Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Vượt Biển Đến Laem Sing - Alfa Phan Ni Tấn

Để tưởng niệm Tháng Tư Đen, Mùa Quốc Hận lần thứ 41, huynh trưởng - đồng môn Phan Ni Tấn kể lại cho chúng ta chuyến vượt biển đầy hiểm nguy, gian khổ của ông, nhưng may mắn đến được bến bờ tự do 37 năm về trước. (Webmaster.)
<!>
Ngày 25 tháng 11 năm 1979 cách đây 37 năm là một thời điểm quan trọng, một biến cố lạ lùng sôi nổi đã ăn ruồng vào tâm trí tôi muôn thuở không quên. Nếu không có phép lạ xẩy ra thì cái ngày định mệnh này đã buộc tôi phải ra đầu thú với nhà cầm quyền Việt Cộng tại Sài Gòn để có cơm ăn, có nhà ở, dù đó là cơm tù và là nhà tù.Như đã nói, ngày 25-11-79 mới thực sự là ngày đổi đời của tôi. Má tôi, người đàn bà suốt đời tận tụy vì chồng con, từ trên Đà Lạt bán nhà xuống giao 5 cây vàng cho bà thím đưa tôi đi vượt biên.  
Tờ mờ sáng ngày 25, tôi và người bà con tên Phước - cựu Thiếu úy Biệt Động Quân Chung Sự Vụ, cải tạo 5 năm tại Phú Quốc, đi chui đường Rạch Giá cả thảy tám lần không lọt - đón Taxi xuống bến xe Xa Cảng Miền Tây mua vé đi Rạch Giá vượt biên. Bến xe Xa Cảng Miền Tây 4 giờ sáng đã ồn ào náo nhiệt. Nhiều người chịu khó ngủ qua đêm trước quầy bán vé, chầu chực tới mờ sáng thức dậy chen lấnxếp hàng, giành nhau mua vé. Bến xe mà y như buổi chợ. Chen giữa tiếng người huyên náo là những tiếng động cơ xe hai bánh và xe xích lô máy. Tiếng còi xe ngược xuôi vô trật tự ré lên inh ỏi, át cả những tiếng người gọi nhau ơi ới, những tiếng khóc của trẻ con, những tiếng chửi thề ngọt lịm, những tiếng rao hàng lanh lảnh.  

. 
Bây giờ không biết đường về Lục Tỉnh ra sao chớ hồi đó đường Sài Gòn - Rạch Giá lở lói, lởm chởm đầy những ổ gà. Bảy giờ sáng xe đò mới chuyển bánh. Xe đã quá tải, dọc đường còn rước thêm khách. Những chiếc ghế “súp” (ghế phụ) được tận dụng tối đa. Chuyến xe sáng xuôi Nam như con ngựa sắt già nua, ốm đói, xục xịch, lắc lư đưa tôi về miệt Phú Lâm, chạy qua Bình Chánh, qua cầu Bến Lức, qua phà Mỹ Thuận về Bắc Vàm Cống, qua ngã ba lộ tẻ theo con đường số 8 vào thị xã Rạch Giá. Xe vừa tới bến trời cũng vừa xế chiều. Hồi còn đi học có dịp về miền Tây lòng tôi như trẻ nhỏ lúc nào cũng nôn nao, háo hức, khác với lần này - âm thầm, lặng lẽ, băn khoăn, lo lắng - tôi đi như rong rêu, như đám lục bình trôi ra biển hay giạt vào nơi không bến không bờ. 
Nghe nói nhiều người xuống Lục Tỉnh đi chui phải ngụy trang sao cho giống với người địa phương hầu che mắt công an rình rập bắt bớ. Riêng tôi và Phước, người bà con vốn đã phong trần từ lò cải tạo có tới lui xuôi ngược cả buổi trong chợ cũng chẳng ma nào thèm ngó. Ngồi ăn cơm chiều ở một quán cơm lộ thiên tôi lặng lẽ quan sát thấy chợ Rạch Giá quả là sầm uất . Chợ búa về chiều kẻ buôn người bán vẫn vui vẻ tấp nập. Bên kia đường là rạp hát Châu Văn đang diễn tuồng cải lương gì mà người đông đen. 
. 
Khoảng 8 giờ tối người dẫn đường tên Nỏn quen với Phước từ trước tới đưa chúng tôi đi. Nhưng vì chưa tới giờ hẹn cũng như để tránh tai mắt những kẻ tò mò, chúng tôi đi lanh quanh vô chợ nhà lồng rồi rảo bước ngược ra hướng cầu đúc. Đứng trên cầu ngó xuống dòng nước đen thẫm lấp loáng những vệt ánh sáng hắt xuống từ một ngọn đèn đường tự nhiên lòng cảm thấy buồn hiu. Sống đời có những nỗi buồn thâm hậu mà thời gian có trăm năm vẫn chẳng phôi pha, cũng như có những nỗi buồn dẫu phớt nhẹ thôi cũng đủ làm đời lay động, nhưng cũng có những nỗi buồn chẳng ra gì mà cũng chẳng thắm thía chi như cái buồn tôi đang mang trong lòng: bỏ xứ mà đi. 
Đúng 9 giờ 30 tối chúng tôi bắt đầu lên đường hướng ra biển. Vì sống bằng nghề nông quen đường đi nước bước nên Nỏn đi rất nhanh. Lúc thì băng đồng vượt suối, lúc thì xuyên kinh lội rạch làm hai thằng tôi lúp xúp bám theo muốn hộc xì dầu. May nhờ có ánh trăng lờ mờ soi đường cũng đỡ khổ cho tầm nhìn. Tôi nhớ đêm đó có đi ngang qua một ngôi chùa tịch mịch, hắt ra một chút ánh đèn vàng ệch lẫn trong tiếng kinh kệ trầm buồn như thầm đón người mới tới mà cũng ngầm tiễn bước chân đi. Tôi tin rằng đi lánh nạn mà gặp chùa chiền, thánh thất hay nhà thờ chẳng khác nào có trời Phật, thần thánh theo sau độ trì. Khi chúng tôi tới điểm tập trung là một cái chòi lá thì đã có khoảng chục người gồm đàn ông đàn bà và trẻ con tới trước rồi. Để phòng du kích hay công an ruồng bố bất thần, tôi và Phước mò ra gốc cây me cách chòi khoảng 20 thước nằm ngủ. Nhưng muỗi đông như cám vãi tấn công tới tấp khiến chúng tôi không tài nào ngủ được. Đêm xuống sâu. Gió rất thoảng. Nghe sóng vỗ dưới bãi lòng nhớ nhà vô hạn. 
. 
Sau hai ngày nằm chờ ghe đến nửa đêm thì có người xách đuốc tới đưa chúng tôi xuống bãi. Cái cảnh đêm hôm khuya khoắt dò dẫm theo ánh đuốc chập chờn lần bước xuống bãi bùn lội biển ra ghe làm sao mà quên được. Từ điểm xuất phát xuống tới bãi hầu như không có lối đi. Dưới ánh trăng mờ ảo, chúng tôi ráng bám theo người dẫn đường, đạp bừa lên các chướng ngại vật, vạch đám lá phi lao già cỗi, cao quá đầu người lần mò từng bước đi tới điểm hẹn. Sau khi đốc thúc mọi người lên hai ghe-nhỏ-giọt xong, tài công hối hả dong thẳng ra ghe lớn. Từ ghe nhỏ ra ghe lớn khoảng một hải lý. Chiếc ghe mang bản số KG 146 dài 7m, ngang 1.5m chở 42 thuyền nhân như chiếc lá tre giữa mênh mông biển cả sóng dồi.  
. 
Để bảo đảm an toàn cũng như tránh tai mắt công an biên phòng, tất cả mọi người đều dồn xuống lòng ghe. Giữa tiếng chân người khua động, ồn ào, chen lấn, xô đẩy nhau tìm chỗ ngồi, tuyệt nhiên không có tiếng la hét, cự nự, chửi rủa nào cất lên. Gần 40 nhân mạng nằm ngồi chen chúc trong lòng ghe chật chội tối om, không ánh sáng, không cả một tiếng động ngoài tiếng máy ghe rì rầm rẽ sóng. Tôi nằm cong người theo lườn ghe, im lặng cảm nhận vị mặn của nước biển thấm vào người, như thủy triều, lại rút tất cả những hệ lụy của cuộc sống ra khỏi người tôi. 
Đêm sâu hơn, dài hơn, không khí ngột ngạt trong lòng ghe như đè nặng trên những con người đang chạy trốn hiểm họa Cộng sản. Đúng như nhà văn Victor Hugo nói: "Chủ nghĩa Cộng sản là giấc mơ của vài người, nhưng là cơn ác mộng của nhân loại".  
Rạng sáng ngày hôm sau ghe ra tới hải phận quốc tế, chủ ghe mới mở nắp hầm cho ánh sáng và không khí tràn xuống lòng ghe. Trong lòng ghe lúc đó là cuộc tập trung một đám đông hỗn độn, bèo nhèo, mệt mỏi, loi ngoi, ướt như chuột lột. Ngồi gần nắp hầm, lợi dụng không ai để ý, tôi ngoi đầu lên nhìn quanh rồi tót hẳn lên sàn ghe. Vài anh thanh niên thấy vậy cũng lóp nhóp lên theo. 
. 
Ngày đang hé cửa. Trên bầu trời đầy nắng và gió. Tôi nhìn lên những đám mây bay trên cao, hít thở mùi vị mặn của biển và nao nao thưởng thức sự tự do của mình. Trên đường vượt biển, thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy tàu chở hàng phía đường chân trời. Giữa đại dương trời biển mênh mông, chiếc ghe của chúng tôi hầu nhưvô hình. 
Đến chiều trời bắt đầu mưa to, gió mạnh. Biển khơi trùng trùng lộng gió. Từng đợt sóng khổng lồ, đen kịn, rùng rùng sôi sục, uốn lượn, thét gào, đẩy ghe của chúng tôi như chiếc lá tre, mong manh bên bờ sống chết; lúc thì chơi vơi trên đầu ngọn sóng, lúc thì tuột xuống thăm thẳm đáy sâu.  Một người chưa từng đi biển như tôi, đối diện với biển mới thấy thế giởi biển thật hùng vĩ nhưng man rợ và hãi hùng hơn sức tưởng tượng của con người 
Để được an toàn, chủ ghe lại bắt chúng tôi trở xuống. Trong lòng ghe hầu như không còn ai biết đói là gì. Giữa tiếng máy ghe rì rầm ngửa nghiêng lướt trong đêm tối đen như mực tôi nghe lâm râm những lời cầu nguyện. 
Qua ngày thứ hai trời êm biển lặng, tôi và một số người lại lên sàn tàu ngồi hónggió, chuyện trò mới biết ghe đang hướng mũi về Thái Lan. Sau cơn bão, biển lại hiền lành như giải lụa mềm lung linh uốn lượn. Nắng trên cao đưa mây phiêu du vềnơi cuối trời. Lúc đó tôi cảm thấy đời không còn là biển khổ như nhà Phật nói, mà biển trông thật huy hoàng, tráng lệ, biển như ngân nga trong vi vu gió biển và biển thở phập phồng. 
. 
Người và ghe đang bềnh bồng trong biển nước êm mơ chợt một tàu sắt lù lù trờ tới làm ai nấy đều giựt mình sợ hãi. Nhìn lá cờ bay phầng phật trên cột bườm tôi biết đó là tàu đánh cá Thái Lan. Một tên ngư phủ Thái lực lưỡng, mình trần trùng trục,nước da nâu sạm, vận sà-rông nhanh nhẹn quăng dây thừng kéo ghe chúng tôi áp sát lườn tàu. Sau đó thêm ba tên ngư phủ mặt mày hung tợn, cầm mã tấu nhảy xuống ghe bắt tất cả lên tàu sắt để họ lục soát. Chủ tàu Thái ra lệnh đưa đàn bà, con nít xuống khoang dưới, đàn ông thì dồn vào một góc trên boong khiến ai nấy đều hoang mang lo lắng không biết chúng có ý đồ gì. Nhưng sau khi cho chúng tôi ăn uống tắm rửa xong khoảng nửa giờ sau chủ tàu cho thả hết mọi người về ghe, lại tốt bụng cung cấp thực phẩm, nước uống cho ghe chạy đi. May mà chiếc hải bàn không bị đánh cắp. Hú vía. 
. 
Sau hai ngày đêm giông bão ghe vẫn nương theo sóng gió ngờm ngợp lướt nhanh. Lúc này tôi ở hẳn bên cạnh tài công phụ giúp xem hải bàn điều chỉnh phương hướng cho chính xác. Thật ra, hải bàn đi biển không khác gì lắm so với dịa bàn như hồi tôi học trong quân trường Thủ Đức. Lấy kinh nghiệm dùng la bàn đi địa hình tôi luôn luôn theo dõi và điều chỉnh độ sai số để hướng đến mục tiêu.  
Đến chiều ngày thứ ba thấy hải âu xà xuống mũi ghe tài công mừng rỡ la lên cho biết chúng ta sắp đến đất liền rồi. Nói sắp đến đất liền nhưng ghe vẫn tiếp lục lướt sóng mãi đến lúc trời chạng vạng tối mới thấy từ xa ánh đèn lấp lánh ở phía bờ.  
. 
Trời lại mưa to, gió thổi mạnh. Biển lại điên cuồng gào thét, những làn sóng bạc đầu sùng sục sôi trào không ngừng phủ ập xuống chiếc ghe mong manh. Đêm vàbiển đen như mực chẳng còn trông thấy gì, chỉ còn cầu Trời khấn Phật. Mặc dù run rẩy vì lạnh nhưng anh tài công vẫn gồng mình vừa vuốt mặt vừa cầm chắc tay lái lướt trên con sóng bạc đầu hướng thẳng về phía đất liền.  
Tờ mờ sáng ngày 1-12 -1979, sau 2 ngày 3 đêm vượt biển ghe mới tới được bờ, tài công cho ghe ủi đại vào một bến đá. Thấy ghe lạ cảnh sát Thái trên đồn vội chạy xuống, Sau khi kiểm tra, hầm hè, nạt nộ, cật vấn bằng tiếng Anh do tôi thông dịch xong mọi người mới được lên bờ. Viên cảnh sát cho biết tối hôm qua ngoài biển bão cấp 7 không có ghe đánh cá nào dám ra khơi vậy mà chúng tôi thoát chết cập vào được bến Leam Ngop này đúng là thần khẩn-na-la cứu. Thì ra bến bờ tự do đầu tiên của 42 thuyền nhân chúng tôi là huyện Laem Ngop nằm trên phần đất phía Đông của tỉnh Trat, Thái Lan.  
. 
Sau 2 tuần tạm trú ở Laem Ngop, chính quyền địa phương chuyển chúng tôi tới trại tỵ nạn Laem Sing, thuộc tỉnh Chantaburi khoảng nửa ngày đường xe. Laem Sing là một làng đánh cá nằm ven biển phía Nam Thái Lan. Lúc chúng tôi tới, trại đã có khoảng 1000 thuyền nhân, sống trong những căn nhà sàn làm bằng tre cất từ bãi lên tới triền núi. Phía cầu tàu vẫn còn vài xác tàu bềnh bồng trên sóng .Trại cũng có hội trường, nhà thờ, chùa chiền, nhà tắm, lò thiêu, nghĩa địa. Riêng nhà vệ sinh được cất thành dẫy 7, 8 cái dưới mé biển, có cầu ván doi ra. Ban đại diện trại tựđiều hành mọi việc từ an ninh trật tự đến giáo dục, y tế, sinh hoạt trại... Phía ngoài trại là nhà cửa chợ búa của người địa phương buôn bán rất sầm uất. Hàng tuần chúng tôi được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cung cấp thức ăn gạo, muối, rau cải, đa số là cá hộp; hằng ngày có xe bồn chở nước tới. Đặc biệt mỗi thứ Tư hàng tuần cả trại đều xôn xao khi nghe loa phóng thanh báo: "Mục sư đã đến. Mục sư đã đến...". Đó là vị mục sư Tin Lành Doug Columb đem thư từ, chi phiếu, giấy tờ bảo lãnh, quà cáp của thân nhân tỵ nạn gởi vào trại. Chính vị mục sư khả ái này cũng tựquyên góp các vật dụng cá nhân cần thiết và thực phẩm hằng tuần đem vào trại phân phát cho đồng bào và truyền đạo cho các con chiên. 
Trong thời gian ở trại tỵ nạn chờ đi tái định cư ở nước thứ ba, nhiều đợt thuyền nhân được chở vô trại cũng như họa hoằn lắm mới có ghe đâm thẳng vô trại. Hâu như ghe nào cũng tả tơi vì hải tặc; người chết đưọc đưa thẳng tới lò thiêu, người sống sót thì như xác không hồn. Phải nói nạn vượt biên bằng đường biển lẫn đường bộ là một cuộc đào thoát vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam kể từ năm 1975.
Ở trại Laem Sing được 4 tháng, tôi, Phước và một số đông được chuyển tới trại Lumpini, Bangkok chờ chuyến bay đi Canada. Ngày 17 tháng 4 năm 1980, từ phi trường Bankok, chúng tôi nôn nao lên chiếc Boeing 747. Chiếc phi cơ khổng lồ cóhai tầng, tầng trên dành riêng cho những người tỵ nạn chúng tôi, tầng dưới của hành khách. Vì đường bay xuyên đại dương mất gần 20 tiếng đồng hồ nên phi cơphải đáp xuống phi trường Nhật Bản lúc nửa đêm đổ thêm xăng rồi tiếp tục bay xuyên đêm. Tới rạng ngày hôm sau phi cơ mới đáp xuống phi trường Montreal, Canada, có xe buýt chở chúng tôi về một trại lính. Ở đó, mọi người lần lượt chia tay đi vào cuộc đời mới trên một đất nước dân chủ, thanh bình, nhân đạo và thịnh vượng. 
Ngày nay trại tỵ nạn Laem Sing cũng như tất cả các trại tỵ nạn khác ở các nước Đông Nam Á không còn nữa. Trại đã đóng cửa như một trang lịch sử thuyền nhân Việt Nam đóng lại. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm của tấn bi kịch thương đau mang tầm vóc nhân loại,; nó để lại trong lòng thuyền nhân những cảm xúc bền lâu, những vết thương bất biến. 
.

Alfa Phan Ni Tấn 
Tháng Tư Đen 2016.

Không có nhận xét nào: