Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 16/4 - Lê Minh Nguyên

Seoul: Bắc Hàn đe dọa thế giới --- Phó TT Mỹ nói liên minh với Hàn Quốc mạnh hơn bao giờ hết --- Tên lửa Bắc Hàn ‘nổ tung’ Hàn Quốc hôm 16/4 nói rằng vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn đe dọa toàn thế giới, theo Reuters. <!>
Seoul cũng đồng thời cảnh báo về hành động trừng phạt nếu Bình Nhưỡng khiêu khích thêm nữa như thử hạt nhân hay phóng tên lửa tầm xa.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố trong một thông cáo: “Bắc Hàn trình làng nhiều loại tên lửa phòng thủ tại cuộc duyệt binh hôm qua, và dám bắn một quả tên lửa đạn đạo hôm nay, cho thấy một sự phô trương sức mạnh đe dọa toàn thế giới”.

Một quả tên lửa của Bắc Hàn "nổ tung gần như ngay lập tức" khi được phóng thử sớm 16/4, theo Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có mặt ở Hàn Quốc để thảo luận về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Khi tới Seoul, ông Pence nói liên minh với Hàn Quốc mạnh hơn bao giờ hết, dù có lúc vấp phải thử thách.

Hàn Quốc là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á đầu tiên kéo dài nhiều ngày của Phó Tổng thống Mỹ. - VOA

***
Phó tổng thống Hoa Kỳ đã đến Hàn Quốc giữa lúc có nhiều tranh luận về vụ thử tên lửa bất thành của Bắc Triều Tiên ở thành phố cảng Sinpo.
Hôm Chủ nhật, ông Mike Pence nói có những thời điểm "đầy thử thách", song "liên minh lịch sử với nhân dân Hàn Quốc can đảm hiện mạnh hơn bao giờ hết".

Phát biểu tại Seoul trong bữa tối với thân nhân của binh sĩ Mỹ đóng tại Hàn Quốc, phó tổng thống nói rằng việc các quân nhân Mỹ sẵn sàng "đứng vững không nao núng đã truyền cảm hứng cho đất nước cũng như truyền cảm hứng cho thế giới".
Trước bữa ăn tối, phó tổng thống dự lễ nhà thờ ngày Chúa nhật Phục Sinh với các quân nhân.

Vụ phóng tên lửa thất bại diễn ra một ngày sau cuộc duyệt binh khổng lồ ở thủ đô Bắc Triều Tiên. Chính phủ các nước trên thế giới xem đó là một cuộc phô diễn sức mạnh của chính quyền ông Kim Jong Un.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn vào tối thứ Bảy: "Tổng thống và đội ngũ quân sự của ông đã biết về vụ phóng tên lửa bất thành mới nhất của Bắc Triều Tiên. Tổng thống không có bình luận gì thêm”.

Washington đã tham gia vào một cuộc tấn công ngoại giao đa phương mạnh mẽ nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo họ Kim của Bắc Triều Tiên chấm dứt nỗ lực của ông ta về phát triển vũ khí hạt nhân.
Hoa Kỳ đánh giá vụ phóng

Không lâu sau vụ phóng, một tuyên bố từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết tên lửa đã nổ gần như ngay lập tức và đang diễn ra công tác đánh giá xem nó là loại tên lửa gì.
Tuyên bố cũng nhắc lại lời cam kết đầy đủ của Washington về "làm việc chặt chẽ với các đồng minh", đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, để duy trì an ninh.

Theo một tuyên bố từ văn phòng của Phó Tổng thống Pence, ông đã được thông báo về vụ phóng bất thành trong chuyến bay tới Seoul, và ông đã hội đàm với tổng thống.
Đầu tuần vừa qua, khi căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bình Nhưỡng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh cho một nhóm tàu tấn công của Hải quân Hoa Kỳ, đứng đầu là tàu sân bay USS Carl Vinson, đi đến bán đảo Triều Tiên để biểu dương sức mạnh.

Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân trái phép vào năm ngoái và khoảng hai chục vụ phóng tên lửa trong nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm mở rộng các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. - VOA

***
Một quả tên lửa của Bắc Hàn "nổ tung gần như ngay lập tức" khi được phóng thử sớm 16/4, theo Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến sẽ có mặt ở Hàn Quốc để thảo luận về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Vụ phóng thất bại ở bờ biển phía đông Bắc Hàn được thực hiện một ngày sau khi Bình Nhưỡng tổ chức một cuộc duyệt binh lớn để đánh dấu ngày sinh của người lập quốc Kim Il Sung.
Trong buổi lễ này, Bắc Hàn đã phô trương sức mạnh quân sự, trong đó dường như có các quả tên lửa đạn đạo mới, các hãng tin cho biết.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết rằng quả tên lửa “nổ tung gần như ngay lập tức”, và cho biết thêm rằng loại tên lửa được phóng đi đang được phân tích.

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng nhiều khả năng đó không phải là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Một quan chức Mỹ thứ hai nói rằng vụ phóng được thực hiện trên đất liền.
Trước đó, Văn phòng Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc nói trong một thông cáo: “Miền Bắc đã tìm cách phóng một tên lửa chưa rõ loại gì từ khu vực Sinpo sáng nay (16/4), nhưng bị nghi đã thất bại”.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một nguồn tin tình báo không rõ danh tính của nước này nói rằng quả tên lửa dường như bay không xa khỏi bệ phóng đặt trên đất liền.
Đầu tháng này, Bắc Hàn phóng một quả tên lửa đạn đạo từ khu vực trên, trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, một đồng minh của Bình Nhưỡng, để thảo luận về chương trình vũ khí đầy thách thức của chính quyền Kim Jong Un.

Căng thẳng gia tăng nhanh chóng trong khu vực trong bối cảnh có quan ngại về chuyện Bắc Hàn sẽ sớm tiến hành một cuộc thử hạt nhân thứ sáu hoặc một vụ phóng tên lửa đạn đạo trùng với thời điểm tổ chức lễ duyệt binh vào ngày 15/4, hay còn được gọi là “Ngày Mặt trời”.
Nhà Trắng cho biết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “cảnh báo” Bắc Hàn, trong khi khả năng Hoa Kỳ hành động quân sự với Bình Nhưỡng đang ngày càng được ủng hộ sau khi Washington không kích Syria hôm 7/4.

Ông Trump sau đó đã lệnh cho một đội tàu chiến Mỹ, dẫn đầu là hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, tới bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh, trong khi chính quyền của ông bàn thảo các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn cũng như cả biện pháp quân sự đốivới Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn sau đó cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ nếu bị tấn công.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ tới Hàn Quốc vào ngày 16/4 trong chuyến công du châu Á kéo dài 10.
Chuyến đi nhằm chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với đồng minh trong bối cảnh căng thẳng leo thang về chương trình vũ khí của Bắc Hàn.

Các trợ lý Nhà Trắng cho biết ông Pence đã được thông báo về vụ phóng bất thành khi đang trên đường tới Seoul, và đã liên lạc với Tổng thống Donald Trump.

Còn Hàn Quốc cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia vào ngày 16/4. - VOA

2.
Bom nổ ở Syria: Ít nhất 68 trẻ em trong số 126 người chết

Ít nhất 68 trong số 126 người thiệt mạng trong vụ đánh bom nhắm vào đoàn xe buýt chở người sơ tán rời khỏi các thành phố đang bị vây hãm ở Syria là trẻ em, các nhà hoạt động nhân quyền cho hay. 
Một chiếc xe chở đầy chất nổ đánh trúng đoàn xe bus từ các thành phố do chính phủ chiếm giữ gần Aleppo hôm thứ Bảy 14/4.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền cho Syria có trụ sở tại Anh nói ít nhất 109 người sơ tán đã thiệt mạng, cùng với các nhân viên cứu trợ và quân nổi dậy.
Theo một số nguồn tin, nhiều trẻ em nằm trong số người chết.

Con số thương vong dự kiến còn tăng lên, tổ chức này cho biết.
Vụ đánh bom làm nổ tan các xe chở khách và làm nhiều xe hơi bốc cháy, để lại nhiều thi thể vung vãi, vào lúc đoàn xe đang chờ đợi để di chuyển tiếp ở vùng đất của quân nổi dậy nắm giữ gần Aleppo.

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy những xác người nằm trên mặt đất bên ngoài những chiếc hơi xe bị cháy đen và hủy hoại.
Trong khi đó, có tin vài người, hầu hết là trẻ em, bị thương do đạn pháo ở thủ đô Damascus. 

Ít nhất ba quả đạn pháo đã rơi gần Quảng trưởng Umayyad ở trung tâm Damascus, các cơ quan truyền thông nhà nước và ủng hộ chính phủ đưa tin. Đài truyền hình nhà nước Syria đổ lỗi cho "các kẻ khủng bố."

'Cuộc tấn công dã man'
Những người sơ tán bị tấn công hôm Chủ nhật đang di chuyển từ Foah and Kefraya, các thị trấn do chính phủ kiểm soát có hầu hết dân chúng là người Hồi giáo Shia. 

Chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm cho vụ đánh bom xe buýt này. 
Trong bài phát biểu nhân dịp Lễ Phục sinh, Giáo hoàng Francis gọi vụ đánh bom này là một "vụ tấn công đê tiện vào những người tỵ nạn đang chạy trốn."
"Cầu (Chúa) bằng cách nào đó giúp bảo tồn nỗ lực của những người đang làm việc để mang lại sự hàn gắn và an ủi cho những thường dân ở Syria, đất nước Syria thân yêu và chịu nhiều thương đau, đang là nạn nhân của một cuộc chiến không ngừng reo rắc đau thương và chết chóc", ông nói. 
Trái bom nổ tại Radishin, phía Tây thành phố Allepo do chính phủ kiểm soát, lúc 15.30 giờ địa phương (12.30 giờ GMT) tại trạm kiểm soát nới việc chuyển giao những người dân sơ tán đang chuẩn bị diễn ra. 

Phóng viên Trung Đông của BBC Lina Sinjab cho hay vụ nổ xảy ra khi một chiếc xe chở thức ăn tới và bắt đầu phân phát các gói khoai tây chiên, thu hút nhiều trẻ em đến nhận, rồi nổ tung. 
Bà nói không rõ làm thế nào chiếc xe đó có thể tới khu vực này mà không được chính phủ cho phép. 

Tuy vậy cũng không có bằng chứng nào cho thấy quân nổi dậy có liên quan đến vụ tấn công như chính phủ Syria cáo buộc. 
Theo phóng viên Sinjab, vụ nổ này không có lợi cho quân nổi dậy vì họ đang chờ cho những người ủng hộ họ được sơ tán khỏi những thị trấn do chính phủ kiểm soát. - BBC

3.
Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trưng cầu dân ý gây chia rẽ

Các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa quốc gia này từ chế độ nghị viện chuyển sang chế độ tổng thống có quyền hành pháp to lớn. Kết quả của cuộc bỏ phiếu - được xem là quan trọng nhất trong lịch sử 84 năm của nước cộng hòa - dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày Chủ nhật.
Cuộc trưng cầu đã chia rẽ quốc gia, cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối đều tranh cãi rằng tương lai của đất nước đang đứng trước nguy cơ.

Tổng thống Erdogan khẳng định rằng cải cách sẽ tạo ra một hệ thống quản trị hiệu quả và nhanh chóng, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với những thách thức trong việc chống khủng bố và nền kinh tế phát triển chậm lại.
Ông Erdogan bỏ phiếu vào cuối buổi sáng. Phát biểu với các phóng viên, ông nói hy vọng sẽ có nhiều người đi bỏ phiếu ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý.

Kemal Kilicdaroglu, người đứng đầu Đảng Nhân dân Cộng hòa, đảng đối lập chính, đồng thời là lãnh đạo của Chiến dịch bỏ phiếu chống, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bỏ phiếu khi phát biểu trước những người ủng hộ và các phóng viên truyền hình. Ông tuyên bố: "Chúng ta đang bỏ phiếu cho định mệnh của Thổ Nhĩ Kỳ".
Nếu cuộc trưng cầu dân ý được thông qua, quốc hội hầu như sẽ bị gạt sang bên lề. Thủ tướng và nội các sẽ bị bãi bỏ, và các bộ trưởng sẽ được tổng thống bổ nhiệm trực tiếp và chịu trách nhiệm với ông. Tổng thống cũng sẽ lập ra ngân sách.

Những sửa đổi hiến pháp cũng bao gồm việc chấm dứt vai trò trung lập chính thức của tổng thống, cho phép ông lãnh đạo một chính đảng. Tổng thống cũng sẽ có quyền giải tán quốc hội và tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cũng như có thẩm quyền cao hơn để bổ nhiệm các thẩm phán tòa thượng thẩm, bao gồm cả tòa án bảo hiến.
Những người chỉ trích cho rằng cải cách hiến pháp này sẽ dẫn đến một chế độ độc tài được dân bầu. - VOA

4.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ gặp lãnh đạo Afghanistan

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster đã đến Kabul hôm Chủ nhật để thảo luận với giới lãnh đạo Afghanistan về các vấn đề an ninh và đánh giá tình hình của binh sĩ Hoa Kỳ tại thực địa.
Chuyến thăm của ông McMaster diễn ra tiếp sau việc các chỉ huy quân đội Hoa Kỳ đề nghị bổ sung "vài nghìn" binh sĩ cho lực lượng hiện có khoảng 8.400 quân nhân Mỹ ở Afghanistan để phá "thế bế tắc" trong cuộc chiến chống Taliban.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chào mừng ông McMaster đến Kabul và cảm ơn ông về sự hỗ trợ không ngừng của Hoa Kỳ dành cho Afghanistan.
Hai ông Ghani và McMaster đã thảo luận về "mối quan hệ song phương, an ninh, chống khủng bố, cải cách và phát triển", theo một tuyên bố của dinh tổng thống gửi ra sau cuộc gặp của hai ông.

Phó tổng tham mưu quân đội Afghanistan, Tướng Murad Ali Murad, xác nhận với các phóng viên rằng ông McMaster cũng đã gặp gỡ người đồng cấp Hafneef Atmar ngay sau khi hạ cánh tại Kabul. Ông Murad nói rằng chuyến thăm của quan chức an ninh hàng đầu Hoa Kỳ chứng tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của các đồng minh dành cho Afghanistan trong việc đánh bại "kẻ thù chung" là khủng bố.
Tướng Murad nói thêm rằng dự kiến cũng sẽ có các cuộc hội đàm giữa ông McMaster với các quan chức Bộ Quốc phòng Afghanistan, và ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ tăng quân để giúp các hoạt động an ninh của Afghanistan.

Ông McMaster đã đến nước này chỉ vài ngày sau khi quân đội Mỹ dùng bom phi hạt nhân lớn nhất tấn công hang ổ của Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh miền đông Nangarhar, giáp với biên giới Pakistan.
Ông Murad một lần nữa bảo vệ cho cuộc tấn công lớn này, ông nói nó đã giết chết hơn 95 chiến binh IS và phá hủy "căn cứ chiến lược của chúng" ở Afghanistan. 
Ông dự báo "thương vong của IS sẽ là hơn 95 tên sau khi công tác đánh giá hiện tại kết thúc". Ông nhắc lại rằng không có báo cáo nào về thương vong của thường dân. - VOA

5.
Iraq tìm cách phá thế bế tắc ở Mosul

Các lực lượng Iraq hôm 16/4 đã mở một cuộc tấn công mới nhắm vào Nhà nước Hồi giáo ở khu vực Old City thuộc Mosul trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc nhằm chiếm lại thành trì cuối cùng của quân khủng bố.
Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã bị các chiến binh Hồi giáo Sunni chiếm giữ năm 2014, nhưng các lực lượng chính phủ Iraq đã giành lại phần lớn nơi này trong chiến dịch kéo dài 6 tháng qua.

Tuy nhiên, cuộc phản công đã bị đình trệ hơn một tháng qua vì các phần tử Nhà nước Hồi giáo cố thủ tại khu vực đông dân cư Old City ở phía tây Mosul.
Xe tăng và các xe thiết giáp hạng nặng không thể di chuyển ở khu vực này do đường xá khá hẹp.

Theo Reuters, các lực lượng cảnh sát quốc gia Iraq đã tiến sâu khoảng 200 mét vào Old City, tiến gần tới đền thờ al-Nuri.
Nhà thờ Hồi giáo này mang tính biểu tượng cao vì chính tại đó, thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng mình là người đứng đầu nhà nước này.
Các lực lượng chính phủ Iraq, với sự hỗ trợ bởi các cố vấn, đạn pháo và không kích của Mỹ, “quét sạch” Nhà nước Hồi giáo phía đông cũng như một nửa phía tây Mosul và giờ đây đang tập trung vào Old City.
Khoảng 400.000 người bị mắc kẹt tại Old City, trong khi hơn 300.000 người đã bỏ chạy khỏi nơi này kể từ khi giao tranh bắt đầu vào tháng Mười năm ngoái, theo Reuters. - VOA

6.
Các Kitô hữu mừng Lễ Phục sinh

Nhiều tín hữu phải đi qua các thủ tục kiểm tra an ninh chặt chẽ hôm Chủ nhật mới có thể vào quảng trường Thánh Phêrô đầy hoa của Tòa thánh Vatican để dự Thánh lễ Chúa nhật Phục sinh do Đức Giáo hoàng Phanxicô làm chủ lễ. Ngài đã đọc bài phát biểu Lễ Phục sinh hàng năm "Urbi et Orbi" (Những lời nhắn gửi Tòa thánh và thế giới).
Các Kitô hữu khắp thế giới mừng Lễ Phục sinh vào Chủ nhật - ngày mà họ tin rằng Chúa Jesus đã sống lại từ cõi chết. Đây là ngày thiêng liêng nhất trong Công lịch.

Lễ Phục sinh không cố định mà mỗi năm là một ngày khác nhau. Các nhà thờ Công giáo phương Tây mừng Lễ Phục sinh vào ngày Chủ nhật đầu tiên kế tiếp ngày rằm sau điểm xuân phân.
Tuy nhiên, năm nay, Công giáo La Mã và Tin lành mừng Lễ Phục sinh cũng trùng với các giáo hội Chính thống giáo. Thông thường, hai Lễ Phục sinh của các giáo hội này cách nhau hàng tuần vì giáo hội Công giáo phương Tây theo lịch Gregorian, trong khi Chính thống giáo phương Đông sử dụng lịch Julian cổ hơn.

Lễ Phục sinh đánh dấu sự kết thúc của Tuần Thánh, là tuần lễ trước Lễ Phục sinh và bao gồm Thứ Năm Tuần Thánh, là ngày có bữa tiệc li của Chúa Jesus cùng các tông đồ. Tuần Thánh cũng bao gồm Thứ Sáu Tuần Thánh, là ngày Chúa Jesus bị đóng đinh lên thập giá.
Nhà chức trách ở Ai Cập đã tăng cường an ninh trong năm nay phục vụ cho Lễ Phục sinh, sau khi có vụ đánh bom tự sát vào một nhà thờ Cơ đốc giáo Coptic hôm Chủ nhật tuần trước khiến hàng chục người chết và hơn 100 người bị thương.

Tại một lễ tưởng niệm sát với Lễ Phục sinh hôm thứ Bảy, Đức Giáo hoàng đã lên án cách thức nhiều nơi đối xử với người di cư, người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội. Ngài nói những người đó thấy rằng "nhân phẩm của họ bị đóng đinh lên thập giá” hàng ngày vì bất công và tham nhũng. - VOA

Tin Hoa Kỳ
7.
Người Mỹ biểu tình về thông tin thuế của tổng thống

Nhiều người đã lập các nhóm biểu tình gọi là "tuần hành về thuế" trên khắp Hoa Kỳ hôm thứ Bảy để thể hiện rõ cảm xúc của họ về việc Tổng thống Donald Trump từ chối tiết lộ hồ sơ thuế của ông, họ nói rằng điều đó chỉ càng chứng minh tổng thống có điều gì đó cần giấu giếm.

Một số người đã bị bắt tại Berkeley, California, sau khi các nhóm biểu tình đối địch nhau đã ném chai lọ, vỏ lon và đánh đấm nhau.
Những người biểu tình đã tụ tập tại hơn 100 thành phố, trong đó có New York, Los Angeles, Washington, Chicago và Philadelphia.

Một số người biểu tình ở các thành phố khác nhau mang một linh vật tượng trưng cho mục đích của họ, đó là một con gà bơm hơi có tên "Chicken Don", với hàm ý là Tổng thống sợ sẽ tiết lộ các tài liệu về thuế của mình vì chúng sẽ tiết lộ thông tin gây xấu hổ.
Ông Trump đã đi đường vòng đến khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông ở Florida, dường như để tránh những người biểu tình ở West Palm Beach.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, ông đã nói với các phóng viên rằng người Mỹ "hoàn toàn không quan tâm" cho dù ông có công bố các tờ khai thuế của mình hay không. Những người biểu tình đổ ra đường hôm thứ Bảy, cũng như các cuộc thăm dò ý kiến công chúng, không đồng ý như vậy. - VOA

8.
Tư pháp Mỹ xét đơn kiện sắc lệnh “phạt” thành phố che chở dân nhập cư

Sau sắc lệnh về nhập cư vẫn bị hai thẩm phán liên bang ngăn chận, một quyết định khác của tổng thống Donald Trump đang qua trắc nghiệm của tư pháp Mỹ : sắc lệnh đe dọa cúp nguồn tài trợ của liên bang cho các thành phố không chịu hợp tác với chính sách nhập cư của chính phủ Trump.
Thông tín viên RFI tại Washington, Jean-Louis Pourtet cho biết chi tiết :

''Trong sắc lệnh này, Donald Trump đe dọa cắt nguồn quỹ liên bang cho những thành phố nào chứa chấp người nhập cư không giấy tờ và từ chối hợp tác với cảnh sát di trú liên bang đang muốn trục xuất họ.
Hai trong những thành phố « thánh địa » này, San Francisco và hạt Santa Clara – được 300 thành phố khác ủng hộ - vừa yêu cầu một thẩm phán liên bang ngăn chận sắc lệnh mà họ cho là đi ngược lại Hiến Pháp Mỹ.

William Orrick, thẩm phán Tòa Án Liên Bang San Francisco vừa nghe xong luận chứng của hai bên: 
Luật sư bên nguyên cáo nêu bật hậu quả kinh tế nghiêm trọng của việc nguồn tài trợ liên bang bị cắt: San Francisco nhận đến 2 tỷ đô la, Santa Clara, 1,7 tỷ.
Nhân danh chính quyền, chưởng lý Chad Readler, đã giảm nhẹ tối đa tác động và tìm cách trấn an: chỉ mất khoảng vài triệu đô la, và cũng không phải là ngay tức khắc, chưa có gì rõ ràng. Theo ông, sắc lệnh chỉ nhằm buộc các đơn vị địa phương tôn trọng luật về nhập cư mà thôi.
Thẩm phán Orrich có vẻ thiên về lập luận của các thành phố. Ông hứa sẽ nhanh chóng ra phán quyết.'' - RFI

Tin Việt Nam
9.
Phó Thủ tướng Việt Nam đi Trung Quốc [LMN: Ông PBMinh đi Mỹ 19-23/4, tập tục của các lãnh tụ CSVN là ưu tiên cho TQ trước, từ 16-18/4]

Quan chức còn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, hôm 16/4 bắt đầu chuyến công du Trung Quốc để tham dự một cuộc họp thường niên.
Chuyến thăm của ông Minh diễn ra tới ngày 18/4 theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, cổng thông tin của chính phủ Việt Nam đưa tin.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, hai quan chức dự kiến sẽ cùng chủ trì phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, gần một năm sau sự kiện tương tự ở Hà Nội.
“Hai bên cũng sẽ bàn biện pháp thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước”, theo VGP News.

Chưa rõ là đôi bên lần này có bàn về vấn đề Biển Đông tranh chấp giữa hai nước và một số quốc gia khác hay không, nhất là sau khi một trung tâm nghiên cứu có tiếng ở thủ đô Washington, Mỹ, đăng ảnh vệ tinh cho thấy một chiến đấu cơ của Trung Quốc hiện diện trên một đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng ở vùng biển chiến lược.
Cuộc họp lần này diễn ra tại Bắc Kinh, một đồng minh của Bắc Hàn, trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang nóng lên.

Hoa Kỳ đang tìm cách vận động Trung Quốc gây ảnh áp lực lên Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân của nước này, trong khi có tin rằng Hàn Quốc mới đây đã cùng Hà Nội, vốn cũng từng có quan hệ tốt đẹp với Bắc Hàn, tìm cách hợp tác “khống chế” Bình Nhưỡng.
Khi thăm thủ đô của Việt Nam tháng trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói với ông Phạm Bình Minh về mối đe dọa của chương trình hạt nhân của Bắc Hàn đối với hòa bình và ổn định của châu Á và cộng đồng quốc tế. - VOA

10.
Hà Nội khởi tố vụ Đồng Tâm vào lúc tình hình vẫn bế tắc

Cho đến 6h30 chiều ngày 16/4, tình hình vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vẫn bế tắc.
Thông tin VOA nhận được từ một số người địa phương và nhà hoạt động Lê Văn Dũng cho hay người dân vẫn giữ 22 lính cảnh sát cơ động, trong khi phía chính quyền chưa thả 15 người dân họ đã bắt trước đó. Tin từ địa phương khẳng định hai bên chưa có đối thoại về việc trao đổi những người đang bị cầm giữ này.

Trong khi đó, Thông tấn xã Việt Nam và một số báo lớn trong nước đưa tin vào chiều 16/4 rằng Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm. Tin cho hay công an thành phố đã “bắt giữ 4 công dân” liên quan đến vụ này. 
Bản tin ngắn cũng nói “cơ quan chức năng” đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm “ổn định tình hình an ninh trật tự” tại xã Đồng Tâm, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Vào thời điểm sau 5 giờ chiều, những người tại địa phương cho biết có rất đông công an “bao vây” xã. 
Cùng thời điểm, thông qua trung gian là ông Lê Văn Dũng, còn được biết đến trên mạng xã hội với tên Le Dung Vova, người dân Đồng Tâm đã đồng ý cho 3 nhà báo của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đi vào xã để “quay, ghi tư liệu xem những lính công an cơ động sức khỏe như thế nào, được đối xử như thế nào”.

Ông Dũng nói với VOA vào đầu giờ buổi tối 16/4 rằng điện đã được cấp lại cho xã, một vài số điện thoại di động đã có thể liên lạc với bên ngoài, song internet vẫn chưa kết nối được.
Vụ xô xát giữa người dân Đồng Tâm và công an nổ ra hôm 15/4 khi chính quyền tìm cách thu hồi đất ở địa phương để trao cho công ty Viettel làm dự án.

Người dân nói đất của họ là đất nông nghiệp trong khi chính quyền cho rằng đó là “đất quốc phòng”. Người dân đã kiện ra tòa về tranh chấp này trong nhiều năm nhưng không có một kết luận rõ ràng về vụ này.
Sáng 15/4, chính quyền sử dụng nhiều nhân viên công an để thu hồi đất không có đền bù, nhưng đã bị người dân xã chống trả quyết liệt, giữ lại hơn 20 lính cảnh sát cơ động, không cho ra khỏi xã. Đồng thời, người dân cáo buộc chính quyền đã dùng vũ lực bắt đi 15 người, đánh đập làm 1 thanh niên bị thương nặng. Người này đã được người dân đưa đi cấp cứu và hiện đang được điều trị ở bệnh viện Chúc Sơn.

VOA đã liên lạc với công an huyện Mỹ Đức để xác minh thông tin song không nhận được câu trả lời.
Trong nhiều năm gần đây, đã xảy ra những vụ tranh chấp đất đai lớn ở Việt Nam. Luật pháp của đất nước không công nhận quyền sở hữu đất của các cá nhân mà họ chỉ có “quyền sử dụng đất”, trong khi luật cho phép chính quyền có quyền thu hồi đất “để phát triển các dự án kinh tế quan trọng”.

Sau khi thông tin về vụ đụng độ ở Đồng Tâm lan truyền trên mạng xã hội, đã xuất hiện lời gợi ý hoặc kêu gọi từ nhiều người về việc tẩy chay hãng Viettel do vụ tranh chấp đất đai này. - VOA

11.
5,000 phụ nữ Việt Nam bán dâm trá hình ở Malaysia

Theo Cục Tham Mưu Cảnh Sát, Bộ Công An, hiện có khoảng 5,000 phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm trá hình ở Malaysia.
Đó là thông tin của ông Nguyễn Minh Kiệm, phó trưởng phòng thường trực Chương Trình Phòng Chống Mua Bán Người, Cục Tham Mưu Cảnh Sát, Bộ Công An, cho biết trong cuộc họp với đoàn Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đến khảo sát tình trạng mua bán người tại thành phố Cần Thơ, sáng 14 Tháng Tư.

Những phụ nữ này đến từ các cơ sở núp bóng “giới thiệu việc làm” để đưa nạn nhân ra nước ngoài rồi đem bán.
Nói với báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thuận, phó giám đốc Công An Cần Thơ, cho rằng: “Rất khó kiểm soát tình hình mua bán người ra nước ngoài vì tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi. Nạn nhân bị dụ dỗ ra nước ngoài sẽ có việc nhẹ, thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài có kinh tế khá giả, hoặc mời nạn nhân đi du lịch nước ngoài rồi tìm cách lừa bán.”
Theo ông Thuận, đối tượng bị nhắm đến là những người học vấn thấp, kinh tế khó khăn, không có việc làm, hay môi giới hôn nhân. Phần lớn nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, Malaysia và Cambodia để làm gái mại dâm. - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào: