Biểu tình phản đối lớn tại Hồng Kông
Hôm nay, hàng chục ngàn người đã đổ ra các đường phố Hồng Kông trong ngày thành phố này đánh dấu năm thứ 19 được Anh quốc trả về cho Trung Quốc.
Trong lúc các giới chức chính phủ và gần 1.000 cư dân Hồng Kông dự lễ chào cờ tại Quảng trường Golden Bauhinia sáng nay, các đám đông lớn hơn nhiều tụ tập để tuần hành phản đối.
<!>
Nhiều cư dân phản đối việc giám sát của chính phủ Trung Quốc và tin rằng Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, người chỉ được 19% ủng hộ trong cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất, là thọ ơn Bắc Kinh.
Các đám đông lớn biểu tình trong ngày đánh dấu với hai chủ đề song hành: Ngăn ông Lương nắm thêm nhiệm kỳ thứ hai, và bày tỏ phẫn nộ về sự tự chủ của Hong Kong bị xói mòn. Chủ đề thứ hai đã được nêu bật qua vụ 5 người bán sách địa phương đã chính quyền đại lục bị bắt và giam cầm ở Trung Quốc trong nhiều tháng.
Ông Lâm Vinh Cơ, một người bán sách mới đây đã tìm cách trở về được Hong Kong, mô tả rằng 7 tháng ông bị biệt giam và thẩm vấn là cuộc "tra tấn tinh thần".
Ông Lâm dự trù sẽ dẫn đầu cuộc tuần hành biểu tình, nhưng sau đó đã rút lui, và cho biết là ông lo sợ cho sự an toàn của bản thân.
Trong khi đó, tại lễ thượng kỳ được chính phủ hậu thuẫn, Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chính sách một đất nước, hai hệ thống. Nhân dân Hồng Kông tự quản trị Hồng Kông và một quyền tự chủ cao theo tinh thần Luật Căn bản.” Ông nói thêm rằng chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. - VOA
2.
Kinh tế thống lĩnh cuộc vận động bầu cử ở Úc
Cử tri Úc sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử liên bang vào ngày mai (2/7). Trong khi biến đổi khí hậu, nhập cư và giáo dục vẫn là những vấn đề quan trọng, có phần chắc kinh tế sẽ quyết định ai là người thắng cử. Australia đã tránh được tình trạng suy thoái kinh tế trong 25 năm qua, nhưng tương lai thì chưa rõ vì sự bột phát nguồn lực được tiếp sức bởi nhu cầu về quặng sắt và than đá của Trung Quốc tiếp tục lắng xuống.
Tại Sydney, những cây cần cẩu ngự trị đường chân trời vào lúc một dãy những khu căn hộ mới nổi lên dọc theo những tuyến giao thông đã được nâng cấp. Trong khi sự bùng phát khai mỏ kéo dài đi đến đến hồi kết thúc, Australia nay dựa vào công nghiệp xây dựng đang hồi sinh, cùng với ngành sản xuất, du lịch và nông nghiệp.
Nhưng quyết định của Anh rời khỏi Liên hiệp Âu châu đã gây ra một nỗi lo lắng lớn tại đây. Các nhà lãnh đạo chính trị Australia đã đặt vấn đề an ninh kinh tế là trung tâm của chiến dịch tranh cử của họ.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nói với các cử tri rằng đất nước cần sự ổn định mà chính phủ liên minh trung hữu của ông có thể mang tới.
Nhưng lãnh đạo của đảng Lao động đối lập, ông Bill Shorten, nói thủ tướng là một nhà lãnh đạo yếu kém, cũng y như người đồng nhiệm phía Anh quốc đang bị bao vây.
Ông Shorten nói: “Ông Turnbull chỉ nói như vậy vì đã có sự bất mãn quý vị phải bỏ phiếu cho ông ấy. Vấn đề là bản chất của sự bất mãn mà chúng ta thấy là phát xuất từ sự lãnh đạo yếu kém và một chính phủ chia rẽ. Ông David Cameron không bao giờ muốn có cuộc trưng cầu dân ý này. Những gì chúng ta thấy ở đó là ông David Cameron bị trói buộc vào cánh hữu trong chính đảng của mình, gây phương hại đến chính các quan điểm của ông, đem lại sự lãnh đạo yếu kém. Nghe ra rất quen, phải không ạ?”
Các nhà lãnh đạo chính trị chính của Australia phải thuyết phục cử tri là họ có khả năng bảo đảm mà nền kinh tế cần đến.
Giáo sư Rodney Smith thuộc khoa Chính phủ và Quan hệ Quốc tế của Đại học Sydney nhận định:
“Kinh tế luôn luôn đứng hàng đầu trong các cuộc bầu cử ở Úc, và mặc dù Úc là một quốc gia giàu có, đây cũng là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên - tài nguyên thiên nhiên, khai thác tài nguyên - xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu nông sản. Vì vậy trong một nền kinh tế thế giới đang thay đổi thì đó là cơ sở khá mong manh để thúc đẩy nền kinh tế tiến tới. Do đó, những vấn đề kinh tế luôn luôn có liên hệ mật thiết với bất kỳ cuộc bầu cử nào ở đây.”
Bầu cử ở Úc là bắt buộc, do đó số cử tri đi bầu sẽ cao, và rủi ro cũng sẽ cao. Vào lúc sự bộc phát tài nguyên, đã che chắn cho quốc gia này khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất, tiếp tục lu mờ, cử tri đang đòi hỏi chính phủ kế tiếp phải vạch ra một hướng đi có trách nhiệm tiến tới sự thịnh vượng. - VOA
3.
Tập Cận Bình: Trung Quốc không bao giờ "từ bỏ chủ quyền" Biển Đông --- Nhật mua 40 tỷ đô la chiến đấu cơ để giữ ưu thế với Trung Quốc --- Đài Loan phóng nhầm hỏa tiễn siêu thanh
Bắc Kinh không bao giờ khoan nhượng về chủ quyền. Đó là lời tuyên bố của lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc nhân ngày lễ 95 năm ngày thành lập đảng và trong bối cảnh Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ công bố phán quyết vào ngày 12/07 về đòi hỏi chủ quyền của Hoa lục tại Biển Đông.
Hôm nay 01/07/2016, trong thông điệp đọc trước một cử tọa gồm đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình tuyên bố "Đừng có một nước ngoại bang nào… chờ chúng ta chấp nhận uống liều thuốc đắng gây tổn hại cho lợi ích chủ quyền quốc gia, cho an ninh và phát triển". Trung Quốc "không sợ rắc rối".
Ông Tập Cận Bình đưa ra những lời tuyên bố này vào lúc tình hình biển Đông nóng bỏng vì Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông và xây dựng một loại "vạn lý trường thành" trên vùng biển do Việt Nam và Philippines kiểm soát. Vào ngày 12/7 này,Toà Án Trọng Tài Thường Trực sắp công bố phán quyết về đơn kiện của Philippines mà theo giới phân tích sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.
Để không cho Trung Quốc áp đặt quốc tế trước chuyện đã rồi, Hoa Kỳ phải tăng cường hải quân và tuần tra trong khu vực. Ám chỉ chiến dịch quân sự của Mỹ, ông Tập Cận Bình tuyên bố là "không sợ thái độ diễu võ dương oai (của Hoa Kỳ)…. đến tận cửa nhà người để phô trương sức mạnh".
Cũng trong thông điệp 95 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình một mặt ca ngợi chế độ độc đảng một mặt lo ngại tệ nạn tham ô đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Mỹ: Tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông là điên rồ
Chiến lược bồi đảo lấp biển xây "Vạn lý trường thành" bằng cát của Trung Quốc ở Biển Đông bị Hoa Kỳ xem là một hành động "điên rồ". Nhân chuyến công du bốn ngày tại Ấn Độ để thắt chặt hợp tác an ninh khu vực, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon nhận định: Điều Hoa Kỳ hy vọng là Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế về giao thông tại Biển Đông. Xây dựng các đảo nhân tạo và phi trường, phi đạo cho máy bay là chuyện điên rồ. Lực lượng hải thuyền cũng thế. Trung Quốc đang xây bia (cho đối phương tấn công). - RFI
Theo hãng thông tấn Reuters, chính phủ Nhật Bản vừa quyết định sẽ bỏ ra 40 tỷ đô la để trang bị máy bay tiêm kích nhằm duy trì ưu thế không quân với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tỏ rõ tham vọng bành trướng quân sự tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Một người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho hay Tokyo đã tiếp xúc đồng thời với các tập đoàn vũ khí Nhật Bản và nước ngoài về hợp đồng mua hơn 100 máy bay chiến đấu nói trên. Kế hoạch F3 (F3 Fighter Plan) có mục tiêu trang bị cho quân đội Nhật các chiến đấu cơ thuộc loại hiện đại nhất.
Kế hoạch F3, một trong những hợp đồng quân sự đắt giá nhất của Nhật Bản, được tung ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc gia tăng. Theo Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay, chiến đấu cơ Nhật đã phải 200 lần cất cánh, so với 114 lần cùng kỳ năm ngoái, để ngăn chặn phi cơ Trung Quốc tại khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vẫn theo quân đội Nhật, riêng trong tháng 6, hai lần Trung Quốc đưa tàu vào khu vực nói trên. Ngày 29/06, một cựu quan chức quốc phòng cao cấp Nhật Bản đưa ra thông tin một máy bay của Nhật suýt bị chiến đấu cơ Trung Quốc tấn công tại vùng biển Hoa Đông. Tin này sau đó bị chính phủ Nhật bác bỏ.
Do quan hệ đồng minh mật thiết với Hoa Kỳ, và chiến lược quốc phòng gắn chặt với Washington, khả năng các công ty Mỹ được nhận thầu là rất cao. Hai tập đoàn Mỹ, Boeing và Lockheed Martin, và tập đoàn Nhật Mitsubishi Heavy Industries (MHI) là ba trong số các công ty chủ yếu được mời tham gia dự án. Hai tập đoàn Boeing và Lockheed Martin đều gửi mail tới Reuters cho biết, rất quan tâm đến chương trình F3 của Nhật, và hy vọng được tham gia.
Theo kế hoạch F3, các phi cơ mới sẽ phải hoạt động phối hợp với F-35 do hãng Lockheed chế tạo, mà Tokyo đã đặt hàng, và F-15Js của Mỹ, nhưng được Nhật cải tiến. Hiện tại, loại máy bay duy nhất đáp ứng được yêu cầu của chương trình F3 là phi cơ chiến đấu F-22 của Lockheed Martin, tuy nhiên, hãng không còn sản xuất F-22 nữa, và Hoa Kỳ cũng không cho xuất khẩu loại chiến đấu này, bất chấp mong muốn của Nhật.
Theo các nguồn tin gần gũi với hồ sơ, trong bối cảnh này, chiến đấu cơ mà Tokyo sẽ đặt hàng phải được sản xuất ngay tại Nhật, giống như trường hợp F-15Js trước đây, và điều này sẽ khiến giá thành tăng lên rất cao.
Ngoài hai tập đoàn Mỹ, các nhà sản xuất châu Âu cũng là đối tác tiềm năng. Một phát ngôn viên của tổ hợp Eurofighter vừa cho biết, tập đoàn này thường xuyên có liên hệ với chính phủ Nhật, để thảo luận các cơ hội hợp tác. Eurofighter là tập đoàn hàng không quân sự châu Âu bao gồm một loạt các công ty lớn như Airbus Group, BAE Systems, Leonardo Finmeccanica – nhà sản xuất máy bay tiêm kích Typhoon, và Saab, tác giả của chiến đấu cơ Gripen.
Các đe dọa từ Trung Quốc và từ Bắc Triều Tiên là các nguyên nhân trực tiếp khiến Nhật Bản phải gia tăng các chi phí cho quốc phòng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với một ngân quỹ hạn chế, việc ưu tiên tăng mạnh ngân sách trong một lĩnh vực này sẽ đi kèm với việc giảm chi phí trong lĩnh vực khác. Ưu tiên không quân và hải quân có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư cho lĩnh vực hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát, vốn không kém phần quan trọng (xem bài “What Sort of Defense Build-Up Does Japan Really Need?/Nhật Bản thực sự cần các chi phí quân sự nào ?” của chuyên gia an ninh quốc tế Yuki Tatsuli, đăng tải trên trang mạng The Diplomat ngày 30/06/2016). Đây là vấn đề nan giải, mà các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Nhật Bản sẽ phải giải quyết. - RFI
Hải quân Đài Loan phóng nhầm một hỏa tiễn siêu thanh chống tàu từ một căn cứ hải quân, khiến một người thiệt mạng và ba người bị thương, giới chức nói.
Một tàu tuần duyên đang thanh tra hoạt động thao luyện tại Cao Hùng bấm nhầm nút khiến hỏa tiễn Hùng Phong III được phóng ra, hãng tin Central News Agency của Đài Loan (CNA) tường thuật.
Hỏa tiễn được phóng theo hướng về phía Trung Hoa lục địa, trúng vào một tàu cá ở ngoài khơi đảo Bành Hồ (Penghu), CNA nói thêm.
Thuyền trưởng của tàu này, người Đài Loan, thiệt mạng, các quan chức quốc phòng nói.
Hỏa tiễn có tầm hoạt động khoảng 300km.
Hàng trăm hỏa tiễn
Vụ việc diễn ra vào lúc Trung Quốc đang kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi các phóng viên hỏi liệu vụ việc có làm ảnh hưởng tới quan hệ với Bắc Kinh không, Phó Đô đốc Mei Chia-hsu nói hải quân đã tường trình vụ việc với Bộ Quốc phòng của Đài Loan.
Bà nói giới chức hiện đang điều tra và sẽ xử lý "thích hợp". Hiện chưa rõ liệu Bắc Kinh đã được thông báo trực tiếp hay chưa.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, cần phải được hợp nhất với lục địa kể cả bằng vũ lực, nếu cần.
Trung Quốc có hàng trăm hỏa tiễn thường trực hướng về hòn đảo này.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đồng thời là người đứng đầu quân đội, hiện đang ở nước ngoài.
Trong một động thái được báo chí tiếng Trung gần đây bình luận, bà Thái Anh Văn ký tên nói bà là 'Tổng thống Đài Loan' và chỉ mở ngoặc là 'ROC-Trung Hoa Dân Quốc'). - BBC
Tin Hoa Kỳ
4.
Mỹ thêm 8 nước vào danh sách những nước buôn người tồi tệ nhất --- Miến Điện bất bình trước việc bị Mỹ cho vào danh sách các nước buôn người
Các tay tuyển dụng đến thành phố của cô Angela ở Syria mời mọc làm việc có trả lương trong những nhà hàng ở Lebanon. Cô nhận lời để rời khỏi quê hương bị chiến tranh tàn phá để rồi nhận ra mình bị buôn bán tình dục cùng với hàng chục cô gái khác. Họ bị nhốt trong những khách sạn và đôi khi bị ép phải tiếp tới 20 khách mỗi ngày. Những kẻ buôn người cũng cưỡng hiếp và tra tấn các cô cho tới khi các cô chịu phục tùng. Angela cuối cùng trốn thoát được nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát.
Trường hợp của Angela là một trong những câu chuyện được nêu lên trong Báo cáo về Tình trạng Buôn người 2016 của Bộ Ngoại Mỹ, trong đó nêu bật các vấn đề như tình trạng nô lệ mới, sử dụng lính trẻ em, cưỡng bức hôn nhân, và nạn phục dịch trong nhà. Bản báo cáo cũng công bố những nỗ lực của những chính phủ từ 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, kể cả Mỹ, nhằm chống lại nạn buôn người.
Trong báo cáo năm nay, tám nước bị thêm vào danh sách đen những quốc gia bị coi là những nước vi phạm trầm trọng nhất về tình trạng buôn người, được gọi là Danh sách Bậc 3. Những quốc gia mới được bổ sung bao gồm hai nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ là Uzbekistan và Turkmenistan cùng với những nền dân chủ non trẻ như Myanmar, Haiti, Djibouti, Papua New Guinea, Sudan và Suriname. Bị xếp vào Danh sách Bậc 3 có thể kích hoạt những chế tài hạn chế tiếp cận viện trợ của Mỹ và quốc tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói bất chấp những nỗ lực liên tục chống buôn người, hàng triệu người đang bị trói buộc bởi "sự cưỡng bức về tinh thần, thể xác và tài chính" và bởi sự thao túng của những kẻ buôn người "khai thác những điểm yếu của họ để kiếm tiền."
"Hơn 20 triệu người là nạn nhân của tình trạng nô lệ mới ngày nay , tất cả 20 triệu con người... họ có tên, họ có hoặc đã từng có gia đình," Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói và ông gọi nạn buôn người là một ngành công nghiệp thu về hàng tỉ đôla mỗi năm.
Cân nhắc về chính trị
Ông Kerry cho biết những cân nhắc chính trị không ảnh hưởng tới việc xác định thứ hạng các nước, dù tuyên bố này vấp phải một số chỉ trích.
Dù tiếp tục những nỗ lực bảo vệ và truy tố là điều thiết yếu, những chiến lược phòng chống buôn người xứng đáng có được nguồn lực tương xứng, theo bản báo cáo. Phúc trình kêu gọi những chính phủ trên toàn thế giới làm việc với xã hội dân sự để ngăn chặn nạn buôn người.
Báo cáo nói thêm ngoài những khổ sở vì bàn tay của những kẻ buôn người, các nạn nhân còn phải khổ sở vì sự đối đãi của các chính phủ, trong đó có các hệ thống tư pháp hình sự mà lẽ ra phải bảo vệ cho họ.
Theo lời Ngoại trưởng Kerry, mục đích của việc công bố bản báo cáo không phải là để trách mắng hay để nêu tên bêu xấu mà là để khuyến khích thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Vinh danh các cá nhân
Chín người đàn ông và phụ nữ được vinh danh vì những nỗ lực không mệt mỏi với những tác động lâu dài trong cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ mới.
Trong số này có hai nhà hoạt động chống buôn người Biram Abeid và Brahim Ramdhane từ Mauritania, nơi nạn nô lệ tới năm 1981 mới bị đặt ra ngoài vòng luật pháp. Abeid và Ramdhane đều là con cái của những nô lệ, và họ đã quyết định tập trung sự nghiệp vào công tác chống lại tình trạng bất công ở Mauritania.
Oluremi Banwo Kehinde là nhà hoạt động chống buôn người ở Nga. Bất chấp những đe dọa cho tính mạng, ông Kehinde làm việc không mệt mỏi hỗ trợ và bảo vệ những nạn nhân bị buôn bán tình dục người Nigeria và người Châu Phi. - VOA
Miến Điện hôm nay 01/07/2016 tuyên bố việc Washington cho nước này vào danh sách đen trong báo cáo thường niên về nạn buôn người trên thế giới là "đáng tiếc", bày tỏ hy vọng việc này sẽ "không làm phương hại đến sự hợp tác giữa Miến Điện và Hoa Kỳ".
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet gửi về bài tường trình :
"Trong số các nước mà Washington điểm mặt chỉ tên như Djibouti, Soudan, Haiti, thì còn có cả Miến Điện do cách đối xử của chính quyền nước này đối với sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Tiếp sau đó là Papua New Ghinea, Surinam, Turkménistan và Uzbekistan. Một số nước khác cũng nằm trong danh sách đen nhưng có điểm xếp hạng đỡ tồi tệ hơn.
Theo ngoại trưởng John Kerry, người trực tiếp giới thiệu bản báo cáo, thì quy mô nạn buôn người thật đáng kinh ngạc và ông đã nêu ra nỗi thống khổ của các nạn nhân. Ông nói : Đó là những cô gái bị cưỡng bức bán dâm. Phụ nữ thì ngủ trong những căn nhà lụp xụp và họ chỉ được phép ra ngoài để nấu ăn, giặt giũ, lau sàn nhà. Những người đàn ông và các bé trai không được được ngủ, ăn uống đầy đủ nhưng phải làm việc 24 giờ trên 24, dưới cái nóng ngạt thở hoặc trong điều kiện rất tồi tệ.
Tuy nhiên, vẫn theo ngoại trưởng Mỹ, thì cũng có một tin tốt lành, đó là đã có các phương tiện đấu tranh chống nạn buôn người và thế giới sẵn sàng sử dụng các phương tiện này. 10 người được trao giải vì đã góp phần vào việc giảm tệ nạn buôn người và lao động cưỡng bức: 5 người châu Phi trong đó có 2 người Mauritani là Biram Abeid và Brahim Ramdhan, đã bị cầm tù 2 năm, và 1 người Senegal – Issa Kouyaté, sáng lập viên một trung tâm đón tiếp trẻ em bụi đời..." - RFI
5.
Bà Clinton bị Trump bám sát, Obama vào cuộc
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ trực tiếp tham gia chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton: thứ Ba 05/07/2016 tới ông sẽ xuất hiện bên cạnh bà Clinton tại Bắc Carolina để cổ vũ cho một nước Mỹ đoàn kết, trong lúc khoảng cách giữa ứng cử viên Dân Chủ với đối thủ Cộng Hòa Donald Trump đang bị rút ngắn.
Đây sẽ là lần đầu tiên ông Obama và bà Clinton cùng xuất hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Dự định trước đó vào ngày 15/6 đã bị hủy bỏ sau vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại Orlando.
Tổng thống Mỹ đã chính thức lên tiếng ủng hộ bà Hillary Clinton từ ngày 9/6, sau nhiều tháng không bày tỏ thái độ. Vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, từng đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ năm 2008 tuyên bố: "Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ có một ứng viên tài năng như thế cho chức vụ này".
Bắc Carolina nằm trong số hơn một chục "swing states", tức các tiểu bang chủ chốt vì có thể ngã sang phía Cộng Hòa hoặc Dân Chủ, tác động mạnh đến kết quả bầu cử tổng thống ngày 8/11 tới. Ông Barack Obama đã giành được thắng lợi ở tiểu bang này năm 2008, vượt qua ứng cử viên Cộng Hòa John McCain chưa đầy một điểm rưỡi.
Việc tổng thống Obama xuất hiện bên cạnh cựu Đệ nhất phu nhân diễn ra trong lúc ông Bernie Sanders từ chối bỏ cuộc dù bà Clinton đã hội đủ số đại biểu cần thiết để trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân Chủ, sẽ họp đại hội tại Philadelphia từ ngày 25 đến 28/7. Nay bà đang dồn sức để đối đầu với nhà tỉ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới công bố hôm thứ Tư cho biết 42% có ý định bầu cho bà Hillary Clinton, trong khi ông Donald Trump được 40%. Số 18% còn lại gồm 6% thích một ứng cử viên khác, 5% vắng mặt và 7% chưa quyết định. Như vậy khoảng cách đang bị rút ngắn so với kết quả hôm 1/6, bà Clinton vượt đối thủ 4 điểm. - RFI
Tin Việt Nam
6.
Các chuyên gia, luật sư nói buộc Formosa nhận tội, bồi thường mới chỉ là “ngọn của vấn đề” --- Sau Formosa, nhìn lại quy trình cấp phép xả thải ở Việt Nam
Trong cuộc họp báo hôm 30/6, chính phủ Việt Nam nói nhà máy thép thuộc tập đoàn Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh đã làm ô nhiễm biển, gây ra nạn cá chết hàng loạt ở tỉnh này và 3 tỉnh lân cận. Tập đoàn của Đài Loan đã nhận trách nhiệm, xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam, và cam kết bồi thường 500 triệu đôla. Một số chuyên gia và luật sư Việt Nam cho rằng vụ việc chưa thể kết thúc tại đây vì những tác động lâu dài vẫn còn đó và chưa rõ hướng khắc phục.
Khoản tiền bồi thường của Formosa tương đương với 11.500 tỷ đồng Việt Nam. Nhưng riêng thiệt hại tại tỉnh Quảng Bình, theo tính toán sơ bộ do ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa ra, đã lên đến 4.900 tỷ đồng. Chưa có con số thiệt hại chung cả về nghề cá và du lịch tại Hà Tĩnh, nơi là nguồn gốc của thảm họa và bị thiệt hại nặng nhất, cũng như tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng số tiền 500 triệu đôla đó chỉ là “một góc của quá trình khôi phục sự cố”.
“Formosa còn cam kết làm sạch vùng biển này. […] Thế còn làm sạch bằng giải pháp nào, chi phí là bao nhiêu thì tôi cho vẫn là câu chuyện của tương lai gần. Chúng ta phải bàn bạc tiếp và chúng ta phải khẳng định ra giải pháp nào để làm sạch vùng biển 4 tỉnh miền trung này”.
Vị cựu Thứ trưởng Tài Nguyên và Môi trường cho rằng việc buộc Formosa thừa nhận việc gây ra thảm họa và phải đền bù mới chỉ giải quyết được “cái ngọn của vấn đề”. Sự kiện nhà máy của tập đoàn Đài Loan mới vận hành thử đã gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng làm dấy lên lo lắng trong công chúng Việt Nam về quá trình hoạt động lâu dài sau này. Giáo sư Võ nêu ra một số việc Việt Nam cần làm để đảm bảo các dự án công nghiệp không gây tác hại cho môi trường:
“Cái điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo ra được một cái ý thức trách nhiệm của các chủ đầu tư, không phải chỉ Formosa mà của tất cả các trường hợp khác... Các nhà quản lý đừng nên quá dễ dãi và tin rằng các chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm của mình thật tốt. Mặt khác hệ thống quản lý của Việt Nam cũng cần nâng cao hơn hẳn cái yếu tố quản trị trong hệ thống quản lý này, bởi vì đây là yếu tố có sự tham gia của người dân trong một mối liên kết với chính quyền và tạo thành một hệ thống rất là chặt chẽ trong việc kiểm soát những hoạt động đầu tư nhưng vô trách nhiệm đối với môi trường. Thì tôi cho rằng đây là những cái việc lớn chúng ta cần phải làm, và đây mới là gốc của vấn đề để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường tại Việt Nam”.
Giáo sư Võ cũng đề xuất chính quyền trung ương và địa phương cần phải rà soát lại và khắc phục những khiếm khuyết về luật và công tác quản lý về mặt môi trường đối với các hoạt động đầu tư, phát triển.
“Đặc biệt, chúng ta phải rà soát lại quy hoạch và làm gì trong cái quy hoạch đó đối với hơn 30 khu kinh tế ven biển, bởi vì đây là cái khu vực khá nhạy cảm về mặt môi trường, về mặt ô nhiễm môi trường... Chúng ta cũng cần xem xét lại, định liệu lại cái quy chuẩn môi trường, cái tiêu chuẩn môi trường cần thiết để bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, phát triển kinh tế tại Việt Nam”.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ rằng họ chưa thỏa mãn về khoản cam kết bồi thường của Formosa và kêu gọi những người dân ở các tỉnh miền trung trực tiếp bị thiệt hại hãy kiện tập đoàn của Đài Loan. Luật sư Trần Vũ Hải đưa ra nhận định về vấn đề này:
“Luật hiện này thì bà con hoàn toàn có thể kiện được. Nhưng mà Việt Nam chưa có quy định về kiện tập thể... Bởi vì mỗi một gia đình lại có một cái hoàn cảnh khác nhau, nên những vụ kiện này theo tôi cũng mệt mỏi cho bà con đó... Hiện nay bà con cần cái căn bản đầu tiên là kết luận của Bộ Tài Nguyên-Môi trường để có cơ sở, đỡ phải tranh cãi nữa, chính là Formosa thừa nhận họ là thủ phạm. Tức là bà con cần phải có một văn bản có tính chất pháp lý của Bộ Tài nguyên-Môi trường kết luận như vậy. Cho đến nay chúng tôi chưa nhìn thấy cái văn bản đấy. Nên nếu dùng cái văn bản đấy, thì theo tôi bà con hoàn toàn có quyền kiện mà không quan tâm đến chính phủ hộ trao bao nhiêu”.
Là người được các ngư dân ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ủy quyền đại diện để nộp đơn khiếu nại Formosa lên Bộ Tài nguyên-Môi trường, Luật sự Hải cho biết tiền bồi thường không phải mối quan tâm hàng đầu của ngư dân mà họ muốn biết môi trường của họ có vĩnh viễn bị mất hay không. Mối lo của ngư dân được dựa trên cơ sở là Formosa nói một phần khoản tiền bồi thường sẽ dùng đề đào tạo lại nghề cho khoảng 1 triệu ngư dân, điều này gợi ý rằng có thể vùng biển không còn phù hợp để đánh bắt cá, nuôi hải sản trong nhiều năm nữa. - VOA
Chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo vào ngày cuối cùng của tháng Sáu để công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung và lan khắp các tỉnh thành khác. Kết quả là Formosa Hà Tĩnh đồng ý đền bù 500 triệu đô la Mỹ, tương đương 11.500 tỷ đồng , kèm theo lời xin lỗi và hứa khắc phục.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra sau khi nguyên nhân được công bố đó là vấn đề pháp lý của giấy phép thành lập những nhà máy như Formosa có đúng quy trình pháp luật?
Sẽ truy cứu trách nhiệm?
Sau gần ba tháng người dân hoang mang về vụ việc cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, đời sống ngư dân miền biển bị đóng băng hoàn toàn, thì nguyên nhân đã được chính phủ công bố trong phiên họp thường kỳ hàng tháng.
Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời trong phiên họp có sự tham dự của đông đảo báo chí mà chúng tôi xin trích nguyên văn ở đây: “Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường.”
Luật sư Trần Vũ Hải, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho biết hiện nay các luật sư đang nghiên cứu về giấy phép nước xả thải của công ty Formosa:
“Giấy phép xả thải Formosa là do ông Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường ký tháng 12 năm 2015, mấy tuần trước khi ông ấy nghỉ hưu. Hiện nay đang là một chủ đề mọi người bàn tán để xem có truy cứu trách nhiệm của ông ấy hay không.”
Cũng theo luật sư Trần Vũ Hải, sau các nghiên cứu và tiếp xúc các ngư dân ở Kỳ Anh, nhóm luật sư được họ cho biết:
“Không có ai tham khảo với họ về việc cấp giấy phép và kể cả khi khi giấy phép này được thực hiện cũng không có ai thông tin với họ, là những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Cho nên tôi cho rằng việc cấp giấy phép nước thải này là một quy trình trái pháp luật. Vì theo luật Việt Nam, theo điều 201 của Luật tài nguyên nước thì khẳng định thì đối với trường hợp cấp phép xả nước thải từ 10,000m3 trở lên thì phải xin tham vấn cộng đồng, những người bị ảnh hưởng từ sản xuất hoặc kinh doanh.”
Theo lời luật sư Trần Vũ Hải cho biết, các ngư dân ở thị xã Kỳ Anh đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ trưởng bộ tài nguyên môi trường.
Mơ hồ
Liên quan đến quy trình pháp lý cho các nhà máy có cơ cấu vận hành liên quan đến hoạt động xả thải, vài ngày trước, trên trang Bauxite Việt Nam, Tiến sĩ Tô Văn Trường có trình bày về quy trình cấp giấy phép của nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam. Theo ông, nhà máy này đã không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chỉ làm bản cam kết bảo vệ môi trường. Mà như thế là trái luật.
Tuy nhiên, Luật sư Trần Thu Nam, Phó chủ tịch liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết cần phải xem xét lại đánh giá này:
“Nói như thế thì không đúng. Vì theo tôi được biết thì nhà máy đó có đánh giá tác động môi trường và có giấy phép trong việc xây dựng hệ thống xả thải. Đánh giá họ là thành lập mà chỉ có cam kết thì cần phải xem xét lại chứ không thể nói theo cảm tính được.”
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trả lời BTV Gia Minh đài RFA ngày hôm qua cho biết: “Tại Việt Nam hiện nay các nhà tư vấn nhiều lắm, mọc lên như nấm. Họ ganh đua, tranh đua để nhận lấy các dự án ĐTM. Họ hạ giá xuống và khi nhận tiền (của chủ đầu tư) thì phải nói cho suông. Nhận tiền của chủ đầu tư rồi nên nói cho tốt chứ có ai nói không được đâu”.
Trước đây, ngay sau khi xảy ra sự kiện Formosa Hà Tĩnh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết cơ quan kiểm tra xả thải và bảo vệ môi trường ở Hà Tĩnh đã ký một hợp đồng với trung tâm đo đạc của Formosa để cho trung tâm này cung cấp số liệu về nước thải. Điều này được Tiến sĩ Lê Đăng Doanh ví von là “giao trứng cho ác.”
Theo nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh và giáo sư Lê Huy Bá cùng với lời phát biểu của luật sư Trần Thu Nam về Formosa và nhà máy giấy Lee&Man, phải chăng vấn đề cấp giấy phép cho những nhà máy xả thải là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường và gây thiệt hại cho đời sống người dân? Và khi khủng hoảng môi trường xảy ra, sau khi nguyên nhân phải được công bố, thì môi trường và người dân vẫn chính là những chủ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Câu hỏi này đã được chính Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, người trực tiếp chỉ đạo điều tra nguyên nhân vụ việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, trả lời trong cuộc phỏng vấn dành cho Vnexpress. Ông nói và chúng tôi xin được trích nguyên văn như sau: “Đã đến lúc chính sách thu hút đầu tư của chúng ta phải có lựa chọn. Chúng ta không thể để tình trạng chấp nhận ngành công nghiệp thép hay bất cứ ngành công nghiệp nào có nguy cơ ô nhiễm mà phải đánh đổi môi trường. Đó là trách nhiệm của chính quyền, không chỉ vì sinh mạng của người dân bị đe dọa mà còn vì tương lai lâu dài của cả quốc gia.” - RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét