Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

NƯỚC MỸ ĐI VỀ ĐÂU DƯỚI TRIỀU ĐẠI DONALD TRUMP? - Định Nguyên


             Khoảng hơn một tháng sau khi ông Donald Trump đăng quang Tổng thống Mỹ, tôi đã viết bài: “CHỪNG NÀO ẤU VƯƠNG DONALD TRUMP TRỞ THÀNH MINH VƯƠNG?”  “Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump là người khó ai hiểu nổi.  Từ ngày đắc cử tổng thống đến nay, hành động và lời nói của ông chứng tỏ ông ta là người hết sức bất bình thường, nhiều khi như con nít”.  Đó là lời mở đầu của bài viết sớm sủa ấy.
<!>
            Đến hôm nay, sau một năm chờ đợi và hy vọng, nhận định ấy của tôi vẫn chưa “lạc hậu”, vẫn còn là vấn đề thời sự.  Donald Trump chưa thoát xác được, ông vẫn là một “Ấu Vương” dưới mắt của rất nhiều người.  Theo tiết lộ của ông Michael Wolff trong cuống Fire and Fury, không ít quan chức Mỹ quanh ông Trump, coi ông ta như một đứa trẻ con! 
           Thông thường, dù hay dù dở, nội các của một chính phủ phải là một khối đoàn kết sau lưng vị nguyên thủ.  Chính phủ của Tổng thống Trump không được như thế.  Là người không muốn đọc (dù là đọc lướt), không cần nghe ai, TT. Trump ưa gì nói nấy, thích chi làm nấy làm cho các thành viên chính phủ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng họ coi thường ông.
            Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tex Tillerson có lúc đã tìm cách thương thuyết với Bắc Triều Tiên (BTT), nhưng bị TT. Trump phê phán “làm chuyện ruồi bu”.  Ông Trump muốn cứng rắn với BTT, đã từng doạ sẽ san bằng BTT nếu nước nầy dám đụng đến Mỹ và đồng minh của Mỹ.  Nhưng đến nay, theo báo chí đưa tin thì “TT. Trump hoan nghênh việc đàm phán với BTT, và tổng thống có thể nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo BTT Kim Jong Un”.  Như thế là thế nào?  Ai “làm chuyện ruồi bu”?  Chính vì thế mà ông Tex Tillerson mới dám nói ông Trump là “điên” (rogue) hoặc “đứa con nít bất bình thường” (moron).  Nghe được điều nầy, TT. Trump thách thử chỉ số IQ (chỉ số thông minh) với ông Tillerson.  Sự thách thức của ông Trump giống như hành động của một đứa trẻ háo thắng, không phải là phản ứng chững chạc nghiêm minh của một tổng thống đối với thuộc cấp.  Đối với nước Nga, ông Tillerson muốn áp dụng chính sách cứng rắn, duy trì những biện pháp chế tài như từ trước đến nay.  Nhưng TT. Trump muốn thân thiện với Sa Hoàng Putin, khen ông nầy là “người đáng tin cậy”.  Với tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao như thế, làm sao biết được chính sách ngoại giao của nước Mỹ dưới thời Donald Trump nó như thế nào?
            TT. Trump cũng đả kích Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, cho ông ta “hèn” vì đã đứng ngoài cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử vào năm 2016 vừa qua.  Ngoài ra, ông còn trách cứ ông bộ trưởng nầy “yếu”, không dám sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller, để ông nầy ngang nhiên “hỏi thăm sức khoẻ” gà nhà. 
            Tương tự, một số cận thần khác cũng “vô phép” với TT. Trump không kém.
            Ông Bộ tưởng Ngân khố Steve Mnuchin và cựu chánh văn phòng Toà Bạch Ốc Reince Priebus thì cho rằng ông Trump là một “idiot” (người khùng).  Cố vấn kinh tế Gary Cohn thì nhận xét ông Trump “dump as shit”.  Tướng H.R. McMaster nhận xét ông Trump là một “dope” (a stupid person)
            Tại sao có tình trạng thiếu kỷ cương nầy?  Là một tổng thống, tại sao ông Trump không có thực quyền?  Ấu vương không điều khiển được các cận thần người lớn, trưởng thành chăng?  Hay một tổng thống với tâm trí bất định nên bị thuộc cấp khinh thường?
            Ông Trump vỗ ngực: “Tôi là một thiên tài rất ổn định” (I am a very stable genius).  Nhưng theo ông Michael Wolff thì “100% những người xung quanh ông Trump, tất cả đều nói ông ta như trẻ con”.
                       “Trẻ con” đó đã làm gì để “make America great again”?
            * Điều mọi người đều biết và chưa từng xẩy ra trên đất Mỹ là suốt một năm cầm quyền ông Trump thường xuyên tố cáo các hệ thống truyền thông báo chí.  Hể truyền thông báo chí loan báo điều gì không vừa ý ông thì ông cho đó là “fake news”, thậm chí ông gọi giới truyền thông nầy là “enemy of the people”.  Cuốn Fire and Fury của ông Michael Wolff cũng bị cho là “fake book”, và ông Trump đã cố gắng cấm cuốn sách nầy ra mắt và phổ biến, nhưng thất bại!  Mới đây, tại diễn đàn Thượng Viện, hai Thượng Nghị Sỹ thuộc đảng CH của Tiểu Bang Arizona, Jeff Flake và John McCain, đồng loạt lên tiếng chỉ trích thái độ nầy của ông Trump.  Xin ghi nguyên văn để quý vị tìm hiểu.  Dịch loạng quạng không khéo sai ý tác giả.
            “President Donald Trump’s use of the terms “fake news” and “enemy of the people” is ‘shameful’ and reminiscent of words unfamously used by Soviet dictator Josef Stalin to describe his enemies…  Republican Sen. Jeff Flake said Wednesday.
            Arizona’s other Republican senator, John McCain, also decried Trump’s use of the term “fake news” and said Trump was encouraging autocrats around the world “to silence reporters”, undermine political opponents, stave off media scrutiny and mislead citizens…. (Bài còn dài, quý vị nào muốn biết thêm, xin tìm đọc Associate Press ngày 17/ 01/18.  Nếu tìm không được, ai có yêu cầu tôi sẽ gởi cho).          
            Muốn diệt truyền thông báo chí, ông Trump hành động giống một nhà độc tài.   Ngoài sự tuyên chiến với truyền thông, ông Trump còn lên Tweet miệt thị hàng trăm nhân sĩ, trí thức Mỹ bao gồm cựu tổng thống, tướng lãnh, dân biểu nghị sỹ, quan toà, CEO các công ty, tài tử điện ảnh…Chưa bao giờ văn minh chính trị nước Mỹ bị xúc phạm và bôi bẩn như hiện nay.  Chưa bao giờ sinh hoạt chính trị Mỹ lại bát nháo, xuống cấp và ô nhiểm như hiện nay.  Triều đại Donald Trump thật độc đáo.
                       * Cuối năm ngoái, ông Trump đã quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái và sẽ dời toà đại sứ Mỹ từ Tel Avis đến đó.
            * Đầu năm nay, trong buổi họp mặt với các nhà lập pháp lưỡng đảng để bàn về vấn đề di dân, ông Trump đã lên tiếng miệt thị xứ Haiti và các nước Phi châu.
            Đó là hai điểm “lửa và cuồng nộ” ngoài Toà Bạch Ốc!
            Với Jerusalem, Quốc hội Mỹ đã có nghị quyết công nhận đó là thủ đô của Israel từ năm 1995.  Nhưng cứ mỗi 6 tháng Tổng thống Mỹ phái ký quyết định hoản việc di dời toà đại sứ Mỹ đến đó...  Đến nay, ông Trump chơi ngon hơn các vị tiền nhiệm, không cần trì hoản nữa mà sẽ dời tòa đại sứ Mỹ đến đó trong nay mai.  Điều nầy đã tạo phẩn nộ trên khắp thế giới, nhất là các nước Hồi giáo.  Đã có biểu tình bạo động, đốt cờ Mỹ nhiều nơi, đã có phong trào tẩy chay hàng Mỹ (Indonesia), đã có Nghi Quyết của Liên Hiệp Quốc, với 128 quốc gia đồng ý cùng chống lại quyết định của TT. Trump.  Các vị Tổng Thống trước của Mỹ cũng như LHQ không ngu như ông Trump tưởng.  Jerusalem là lò lửa hận thù tôn giáo cả bao thế kỷ nay.  Họ phải khôn khéo, dè chừng để ngọn lửa ấy không bùng cháy, nếu bùng cháy thì nguy hiểm không những cho vùng Trung Đông mà cho toàn cả địa cầu.  Israel là “hàng không mẫu hạm” của Mỹ ở Trung Đông nên Mỹ phải bảo vệ nó bằng mọi giá, ai cũng biết như thế.  Nhưng bên cạnh đó, Mỹ cũng phải quan hệ với những xứ Hồi giáo bao quanh Israel.  Vì thương mãi, vì sự nghiệp chống khủng bố, vì quyền lợi địa chính trị…Mỹ phải ve vuốt lấy lòng những xứ nầy, không thể vì Do Thái mà ra tay thách đấu một mất một còn với thế giới Hồi giáo đó được.  Để chứng tỏ mình ngon hơn bất cứ ai, ông Trump đã coi thường sự khôn ngoan, sự nhìn xa thấy rộng của các bậc tiền nhiệm; đạp đổ chính sách, vai trò hoà giải của Mỹ bấy lâu nay tại khu vực.  Toà đại sứ Mỹ nếu dời về Jerusalem có ổn hơn không? Nước Mỹ có vĩ đại được không, dân Mỹ có an toàn hơn không? Thế giới có hoà bình được không?  Khó lắm!  Khi đã đổ thêm xăng vào lửa thì phải đề phòng ngọn lửa ấy bùng cháy và lan rộng.  Rồi đây, rất có thể những nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan sẽ ra tay nhắm vào bất cứ người Mỹ nào, bất cứ cơ quan ngoại giao, thương mãi nào của Mỹ ở mọi nơi trên toàn cầu để tấn công.   Có người cho rằng ông Trump không biết gì về chính trị và tình hình đan xen phức tạp của thế giới, cứ nhắm mắt húc càn, tưởng Mỹ là nước vô địch nên chẳng sợ “thằng tây nào”.  Đúng, Mỹ giàu và mạnh lắm.  Nhưng liệu ông Trump có thể dùng sức mạnh quân sự của Mỹ để giết sạch hơn 2 tỉ dân Hồi giáo được không?  Nếu người Hồi giáo thành lập những mặt trận, những binh đoàn để công khai chống Mỹ tại những địa bàn nào đó thì có thể tiêu diệt được.  Nhưng làm sao trừ khử được những cá nhân khủng bố ẩn mình?  Làm sao phân biệt được ai là Hồi giáo ôn hoà, ai là khủng bố Hồi giáo cực đoan khi chúng chưa ra tay?
            Tóm lại, với quyết định phi chính trị, công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái của ông Trump, thế giới sẽ rối rắm chết chóc thêm, nước Mỹ sẽ bị cô lập, bất an; người Mỹ sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn, khó mà “make America great” được.
            Bây giờ, xin được bàn đến “lửa và phẩn nộ” khác, mới xẩy ra đầu năm nay.
            Trong buổi họp mặt với các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng vừa qua để bàn về vấn đề di dân, TT. Trump đã buột miệng phán rằng: “Tại sao chúng ta lại cho người đến từ những nước ‘hố xí’ (shithole) nầy nhập cư”.   Ông muốn đề cập những người đến từ Haiti và các nước Phi châu.   Phát biểu đầy miệt thị và phân biệt chủng tộc nầy của ông Trump đã bị các nhà lập pháp cả hai đảng phản đối.  Họ cho rằng phát biểu của ông Trump “gây chia rẽ và không thể chấp nhận được”.  Không những các nước nạn nhân mà trên toàn thế giới, kể cả những đồng minh phương Tây của Mỹ cũng đều ngỡ ngàng và bất mãn.  Người Haiti và Liên Minh Châu phi đòi ông Trump phải xin lỗi.  Riêng Haiti đã triệu tập Đại sứ Mỹ đến để trình bày phát biểu của TT. Trump.
            Cựu TT. Haiti, ông Laurent Lamothe nói: “Thế giới chứng kiến thêm nột ‘hạ tầng’ mới và những gì ông Trump nói là không thể chấp nhận được, nó chứng tỏ ông không kính trọng mà còn kém hiểu biết, chưa từng thấy từ bất cứ một Tổng thống Hoa Kỳ nào trước đây”.
            Cựu TT. Mexico Vincente Fox nhận định: “Cái miệng của ông Trump mới là cái cái s…hole điên nhất thế giới, ông ấy nhân danh cái gì mà dám chào đón người nầy và hất hủi kẻ khác.  Hoa Kỳ vĩ đại là do di dân, hay ông Trump cũng quên tuốt nguồn gốc di dân của gia đình mình”?
            Ông Boniface Mwangi, chính trị gia tranh đấu của Kenya, nói: “làm sao mà Hoa Kỳ lại đi bầu một người tự mãn tột cùng, phân biệt chủng tộc và theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng làm tổng thống là một chuyện không sao hiểu nổi”.
            Trước phản ứng giận dữ của nhiều người, nhiều nơi, kể cả LHQ, TT. Trump lên tweet chối phăng, cho đó là sự vu oan từ phía DC để hại ông!  Và, có lẽ để chửa cháy, hạn chế bớt tác hại chính trị cho đảng CH cũng như cho chính nước Mỹ, hai Thượng Nghị Sỹ Cộng Hoà lên tiếng là họ không nhớ là TT. Trump nói như thế.  Đám cuồng Trump cũng về hùa cho đó là “fake news”.  Nhưng đây là chìa khoá để biết sự thật: Ông Paul Ryan, thuộc đảng CH, Chủ tịch Hạ Viện nhận xét rằng: “Những nhận xét (của tổng thống) được đưa ra là ‘đáng tiếc’ và ‘không mang lại lợi ích gì’”.  Một nhân vật CH quan trọng khác, ông Chuch Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng (dưới thời Bill Clinton) đã nhân định (sau vụ “chithole”): “TT. Donald Trump đã cố tình chia rẽ đất nước nầy và cả thế giới trong suốt năm đầu cầm quyền của ông ta” (President Donald Trump has intentionally divided the country and the world during his first year in office/Yahoo! News ngày 16 tháng 01 năm 2018).  Nếu ông Trump không nói, nếu đó là “fake news”, tại sao hai ông CH nầy lại phát biểu như thế?!
            Với sự bốc đồng như trẻ con, với đầu óc có khuynh hướng kỳ thị chủng tộc, với tính hiếu thắng nhưng kém hiểu biết, ông Trump sẽ đưa nước Mỹ về đâu?
            Trong cuộc phỏng vấn do David Letterman thực hiện trên Netflix, dù không nêu đích danh ông Trump, ông John Lewis (civil rights hero), đã nhận định: “Tổng thống hiện nay là một đe doạ, không những đối với đất nước này mà còn cả hành tinh (Without naming Trump explicitly, Lewis refers to the current president as “a threat” not only to the country but to the planet).
            Đã một năm qua, tôi chưa thấy ông ta làm một việc gì xứng đáng với tầm vóc của nước Mỹ mà chỉ lo gây sự với thiên hạ.  Với vụ Jerusalem chỉ được lòng duy nhất một nước Do Thái trong khi làm cho cả thế giới Hồi giáo phật lòng.  Ngoài ra còn bị 128 nước chống Mỹ tại diễn đàn LHQ.  Với vụ “shithole” đã làm cho cả lục địa Phi châu và nước Haiti phẩn nộ.  Có thể nói, Donald Trump là kẻ tiếp tay cho Trung cộng (TC) đắc lực và hiệu quả nhất.  Quyết định rút khỏi TPP (Trans-Paciffic Partnership) đã giúp TC một mình một chợ thao túng thị trường Á châu.  Chọc giận Phi châu giúp TC có thêm “chính nghĩa” để chinh phục lục địa nầy.  Hiện ông Trump đang gây sự với Pakistan, tố nước nầy “gian lận”.  Nếu vì lý do nầy mà Pakistan quay lưng với Mỹ thì thật là cơ hội ngàn vàng cho TC.  Người ta sống ai cũng muốn thêm bạn bớt thù.  Donald Trump ngược lại, ông đã làm cho nước Mỹ thêm thù bớt bạn. Ngay cả đồng minh chí cốt và lâu đời nhất là nước Anh mà cho đến nay ông Trump chưa dám viếng thăm.  Đánh giá sự bất xứng của ông Trump, Nghị Viện Anh đã ra quyết định không mời ông phát biểu tại diễn đàn danh dự nầy.  Khi được tin ông Trump huỷ bỏ chuyến công du Anh vào tháng hai tới, Thị trưởng London tuyên bố: “Cuối cùng thì ông Trump đã nhận được tín hiệu.  Ông ta sẽ không được hoan nghênh ở đây”.  Dân Anh không mấy thiện cảm với vị Tổng thống Mỹ kỳ cục nầy.  Họ doạ là sẽ xuống đường biểu tình rầm rộ nếu ông ta đến. 
            Trở lại trường hợp Pakistan, ông Trump đem tính toán kinh tế/thương mãi vào lãnh vực chính trị coi bộ không ổn.  Chưa hề tham chính nên ông Trump không biết Mỹ có truyền thống bỏ tiền “mua” đồng minh.  Dù có “bắt cá hai tay” nhưng Pakistan cũng rất cần thiết cho Mỹ, giúp Mỹ tiếp cận những sào huyệt của những nhóm khủng bố trong vùng.  Mất Pakistan, Mỹ sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc chống khủng bố.  Thái độ hung hăng, phi ngoại giao, phi chính trị của TT. Trump đã bị Cựu Tham Mưu Trưởng Quân Lực Mỹ Mike Mullen phê phán: “Tổng thống đã phá bỏ bất kể những định chế, những cam kết, sự lãnh đạo mà chúng ta theo đuổi trong 70 năm qua”.
            Kinh tế Mỹ đang vững mạnh.  Thị trường chứng khoán tăng hằng ngày.  Tỷ lệ thất nghiệp thấp.  Đúng, đó là những điểm son.  Những người ủng hộ ông Trump cho rằng kết quả ấy là do tài kinh bang tế thế của ông ta.  Nhưng những người khác thì cho rằng đó chỉ là cái đà tăng trưởng từ Chính phủ của TT. Obama (kinh tế phát triển, ổn định, không phải khủng hoảng).  Theo họ, không phải như lái một chiếc xe, muốn quẹo phải quẹo trái thì được ngay.  Điều chỉnh kinh tế không phải một sớm một chiều mà cần phải có thời gian dài mới thấy kết quả được.  Cá nhân tôi không dám có kết luận vì ngoài khả năng. 
            Tôi vẫn cầu mong ông Trump trở thành “Minh Vương” để làm cho “America great again”.  Được như thế, tôi sẵng sàng ủng hộ ông hết mình.  Nhưng nếu ông có cuồng vọng “make America white again” thì tôi sẽ chống ông tới cùng.  Đơn giản tôi không phải là white.  Và tôi đã nhận biết được rằng, bên cạnh kinh tế, một trong những giá trị cao nhất của xứ nầy là tính bao dung, đa chủng tộc, đa văn hoá.  Chính nhờ những giá trị đó mà tôi và gia đình đã có mặt và xây dựng sự nghiệp trên đất Mỹ đã 28 năm nay.  
            Tôi đã là người Mỹ, phải bảo vệ quê hương thứ hai nầy của tôi bằng mọi giá.  Sự bảo vệ của tôi không xuất phát từ tinh thần đảng phái, không “cuồng Lừa” cũng chẳng mê “Voi” hay “đội đít” bất cứ cá nhân nào.  Tôi chỉ vì đất nước tôi.  Cộng Hoà hay Dân Chủ cũng được.  Bảo thủ hay tự do phóng túng cũng chẳng sao, miễn là họ biết đặt quyền lợi và giá trị của Mỹ trên hết.  Với tinh thần đó, trước ông Trump, tôi chưa bao giờ chống đối các vị tổng thống khi họ mới đăng quang.  Chính sách của họ tốt hay xấu, hay hay dở…cần phải có thời gian mới đánh giá được.  Donald Trump là trường hợp ngoại lệ, nó liên quan đến tầm nhìn, đến cá tính trẻ con và tư cách quá tệ của ông ta.
            Quyền hạn của tổng thống do hiến định.  Uy tín của tổng thống phải do chính tổng thống tự tạo.  Muốn có uy tín, phải có tài thao lược, có tầm nhìn chính trị, biết thu phục các thành phần bất mãn để đoàn kết toàn dân…, hoàn toàn không phải do sự hò hét tố cáo, gây hận thù, miệt thị thành phần nầy, tung hô thành phần khác trong xã hội mà có.  Một tổng thống được khâm phục và ngưỡng mộ phải hội đủ cả hai yếu tố quyền hạn và uy tín ấy.  Để biết Tổng thống Trump có phải là một tổng thống có được sự khâm phục và ngưỡng mộ không thì hãy nhìn lại tình hình chính trị Mỹ trong năm qua.  Tại sao ông ta bị chống đối liên tục và tràn lan?  Dân Mỹ có vấn đề hay chính Tổng thống Trump có vấn đề?  
                                                                                     Ngày 20 tháng 01 năm 2018
                                                                                                 ĐỊNH NGUYÊN

1 nhận xét:

Ngoc2008 nói...

Anh DN viết bài với sự vô tư, không cuồng "ai" cả.
Cám ơn