Vượng bị sốt rét dai dẳng suốt sáu năm trong tù, nhưng không khổ sở bằng bệnh loét dạ dày. Ðã mười ngày qua, bữa ăn nào cũng bo bo, sắn lát khô. Chúng chà xát vào chỗ loét hành hạ Vượng suốt ngày đêm. Buổi sáng đầu tuần, tù chuẩn bị lên đường lao động, bụng Vượng đột nhiên lên cơn đau dữ dội, từng cơn quặn thắt. Mồ hôi túa ra, cơn lạnh ụp đến khiến anh khụyu xuống giữa hàng tù đang điểm danh. Anh em vội vã khiêng Vượng đến bệnh xá. <!>
Trưởng bệnh xá là một cán bộ y sĩ miền Bắc, phụ giúp lão ta là bác sĩ Tân người miền Nam vượt biên bị bắt vào tù. Ông chẩn đoán là Vượng bị xuất huyết bao tử và yêu cầu cho chuyển gấp bệnh nhân xuống nhà thương thành phố.
Y sĩ cán bộ bảo:
- Tù cải tạo bị bệnh dạ dày không có tiêu chuẩn điều trị ở cấp thành phố.
- Nhưng đây là trường hợp xuất huyết nội khẩn cấp, biến chứng nguy hiểm của bao tử , bệnh xá không đủ phương tiện để cứu một mạng người.
Bác sĩ Tân vừa giải thích vừa khẩn cầu nhưng cán bộ y sĩ vẫn tảng lờ.
Vừa khi đó một phái đoàn y tế đến thanh tra trạm xá bất ngờ. Bác sĩ Tân trình bày trực tiếp với phái đoàn về ca bệnh của Vượng, và yêu cầu cho đi cấp cứu. Phái đoàn chấp thuận. Vượng được xe chở đi gấp đến Trung tâm Y tế Toàn khoa Ðà Nẵng ngay trong ngày.
Xe đến bệnh viện đã hết giờ làm việc. Vượng vẫn còn mê man, nhiệt độ hạ thấp, nhịp tim rối loạn. Y sĩ trực cho chuyền nước biển và thuốc cầm máu.
Ðọc hồ sơ bệnh lý, nữ bác sĩ trực thấy tên bệnh nhân là tù cải tạo Hoàng đình Vượng, đại úy ngụy, quê Sơn Lộc. Bác sĩ ra chiều tư lự. Bà đo lại nhịp tim, vạch mắt bệnh nhân xem. Ðột nhiên bà cho lệnh chuyền máu khẩn cấp và đích thân mình chích thuốc trợ tim cho Vượng.
Một ca bệnh được chuyền máu là điều hiếm thấy ở bệnh viện nầy. Ngoại trừ thân nhân con bệnh chạy tiền mua máu. Suốt đêm bác sĩ có vẻ bồn chồn hết ngồi ở phòng trực lại đến giường bệnh nhân. Nàng nhìn chăm chăm vào khuôn mặt Vượng rồi buông tiếng thở dài.
Tình trạng xuất huyết bao tử đã qua cơn hiểm nghèo, Vượng được chuyển qua phòng nội thương. Viên công an giữ tù luôn quanh quẩn ngoài hành lang để canh giữ tù bệnh nhân .
Ngày hôm sau, bác sĩ trực nghỉ. Người trợ y nhận một gói quà do một phụ nữ mang vào cho Vượng gồm hai lon sữa, chục hột gà và một hộp thuốc bổ. Y tá trao quà choVượng và bảo của thân nhân nhờ gởi. Vượng hỏi tên thân nhân nhưng cô ta lắc đầu không rõ.
Phòng nội thương của Vượng nằm điều trị thuộc phần trách nhiệm của nữ bác sĩ trực đêm trước. Theo thông lệ, sáng nay bác sĩ đến từng giường khám cho bệnh nhân. Mở mắt nhìn nữ bác sĩ đang đọc đồ biểu nhiệt độ, Vượng giật mình. Tim anh bỗng dưng đập rộn ràng. Ký ứcVượng chợt hiện ra khuôn mặt trái xoan cùng đôi mắt to tròn của cô bé Lê thị Ngọc Thu ngày xưa. Vượng nhắm mắt để nhớ về kỷ niệm mối tình đầu một thời hai người đã yêu nhau. Ngọc Thu và Vượng là bạn học cùng trường, đã từng đóng chung vai trong các vở kịch trong thời kháng chiến. Họ yêu nhau và giúp đỡ, bảo vệ cho nhau để vượt qua những khó khăn trong những tháng năm cắp sách đến trường. Kỷ niệm ngày tháng cũ bỗng dưng bừng dậy hiện ra trước mắt Vượng :
Ánh nắng chiều nhuộm vàng luống cải giống trước sân. Ðứng trên hiên nhà, Vượng dõi mắt nhìn đàn cò sãi cánh dọc bờ sông. Chợt Ngọc Thu hớt hải chạy đến kéo Vượng ra góc vườn nói trong cơn xúc động :
Ánh nắng chiều nhuộm vàng luống cải giống trước sân. Ðứng trên hiên nhà, Vượng dõi mắt nhìn đàn cò sãi cánh dọc bờ sông. Chợt Ngọc Thu hớt hải chạy đến kéo Vượng ra góc vườn nói trong cơn xúc động :
“Bố Thu đã về, ngày mai nầy Thu phải theo bố đi tập kết ra Bắc, chẳng biết hai đứa mình còn có dịp gặp nhau nữa không?” Mắt đầy lệ, Thu cầm tay Vượng: “Bố bảo, hai năm sẽ trở về, mà Thu thì có linh cảm tụi mình khó có ngày gặp lại”.
Thu ngừng nói, bỏ vào tay Vượng một vật nhỏ hình quả tim bằng ngọc thạch viền vàng, dặn dò: “Quà của bố đem về từ mặt trận cho Thu đấy. Bố bảo lấy được trong túi của một tử thi người Pháp . Giờ Thu tặng cho Vượng làm kỷ niệm. Hãy giữ nó mà nhớ đến năm tháng chúng mình gần nhau.” Nói xong, Thu vòng tay ôm lấy Vượng, ngã đầu lên vai anh. Những giọt nước mắt của Thu thấm vào vai áo Vượng như những giọt cường toang làm tan nát trái tim người con trai mười sáu tuổi. Hai người hôn nhau vội vã rồi Thu quày quả chạy đi. Vượng đứng tần ngần bên gốc mận nhìn bóng Thu khuất dần sau bờ rào dâm bụt. Trái tim Vượng se thắt và nước mắt trào ra..!
Nữ bác sĩ nhẹ nhàng đặt ống nghe trên ngực khiến Vượng giật mình tưởng chừng đôi tay nàng đè nặng lên trái tim mình. Bác sĩ nhìn vào mắt Vượng, ánh mắt đầy thương cảm của một luơng y.
Nhân lúc y tá chích thuốc,Vượng hỏi thăm tên của vị bác sĩ điều trị. Thì ra tên nàng là Phương Ngọc, thế mà Vượng ngỡ là Thu, người bạn gái thuở học trò Trung học Rừng Xanh đã ra Bắc từ năm 54. Vượng hoàn toàn thất vọng, ký ức đã đánh lừa chàng .
Nhờ chuyền bịch máu, uống sữa và thuốc bổ bồi dưỡng sức khỏe của Vượng phục hồi rất nhanh. Năm ngày sau, Vượng được y tá gọi vào phòng bác sĩ trực. Anh rất ngạc nhiên trước sự hiện diện của bác sĩ Phương Ngọc. Nàng mời Vượng ngồi ghế đối diện. Với giọng lơ lớ nửa Bắc nửa Trung Bác sĩ nhỏ nhẹ hỏi:
- Ngoài tên Hoàng Ðình Vượng, anh còn tên nào khác ?
- Chỉ một thôi.
- Anh có muốn báo tin cho gia đình đến thăm ?
- Cha mẹ tôi đã mất lâu rồi.
- Còn anh chị em ?
- Có người chị ruột ở thị xã Quảng Ngãi rất đông con, cuộc sống giờ kham khổ lắm.
- Thế vợ con anh ?
- Tôi có người vợ mới hứa hôn, nhưng chẳng may đã bị tử thương do hỏa tiển từ trong rừng pháo vào thị trấn. Vì buồn chán, vả lại đời sống quân ngũ rày đây mai đó nên tôi chưa lập gia đình. Sau 75 tôi vào trại cải tạo mãi đến bây giờ.
- Anh Vượng à, ngày mai xuất viện, với trách nhiệm một y sĩ điều trị tôi đề nghị trại cho anh làm việc nhẹ một thời gian. Nếu có điều chi cần, anh lấy địa chỉ nầy liên lạc với bạn anh.
- Thưa bác sĩ, tôi muốn biết người bạn ấy tên gì, quan hệ từ đâu ?
- Tôi nghĩ, anh chưa cần biết trong lúc nầy.
- Tôi có thể nhờ bác sĩ giúp cho một việc ?
- Anh cứ tự nhiên.
- Bác sĩ tìm và báo hộ cho một nữ sinh viên trường thuốc Hà Nội vào khoảng năm 66, 67 tên Lê thị Ngọc Thu có người yêu là Tạ văn Hoanh đi B vào Nam . Anh ấy đã tử thương trong trận công đồn nơi đơn vị tôi đồn trú vào ngày 19 tháng 5 năm 67. Mộ phần của anh ấy được thân nhân chăm sóc tử tế trên đồi Trâm ở quê anh ấy. Hiện giờ tôi còn giữ bức thư của Ngọc Thu gởi cho Hoanh khi vào Nam . Hoanh và Thu đều là bạn học cũ của tôi.
- Anh giữ thư ấy để làm gì ?
- Tôi chỉ muốn lưu lại nét chữ thân thương của người bạn gái mà tôi có rất nhiều kỷ niệm từ thuở thiếu thời.
Dường như bác sĩ Phương Ngọc tránh ánh mắt của Vượng, nàng vội cúi xuống cầm một hộp giấy đặt lên bàn, với giọng nói lạc hẳn đi :
- Ðây là quà của bạn anh gởi.
- Bạn của tôi ? Tiếc rằng người ấy lại không cho tôi được hân hạnh biết tên. Tôi vô cùng xúc động khi gói quà đầu tiên gởi đến trong ngày đầu nhập viện. Suốt thời gian nằm trên giường bệnh, lòng tôi mãi phân vân về món quà ấy. Giờ nếu biết được người cho là ai, tâm tư tôi mới đỡ phần áy náy. Thưa bác sĩ, tôi xin phép không nhận món quà lần nầy và nhờ bác sĩ chuyển lời xin lỗi cùng lời cảm ơn về tấm lòng hào hiệp của người ấy.
Với ánh mắt kinh ngạc, nàng nhìn Vượng, rồi thấp giọng nửa trách hờn nửa van lơn:
- Nhưng trong gói quà có số thuốc rất cần thiết cho bệnh bao tử và sốt rét của anh mà !
- Khi nào tôi biết được tên vị ân nhân, chừng ấy tôi xin làm vừa lòng bác sĩ. Nhân đây, tôi cũng thành thật cảm ơn bác sĩ đã cứu chữa bệnh tôi thoát cơn hiểm nghèo.
- Chẳng có gì để anh phải cảm ơn. Tôi chỉ làm theo lương tâm của thầy thuốc.
Vượng chào bác sĩ Phương Ngọc rồi quay về giường bệnh.
* * *
Trời vừa tờ mờ sáng, công an giữ tù đẩy Vượng lên chiếc xe tải chất đầy hàng tiếp liệu. Con đường núi gồ ghề lở lói xe đi mất trên nửa ngày mới đến nơi.
Theo lời đề nghị của bác sĩ Phương Ngọc, ban giám thị trại cho Vượng vào toán làm việc nhẹ. Những ngày tháng tù đày lại tiếp tục…
Chỉ ba hôm sau, Vượng được gọi tên lên ban trực trại nhận quà. Gói quà đã bị mở tung tự hồi nào gồm ba viên thuốc Fansidars trị sốt rét, một hộp thuốc viên trị dạ dày, hai lon sữa đặc và một lá thư. Người gởi thư là Lê Thị Ngọc Thu.
Về đến lán trại chàng mở thư đọc ngay :
“Anh Vượng thân mến, hôm xuất viện Thu gởi cho anh một ít quà. Anh không nhận Thu buồn lắm. Nhưng không thể trách anh được bởi người cho quà lại muốn giấu tên. Sáng nay, Thu phải đi bưu điện gởi gấp lên anh loại thuốc trị sốt và loại thuốc tráng vết loét bao tử. Bác sĩ Phương Ngọc khen anh kiên cường và cũng đầy lòng nhân ái. Thu rất xúc động khi nghe chị ấy nói anh còn giữ bức thư của Thu viết cho Hoanh và anh vẫn còn nhớ những kỷ niệm của chúng ta. Hy vọng sẽ có ngày gặp lại. Thu. "
Và ba tháng sau đó, Thu lại viết cho Vượng:
“Thu mong chờ thư hồi âm của anh mà chẳng thấy. Hôm nay viết cho anh vì Thu lo lắng căn bệnh xuất huyết bao tử có thể tái phát. Ðừng ngại ngùng với cái địa chỉ của Thu cho anh. Bác sĩ Phương Ngọc đã đi khỏi bệnh viện Ðà Nẵng. Giờ chị ấy đến phụ trách một bệnh viện nhỏ ở huyện miền núi. Bác sĩ Ngọc bảo là rất thỏa lòng khi cứu sống được anh. Thu đã một lần về thăm quê Sơn Lộc. Ði qua chợ Phước Lộc điêu tàn năm xưa khiến Thu nhớ đến anh. Nhớ xót xa thuở hai đứa mình đã dìu nhau đi học trong những năm khốn khó thời kháng chiến. Nhớ những buổi sáng sớm đến trường, anh che chở cho Thu bớt sợ hãi trước cô Sáo tật nguyền. Thu tự hứa với mình là phải có một lần đến trại cải tạo thăm anh. Hãy giữ gìn sức khỏe và biên thư cho Thu.”
Vượng không thể lẩn tránh trước những con người có trái tim nhân đạo giữa một chế độ chỉ biết nuôi dưỡng hận thù. Vì vậy anh viết ngay cho Thu và bác sĩ Phương Ngọc:
“... Tôi rất ngại ngùng khi biên thư nầy bởi người tù không muốn mang phiền lụy đến cho một ai. Tuy nhiên, tôi phải viết để tỏ lòng nhớ ơn bác sĩ Phương Ngọc đã đặt tình đồng loại lên trên mọi lãnh vực khác. Nếu bác sĩ phân biệt mạng sống của người tù với mạng sống kẻ khác thì ngày nay xác thân nầy đã mục rữa dưới lòng đất. Tôi cũng gởi đến Thu lời cảm ơn chân thành về liều thuốc trị sốt rét và bao tử. Ba viên Fansidars như thần dược đã cắt hẳn cơn sốt kéo dài trong tôi suốt mấy năm liền. Riêng bệnh dạ dày thì đã có thuốc của Thu làm giảm được cơn đau.
Tôi thật sự xúc động khi nghe Thu nhắc về kỷ niệm xưa. Ngay lúc nầy đây, tôi vẫn chưa quên đôi mắt đẫm lệ khi Thu từ biệt tôi lên đường đi Bắc. Và hình ảnh Thu trong vở kịch “Lời Người Ra Ði” đóng vai người yêu tiễn Vượng lên đường ra chiến trường. Nụ hôn ngây ngô của đôi tình nhân tuổi học trò đó vẫn còn ấm mãi trong lòng tôi. Ôi, lưu dấu ngày xưa đẹp t uyệt vời, lồng lộng như ánh trăng rằm và êm đềm như dòng suối soi trăng !
Vượng bây giờ cảm thấy bớt cô đơn Thu ạ. Trong cái rủi lại có cái may. Nếu không có chuyến đi cấp cứu làm sao gặp được người xưa. Mình chỉ là hạt bụi bị cơn lốc của cuộc đời làm xáo động. Vậy thôi. Xin tạm biệt.
* * *
Thời gian qua nhanh. Thư Vượng gởi đi đã bốn tháng rồi, chờ mãi chẳng thấy hồi âm.
Ngày Tết Nguyên Ðán đã cận kề. Thân nhân thăm nuôi tù tấp nập. Trong số ấy, ngạc nhiên nhất là Vượng.
Ðã lâu lắm anh mới được diễm phúc nầy. Vượng đang suy đoán người thăm mình là ai, chợt quản giáo trực gọi tên Vượng ra gặp thân nhân là Lê thị Ngọc Thu. Trên đường ra khu thăm nuôi, Vượng nghe lòng rạo rực như buổi hẹn hò thuở nào ngày xưa. Người ra đón Vượng là bác sĩ Phương Ngọc. Vừa nhìn thấy nàng, Vượng sửng người nhưng cố lấy dáng vẻ tự nhiên cất tiếng chào bác sĩ . Phương Ngọc nói ngay:
Ngày Tết Nguyên Ðán đã cận kề. Thân nhân thăm nuôi tù tấp nập. Trong số ấy, ngạc nhiên nhất là Vượng.
Ðã lâu lắm anh mới được diễm phúc nầy. Vượng đang suy đoán người thăm mình là ai, chợt quản giáo trực gọi tên Vượng ra gặp thân nhân là Lê thị Ngọc Thu. Trên đường ra khu thăm nuôi, Vượng nghe lòng rạo rực như buổi hẹn hò thuở nào ngày xưa. Người ra đón Vượng là bác sĩ Phương Ngọc. Vừa nhìn thấy nàng, Vượng sửng người nhưng cố lấy dáng vẻ tự nhiên cất tiếng chào bác sĩ . Phương Ngọc nói ngay:
- Em Ngọc Thu đây .
Vượng chưa kịp nói gì thì nàng tiếp
- Vâng. Thu đã ngờ ngợ khi nhìn thấy tên Hoàng Ðình Vượng trong hồ sơ bệnh lý. Lúc khám mắt anh, Thu đã nhận ra nốt ruồi trên khóe mắt mà ngày xưa Thu thường gọi là “giọt nước mắt đen”. Thu cảm thấy thương xót anh vô cùng. Một cán bộ cách mạng đứng ra che chở kẻ địch là một việc làm liều lĩnh. Bọn y tá toàn là mật báo viên theo dõi mọi hành động của y sĩ. Biết vậy, nhưng Thu vẫn liều. Thà bị kỷ luật còn hơn để mất anh. Thu đã hiểu rõ các anh sau khi về thăm quê cũ. Ðiều Thu cảm động nhất là anh đã dựng bia mộ cho Hoanh, là kẻ đối nghịch cùng với đoàn quân vượt tuyến vào nam.
Ðể tránh cơn xúc cảm, Thu lấy bi - đông trong túi xách uống một ngụm nước rồi tiếp:
- Cuộc đời của Thu cũng lắm gian truân Vượng à. Sau ba năm mới được tin chính xác Hoanh, chồng sắp cưới của Thu hy sinh. Ðến năm 1973, Thu được bổ sung vào toán y sĩ phục vụ tòa đại sứ Hà Nội ở Liên xô. Tại đây, Thu hứa hôn với một tùy viên quân sự, nhưng bất ngờ Thu phát hiện mình bị ung thư ngực. Phương án của hội chẩn y sĩ đoàn là quyết định cắt bỏ nhũ hoa. Sau đó vị hôn phu của Thu cũng quyết định xin từ hôn. Hai mươi năm sống trên đất Bắc, Thu chẳng lạ gì cái thái độ dứt khoát đến tàn nhẫn như thế. Trái tim họ chỉ biết rung cảm trước quyền lợi và địa vị. Tình yêu phải được cân đo đong đếm như một món hàng trao đổi mà phần lợi phải thuộc về họ. Vượng biết không, khi có chiến dịch “Ði B”, người có gốc Miền Nam tập kết ra bắc 1954 đã ùn ùn tình nguyện với một lý do thầm kín nhất là rời bỏ càng sớm càng tốt cái miền đất đầy đố kỵ nầy. Ngay cả Thu cũng nộp đơn xin đi Nam, nhưng bố khuyên nên học xong rồi đi cũng không muộn.”
- Bố Thu giờ ở đâu, sức khỏe thế nào ? Vượng ngắt lời
- Cảm ơn anh, ông hiện sống với bà vợ sau ở quê Nghệ Tĩnh. Bố Thu là một Trung đoàn trưởng chiến đấu gian lao ở Miền Trung suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Khi ra ngoài Bắc chỉ huy một tiểu đoàn tạp nhạp khai phá vùng kinh tế mới Hưng Yên. Ðến năm 1962 ông bị nghỉ hưu.
- Thu về Nam năm nào ?
- Giải phóng xong là Thu làm đơn xin chuyển ngay, nhưng đến hai năm sau cấp trên mới điều về đây.
- Hiện nay, Thu công tác ở bệnh viện nào ?
- Tại một huyện miền núi, dù xa xôi cách trở nhưng Thu lại hài lòng. Ở đây mình tránh được những khuôn mặt bon chen và cái công thức điều trị vô lương tâm. Bệnh nhân cũng chia cấp như tiêu chuẩn phần ăn : tiểu táo, đại táo. Cán bộ đảng được chữa trị bằng thuốc ngoại nhập, bồi bổ bằng các loại cao, sâm quý hiếm nhập từ Trung quốc, Triều Tiên còn dân thường thì chữa trị bằng thuốc nội địa. Y sĩ nào còn chút lương tâm không tránh khỏi đau lòng bởi “cái tiêu chuẩn phân cấp” đó. Nó trói tay người điều trị để nhìn con bệnh chịu đau đớn trước khi lìa đời. Mình thật sự xấu hổ trước cái khẩu hiệu “lương y như từ mẫu”.
Những tâm sự bộc trực của Thu đã khiến cho Vượng lo âu không ít. Anh chỉ yên tâm một phần nào là nhờ Thu mặc bộ áo quần đại cán, và ngồi riêng rẽ ở góc bàn cách xa cán bộ trực.
Giờ thăm nuôi chấm dứt, Thu trao gói quà cho Vượng bảo :
- Quà được kiểm tra rồi, toàn thuốc trị dạ dày và ít thuốc bổ cho anh. Hãy phấn đấu, giữ gìn sức khỏe. Xin anh đừng ái ngại, đừng mặc cảm, nhớ viết thư cho em.
Thu nắm chặt đôi bàn tay Vượng. Hơi ấm từ bàn tay nàng khiến Vượng nhớ lại lần đầu tiên Thu đã siết chặt tay mình khi đi qua cái lều cô gái tật nguyền, bất chợt Vượng hỏi:
- Thu còn nhớ cô gái tên Sáo ăn xin nằm trên sạp chợ Phước Lộc?
- Làm sao quên được, đó là kỷ niệm sâu đậm nhất thời niên thiếu của chúng mình.
Hai người nhìn nhau, ánh mắt chan chứa tình nồng ấm của hai tâm hồn cô đơn. Bất giác, mắt Thu rưng rưng ngấn lệ. Chợt tiếng hối thúc của viên quản giáo kề bên. Hai người sực tỉnh vội rời tay nhau từ biệt.
Mấy đêm liền, đôi mắt Thu cứ chờn vờn trong giấc ngủ của Vượng. Hai mươi sáu năm qua rồi mà ánh mắt nàng vẫn còn đầm ấm, hiền hòa như thuở xưa.
* * *
Rồi ngày tháng lạnh lùng lướt qua trên cuộc đời chồng chất khổ đau của người tù không bản án. Cho tới buổi chiều mùa Ðông năm 1983, Vượng được gọi tên nhận thư . Viên quản giáo xoi mói nhìn Vượng hỏi :
- Bà Bác sĩ Phương Ngọc có mối quan hệ nào với anh ?
- Báo cáo cán bộ : chị ấy là người cùng quê thuở còn đi học.
- Ðây, thư của đồng chí ấy gởi cho anh.
Kèm theo bức thư là tấm hình của Thu chụp ngày ra trường thuốc ở Hà nội. Bên sau tấm hình nàng ghi : “Thương tặng anh Hoàng Đình Vượng để nhớ về kỷ niệm xưa”. Thư viết trên trang giấy học trò với màu mực tím:
“Hôm lên thăm anh ra về em khóc suốt. Nghĩ thương anh và thương cho em nữa. Tóc đứa nào cũng đã lấm tấm sợi bạc mà tình thì mãi còn long đong. Căn bệnh ung thư của em có triệu chứng di căn. Không biết ngày anh về chúng mình có còn gặp nhau nữa không. Chút hạnh phúc cuối cùng còn sót lại chẳng lẽ ông trời lại cướp đi. Vượng ơi, người ta đánh đổ duy tâm, riêng em thì tin có số mệnh. Ðã gần ba mươi năm rồi mà hình ảnh mối tình đầu của chúng ta vẫn còn đậm nét trong trái tim em. Làm sao em quên được những kỷ niệm ngọt ngào trong thời niên thiếu. Ngày nhận ra anh nơi bệnh viện em đã nghe trái tim em thì thầm : Hãy giật lại anh trên tay thần chết và sẵn sàng vất bỏ tất cả cho tình yêu. Nếu mình không trọn vẹn với nhau trong kiếp nầy thì ta hẹn nhau kiếp sau vậy. Hôn anh.
Phương Ngọc Lê thị Thu.
Nhắc đến định mệnh, Vượng ngẫm lại thân phận mình, hai lần tình đến, hai lần chia ly. Chàng nhớ một dạo nọ, người bạn sinh viên Hồ Ðắc Lý theo ngành Triết học Ðông Phương rất giỏi về khoa tướng số nhìn vào mắt chàng rồi thốt lên :
“Nốt ruồi trong khóe mắt của cậu nếu phá được thì tốt biết mấy.”
“ Vì sao vậy?”, Vượng tò mò hỏi.
“Cả cuộc đời cậu chỉ biết khóc cho tình yêu, nốt ruồi đó là viên hắc lệ”.
Vượng nhắm mắt nghĩ đến Tường Vy, vị hôn thê của mình sắp đến ngày cưới bị tử thương ngay trên bục giảng do hoả tiển của địch pháo vào thị trấn. Nàng ra đi lúc tình yêu căng đầy của tuổi thanh xuân.
Vượng thở dài :“Ðã sắp đến cái tuổi ‘Tứ thập nhi bất hoặc’ lệ cho hai mối tình và lệ suốt tám năm tủi nhục trong tù, lệ còn đâu mà khóc. Còn chăng là những giọt máu đỏ vắt từ trái tim người tù khổ đau.”
Bỏ thư vào túi, Vượng thẫn thờ đi ra ngoài sân hội trường nhìn về phía trời xa hun hút những dãi mây đen. Và ẩn hiện trong trí mình bóng dáng hai người tình với ánh mắt chan chứa tình nồng ấm yêu thương, ánh mắt làm bừng sáng trái tim đầy thương tích của mình. Bất giác, Vượng thốt lên: - Thu ơi, em thật xứng đáng là đóa hoa sen vươn lên giữa cánh đồng lầy cỏ dại,
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét