Nằm sâu bên trong tuyến đường mua bán sầm uất Nguyễn Trãi và Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM) là khu Mả Lạng. Nơi đây có những con hẻm sâu hun hút, dẫn vào các căn nhà nhỏ xíu và san sát nhau<!>.
Ít ai ngờ rằng, chỉ cách những tòa nhà cao ốc, trung tâm mua sắm hiện đại ở trung tâm thành phố khoảng vài trăm mét, nơi đây như một thế giới khác, đối lập hoàn toàn. Ở đó có những con hẻm nhỏ tối om, chỉ vừa đủ một chiếc xe máy đi lại.
Với diện tích khoảng 3 ha, khu Mả Lạng hiện có khoảng 550 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu. Trong đó, đa phần là những người làm nghề lao động tay chân như lái xe ôm, bán vé số, hàng rong,...
Một căn nhà được xem là lớn ở đây khi có diện tích bề ngang là 3-4 m. Trong khi đó, số lượng nhà nhỏ hơn rất phổ biến. Có căn nhà diện tích chỉ khoảng 1-2 m2.
Chính vì hệ thống hẻm chằng chịt và nhỏ, người ta phải làm những bảng chỉ dẫn "Lối thoát hiểm" phòng khi có trường hợp bất trắc xảy ra.
Gia đình ông Chung Văn Sơn sinh sống tại đây từ năm 1991. Nơi gọi là "nhà" của ông bao gồm một gian trệt khoảng 3 m2 để tắm giặt, rửa chén, sinh hoạt, tiếp khách,... và gian gác phía trên để ngủ.
Gia đình ông Sơn có 6 thành viên. Dù cuộc sống có phần chật chội nhưng ông cho rằng ở lâu rồi thì cũng quen, và nơi đây thuận lợi giao thông, đi đâu cũng gần.
Cách gia đình ông Sơn không xa là một căn nhà khác nhỏ hơn. Việc bếp núc được chuyển ra ngoài hẻm, khi trong nhà chỉ vừa đủ diện tích cho một phòng vệ sinh và một lối đi cầu thang dẫn lên gác.
Nhà nhỏ, người dân không thể để xe vào trong nên chỉ còn biết dựng ra ngoài hẻm. Con hẻm vốn đã chật chội lại càng ít lối đi hơn. Nhiều người tâm sự để xe như vậy qua đêm cũng không sợ mất vì kẻ trộm có lấy cũng không biết đường nào mà chạy thoát.
Một chỗ ngồi học bài cũng là điều xa xỉ đối với trẻ em nơi đây. Các em phải ngồi làm bài tập ngay tại không gian sinh hoạt chung của gia đình.
Tại khu Mả Lạng, không khó để bắt gặp những gia đình có hoàn cảnh éo le, khó khăn. Ngồi một mình trong căn nhà với diện tích 1,2 m x 2 m, gỗ trần mục nát, chị Nguyễn Thị Nga (48 tuổi) đang nghĩ đến việc làm sao để có tiền sửa nhà khi mùa mưa sắp đến.
Chồng chị là dân phòng, đã mất 13 năm nay. Bản thân chị, năm 24 tuổi, trong lần đi bán chè ngoài đường thì bị tai nạn giao thông, vỡ một quả thận và phải cắt bỏ. Một mình chị phải gồng gánh nuôi ba người con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
"Nhà thì nhỏ, không có chỗ tiếp khách, mỗi lần ngủ là phải chắn mấy miếng ván ở ngoài cửa để chuột, gián không thể bò vào", chị Nga tâm sự với ánh mắt lo lắng. Người phụ nữ này cho biết mỗi lần đến mùa mưa, nhà sẽ bị ngập toàn bộ. "Toàn là nước cống, hôi dữ lắm", chị Nga than.
Hiện tại, công việc chính của chị là trông giữ trẻ em với thu nhập 100.000 đồng/ngày, do không còn đủ sức khỏe để đi bán hàng.
Ba con của chị, người con trai cả đã lấy vợ và chuyển đi nơi khác sinh sống, con trai thứ đang đi nghĩa vụ quân sự và cô con gái út đang học lớp 10 với tiền học phí mỗi tháng là 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra, chị Nga còn phải lo cho mẹ già bị mất thị lực.
Cả khu Mả Lạng nhuốm một màu xám xịt. Khi ánh sáng mặt trời lên nó chỉ đủ xuyên qua những kẽ hở rất nhỏ giữa những ngôi nhà.
Ở đường hẻm chính, cuộc sống có vẻ dễ thở hơn vì đường lớn và có nhiều hàng quán. Tuy nhiên, những người buôn bán và sinh sống tại đây sắp tới cũng không được phép bán hàng theo chủ trương chỉnh trang đô thị.
Ánh mắt của những người phụ nữ hiện rõ nét lo âu khi nguồn sống của họ bị sắp bị cắt đứt. Họ được đề nghị đi học nghề với phí 3 triệu đồng/tháng. Nhưng câu hỏi đặt ra là: "Làm sao để có tiền đi học, và trong khi đi học, cả gia đình sẽ sinh sống như thế nào?".
Khi trời nhá nhem tối, những tòa nhà cao tầng xung quanh bắt đầu bật đèn sáng choang, hắt ánh sáng của sự phồn hoa xuống khu phố nghèo và tối tăm.
Liêu Lãm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét