Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Lá Thư Úc Châu - Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: 9-7-2016 - TS Nguyễn Nam Sơn

1.  Mẹ Việt Nam - Biển Mẹ - Phạm Duy - Ban Hoa Xuân - Gs TranNangPhung - NNS
<!> 
2. Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trổ Bông - Phạm Công Thiện - Lê Uyên Phương - Gs TranNangPhung - NNS

3. Yêu Tiếng Hát Ngày Xưa - Thanh Sơn - Như Quỳnh - Gs TranNangPhung - NNS
 
4. Trăm Nhớ Ngàn Thương - Lam Phương - Ý Lan - Vũ Khanh - Gs TranNangPhung - NNS
 
Tình thân,
NNS
..................................................................................................................
Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Ks Bùi Quang Vơm: Màn tuồng Formosa chưa thể hạ màn
Nguyên nhân cá chết và thủ phạm gây ra cá chết trắng một dải bờ biển bốn tỉnh miền Trung, sau gần ba tháng lấp liếm che đậy, cuối cùng cũng buộc chính quyền cộng sản Hà Nội phải trình trước bàn dân thiên hạ, chiều ngày 30/06/2016. Đương nhiên, không có gì khác những điều tất cả đều đã biết. Nguyên nhân là chất độc do xả thải và thủ phạm xả thải là nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.
Ngay từ những ngày đầu tiên, chính những người dân Hà Tĩnh, những ngư dân, những người buôn bán tại chợ cá, những người trực tiếp sống nhờ những con cá hàng ngày về từ biển, họ đã biết. Không cần đến những kiến thức cao siêu, họ chỉ thấy những gì hôm nay khác hôm qua. Họ tiếp xúc với nước biển vùng cận nhà máy Thép Formosa hàng ngày, họ quen biển, thuộc màu sắc của nước biển từng buổi sáng, từng buổi chiều, những gì bình thường và khác thường. Họ ngửi được mùi của biển, mùi biển lành và mùi biển độc. Họ nhìn thấy khói từ nhà máy thép. Họ nhìn thấy những gì hàng ngày thoát ra từ những ống xả thải dưới đáy biển. Từ tất cả những thay đổi và cá chết. Một người thân của họ, một bà con của họ, một thợ lặn chuyên nghiệp của công ty thép đã bị nhiễm độc tại khu vực xả thải và tử vong khi nhập viện, nhưng kết quả xét nghiệm tử thi đã bị cấm tiết lộ. Họ biết chắc chắn nhà máy thép là tội phạm. Bất kể nhà cầm quyền nói gì.
Ngay trong những ngày đầu tiên người ta đã nhận thấy: “Cá chết là cá lớp tầng sâu. Miệng ống thải ngầm dưới biển tại khu vực cá chết có chất nhờn mầu vàng, mùi tanh hôi. Người thợ lặn ngạt hơi độc mà chết. Công ty Fomosa mới nhập 384 tấn hoá chất, gồm 40 chất, có chất cực độc. Công ty Formosa vừa tiến hành súc rửa đường ống, chuẩn bị chạy thử”.
Phó GS. Tiến sĩ Nguyễn Huy Thịnh ngày 24/04 nói, “nếu là tôi, chỉ một ngày tìm ra nguyên nhân. Công ty Formosa mới súc rửa và mới xả thải, như vậy, dù có tan loãng ra, dấu vết còn lại chắc chắn sẽ vẫn còn, chỉ cần luồn ống hút lấy mẫu vào sâu bên trong ống thoát”. Và chính Phó giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm ngày 25/04 thú nhận, “hoặc chọn cá, hoặc chọn thép, không thể cả hai”. Một cách đơn giản, chỉ bằng một lệnh ngừng hoạt động, giữ nguyên trạng thái, cô lập toàn bộ hệ thống quản lý nhà máy, tức khắc huy động lực lượng kiểm soát và lấy mẫu, thời gian đưa ra kết luận có thể không cần tới một tuần.
Nhưng Vũng Áng, Hà Tĩnh là một lãnh địa riêng, đã được “nhượng bán cho người nước ngoài, một dạng tô giới”?! Ngày 21/04, ông Phạm Khánh Ly, Vụ nuôi trồng thuỷ hải sản Bộ Nông nghiệp cho biết: “Đoàn công tác không thể vào kiểm tra tại KCN Vũng Áng vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền kiểm tra, phải có giấy của thủ tướng hay chủ tịch tỉnh” (?!). Ngày 22/04, C49, cục cảnh sát PCTP (phòng chống tội phạm) tài nguyên môi trường đã vào điều tra, nhưng, thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho biết, “phía C49 không thể phát ngôn ngay được vì ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác”. Có nghĩa là, C49 đã biết nhưng không được công bố.
“Thực tế, đến nay việc xả thải qua quan trắc tự động của FHS chưa được đấu nối với đơn vị giám sát là Sở TNMT Hà Tĩnh, hợp đồng kiểm tra của Trung tâm Quan trắc Hà Tĩnh với Cty này cũng chỉ kiểm tra 3 tháng/lần” (báo Lao động). Như vậy, vấn đề không thuộc tính chất phức tạp mang yếu tố khoa học, mà là vấn đề hiệu lực của quản lý hành chính và hiệu lực của Pháp luật. Ai là người ký quy định kiểm tra hành chính Formosa phải có giấy phép của Chủ tịch tỉnh hoặc Thủ tướng? Tại sao chế độ quan trắc xử lý thải là bắt buộc, lại chỉ là hợp đồng kinh tế giữa nhà máy Formosa với phòng trắc nghiệm của sở tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tĩnh, nghĩa là cơ quan quan trắc chỉ thực hiện đo đạc xác định chất lượng xử lý có nội dung ghi trong hợp đồng của bên trả tiền là nhà máy Formosa, bao gồm thời gian thực hiện đo đạc, nội dung đo đạc và quyền công bố kết quả? Như vậy, xử lý hay không, chất lượng xử lý thế nào, hoàn toàn không do cơ quan quản lý quyết định. Phòng quan trắc của tỉnh chỉ làm để được trả tiền. Theo Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang thì: “… Khoảng hôm 20 [tháng Tư] những kết quả đã được phân tích, được hình thành báo cáo, tôi nghĩ đã đến lúc hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá và thông báo một cách khách quan. Nhưng đây là kết quả khoa học, còn công bố ra thông tin thế nào là trách nhiệm của cơ quan công bố thông tin, theo luật pháp của Việt Nam là như vậy”. “Từ ngày 29/04/2016, báo chí bị cấm đưa tin, nhà báo bị cấm tới khu vực cá chết, dân đói”, “ lúc trước, các nhà báo về đông lắm, nhưng từ ngày 29/04, không có một ai về hỏi dân nữa”. Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng, người từng nằm tại khu cá chết hơn một tháng, kể lại như vậy.
Và thông tin được gọi là chính thức, tức là có hướng dẫn, thì ngày 2/05/2016, “Các nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực hải dương học người Đức, Mỹ, Isreal đã đến Việt Nam để cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung”. Và sau đó giáo sư người Nhật nói trên báo, “Nguyên nhân một khả năng là do thủy triều đỏ, hai là do những độc tố hóa học gây ô nhiễm biển… và với kinh nghiệm của chúng tôi, nó sẽ phân tích có khi đến một năm thì mới tìm ra được đúng yếu tố, nguyên nhân đó.”
Người ta không lạ gì những thủ đọan mà Hà Nội vẫn sử dụng xưa nay. Đó là chờ cho dư luận mệt mỏi, như chờ mũi tên bay hết đà thì rơi xuống. Ồn ào ầm ĩ mãi rồi cũng phải lắng xuống. Nguyên nhân, bàn tán mãi rồi cũng chẳng còn gì. Hậu quả, bàn cãi mãi rồi cũng nhàm. Bức xúc, xả mãi rồi cũng xẹp. Chất vấn nhà nước, chất vấn đảng và chính phủ, nhưng chẳng có đảng, chính phủ nào trả lời. Dân cứ chất vấn lẫn nhau, tự hỏi và tự trả lời. Chính phủ, đảng và nhà nước giả như điếc, ban tuyên giáo bịt mồm các nhà báo, cài những thông tin gây nhiễu, tung hoả mù, làm dư luận mất hướng, cho mật vụ bám những nhân vật to tiếng, ầm ĩ nhất, bắt và đe dọa để lung lạc quần chúng…Và chỉ đến khi sự kiện đã trở thành một sự đã rồi, dư luận đã chấp nhận tự nhiên, không còn gì lạ và không còn muốn nói, thì “Chính phủ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của bộ chính trị và quyết tâm phi thường của cả hệ thống, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với phương châm phục vụ lợi ích của nhân dân”! Xưa nay vẫn vậy, bao nhiêu năm nay vẫn một bài như vậy. Ban tuyên giáo thuộc bài, dân cũng thuộc bài, chẳng lạ gì nhau.
Đó là sân khấu chính trị Việt nam, và trên sàn diễn là nhốn nháo những diễn viên hài. Đạo diễn và nhắc vở trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tuyên bố “đường xả thải của Formosa được cấp phép, Formosa xả thải đúng luật”, nhưng bộ trưởng Trần Hồng Hà lại nói, “đường xả thải ngầm là phi pháp”. Công điện Chính phủ “cấm đánh bắt, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm đánh bắt gần bờ và trong phạm vi 20 hải lý”, nhưng phó Chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn tuyên bố dân có thể “yên tâm tắm và ăn hải sản khu vực Vũng Áng”. Bí thư Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ rủ nhau tắm biển và tổ chức ăn hải sản miễn phí. “Chính phủ chỉ đạo xít xao”, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng mị dân thì suốt ba tháng không một lời thăm hỏi dân đói miền Trung, như bị bệnh cứng lưỡi. Chủ tịch nước Trần đại Quang khen các lãnh đạo tắm biển và ăn cá hấp là gương mẫu, “nếu cán bộ nào cũng làm như vậy thì lực lượng công an bớt phải tăng biên chế”. Họp báo chậm một tiếng (chắc bận cãi nhau), nhưng kéo dài hơn 5 phút và không cho nhà báo đặt câu hỏi. Cho nên, dẫu cho Chính phủ chọn ngày 30/06 để công bố nguyên nhân là gì, thủ phạm là ai, điều đó đã không còn ý nghĩa nữa. Vì bất kể đảng kết tội ai, đối với người dân, Formosa vẫn là thủ phạm. Có lẽ vì biết thế, mà loay hoay suốt ba tháng, chính phủ buộc phải công bố cái điều mà đáng lẽ có thể công bố ngay từ sau ngày 20/04/2016, khi các báo cáo khoa học đã đủ kết luận.
Người ta phải tự hỏi, tại sao nhà nước che đậy thông tin. Tại sao lại có chuyện phải đưa đẩy, né tránh quy kết Formosa cho đến khi không thể né tránh được nữa? Formosa là ai, Đài Loan hay Trung Quốc? Trong số 28 nhà thầu phụ của Formosa có 25 nhà thầu Trung Quốc, 3 nhà thầu Việt Nam. Formosa báo cáo hoá chất độc thải ra biển không qua xử lý do lỗi một nhà thầu phụ vì sự cố chập điện, nhưng không nói là nhà thầu Việt Nam. Như vậy, sự cố xảy ra tại một nhà thầu Trung Quốc. Chập điện, chất độc không được xử lý, thải trực tiếp ra biển. Cá chết, dân bỏ biển, thất nghiệp, hoang mang rối loạn trước nguy cơ nạn đói. 500 triệu USD Formosa bồi thường nói rõ cho mục đích đào tạo để chuyển đổi nghề cho 1 triệu dân.
Ông Chu Xuân Phàm đã không dấu diếm, hoặc cá hoặc thép, như vậy, việc đuổi dân khỏi biển đã được tính đến từ trước khi đầu tư dự án. Hay nói một cách khác, một trong các mục đích đầu tư là chuyển đổi nghề biển của dân sang những nghề khác, để biển lại cho Formosa, tức là để biển lại cho Tàu. Họ đã biết làm thép thì phải thải hoá chất độc, và cá sẽ phải chết. Dân muốn sống phải chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ nghề đi biển, đánh cá. Đầu tư nhà máy thép vào Vũng Áng, các nhà đầu tư đã biết trước, biển khu vực này sẽ không còn ngư dân, vì sẽ không còn cá. Như vậy, muốn đuổi ngư dân, muốn chiếm biển, chỉ cần xây dựng nhà máy thép. Nhà cầm quyền Việt Nam, một là chưa bao giờ biết đến tính chất nguy hại của nhà máy thép, không biết, nhưng không chịu biết, hai là nguy hại tới môi trường là thứ vô hình, trong khi những đồng tiền đầu tư ở ngay trước mặt, sờ nắn đo đếm được. Thực chất của 500 triệu USD này là gì? Nhà báo Đoan Trang có một nguồn tin bí mật tiết lộ những thương lượng giữa bộ công an với Formosa. Có đúng là Formosa bồi thường đúng số tiền này không, tại sao lại chỉ là 500 triệu USD? Ai là người đưa ra con số này, căn cứ vào đâu? Có phải đây là số tiền Formosa đã dự tính trước, khi lập dự án, dành cho việc di dân và đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho khoảng 1 triệu dân, nằm trong tổng vốn đầu tư, nhưng đã được thoả thuận bỏ ra ngoài và trở thành một khoản “bồi dưỡng” cho các quan chức tham dự và có quyền hạn phê duyệt dự án của cả hai bên? Như vậy bộ Công an cùng các bộ liên quan dự án trong chính phủ đã ăn hớt tiền của dân?... Không thể kiểm chứng, nhưng nếu có chuyện ăn tiền này thì cũng không phải là chuyện lạ, khi dê cừu thuộc chương trình giúp dân thoát nghèo, còn lạc đường vào nhà bí thư và chủ tịch xã, thì tiền giúp chuyển đổi nghề và tiền bồi thường môi trường vào nhà quan chức là chuyện thông cảm được. Vả lại, xưa nay, quan chức giàu chủ yếu nhờ tiền “bồi dưỡng” và tiền “lại quả” từ các dự án. Chả có chữ ký nào trong danh sách các chữ ký bắt buộc phải có trong các quyết định phê duyệt dự án mà không phải trả tiền. Vì thế mà những chức vụ liên quan tới các chữ ký này có giá cao hơn nhiều lần so với các chức vụ tầm phào, ngồi chơi khác. Bộ Môi trường, bộ Công an có quyền thương lượng và mặc cả chuyện bồi thường của Formosa không? 500 triệu USD được thoả thuận để hạ màn vở diễn? Vụ án ghê rợn này sẽ được cho “chìm xuồng” bằng một sự móc ngoặc của một vài cá nhân? Ông Tô Lâm và ông Trần Hồng Hà có đủ tư cách để phán xét thay toà án? 500 triệu USD dù là một khoản tiền không nhỏ, không thể là kết quả được thoả thuận từ những cuộc thương lượng kín, tuyệt mật giữa những con người, nhất là những con người ấy lại là quan chức của một chế độ tham nhũng, “ăn không chừa một thứ gì”, tệ hơn, những quan chức này đều là “đảng viên” mà đảng viên có một tính chất chung là “rất dễ mua được bằng tiền, hoặc bằng rất nhiều tiền”. Cho nên việc bồi thường phải là việc thực thi quyết định phán xét của Toà án. Việc nhận tội chỉ là bước đầu của một của một phiên tòa, Formosa phải bị truy tố ra tòa Hình sự. Bất kỳ kẻ nào có ý định làm cho “chìm xuồng” đều phải bị quy là đồng loã với tội phạm. Và nếu chính Trung Quốc là thủ phạm thì không phải là sự cố “chập điện” mà là điện phải bị chập theo kế hoạch, vào đúng bốn tuần trước khi có chuyến thăm của tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam để công bố gỡ bỏ lệnh cấm vận và ký kết hàng loạt các hiệp định hợp tác, để còn đủ thời gian cho cá chết trắng biển, để dân phẫn nộ biểu tình, để chính quyền phải đàn áp để bị quy tội vi phạm nhân quyền, để Quốc hội Mỹ phản đối việc gỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Và nếu có bạo loạn, chính quyền cộng sản Việt Nam lúng túng, rung động thì rất có thể chuyến thăm sẽ trở thành một vụ khủng bố, chế độ thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.
Việc xác định nguyên nhân và thủ phạm chưa thể dừng ở công bố 30/06. Phải xác định nhà thầu phụ gây ra chập điện là ai, Việt Nam hay Trung Quốc. Lãnh đạo nhà thầu phụ này là những nhân vật nào, đến từ đâu, có liên hệ gì với Trung Nam Hải. Điện chập vô tình hay có chuẩn bị trước, mục đích cuối cùng của sự cố chập điện là gì? Song song với việc này, phải khẳng định được, hiện tại, Đài Loan hay Trung Quốc đang nắm cổ phần chi phối tại Formosa Hà Tĩnh. Mục tiêu của việc Trung Quốc chiếm dần quyền sở hữu và quản lý toàn bộ dự án, bao gồm nhà máy thép Formosa, nhà máy nhiệt điện và cảng nước sâu Vũng Áng là gì? Việc tạo ra sự cố cá chết, ngoài mục đích chiếm biển, có liên hệ gì tới âm mưu phá hoại chuyến đi của Obama và liên kết Việt – Mỹ. Độc chiếm việc sử dụng cảng nước sâu Vũng Áng có liên hệ gì với hoạt động tàu ngầm Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ và có liên kết gì với căn cứ tàu ngầm Du Lâm tại đảo Hải Nam? Việt Nam đã có những cơ chế gì để giám sát những công trình xây dựng phía trong hàng rào khu công nghiệp. Vũng Áng đang xin cơ chế đặc khu nhằm mục đích gì. Có hay không khả năng biến Vũng Áng thành Tô giới, trước mắt là Đài Loan, tương lai là Trung Quốc trong suốt thời gian 70 năm? Việc cấp phép đầu tư dự án thép Vũng Áng đã rõ ràng là một trọng tội. Cần phải khởi tố vụ án cấp phép, không thể để cho những tham quan tội đồ như nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu bí thư kiêm chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự vừa giàu sụ, vừa nhởn nhơ thăm chùa và nghe hát, hưởng lạc ngoài vòng pháp luật. Công suất sản xuất thép trên toàn cầu đã vượt quá 200% nhu cầu tiêu thụ. 50% năng lực sản xuất thép của Trung Quốc bị buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất. Năm nay Trung Quốc sẽ giảm 450 triệu tấn và sẽ giảm 600 triệu tấn trong ba năm tới. Giá thép thế giới đã giảm 200% từ tháng 2 năm 2012 tới nay. Trung Quốc đang có 300 triệu tấn thép tồn kho không tìm được thị trường tiêu thụ.
Với công nghệ sản xuất thấp kém và đắt đỏ, nếu phải chi phí cao thêm cho công tác xử lý chất thải, thép của Formosa Hà Tĩnh sẽ không thể cạnh tranh, nguy cơ thua lỗ không thể bù đắp tất yếu dẫn đến đóng cửa. Phải buộc Formosa lắp đặt thiết bị quan trắc tự động 24/24g, 7/7 ngày, gắn với cơ chế cửa xả thải tự động, đấu nối với trạm giám sát của sở tài nguyên môi trường Hà Tĩnh. Tuyệt đối không để nước chưa qua xử lý hoặc chưa được xử lý tới ngưỡng chuẩn có thể thóat ra biển. Không thể di dân và chấp nhận xả độc ra môi trường. Phải ép bằng được Formosa đóng cửa. Đây phải là mục tiêu để Việt Nam thoát khỏi món nợ mà ông Dũng tham lam đã để lại.
Nếu mục đích của Trung Quốc núp bóng Formosa trả tiền cho Hà Nội di dân, đổi nghề và bỏ biển miền Trung, thì với 500 triệu USD, là giá quá rẻ. Cái đắt là sự ngu dốt của Hà Nội. Hà Nội hoan hỉ vì buộc được Formosa nhận lỗi và chịu bồi thường, Hà Nội hăm hở dùng 500 trịêu để di dân khỏi vùng biển, vùng đất miền Trung, theo đúng ý đồ của Trung Quốc. Hà Nội ngoan ngoãn để Hán Tàu dắt mũi.
Không thể được. 500 triệu USD này sẽ chỉ phép được dùng vào việc khôi phục lại môi trường, nạo vét biển, tẩy rửa môi trường sống tự nhiên. Bồi thường cho dân những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp, lập tức và lâu dài, hỗ trợ y tế để khắc phục và phòng ngừa những hậu quả do nhiễm độc, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và phương tiện bám biển. Kẻ nào trong chế độ làm theo kế hoạch chuyển nghề và di dân, kẻ đó phải bị truy tố ra tòa. Phải thiết lập cơ chế pháp luật để có thể can thiệp có hiệu lực tức khắc mọi vi phạm của chủ dự án. Truy trách nhiệm cho những quan chức vận động cấp quy chế đặc khu cho dự án Vũng Áng. Bãi bỏ tất cả những ưu đãi hành chính đối với dự án, cảnh giác với mưu toan biến Vũng Áng thành khu tự trị, quốc gia trong quốc gia... Điều tra và truy tố tất cả những cán bộ trực tiếp và gián tiếp quan hệ hành chính quản trị với Formosa trong suốt quá trình từ khi cấp phép đến nay. Cần thay mới ngay lập tức tất cả các quan chức bộ máy liên quan tới quản lý dự án.
Những diễn viên diễn tồi như thứ trưởng Môi trường Võ Tuấn Nhân, như phó chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, những con rối tâng công ngờ nghệch như Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ… không nên để diễn tiếp.
Phía sau sân khấu, những kẻ tay nghề non nớt như trưởng ban tuyên giáo Võ Văn Thưởng cũng không nên tiếp tục nghề nhắc vở. Ông này còn hành xử theo cảm tính, chưa đủ độ lỳ trơ cứng cần thiết, có lẽ vì còn quá trẻ, tính cách thượng tôn danh dự trong con người này còn chưa biến mất. Nhất là ông chưa có một chiếc vỏ Mác-Lê đủ dày, nên sự thật còn dễ lọt qua. Vụ hai máy bay nghi bị tên lửa Trung Cộng bắn hạ vừa rồi, rõ ràng còn lúng túng hơn. Thông tin rối lọan. Lúng túng giữa minh bạch thông tin và năng lực nói dối, lừa bịp dư luận, có lẽ ông sẽ phải bỏ nghề. Nghề nói dối, lươn lẹo vừa sắt đá vừa thính mũi rõ ràng là sở trường của Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông. Ông này vừa đựợc tín nhiệm kiêm phó ban tuyên giáo Trung ương, thực chất là để thường trực ban tuyên giáo, để Võ Văn Thưởng có thời gian nghỉ. Chưa biết chừng Trương Minh Tuấn sắp vào Bộ Chính trị. Ông này mà lên, chưa biết chừng ông thu lại hết thẻ của các nhà báo, người làm báo chỉ còn lại loại người khồng đầu. Ông Thưởng lại về phó bí thư Sài Gòn. Cũng tốt, ông có thể là Gorbachốp, biết đâu!?
Màn diễn tiếp phải là cảnh phán xử của Tòa và các tội phạm. Tiền bồi thường không phải là con số tròn trĩnh 500 triệu USD. Tội phạm trực tiếp là Trung Quốc, không phải Đài Loan. Âm mưu chiếm đọat biển phải được vạch trần. Formosa phải được Toà kiến nghị đóng cửa. Nguyễn Tấn Dũng và Võ Kim Cự phải bị kết án chung thân, tịch biên sung công toàn bộ tài sản chìm, nổi, giấu trong con cái.
Dưới một chế độ độc đảng, nơi đảng cao hơn và đứng ngoài pháp luật, tham nhũng của hệ thống quản trị là không thể tránh khỏi, trước khi có thay đổi từ chế độ đảng trị sang chế độ pháp trị, luật pháp phải nghiêm cấm cấp phép các dự án tiềm ẩn các nguy hại môi trường, tài nguyên của quốc gia, trước mắt, hoãn vô thời hạn các dự án điện nguyên tử, từng bước đóng cửa và chấm dứt dự án Bôxít Tây nguyên, các dự án khai thác titan, xiết chặt các yêu cầu đối với các dự án nhà máy giấy.v.v.
Mặt đất đang chuyển động dữ dội. Khó đoán được những gì có thể xảy ra trong những ngày sắp tới. Quốc hội 14 bầu ra chính phủ mới? Có thể còn nhiều cái mới nữa. Đài Loan có thể trở về Trung Quốc? Triều tiên sẽ thống nhất? Sẽ không còn phải tranh chấp Trường Sa?…
Chỉ có một điều có thể chắc chắn là Vở tuồng Formosa chưa thể hạ màn.

*** Ls Lê Minh Nguyên: Hiện tượng cá chết nhìn qua luật sinh tồn của Dân Tộc
Hiện tượng cá chết xuất hiện ở bốn tỉnh Miền Trung bắt đầu từ ngày 6/4/2016 và trãi dài từ Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Chất độc theo dòng hải lưu và lây lan sang các tỉnh phía nam như Quảng Nam-Đà Nẵng và đi vào sợi dây chuyền thực phẩm như rong rêu, nghêu, sò, cá, chim, muối… và tiếp tục hiện hữu như trầm tích kéo dài nhiều thập niên để tương tác vào dây chuyền thực phẩm, gây ung thư lên sức khoẻ người dân như đã xảy ra trước đây ở nhiều nơi trên thế giới mà điển hình là vịnh Minamata bên Nhật kéo dài hơn nửa thế kỷ.
Do đặc tính của chế độ là bưng bít và tuyên truyền nên đại nạn này, nó ảnh hưởng trực tiếp lên sức khoẻ của hàng triệu người dân, phải mất gần ba tháng mới được chính quyền chính thức công bố hôm 30/6/2016. Sự công bố là kết quả của một sự thương lượng kín giữa chính quyền CSVN và công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tỉnh (FHS – Formosa Hatinh Steel Corporation), nạn nhân hoàn toàn bị gạt ra bên ngoài làm kẻ bàng quan.Theo luật sư Trần Vũ Hải, mặc dù FHS đã chịu trách nhiệm và nhận lỗi, nhưng vẫn chưa chân thành, họ vẫn cho rằng trách nhiệm của họ không lớn mà đó là bởi lỗi của các nhà thầu phụ.
Số tiền 500 triệu đôla bồi thường là một sự móc ngoặc của CSVN và FHS, nó được nặn ra (mà không cho biết căn cứ vào đâu) để CSVN chứng tỏ là có thực thi vai trò lãnh đạo, hơn là giải quyết một cách có trách nhiệm vấn đề, vì nó quá nhỏ và gần như vô nghĩa so với sự sinh tồn của hàng triệu dân mà nhiều khía cạnh sinh tử khác không được minh bạch chỉ ra. Các chuyên gia cho rằng vụ việc chưa thể kết thúc tại đây vì những tác động lâu dài vẫn còn đó và chưa rõ hướng khắc phục. Cựu Thứ trưởng Tài Nguyên và Môi trường GS Đặng Hùng Võ nói rằng đền bù mới chỉ giải quyết được “cái ngọn của vấn đề”.
Luật Sinh Tồn nhấn mạnh đến khía cạnh giao thoa giữa sinh vật với môi trường sống. Môi trường sống quyết định không gian sinh tồn và quan năng biến cải quyết định sự sinh tồn hay sự tuyệt chủng của sinh vật. Hai vấn đề then chốt của sinh tồn là môi trường có còn hổ trợ cho sự sống của sinh vật hay không và sinh vật có khả năng biến cải theo sự thay đổi của môi trường hay không (với điều kiện môi trường tuy thay đổi nhưng còn sinh khí). Áp dụng vào trường hợp cá chết, ta thấy FHS đã huỷ diệt môi trường sống của ngư dân, điển hình là CSVN nói sẽ dùng một phần trong số tiền này để “chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực dịch vụ, thương mại, nông nghiệp…” cho khoảng một triệu ngư dân bị ảnh hưởng.Nó giết đi ngành nghề chiến lược của một quốc gia biển, nghề vừa phục vụ sự sinh tồn cá nhân của ngư dân, vừa phục vụ sự sinh tồn của dân tộc trong việc bảo vệ ngư trường và biển đảo, giết với giá rẻ mạt $500/người.
Đây có thể không phải là vô tình mà là chủ ý của FHS, nhưng FHS đã không ngờ rằng thay vì gây ra tác hại từ từ thì độc tố lại giết tất cả trong một vùng rộng lớn, từ sinh vật nước cạn đến sinh vật nước sâu. Sự chủ ý đã được lộ ra mà điển hình là ngay sau khi sự cố nổ bùng, ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại FHS, hôm 25/4 trả lời kênh truyền hình VTC News, nói rằng Hà Tĩnh “không thể được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm”, chứng tỏ FHS đã biết điều chết cá này từ trước. Nếu dân không đánh bắt cá được thì làm sao Việt Nam tranh chấp được ở Hoàng Sa, khi đội quân triệu người đã bị đối phương tiêu diệt?.
Nay khối Dân tộc Việt ở bốn tỉnh Miền Trung giờ đây đứng trước ngã ba của Luật Sinh Tồn, khi vùng đất nước này (hay không gian sinh tồn) đang mất dần sinh khí. Không gian sinh tồn này tồn tại cơ bản là nhờ vào yếu tố biển, vì nơi đây đất hẹp dựa lưng Trường Sơn và khô cằn sỏi đá. Nay yếu tố biển không còn nữa thì quan năng biến cải phải như thế nào nếu không muốn bị diệt vong?. Trước ngã ba đường này Luật Sinh Tồn bảo rằng dân ta phải Tranh Đấu, trong gene của dân tộc Việt thì cái code tranh đấu đã được khắc ghi từ khi dân tộc này hiện hữu. Dân tộc phải tranh đấu với thiên nhiên, với kẻ thù đe doạ sự sinh tồn, dù đó là Trung Quốc, là FHS hay CSVN. Dân tộc ta là dân tộc biển, với bờ biển dài xinh đẹp đã bảo vệ sự sinh tồn của dân ta từ nghìn năm, ngày nay CSVN đã cho dựng lên trên 30 nhà máy gây ô nhiễm thay vì là các trung tâm du lịch, chưa kể các nhà máy điện nguyên tử dự trù xây ở Ninh Thuận sau này. Nó chỉ phục vụ quyền lợi của đảng CSVN qua tham nhũng đậm trong các chương trình xây dựng bạc tỷ đôla và qua phát triển bằng mọi giá để phục vụ việc nắm quyền mà không cần biết đến không gian sinh tồn và dòng sống của dân tộc sẽ bị di hại ra sao!
Luật Sinh Tồn bảo rằng dân ta phải tranh đấu chống chính sách diệt chủng dân tộc Việt Nam của Cộng Sản TQ, chống những kẻ đang tiếp tay cho chính sách này là FHS và CSVN. Và để chiến thắng trong cuộc tranh đấu này, chúng ta phải có sức mạnh, khả năng biến cải và sự hợp quần. Sức mạnh ở đây là sức mạnh hợp lực của toàn dân ta ở bên trong và bên ngoài Việt Nam. Sự biến cải để chúng ta sử dụng được lợi thế của môi trường như làm sao cho thế giới và nhất là Hoa Kỳ hiệp lực để bảo vệ sự sinh tồn của ta, hay sự đương đầu bất cân xứng (asymmetrical) với đối thủ mạnh hơn ta (David chống Goliath), thí dụ VN có thể trang bị 2,000 hoả tiển BrahMos dọc bờ biển với giá khoảng 2 triệu đôla/chiếc (hay 4 tỷ đôla) để tạo không gian “không cho tiếp cận/từ chối vào vùng” (A2/AD – Anti-Access/Area Denial), một phiên bản MAD của VN (Mutual Assured Destruction) để TQ biết rõ rằng sự sinh tồn của dân VN cũng là sự sinh tồn của dân TQ. Nếu thương lượng được với Ấn Độ để sản xuất tại VN, nó có thể rẽ hơn nhiều và số lượng có thể gấp đôi hơn. Vì có cùng kẻ thù, Ấn Độ có thể chia sẻ bản quyền cho VN. Sự hợp quần gây sức mạnh của dân ta sẽ dễ thực hiện hơn với những quốc gia có cùng cảnh ngộ, như Nhật, Phi, Ấn, vì họ đang là nạn nhân của một TQ xâm lược. Các đại cường có khuynh hướng làm ra luật của họ chứ không muốn tuân theo luật do nước khác làm ra, hay chấp nhận phán quyết của ai đó cho dù là toà án quốc tế, cũng như không muốn xin lỗi ai. TQ đang có cung cách này và HK đã có từ lâu. Lịch sử của VN phần lớn là đấu tranh sinh tồn với TQ, dân tộc Việt đã tìm cách thoát khỏi sự đồng hoá của TQ nhờ vào năng lực biến cải, từ văn tự đến văn minh. Ông Robert D. Kaplan trong quyển “Asia’s Cauldron” nhận xét rằng nếu dân Việt không biến cải để tiếp cận với các nền văn minh khác như Ấn Độ và Hồi Giáo thì đã bị TQ đồng hoá từ lâu.
Chủ nghĩa cộng sản đặt nặng nghĩa vụ quốc tế hơn quyền lợi quốc gia. Luật Sinh Tồn của dân tộc lấy quyền lợi quốc gia dân tộc làm nền tảng cho sự sinh tồn của công dân. Trong vấn đề cá chết, sự sinh tồn của công dân và của cả dân tộc bị đe doạ, mối đe doạ lớn nhất là chính quyền (qua đảng CSVN) không bảo vệ dân mà chỉ lo độc quyền lãnh đạo, nó đưa đến chính quyền móc ngoặc với tư bản cá mập cá xà và chỉ lo làm đẹp lòng kẻ muốn tiêu diệt dân tộc VN.
Luật Sinh Tồn thôi thúc sự tranh đấu của dân ta và không chấp nhận sự diệt chủng. Để lấy lại không gian sinh tồn, như truyền thống dân tộc đã chứng minh, sự khởi nghĩa thường phát xuất từ các tỉnh Miền Trung, nơi mà sự sinh tồn của dân tộc dễ bị đe doạ và dễ bị ảnh huởng nặng nề, vì không gian sinh tồn khắc nghiệt hơn Miền Bắc và Miền Nam.
Đã đến lúc dân tộc đứng lên bảo vệ sự sinh tồn và các tỉnh đang mất không gian sinh tồn của Miền Trung ra tay phất cờ chủ đạo. (2/7/2016 - ĐànChim Việt)

*** Ns Tuấn Khanh: Quê hương không thể bán
Cuộc họp báo công bố nguyên nhân thảm họa biển Việt Nam giới thiệu rõ một màn trình diễn thô vụng. Formosa Hà Tĩnh đột nhiên trở thành trẻ nhỏ, được chính phủ Việt Nam dắt tay ra trước mọi người, quẹt nước mũi, khóc và nói thuộc lòng lời xin lỗi. Ngay sau đó mức bồi thường 500 triệu USD được công bố như tiếng búa tòa.
Chưa ai kịp có ý kiến, chưa ai kịp nói những khúc mắc trong lòng mình thì vài tiếng đồng hồ sau, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng ra lệnh lên kế hoạch để sử dụng 500 triệu USD bồi thường. Mọi thứ bị đặt vào bối cảnh như chuyện đã rồi. Số phận con người Việt Nam, biển quê hương Việt Nam cứ như việc đã rồi.
Chưa hề có cuộc điều tra nào thật sự cho biết mức tổn hại của 250km bờ biển Việt Nam bị hủy hoại, nguy hiềm tồn đọng thế nào. Hơn một triệu người phải từ bỏ cuộc sống ổn định của mình, chuyển đổi sang nghề nghiệp khác mong sống sót, rồi sẽ phải bù đắp ra sao, và bao lâu? Lịch sử ngàn năm của một quốc gia sống với biển, thịnh vượng với biển, nay phải đành gầm mặt lìa bỏ mọi thứ. Thậm chí ghê sợ hơn, là phải bỏ trống, đành buông cả một vùng quê hương mà Trung Quốc đang ngày đêm háo hức lấn chiếm. 500 triệu USD đó, có nghĩa lý gì?
Vậy câu hỏi ở đây là, những nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với số tiền ấy, hay nhân dân Việt Nam đồng ý với số tiền 500 triệu USD ấy? Những lời xin lỗi và con số khoán vội ấy, chắc vẫn chưa kịp tính vào 84 ngày người dân cả nước sôi sục đòi minh bạch, bị công an, thanh niên xung phong, trật tự đô thị…  đánh đập, giam cầm, kết tội theo lệnh trên vì cho là bị “xúi giục”. Ba tháng mà Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “nặng trĩu”, liệu có giải quyết được những lời nói dối thô bỉ của các cấp chính quyền đã lừa gạt nhân dân về việc biển sạch và cá an toàn?
Hàng loạt ngôn luận lừa dối nhân dân như của Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn hay của thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Nhân Tuấn vẫn còn đó. Ai sẽ từ chức vì lòng tự trọng hay bị cách chức vì danh dự của đảng mà họ đang phục vụ? Nếu họ vẫn tiếp tục tại vị và phát ngôn, thì mọi điều lừa dối trơ tráo ấy, là chủ trương lớn của ai?
Thật bất ngờ, không phải là Formosa Hà Tĩnh xin người Việt Nam tha thứ, mà chính phủ Việt Nam lại là phía cất tiếng kêu gọi nhân dân hãy độ lượng và tha thứ. Đại nghiệp Formasa Hà Tĩnh lại cứ như trẻ nhỏ, đáng thương đến mức chính phủ Việt Nam phải đứng sau lưng, dùng phương thức cấu bám vào lòng thương người của dân tộc Việt Nam, cố dàn xếp một thảm họa. Biết tả làm sao nhỉ? Giờ đây, những người Việt bị đẩy đến khốn cùng ấy, lại phải vuốt thẳng áo rách, bị thúc đứng lên, cố mỉm cười nhân ái đến kiệt sức trên quê hương mình.
Có lẽ trong tư duy của những người lãnh đạo hiện nay, tiền là giải pháp quan trọng nhất, có thể đổi được mọi thứ. Việc đổi tương lai của người Việt bằng tiền, qua kịch bản giải quyết khủng hoảng cho Formosa, lại gợi nhớ rất nhiều về chuyện người dân bị chết nơi đồn công an, bị đánh đập vô cớ, bị nhổ vào mặt, luôn được giải quyết đơn giản bằng nụ cười thành khẩn đểu giả của kẻ gây tội, và một số tiền. Mạng người hay số phận một quốc gia đâu thể đổi bằng tiền như suy nghĩ của những kẻ quen thói phủi tay. Tiền chỉ là đáp án của những kẻ trọc phú, lừa lọc, toa rập muốn xóa nhanh sự kiện. Việt Nam là một dân tộc có lòng tự trọng và có quốc pháp. Phương thức chọn đáp án nhanh, quy đổi đơn giản bằng tiền chính là một cách gây tổn thương cho lòng tự trọng của người Việt và sỉ nhục quốc pháp. Hãy nhớ, quê hương và tương lai dân tộc không bao giờ có thể để bị mặc cả bằng tiền!
Ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói phải phải mất đến 84 ngày “đấu tranh” mới có kết quả về nguyên nhân của thảm họa. Cám ơn ông đã gợi ý: Ai trong đất nước này là loại thế lực khiến một chính phủ phải “đấu tranh” đến suốt 84 ngày? Hóa ra, có một thủ phạm nào đó, rất ghê gớm mà chính phủ phải mất đến gần 3 tháng để vượt qua. Hôm nay Formosa Hà Tĩnh đã thú nhận và cúi đầu, thì sao thủ phạm im lặng ấy, lại vẫn nấp trong bóng tối sau cuộc “đấu tranh”?. 84 ngày thật mệt mỏi của Chính phủ, nhưng rồi cũng chỉ nhằm góp chung kết quả của những người dân Việt Nam bình thường đi tìm một sự thật, về một tia sáng của công lý. 84 ngày ấy, của hàng chục triệu người Việt mất ăn mất ngủ, lo toan cho số phận của mình, của biển, của cá, của quê hương. Rất nhiều người trong đó có cả câu trả lời nhanh hơn một hệ thống có hàng chục ngàn nhà khoa học, có hàng ngàn công an, dùi cui và hàng rào kẽm gai nhưng tê liệt trước thực tế. Những câu hỏi đặt ra trong bài viết này về cuộc họp báo, có lẽ cũng không cần lời đáp, vì ai ai cũng đã hiểu. Mọi thứ đã thành một thông điệp im lặng chuyển vào dòng máu nóng thức tỉnh của mỗi đứa con da vàng trên đất nước này.
84 ngày để có kết quả của Chính phủ – chỉ xin nhắc thêm rằng đừng quên số phận những người thợ lặn bị nhiễm độc ở Vũng Áng đã chết và đang bệnh tật. Đừng quên 155 trẻ em Đông Yên vì bị chính quyền dành đất cho Formosa mà phải thất học suốt 2 năm, bên cạnh sự đe nẹt của công an. Đừng quên hàng trăm những đoàn viên thanh niên Cộng sản ngây thơ tin theo mệnh lệnh lừa dối của cấp trên để cùng nhau tắm biển vui đùa làm thí điểm. Đừng quên hàng trăm công chức, dân chúng cả tin hưởng ứng ăn cá để giúp chính quyền xóa một sự thật rằng họ và những người khác sẽ không có một tương lai. Cũng đừng quên những con người âm thầm trong 84 ngày đó, cật lực đưa tin, ghi hình, chuyển cảnh báo đến cho người dân được biết về thảm họa. Họ dấn thân không vì tiền, cũng không vì bị xúi giục, bất chấp cả những nguy nan từ phía chính quyền để đưa bằng được sự thật đến cuộc sống. Chiến binh Pheidippides chạy đến thành Arena để báo tin về cuộc chiến Marathon phải vượt qua rất nhiều gian truân. Còn những con người Việt Nam nhỏ nhoi ấy thì phải vượt qua mọi thứ rình rập, thậm chí là mọi loại ngôn luận từ những kẻ thù của công lý và sự thật, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, để đốt lên những ngọn đuốc giữa đêm đen.
Có một thông điệp đáng kính trọng và cao cả được đưa đến từ những con người vô danh ấy. Hãy lắng nghe từ dòng máu và nhịp tim Việt Nam đó, thông điệp được gửi đi như sấm động: Quê hương này không để bán

*** Nhà văn Phạm Đình Trọng:  Hỗn láo với dân
Một bộ máy nhà nước tham nhũng, tối mắt trước đồng tiền, rước kẻ bị thế giới xua đuổi ở khắp nơi về đầu độc biển đất nước. Biển chết. Cá chết. Người chết. Hàng triệu người dân bị mất nguồn sống. Cả ngành du lịch, ngành hải sản bị tê liệt. Cả nền kinh tế đất nước bị thua thiệt lớn. Biển bị bỏ ngỏ để mặc cho kẻ cướp làm chủ . . . Đưa đất nước đến nguy khốn như vậy nhưng người dân bị thể chế độc tài tước quyền làm chủ đất nước không thể lôi cổ lũ quan chức bất tài và tham nhũng ra hỏi tội thì tên thư lại lơ láo mới nhậm chức bộ trưởng lại hỗn láo nói với dân:
“Sự phản ứng thái quá, sự suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi cho quá trình điều tra. Tôi cần nói thẳng rằng, có thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng tình trạng cá chết để công kích sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, thậm chí kích động gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân.”
Điều tra là ở hiện trường, ở tang vật, ở chứng cứ. Đóng cửa lại mà điều tra. Còn người dân “Có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.” (Điều 28 Hiến pháp 2013) Người dân thực hiện quyền làm chủ đất nước của mình, liên quan gì đến việc điều tra cá chết mà đổ vấy “gây bất lợi cho quá trình điều tra”!
Một đảng rước nguy khốn, độc hại về cho đất nước, một chế độ tàn phá đất nước, một bộ máy nhà nước cướp quyền làm chủ đất nước của dân, cướp đất đai của dân, đàn áp những tiếng nói chính đáng, trung thực của người dân thì đảng đó, chế độ đó, nhà nước đó mới là thế lực thù địch với nhân dân, với đất nước.
Chiều 30.6.2016, ở Hà Nội, nhà nước cộng sản Việt Nam họp báo thú nhận Formosa do họ rước về chính là thủ phạm gây ra thảm họa biển Việt Nam thì ở Sài Gòn, những bóng đen bạo lực của an ninh mật vụ cộng sản lại kéo đến giăng kín trước nhà những tâm hồn Việt Nam yêu nước nói tiếng nói đòi quyền làm người, quyền làm chủ đất nước của người dân, đòi độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Những bóng đen bạo lực đó chính là thế lực thù địch của nhân dân, của đất nước đó!

*** Nguyễn Quang Dy: Quả bom Formosa - Cái giá của vô cảm & vô minh
Sau những tai họa giáng xuống đầu người dân mấy tỉnh miền Trung, xã hội Việt Nam lại càng phân hóa. Thay vì trên dưới một lòng để chung sức đối phó với thảm họa môi trường và đe dọa chủ quyền, để chống tham nhũng và cải cách thể chế, thì khủng hoảng lòng tin vẫn là vấn đề nhức nhối. Tuy quả bom nổ chậm Formosa đã được tháo ngòi, nhưng khối thuốc nổ vẫn còn đó. Người dân trong vùng bị nạn vẫn “sống trong sợ hãi”. Chủ quyền quốc gia vẫn đang bị đe dọa. Người ta vẫn hành xử vô cảm và vô minh, như vô can và vô tội.
Hệ lụy của tai họa môi trường
Trong khi thực phẩm, hoa quả bị nhiễm độc, thì nước đóng chai cũng bị nhiễm chì (như vụ URC và C2). Nay không ai còn dám ăn hải sản và tắm biển miền Trung (trừ quan chức địa phương muốn diễn trò hề). Nhiều người dân còn lo xa dự trữ cả nước mắm và muối, trong khi nước biển, nước sông và không khí đều bị ô nhiễm. Không phải chỉ có “người Trung quốc xấu xí” đầu độc thế giới, mà người Việt Nam tham lam cũng đang đầu độc lẫn nhau một cách hồn nhiên. Không biết từ bao giờ người ta đã trở thành tham lam, vô cảm đến tàn nhẫn. Đồng tiền mất giá không đáng lo ngại bằng mất nhân cách và nhân quyền. Tình hình đột ngột xấu đi khi chủ quyền Biển Đông bị đe dọa, mà sự kiện giàn khoan HD-981 là một bước ngoặt (5/2014). Ngư dân Việt Nam thường xuyên bị “tàu lạ” bắt nạt và khủng bố, mất dần chủ quyền đánh cá trong vùng biển của mình. Bước ngoặt thứ hai là sự kiện cá chết hàng loạt tại Vũng Áng và bốn tỉnh miền Trung (4/2016). Phải mất hơn hai tháng quanh co và trì hoãn, đến ngày 30/6 Chính phủ mới kết luận Formosa là thủ phạm và phạt 500 triệu USD để bồi thường thiệt hại. Nhưng dư luận vẫn thất vọng và bất bình. Thứ nhất,dư luận cho rằng số tiền phạt 500 triệu USD mà Chính phủ thỏa thuận với Formosa một cách vội vã, chưa dựa trên đánh giá toàn diện thiệt hại trước mắt và lâu dài do thảm họa môi trường mà Formosa gây ra. Con số có thể lớn hơn nhiều. Thứ hai, nếu hỗ trợ ngư dân miền Trung chuyển đổi làm nghề khác (như xuất khẩu lao động…) thì có thể rơi vào bẫy của Trung Quốc, vì ngư dân sẽ phải bỏ ngỏ Biển Đông để lực lượng “Dân quân Biển” Trung Quốc kiểm soát. Không những ngành hải sản và du lịch biển của Việt Nam bị tê liệt, mà an ninh và chủ quyền quốc gia cũng bị đe dọa.Thứ ba, không thấy Chính phủ đề cập đến việc hỗ trợ người dân bị nạn kiện Formosa (về dân sự và hình sự). Trong khi đó, Bộ luật Hình sự mới vừa được Quốc hội vội vã biểu quyết “dừng áp dụng ngay lập tức” (trước ngày 30/6). Liệu có phải vì Điều 79 Khoản 1 và điều 235 Khoản 5 có thể được vận dụng để kiện Formosa, nên phải hoãn? Thứ tư, không thấy Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhận lỗi và giải thích về trách nhiệm đối với thảm họa môi trường, không thấy nói sẽ xử lý thế nào đối với những tổ chức hay cá nhân mắc sai phạm nghiêm trọng (như Thủ tướng đã tuyên bố).Thứ năm, không thấy Chính phủ xin lỗi hay giải thích tại sao lại đàn áp bằng bạo lực đối với người dân biểu tình ôn hòa đòi biển sạch và minh bạch (như thế lực thù địch). Người dân coi hành động trấn áp này đồng nghĩa với bao che cho Formosa.
Đấu tranh quyền lực và chống tham nhũng
Tuy Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội đã “tạm xong” vì đã hạ bệ được ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đấu tranh quyền lực còn tiếp diễn. Những động thái “chống tham nhũng” gần đây cho thấy những người thuộc cơ chế quyền lực cũ (hay nhóm lợi ích) đang là đối tượng bị “chỉnh lý”, để cơ chế quyền lực mới củng cố thế lực.
Sau khi xử lý vụ Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh (về chiếc xe Lexus gắn biển xanh bất minh) và vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (đã điều chuyển con trai vào các chức vụ bất minh), cuộc “chính lý” vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trận quy mô lớn tại Biển Đông (5-11/7) để răn đe trước khi Tòa án Thường trực (PCA) ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông (12/7), Hội nghị Trung ương 3 (từ 4/7) đang bàn về vấn đề nhân sự “hệ trọng”. Đáng lưu ý là nguyên Phó chủ tịch Bà Rịa-Vũng Tàu Phan Thanh Bình vừa bị truy tố về tội “sai phạm quản lý đất đai”. Không biết ông Bình tham nhũng thế nào, nhưng đã tổ chức mít tinh phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 vào Biển Đông (5/2014) nên lúc đó đã bị cách chức. Liệu việc xử lý ông Bình mà không xử lý các cá nhân khác có trách nhiệm đã mắc sai phạm nghiêm trọng trong vụ bê bối Formosa có phải là một tin hiệu đáng suy nghĩ?
Ngoài ra, Hội nghị TƯ 3 chắc sẽ phải bàn đối sách của Việt Nam về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trước khi Tòa án Thường trực (PCA) phán quyết về vụ kiện của Philippines. Việt Nam phải có thái độ trước phán quyết của PCA, không thể lẩn tránh, vì đây là thước đo đánh giá và phân biệt thái độ của các nước ASEAN “xoay trục” về phía nào. Để đối phó với phán quyết của PCA, Trung Quốc đã tìm mọi cách phân hóa và lôi kéo được sự ủng hộ của 3 nước ASEAN là Campuchia, Lào và Brunei (tại khu vực Đông Nam Á).
Việt Nam có thể trì hoãn, không dám kiện Trung Quốc ra PCA như Philippines đã làm, vì sợ “nhạy cảm” (hay nói cách khác là sợ Trung Quốc). Nhưng nếu Việt Nam không dám kiện Formosa hoặc nếu không hỗ trợ pháp lý cho người dân bị nạn kiện Formosa (như các nước khác đã làm), là vô cùng dại dột và không thể biện minh. Kiện về môi trường là một việc khó khăn và phức tạp nhưng được lòng dân, và được quốc tế ủng hộ. Vì vậy, phải kết hợp “nhà nước và nhân dân cùng làm”, phải kết hợp chặt chẽ giữa quốc gia với quốc tế, phối hợp “ba mặt giáp công” là mặt trận pháp lý, khoa học và truyền thông. Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2008, với sự hỗ trợ của Hội Luật gia Đồng Nai và Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tầu, nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiện Công ty Vedan vì đã xả chất thải độc ra sông Thị Vải. Cuối cùng Vedan đã phải bồi thường 119,5 tỷ VNĐ cho Đồng Nai, 45,7 tỷ VNĐ cho Tp Hồ Chí Minh, 53,6 tỷ VNĐ cho Bà Rịa-Vũng Tầu. Năm 2015, trong vụ kiện BP làm tràn dầu ra Vịnh Mexico, BP đã phải bồi thường cho Mỹ 18,7 tỷ USD và chi phí 54 tỷ USD để khắc phục hậu quả môi trường. Theo luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), điều mà người dân miền Trung cần làm lúc này là thu thập đủ chứng cứ để kiện Formosa. Nhưng người dân không thể tự mình đi kiện, nếu không được Chính phủ đồng tình, nếu không được sự hỗ trợ của các luật sư, các nhà khoa học, và các nhà báo. Có thể kiện Formosa khó hơn Vedan hoặc BP, nhưng có thể nói thảm họa môi trường biển mà họ gây ra không kém gì thảm họa chất độc da cam mà quân đội Mỹ gây ra trong thời chiến tranh tại Miền Nam. Đến ngày 30/6/2016, Chính phủ mới công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường, nhưng các nhà khoa học và điều tra đã biết từ lâu, tuy không được phép công bố. Ngày 22/4/2016, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49 (phòng chống tội phạm môi trường) cho biết, “phía C49 không thể phát ngôn ngay được vì ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác”. Điều đó có nghĩa C49 đã biết nhưng không được nói.
Về số tiền Formosa đền bù thiệt hại, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến thắc mắc tại sao con số 500 triệu USD lại tròn trĩnh như vậy? Dựa trên cơ sở nào? Theo thông báo thì đến 30/6/2016 chính quyền Hà Tĩnh mới lập ra “Hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra”. Nếu con số đó là của Formosa đưa ra, thì có hợp lý hay không? Theo cách tính của một chuyên gia môi trường (để tham khảo) thì tổng thiệt hại vật chất và tinh thần của thảm họa này phải là 690.69 triệu USD, nếu tính theo chuẩn của US EPA (Environmental Protection Agency), và ước tính phải mất khoảng 69 tháng mới có thể đánh giá được hết thiệt hại.
Những lỗ hổng về truyền thông
Thảm họa môi trường đã trở thành thảm họa truyền thông và khủng hoảng lòng tin. Người ta hay nói “mất lòng tin là mất tất cả”. Vậy lòng tin từ đâu? Từ trước đến nay chưa có một vấn đề nào có thể lôi kéo được sự quan tâm và bức xúc của cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước nhiều đến thế, không phân biệt trí thức - khoa học hay người dân lao động, không phân biệt báo chí “lề phải” hay “lề trái”. Vì môi trường là vấn đề “trung tính”, không có “thế lực thù địch” nào có thể xúi dục. Đây là vấn đề toàn cầu và vấn đề sống còn của nhân loại, nên không có nhà nước nào lại dại dột đàn áp và bịt miệng dư luận. Đây là vấn đề phải tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế (như một nghĩa vụ toàn cầu), nhất là về mặt khoa học, pháp lý và truyền thông. Từ chối sự giúp đỡ của quốc tế để đối phó với một thảm họa môi trường là vô cùng dại dột và không thể biện minh.
Ngày 20 và 25/6/2016, kênh truyền hình Đài Loan PTS đã phát chương trình phóng sự điều tra dài 60 phút “Viêt Nam: Cái chết của cá” nói về nguyên nhân cá chết tại vùng biển miền Trung mà Formosa là nghi phạm chính. Chương trình này đã gây chấn động dư luận Đài Loan, tác động đến chính giới. Tuy nhiên, khi PTS vào Việt Nam làm chương trình này có lẽ không được sự ủng hộ của cơ quan chức năng và sự phối hợp của Đài truyền hình Trung ương hay địa phương, mà phải “làm chui” (với sự hỗ trợ của vài nhà báo “lề trái”). UDN (United Daily News) là tờ báo lớn thứ 3 Đài Loan, với đường lối biên tập ủng hộ liên minh chính trị do Quốc Dân Đảng (KNT) cầm đầu, đã bị thua Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn trong cuộc Tổng tuyển cử (1/2016). Vừa rồi, báo UDN đã đưa tin Chính phủ Việt Nam cấm xuất cảnh hai lãnh đạo của Formosa nhằm gây áp lực buộc họ phải chịu nhận trách nhiệm vụ cá chết tại Vũng Áng. Tuy nhiên, Formosa “không xác nhận” tin này. Trong khi đó, phóng viên kênh truyền hình PTS của Đài Loan bình luận, “Nếu quả thật không có chuyện cấm xuất cảnh (là một việc rất nghiêm trọng) thì lẽ ra Formosa phải phủ nhận và tuyên bố thông tin đó là sai sự thật. Đằng này, họ lại chỉ úp mở “không xác nhận” thông tin. Dù sự thật thế nào, Chính phủ Việt Nam cũng cần lên tiếng vì hiện đang có dư luận xì xào rằng phía Việt Nam “phá án” bằng “nghiệp vụ Bắc Giang” (tức ép cung). Nếu UDN đặt điều thì Việt Nam hoàn toàn có thể kiện UDN vì họ đã vu khống Chính phủ. Để hội nhập quốc tế, việc kết nối quốc tế về truyền thông là một việc cần làm vì đây là một khâu yếu của Việt Nam. Trong khi đó, cần tránh những tranh cãi gây tai tiếng và chia rẽ nội bộ mà dư luận hay gọi là hiện tượng “đấu tố” lẫn nhau hay “ném đá” hội đồng. “Khôn nhà dại chợ” chỉ có lợi cho các thế lực thù địch. Sự cố truyền thông của chương trình VTV “60 phút mở” do nhà báo Tạ Bích Loan chủ trì, với một số đồng nghiệp khác, là một ví dụ. Gần đây cuộc “bút chiến” trên mạng giữa biên tập viên Lê Bình của VTV 24 với luật sư Trần Vũ Hải, là một ví dụ khác. Các sự cố đáng tiếc này bộc lộ những lỗ hổng về truyền thông. Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng mừng là một số báo chí Viêt Nam (như Zing.vn) đã cử phóng viên sang Đài Loan điều tra và làm phóng sự. Phóng viên của Zing đã gặp gỡ phỏng vấn các nghị sĩ Quốc hội, các tổ chức xã hội dân sự và người dân Đài Loan về những gì liên quan tới Formosa (cả ở Đài Loan lẫn Việt Nam). Bà Su Chih-feng, một nghị sỹ đảng cầm quyền Dân Tiến, cựu Thị trưởng Vân Lâm (thủ phủ của Formosa và tâm điểm của ung thư) đã nói rằng Formosa là “quái vật khổng lồ”, phải cẩn trọng và cứng rắn với họ để tránh những rủi ro, vì quyền lực của họ rất lớn đối với chính quyền. Trong 9 năm làm thị trưởng Vân Lâm (2005-2014) bà Su đã từng lên tiếng từ chối dự án thép hàng tỷ đô của Formosa vì nguy cơ ô nhiễm cao. Bà Su khuyên nên kiểm soát chặt không cho họ đốt than cốc gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trước khi hoạt động, chính phủ phải buộc họ thỏa thuận xử phạt thế nào nếu xẩy ra ô nhiễm hoặc gây ra bệnh tật. Một nghị sỹ Đài Loan khác, ông Kuen-yuh Wu cho biết đã kêu gọi Formosa phải giải trình về vụ cá chết và cho biết nhiều người ở Đài Loan đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư tăng. Ông nói khi Formosa tới các nước khác để đầu tư họ phải thực hiện các trách nhiệm xã hội chứ không chỉ làm ăn kiếm lợi. Họ phải quan tâm đến các vấn đề như ô nhiễm, quyền con người, quyền người lao động. “Formosa là trường hợp cá biệt. Thật đáng tiếc là chuyện này đã xẩy ra. Chúng tôi cũng quan ngại về hành vi của Formosa ở Việt Nam. Đó cũng là lý do chúng tôi muốn giám sát hơn nữa hoạt động của công ty này ở nước ngoài. Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến chính phủ Đài Loan trong quá khứ. Nhưng tôi tin chính phủ mới sẽ không chấp nhận kiểu ảnh hưởng thế này và sẽ kiểm soát tập đoàn này tốt hơn…”.  Có thể hiểu Formosa đang hết thời. Tuy trước đây họ có thể thao túng Chính phủ Đài Loan (cũng như Việt Nam) nhưng “thành tích” hủy hoại môi trường của họ quá lớn, nên uy tín của họ đã xuống quá thấp, ở Đài Loan cũng như các nơi khác trên thế giới. Nếu Việt Nam tiếp tục bao che cho họ theo kiểu “phạt cho tồn tại” là vô cảm và vô minh. Chủ nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa xã hội thân hữu đang trở thành kẻ thù của nhân loại tiến bộ.
Những lỗ hổng về khoa học và pháp lý
Nghị sỹ Kuen-yuh Wu nói với phóng viên Zing rằng cho đến giờ ông vẫn chưa được đọc báo cáo điều tra, những gì ông biết chỉ dừng trên thông tin báo chí đưa như việc xuất hiện xyanua và phenol. Chưa tiếp cận được báo cáo thì ông không biết nồng độ xyanua trong nước ra sao và vì vậy khó đưa ra được kết luận của mình. Với độ dài đường ống thải hiện nay, chất độc chỉ lan ra được 47km, vì vậy nồng độ chất độc phải cao lắm mới lan ra tới 300km. Bộ TN&MT giải thích rằng khi xyanua và phenol kết hợp trở thành “tấm chăn” khổng lồ hút nhiều chất độc khác nên làm cá chết trên diện rộng. “Xyanua là rất độc và nguyên nhân cá chết hẳn là do xyanua, nhưng xyanua khi kết hợp lan rộng đến thế nào thì cần phải đọc báo cáo chi tiết. Là chuyên gia về độc tố học, tôi chưa từng đọc thấy tài liệu nào nói đến trường hợp hút các chất độc khác kiểu này”. Nói cách khác, ông ta chưa được thuyết phục. Một chuyên gia khác là kỹ sư Nguyễn Minh Quang cũng khuyên là nên công bố các tài liệu khoa học và báo cáo điều tra để có cơ sở thuyết phục. Kết quả phân tích các mẫu nước thu thập trong khu vực Lăng Cô ngày 15/4/2016, trong khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây, đã bác bỏ lập luận của phía Việt Nam vì cả hai chất phenol và xyanua không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước. Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập được có chứa NH4 với nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L. Với nồng độ đó, cá biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia / ammonium cho cá nước mặn là zero… Do đó, không có một độc tố nào hiện diện trong cá chết vì ammonia/ammonium. Theo ông Quang, giả sử hơn 50% mẫu cá chết thu được thật sự chết vì phenol và xyanua, như tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thì mức độ chính xác của nguyên nhân chỉ là 50% và gián tiếp thừa nhận rằng có một “yếu tố cực độc” khác đã giết số mẫu cá chết còn lại. Nếu kết quả phân tích mẫu cá không được công bố, thì bất cứ ai cũng có thể giả thiết rằng chính “yếu tố cực độc” kia đã giết chết hàng loạt cá biển miền Trung, và lập luận này có cơ sở khoa học vì ammonia/ammonium được phát hiện trong nước biển ở nồng độ có thể giết chết cá, mặc dù ở cách xa nguồn nước thải trên 250 km. Nếu giả thiết này là đúng thì mức độ chính xác về nguyên nhân cá chết do phía Việt Nam đã công bố là “con số không!”. Ông Quang cũng khuyến nghị nên soát xét lại giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật,” vì theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà có thể nói “ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa”. Cái cần giám sát nhất là từ luyện cốc, cần có hệ thống kiểm soát đạt “tiêu chuẩn 52”, nhưng vì đang trong giai đoạn chạy thử, nên chưa cơ quan nào được vào, chỉ khi nào họ đã vận hành rồi thì mới vào. Đây là kẽ hở pháp luật. Ta chưa kiểm soát được. Đáng ra phải đáp ứng tiêu chuẩn 52. Hệ thống quan trắc cũng chưa quan trắc được phenol, xyanua do pháp luật còn lỗ hổng, không có giám sát trong quá trình giám sát, thử nghiệm. Vì vậy, ông Quang đề xuất cách tốt nhất là lưu giữ lại nước thải ở hồ chứa tạm và chỉ được xả ra môi trường khi nào hội đủ tiêu chuẩn được ghi trong giấy phép qua kết quả phân tích.
Nói cách khác, đấu tranh trên ba mặt trận khoa học, pháp lý, và truyền thông cần & còn tiếp diễn, và cần sự trợ giúp của quốc tế. Kết luận của Chính phủ mới chỉ là bước đầu. Các nhà khoa học cần tiếp tục điều tra và phản biện để có cơ sở kiện formosa. Nếu Việt Nam nhận tiền phạt “cho phép tồn tại” thì sẽ mắc bẫy Formosa và các thế lực bất minh. Đấy là cách mà lâu nay họ vẫn làm. Xét cho cùng, Formosa chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Vô cảm và vô can
Trong khi thảm họa môi trường miền Trung được Chính phủ kết luận là do Formosa gây ra, thì Hà Tĩnh có tới 16 trung ương ủy viên (số lượng nhiều vô địch toàn quốc). Trong đó có hai người đứng đầu hai bộ quan trọng nhất đối với các dự án đầu tư là Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT. Cơ cấu nhân sự bất thường này có liên quan gì đến Formosa không? Chẳng lẽ Hà Tĩnh có nhiều nhân tài như vậy? Hay đó là phần thưởng cho sự đóng góp của tỉnh vào thảm họa này? Ông Võ Kim Cự (nguyên Chủ tịch/Bí thư Hà Tĩnh) là người có công rước Formosa vào Việt Nam đầu tư, và ban phát nhiều ưu đãi đặc biệt (thậm chí sai phạm quy định) thì nay vô can. Ông Cự vẫn là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và đại biểu Quốc hội. Liên quan đến những nội dung sai phạm, ông Võ Kim Cự và các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ là khách quan và cam kết sẽ “nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm”. Ông Cự cho biết, “Có cái đã xử lý, có cái đang xử lý và sẽ xử lý một cách nghiêm túc những khuyết điểm trên”. Không hiểu ông Cự “xử lý và khắc phục” thế nào thảm họa môi trường (và có thể là thảm họa an ninh). Nếu ông Cự và các quan chức khác có liên quan mà vô can, thì sẽ còn nhiều ông Cự khác và còn nhiều Formosa khác. Tại sao các quan chức địa phương có thể rủ nhau đi ăn hải sản và tắm biển sau khi góp phần để xảy ra thảm họa môi trường này? Thật vô cảm và vô minh!
Trong khi đó người dân địa phương bị nạn ở Hà Tĩnh sống ra sao? Cả nước quan tâm và đồng cảm với thảm cảnh cá chết do biển nhiễm độc, ngư dân mất nguồn sinh sống và mất luôn ngư trường truyền thống bao đời nay. Nhưng chưa hết, hệ quả của dự án Formosa còn có những thảm cảnh và góc khuất mà nhiều người không biết, nếu thiếu truyền thông hay vô cảm. Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã “giận run người” khi biết tin 155 học sinh thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị thất học do tái định cư. Theo báo Một Thế giới (25/6/2016), bố mẹ các em chưa đi tái định cư và chính quyền yêu cầu các em phải đi học tại các trường trên khu vực tái định cư (cách nhà tới 25 km) nên các em thất học. Một số giáo viên tình nguyện tổ chức dạy các em trong khi chờ đợi, đã bị chính quyền quy tội “làm trái pháp luật”. Họ nơm nớp “sống trong sợ hãi” như tội phạm vì bị công an xã liên tục “triệu tập”. Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Kỳ Anh khẳng định với báo chí: “Theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ Trường Tiểu học, THCS thì việc mở lớp dạy học mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan, đặc biệt là sử dụng đội ngũ chưa đủ tiêu chuẩn để lên lớp là vi phạm pháp luật”. Nếu nói như vậy thì Cụ Hồ ngày trước đã “vi phạm pháp luật” vì dám phát động “bình dân học vụ”! Trong khi những người cầm quyền sai phạm nghiêm trọng vẫn vô can, và những tỷ phú gây ra thảm họa môi trường được “khoan hồng”, thì những giáo viên tình nguyện và học sinh cơ nhỡ lại trở thành tội phạm “vi phạm pháp luật” chỉ vì là nạn nhân của Formosa, chỉ vì muốn học. Nếu nói “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại” thì họ đang đánh ai đây? Thay vì xin lỗi dân và giải thích với dư luận sẽ xử lý như thế nào những cá nhân mắc sai phạm gây ra thảm họa môi trường (như thủ tướng đã nói), thì Chính quyền tiếp tục dọa trấn áp để bịt miệng dư luận, với lý do “các thế lực thù địch” xui khiến. Thế lực thù địch nào xui khiến các giáo viên và học sinh cơ nhỡ muốn được học?
Trong khi đó du lịch Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, gây ra nhiều bất ổn (cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp). Đây là một hệ quả tất yếu của mối quan hệ Trung-Việt đầy bất ổn. Tuy chưa đến mức báo động, nhưng đây là một vấn đề đáng lo ngại, nếu đặt nó bên cạnh những vấn đề bất ổn khác như hàng vạn người lao động Trung Quốc đang sinh sống tại các khu vực có các dự án khủng của Trung Quốc tại miền Trung (như Vũng Áng). Việc Trung Quốc vừa lập Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng cũng là một câu hỏi đáng suy nghĩ trong bối cảnh Biển Đông đang nóng lên từng ngày trước phán quyết của PCA.
Việc Formosa gây ra thảm họa môi trường làm cá chết, buộc Chính phủ phải di dân và mất biển, có phải là một ý đồ lâu dài đối với Việt Nam?Thời điểm gây ra cá chết hàng loạt làm khủng hoảng xã hội trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, có phải là một ý đồ trước mắt để cản đường quan hệ Việt-Mỹ? Việc Formosa chiếm cảng nước sâu Sơn Dương tại Vũng Áng có liên quan gì tới chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông?...
Đầu tư và bảo vệ môi trường
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong hơn hai tháng qua, để bắt được Formosa cúi đầu nhận tội, Chính phủ Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn 2 vấn đề lớn chưa được giải đáp thỏa đáng. Thứ nhất, nếu Formosa khẳng định nguyên nhân xả thải làm nhiễm độc biển là do lỗi của các nhà thầu phụ, thì các nhà thầu phụ này là ai? Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh các nhà thầu phụ đó để có biện pháp xử lý thích đáng. Formosa nó là do sự cố chập điện, vậy chập điện là vô tình hay cố ý? Thứ hai, những cá nhân và tổ chức nào của Việt Nam có trách nhiệm trong vụ việc này vì đã buông lỏng quản lý, giảm sát, hoặc đưa ra nhiều “ưu đãi” vượt quá mức quy định cho Formosa, để họ gây ra thảm họa môi trường?
Chính phủ Việt Nam phải lập ra các tổ chức giám sát để theo dõi thực hiện những cam kết mà Formosa đã tuyên bố, như bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, phối hợp với các bộ ngành và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự.
Từ nay, những dự án lớn phải do Chính phủ quyết định, chứ không để cho chính quyền địa phương quyết định nữa. Phải điều hòa mục tiêu phát triển quốc gia để tránh tình trạng các địa phương đua nhau đầu tư phát triển bằng mọi giá, với những dự án chưa thẩm định kỹ, với các cán bộ yếu kém đưa ra những quyết định bất minh. Tuy “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng vẫn phải điều chỉnh chính sách đầu tư. Không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Không nên tin vào lời hứa của các nhà đầu tư, mà coi nhẹ thẩm định dự án. Phải kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức nào sai phạm trong vụ Formosa, nhằm răn đe các trường hợp tương tự không để xảy ra nữa. Vì vậy, không thể để cho những cá nhân, tổ chức này vô can.
Lời cuối
Nhiều người ngạc nhiên tại sao Formosa lại liều lĩnh đến phi lý khi đầu tư 10 tỉ USD (sau tăng lên 28 tỷ) cho một dự án thép có công suất 7,5 triệu tấn/năm (sau tăng lên 22 triệu tấn). Điều này là cực kỳ rủi ro vì giá thép đã giảm 200%. Vậy lý do thực sự là gì? Người ta có lý do để nghi ngờ là China Steel mượn danh Formosa để chuyển dịch sản xuất thép từ quặng tới thép thô vốn là khâu tốn kém nhất và ô nhiễm nhất sang Việt Nam, để cắt giảm chi phí và để tránh ô nhiễm môi trường Đài Loan. Nhưng Formosa và China Steel không thể tự mình làm được điều đó nếu không có các quan chức tham nhũng Việt Nam vô cảm và vô minh. Thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại miền Trung còn lớn hơn sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 vào hải phận Việt Nam tại Biển Đông (5/2014), là một bước ngoặt gây khủng hoảng quan hệ Trung-Việt. Tuy sự kiện giàn khoan HD-981 là một cú sốc lớn, nhưng nó không kéo dài và nguy hiểm bằng sự kiện cá chết do thảm họa môi trường. Formosa là một quả bom nổ chậm và là một tử huyệt đối với Việt Nam, cả về môi trường lẫn an ninh. Muốn vô hiệu hóa quả bom nổ chậm và tử huyệt này, phải “xoay trục” để thoát Trung và cải cách thể chế. Muốn khắc phục sai phạm dẫn đến thảm họa môi trường (và an ninh) thì việc chống tham nhũng và kiểm soát các nhóm lợi ích phải đi đôi với cải cách thể chế. (N.Q.D.- Viet-studiesb7-7-16)

*** T. Vấn: Tiếng vọng từ Vực Sâu?
Ngày 30 tháng 6 năm 2016, nhà nước Cộng sản Việt Nam tổ chức họp báo công bố nguyên nhân vấn nạn ô nhiễm môi trường vùng biển Vũng Áng khiến từ ba tháng nay, các sinh vật dưới đáy đại dương nằm chết trắng một dãy biển miền Trung Việt Nam. Thủ phạm chính không ai khác hơn là nhà máy Formosa. Không ai ngạc nhiên về tên thủ phạm. Ai cũng biết từ lâu, kể cả các viên chức chóp bu Cộng sản VN.
Các viên chức nhà nước chủ trì cuộc họp báo thông báo cho người dân biết rằng nhờ nỗ lực của họ, công ty Formosa đã nhận lỗi và hứa bồi thường 500 triệu đô la Mỹ về những thiệt hại họ đã gây ra. Đổi lại, chính quyền CS sẽ miễn truy tố trách nhiệm hình sự công ty, vì “Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng“.
Bỏ qua một bên sự vi phạm pháp lý trầm trọng của nhà nước Việt Nam khi chấp nhận thỏa hiệp này mà chắc chắn đề tài sẽ còn được bàn thảo rộng khắp trên các diễn đàn dân sự, ở đây chỉ muốn nói đến con số bồi thường 500 triệu đô la Mỹ của Formosa mà các viên chức nhà nước vui mừng chấp nhận. Căn cứ vào đâu để có con số 500 triệu đô la thiệt hại?
Về vật chất, ngoài những nạn nhân trực tiếp là người dân vùng Vũng Áng, sự ô nhiễm môi trường biển Việt Nam mà Formosa gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các bữa cơm hàng ngày của mọi gia đình Việt Nam, cả ở trong nước đến hải ngoại. Bữa cơm nào có thể thiếu muối, thiếu nước mắm? Cao hơn nữa, thiếu cá, thiếu tôm, thiếu các sinh vật khác từ biển? Và thời gian của sự thiệt hại gây ra bởi sinh vật biển và sản phẩm biển bị nhiễm độc kéo dài bao lâu? 1 năm? 5 năm? 30 năm? Hay còn hơn nữa?...Rồi những hệ quả không thể tránh khỏi của môi trường bị ô nhiễm đến sức khỏe người dân, gây nên các bệnh tật khó chữa, đến việc sinh con đẻ cái bị dị tật, bị mắc những chứng bệnh hiểm nghèo bẩm sinh do cha mẹ bị nhiễm độc v..v..  Con số 30 năm của thời gian thiệt hại đầy cảm tính nhắc đến ở trên chắc không chỉ thuần cảm tính và chắc không chỉ có 30 năm, không chỉ một thế hệ, không chỉ khoanh lại ở một vùng Vũng Áng...Chỉ mới nghĩ vội như thế, đã thấy con số 500 triệu đô la quả là một trò đùa tàn nhẫn.
Còn thiệt hại tâm lý gây ra do những ảnh hưởng vật chất ấy sẽ như thế nào ?
Người Việt Nam nào không sôi máu khi đọc từ bản tin của VnEpress dẫn lời bộ trưởng Trần Hồng Hà “còn những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, nhưng chúng tôi thấy rằng không cần thiết là bao nhiêu mà yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự…”. Không cần thiết là bao nhiêu ư? Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ hay sao? Đã nghiên cứu tường tận, tìm hiểu đến nơi đến chốn chưa mà dám bảo “không cần thiết là bao nhiêu”.
Ô nhiễm môi trường là thảm họa khủng khiếp còn hơn thiên tai, hạn hán, còn hơn chiến tranh thế giới, vì hậu quả của nó không chỉ ngừng lại trước những chấn thương vật lý, tâm lý trước mắt, mà kéo dài qua nhiều thế hệ, nhiều khu vực địa lý khác nhau. Hãy nhìn lại thảm họa vụ nổ nhà máy phản ứng hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô năm 1986. Nhà văn Belarus Svetlana Alexievich, giải thưởng văn chương Nobel 2015, đã có tác phẩm “Tiếng vọng từ Chernobyl” (Voices from Chernobyl) ghi chép lời kể của hơn 500 nhân chứng sống sót về những thiệt hại vật chất, tâm lý, truyền sinh, do thảm họa môi trường này gây ra. Đọc “Tiếng Vọng từ Chernobyl”*, rồi đối chiếu với những gì xẩy ra ở Việt Nam liên quan đến thảm họa môi trường Vũng Áng trong 3 tháng qua, người đọc dễ dàng đi đến một kết luận: Chính quyền Cộng Sản, dù ở đâu, dù ở bất cứ thời điểm nào, cũng đều độc ác với dân như nhau. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giữ vững quyền lực; phúc lợi của người dân, của thuộc cấp là thứ yếu. Bưng bít, dối trá, lừa đảo, bạo lực đàn áp, là những thuộc tính không thể thiếu của một chế độ Cộng sản, Liên Xô hay Việt Nam, 1986 hay 2016. Khi người dân lên tiếng phản đối sự vô cảm của nhà cầm quyền, thì Đảng cộng sản Liên Xô bảo là do các “thế lực phương Tây” kích động. Còn Đảng Cộng sản Việt Nam thì bảo là do “một số thế lực lợi dụng sự việc này để kích động, gây bất an trong nhân dân”. Ai không rùng mình khi nghĩ đến, rồi đây:
- Liệu những nạn nhân trực tiếp chết cái chết thảm khốc của Chernobyl 1986 sẽ có phiên bản từ thảm họa môi trường Vũng Áng 2016? Nên nhớ, những nạn nhân này không chết ngay mà phải đợi 2 hay 3 năm sau căn bệnh mới phát tác.
Liệu những đứa trẻ dị tật, dị dạng, chết non của Chernobyl 1986 sẽ có phiên bản từ thảm họa môi trường Vũng Áng 2016?
- Liệu những khu vực cư dân không thể sinh sống, những khu vực canh tác bất khiển dụng ở Chernobyl kéo dài mãi đến hôm nay sẽ có phiên bản ở một dãy bờ biển Việt Nam từ thảm họa môi trường Vũng Áng 2016?
- Liệu những nỗi đau khổ của kẻ sống sót ở Chernobyl 1986, gây trầm cảm, điên loạn, và “hội chứng Chernobyl” hoành hành, sẽ có phiên bản từ thảm họa môi trường Vũng Áng 2016?
- Liệu các quan chức Hà Tĩnh, Đà Nẵng đã tắm biển, ăn cá nướng để trấn an người dân rằng biển, cá an toàn, rồi đây cũng sẽ chịu đựng cùng một số phận cay đắng như những viên chức đảng ủy Belarus đã vì cúc cung phục vụ cấp trên nhằm giữ vững chức quyền lợi lộc, để rồi ngày nay đau xót nhìn con, nhìn cháu mình chết vì nhiễm độc, chính mình mang mặc cảm phạm tội suốt đời?
Còn nhiều lắm những gì xẩy ra ở Chernobyl 30 năm trước nay lại đang xẩy ra ở Việt Nam: quan tham lại những ăn hối lộ để con buôn tuồn hàng hóa, thực phẩm chứa đầy độc chất ra ngoài, ăn chận ăn bớt vật phẩm cứu trợ ( rồi đây trong số 500 triệu đô la Mỹ bồi thường của Formosa, sẽ có bao nhiêu đến được tay nạn nhân trực tiếp?) v..v…
- Liệu rồi đây, chúng ta sẽ có tiếng vọng từ Vũng Áng, tiếng vọng từ Việt Nam, hay Tiếng Vọng từ Vực Sâu?
- Liệu Vực sâu Chernobyl nhãn tiền có khiến chúng ta kinh sợ để không dám nghĩ đến Vực sâu Vũng Áng, Vực sâu Việt Nam?
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh! (Kiều)

*** Ts Phạm Văn Hội: Các câu hỏi sau khi công bố nguyên nhân cá chết
Tôi không có chuyên môn về công nghệ môi trường, tuy nhiên các thông tin công bố về nguyên nhân cá chết cho đến nay, đặt ra với cá nhân tôi nhiều câu hỏi (mà tôi chưa thể có câu trả lời thỏa đáng). Xin chia sẻ cùng bạn đọc để mọi người có thể có ý kiến làm sáng tỏ hơn nguyên nhân (đã hoặc chưa công bố), góp phần cung cấp dữ liệu & trải nghiệm khoa học cho các hoạt động bảo vệ môi trường, và sinh kế của ngư dân tại Việt Nam trong tương lai.
Ngày 30/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo VnExpress như sau: “Thứ nhất, kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua.  Thứ hai, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua.”.  Và: “…chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt.”
Các câu hỏi cần được giải đáp thêm là:
1. Các nhà khoa học Việt Nam đã lấy bao nhiêu mẫu cá để phân tích? Lấy ở đâu? Tỷ lệ các loại cá (cá sống ở tầng mặt, tầng đáy) thế nào?
2. Hơn 50% mẫu cá chứa phenol và xyanua, cụ thể cho các mẫu cá lấy ở mỗi vùng biển ô nhiễm là thế nào? Có gì khác biệt giữa các vùng ô nhiễm và các loại cá không?
3. Nếu cá ở tầng đáy chết hàng loạt thì cá sống ở tầng mặt bị ảnh hưởng thế nào? Nếu không hoặc ít bị ảnh hưởng, liệu ngư dân có thể tiếp tục khai thác, để duy trì nghề biển & cuộc sống của họ?
Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết: độc tố hóa học, cụ thể là phenol, xyanua cùng với sự đóng góp của hợp chất chứa sắt là nguyên nhân chính gây ra sự cố hải sản chết hàng loạt. Bản thân phenol và xyanua dạng tự do tan tốt và sẽ bị nước biển pha loãng nhanh, khó có thể gây hiện tượng cá chết tức thời trên diện rộng. Tuy nhiên, phenol, xyanua đã kết hợp phức sắt ở dạng keo (Mixel) xả ra môi trường biển. Nguồn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Các câu hỏi cần được giải đáp thêm là:
1. Phức hợp Mixel là gì? Có thể tạo phức hợp này trong điều kiện phòng thí nghiệm không? Nếu có sao không dùng phức hợp (thí nghiệm) này để đánh giá độc tố với cá (thay vì lấy nước ô nhiễm trong tự nhiên (bao gồm rất nhiều yếu tố chưa xác định và có thể chưa kiểm soát được khi làm thí nghiệm để thử với cá sống như các nhà khoa học đã làm)? (Tìm kiếm bằng từ khóa “iron mixel” trong google scholar và web of science, không cho bất kỳ kết quả nào về (tổ hợp) từ khóa này. Phải chăng phức hợp mixel (chứa sắt) là thuật ngữ mới khám phá từ vụ cá chết mới đây ở Việt Nam?)
2. Nếu đã hiểu cấu trúc phức hợp Mixel, có thể có giải pháp làm sạch biển không (tác động cắt đứt liên kết giữa keo sắt và phenol, xyanua để các chất này bị pha loãng trong nước; hoặc làm kết tủa & thu hồi nếu có thể; hoặc tạo phản ứng hóa học bổ sung để hạn chế độc tố của phức hợp này….)?
(ANTV) – Để chia sẻ những khó khăn, mất mát của ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bị ảnh hưởng do thủy, hải sản chết bất thường, các địa phương đã nhiều chính sách để hỗ trợ người dân. Trong đó, tăng cường cung cấp nguồn vốn để ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Các câu hỏi cần được giải đáp thêm là:
1. Tại sao lựa chọn chuyển đổi nghề cho hơn 1 triệu ngư dân lại là giải pháp được quyết định nhanh chóng như thế? Thay vì giải pháp làm sạch biển, giúp ngư dân bám biển và duy trì sinh kế truyền thống của họ? Lựa chọn nào khả dĩ hơn? Cơ sở ra quyết định là gì? Tại sao?
Việc chuyển nghề cho hơn 1 triệu ngư dân là khó khăn, thậm trí không thể chỉ với số tiền $500 triệu do Formosa đền bù, và với đặc điểm văn hóa ngư dân gắn biển. Nếu có thể làm sạch biển, khả năng phục hồi các loài thủy sản rất có thể nhanh hơn thời gian mà người dân cần tập huấn và sắp xếp thay đổi sang nghề khác, trong khi sẽ đảm bảo sinh kế tốt hơn cho ngư dân, duy trì văn hóa gắn với ngư trường của họ, cũng như chủ quyền quốc gia.
2. Số người bị ảnh hưởng dán tiếp từ việc hơn 1 triệu ngư dân bỏ nghề biển là bao nhiêu (VD: người đan lưới, đóng thuyền, cung cấp dịch vụ xăng dầu, sửa máy móc, buôn bán cá, dịch vụ du lịch…)? Chắc chắn cũng là con số rất lớn. Những người này sẽ làm gì thay thế để sống?
Xử lý môi trường là khó khăn và tốn kém, nhưng có lẽ là lựa chọn tốt hơn cho Việt Nam hiện nay. Lựa chọn này không chỉ giúp ngư dân bám biển, góp phần đảm bảo an ninh lương thực (hải sản), đảm bảo chủ quyền quốc gia, mà còn cung cấp những trải nghiệm và bài học quí báu cho các nhà khoa học Việt Nam, từ đó góp phần cải thiện chất lượng hoạch định chính sách công cũng như xử lý sự cố môi trường trong tương lai. (Không lẽ mai sau vỡ đập bùn đỏ boxit, hoặc nhiễm mặn… chúng ta lại sẽ chuyển nghề cho người dân vùng núi xuống biển đánh cá?).

(ii) Trần Trung Đạo: Chuyện từ vùng biên giới Bắc - Nam Hàn
Tuần trước người viết có dịp thăm vùng phi quân sự giữa biên giới Bắc và Nam Hàn. Người hướng dẫn du lịch là một sĩ quan quân đội Nam Hàn về hưu và nói tiếng Anh lưu loát. Ông vừa làm việc thiện nguyện tại đài tưởng niệm Chiến Tranh Triều Tiên ở thủ đô Seoul và vừa làm hướng dẫn viên cho du khách nên có hiểu biết rộng rãi về lịch sử và thời sự Nam Hàn. Người viết cũng đọc khá nhiều sách vở về đời sống của người dân Bắc Hàn và hiểu chính sách tẩy não thâm độc của chế độ họ Kim từ khi sinh ra cho đến tuổi trưởng thành nên không lấy làm lạ. Chuyến xe du lịch chỉ có bốn người nhưng người hướng dẫn lẫn người viết đều quan tâm đến những vấn đề lịch sử, chiến tranh, thời sự nên thảo luận sôi nổi suốt đoạn đường từ thủ đô Seoul lên vùng biên giới.
Buổi sáng trời mưa trên sông Imjin, máy hình chụp không rõ lắm nhưng nhờ ống nhòm đặt trên trạm quan sát dành cho du khách gần vùng phi quân sự nên thấy khá rõ sinh hoạt của người dân Bắc Hàn dọc biên giới. Nhiều nhóm nông dân đang làm ruộng trên cánh đồng, một số chăn bò, một số khác cấy mạ. Ngoài ra, bên kia sông còn một dãy chung cư tương đối sang trọng. Khu nhà sang trọng này được Bắc Hàn đặt cho một cái tên rất cao quý: Làng Hòa Bình (Kijŏng-dong). Khu vực có điện đàng hoàng và mỗi đêm đèn được bật sáng khi trời vừa tối. Nhưng không lâu sau khi được xây dựng, các cơ quan truyền thông quốc tế khám phá ra không ai sống trong những khu nhà đó. Nhà không có cửa kiếng và đèn được mở tắt tự động đúng giờ. Những người duy nhất hoạt động trong khu vực là phu quét đường, nhưng chính họ cũng chỉ làm công việc tuyên tuyền để gây ấn tượng “làng Hòa Bình” đang sinh hoạt bình thường. Cách một dòng sông hẹp nhưng đời sống vật chất và nhất là tinh thần giữa Nam và Bắc Hàn xa như thiên đàng và địa ngục. Trong lòng người viết chợt dâng lên niềm thương cảm cho số phận những con người bất hạnh bên kia. Với chính sách trồng người thâm độc của bộ máy tuyên truyền Bắc Hàn, cái nhìn của người dân Bắc Hàn về mọi lãnh vực đã hoàn toàn bị thay đổi. Họ có thể không còn biết tủi thân cho cuộc đời nô lệ của mình mà trái lại lại cảm thấy vui và hãnh diện với “chân lý” “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã đóng đinh vào nhận thức họ từ khi mới ra đời. Cũng chính “chân lý” đó đã giết khoảng ba triệu người Việt Nam và đang tàn phá một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến.
Trong trường học, học sinh Bắc Hàn được dạy người dân Nam Hàn nghèo đến nỗi không có nhà để ở phải sống trong gầm cầu và ăn mặc rách rưới. Mỗi khi nhìn sang bờ nam sông Imjin, người dân Bắc Hàn bị tẩy não cảm thấy xót thương cho dân Nam Hàn khốn khổ đang chịu đựng “dưới gót giày đế quốc Mỹ”. Họ hãnh diện vì hạt lúa họ gieo, nắm mạ họ cấy là chính từ bàn tay “độc lập, tự do” của họ chứ không phải “ăn bám đế quốc Mỹ” như mấy chục triệu người miền Nam. Họ được dạy Bắc Hàn là xứ sở thần tiên nhất trên đời. Không ít người dân Bắc Hàn sinh ra, lớn lên, già nua và chết đi trong “niềm kiêu hãnh” đó. Trong tất cả các nước từng chịu đựng chiến tranh do chủ nghĩa CS xâm lăng, có lẽ Triều Tiên là gần gũi và dễ so sánh với Việt Nam nhất nên nghĩ đến Triều Tiên không khỏi cùng lúc liên tưởng đến Việt Nam.
Bên kia sông Bến Hải
Đa số người Việt bên kia sông Bến Hải một thời đã nghĩ về miền Nam giống như người dân Bắc Hàn đang nghĩ về Nam Hàn. Ngay cả hôm nay không ít trong số trong số họ vẫn chưa gạt bỏ hẳn nhận thức đó. Hơn Bắc Hàn ở chỗ, tại Việt Nam, không chỉ những người dân sống trong các vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh mà ngay cả những người có trình độ học vấn cao, mang hàm phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ cũng bị nhiễm loại vi trùng “không có gì quý hơn độc lập tự do” tương tự.
Sau 41 năm, một số đã biết đó không phải là sự thật và biết mình bị lừa gạt nhưng vẫn cố tìm một lý do “khách quan” để biện minh, để lý giải cho nhận thức sai lầm của mình. Họ không đủ can đảm để chống lại chế độ và cách lý giải dễ dàng nhất là đổ thừa cho hoàn cảnh, cho số phận, cho lịch sử thay vì cho đảng CSVN. Khi được hỏi “Nếu Mỹ không can thiệp bằng quân sự kịp thời, theo anh, liệu tình huống sẽ ra sao?” Người hướng dẫn chỉ về phía Bắc Hàn và nói “Nếu Mỹ không can thiệp, miền Nam không thể ngăn chận được CS miền Bắc”, “Rồi sao?” “Còn sao nữa, hôm nay chỉ có một Triều Tiên Cộng Sản như Bắc Hàn vậy đó”, anh trả lời nhanh và gọn. Mỹ cũng can thiệp để ngăn chận CS tại miền Nam Việt Nam nhưng trong một tình huống khác. Thế chiến Thứ Hai chấm dứt từ lâu và một cuộc chiến tranh, dù quy ước hay du kích, cũng không thể thắng bằng chiến lược chỉ tập trung phòng thủ miền Nam.
Mối liên hệ giữa Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam
Nếu không có Chiến tranh Triều Tiên, cục diện chiến tranh Việt Nam có thể đã khác. Chiến tranh Triều Tiên để lại cho cả Trung Cộng lẫn Mỹ một bài học về giới hạn sử dụng phương tiện chiến tranhh, hỏa lực và nhân lực. Đối với Trung Cộng, Bắc Hàn và Bắc Việt là vòng đai an ninh (buffer zone) của Trung Cộng và Mỹ chỉ muốn ngăn chận CS từ vĩ tuyến 17 chứ không muốn tái diễn cuộc chiến trực tiếp với Trung Cộng dù thắng cũng vô cùng tốn kém một lần nữa.
Dân Nam Hàn may mắn hơn VNCH vì Kim Nhật Thành sau khi không nuốt được Nam Hàn đã chấp nhận ngưng chiến. Họ Kim độc tài tàn bạo nhưng còn biết dừng lại, Hồ Chí Minh và lãnh đạo CSVN thì không. CSVN nhất định “chống Mỹ cứu nước” cho đến khi nào CS hóa toàn cõi Việt Nam. Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị đảng CSVN. Bài học chiến tranh Triều Tiên chưa phai mùi thuốc súng với hơn 3 triệu người thiệt mạng chỉ trong vòng 37 tháng đánh nhau không làm họ phân vân. Khả năng Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến và nhiều triệu tấn bom sẽ được ném xuống hai miền không khiến họ do dự. Lãnh đạo CSVN chỉ cần chiến thắng, dù chiến thắng trên máu xương của đồng bào ruột thịt, trên xác đám trẻ thơ vừa mới chào đời, trên cảnh tương tàn phân hóa tận cùng của đất nước.
Hiện có mấy chục ngàn người dân Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn bằng nhiều cách và thật khó tin nhưng cũng có người từ Nam Hàn đào thoát sang Bắc Hàn. Nỗi tiếng nhất là trường hợp đào thoát đi và đào thoát về của Giáo sư kinh tế Oh Kil-nam. Oh Kil-nam là một trí thức Nam Hàn có đầu óc tả khuynh và tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ Nam Hàn trong đầu thập niên 1980. Ông ta bị ảnh hưởng bởi tư tưởng CS khi học tại Đức và những lời tuyên truyền đường mật của Bắc Hàn nên đã đưa cả gia đình gồm vợ và hai con gái đào thoát sang Bắc Hàn năm 1985 qua ngã Đông Đức rồi Liên Xô. Khi đến Bắc Hàn, Oh Kil-nam mới biết đó không phải là thiên đường mà là địa ngục trần gian. Mỗi ngày ông ta phải học tập tư tưởng Juche của Kim Nhật Thành và ban đêm phải đọc những tin tức, bài vở tuyên truyền trên đài phát thanh phát sóng sang Nam Hàn. Năm sau, 1986, Oh được Bắc Hàn cử sang Đức để tìm cách lôi kéo thêm các trí thức Nam Hàn khác đang du học tại Đan Mạch. Khi vừa bước xuống phi trường, Oh đi thẳng đến văn phòng di trú tại phi trường để xin tỵ nạn chính trị mặc dù vợ và hai con gái vẫn còn bị giữ lại tại Bắc Hàn. Năm 1992, Oh Kil-nam trình diện tòa đại sứ Nam Hàn và trở lại Nam Hàn. Sự ngu xuẩn của Oh Kil-nam, như chính ông thừa nhận, khiến ông ta chịu đựng đau khổ đã đành nhưng kéo theo sự chịu đựng của ba phụ nữ vô tội. Từ khi Oh Kil-man đào thoát khỏi Bắc Hàn, vợ con ông ta bi tống giam vào trại tập trung và sống trong điều kiện vô cùng đau khổ. Bà Oh Kil-nam cuối cùng đã chết trong trại tập trung năm 2012 và số phận hai con gái của ông ta cũng bặt tin. Người viết chợt nhớ đến câu nói của Yuri Alexandrovich Bezmenov, một chuyên viên tình báo Liên Xô đào thoát sang phía tự do, diễn tả tình trạng tinh thần của những người bị tẩy não: “Ngay cả mang anh ta tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin… cho đến lúc anh ta bị đá ngay vào đít, khi bị giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu. Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo đức trong con người.” Câu nói của Yuri Alexandrovich Bezmenov là một chứng minh hùng hồn cho trường hợp của “nhà trí thức” Oh Kil-nam. Ông ta chắc đã đọc rất nhiều sách vở về CS nhưng không thấy được bộ mặt thật của chế độc độc tài dã man Bắc Hàn cho đến khi đặt chân sang Bình Nhưỡng.
Những Oh Kil-nam Việt Nam nên sống ở “Làng Hòa bình” một thời gian
Việt Nam có rất nhiều Oh Kil-nam. Sự kiện “Tôn Nữ Thị Ninh chống Bob Kerrey” vừa qua cũng cho thấy tầng lớp “băng hoại về đạo đức” như Alexandrovich Bezmenov phát biểu còn dẫy đầy tại Việt Nam.
Giống như Oh Kil-nam Nam Hàn đã phó mặc số phận vợ con trong trại tập trung Bắc Hàn, những Oh Kil-nam Việt Nam là những người có kiến thức nhưng thiếu đạo đức. Đạo đức mà họ có chỉ là đạo đức giả. Tại sao? Họ học các nguyên tắc dân chủ, từng sống trong chế độ dân chủ, rao giảng các lý thuyết dân chủ cho học trò, khoe khoang kiến thức về dân chủ nhưng lại cong lưng làm nô bộc cho một chế độ độc tài lạc hậu đã bị xếp vào quá khứ đau thương tang tóc của nhân loại. Không có tầng lớp xăng nhớt này, bộ máy già nua CS sẽ phải ngừng hoạt động.
Nhiều tác giả phê bình bà Tôn Nữ Thị Ninh và phe cánh đề nghị họ nên mở mắt nhìn xa sang các nước tự do, dân chủ và thịnh vượng để biết Việt Nam cần phải vượt qua và đi lên với phần đông nhân loại. Không. Bà Tôn Nữ Thị Ninh và phe cánh đâu cần phải nhìn sang châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn vì họ đã học ở đó, đã sống ở đó hay đã đến đó nhiều lần. Nhưng họ có mắt mà không thấy. Bởi vì, nỗi khổ đau và sự chịu đựng của con người không thể thấy được bằng đôi mắt thường mà bằng đôi mắt lương tri. Và người viết chợt nghĩ, biết đâu nếu họ sống trong “Làng Hòa Bình” của Kim Jong-un một thời gian với hy vọng như Yuri Alexandrovich Bezmenov nhận xét cho đến khi “bị đá ngay vào đít, bị giày đinh đạp lên” như Oh Kil-nam, đôi mắt lương tâm và đạo đức trong con người họ sẽ có dịp mở ra.

*** Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi được giải phóng
Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.
Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “ triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kì diệu.
Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.
Tối hôm đó thằng Mình bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ giành cho các du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.  Thằng Minh khoe cái cassete ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassete là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassete của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo. Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thật vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành. Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bỉu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Mình tủm tỉm cười không nói gì, nó mở casete, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca 7. Kết thúc Sơn ca 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!
Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.
Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.
Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy giành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí....Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu đần. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt.
Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.
Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Captain, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt.
Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum sê, hai vỉa hè đầy sách. Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác – Lê. Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nôi chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác - Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác - Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn.
Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị. Tôi thì rất vui vì biết mình đã được giải phóng. (FB Nguyễn Quang Lập).

(iii) Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Mặn hơn muối
Tôi ăn biển hàng ngày từng hạt muối trắng tinh
Tôi ăn bình minh mọc lên nắng mặn
Tôi ăn gió thổi về từ biển
Tôi ăn rì rầm sóng
Và sữa Mẹ nhiều khi mặn đắng
Chan nước mắt biển Đông
Đôi vai cha lấp lánh lân tinh
Mồ hôi muối
Áo quầng quầng vết trắng
Bà nội nhai trầu đung đưa võng
Kể chuyện xửa chuyện xưa
Có ông tướng cụt đầu hoá núi đá cụt đầu cắm ngoài biển cả
Nước mắt vợ thành sông chảy ra biển tìm chồng
Nước mắt mặn từ lòng
Nước biển mặn từ yêu…

Những đứa con theo mẹ đi tìm cha
Tràn về phía biển
Những đứa con như cây lim cây sến
Từ rừng đổ xuống
Từ châu thổ trồi lên
Những đứa con xẻ gỗ đóng thuyền
Rút dây rừng đan lưới
Tiếng hò dô hoà tiếng sóng dong khơi
Cá quẫy trắng trời
Cánh tay trần cuộn sóng
Cá ngừ đại dương ăn sống
Cá thu cá bóp nướng than hồng
Cá trích cá chim cá thèn cá mực
Cá mú đỏ cá tắc kè cá bò hòm cá nục
Cá kho tương cá muối mắm thơm lừng
Cá phơi khô mùa nắng trải đầy thuyền
Cá mũ đỏ bên tôm hùm thắp lửa
Những con thuyền băng lướt qua bầy sứa
Những cánh buồm bay theo cánh hải âu…
      Đi tìm cha trên sóng nước đục ngầu
     Đi tìm cha đêm trăng xanh biển lặng
    Gặp đảo đá cụt đầu bước đi trên sóng trắng
    Vung cánh tay khổng lồ ném đá xuống biển sâu
    Đá ném xa thành đảo chìm đảo nổi
    Những đảo đá san hô những đảo đá cát vàng
    Những đảo đá mọc cây xanh miên man
    Những đảo đá xếp thành hòn trống mái
    Những đảo đá chuyền nhau tiếng gọi
    Những đứa con lớp lớp tụ về
    Thành dân đảo bao đời không nhớ nữa…
Tôi đi dọc bãi bờ chữ S
Đất bên tây và nước bên đông
Những dòng sông tuôn mạch máu không ngừng
Những mạch đá xoè xương sườn ôm ấp
Đất Nước tôi nắng mưa hay bão táp
Hạnh phúc khổ đau tôi gọi Đất Nước ơi!…
Đất và biển và trời xanh đắm đuối
Giữa mênh mông hiển hiện những Con Người
Có tiếng khóc tiếng cười
Có nước mắt mồ hôi
Mặn hơn muối mặn
ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:
Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ
Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng
Mọc lên lớp lớp tầng tầng
Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô
Những vùng biển đẹp như mơ
Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…
      Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:
     Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…
................................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: