Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Tiến trình thực hiện "NHỚ EM", Thơ Thanh Hằng, Nhạc Lê Văn Khoa, Đơn ca Ngọc Hà,

 Thưa các bạn,
 Hôm nay qua một ít hình ảnh,  mời các bạn vào hậu trường, theo dõi từng bước của tiến trình thực hiện bài hát NHỚ EM, hy vọng nhờ đó sự thưởng thức tác phẩm này sẽ trọn vẹn và thú vị hơn. Bài này chỉ là một tác phẩm nhỏ, rất ngắn, chỉ 3 phút 40 giây, nhưng chúng tôi làm việc với mọi thận trọng cần thiết như các tác phẩm lớn của tôi.<!> 
Ngày xưa, khi bắt đầu viết ca khúc, tôi phổ nhạc cho bài thơ Tống Biệt của Tản Đà, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư.... và vài bài ca dao, là thơ của những nhà thơ đáng kính và đã khuất bóng. Bây giờ tôi làm ngược lại, phổ nhạc theo thơ của người làm thơ đương thời và gần gũi với tôi. Ngày trước tôi chỉ viết giai điệu đơn thuần, nhưng bây giờ tôi viết cho cả dàn nhạc giao hưởng và nhiều khi thêm cả ban hợp ca. Lần này tôi chọn thơ của Thanh Hằng, chị ruột của bà xã tôi và giọng hát của Ngọc Hà, bà xã tôi. Ngoài việc họ có thực tài, tình gia đình gắn bó, lòng hy sinh lớn đã giúp chúng tôi nắm tay nhau cùng làm việc. Thực ra chị Thanh Hằng có viết lời cho nhiều ca khúc của tôi, cũng như Ngọc Hà đã hát tất cả bài hát của tôi.
Trước hết tôi xin được giới thiệu chị Phan Thanh Hằng cư ngụ tại San Francisco. Chị là người làm thơ tài tử. Chị có tài làm thơ rất nhanh, rất ý nhị, nhưng chưa cho xuất bản tập thơ nào. Đáng tiếc! Tháng Tám năm 2016, tôi đề nghị chị làm một bài thơ và tôi sẽ phổ nhạc bài thơ ấy. Chị đáp ứng và bài thơ NHỚ EM được gửi xuống cho tôi ở thành phố Orange, Nam California. 
Tôi phổ nhạc, viết hòa âm và phối khí cho dàn nhạc giao hưởng. Câu thơ: "Anh bỏ quê, anh bỏ xứ mang theo tình thơ dại; Em ở đâu? Em ở đâu? cho anh theo mỗi bước; Giữa đại dương, trên đỉnh núi chơi vơi gọi nhớ em; Ước mong sao được thấy bóng dù xa. . ." làm cho tôi quyết định viết thêm cho ban hợp ca. Tôi có ý dùng ban hợp ca chung với dàn nhạc, cùng nâng giọng đơn ca bùng lên trong bối rối, cay đắng, hốt hoảng vì sự chia lìa đột ngột để tạo cao điểm, sau đó toàn thể chìm xuống trong hụt hẫng, nghẹn ngào, tức tưởi, thổn thức, lắng đọng lẻ loi và chìm đắm trong đau thương âm thầm. Phần cuối bài thơ, với câu: " Thôi hết rồi, đâu nữa ngày ấm êm", giọng hợp ca sẽ ôm ấp, vỗ về trong thông cảm đồng điệu với giọng đơn ca thích hợp hơn là ban nhạc. Vì vậy tôi cho ban nhạc giãn thưa ra và tắt tiếng từ từ, nhường chỗ cho hợp ca vỗ về, an ủi trong tình nồng cùng chung sắc điệu. Giữa tháng Chín, nhạc viết xong. Tôi liền gửi qua Kyiv, Ukraine để mọi người liên hệ bắt đầu tập dợt cho kịp buổi thu thanh vào cuối tháng.
Ngọc Hà, một giọng ca Soprano tài tử với kỹ thuật vững vàng. Không xuất hiện trong các Đại Nhạc Hội, nhưng Ngọc Hà đã từng trình diễn với The Royal Melbourne Philharmonic Symphony Orchestra ở Úc, góp phần thường xuyên trong chương trình của dàn nhạc giao hưởng Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ tại California, Hoa Kỳ,  và nhiều lần với giàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra and Chorus ở Ukraine và Washington D.C. 
Một người rất quan trọng trong việc thực hiện tác phẩm NHỚ EM là nhạc trưởng, người nắm ý tưởng và hình ảnh ẩn giấu trong nốt nhạc, giúp nhạc sĩ chuyển ra âm thanh để người nghe nhận được điều người viết nhạc muốn tỏ bày. Bà Alla Kulbaba, nhạc trưởng chính của National Ukranian Opera, Nhạc Trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, người đã đi trình diễn khắp thế giới. Bà đã từng thắng giải trong cuộc thi tài điều khiển dàn nhạc giao hưởng ở Âu châu. Bà là người am hiểu và xác nhận nhạc Lê Văn Khoa dù không lời ca nhưng có rất nhiều hình ảnh linh động. Bà đã điều khiển những buổi trình diễn và thu thanh nhạc của Lê Văn Khoa từ năm 2005,  từ loại Symphony đến những tác phẩm không lời viết cho nhạc khí độc tấu với dàn nhạc giao hưởng, và nhiều ca khúc có phần đệm của dàn nhạc và ban hợp ca.
Bài hát NHỚ EM được thu thanh tại phòng thu chính thức của cơ quan Truyền Thanh và Truyền Hình Ukraine, tại thủ đô Kyiv (Kiev), cuối tháng Chín 2016, ngay sau khi chúng tôi đến Kyiv. Đây là một trung tâm thu thanh rất lớn, ở trên đồi cao. Phòng thu chính ở tầng thứ nhì, sân khấu rất rộng và có thêm 300 ghế gắn cố định cho khán giả dự thính khi có chương trình trình diễn sống. 
Người trình diễn bắt đầu đến, từ từ đi lên tầng một, vô trong rồi đi lên tầng hai.
Trên lầu hai, trong khi chờ đợi tới giờ vào phòng thu, Lê Văn Khoa thảo luận chi tiết với pianist Lyudmila Chychuk ở hành lang rất rộng, bên ngoài phòng thu.
Lê Văn Khoa, Ngọc Hà, Nhạc Trưởng Alla Kulbaba và vợ chồng Chu Lynh của VietNam Film Club trong phòng của kỹ sư âm thanh Misha Michael, một người không thể thiếu trong việc thu thanh này. Ông đã làm việc với Lê Văn Khoa được 11 năm rồi, từ năm 2005. Phòng này có một bức tường bằng kính để nhìn thẳng ra phòng trình diễn.
Ban nhạc và ban hợp ca đã tập riêng từ trước, bây giờ chuẩn bị tập dợt chung ngay trong phòng thu thanh. Phòng thu rộng, đứng hạng thứ nhì trên toàn châu Âu. Khi thu thanh, nhiều Microphone được đặt ở nhiều điểm khác nhau để lấy âm vang (vibration) trung thực chứ không dùng kỹ thuật điện tử.
Đây là một phần của ban nhạc, thuộc dàn dây, nhìn từ bên trái. 
Vì chơi theo lối nhạc cổ điển, riêng bộ gõ cũng có 5 hay 6 người. Mỗi người chịu trách nhiệm phần nhạc riêng của mình, từng nốt nhạc rời hay chung từng loạt, cũng như từng dấu nghỉ thật ngắn đều được trung trực trình tấu theo ký âm của người viết nhạc.
Nhạc trưởng đối diện với ban nhạc trải rộng. Ban hợp ca ở sau lưng nhạc trưởng. Khi tới phần hát, nhạc trưởng quay người lại để ra hiệu cho ban hợp ca bắt đầu. Nói chung mỗi người đều đã nắm vững phần vụ của mình, nhạc trưởng giúp mọi người diễn tấu nhạc ăn khớp rập ràng, đúng cường độ, cho tình cảm hòa quyện nhau theo sự ghi chú của người viết nhạc.
Lần này chúng tôi dùng ban hợp ca Anima, thuộc phân khoa Hợp Ca và Ca Trưởng của trường Đại Học National University of Culture and Arts tại Kyiv, thủ đô Ukraine. Họ đã có sản xuất CD riêng.
Tập dợt xong. Tới giờ trình diễn. Mọi người thoải mái và sẵn sàng chờ đũa lệnh của Nhạc Trưởng.
Ngọc Hà đơn ca, được đặt đứng cách xa ban hợp ca. Trong hình này pianist và grand piano bị khuất ở phía sau. Dàn kèn đồng và kèn gỗ cũng bị khuất phía sau dàn dây. Khi bắt đầu, mọi sự được tốt đẹp như dự định.
 
Hát xong. Kết quả tốt. Nhạc trưởng Alla Kulbaba và ca sĩ Ngọc Hà vui mừng ôm nhau. Mọi người thỏa lòng. 
Cùng chụp hình lưu niệm với ban hợp ca tại phòng thu. Người cao hơn hết là Tiến Sĩ Taras Myronyuk, Giáo Sư Âm Nhạc và là ca trưởng của Ban Hợp Ca Anima. 
Dù trình bày một tác phẩm nhỏ, giàn giá trình diễn không thua kém một tác phẩm lớn bao nhiêu. Trong bài NHỚ EM ban hợp ca không hát từ đầu, chỉ góp tiếng hát từ phút thứ 2:25 để hòa với dàn nhạc, nổ tung khi giọng hát ca sĩ diễn tả nét cuống cuồng của người trong cuộc bị lạc mất người yêu. 
Như đã thấy, rất nhiều người góp tài năng và hết lòng cùng nhau đưa âm thanh mong muốn đến người thưởng thức. Đó là mục đích của chúng tôi. Thực hiện một tác phẩm nghệ thuật không thể làm sơ sài.
Nếu chưa nghe hoặc muốn nghe lại bài NHỚ EM, bạn có thể bấm vào phần âm nhạc đính kèm bên trên. Mời bạn nghe để chia sẻ tâm trạng của người bị chia lìa vì biến cố 30-4-1975. Nếu nghe dưới hình thức thưởng ngoạn, những hình ảnh bên trên giúp bạn có cảm tưởng đang ngồi trong thính đường rộng, có dàn nhạc lớn đang trình diễn trước mặt, riêng cho bạn.
Thân mời các bạn thưởng thức:
"NHỚ EM" 
Thơ: Thanh Hằng, 2016
Nhạc, Hòa âm và Phối khí: Lê Văn Khoa, 2016
Đơn ca: Ngọc Hà, 2016
Dàn nhạc: Kyiv Symphony Orchestra và Anima Chorus, 2016
Nhạc Trưởng: Alla Kulbaba
Ca trưởng: Taras Myronyuk
Hình ảnh: Lê Minh Khải
Lê Văn Khoa

Không có nhận xét nào: