Hình 1: Sân lâu đài Okayama đầy lá rụng vào một ngày mưa gió với một ít du khách đứng nơi cổng chờ mua vé vào xem bên trong.
Trong chuyến đi Nhật 19 ngày tháng Tư vừa qua, tôi được đi thăm viếng và chụp ảnh Lâu đài “Hạc Trắng” Hakuro-jō với kiến trúc mang nét đẹp nữ tính nổi tiếng nhất Nhật Bản ở thành phố Himeji và Lâu đài “Quạ Đen” Ujo với kiến trúc mang nét đẹp nam tính ở thành phố Okayama.<!->
Lâu đài Hạc Trắng Himeji được công nhận là di sản thế giới vì là lâu đài nguyên thủy trong khi lâu đài Quạ Đen Okayama là lâu đài bản sao đã được xây cất lại dựa theo bản gốc. Thú vị cho tôi khi biết Okayama là nơi xuất phát câu chuyện cổ tích dân gian Momotaro rất phổ biến của Nhật. Trên đường xe chạy tới lâu đài, tôi nhận ra ngay bức tượng đồng Momotaro quen thuộc dựng trước nhà ga xe lửa cách lâu đài khoảng 2 km mà tôi đã từng thấy hình trong truyện Momotaro. Đầu năm Bính Thân vừa qua, tôi đã dựa theo truyện Momotaro để phóng tác thành truyện “Đào Tử” (đứa con của quả đào) cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Theo lịch trình định trước, sáng ngày 7 tháng Tư chúng tôi lái xe rời Hiroshima để đi Okayama. Chỉ trông cậy vào hệ thống định vị toàn cầu GPS gắn trong xe, chúng tôi mất một khoảng thời gian chạy lòng vòng trong thành phố mới tìm ra lâu đài. Vị trí lâu đài được chọn rất khéo về phương diện phòng thủ chiến lược với một mặt hình vòng cung giáp sông Asahi phía bên ngoài và hào rộng phía mặt trong. Từ bãi đậu xe, du khách chúng tôi phải đi bộ qua một con đường đê (rộng bề ngang cho xe chạy được) bắc qua hào để vào khuôn viên lâu đài có tường đá cao bao bọc.
Theo tài liệu, lâu đài Okayama được lãnh chúa Ukita Naoie bắt đầu xây năm 1573 và hoàn thành bởi con trai ông là Hideie năm 1597. Hideie đứng về phe gia tộc Toyotomi kém may mắn hơn trong trận chiến Sekigahara khốc liệt nhất xảy ra ở Nhật năm 1600. Hideie đã bị mạc phủ Tokugawa bắt làm tù binh và bị đày ra đảo nhà tù Hachijo. Lâu đài Okayama và lãnh địa xung quanh bị dùng làm chiến lợi phẩm thưởng trao cho Kobayakawa Hideaki. Chỉ hai năm sau đó, Kobayakawa đột ngột qua đời, không để lại di chúc và tên người thừa kế. Lâu đài và thái ấp được trao cho gia tộc Ikeda, là người sau này đã xây thêm khu vườn Kōraku-en cho lâu đài.
Năm 1869, lâu đài trở thành tài sản của Bộ Chiến Tranh (Hyōbu-shō) của chính phủ. Hoàng đế Minh Trị nhận thấy những lâu đài của thời kỳ “samurai” đã lỗi thời và không cần thiết nữa. Hào sâu và tường thành bên ngoài nhiều lâu đài trên khắp nước Nhật dần dần bị lấp và bị phá bỏ. Vào ngày 29 tháng 6 năm 1945, oanh tạc cơ Hoa Kỳ đã ném bom đốt cháy rụi lâu đài Okayama trở thành bình địa.
Công việc tái thiết lâu đài Okayama bắt đầu vào năm 1964 và được hoàn thành vào năm 1966.
Lâu đài được xây lại bằng bê tông, có gắn hệ thống điều hòa nhiệt độ, thang máy và nhiều màn hình ghi lại lịch sử của lâu đài với sự tập trung chính vào thời đại Ikeda. Tầng hầm trưng bày tranh cuộn về các cuộc chiến thời Sengoku, tái hiện bằng trình chiếu hình ảnh và lời dẫn giải để du khách cảm nhận được diễn biến của các trận đánh. Tầng một có trà thất, quầy bán đồ lưu niệm. Tầng hai trưng bày tư liệu về thời gia tộc Ikeda-ke làm chủ thành, có góc chụp ảnh lưu niệm, góc trải nghiệm mặc thử trang phục cổ. Tầng ba giới thiệu những câu chuyện về lâu đài nói chung và về thành Okayama trong thời gia tộc Ukita-ke và gia tộc Kohayagawa-ke làm chủ thông qua tranh ảnh và những tấm bích chương. Tầng bốn trưng bày tài liệu về công cuộc tái xây dựng lâu đài. Tầng năm giới thiệu về cuộc đời của chủ thành là lãnh chúa Ukita Naoie. Tầng sáu là lầu quan sát.
Hình 2: Đường đê qua hào rộng dẫn vào lâu đài. Hướng dẫn viên du lịch “thua guide” Yến Linh trùm áo mưa nhanh chân đi trước.
Vừa nhìn thấy hàng cây anh đào trồng dài theo tường đá, chúng tôi mừng rỡ nên cứ đội mưa mà đi như những chiến sĩ xông pha săn… ảnh.
Hình 3: Cổng Rokomon.
Cổng Rokomon từ mặt đất là điểm khởi đầu của một lối hành lang dài dẫn lên phòng họp chính quyền (Omoto-Shoin) của lãnh chúa ở tầng giữa. Cổng được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép tại ngay vị trí cũ năm 1966. Khuôn viên lâu đài là một vườn rộng có trồng 200 cây anh đào già có những cành dài sà thấp xuống mặt đất khiến các tay nhiếp ảnh bọn tôi mê thích.
Hình 4: NAG Anh Vũ đứng nơi vườn đá trong khuôn viên lâu đài Okayama.
Hầu như ngoài bốn đứa chúng tôi ra chẳng có ai khác “điên khùng” lang thang trong khu vườn ngoài trời mưa gió lạnh. Họ đều che dù đi vào bên trong lâu đài cả. Như vậy càng tốt vì chúng tôi được tự do một mình một cõi. Với đôi chân yếu, tôi rất sợ đi vào đám đông vì chỉ một chút đụng chạm, tôi rất dễ mất thăng bằng và té ngã. Tôi không dùng máy ảnh DSLR vốn thường nặng nề chính vì lý do đó.
Hình 5: NAG Khánh Lượng đang lom khom chụp ảnh.“Nền cũ lâu đài bóng tịch dương… Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt…” (hai câu 4 và 5 của bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ = Bà Huyện Thanh Quan).
Khi vọng lầu gốc (tháp canh chính) được xây dựng lại vào năm 1966 bằng bê tông cốt thép, những tảng đá nền tảng đã được mang ra sắp xếp một cách tỉ mỉ trong khu vườn đúng theo vị trí nguyên thủy và trở thành một tác phẩm điêu khắc mỹ thuật. Chúng tôi đều chụp nhiều ảnh nơi khu vườn này.
Hình 6: Chiêu Ấn đang chụp ảnh xác hoa anh đào rụng đầy trên mặt đất sau cơn mưa.
Bọn tôi có cơ hội chụp ảnh “mưa hoa” khi những cánh hoa anh đào thi nhau rời cành bay bay trong cơn gió như đàn bướm một cách tự nhiên trông lãng mạn làm sao. Tôi có đọc một tin khá đáng tiếc xảy ra vào mùa hoa anh đào nở trong tháng Ba năm 2016 ở Trung Quốc. Tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, nhiều người chỉ vì muốn có ảnh đẹp đã dàn cảnh “mưa hoa” bằng cách leo lên cây rung cành cho hoa rụng. Một cô mang giày cao gót màu đỏ cũng leo lên cây và bị mắc kẹt ở đó. Hành vi đáng tiếc đó đã gây nhiều thiệt hại. Mùa hoa anh đào tại Toronto năm trước đây cũng đã xảy ra tình trạng tương tự bởi một số du khách di dân thiếu ý thức.
Hình 7: Một chùm hoa anh đào còn đọng những giọt nước mưa long lanh. Dưới tầm nhìn của lữ khách phương xa, mỗi hình ảnh đều mang nét đẹp ấm lòng. Một hai hôm nữa thôi, khi lữ khách đã rời nước Nhật, cành hoa anh đào này chắc cũng đã trơ trụi và thản nhiên với vòng chu kỳ thời gian…
Tuy lâu đài Okayama được xây trên đất bằng nhưng đắp trên nền cao. Từ bãi đậu xe đi bộ một quãng rồi qua cầu, đôi chân yếu của tôi còn phải hai lần leo lên mấy chục bậc thang toàn bằng đá xanh ướt nước mưa trơn trợt; hai bên lại không có tay vịn. Bận lên tôi không ngại lắm nhưng bận xuống tôi lê từng bước mà vẫn cứ sợ té. Có lúc tôi phải vịn vai hoặc nắm tay bạn đồng hành để đi.
Hình 8: Xác hoa anh đào màu hồng phủ đầy dưới gốc cây; dấu tích của thời gian trên thân cây là những đốm rêu xanh mốc.
Chuyến viếng thăm Lâu Đài Okayama đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tuy nhằm một ngày mưa ảm đạm vắng người, tôi vẫn cố gắng vận dụng đôi chân yếu leo lên những bậc thang, bậc thềm đá xanh trơn trợt. Khu vườn đá trông như những bia mộ không tên tượng trưng cho bao nhiêu đời người đã qua. Những cội anh đào già với thân cây sần sùi rêu mốc vẫn tỏa sức sống vươn cành. Những hạt mưa trong veo đọng lại trên những đóa hoa. Những cánh hoa anh đào rơi rụng với màu hồng tươi vẫn còn. Với tôi, tất cả đều đẹp. Một con chim bồ câu lẻ loi có mang vòng khoen ở chân ung dung lững thững bước trên thảm cánh hoa anh đào rụng để kiếm ăn. Nó dửng dưng bước gần tôi, xem như không có sự hiện diện của tôi. Dường như đó cũng là một đặc tính Nhật.
H.9: Mưa xuân dội mái tường thành/ Hoa rơi tơi tả trơ cành buồn thay…
Với hơn bốn trăm năm, lâu đài Okayama cũng như với hàng ngàn lâu đài khác trên nước Nhật đã trải qua bao lần hưng phế theo dòng lịch sử nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay để trở thành chứng tích của một đất nước giàu tinh thần dũng cảm, lòng kiên trì phấn đấu và niềm tự hào dân tộc. Trên nóc lâu đài, tại mỗi góc chót của mái ngói đều có tượng trang trí hình cá mạ vàng nổi bật trên màu sơn đen. Đó là biểu tượng của các vị thần giám hộ phù trợ cho lâu đài tránh hoả hoạn tai ương.
H.10: Một chùm hoa anh đào chỉ còn trơ cuống sau cơn mưa gió. Bức ảnh chùm hoa anh đào đã bị gió mưa làm rụng hết cánh hoa cả rồi trong khu vườn lâu đài Okayama ngày 7 tháng Tư này chứng minh một điều rằng nó vẫn có một cái nét đẹp nào đó trong mắt tôi.
Ở Nhật trong chín ngày vừa qua của đầu tháng Tư, hôm nay là lần thứ nhì chúng tôi giăng mưa chụp hình vì đam mê nhiếp ảnh mà tôi thường gọi đùa với ba người bạn ảnh là “dục vọng điên cuồng”.
Mưa xuân nào có lạ gì; mưa xuống cho cây cỏ đâm chồi nẩy lộc tốt tươi. Chỉ có điều mưa nhiều khiến cho hoa anh đào mau rụng; thời gian hoa nở bình thường chỉ kéo dài một tuần lễ sẽ ngắn bớt đi. Mưa lớn và gió mạnh dễ làm cho những cánh hoa đào vốn mong manh sẽ rụng mau một khi hoa đã hoàn toàn mãn khai. Một khi con người chưa thể kiểm soát được điều kiện thời tiết, vạn vật tốt tươi hay không đều do may rủi.
Nhưng thật ra tôi nghĩ trong bất cứ hoàn cảnh nào, người có tâm hồn nhạy cảm vẫn có thể tìm thấy một góc cạnh đẹp nào đó của sự việc. Những cánh hoa anh đào hồng nhạt nằm tơi tả trên đám cỏ xanh, bám trên phiến đá hay dính chặt trên mái ngói tường lâu đài, tất cả những hình ảnh đó vẫn đáng được ghi lại qua ống kính của người say mê nhiếp ảnh.
Trời mưa thì kệ trời mưa
Chưa chụp ảnh đẹp thì chưa chịu về.
Chiêu Ấn.
PH-HCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét