Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Những loài khỉ lạ - Phan Hạnh

Hình 1: Khỉ mặt chó – Mandrill baboon
Trên thế giới hiện có hơn 260 loài linh trưởng còn tồn tại. Ngoại trừ những nhà khảo cứu chuyên môn sinh vật học, nói chung ít ai hiểu biết rõ hết 260 loài khỉ đó. Bài viết này chỉ sơ lược giới thiệu một số khỉ, tuy gọi là lạ nhưng cũng đã từng được đề cập đến, tuy người viết chưa tận mắt thấy bao giờ nhưng đã thấy qua phim tài liệu hoặc hình ảnh trong bách khoa từ điển mạng.

<!->
Mandrill baboon (Khỉ mặt chó)
Khỉ mặt chó (tên khoa học: Mandrillus sphinx; tên tiếng Anh: mandrill) là một loài khỉ cựu thế giới (Cercopithecidae) có liên quan chặt chẽ với khỉ đầu chó (baboon). Chúng sống trong môi trường tự nhiên tại các rừng mưa nhiệt đới và khảm rừng thảo nguyên các nước châu Phi như Cameroon, Gabon, Guinea Xích Đạo, và Congo. Chúng sống từng đàn, ăn tạp các loại trái cây và côn trùng. Mùa giao phối của chúng diễn ra từ tháng sáu đến tháng mười. Khỉ mặt chó cao khoảng 80 cm, trọng lượng trung bình của con cái là 11,5 kg, của con đực là 25 kg. Chúng sống dưới mặt đất vào ban ngày, ban đêm chúng ngủ ở trên cây.
Đặc điểm nổi bật dễ nhận ra nhất của chúng là chiếc mũi đỏ rực với những lằn viền màu sáng hai bên. Màu mũi của con khỉ cái thường nhạt hơn và kích thước cũng chỉ bằng một nửa so với khỉ đực. Hiện nay, khỉ mặt chó Mandrillus sphinx đang được liệt vào danh sách những loài động vật dễ tuyệt chủng do bị săn bắt và mất môi trường sống.
Trong quyển sách "The Descent of Man", Charles Darwin đã nhận xét về nét đặc thù của khỉ mặt chó là "Không có động vật nào khác trong tất cả động vật có vú lại có màu sắc một cách vô cùng khác thường như khỉ mặt chó đực trưởng thành" (No other member in the whole class of mammals is coloured in so extraordinary a manner as the adult male mandrills).
Khỉ mặt chó (có người còn gọi chúng là "phi phi") có một bộ lông màu xám xanh hoặc màu ô liu với sọc màu vàng và màu đen, và một cái bụng có lông trắng. Khuôn mặt không có lông của nó có một mõm thon dài với đặc điểm khác biệt, chẳng hạn như một sọc đỏ xuống các đường vân màu xanh ở giữa và nhô ra ở hai bên. Nó cũng có hai lỗ mũi và đôi môi đỏ, bộ râu màu vàng và chõm trắng. Khu vực xung quanh bộ phận sinh dục và hậu môn có nhiều màu gồm màu đỏ, màu hồng, màu xanh, màu đỏ tươi, và màu tím. Chúng cũng có bộ mông màu hồng. Những màu sắc này của chúng đậm rõ hơn ở những con đực đầu đàn. Khỉ mặt chó đực và cái đều có các tuyến ngực dùng để giao tiếp bằng khứu giác. Các tuyến ngực này cũng nổi bật hơn ở những con đực đầu đàn. Con đực cũng có răng nanh dài hơn so với con cái, 4 cm so với 1 cm.
Sự khác biệt trọng lượng cơ thể khỉ mặt chó giữa hai phái tính (sexual dimorphisms) rất lớn, lớn nhất trong số các loài linh trưởng. Con đực thường nặng 19-37 kg (42-82 lb), với khối lượng trung bình 32,3 kg (71 lb). Con cái nặng khoảng một nửa so với con đực, 10 - 15 kg (22 - 33 lb) và trung bình 12,4 kg (27 lb). Đặc biệt con đực lớn có thể nặng tới 54 kg (119 lb).
Chiều cao trung bình của con đực khi đứng thẳng trên 2 chân sau là 75 - 95 cm (30 - 37 in), con cái là 55 - 66 cm (22 - 26 in). Chiều cao ở vai khi đứng trên bốn chân khoảng 55 - 65 cm (22 - 26 in) cho con đực và 45 - 50 cm (18 - 20 in) cho con cái.
Trong môi trường được chăm nuôi, chúng có thể sống tới 31 năm. Tuổi có thể sinh nở của chúng là 3.5 năm.

Capuchin (khỉ mũ, khỉ thầy tu)
 
Hình: Khỉ thầy tu - Capuchin
Khỉ mũ hay khỉ thầy tu (capuchin) là loài linh trưởng Tân Thế Giới thuộc phân họ Cebinae sinh sống trong các khu rừng Trung Mỹ và Nam Mỹ. Tên của chúng xuất phát từ một nhóm các tu sĩ Giáo Hội Công giáo, thuộc Dòng Anh Em Phan Sinh (Francisco), là những người mặc áo choàng nâu có mũ trùm kín đầu. Khi các nhà thám hiểm tới châu Mỹ vào thế kỷ 15, họ đã nhìn thấy chúng giống như những tu sĩ Công giáo, vì thế đã đặt tên cho chúng là khỉ thầy tu. Tên khoa học của chi Cebus xuất phát từ kêbos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là một con khỉ đuôi dài.
Giống như hầu hết những con khỉ Tân Thế Giới, khỉ mũ phần nhiều sống trên cây, chỉ xuống mặt đất để tìm nước uống hay thức ăn thêm. Chúng dành hầu hết thì giờ cả ngày tìm kiếm thức ăn; chúng cũng biết làm một giấc ngủ trưa để nghỉ mệt. Vào ban đêm, chúng ngủ trên cây, cũng biết lựa cháng cây tốt để nằm cho thoải mái. Khỉ mũ là loài ăn tạp, hầu như cái gì chúng cũng ăn được, từ hoa lá rau quả chồi non cho đến côn trùng, động vật bò sát, nhuyễn thể, sò ốc và các loại thú nhỏ, ngay cả bắt ếch để ăn.
Chúng thường sống từng bầy từ 10 đến 35 con trong rừng, mặc dù chúng cũng có thể dễ dàng thích ứng với những nơi có người. Thông thường, một con đực duy nhất làm đầu đàn, có quyền giao phối với bất cứ con cái trong nhóm. Mỗi đàn chiếm lĩnh một lãnh thổ rộng lớn; ý thức bảo vệ giang sơn riêng của chúng rất cao. Chúng đánh dấu biên giới bằng nước tiểu và sẵn sàng chống lại những kẻ xâm nhập. Do tình trạng ranh giới nhập nhằng chồng chéo nhau, chuyện xung đột gấu ó xảy ra là thường.
Khỉ mũ có thể phóng mình nhảy cao tới nhảy 9 ft (3 mét), và chúng tận dụng năng khiếu này để di chuyển từ cây này sang cây khác.
Thời kỳ mang thai của khỉ mũ kéo dài từ 160 tới 180 ngày. Con mới sinh biết bám vào ngực mẹ cho đến khi lớn hơn và có thể tự đi. Khỉ cha hiếm khi tham gia vào việc chăm sóc trẻ. Khỉ cái trưởng thành trong vòng 4 năm; khỉ đực 8 năm. Trong điều kiện nuôi nhốt, khỉ mũ có thể sống đến 45 năm; trong môi trường tự nhiên chỉ có 15 đến 25 năm.
Khỉ mũ rất thông minh và dễ huấn luyện cho nên tại một số quốc gia phát triển, chúng được sai khiến để giúp đỡ những người bị cụt tay chân trong những công việc nhà lặt vặt. Chúng cũng được nuôi để làm thú kiểng, để làm trò giải trí đường phố hay gánh xiệc. Rất tiếc là chúng cũng bị dân bản xứ săn bắt để lấy thịt. Bù lại, chúng có tỷ lệ sinh sản cao và có thể dễ dàng thích nghi với môi trường sống. Do đó, sự mất rừng không ảnh hưởng xấu đến chúng như các loài khác đang gánh chịu nguy cơ tuyệt chủng.
Howler (Khỉ hú)
 
Hình: Khỉ hú - Howler
Khỉ rú (khỉ hú) là một trong các giống khỉ Tân Thế Giới (Nam và Trung Mỹ Châu) to con nhất, và là một trong những giống khỉ biết làm chỗ ở, một hình thức làm nhà xây tổ. Có 15 loài khỉ hú hiện tại được công nhận. Được phân loại thuộc họ Cebidae trước đây, ngày nay chúng được xếp thuộc họ Atelidae. Có những con khỉ có tiếng hú rất lớn vang xa ba dặm xuyên qua rừng rậm.
Khỉ hú có mõm ngắn và phình rộng, hai lỗ mũi tròn. Mũi của chúng rất thính hơi, có thể ngửi ra mùi thức ăn của chúng (phần chánh là trái cây và các loại hạt) từ khoảng cách xa đến 2 km. Chúng có thân hình dài 56 - 92 cm, không kể cái đuôi dài bằng thân hoặc dài hơn; và đó là một đặc tính nguyên tố của loài khỉ hú giúp cho chúng leo trèo đong đưa trên cành cây để hái trái.
Khỉ hú thường di chuyển trên những cành cây cao, luôn luôn bám cành bằng hai tay và quấn đuôi vào cành cây. Đuôi của khỉ hú trẻ rất mạnh, đủ sức chịu đựng xách hổng toàn bộ trọng lượng cơ thể của chúng. Khi già hơn và cơ thể trở nên nặng nề hơn, chúng không thể trông cậy vào sức mạnh của cái đuôi để nâng cơ thể đầy đủ nữa. Chúng có tuổi thọ từ 15 đến 20 năm.
Khỉ hú sống thành nhóm từ 6 đến 15 con, với vài ba con đực trưởng thành và nhiều con cái. Khỉ hú Alouatta palliata là một ngoại lệ, thường sống trong nhóm từ 15 đến 20 con với hơn ba con đực trưởng thành. Mỗi bầy khỉ hú có tỷ lệ nam nữ trung bình là số khỉ cái gấp 4 lần số khỉ đực. Khỉ hú đực và cái đều biết làm bổn phận chăm sóc trẻ con chung. Khỉ hú trong bầy ít khi đánh nhau hoặc nếu có cũng không lâu.
Như tên gọi, khỉ hú dùng tiếng hú làm phương tiện truyền thông, phần quan trọng nhất trong giao tiếp xã hội của chúng. Khỉ đực thường hú vào lúc sáng sớm và buổi chiều tối và cũng hú xen kẽ trong ngày. Chúng được coi là loài vật to tiếng lớn họng nhất. Theo Sách Kỷ Lục Hoàn Vũ Guinness (Guinness Book of World Records), tiếng hú của chúng có thể nghe được rõ ràng cách xa 3 dặm Anh (4,8 km). Chúng hú là để xác định khoảng cách giữa các nhóm, bảo vệ lãnh thổ và có thể là để phô trương tán tỉnh nữa.
Những con khỉ tuy to lớn nhưng di chuyển chậm này là loài khỉ Tân Thế Giới duy nhất ăn lá cây. Chúng ăn lá trên ngọn cao cùng với trái cây, chồi non, hoa, và các loại hạt. Chúng cẩn thận không ăn quá nhiều lá một lần của một cây vì sợ có thể bị ngộ độc; không chừng chúng bị rồi nên rút kinh nghiệm.
Các mối đe dọa diệt chủng của khỉ hú là bị mất dần môi trường sống và bị bắt ăn thịt. Dù ít khi hung hăng, khỉ rú khó thích ứng trong môi trường nuôi nhốt. Tuy nhiên, khỉ rú đen (Alouatta caraya) là một con vật nuôi tương đối phổ biến ở Á Căn Đình ngày nay do tính chất hiền dịu của chúng, so với xu hướng hung hăng của khỉ mũ thầy tu. Đó là chưa kể khỉ hú không được thông minh sáng dạ cho lắm; tiếng hú đinh tai nhức óc và nhất là… chúng cho ra quá nhiều chất thải.
Langur (con voọc)
 
Hìn: Voọc - Langur
Voọc là loài khỉ châu Á, đa số chúng có lông màu xám và một số ít có lông màu vàng; có mặt đen và 2 tai đen. Sự khác biệt giữa các loài voọc phần chánh là độ đậm lợt của 2 bàn tay và 2 bàn chân, màu sắc tổng thể và có chòm lông trên đỉnh đầu hay không. Loài voọc sống theo đàn từ 2 đến 15 con nhưng cũng có khi đến 30 con.
Voọc xám hoặc voọc Hanuman là loài voọc phổ biến nhất ở các nước Nam Á, là một nhóm khỉ Cựu Thế Giới cấu thành toàn bộ các chi Semnopithecus. Voọc xám to lớn và sống trên đất trong môi trường thưa cây cối và các khu vực đô thị trên tiểu lục địa Ấn Độ. Hầu hết các loài voọc được tìm thấy ở độ cao từ thấp đến trung bình, ngoại trừ voọc xám Nepal và Kashmir sống ở độ cao 4,000 m (13,000 ft) trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Voọc sống ở vĩ tuyến nam nhỏ con hơn voọc sống ở vĩ tuyến bắc. Con voọc có trọng lượng lớn nhất từng được ghi nhận là một con voọc đực cân nặng 26.5 kg (58 lb) sống ở Nepal. Voọc xám là đối thủ tương đương với các loài khỉ lớn nhất ở châu Á. Trọng lượng trung bình của voọc xám là 18 kg (40 lb) cho con đực, 11 kg (24 lb) cho con cái.
Voọc thường đi trên bốn chân và chia một nửa thời giờ sống trên mặt đất và một nửa khác trên cây. Chúng cũng đứng thẳng và nhảy bằng hai chân, leo trèo thẳng đứng. Voọc có thể nhảy ngang xa từ 3.7 đến 4.6 m (12-15 ft) và nhảy xuống từ 10.7 đến 12.2 m (35 - 40 ft).
Voọc xám Bắc Ấn Độ khi đi luôn ngoẹo đuôi về phía trước trong khi voọc xám Nam Ấn Độ và Tích Lan thì lại ngoẹo đuôi hình chữ "U" hoặc chữ "S". Voọc cũng có sự khác biệt rõ rệt về kích thước tùy thuộc vào giới tính; con đực luôn luôn lớn hơn con cái. Chiều dài từ đầu đến mông là 51 - 79 cm (20 - 31 in); đuôi dài hơn thân mình, từ 69 đến 102 cm (27 - 40 in).
Voọc Cát Bà ở Việt Nam (tên khoa học Trachypithecus leucocephalus) có lông đầu vừa vàng vừa trắng và lông thân màu đen, là họ hàng gần với voọc đầu trắng ở Hoa Lục Trachypithecus poliocephalus. Voọc Cát Bà là loài linh trưởng rất quý hiếm chỉ có trong các cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt của đảo Cát Bà, Hải Phòng với diện tích sinh sống nhỏ hơn 100 km² và có tên trong danh sách 25 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới và có lẽ là dạng linh trưởng hiếm nhất ở châu Á.
Voọc đen Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis) thuộc nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy đặt tên là voọc Hà Tĩnh nhưng chúng không phân bố ở Hà Tĩnh mà chủ yếu được tìm thấy ở trong khu núi đá vôi tỉnh Quảng Bình. Một cuộc khảo sát gần đây còn phát hiện chúng ở Quảng Trị. Chúng được đồng bào người dân tộc thiểu số Vân Kiều (ở Quảng Bình và Quảng Trị) gọi là “con cung” có nghĩa là loài “khỉ đen đuôi dài sống trong hang đá”.
Tại thủ đô New Delhi Ấn Độ, voọc Hanuman được đào tạo để xua đuổi những con khỉ vàng và những động vật hoang dã khác hay vào những chốn công cộng lục lạo phá phách. Vào tháng 10 năm 2010, khi New Delhi tổ chức Commonwealth Games (Đại Hội Thể Thao Khối Thịnh Vượng Chung), chính quyền thành phố đã huy động 38 con voọc làm nhiệm vụ "bảo vệ" canh đuổi thú quấy rối.
Voọc xám còn được người Hindu theo Ấn Độ giáo tôn thờ vì đó là hình ảnh của Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng của lòng dũng cảm. Hunaman chỉ huy đạo quân khỉ giúp cứu Sita, vợ của thần Rama, vị vua anh hùng được kể trong sử thi Ramayana. Theo thần thoại Ấn Độ, sở dĩ mặt và tay chân voọc có màu đen vì đó là vết tích của hậu quả bị bỏng cháy mà thần khỉ Hanuman phải chịu đựng trong khi chiến đấu.
Lemur (Vượn cáo)
Hình: Vượn cáo - Lemur
Vượn cáo là một nhánh động vật linh trưởng strepsirrhini thuộc nhóm linh trưởng bán hầu, tức là chúng không thuộc họ khỉ hoặc họ khỉ người. Chúng chỉ sống ở Madagascar và đã trải qua quá trình tiến hóa trong vòng 165 triệu năm. Phần nhiều vượn cáo có lông màu xám với các đốm màu vàng trên ngực. Bàn tay và bàn chân của chúng có màu đen, đuôi chúng màu nâu. Chúng đạt đến chiều dài 23 – 26 cm (9 – 10 in), cộng với một cái đuôi dài 35 – 41.5 cm (13.8 – 16.3 in). Chúng ăn nhiều loại quả và lá còn một số loài chỉ chuyên ăn một loại thức ăn. Vượn cáo chuột màu xám sống tới 5 năm nơi hoang dã, có thể sống tới 15 năm trong môi trường nuôi nhốt. Sinh sản diễn ra theo mùa, và tiếng kêu có âm riêng biệt được sử dụng để ngăn chặn sự lai giống với các loài có phạm vi phân bố chồng lấn. Thời gian mang thai kéo dài khoảng 60 ngày, và thường mỗi lứa vượn cáo chuột xám mẹ đẻ hai con non. Các con thông thường sống độc lập sau hai tháng sau khi sinh và có thể sinh sản sau một năm.
Vượn cáo chuột xám (danh pháp hai phần: Microcebus murinus) là một loài vượn cáo chuột nhỏ, trọng lượng từ 58 - 67 gram, nó là loài lớn nhất trong các loài vượn cáo chuột (chi Microcebus), một nhóm bao gồm các loài linh trưởng nhỏ nhất thế giới. Loài này được đặt tên như vậy là do kích thước và màu sắc của nó giống chuột nhắt và được biết đến tại địa phương (trong tiếng Malagasy) là tsidy, koitsiky, titilivaha, pondiky, và vakiandry. Gần như không thể phân biệt với nhau bởi bề ngoài, vượn cáo chuột màu xám và tất cả các loài vượn cáo chuột khác trong chi đã được coi là loài bí ẩn. Vì lý do này, vượn cáo chuột màu xám được coi là loài vượn cáo chuột duy nhất trong nhiều thập niên cho đến khi các nghiên cứu gần đây đã bắt đầu để phân biệt giữa các loài. Giống như tất cả các loài vượn cáo chuột khác, loài này hoạt động về đêm và sinh sống trên cây. Mặc dù khi đi tìm kiếm thức ăn thì đi riêng, nhưng chúng ngủ chung nhóm trong bọng cây vào ban ngày.
Bị những loài thú săn mồi ăn trhịt khiến cho vượn cáo có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn ở bất kỳ loài linh trưởng khác, đứng đầu bảng xếp hạng danh sách đỏ, trên cả loài động vật có vú, lớp bò sát, lưỡng cư. Theo báo cáo của Hiệp Hội Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế (The International Union for Conservation of Nature, viết tắt IUCN), hơn 90% trong tổng số 103 loài vượn cáo thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, 23 loài vượn cáo được xếp vào danh sách tối nguy cấp, 52 loài có nguy cơ tuyệt chủng đỡ hơn. Các nhà khoa học cho rằng, hành động phá rừng của con người và nhu cầu thịt rừng gia tăng ở Madagascar là nguyên nhân khiến nguy cơ tuyệt chủng của vượn cáo tăng nhanh. Nếu không có biện pháp bảo vệ ngay từ bây giờ, loài vượn cáo có thể sẽ biến mất khỏi Madagascar.
Proboscis monkey (Khỉ mũi vòi)
 
Hình: Khỉ mũi vòi – Proboscis monkey
Khỉ mũi dài, hay còn gọi là khỉ mũi vòi hay khỉ vòi (tên khoa học: Nasalis larvatus; tên Mã Lai và Nam Dương: bekantan) là loài khỉ Cựu Thế Giới chỉ được tìm thấy trên đảo Borneo, Nam Dương. Đặc điểm nổi bật của chúng là có cái bụng bự cùng một cái mũi vừa to vừa dài. Nam Dương từng bị Hòa Lan cai trị cho nên dân bản xứ Borneo ví von gọi khỉ mũi vòi là "monyet belanda", có nghĩa là khỉ Hòa Lan. Thậm chí có khi họ gọi tắt là "belanda", người Hòa Lan. Lý do là vì khỉ mũi vòi có cái bụng bự và cái mũi dài và to trông giống như mấy ông thực dân Hòa Lan theo cái nhìn của người dân từng bị đô hộ.
Khi chúng vui mừng hay bị kích thích, chiếc mũi của chúng sẽ “nở” to lên và rung động. Chiếc mũi chính là công cụ giúp khỉ đực quyến rũ bạn tình. Khỉ đực có mũi càng dài, càng hấp dẫn con cái. Có những con khỉ đực mũi dài tới 18 cm. Cũng nhờ chiếc mũi này mà khỉ vòi có thể phát ra những âm thanh vang xa nhiều dặm. Khỉ mũi vòi là khỉ đơn loại (monotypic), có nghĩa là chúng không có loài họ hàng tương cận, mặc dù theo truyền thống, voọc đuôi lợn (pig-tailed langur) cũng được bao gồm trong chi này.
Sự khác biệt về kích thước và trọng lượng giữa hai phái tính khỉ mũi vòi rất rõ rệt. Con đực có chiều dài đầu và thân là khoảng từ 66 cm đến 76,2 cm (26 in - 30 in); trọng lượng từ 16 kg đến 22.5 kg (35 lb - 50 lb). Con khỉ đực nặng nhất được biết đến là 30 kg (66 lb). Chiều dài con cái là từ 53,3 cm đến 62 cm (21 in – 24.4 in) và cân nặng là từ 7 kg đến 12 kg (15 lb - 26 lb). Con cái cân nặng tối đa là 15 kg (33 lb). Mỗi đàn khỉ vòi thường gồm 8 – 10 con, chiếm đóng một khu vực rộng chừng 2 km vuông. 
Khỉ mũi vòi bụng bự là vì (không phải do uống bia) dạ dày của chúng chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn chứa một loại chất men (enzyme) khác nhau để tiêu hóa thức ăn. Do lá cây không có nhiều chất dinh dưỡng nên khỉ mũi vòi mất cả ngày để hái lá cây nhằm lắp đầy cái dạ dày nhiều ngăn của chúng, điều đó càng làm cho cái bụng càng to lớn hơn. Còn về cái mũi quá khổ của chúng, có người cho rằng mũi bự là để khỉ hít hơi nhiều làm mát cơ thể. Giả thuyết khác lại cho rằng chúng dùng cái mũi để dương oai khi giận hay khi tranh giành cái gì đó. Nhưng có lẽ giả thuyết được nhiều người tán đồng nhất là cái mũi đó dùng để tạo ấn tượng tốt với khỉ cái; mũi càng to càng đẹp.
Khỉ mũi vòi bị xếp trong số những động vật xấu xí nhất hành tinh theo kết quả của một cuộc bình chọn năm 2013. Hiện tại, loài này đang nằm trong Danh sách báo động đỏ, tức là đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Khỉ đẹp cũng chết, khỉ xấu cũng chết.
Emperor Tamarin (Khỉ Tamarin Hoàng Đế)
 
Hình: Khỉ Tamarin hoàng đế– Emperor Tamarin
Khỉ hoàng đế Tamarin, còn có tên là khỉ Brockway, tên khoa học Saguinus imperator, là một giống khỉ tí hon nhỏ nhắn ở Nam Mỹ. Chúng được đặt tên theo hoàng đế Đức Wilhelm II, người nổi tiếng có bộ râu mép rậm dài trông rất oai vệ. Râu uốn vòng cung và thậm chí kéo dài sang hai bên mặt. Cả con đực và con cái khỉ hoàng đế đều có râu. Ngoài bộ ria mép dài nổi bật, chúng cũng có lông màu trắng gần như kín đáo dưới cằm phải nhìn kỹ mới thấy. Lông ngực và bụng của chúng là một hỗn hợp của các màu đỏ, cam và trắng; lông trên lưng thì màu nâu sẫm. Một loại khỉ hoàng đế nữa với tên khoa học là Saguinus subgrisecens imperator, cũng có cấu trúc sinh học y như Saguinus imperator nhưng khác màu lông ngực, bụng, cánh tay. Ngoài ra, phân loài này còn có thêm một bộ râu cằm bạc trắng rõ nét dễ thấy.
Lông của loài linh trưởng này phần nhiều là màu xám, tứ chi màu đen và đuôi thì màu nâu, có chút đốm vàng trên ngực; đầu và thân hình dài khoảng 35 – 41cm, nặng khoảng 500 gr. Các ngón tay chân của khỉ hoàng đế có móng nhọn; ngón cái rất lớn. Móng vuốt giúp chúng dễ dàng bám vào thân cây, duy trì một vị thế thân mình thẳng đứng phù hợp với môi trường rừng rậm. Do cây cối mọc gần nhau, chúng có thể từ cây này phóng qua cây khác mà khỏi phải trở xuống đất. Chúng sống trên cây cao, tán trên 10 m trong rừng nhiệt đới ở phía Tây Nam lưu vực sông Amazon, ở phía Đông Peru, phía Bắc Bolivia và ở hai tỉnh Acre và Amazonas phía Tây Brazil. Mỗi ngày chúng ăn nhiều loại trái cây hoa quả khác nhau vốn có sẵn rất nhiều do môi trường thực vật phong phú. Chúng cũng ăn nhựa tiết ra từ thân cây do chúng khoét. Nhiều con cũng ăn côn trùng, ếch nhái, tùy loại rừng mà chúng cư ngụ. Con cái có năng khiếu tìm kiếm thức ăn ngon giỏi hơn con đực.
Mỗi đàn khỉ hoàng đế Tamarin gồm từ 4 đến 18 con, dưới hình thức một gia đình mở rộng, thường thường cầm đầu bởi một con cái đang trong thời kỳ sinh sản và con đực bạn đời của nó. Tuổi sinh sản của khỉ hoàng đế là khoảng 16 - 20 tháng, thời gian mang thai lên đến 6 tháng, thường sinh con trong mùa mưa khi nguồn thực phẩm dồi dào. Khỉ hoàng đế được xếp vào loài động vật sống một vợ một chồng, nhưng các cuộc theo dõi quan sát chúng trong môi trường tự nhiên chứng minh cho thấy khỉ cái giao phối với nhiều con đực có ưu thế.
Cả khỉ đực lẫn khỉ cái trong đàn cùng chia xẻ trách nhiệm nuôi giữ trẻ, con sinh trước (anh chị) trông coi săn sóc em. Khỉ đực tỏ ra khéo giữ em hơn,
tinh ý phản ứng nhanh trong việc bảo vệ khỉ con hơn. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong tự nhiên cao nhất là lúc từ 5 đến 15 tuần lễ đầu. Đó là khoảng thời gian khỉ con khinh suất thích tự mình leo trèo khám phá nên dễ bị sút tay bám và rơi xuống từ tán lá cao.
Sự sinh tồn của khỉ hoàng đế tương đối không cần phải quan tâm nhiều nhất, tuy số lượng đã bị suy giảm do các mối đe dọa của nạn phá rừng và xâm lấn của con người. Chúng đang được bảo vệ trong khu bảo tồn tại Công viên quốc gia Manu ở Peru và tại Khu bảo tồn Quốc gia Manuripi của Bolivia.
White-faced Saki (Khỉ mặt trắng)
Hình: Khỉ mặt trắng – White-faced Saki
Khỉ mặt trắng (tên khoa học: Pithecia pithecia), còn được gọi là saki Guianan và saki mặt vàng, là một loại khỉ Tân Thế Giới, được tìm thấy ở Brazil, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Suriname và Venezuela. Loài này sống trong rừng cây có tán lá thấp, ở độ cao tới 2,300 feet. Chúng ăn thức ăn chính là  các loại quả mọng (berries) lá, hoa, các loại hạt và trái cây. Thức ăn phụ của chúng gồm có côn trùng, mật ong, động vật nhỏ như chuột, chim và dơi. Chúng bắt dơi bằng cách móc bọng cây, xong xé xác lột da ăn thịt. Khi ngủ, chúng cuộn mình lại nằm trên nhánh cây.
Khỉ mặt trắng có đặc điểm là bộ lông con đực và con cái khác màu. Con cái có bộ lông ngắn hơn và có màu nâu xám, có sọc trắng hoặc nâu lợt xung quanh mũi miệng. Con đực có bộ lông đen hơn, trán, mặt, cổ màu đỏ trắng. Khỉ mặt trắng đực có chiều dài đầu và mình từ 33 cm đến 38 cm, cân nặng từ 1.9 đến 2.1 kg. Khỉ cái hơi nhỏ hơn và nhẹ hơn. Đuôi của chúng hơi dài hơn thân mình, từ 33 đến 45 cm. Chân chúng dài hơn tay nên chúng phóng nhảy trên cây rất xa và rất lẹ.
Trong điều kiện nuôi nhốt, khỉ mặt trắng cái trải qua chu kỳ rụng trứng khoảng 17 ngày, một giai đoạn mang thai từ 20 đến 21 tuần. Sau khi sinh, khỉ mẹ trải qua một khoảng thời gian vô sinh kéo dài trung bình 23 tuần. Chúng là loài khỉ sinh hoạt vào ban ngày, hoàn toàn sống trên cây cao, đôi khi xuống cành thấp hoặc thậm chí bụi cây để tìm thức ăn.  
Chúng sống từng gia đình riêng gồm khỉ cha khỉ mẹ và hai hoặc ba khỉ con. Khỉ mẹ chỉ sinh mỗi lần một con; thời điểm sinh con thường trong tháng 11 và 12. Khỉ con đeo sát theo mẹ trong vài tuần đầu; sau đó cũng được khỉ cha và khỉ anh khỉ chị cõng bồng. Khỉ con có thể tự lập sau 6 tháng, nhưng vẫn ở với gia đình của nó sau thời hạn này. Chúng sống đến 14 tuổi trong tự nhiên, nhưng có thể sống tới 35 tuổi trong vườn thú.
Trong thiên nhiên, khỉ mặt trắng phải đối đầu với nhiều mối đe dọa. Sống trên cây cao, chúng dễ bị làm mồi ngon cho các loài chim lớn như đại bàng, kên kên, ó, kế đến là trăn đuôi đỏ, rắn khổng lồ anaconda xanh, chồn, beo đốm, mèo đốm (ocelot)… Khi gặp mối đe dọa, cả gia đình chúng báo động gọi nhau gom lại một chỗ núp và ngồi co rúm bất động. Chờ bớt cơn nguy hiểm, chúng lén rút xuống tán lá thấp rậm rạp kín đáo hơn để trốn.
Khỉ mặt trắng hiện chưa bị xếp vào Danh sách Báo động Đỏ của cơ quan quốc tế bảo tồn thiên nhiên IUCN (International Union for Conservation of Nature). Tuy nhiên, do mất môi trường sống và buôn bán vật nuôi, tình trạng này có thể thay đổi.
Bearded saki (Khỉ râu)
 
Hình: Khỉ râu – Bearded saki
Khỉ râu, tên thổ dân Nam Mỹ là cuxiús, là loại khỉ Tân Thế Giới thuộc chi Chiropotes. Khỉ râu có bộ râu rậm rạp "hoành tráng" như râu Fidel Castro, mọc từ hàm dài che cổ họng xuống tận ngực. Chúng được gọi là khỉ râu vì những con cái của loài khỉ này cũng có râu, tuy không bằng râu của những con đực. Đuôi chúng dài và rậm, dùng để giữ thăng bằng chứ không phải để quấn đeo nhánh cây. Khỉ râu có kích thước là 32-51 cm và cân nặng 2-4 kg. Chúng có đuôi dài rậm rạp để giữ thăng bằng cho cơ thể. Khỉ râu là loài động vật ăn tạp; chúng ăn trái cây là chính, ngoài ra là lá, hoa, côn trùng, động vật có xương sống nhỏ như loài gặm nhấm hoặc dơi.
Có tất cả 5 loại khỉ râu khác nhau: khỉ râu đen, khỉ râu lưng đỏ, khỉ râu lưng nâu, khỉ râu mũi trắng và khỉ râu Uta Hick. Chúng sống ở phía đông và trung tâm Amazon ở Nam Mỹ, trải rộng gồm miền nam Venezuela, Guyana, Suriname, Guiana thuộc Pháp, miền bắc và miền trung Brazil. Mỗi loại khỉ râu sống ngăn cách bởi những con sông lớn.
Giống như nhiều khỉ Tân Thế Giới khác, khỉ râu sinh hoạt ban ngày và sống trên cây. Chúng sinh sống ở những khu rừng mưa nhiệt đới, thường là trên các ngọn cây. Chúng di chuyển bằng cả bốn chi (2 tay và 2 chân), dùng hầu hết thì giờ trong ngày cho việc tìm kiếm thức ăn. Ban đêm, khỉ râu ôm chặt nhánh cây để ngủ, và không bao giờ trải qua nhiều đêm liên tiếp trên cùng một cây. Chúng sống từng bầy khoảng từ 18 tới 30 con. Những con trong bầy nói chuyện với nhau bằng tiếng kêu chíu chít như tiếng chim và hút gió (huýt sáo). Chúng cũng "giao tiếp xã hội", đôi khi nhập bọn với các linh trưởng khác như khỉ mũ (khỉ thầy tu) và khỉ sóc.
Mỗi năm một lần (thường vào đầu mùa thu hoặc cuối mùa hè) khỉ râu cái sinh một đứa con duy nhất sau một thời kỳ mang thai 5 tháng. Sau khoảng ba tháng, khỉ con bắt đầu tự lập, tự khám phá môi trường sinh sống. Khỉ râu đạt tới tuổi trưởng thành đầy đủ lúc 4 tuổi. Tuổi thọ của chúng là khoảng 15 năm.
Khỉ râu đang phải đối mặt nghiêm trọng với nguy cơ diệt chủng.
Tarsier (Khỉ lùn)
 
Hình: Khỉ lùn - Tarsier
Khỉ lùn tarsier là loài linh trưởng haplorrhine của gia đình Tarsiidae xuất hiện trên Trái đất từ 45 triệu năm trước, từng phổ biến rộng rãi, từng bị tuyên bố là đã tuyệt chủng vào năm 1921. Tuy nhiên, vào năm 2008, giới khoa học lại khám phá loài khỉ lùn Tarsier này tại Indonesia và một số quốc gia Đông Nam Á.


Chúng là một trong số các loài khỉ nhỏ nhất và quý hiếm nhất trên trái đất, đầu và thân chỉ đo khoảng 8.5 - 16 cm, đuôi thon dài từ 20 đến 25 cm, trọng lượng khoảng 600 gr. Ngoài đôi mắt to, khỉ lùn Tarsier còn có một đôi tai to không kém. Đôi tai này hỗ trợ đắc lực cho chúng khi nghe ngóng động tĩnh của con mồi như côn trùng, chim, rắn hay thằn lằn. Đây là loài linh trưởng duy nhất chỉ ăn thịt động vật. Chúng ăn thằn lằn, côn trùng, thậm chí chúng cũng biết vồ bắt chim đang bay để ăn. Tuy nhiên, đặc điểm đáng chú ý nhất của khỉ Tarsier là cặp mắt to không tương xứng so với kích thước cơ thể, to nhất trong các loài động vật có vú. Chúng còn có thể nghe và phát ra âm thanh ở một tần số riêng để liên lạc báo động.
Chúng cũng sở hữu lớp lông dày để giữ ấm cơ thể trong môi trường lạnh và ẩm ướt. Thay vì có móng tay, móng chân như các loài linh trưởng khác, khỉ lùn lại sở hữu những vuốt cong để bám chặt vào thân cây phủ đầy rêu. Chi sau của chúng khá dài, đặc biệt là phần xương mu bàn chân. Nhờ có đôi chân này mà chúng có thể chuyền cành thoăn thoắt trên cây vào ban đêm. Khoảng cách một cú nhảy của chúng có thể dài gấp 40 lần chiều dài cơ thể. Thời gian mang thai của khỉ lùn khoảng sáu tháng, sinh mỗi lần một con duy nhất. Khỉ lùn con vừa chào đời, chúng đã có bộ lông dày, mắt mở, có thể tự leo lên cây và sẽ thành thục lúc hai tuổi. Khỉ lùn tarsier có xu hướng là động vật vô cùng nhút nhát. Trong môi trường nuôi nhốt, khỉ lùn khó thích nghi và hiếm khi sinh sản.
Hiện nay loài khỉ này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Nguyên nhân chủ yếu một mặt là do môi trường sống của chúng đang bị thu hẹp và nhiều loài mèo hoang dã coi chúng như con mồi để săn bắt. Mặt khác, loài khỉ quý hiếm này thường xuyên bị người dân địa phương bắt để nuôi và bán cho khách du lịch. Một trại trú dưỡng gần thị trấn Corella trên đảo Bohol của Phi Luật Tân, đang nuôi hy vọng sẽ thành công phục hồi số lượng khỉ lùn. Năm 2011, một người tên Carlito Pizarras đã lập ra Trung Tâm Nghiên Cứu Và Phát Triển Khỉ Lùn (Tarsier Research and Development Center), một hình thức khu bảo tồn có rào bao bọc và được con người chăm nuôi. Sự bảo tồn môi trường sống của khỉ lùn vô cùng cần thiết và cấp bách. Nếu không, chắc chắn chúng sẽ bị tuyệt chủng trong tương lai không xa.
Colobus monkey (Khỉ 2 màu đen và trắng)
 
Hình: Khỉ đen trắng– Colobus monkey
Khỉ 2 màu (colobuses hoặc colobi) là một loại khỉ Cựu Thế Giới chi Colobus, có nguồn gốc từ châu Phi. Có năm loài khỉ này, với ít nhất tám phân loài. Chúng có liên quan chặt chẽ với những con khỉ colobus nâu của chi Piliocolobus. Chữ "colobus" xuất phát từ tiếng Hy Lạp kolobós κολοβός có nghĩa là "neo đậu", và được đặt tên như vậy vì ngón tay cái của loài khỉ này cụt lóng trông như một cây đã bị đốn chỉ còn trơ gốc. Colobuses là động vật ăn cỏ, lá, trái cây, hoa và nhánh cây nhỏ. Môi trường sống của chúng bao gồm rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, rừng ven sông, đồng cỏ có cây cối. Chúng được tìm thấy nhiều trong rừng rậm có cây tốt để lấy gỗ hơn là trong các khu rừng nguyên sinh khác. Chúng có hệ thống tiêu hóa của loài động vật nhai lại giống như trâu bò. Điều này cho chúng ưu thế mà các loài linh trưởng khác không có.
Khỉ 2 màu sống từng nhóm trong lãnh thổ riêng với khoảng chín con mỗi nhóm gồm một con đực, vài con cái và đám khỉ con. Khỉ con mới sinh có bộ lông hoàn toàn màu trắng (như trong hình), sau đó mới biến đổi dần sang màu đen. Khỉ 2 màu có tập tính các con cái trong nhóm cùng chia xẻ trách nhiệm với khỉ mẹ trong công việc trông nuôi giữ trẻ (allomothering).
Khỉ 2 màu rất hữu ích cho việc truyền rải hạt giống để cây cối sinh sản nhờ chúng có thói quen ăn uống cẩu thả và cũng nhờ hệ thống tiêu hóa của chúng. Chúng là mồi ngon của các loài thú ăn thịt rừng như hổ báo, và chúng đang bị đe dọa bởi săn bắn cho thương mại thịt rừng, khai thác gỗ và mất môi trường sống. Chúng nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị tuyệt chủng.
Uacari (Khỉ trọc)
 
Hình: Khỉ trọc – Uacari
Khỉ trọc (tên khoa học: Cacajao calvus; tên gọi tiếng Anh: Uacari) là một loại khỉ Tân Thế Giới. Điểm nổi bật của chúng là cái đầu trọc, khuôn mặt đỏ rực, cái đuôi rất ngắn khoảng 15 cm và bộ lông dài bờm xờm màu trắng, nâu hoặc cam. Tuy đuôi ngắn nhưng chúng vẫn có thể di chuyển nhanh nhẹn trên cây. Mặt chúng có màu đỏ là do vừa thiếu sắc tố da vừa có nhiều mao mạch chạy dọc theo mô mặt của chúng. Chúng chỉ được tìm thấy giới hạn trong khu rừng Várzea gần lưu vực sông Amazon thuộc hai nước Ba Tây và Peru. Chúng thường sống từng đàn độ 10 con. Chúng cũng biết cất thức ăn dự trữ trên cây để đề phòng những ngày vào mùa khô, thức ăn trở nên khan hiếm.
Khỉ trọc chọn ưu tiên sống trên ngọn cây vào mùa mưa khi các khu rừng thường bị lũ lụt làm mực nước dâng cao. Trong mùa khô, chúng trở xuống mặt đất để tìm kiếm hạt giống và nguyên liệu thực phẩm khác. Một nghiên cứu cho thấy thức ăn của khỉ trọc bao gồm 67% hạt, 18% trái cây, 6% hoa, 5% con mồi động vật, và mầm nụ. Hàm dưới của chúng rất khỏe nên chúng có thể cắn bể vỏ cứng của trái cây để ăn hạt mà hầu hết các loài linh trưởng khác chịu thua không mở được. Chúng cũng xơi tái luôn con côn trùng nào tình cờ chúng gặp trên đường đi. Tuy nhiên, đó không phải là  loại thức ăn mà chúng tìm kiếm.
Nguyên một đàn khỉ trọc từ 5 đến 30 con (có khi cả trăm con) có thể đi 4.8 km mỗi ngày. Tổng diện tích phạm vi cư trú của đàn từ 500 đến 600 ha. Điều này đòi hỏi chúng cần có một cơ chế bảo vệ lãnh thổ hiệu quả. Một vài trong số các phương cách bảo vệ này là tiếng kêu chuyên biệt, tín hiệu vẫy đuôi và dựng tóc, các thứ mà con người không thể làm được.
Da mặt màu đỏ tươi là dấu hiệu của sức khỏe tốt xác định một người bạn đời khỏe mạnh để chọn. Mùa sinh sản của khỉ trọc là từ giữa tháng 10 và tháng 5. Chu kỳ mang thai của chúng là khoảng sáu tháng. Khỉ trọc đực lẫn cái đều có một tuyến xương ức; xương này có thể liên quan đến sự truyền thông bằng khứu giác, đặc biệt là trong thời kỳ sinh sản, khi con cái khuyến khích con đực giao phối bằng cách tạo ra hương thơm quyến rũ. Khỉ trọc sống khoảng 30 năm trong thiên nhiên và sống lâu hơn trong môi trường nuôi nhốt.
Do sống trong rừng ẩm nước, khỉ trọc rất dễ mắc bệnh sốt rét. Loài linh trưởng nào khi nhiễm bệnh thì màu da cũng trở nên nhợt nhạt và không được chọn làm đối tượng tình dục khi chúng không có khả năng miễn dịch sốt rét tự nhiên cần thiết.
Night monkey (Khỉ cú)
 
Hình: Khỉ cú – Night monkey
Khỉ đêm, cũng được gọi là khỉ cú (tên khoa học: Aotus trivirgatus; tên tiếng Anh: night monkeys, owl monkeys, douroucoulis), là thành viên của chi Aotus khỉ Tân Thế Giới (đơn loài trong gia đình Aotidae). Như tên gọi, khỉ cú sinh hoạt và tìm thức ăn vào ban đêm, là loài linh trưởng duy nhất có tập tính này. Khỉ cú có nguồn gốc từ Panama và các vùng nhiệt đới khác ở Nam Mỹ. Chúng có bộ lông từ màu nâu xám tới màu đỏ và cặp mắt to để có thể nhìn xuyên thấu bóng tối. Tai của chúng rất nhỏ nên khó nhìn thấy. Đó là lý do tại sao người ta chọn cho chúng tên chi khoa học là Aotus, theo chữ La Tinh có nghĩa là "không tai".
Dữ liệu về trọng lượng của những con khỉ đêm sống trong thiên nhiên hầu như rất ít. Các số liệu đã thu thập được cho biết trọng lượng khỉ cú đực và cái không khác nhau mấy, nặng nhất là khỉ cú Azara khoảng 1 kg 25; nhẹ nhất là khỉ cú Brumback từ 455 và 875 gram. Con đực có chiều cao 346 mm và con cái, đo được 341 mm, chỉ thấp hơn đôi chút.
Đa số khỉ cú chỉ sống với một bạn tình trong đời; có "gia đình" như người gồm một con đực trưởng thành, một con cái trưởng thành cùng con con (như trong hình). Trường hợp một con khỉ đực hoặc khỉ cái chung sống với hai bạn tình trở lên khá hiếm hoi. Khi một con khỉ đực muốn chung sống với một con khỉ cái đã "yên bề gia thất", nó sẽ đánh nhau với "chồng" của đối tượng. Nếu giành được phần thắng, nó sẽ thay chỗ của đối thủ. Những con khỉ cái cũng giành giật bạn tình theo kiểu tương tự.
Để tìm hiểu mối quan hệ giữa số lượng bạn tình và khả năng sinh sản của khỉ cú đực, các nhà khoa học của Đại học Pennsylvania Hoa Kỳ đã theo dõi 154 con khỉ thuộc 18 đàn khỉ lớn ở vùng Chaco ở Á Căn Đình từ năm 1997. Họ thu thập dữ liệu về hành vi, số lượng khỉ trong đàn, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của từng con. Eduardo Fernandez-Duque, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi có thể biết thời điểm một con khỉ cú cũ bỏ đi hay một con khỉ mới xuất hiện trong đàn. Chúng tôi cũng theo dõi lúc những con khỉ đực xô xát nhau, cũng như quá trình thay thế bạn tình của chúng".
Nhóm nghiên cứu ghi nhận 50 trường hợp khỉ cái và khỉ đực giành giựt bạn tình từ kẻ khác. Họ nhận thấy những con khỉ cái một "chồng" sinh nhiều con hơn so với những con khỉ cái lang chạ. Nếu tính trong vòng một thập niên, số lượng con mà những con khỉ "một chồng" sinh ra lớn hơn 25% so với những con kia. Họ chưa tìm ra nguyên nhân khiến khả năng sinh sản của những con khỉ cái giảm nếu chúng sống với hai bạn tình trở lên.
Giống như con người, khỉ cú đực chia xẻ trách nhiệm nuôi con. Vì vậy, các chuyên gia đoán rằng kiểu kết đôi chung thủy giúp chúng làm tăng sức khỏe sinh sản. Trong những "gia đình chung thủy", khỉ đực sẽ chăm sóc những đứa con của chúng rất cẩn thận nên khỉ cái không phải mất nhiều thì giờ và công sức. Ngược lại, nếu khỉ cái sống với ít nhất hai khỉ đực, con khỉ đực "chồng sau" sẽ không quan tâm tới những đứa con riêng của "vợ". Do đó, khỉ cái phải dành nhiều thì giờ và công sức cho việc nuôi con. Tình trạng đó khiến cho khả năng sinh sản của chúng giảm đi.
Chúng là một trong số ít các loài khỉ bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt sinh vật đơn bào Plasmodium falciparum của con người. Do đó chúng rất hữu ích cho các cuộc thí nghiệm nghiên cứu bệnh sốt rét.
Snub-nosed monkey (khỉ mũi tẹt)
 
Hình: Khỉ mũi tẹt - Snub-nosed monkey
Loài khỉ mũi tẹt, (tên khoa học Rhinopithecus) còn được gọi là "khỉ lông tuyết", được tìm thấy trên dãy núi Tần Lĩnh (Qin Ling) cao trắc trở ở trung bộ Trung Hoa. Trải qua nhiều ngàn năm tiến hóa, chúng chinh phục được môi trường sống khắc nghiệt để tồn tại. Chúng có bộ lông màu hoàng kim  và là một trong 5 loài tương tự còn sót lại của giống khỉ đông đảo từng sống trong một phạm vi rộng rãi nhưng dần dần bị thu hẹp bởi khí hậu biến đổi sau thời kỳ băng hà cuối cùng.
Chúng chỉ cao 75cm, nhưng đuôi của chúng gần dài bằng cơ thể. Con đực trưởng thành khi 7 tuổi, con cái khi 4-5 tuổi. Chúng sống thành đàn đông tới 400 con, một lần nữa đang bị dồn ép do tình trạng con người xâm lấn môi trường để khai thác gỗ, khai quang lập khu dân cư, săn bắt khỉ để lấy thịt, xương (được người Tàu cho là có nhiều dược tính), và bộ lông quí hiếm đắt giá. Chúng bị bắt buộc phải rút lên vùng núi ở độ cao gần 10,000 feet, nơi thời tiết mùa đông kéo dài hơn. Hiện nay có khoảng 20,000 con khỉ mũi tẹt còn tồn tại trên trái đất, trong số đó có 4,000 con được bảo vệ sinh sống trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Zhouzhi. sống trên khu vực núi của Trung Hoa, được ghi trong Sách đỏ những loài cần được bảo vệ.
Hầu như suốt ngày chúng sống trên cây, vừa tìm được thức ăn vừa an toàn. Nhóm lớn thường được chia thành các nhóm nhỏ hơn. Những nhóm nhỏ này do một con đực trưởng thành cầm đầu. Hơn 90% thời gian, khỉ sống trên cây. Thức ăn của chúng là quả và trái cây vào mùa hè, vỏ và lá vào thời gian còn lại trong năm. Chúng không thích xuống đất, nhưng khi buộc phải xuống, chúng di chuyển rất khéo léo.
Lý do tại sao chúng có khuôn mặt kỳ lạ, không ai biết chắc, nhưng nhà linh trưởng học Nina Jablonski thuộc Trường Đại Học Tiểu Bang Pennsylvania giải thích rằng loài khỉ này có mõm phẳng từ sự tiến hóa để chống lại cái lạnh khắc nghiệt, "để mũi khỏi bị tê cóng".
Người viết mới ở Canada có 40 năm mà cái mũi dường như cũng xẹp bớt rồi thì phải. Khỉ!
Phan Hạnh - Bính Thân 2016.
(Viết dựa theo Bách Khoa Từ Điển trực tuyến Wikipedia và một số trang mạng điện tử khác.)
PH-HCA

Không có nhận xét nào: