng đồng mạng xã hội. - BBC

***
Nhiều người Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội thông tin cho hay một chương trình biểu diễn nghệ thuật của Trung Quốc sẽ được tổ chức trùng vào dịp tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa, và họ bày tỏ phẫn nộ về sự trùng hợp này.

Trong ngày 18/1, các nhà hoạt động vì dân chủ và những người có nhiều ảnh hưởng trên internet đã đăng trên Facebook tấm ảnh chụp vé của buổi biểu diễn gây nhiều tranh cãi.

Thông tin trên vé cho biết Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Việt Nam cùng Đại sứ quán Trung Quốc sẽ tổ chức chương trình biểu diễn của “đoàn nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc”, nhân dịp “kỷ niệm 68 năm” ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung, 18/1/1950.

Theo tấm vé, chương trình sẽ diễn ra vào tối 19/1 ở Nhà hát lớn ở trung tâm Hà Nội.

VOA đã gọi điện đến ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL, vào chiều tối 18/1, đề nghị ông xác nhận thông tin về chương trình đó. Ông Bình trả lời:

“Tôi đang họp. Khoảng độ một lát nữa gọi lại cho tôi nhé”

Không lâu trước khi bài này được đăng, VOA đã cố liên lạc lại với ông Bình nhưng ông cho biết “vẫn đang họp”.

Một công dân ở Hà Nội chia sẻ với VOA rằng vào giữa buổi chiều 18/1 người này đã nhắn tin đến số điện thoại được cho là của Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, để chất vấn về buổi biểu diễn. Tin nhắn đáp lại viết: “Việc này do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị chủ trì. Tôi sẽ cho kiểm tra lại việc này”.

Các bài viết trên mạng xã hội phản ứng về buổi biểu diễn của Trung Quốc nhắc nhở rằng ngày 19/1/1974 đánh dấu một nỗi đau với việc quần đảo Hoàng Sa, thời đó do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, bị Trung Quốc cưỡng chiếm sau một trận hải chiến làm 74 quân nhân VNCH tử trận.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh nói với VOA:

“Trong đúng cái ngày chúng ta mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc và 74 chiến sĩ ngã xuống, họ kết hợp với Trung Quốc làm cái buổi giao lưu văn nghệ đấy khiến tất cả mọi người cảm thấy căm phẫn. Không ai có thể chấp nhận được”.

Bà Hạnh nói thêm nếu buổi biểu diễn vẫn diễn ra tối 19/1, bà và những người khác sẽ tiến hành “phản đối ôn hòa”.

Từ Ba Lan, doanh nhân Trần Quốc Quân, người thường có những bình luận sâu sắc về chính trị, xã hội Việt Nam, nói với VOA rằng buổi biểu diễn là “sự xúc phạm đến lòng tự trọng dân tộc”.

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng có thể các quan chức hàng đầu của Bộ VH-TT-DL Việt Nam không nắm hết thông tin về buổi biểu diễn, trong khi các cấp thấp hơn “vô tình, kém hiểu biết” nên đã bị Đại sứ quán Trung Quốc “gài”.

Doanh nhân có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nói thêm rằng nhà chức trách Việt Nam vẫn có thể “sửa sai” vì chưa quá muộn:

“Bộ Văn hóa phải dũng cảm, phải quyết đoán để mà sửa cái sai này. Cái hướng giải quyết tốt nhất là hoãn lại, chuyển sang một ngày khác. Bởi vì kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là ngày 18 cơ mà”.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không chỉ cho rằng cần dừng buổi biểu diễn mà Bộ VH-TT-DL còn phải “xin lỗi” người dân.

Trong lúc dư luận bày tỏ bất bình về lịch thực hiện buổi biểu diễn gây tranh cãi, bà Hạnh và 8 nhà hoạt động khác đã “bất ngờ” làm lễ tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa ở Hà Nội vào chiều 18/1.

Bà cho biết phải làm như vậy vì dự đoán nhà chức trách sẽ ngăn chặn, như đã cấm đoán hoạt động vào ngày 14/3 năm ngoái để tưởng niệm sự kiện Việt Nam mất 2 đảo ở Trường Sa vào tay Trung Quốc năm 1988, với 64 quân nhân Việt Nam tử trận. Bà nói:

“Tôi nghĩ 19/1 năm nay họ cũng sẽ ngăn cấm triệt để chúng tôi đi thắp nhang tưởng niệm. Bởi lo lắng như vậy nên chúng tôi quyết định làm sớm. Chín người chúng tôi đã có mặt ở tượng đài Lý Thái Tổ như mọi năm, chỉ sớm ngày lên thôi, để chúng tôi thắp nén nhang, dâng hoa, tưởng niệm những người đã ngã xuống vì chủ quyền. Bởi vì họ [chính quyền] bất ngờ, nên chúng tôi đã làm thành công việc tưởng niệm đấy”.

Nhà hoạt động khẳng định bà và nhiều người khác vẫn có kế hoạch ra tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm để tưởng niệm và dâng hương vào đúng ngày 19/1, dù có thể bị chặn từ ở nhà hoặc bị nhà chức trách “bắt” tại tượng đài. - VOA

15.
Việt Nam cảnh cáo sẽ ‘xử lý’ người phản kháng tại các trạm BOT

Việt Nam hôm thứ Năm cảnh cáo sẽ xử lý những cá nhân có hành vi cản trở giao thông tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT), trong bối cảnh hàng loạt những vụ phản kháng nổ ra tại các trạm này ở các tỉnh miền trung và miền nam từ nhiều tháng qua.

Các vụ phản kháng bắt đầu nổ ra vào mùa hè năm 2017. Những người phản đối nói rằng nhiều đường tránh làm theo phương pháp BOT với vốn tư nhân nằm ở một nơi, trong khi trạm thu phí lại đặt trên đường quốc lộ làm từ tiền thuế của dân, để thu phí cho con đường BOT gần đó mà người dân không thường xuyên đi qua. Vì lý do này, nhiều tài xế chuyên nghiệp lẫn người dân thường xuyên phải qua lại các con đường quốc lộ cho rằng việc thu phí và vô lý, không chấp nhận được.

Một trong những vụ phản kháng gây chú ý nhất là tại trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi các tài xế dùng chiến thuật trả tiền lẻ, gây ùn tắc xe cộ khiến trạm phải mở cho xe đi qua miễn phí trong hầu hết thời gian từ tháng 8 năm ngoái đến nay.

Sau một khoảng thời gian lắng dịu vào cuối năm 2017, một loạt vụ phản kháng lại diễn ra vào đầu năm 2018 tại các trạm BOT ở những tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, và thành phố Cần Thơ.

Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18 tháng 1 về “bảo đảm an ninh trật tự” tại các BOT, trong đó Thủ tướng khẳng định việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là “chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai” dù thừa nhận có “một số tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục.”

“Các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư,” công điện nói, dẫn ra trường hợp ở Cai Lậy.

Công điện cảnh báo rằng nếu không xử lý các vụ phản kháng tại các trạm BOT “thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.”

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cung cấp cho bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có liên quan đến “đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá,” cũng như giao cho Bộ Công an, cùng với bộ Quốc phòng, công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông.”

“Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật,” công điện nói thêm.

Các báo lớn ở Việt Nam trong hơn nửa năm qua đã có những bài phân tích về bản chất của BOT.

Trang Zing News gọi BOT là “mảnh đất màu mỡ của quan hệ thân hữu.” Báo Thanh Niên cho rằng BOT đã bị “biến chất” trong khi trang điện tử của Thông tấn xã Việt Nam cảnh báo rằng khi BOT trở nên “méo mó,” điều đó “tiềm ẩn rủi ro” cho các ngân hàng. - VOA

16.
Việt Nam bổ nhiệm đại sứ mới tại Hoa Kỳ

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã được chọn để trở thành tân Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thay thế ông Phạm Quang Vinh, truyền thông trong nước cho biết.

Theo báo Thanh Niên, thông tin này đã được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công bố hôm 17/1. Quyết định bổ nhiệm ông Ngọc, 55 tuổi, làm người đứng đầu phái đoàn ngoại giao Việt Nam ở Washington, nhiệm kỳ 2017-2020, được Ủy ban thường vụ của Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 12/2017.

Ông Ngọc hiện là Thứ trưởng Ngoại giao – bắt đầu từ tháng 5/2013. Ông từng giữ chức Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, bang California, nhiệm kỳ 1997-2000.

Tiểu sử của ông Ngọc trên trang web của Bộ Ngoại giao cho biết ông Ngọc sinh ra tại Hà Nội, công tác trong ngành ngoại giao từ năm 1988 với nhiều vị trí khác nhau và có nhiều kinh nghiệm ngoại giao song phương, đặc biệt là giữa Việt Nam và các đối tác tại khu vực châu Mỹ.

Tân Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ thông thạo tiếng Anh và có bằng Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế của Học viện Ngoại giao, ông từng là Trưởng phòng Quan hệ Bắc Mỹ, Vụ châu Mỹ của Bộ Ngoại giao.

Ông Ngọc là người đã tiếp tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khi ông đến Hà Nội nhận nhiệm vụ mới thay thế Đại sứ Ted Osius vào tháng 11/2017.

Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam còn cất nhắc một thứ trưởng khác của Bộ Ngoại giao, ông Đặng Đình Quý, làm Đại sứ, Trường phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại New York cho nhiệm kỳ 2017-2020.

Ông Đặng Đình Quý, sinh năm 1961 ở Bình Định, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1991 và từng là Tham tán Công sứ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2003-2007.

Ông Quý sẽ thay thế bà Nguyễn Phương Nga, hiện là Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. - VOA

17.
HRW: Hoa Kỳ rút khỏi TPP bật đèn xanh cho VN đàn áp nhân quyền - - - HRW kêu gọi lãnh đạo thế giới chống ‘các nhà dân túy độc tài

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (tức Human Rights Watch - HRW) hôm 18/1 ra phúc trích thường niên nói rằng Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW đặc trách Châu Á nói với VOA hôm 18/1 rằng sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam đã khởi động lại chiến dịch đàn áp nhắm vào những người hoạt động nhân quyền, bắt giữ hàng chục blogger và nhà hoạt động, đồng thời kết án nhiều người với mức án tù nặng nề.

Ông Robertson nói:

“Lại có một làn sóng mới đàn áp các blogger và nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP và sau đó, mời Thủ tướng Việt Nam đến Tòa Bạch Ốc mà chẳng thảo luận gì về vấn đề nhân quyền. Tình hình chung như thế đã bật đèn xanh cho chính quyền Việt Nam thẳng tay đàn áp những tiếng nói bất đồng, các blogger và tống giam họ với những bản án tù dài hạn.”

Trong một thông cáo phổ biến cùng ngày 18/1, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Châu Á của HRW nói: “Trong thời gian đàm phán TPP, chính quyền Việt Nam biết rằng nếu bắt giữ các nhà hoạt động thì sẽ tạo ra một hình ảnh xấu cho Việt Nam. Nhưng họ đã lột bỏ tấm mặt nạ ngay sau khi chính quyền Trump rút khỏi TPP, và bắt đầu những vụ xét xử và đưa ra các bản án tù nặng nề đối với những người dân dám lên tiếng một cách ôn hòa để kêu gọi dân chủ và đòi chấm dứt chế độ cai trị độc đảng.”

Một thông cáo của HRW nêu rõ: “Bất chấp thực tế đó, hầu hết các nhà tài trợ cho Việt Nam vẫn tiếp tục coi trọng thương mại hơn nhân quyền.”

Các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội, tự do đi lại và tự do tôn giáo tiếp tục bị đè nén nghiêm trọng ở Việt Nam. Theo phúc trình của Tổ chức Human Rights Watch, trong nhiều trường hợp, côn đồ được nhà nước bảo trợ tấn công những người bất đồng chính kiến, trong khi tình trạng công an bạo hành, trong đó có cả những trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ, vẫn còn là một vấn nạn nghiêm trọng, xảy ra quá thường xuyên.

Trong năm 2017, theo HRW, có ít nhất 24 người bị kết án vì đã viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền. Trong số những người bị kết án có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn được biết qua bút danh Mẹ Nấm), bị kết án 10 năm tù; nhà hoạt động Trần Thị Nga, 9 năm tù; nhà hoạt động Phan Kim Khánh, 6 năm tù; và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, bị kết án 7 năm tù.

Trong 14 tháng qua, công an đã bắt ít nhất 28 người về các tội danh liên quan tới “an ninh quốc gia”, vốn có phạm vi áp dụng lỏng lẻo, được sử dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán hay các hoạt động ôn hòa, trong số những người bị kết tội này có các ông Nguyễn Bắc TruyểnTrương Minh ĐứcNguyễn Văn TúcNguyễn Trung Tôn vàPhạm Văn Trội.

Riêng Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà vẫn đang bị công an tạm giam từ tháng 12 năm 2015 và cho tới nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Ban đầu, hai người bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Tuy nhiên, vào tháng 7/ 2017, cáo trạng này được đổi sang tội “lật đổ chính quyền.”

Phúc trình của HRW nói ít nhất 119 người ở Việt Nam đang phải thi hành các án tù nặng nề vì đã thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị đảng cầm quyền cho là một mối nguy đối với quyền lực độc tôn của mình.

Ông Adams nói: “Các đối tác thương mại và các nước tài trợ cho Việt Nam cần cương quyết đòi cải thiện nhân quyền phải là một phần hữu cơ của mọi giao dịch thương mại hay dự án tài trợ cho Việt Nam.”

Việt Nam thời gian qua đã bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Tổ chức Human Rights Watch, chỉ trích về những vụ vi phạm các quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, và tự do tín ngưỡng, tuy nhiên Hà Nội vẫn một mực bác bỏ các cáo buộc này. - VOA

***
Trong phúc trình hàng năm vừa công bố cho năm 2017, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị hãy chống lại điều mà tổ chức này gọi là “nghị trình dân túy độc tài”.

Ông Kenneth Roth, Giám đốc Điều hành của HRW, nói: “Năm vừa qua cho thấy tầm quan trọng của việc phải đẩy lùi mối đe dọa do những kẻ mị dân và chính sách phá hoại của họ đặt ra”.

Ông Roth tố cáo các chính khách theo chủ nghĩa dân túy độc đoán là tìm cách “thay thế các nền dân chủ, các chính quyền dân cử vốn vẫn bị giới hạn bởi các quyền và quyền pháp trị, bằng cách diễn giải những ước vọng của số đông theo hướng có lợi cho mục đích riêng”của họ.

Phúc trình hàng năm đơn cử nước Pháp là một ví dụ về một nỗ lực thành công để cưỡng lại chủ nghĩa dân túy kiểu này. Tổng thống Emmanual Macron lãnh đạo một chiến dịch tranh cử với lập trường tự do, thân Liên minh châu Âu, chống lại Mặt trận Quốc gia cực hữu do bà Marine Le Pen đứng đầu.

Tuy nhiên, phúc trình của HRW nói Tổng thống Macron có một số biểu hiện lẫn lộn trong mấy tháng đầu tại chức, “với các chính sách chống khủng bố và chuyến đi thăm Trung Quốc là những điều gây quan ngại”.

HRW tố cáo Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là theo đuổi “các chính sách chống di dân, chia rẽ chủng tộc, và chiến dịch mạnh tay càn quét ma túy”, nhưng ghi nhận rằng nhiều nhóm công dân, nhà báo, luật sư, thẩm phán, và các thành viên dân cử trong chính đảng của ông Trump đã cưỡng lại các chính sách đó.

Tòa Bạch Ốc liên tục lặp lại rằng Tổng thống Trump đắc cử là nhờ ông cam kết giảm di dân. Ông Trump phủ nhận rằng ông phân biệt chủng tộc.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khen ngợi Liên minh châu Âu vì đã đối đầu với “các chính quyền dân túy độc đoán” tại Hungary và Ba Lan. Cả hai nước đều phủ nhận những cáo buộc cho rằng họ hạn chế các quyền tự do cơ bản.

Nhưng phúc trình HRW chỉ trích EU về phản ứng của khối trước cuộc đàn áp chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, và tố cáo Brussels nhắm mắt làm ngơ khi Tổng thống nước này, ông Recep Tayyip Erdogan “hủy hoại hệ thống dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ”, trong khi châu Âu tập trung vào việc tranh thủ sự giúp đỡ của ông Erdogan hầu chặn bớt làn sóng người tị nạn chạy sang châu Âu.

Các tác giả của phúc trình ca ngợi các quốc gia nhỏ hơn đang lấp vào khoảng trống để lại khi các nền dân chủ lớn hơn như Anh và Hoa Kỳ “thoái bộ khỏi vai trò truyền thống của họ”.

Phúc trình trích dẫn trường hợp Liechtenstein. Nước này đã vượt qua sự chống đối của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thiết lập một cơ chế nhằm thu thập bằng chứng cho việc truy tố tội phạm chiến tranh ở Syria.

Phúc trình ghi nhận cuộc tuần hành của phụ nữ ở Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2017 giờ đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, khi phong trào #MeToo lan rộng ra khắp thế giới, nêu bật nạn ngược đãi và phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Giám đốc điều hành HRW Kenneth Roth nói các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền nên cảm thấy được khích lệ.

Ông nói:

“Bài học chính trong năm qua là nhân quyền có thể được bảo vệ chống những thách thức do chủ nghĩa dân túy đặt ra”. - VOA

18.
Nhóm Đinh La Thăng bị tố ‘bỏ ra hơn $880,000 thuê truyền thông’

“Tôi biết Đinh La Thăng có năng khiếu diễn hài và đóng kịch rất tốt, lợi dụng truyền thông để đánh bóng danh phận và việc làm của mình. Chiều hôm qua, tôi ngồi cà phê tại Hồ Đắc Di, nghe bàn bên cạnh bàn tán và nói đến việc dư luận đang nêu lên là nhóm Đinh La Thăng bỏ ra hơn 20 tỷ đồng (hơn $880,000) thuê truyền thông lật lại vụ án nhằm làm mất uy tín của đảng và nhà nước. Tôi giật mình, ngẫm nghĩ lại trên nhiều bài báo, truyền hình, mạng xã hội… đưa tin về vụ án này thời gian qua là có dấu hiệu mất bình thường.”

Đó là những gì Luật Sư Trần Đình Triển, phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà Nội, viết trên trang Facebook cá nhân, trong lúc phiên tòa xét xử vụ “Tham ô, cố ý làm trái” xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) không có diễn biến mới, do Hội Đồng Xét Xử đang nghị án.

Ông Triển còn ghi về những “hành vi phạm tội” mà ông Thăng đang bị cáo buộc: “Những việc tàn phá đất nước mấy tỷ đô la trong các dự án đầu tư ra nước ngoài bị mất trắng tại Peru và Venezuela… Hoang phí trong mua sắm trang thiết bị và trụ sở làm việc như tại tòa nhà CHANVIT ở đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, nhằm che lấp một giao dịch nào đó; việc mua quan bán chức tại đây thì dư luận bàn tán giá tiền triệu đô la. Việc bơm dầu, bán dầu ngoài biển khơi, có hợp đồng và không hợp đồng, số lượng và giá cả,…”

Tiếp đó, ông này đặt những câu hỏi: “Ai đã phớt lờ kết luận của Thanh Tra Chính Phủ về những sai phạm của Đinh La Thăng tại PVN? Những sai phạm của Thăng không những được bỏ qua mà còn được lên chức vụ ngày càng cao. Nhưng bây giờ mới bị truy tố. Thế mà ra tòa, Thăng còn bẻm mép, được một số kẻ ‘bút tiền’ nhơ bẩn nhân cách tung hô. Thế mới biết mặt trận đấu tranh chống tham nhũng của đảng và nhà nước ta gay go, phức tạp, khó khăn biết bao!”

Cũng cần nói thêm, Luật Sư Trần Đình Triển là người từng công kích Luật Sư Võ An Đôn khi ông Đôn bị Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên tước thẻ hành nghề hồi Tháng Mười Một, 2017.
Thời điểm đó, ông Triển viết trên trang cá nhân: “Về tình đồng nghiệp ‘Một con ngựa đau, cả đàn bỏ cỏ,’ ‘Chị ngã em nâng,’ ‘Lá lành đùm lá rách.’ Tuy nhiên, cũng cần nghiêm khắc với những kẻ hợm hĩnh, phát ngôn bừa bãi, vơ đũa cả nắm khẳng định giới luật sư Việt Nam là vô tích sự và tất cả là chạy án – có nghĩa là đều phạm tội mà chưa bị xử lý. Việc Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên kỷ luật khai trừ Võ An Đôn ra khỏi Đoàn Luật Sư là đúng; nếu nghiêm khắc hơn thì cần kiến nghị khởi tố Võ An Đôn về hành vi vu khống.”

Trở lại vụ ông Đinh La Thăng, hôm 18 Tháng Giêng, báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam đăng bài của Tổng Biên Tập Ninh Hồng Nga viết: “Bản án cuối cùng rồi cũng sẽ được đưa ra đúng người đúng tội, công tâm khách quan, theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với một bị cáo đã từng là một yếu nhân, từng là một ‘hình mẫu’ của thế hệ lãnh đạo hành động, thì hình ảnh Đinh La Thăng cúi đầu xin lỗi không thể không mang đến những chua xót. Chua xót cho những sai lầm của một cá nhân và sau đó là đau xót cho một ‘hệ thống’ những sai sót, chồng chất và kéo dài.”

“…Các cá nhân phạm tội dĩ nhiên phải chịu đền tội, phải trả giá cho những tội lỗi của mình bằng những phiên tòa xét xử công khai, minh bạch, có lý có tình. Nhưng vấn đề là những sai sót mang tính ‘hệ thống’ gây ra bao hệ lụy nghiêm trọng như trên thì lại chẳng có phiên tòa cụ thể nào xét xử! ‘Lò đã cháy’ ở khắp nơi rồi, không có vùng cấm rồi, người dân đang nức lòng tin rồi. Vì vậy, không có lý do gì, chúng ta không tạo được chiếc ‘lò bát quái’ để xử lý các lỗi ‘hệ thống’ ấy, để ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của mọi tội lỗi từ trong trứng nước, và để không phải lặp lại những trả giá nhãn tiền,” bài của bà Hồng Nga viết.

Báo Dân Việt cho hay: “Trong phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm, Hội Đồng Xét Xử đã dành ba ngày để thẩm vấn, năm ngày để tranh luận. Phần tranh luận diễn ra sôi nổi, các luật sư bào chữa được phát biểu nhiều lần để tranh luận với quan điểm luận tội cũng như đối đáp của đại diện Viện Kiểm Sát. Ông Đào Thịnh Cường, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội, người giữ quyền công tố, đã nói rằng phiên tòa này đã thể hiện được sự dân chủ qua phần tranh luận của các luật sư và đại diện Viện Kiểm Sát. Trong các phiên xử ‘đại án’ trước đó như vụ ‘Bầu’ Kiên (Nguyễn Đức Kiên), Dương Chí Dũng, Hà Văn Thắm… đều không có tình tiết này.” - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào: